Thật Đơn Giản - Phỏng Vấn Tuyển Dụng
15. Bạn sẽ làm gì nếu được tuyển dụng?
Chúc mừng bạn đã được tuyển dụng! Nếu bạn muốn có công việc đó, hãy vui vẻ nhận và tiếp tục bước đàm phán tiếp theo. Nếu bạn không thích công việc đó hoặc vừa nhận được lời mời làm một công việc tốt hơn, hãy lịch sự từ chối. Bạn không thể biết được khi nào sẽ lại chạm trán họ và sẽ không có lợi cho bạn nếu bạn từng nói, mặc dù rất thật, rằng họ cứ giữ lại việc của họ và bạn không thể nhận việc nếu họ chỉ trả lương 1 triệu.
Mẹo phỏng vấn
Về mặt pháp luật, công việc mới của bạn chưa có gì chắc chắn nếu bạn chưa ký hợp đồng lao động. Vì vậy, không nên truyền tay thông báo của bạn cho đến khi quy trình tuyển dụng kết thúc, nếu không bạn có thể kết thúc cuộc phỏng vấn mà không có được việc làm.
Tính toán thời gian không hợp lý
Vấn đề là bạn được tuyển dụng, nhưng bạn vẫn đang chờ đợi một lời mời làm việc tốt hơn. Bạn không muốn nhận lời ngay bởi bạn có thể bị lỡ cơ hội có việc làm tốt hơn, nhưng bạn cũng không muốn từ chối bởi có thể bạn không có được lời mời làm việc tốt hơn. Bạn nên làm thế nào?
Trong tình huống này phản ứng đầu tiên của bạn là thực hiện kế hoãn binh. Hãy nói rằng, bạn rất vui khi được tuyển dụng và xin phép được suy nghĩ và trả lời họ sau một ngày. Nếu bạn xin thời hạn quá lâu, họ sẽ đoán được điều gì đang diễn ra. Đừng để họ biết bạn đang hy vọng nhận được một lời mời tốt hơn. Nếu họ hỏi vì sao bạn cần thời gian quyết định, bạn có thể nói rằng bạn muốn thảo luận vấn đề này với gia đình, hay chỉ cần nói: chuyển sang một công việc mới là một quyết định lớn, bạn không muốn đưa ra quyết định vội vã. Họ sẽ không còn gì để thắc mắc.
Khi đó, bạn có lý do hoàn toàn hợp lý để liên lạc với ông chủ mà bạn thích và giải thích rằng bạn nhận được lời mời làm việc của công ty khác. Họ sẽ rất vui vì họ là sự lựa chọn số một của bạn và khi họ biết những người khác cũng muốn tuyển dụng bạn thì điều đó càng khiến bạn trở thành ứng viên nhiều triển vọng. Đừng hy vọng họ sẽ trả lời ngay, nhưng hãy hỏi là liệu có thể trả lời bạn vào ngày mai không. Thông thường, họ sẽ trả lời là không.
Nếu không có nơi nào mời bạn làm việc, đừng coi đây là phương pháp hữu hiệu để ông chủ là lựa chọn số 1 của bạn mời bạn làm việc. Nếu chắc chắn họ sẽ tuyển dụng bạn, hãy thuyết phục họ đưa ra quyết định nhanh chóng. Bạn cũng có thể tìm hiểu xem họ có cân nhắc giữa bạn và một ứng viên khác không. Nhưng nếu bạn không chắc chắn được tuyển dụng, hãy hối thúc họ trả lời từ chối ngay. Ít nhất, lời từ chối của họ lúc này cũng giúp bạn tự do lựa chọn những lời mời làm việc khác, còn hơn là bạn tiếp tục chờ đợi và sau đó không đạt được kết quả gì.
Bạn có thể gặp các trường hợp sau:
• Có thể ông chủ là lựa chọn số 1 của bạn lâu đưa ra quyết định.
• Có lẽ bạn vẫn chưa được phỏng vấn, hoặc họ vẫn đang lên danh sách cho cuộc phỏng vấn vòng hai.
• Có thể sự lựa chọn số 1 của bạn chỉ dành riêng trong nội bộ và bất đắc dĩ bạn phải nói với ông chủ rằng bạn đã nộp đơn xin việc ở một nơi khác.
Trong các trường hợp trên, bạn không thể làm gì hơn ngoài sự mạo hiểm. Bạn phải cân nhắc xem mình cần công việc mới này đến mức nào, bạn muốn làm công việc hiện nay ra sao, các cơ hội tìm việc làm mà bạn thật sự muốn có, v.v… Nhớ rằng, bạn luôn có cơ hội được tuyển dụng và bạn có thể có một cuộc phỏng vấn thành công (ngay cả khi bạn đến phỏng vấn muộn). Việc nhà tuyển dụng lựa chọn bạn là một dấu hiệu rất tốt.
Bạn có biết?
Hầu hết các ông chủ đều kiểm tra khả năng chuyên môn của ứng viên trước khi đưa ra quyết định tuyển dụng. Theo thống kê, có đến 12% ứng viên trả lời không thật hoặc phóng đại khả năng chuyên môn hoặc kinh nghiệm làm việc. Tương tự, hầu hết các ông chủ đều sẽ tìm hiểu về lý lịch của ứng viên.
Đàm phán một hợp đồng
Bạn không cần đàm phán bất kỳ điều gì lương bổng hay các điều khoản và chế độ khác – khi chưa được tuyển dụng. Khi họ thừa nhận bạn chính là ứng viên mà họ cần, bạn mới nên đàm phán. Bạn cần chống lại mọi sự lôi cuốn nói về tiền lương cho đến tận lúc này.
Bạn nên đàm phán cho một hợp đồng chứ không chỉ đơn thuần là đồng ý với tất cả những gì mà họ đề nghị. Điều đó cho thấy bạn đánh giá cao giá trị bản thân và bạn là người không dễ bị thuyết phục. Xét ở khía cạnh rộng hơn, đó là những phẩm chất tốt của một người lao động. Trong bất kỳ trường hợp nào, nhà tuyển dụng sẽ đàm phán và thường kéo dài thời gian đàm phán.
Tuy nhiên, bạn không thể cố gắng đàm phán vượt quá những gì trong khả năng của họ đàm phán rơi vào bế tắc và bạn không có việc vào phút cuối. Nếu bạn muốn có công việc không cần yêu cầu một mức lương nhất định, hãy đảm bảo bạn chỉ yêu cầu những gì trong khả năng họ có thể đáp ứng. Vậy họ có thể đáp ứng được bao nhiêu?
• Nếu mức lương đã nêu ra hoặc bây giờ mới nêu ra bạn có thể có lý do đòi hỏi mức lương bằng mức lương tối đa mà họ đưa ra với điều kiện bạn có thể chứng minh rằng mình xứng đáng với nó.
• Nếu họ đưa ra một mức lương gần với mức lương bạn mong muốn, bạn có thể chấp nhận khoảng 10% cần đàm phán.
• Nếu công việc bạn đang dự tuyển đã cố định mức lương, bạn vẫn có thể đàm phán về các khoản thu khác.
Càng chứng minh được tầm quan trọng của mình bao nhiêu, bạn càng có cơ hội nâng cao mức lương của mình lên bấy nhiêu. Vì vậy, nếu trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm của bạn cao hơn cả yêu cầu mà họ đăng trong quảng cáo tuyển nhân sự, bạn có cơ hội chứng tỏ mình xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn mức trung bình đối với công việc này. Bạn cần chuẩn bị những lý lẽ để chứng minh mình xứng đáng được hưởng mức lương cao nhất trong khoảng lương của họ:
• “Tôi không những đạt được trình độ như yêu cầu tuyển nhân sự, mà còn có trình độ cao hơn”.
• “Các anh chỉ yêu cầu hai năm kinh nghiệm lập trình máy tính, trên thực tế tôi đã làm lập trình máy tính từ khi còn học phổ thông và tôi chuyên làm công việc này được gần bốn năm”.
• “Ngoài kinh nghiệm và trình độ mà các anh yêu cầu, tôi còn nói trôi chảy tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Điều này rất có ích bởi các anh có rất nhiều khách hàng nước ngoài”.
Bạn được tuyển dụng bởi bạn có thể cống hiến cho công việc đó nhiều hơn các ứng viên khác, vì vậy, có lẽ bạn sẽ có nhiều điểm mạnh hơn mức trung bình. Những gì bạn cần làm là nhận ra những điểm mạnh đó và sử dụng chúng trong cuộc đàm phán.
Mẹo phỏng vấn
Trước khi bắt đầu đàm phán, bạn cần biết mình muốn mức lương tối thiểu là bao nhiêu. Đó có thể là số tiền để đảm bảo cuộc sống tối thiểu, cũng có thể là số tiền ít nhất mà bạn nghĩ mình xứng đáng được hưởng. Bạn cần đàm phán khi đã xác định được mức lương tối thiểu có thể chấp nhận được. Nếu không xác định được, bạn có thể phải ký hợp đồng với mức lương thấp hơn mong muốn.
Bạn vẫn chưa bắt đầu đàm phán, nhưng bạn cần xác định:
• Đề nghị mức lương cao hơn mức lương đầu tiên họ đưa ra – đó là tất cả những gì bạn có thể chứng minh mình xứng đáng với mức lương đó, từ việc có nhiều năm kinh nghiệm hơn cho đến những khả năng giúp bạn cống hiến trong công việc.
• Biết rõ mức lương tối thiểu bạn cần là bao nhiêu nếu nhà tuyển dụng trả mức lương thấp hơn thì thà bạn từ chối còn hơn chấp nhận lời mời làm việc.
Xác định các biến số
Có một việc bạn cần làm trước khi bắt đầu đàm phán. Bạn cần xác định tất cả các biến số. Hay nói cách khác, tất cả các điều khoản khác bạn có thể đàm phán để phụ thêm vào mức lương của bạn. Nếu thảo luận về chủ đề lương, bạn nên mặc cả như khi đi chợ. Bạn đưa ra mức lương cao hơn mức lương họ đưa ra, mỗi bên đều đàm phán cho đến khi cả hai cùng chấp nhận một mức trung bình. Nhưng một cuộc đàm phán lương có thể còn phức tạp hơn nhiều và nó cũng có thể có lợi cho bạn.
Biến số là tất cả những yếu tố khác mà bạn có thể đưa vào đàm phán để có thể nhận được mức lương tương xứng. Vì vậy, nếu họ trả cho bạn mức lương thấp hơn mong muốn của bạn và bạn không thể hoặc không muốn yêu cầu thay đổi mức lương này, bạn có thể đề nghị họ cho phép nghỉ thêm một số ngày hoặc đề nghị được trang bị một máy tính ở nhà. Càng có nhiều biến số, bạn và ông chủ càng có nhiều cơ hội đàm phán thành công.
Hãy xem xét kỹ lưỡng danh sách các biến số dưới đây. Bạn có thể điền mức đề nghị mà ông chủ đưa ra (nếu bạn biết) vào cột giữa và những gì bạn cần đàm phán vào cột bên phải. Hãy nhớ rằng, họ không thể đáp ứng cho bạn tất cả mọi thứ. Nếu bạn yêu cầu mức tiền thưởng cao, bạn phải chấp nhận một điều gì đó như giảm lương cơ bản. Vì vậy, hãy điền vào bảng dưới đây những thứ mà theo bạn nghĩ là công bằng, vừa phải và hợp lý, chứ không phải dựa trên mong muốn của bạn.
Sau khi đã xác định các biến số, bạn không phải đàm phán cho tất cả các biến số đó. Bạn chỉ cần đàm phán cho những thứ mà bạn thật sự quan tâm, nhưng bạn cũng cần biết các biến số khác để đưa vào đàm phán khi rơi vào thế bí. Nếu họ không chấp nhận tăng lương hoặc tăng ngày nghỉ, bạn có thể đề nghị được trang bị máy tính hoặc phụ cấp nuôi con nhỏ.
Vấn đề là, ông chủ không muốn trả lương cho bạn cao hơn các nhân viên khác. Do đó, họ sẽ đưa ra một mức lương nhất định và đồng ý chi trả các khoản phụ cấp khác không giống nhau giữa các nhân viên. Như vậy, lương của bạn sẽ là khoản chi không đổi và họ sẽ không quá tốn kém khi cấp máy tính cho bạn. Bạn sẽ đánh giá giá trị của chiếc máy tính bằng số tiền mà bạn tiết kiệm được để mua, nhưng chi phí thực thì thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, họ dễ dàng chấp thuận đàm phán các khoản trợ cấp hơn là lương.
Phương pháp đàm phán
Các nguyên tắc đàm phán đầu tiên:
• Tạo động lực cho bản thân
• Xác định được mức lương tối thiểu của bạn
• Xác định tất cả những biến số có thể
Khi bạn ngồi vào bàn đàm phán, có thêm ba nguyên tắc cần tuân theo là:
• Hiểu rõ tất cả vấn đề được đưa ra đàm phán
• Không bao giờ nhượng bộ vô điều kiện
• Nhất trí với tất cả hoặc không
Hiểu rõ tất cả các vấn đề được đưa ra thảo luận
Nếu nhà tuyển dụng là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, luôn đàm phán được những hợp đồng tốt nhất cho công ty, thì nghĩa là họ đang nắm giữ một quân át chủ bài. Bạn phải tìm xem nó là gì. Họ có thể đưa ra các điều kiện cho bạn trước khi đồng ý một mức lương cụ thể. Họ có thể muốn bạn đồng ý với mức lương khởi điểm thấp hoặc phải đảm đương thêm các nhiệm vụ ngoài những nhiệm vụ như thỏa thuận ban đầu. Nếu là người không cởi mở, họ sẽ đợi cho đến phút cuối mới bất ngờ đưa ra điều này. Hay nói cách khác, họ sẽ đợi cho đến khi bạn gần như đã đồng ý với mức lương họ đề nghị.
Sau đó, họ bất ngờ tuyên bố: “Ồ, tôi cũng muốn anh đảm nhiệm công việc sổ sách của kế toán công ty tôi trong khi cô ấy đang nghỉ sinh”. Không phải là bạn không muốn có cơ hội chứng tỏ bạn có thể dễ dàng đảm đương công việc ấy và nếu bạn nhận, giá trị của bạn thậm chí còn được tăng thêm, với mức lương khởi điểm xứng đáng. Nhưng không hoàn toàn như vậy, bạn gần như kết thúc đàm phán, và ông chủ tương lai biết rằng bạn sẽ chấp nhận mức lương trung bình trong khoảng lương mà họ đưa ra. Đến lúc này, bạn rất khó rút lui và đề nghị mức lương gần với mức cao nhất trong khoảng lương.
Mẹo phỏng vấn
Cuộc đàm phán thành công là khi kết thúc đàm phán, tất cả mọi người đều có cảm giác chiến thắng. Đàm phán tuyển dụng không mang tính đối đầu như các kiểu đàm phán khác – xét cho cùng, cả bạn và nhà đàm phán đều ở cùng một phía, nhưng nhà tuyển dụng vẫn muốn có cảm giác họ vừa tìm được một người phù hợp nhất với công việc với mức lương thấp nhất.
Cách tránh điều này cũng rất đơn giản: đề nghị họ nêu ra tất cả các vấn đề cần đàm phán và bạn cũng vậy. Bằng cách đó, bạn có thể cân đối tất cả các vấn đề. Bạn nên nói: “Chúng ta cần đàm phán về mức lương của tôi, và tôi cũng muốn thảo luận về các ngày nghỉ lễ. Còn vấn đề gì mà chúng ta cần thảo luận nữa không ạ?” Bạn đã làm khó cho họ khi quay lại thực tế là họ muốn đàm phán với bạn về việc đảm đương cả công việc của kế toán công ty tôi khi cô ấy nghỉ. Nếu họ không đề cập và sau đó bất ngờ tuyên bố điều đó, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng và có lý do đề nghị họ quay lại những điều mà bạn vừa nhất trí và xem xét lại khi bạn có thêm thông tin mới.
Mẹo phỏng vấn
Đừng quên rằng, nếu bạn không thể nhất trí với mức lương khởi điểm mà nhà tuyển dụng đưa ra, bạn vẫn có thể khiến ông chủ xem xét lại mức lương hoặc thậm chí đồng ý tăng lương sau một thời gian làm việc nhất định. Họ muốn biết chắc chắn bạn thật sự làm việc tốt. Hãy đàm phán để họ nhất trí tăng lương khi bạn đã đáp ứng được những mục tiêu được thảo luận trước đó: “Bây giờ, anh nghĩ sao về mức lương 5 triệu mà anh trả cho tôi, chúng ta đã thỏa thuận sơ bộ rằng nếu tôi tăng năng suất lên 3%, lương của tôi sẽ tăng lên 6 triệu sau sáu tháng”.
Không bao giờ nhượng bộ vô điều kiện
Đây là một nguyên tắc đơn giản nhưng rất quan trọng trong đàm phán. Nó có nghĩa là nếu họ yêu cầu bạn giảm mức mong muốn hoặc chấp nhận tăng lương sau sáu tháng, bạn đừng bao giờ đồng ý vô điều kiện, hãy đưa ra các điều kiện tương ứng với mỗi đề nghị của họ:
• Nếu họ nói: “Chúng tôi chỉ có thể xem xét tăng lương cho anh sau ba tháng, bạn không nên nói: “Vâng, vậy cũng được”. Hãy nói: “Với điều kiện là tăng ít nhất 1 triệu nếu tôi làm việc hiệu quả trong thời gian thử việc”.
• Khi họ nói: “Chúng tôi chỉ có thể trả cho anh 5% hoa hồng”, bạn nói: “Nếu tính theo cách đó thì tiền hoa hồng sẽ là 5% của tổng”.
• Khi họ nói: “Anh được phép nghỉ tổng cộng thời gian là bốn tuần”, bạn nói: “Trong trường hợp này, tôi muốn có ít nhất là năm ngày nghỉ để giải quyết việc riêng trong một năm”.
Bạn nên đưa ra ý kiến của mình. Nguyên tắc này mang tính quyết định bởi nó có nghĩa là bạn sẽ kết thúc đàm phán với một hợp đồng có lợi cho mình. Mỗi khi mất một thứ gì đó, bạn cũng sẽ đạt được một thứ khác. Chỉ cần bảo đảm sự nhượng bộ mà bạn đạt được từ họ tương xứng với giá trị của những thứ mà bạn đưa ra.
Mẹo phỏng vấn
Khi bạn không nhượng bộ vô điều kiện, ông chủ tương lai sẽ hiểu rằng bạn là một nhà đàm phán cứng rắn và không dễ bị thuyết phục. Họ sẽ suy nghĩ kỹ yêu cầu nhượng bộ của bạn khi nhận ra rằng mỗi lần đưa một yêu cầu, họ đều phải mất đi một thứ gì đó.
Đồng ý với tất cả hoặc không
Cách bạn đạt được thỏa thuận cuối cùng trong đàm phán là xê dịch các biến số đến điểm cân bằng. Ví dụ, nếu mức lương thấp hơn mức lương mong muốn của bạn, bạn sẽ đề nghị có phụ cấp nuôi con nhỏ. Tất nhiên, bạn sẽ chỉ nhận được mức phụ cấp nuôi con nhỏ thấp hơn nếu bạn có thêm vài ngày nghỉ để giải quyết việc riêng, v.v… Tất cả các yếu tố này dường như đang ở trên một cán cân trượt, một yếu tố được nâng lên khi yếu tố khác trượt xuống để giữ cho tổng cân bằng, nhằm có được hợp đồng khiến bạn hài lòng.
Có một điều bạn không nên làm là nhất trí với bất kỳ một biến số nào trước khi bạn nhất trí với những biến số còn lại. Nghĩa là một trong số các con trượt của bạn bị mắc lại, bạn không thể điều chỉnh để giữ cân bằng. Bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi đàm phán hợp đồng và phải đưa ra nhiều lý lẽ cho một trong số các mức thang trượt của bạn để lấy lại thăng bằng.
Cảnh báo!
… bạn đã nhất trí mức lương khởi điểm và các chế độ phụ cấp. Bây giờ, ông chủ tương lai mới nói với bạn rằng số ngày nghỉ quy định trong công ty này ít hơn một tuần so với các công ty khác. Vấn đề là bạn có rất ít thời gian để đàm phán và bạn đã đồng ý với hầu hết các điều khoản.
Vì vậy, trong đàm phán, bạn không nên nói kiểu như: “Thôi được, chúng ta đã nhất trí với mức lương cơ bản, bây giờ hãy nói về các chế độ”. Ngay cả khi họ cố ép bạn nói như vậy, hãy nói: “Chúng ta chưa đàm phán xong mức lương nên tôi vẫn quan tâm đến điều đó. Nhưng tôi rất vui được tiếp tục đàm phán và thảo luận về các chế độ”.
Thư tuyển dụng
Khi thỏa thuận đã hoàn tất, bạn có thể phải chờ một bức thư tuyển dụng từ ông chủ mới. Nội dung thư bao gồm:
• Vị trí được tuyển
• Mức lương
• Ngày bắt đầu làm việc (nếu đồng ý)
• Địa điểm
• Bất kỳ điều kiện nào phải tuân theo
• Thời gian và thủ tục chấp nhận/từ chối đề nghị tuyển dụng
Nếu tất cả những điều trên khớp với những gì bạn đã nhất trí, bạn sẽ đến nhận việc. Thư trả lời của bạn phải trình bày giống như thư tuyển dụng, nên viết tay để có sự ràng buộc về mặt pháp lý.
Khiến công việc phù hợp với bạn
Khi nhận được lời mời làm việc, bạn sẽ phải quyết định xem mình có nhận việc làm đó không. Nếu bạn còn do dự, như đang chờ đợi một lời đề nghị tốt, bạn có thể xin thêm một ngày để quyết định. Nhưng sớm muộn gì bạn cũng phải đưa ra quyết định.
Nếu đồng ý nhận việc, bạn cần đàm phán được một hợp đồng có lợi nhất cho mình. Hãy nghiên cứu những gì bạn tin là ông chủ có thể đáp ứng và khi bạn chuẩn bị đàm phán:
• Tạo động lực cho bản thân
• Xác định mức lương tối thiểu của bạn
• Xác định tất cả các biến số có thể
Trong cuộc đàm phán:
• Đưa ra tất cả các vấn đề cần đàm phán
• Không bao giờ nhượng bộ vô điều kiện
• Đồng ý với tất cả hoặc không
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.