Thật Đơn Giản - Phỏng Vấn Tuyển Dụng

8. Các câu hỏi phỏng vấn khó



Không có câu hỏi nào đơn giản. Nhưng so với câu hỏi: “Bạn đã làm công việc hiện tại bao nhiêu năm?”, những câu hỏi dưới đây thật sự là rất khó. Nó không nhằm mục đích làm khó bạn (mặc dù cũng có một số câu như thế), mà nó đơn giản là cách tốt nhất để nhà tuyển dụng có được những gì họ cần biết.

Trong chừng mực mà nhà tuyển dụng quan tâm thì đó không phải là sự ganh đua. Cả bạn và nhà tuyển dụng đều cùng ở một phía, vì vậy, nếu không cố gắng để chọn được người tốt hơn trong số các bạn hoặc ngăn chặn 1 hoặc 2 lý do của bạn thì nhất định nhà tuyển dụng đó không phải là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp. Những câu hỏi sẽ là khó nếu bạn không biết chắc cách trả lời chúng.

Nhưng vấn đề ở chỗ, dù mục đích của nhà tuyển dụng là gì thì bất kỳ câu hỏi nào trong số những câu hỏi này cũng khiến bạn cảm thấy lo lắng nếu không được chuẩn bị trước. Nhưng sau khi đọc xong chương này, bạn sẽ có câu trả lời cho các câu hỏi đó. 

Dù nhà tuyển dụng có chủ ý đưa ra câu hỏi khó hay không, bạn vẫn nên tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau:

• Bình tĩnh

• Không cố phòng thủ

• Dừng lại một chút trước khi trả lời nếu thấy cần

Lời khuyên hữu ích

Theo một số nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, họ không cố tình hỏi khó ứng viên nếu không có dụng ý tốt. Vậy dụng ý của họ là gì? Đó là:

• Để biết bạn sẽ phản ứng thế nào trước áp lực

• Để khẳng định bạn đang nói thật (nếu họ nghi ngờ)

Hơn nữa, nhà tuyển dụng cũng biết được bạn sẽ phản ứng thế nào trước áp lực nếu họ có một số dấu hiệu – ví dụ từ các bài trắc nghiệm tinh thần ‒ rằng bạn không chịu được áp lực tốt.

Các câu hỏi sau đây được phân thành các dạng giúp bạn có thể tìm ra câu trả lời cho các dạng câu hỏi đó:

• Câu hỏi về bản thân bạn

• Câu hỏi về sự nghiệp của bạn

• Câu hỏi về công việc mà bạn đang ứng tuyển

• Câu hỏi yêu cầu bạn tự phê bình bản thân

• Câu hỏi buộc bạn phải từ chối trả lời

• Câu hỏi về lương bổng

• Câu hỏi bất ngờ

Câu hỏi về bản thân bạn

Không phải bạn sẽ gặp tất cả các câu hỏi trong dạng này. Nếu ứng tuyển vào công việc không cần làm việc nhóm, bạn sẽ không gặp những câu hỏi về kỹ năng làm việc nhóm. Nếu công việc mà bạn đang ứng tuyển không phải là quản lý, bạn sẽ không gặp các câu hỏi về phong cách quản lý của bạn. Nhưng dù bạn ứng tuyển cho công việc nào thì bạn cũng sẽ nhận thấy. Một số câu hỏi thuộc dạng này có thể được đặt ra cho bạn và bạn cần chuẩn bị trước câu trả lời.

 

 

Động cơ thúc đẩy bạn là gì? 

Như thường lệ, bạn cần đưa ra câu trả lời vừa phù hợp vừa liên kết với những nhiệm vụ chính của công việc. Vì vậy, không nên trả lời: “Đó là tiền lương”. Mà hãy nói: “Tôi cảm thấy tuyệt vời nhất khi có thể phụ trách một dự án từ đầu đến cuối”, hoặc “Tôi rất vui khi được quản lý một nhóm đoàn kết và tôi tin rằng mình sẽ quản lý thành công”.

Bạn có dễ dàng tiếp thu hướng dẫn không?

Hãy ghi nhớ một sự thật là: nhà tuyển dụng rất có thể sẽ trở thành ông chủ tương lai của bạn nếu cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, vì vậy, bạn phải tiếp thu hướng dẫn của họ. Tất nhiên, câu trả lời sẽ là bạn dễ dàng tiếp thu. Bạn có thể củng cố niềm tin của họ về câu trả lời của bạn bằng cách nói: “Nhóm sẽ hoạt động không hiệu quả nếu các thành viên trong nhóm không sẵn lòng tiếp thu sự chỉ đạo của trưởng nhóm”.

Bạn xử sự như thế nào khi bị phê bình?

Xin nhắc lại lần nữa, nhà tuyển dụng rất có thể sẽ trở thành ông chủ tương lai của bạn và chắc chắn sẽ có lúc họ phải phê bình bạn. Họ muốn biết phản ứng của bạn khi bị phê bình và liệu bạn có khiến công việc trở nên khó khăn hay không.

Vì vậy, hãy trả lời kiểu như: “Tôi rất vui được tiếp thu những lời phê bình mang tính xây dựng. Tôi cho rằng việc sẵn sàng tiếp thu những lời phê bình mang tính xây dựng là cách giúp tôi sửa sai và phát triển năng lực của mình”.

Bạn có thích những công việc thường ngày không?

Có thể bạn sẽ không gặp câu hỏi này nếu bạn ứng tuyển vào vị trí không đòi hỏi phải làm những công việc lặp lại hàng ngày. Vì vậy, rõ ràng câu trả lời của bạn sẽ là: “Có”. Tuy nhiên, không nên chỉ trả lời như vậy, hãy làm tăng sức thuyết phục cho câu trả lời của bạn bằng cách nói ngắn gọn một vài ý để chứng tỏ bạn hiểu câu hỏi và đã ngẫm nghĩ câu trả lời.

Bạn có thể trả lời: “Có, tôi có một phương pháp làm việc ngăn nắp và tôi rất hài lòng vì đã thực hiện thành công những công việc lặp lại hàng ngày”. 

Phong cách quản lý của bạn là gì?

Không cần nói dối khi trả lời những câu hỏi kiểu này, vì vậy, hãy trả lời trung thực. Nhưng xin nhắc lại lần nữa, bạn phải đảm bảo câu trả lời của bạn phải liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển. Bạn không cần nói huênh hoang đến 20 phút, mà chỉ nên nói vài câu rõ ràng: “Tôi rất thích phương pháp ‘cây gậy và củ cà rốt’ , và tôi có một chính sách mở”, hoặc “Tôi cho rằng, người quản lý phải kiên quyết với cả nhóm, và cả nhóm sẽ thông cảm với điều kiện bạn phải tuyệt đối công bằng”. Bạn cũng có thể trả lời câu hỏi này bằng cách kể một câu chuyện ‒ một ví dụ về một vấn đề rắc rối xảy ra trong nhóm nhưng bạn đã giải quyết kiên quyết và công bằng”. 

 Mẹo phỏng vấn

Đừng đề cập đến bất kỳ điều gì không có trong CV của bạn tại cuộc phỏng vấn. Bạn đã cố tình không ghi công việc xếp các giá hàng trong siêu thị trong bốn tháng vào CV. Nhưng nếu bạn nói ra trong cuộc phỏng vấn, nó sẽ khiến họ nghi ngờ độ tin cậy của bản CV. Do đó, hoặc là bạn ghi vào CV, hoặc phải bảo đảm không đề cập điều không ghi trong CV tại cuộc phỏng vấn.

 Bạn có phải là nhà quản lý tốt không?

Câu hỏi này tương tự như câu hỏi về phong cách quản lý, nhưng thẳng thừng hơn. Câu trả lời chắc chắn phải là “Có”, nếu nhà tuyển dụng chưa đưa ra câu hỏi về phong cách quản lý của bạn, bạn có thể miêu tả ngắn gọn như câu trả lời trên. Xin nhắc lại lần nữa, việc kể câu chuyện ngắn về cách bạn tiếp cận với những người làm công tác quản lý cũng là một ý tưởng hay.

Bạn có phải là nhà lãnh đạo bẩm sinh không?

Bạn chỉ gặp câu hỏi này nếu bạn ứng tuyển vào vị trí lãnh đạo, do đó, câu trả lời phải là sự khẳng định chắc chắn. Hãy đưa ra một hoặc hai ví dụ ngắn gọn, không chỉ là ví dụ trong công việc. Bạn có thể kể về việc bạn luôn đứng đầu lớp khi học phổ thông hoặc bạn chỉ huy đội ca kịch không chuyên tại địa phương, cũng như nêu ra một ví dụ từ bối cảnh công việc của bạn.

Kỹ năng lãnh đạo bẩm sinh thường bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, nếu bạn từng lãnh đạo nhóm từ khi còn đi học thì bạn thật sự có kỹ năng lãnh đạo bẩm sinh và mọi người nghe theo bạn thông qua sự lựa chọn.

Bạn làm việc nhóm như thế nào?

Lại là một câu hỏi mà bạn phải trả lời thành thật, nhưng lựa chọn cách trả lời thích hợp để thể hiện phong cách làm việc nhóm của bạn. Hãy trả lời ngắn gọn: “Tôi thích trở thành thành viên của một nhóm và rất thích tính linh hoạt của nhóm. Tôi thật sự cảm thấy vui với những kết quả mang tính tập thể”. Sau lời khẳng định, hãy kể một câu chuyện hoặc ví dụ minh họa. Nếu làm việc nhóm là một yêu cầu quan trọng của công việc, bạn chắc chắn sẽ gặp câu hỏi này (hoặc câu hỏi tương tự), hãy chuẩn bị trước một ví dụ minh họa.

Bạn tiếp cận một dự án điển hình như thế nào?

Nếu bạn được hẹn phỏng vấn xin việc liên quan đến dự án, bạn nên chuẩn bị trước cho câu hỏi này. Không cần trả lời dài dòng, nhưng phải chỉ ra được bạn đã tính đến những yếu tố lập kế hoạch cho một dự án đạt hiệu quả. Đó là:

• Đặt kế hoạch lùi từ ngày hoàn thiện/bàn giao dự án

• Vạch ra cụ thể những điều bạn cần để tiến hành công việc hiệu quả và đúng thời hạn

• Dự thảo chi phí, thời gian và tài nguyên

• Tính đến những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra

 

 Bạn làm việc dưới sức ép như thế nào?

Bạn chỉ gặp câu hỏi này khi nó liên quan đến vị trí ứng tuyển. Một câu trả lời đầy đủ sẽ tốt hơn một câu trả lời ngắn gọn. Vì vậy, hãy trả lời rằng bạn vẫn làm việc rất tốt dưới sức ép – nói rằng bạn thích điều đó nếu nó chính đáng – và đưa ra ví dụ một tình huống mà bạn đã xử lý thành công khi có sức ép. Bạn cũng nên nói về việc sẽ tập luyện kỹ năng quản lý thời gian tốt để đảm bảo giảm thiểu căng thẳng khi phải làm thêm giờ (nhưng bạn không nên nói điều này nếu đó không phải sự thật).

Mức độ sáng tạo của bạn?

Câu hỏi này dành cho những công việc cần sự sáng tạo. Hãy chuẩn bị trước một số ví dụ. Nếu bạn có nhiều ý tưởng sáng tạo, hãy phác thảo những nét chính của một hoặc hai phương pháp sáng tạo mà bạn thường sử dụng để chứng tỏ bạn thật sự là người sáng tạo.

Bạn khơi dậy những điểm mạnh ở người khác như thế nào? 

Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí quản lý, bạn sẽ gặp câu hỏi này. Các kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần ở bạn bao gồm:

• Giao tiếp tốt

• Kỹ năng làm việc nhóm

• Coi mỗi người là một cá thể

• Nêu gương tốt

• Luôn khen ngợi kịp thời những thành tích tốt

Bạn giải quyết mâu thuẫn trong nhóm như thế nào?

Bạn phải trung thực khi trả lời câu hỏi này. Đưa ra một ví dụ về mâu thuẫn trong nhóm có thể thể hiện khả năng giải quyết mâu thuẫn của bạn. Các phương pháp bạn cần thể hiện là: 

• Công bằng

• Nói chuyện riêng về vấn đề mâu thuẫn với từng cá nhân

• Tìm hiểu rõ nguồn gốc vấn đề

• Tìm ra giải pháp khiến những người liên quan đều hài lòng

Bạn cũng có thể khẳng định thêm: “Theo tôi, nếu một nhóm được điều hành dựa trên tiêu chí công bằng và các thành viên trong nhóm cùng đồng lòng, thì chắc chắn sẽ rất hiếm khi xảy ra mâu thuẫn”. 

 Mẹo phỏng vấn

Bạn sẽ làm gì nếu đối mặt với nhà tuyển dụng có trình độ thấp? Sai lầm lớn nhất mà nhà tuyển dụng này mắc phải là không khuyến khích bạn mở rộng câu trả lời. Họ chỉ đưa ra những câu hỏi đóng (chỉ trả lời đúng hoặc sai), hoặc không bao giờ đề nghị bạn đưa ra ví dụ hoặc những kinh nghiệm để minh họa.

Bí quyết là hãy làm việc đó thay cho họ. Hãy tự nguyện mở rộng câu trả lời ngay cả khi câu hỏi không yêu cầu. Hãy đưa ra các ví dụ minh họa mặc dù nhà tuyển dụng không yêu cầu. Nếu bạn gặp một nhà tuyển dụng thường xuyên lạc đề hoặc ngắt lời bạn trong cuộc phỏng, hãy gây ấn tượng bằng khả năng trả lời chính xác khi họ hỏi: “Chúng ta đang nói đến đâu nhỉ?”.

 Sếp của bạn sẽ nói gì về bạn?

Nhà tuyển dụng rất có thể sẽ trở thành sếp tương lai của bạn, vì vậy, hãy cẩn thận. Họ muốn biết rằng bạn là một nhân viên làm việc có hiệu quả, nhưng họ không muốn bạn “giẫm lên ngón chân của họ”. Vì vậy, hãy miêu tả mình như một người mà bất kỳ ông chủ nào cũng muốn tuyển dụng. Ví dụ: “Sếp của tôi sẽ miêu tả tôi là người làm việc chăm chỉ, đầy nhiệt huyết và trung thành. Sếp sẽ nói rằng tôi làm việc tốt nhờ luôn sáng tạo và thường giúp đỡ các thành viên khác trong nhóm”. Đừng bao giờ nói: “Tôi nghĩ sếp của tôi sẽ nói…”. Hãy đưa ra câu trả lời chắc chắn và quả quyết.

Nếu nhà tuyển dụng có cơ hội gặp sếp hiện tại của bạn để tham khảo ý kiến, bạn phải đảm bảo câu trả lời của mình ăn khớp với những điều sếp hiện tại sẽ nói về bạn.

Bạn ghét điều gì nhất trong công việc hiện tại của bạn?

Bạn rất yêu công việc. Nhà tuyển dụng có thể chắc chắn thuê bạn bởi họ biết rằng bạn sẽ tích cực, tận tụy trong từng phút làm việc. Vì vậy, với câu hỏi đó, bạn không thể đưa ra một điều gì đó mình không thích. Trường hợp ngoại lệ duy nhất có thể là nếu công việc bạn đang ứng tuyển khác xa so với công việc hiện tại thì bạn có thể nói: “Tôi thật sự thích công việc hiện tại. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy nản chí vì tôi không có cơ hội gặp gỡ khách hàng thường xuyên như tôi muốn. Đó là lý do tại sao công việc này lại hấp dẫn tôi.

 Mẹo phỏng vấn

Trung thực là tốt nhất vì những lý do sau:

• Nhà tuyển dụng giàu kinh nghiệm sẽ dễ dàng phát hiện ra bạn đang nói dối.

• Bất kỳ lời nói dối nào cũng có thể bị phát giác khi nhà tuyển dụng kiểm tra giấy chứng nhận hoặc bằng cấp của bạn. Khi đó, chắc chắn bạn sẽ bị loại.

• Nếu bạn có được công việc nhờ sự thiếu trung thực, ông chủ mới sẽ nhận ra ngay khi bạn không thể đáp ứng những tiêu chuẩn mà bạn đã “hứa” tại cuộc phỏng vấn. Bạn có thể có được việc làm, nhưng khi bạn làm việc, bạn có thể bị sa thải và trở về vạch xuất phát.

Nếu bạn xử lý thông minh các câu hỏi và tuân theo các nguyên tắc cho dạng câu hỏi này, bạn vẫn có thể thể hiện thành công trong cuộc phỏng vấn mà không cần phải nói dối.

 Câu hỏi về sự nghiệp của bạn

Nhà tuyển dụng cần biết liệu bạn đã ở vị trí mong muốn trên nấc thang sự nghiệp của bạn hay chưa, và họ cũng cần biết mục tiêu của bạn. Bạn có kế hoạch chung sức giúp công ty này phát triển nhanh hơn hay chậm hơn những gì họ hy vọng trong công việc này? Do đó, tất cả những câu hỏi thuộc dạng này đều nhằm mục đích để bạn nói về sự phù hợp của bạn với công việc này như thế nào trong bối cảnh tương lai xa.

 Đây cũng là dạng câu hỏi mà câu trả lời trung thực là yếu tố quan trọng, không chỉ bởi các nhà tuyển dụng luôn đỏi hỏi sự trung thực mà còn có một thực tế là nếu bạn lừa dối nhà tuyển dụng, bạn có thể được tuyển dụng cho một công việc sẽ tác động xấu đến sự nghiệp của bạn. Nhà tuyển dụng sẽ biết được liệu công việc này có phù hợp với các mục tiêu lâu dài của bạn hay không, nhưng chỉ với điều kiện bạn nói thật mục tiêu của bạn với họ.

Tuy nhiên, bạn muốn có công việc này, vì vậy, các câu trả lời của bạn phải đúng nhất có thể. Nhưng không nên lừa dối nhà tuyển dụng.

Tại sao bạn lại làm việc quá lâu cho ông chủ hiện tại?

Không nên đưa ra câu trả lời ám chỉ rằng bạn không còn hữu ích cho công ty và đáng lẽ phải ra đi sớm hơn. Bất kỳ câu trả lời nào phủ nhận nỗi lo lắng không nói ra này từ phía nhà tuyển dụng đều được chấp nhận. Ví dụ: “Tôi đã làm việc ở công ty đó vài năm nhưng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau” hoặc “Công việc phát triển không ngừng, vì vậy, dường như là tôi thường xuyên thay đổi công việc nhưng vẫn chỉ có một ông chủ”.

Tại sao bạn làm việc cho ông chủ hiện tại trong khoảng thời gian ngắn như vậy?

Nhà tuyển dụng không muốn tuyển dụng một người mà sẽ rời bỏ công ty trong một thời gian ngắn. Vì vậy, hãy họ thấy rằng bạn thật sự không phải là người thích thay đổi công việc. “Tôi thích làm việc ổn định ở một công ty trong vài năm, nhưng đến bây giờ tôi mới nhận thấy mình phải thay đổi công ty để tích lũy kinh nghiệm và tránh cảm thấy nhàm chán vì chỉ làm một công việc”.

Theo tôi thấy, bạn có vẻ là người thích thay đổi công việc

Câu hỏi này cũng giống như câu hỏi trên nhưng có phần nặng nề hơn. Nếu bạn không chỉ làm việc trong một thời gian ngắn cho ông chủ hiện nay mà còn cả với các ông chủ trước đó, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng: bạn có thể rời bỏ họ sau vài tháng. Ngày nay, mọi người thay đổi công việc trung bình trong khoảng thời gian từ hai đến năm năm, sự thay đổi quá thường xuyên sẽ khiến ông chủ tương lai của bạn lo lắng. Trong một số ngành công nghiệp, các ông chủ còn mong muốn nhân viên gắn bó với họ càng lâu càng tốt.

Nếu CV của bạn gây ra ấn tượng rằng bạn không làm việc ổn định một chỗ thì chắc chắn bạn sẽ gặp câu hỏi này. Khi đó, bạn sẽ khẳng định với nhà tuyển dụng như thế nào, bạn sẽ ở lại với họ? Điều cuối cùng bạn cần làm là biện hộ cho mỗi lần thay đổi công việc. Tốt nhất là hãy đưa ra lý do hợp lý cho sự thay đổi công việc thường xuyên.

Do đó, hãy trả lời kiểu như: “Tôi muốn làm việc cho một công ty có thể ổn định lâu dài và có cơ hội phát triển. Nhưng đến bây giờ tôi mới nhận ra cần thay đổi công việc để tìm kiếm những thách thức trong công việc. Ví dụ…”. Sau đó bạn minh họa ngắn gọn chỉ một trong số những lần thay đổi công việc và giải thích lý do tại sao nó lại có ý nghĩa lớn. Bạn kết thúc câu trả lời bằng câu: “Tất cả những gì tôi mong đợi là một công ty năng động để tôi có thể tìm ra thách thức mới mà không cần chuyển sang công ty khác”.

Tại sao bạn vẫn chưa đi tìm một công việc mới?

Ẩn ý đằng sau câu hỏi này là có thể vì bạn không giỏi lắm nên không ai muốn tuyển dụng bạn. Bạn nên trả lời như sau: “Điều quan trọng là tôi chỉ chấp nhận một công việc mà tôi cảm thấy thật sự phù hợp với mình và tôi có thể đóng góp cho công ty”. 

Nếu bạn đã từ chối một số lời mời làm việc, bạn nên nói: “Tôi từng nhận được một số lời mời làm việc, nhưng tôi cảm thấy những công việc đó không phù hợp với mình, và tôi cũng không phù hợp với các công ty đó”.

Những thành tích nổi bật trong công việc hiện tại (hoặc gần nhất) của bạn là gì?

Câu hỏi này không có nghĩa là công việc bạn đang ứng tuyển sẽ đòi hỏi chính xác những thành tích mà bạn đã đạt được ở công việc trước – mặc dù sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể đạt được những thành tích như vậy. Điều mà nhà tuyển dụng thật sự muốn biết là những phẩm chất mà bạn phải có để đạt được thành tích. Hãy nhớ lại những thành tích:

• Đạt được gần đây

• Khó đạt được

• Càng liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển càng tốt 

 Mẹo phỏng vấn

Một số người cảm thấy không thoải mái khi nói những gì họ cần thể hiện tại cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn cần tránh thể hiện sự kiêu ngạo hay tự phụ. Mọi người thường có xu hướng thêm các cụm từ “tôi cảm thấy” hoặc “tôi nghĩ” trước lời nhận xét, ví dụ:

• “Tôi nghĩ tôi là một nhà quản lý giỏi”

• “Tôi cảm thấy những điểm mạnh nhất của tôi là…”

• “Tôi nghĩ thành tích lớn nhất của tôi trong công việc hiện tại là…”

Những cụm từ này thể hiện sự khiêm tốn, nhưng lại làm nảy sinh vấn đề khác, nó thể hiện sự không chắc chắn và làm giảm bớt hào khí của lời khẳng định phía sau. Bạn có thể tránh nói cụm từ đó bằng cách thay thế bằng cụm từ khác. Ví dụ:

• “Tôi tin tôi là một nhà quản lý giỏi”

• “Có thể nói những điểm mạnh nhất của tôi là…”

• “Đồng nghiệp nói với tôi rằng thành tích lớn nhất của tôi là…”

 Nếu bạn có thể bắt đầu lại từ đầu, bạn sẽ lựa chọn quyết định sự nghiệp khác nào?

Bạn không có cơ may thành công nếu chỉ cố gắng nghĩ ra những thay đổi mang tính giả thuyết cho sự nghiệp đã qua. Bất kể điều gì bạn nói ra điều thể hiện bạn không hài lòng với những gì mình có và nhà tuyển dụng nghĩ rằng tại sao lại phải thuê những người không thật sự muốn ở chỗ mà họ đang ở?

Vì vậy, câu trả lời hợp lý nhất là bạn sẽ không thay đổi bất kể điều gì; bạn hài lòng với những điều đạt được. Bạn có thể bổ sung: “Tôi không thuộc týp người tiếc nuối quá khứ. Tôi thích dồn hết sinh lực cho tương lai”.

Bạn có cho rằng sự nghiệp hiện nay của bạn là thành công?

Câu trả lời cho câu hỏi này là “Có”. Để mở rộng câu trả lời (nên tránh trả lời quá ngắn gọn), bạn cần tiếp tục nêu rõ thành công trong sự nghiệp của mình. Vấn đề sẽ đặc biệt nhạy cảm nếu sự nghiệp của bạn có vẻ không nổi bật, dù cũng đáng nể.

Có thể bạn không tiến trên nấc thang sự nghiệp. Vì thế, bạn có thể nói: “Điều có ý nghĩa quan trọng với tôi, còn hơn cả tiền bạc hay địa vị, là có một việc làm thú vị và được thử thách năng lực, và tôi may mắn có được điều đó. Sự nghiệp của tôi như vậy là rất thành công”.

 Thậm chí, nếu sự nghiệp của bạn chưa có gì và tiến rất chậm thì sao? Bịa ra một sự nghiệp trong CV cũng chẳng ích gì, vì vậy, hãy thể hiện là bạn lạc quan và hy vọng vào tương lai: “Tôi có một hoặc hai vấn đề trong sự nghiệp đã qua, nhưng tôi chắc chắn sẽ không lặp lại điều đó. Từ bây giờ, tôi dự định xây dựng sự nghiệp nhờ những cơ hội tốt mà tôi có và sẽ đạt được một sự nghiệp thành công”.

Bạn muốn được thăng chức khi nào?

 Mẹo phỏng vấn

Một số câu hỏi không nên đưa ra trong cuộc phỏng vấn nếu không có lý do hợp lý và có liên quan. Đó là những câu hỏi liên quan đến chủng tộc, tôn giáo hay giới tính, những câu hỏi về tiền sử bệnh tật hoặc về kế hoạch tương lai của gia đình ứng viên.. Bạn sẽ xử sự như thế nào nếu bạn gặp các câu hỏi đó? Bạn có thể trả lời nếu bạn muốn, nhưng bạn sẽ làm gì nếu bạn không muốn trả lời?

Bạn có thể phòng thủ và yêu cầu nhà tuyển dụng rút lại câu hỏi, nhưng cách xử sự đó không giúp bạn có được công việc. Cách tốt nhất là nói lịch sự: “Cho phép tôi được hỏi tại sao anh cần biết điều đó?” Nếu không có lý do chính đáng, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ rút lại câu hỏi. Nếu họ vẫn khăng khăng hỏi bạn một điều gì đó mà không có lý do hợp lý, bạn phải lựa chọn hoặc kiên quyết từ chối trả lời hoặc trả lời (dù nói thật hay không).

 Không nên đưa ra một mốc thời gian cụ thể. Câu trả lời nên là: bạn mong muốn được thăng chức khi xứng đáng. “Tôi hy vọng sẽ được thăng chức khi tôi chứng minh được giá trị của mình với công ty và xứng đáng với chức vụ đó”.

Hãy chỉ ra công việc này phù hợp với các mục tiêu lâu dài của bạn: “Đó là lý do tại sao tôi muốn trở thành nhân viên của một công ty đang phát triển để có cơ hội thăng tiến khi tôi luôn cầu tiến”, hoặc “Đó là lý do tại sao tôi muốn làm việc cho một công ty lớn hơn, vì ở đó có rất nhiều cơ hội dành cho tôi khi tôi có kỹ năng và kinh nghiệm”. 

Câu hỏi về công việc bạn đang ứng tuyển

Nhà tuyển dụng biết rất rõ rằng, hàng ngày, có hàng nghìn công việc được quảng cáo. Vậy tại sao bạn lại nộp đơn cho công việc này? Họ muốn tìm một bằng chứng để chứng tỏ công việc này thật sự phù hợp với bạn, với khả năng, mục tiêu lâu dài của bạn và niềm đam mê của bạn.

Đó là lý do tại sao họ sẽ đưa ra những câu hỏi dưới đây để tìm hiểu kỹ lưỡng về những cảm nhận, lòng nhiệt tình, niềm yêu thích và khả năng cống hiến cho công ty của bạn. 

Làm thế nào mà bạn có thể tham dự cuộc phỏng vấn này trong khi vẫn đang làm việc ở nơi khác?

Với câu hỏi này, bạn không nên trả lời trung thực. Nếu bạn xin nghỉ với lý do phải ở nhà chờ nhân viên bảo dưỡng máy giặt hoặc bạn có cuộc hẹn với bác sĩ thì đừng nói điều đó với nhà tuyển dụng. Nếu không, họ sẽ nghĩ rằng, nếu họ tuyển dụng bạn thì điều gì sẽ diễn ra sau mỗi lần bạn xin nghỉ đi khám bệnh.

Sẽ như thế nào nếu ông chủ của bạn biết bạn đang đi tìm việc khác và biết rõ bạn đang đi phỏng vấn. Tuy nhiên, trường hợp này không dễ xảy ra. Lý do hợp lý duy nhất là bạn đang có kỳ nghỉ hoặc thời gian rảnh rỗi.

Công việc này phù hợp với kế hoạch sự nghiệp của bạn như thế nào?

Bạn không nên trả lời chính xác kế hoạch sự nghiệp của mình. Bạn có thể trả lời kiểu như: “Ngày nay, công việc thay đổi quá nhanh nên khó có thể lên kế hoạch cụ thể. Nhưng tôi biết tôi muốn vượt qua những người khác trong ngành kinh doanh này/trong marketing/trong quản lý và tôi cho rằng công ty sẽ tạo cơ hội cho tôi thực hiện điều đó”.

Điều gì không hấp dẫn bạn trong công việc này?

Hãy thận trọng trong câu trả lời. Bất kỳ điều gì không hấp dẫn sẽ gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng rằng bạn không nhiệt tình 100% với công việc này. Vì vậy, hoặc bạn nói rằng mọi thứ trong công việc này đều hấp dẫn bạn hoặc nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi nói như vậy, hãy nêu một điều không hấp dẫn trong công việc mà:

• Rất nhỏ

• Không thật sự quan trọng

• Không phổ biến

Một ví dụ tốt nhất nên đưa ra là phần việc liên quan đến hồ sơ, giấy tờ của một công việc mà phần việc đó không quan trọng (Hãy nhớ, tuyệt đối không đưa ra nếu nó quan trọng đối với công việc). Nhưng bạn vẫn nên thể hiện nó theo cách tích cực: “Tôi không thể nói rằng tôi thích công việc giấy tờ. Nhưng quan trọng là chúng ta phải làm. Và trên thực tế, tôi sẽ cố gắng làm”. 

Cảnh báo!

… nhà tuyển dụng hỏi bạn điều gì không hấp dẫn bạn trong công việc này. Bạn cười và nói: “Có lẽ là việc tôi phải có mặt ở đây trước 7 giờ 30 phút sáng”. Bạn muốn thể hiện điều đó cợt nhả và nhà tuyển dụng cũng đùa lại, nhưng họ sẽ không tuyển dụng bạn. Nếu họ tuyển dụng bạn, họ sẽ tự hỏi: liệu bạn có thấy chán ngấy công việc vì phải bắt đầu làm việc từ sớm? Liệu bạn có thể tuân thủ thời gian quy định? Liệu bạn có la cà trên đường đi đến công ty vào buổi sáng không…?

Bạn cũng nói với các công ty khác như nói với chúng tôi chứ?

Bạn nên thể hiện rằng bạn được nhiều công ty mời làm việc. Điều đó giúp bạn trở thành ứng viên có nhiều khả năng giành chiến thắng, và nếu được tuyển dụng, điều đó sẽ giúp bạn nâng cao mức lương mà bạn đang cố gắng đàm phán. Tuy nhiên, nếu bạn nói bạn đã có ba lời mời làm việc khác, họ có thể loại bạn nếu họ vẫn còn sự lựa chọn khác. Do đó, hãy cho họ biết, bạn sẽ không cho các công ty khác biết bạn sắp tìm được một công việc khác. Nếu không muốn nói dối, hãy cho họ biết nếu bạn trả lời phỏng vấn tốt. Ví dụ: “Tôi vừa vượt qua vòng phỏng vấn cuối cùng của ba công ty khác”.

Bạn còn nộp đơn xin những kiểu công việc hay những kiểu công ty nào khác?

Bạn không cần tiết lộ chính xác mình đã nộp đơn xin việc ở đâu. Đôi khi nhà tuyển dụng có thể hỏi trực tiếp rằng bạn còn nộp đơn xin việc ở những đâu, nhưng bạn có thể tránh trả lời bằng cách nói các công ty đó vẫn chưa liên hệ lại và bạn cảm thấy mình không phải trả lời chính xác tên công ty. Câu trả lời đó giúp bạn tránh được các cạm bẫy và vẫn có thể giữ bí mật.

 Nhưng nhà tuyển dụng có thể không đưa ra câu hỏi trực tiếp đó, họ không hỏi tên các công ty mà chỉ hỏi các kiểu việc làm và kiểu công ty. Với câu hỏi này, điều quan trọng là bạn phải thể hiện bạn muốn có công việc này. Nếu họ biết bạn đang nộp đơn xin các công việc khác nhau thuộc nhiều ngành khác nhau, họ sẽ nghi ngờ về cam kết của bạn đối với vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Do đó, hãy thể hiện rằng bạn đang nộp đơn xin các việc tương tự và trong cùng một lĩnh vực với công việc bạn đang dự tuyển.

Sau bao lâu bạn sẽ có những đóng góp hữu ích cho công ty? 

Bạn không thể trả lời câu hỏi này mà không có thêm thông tin. Hãy đặt câu hỏi để có thêm những thông tin mà bạn cần:

• Các mục tiêu cơ bản của tôi trong sáu tháng đầu tiên là gì?

• Liệu có dự án cụ thể nào mà ngay lập tức tôi phải tham gia không?

Bạn có thể sử dụng câu trả lời của các câu hỏi này để trợ giúp cho câu trả lời của bạn. Nhưng nói chung, bạn cần chỉ ra bạn muốn dành một hoặc hai tuần đầu tiên để ổn định công việc và nắm vững tình hình công ty (nếu không có dự án khẩn cấp nào). Sau đó, bạn hy vọng sẽ có các đóng góp hữu ích cho công ty ngay từ những tuần đầu tiên và sẽ đạt được những thành công đáng kể sau bốn đến sáu tháng.

Có thể khả năng của bạn vượt quá yêu cầu của công việc này

Nhà tuyển dụng sẽ lo ngại rằng nếu họ tuyển dụng bạn, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán và muốn rời khỏi công ty. Có thể chính bạn cũng nghĩ đến điều này, nhưng trong giai đoạn này, bạn vẫn cần cố gắng để được tuyển dụng. Nếu bạn không muốn làm công việc đó, hãy từ chối ngay khi được mời phỏng vấn, không nên từ chối giữa cuộc phỏng vấn.

Vì vậy, lúc này, bạn phải đưa ra câu trả lời tế nhị nhất có thể. Hãy nói rằng các công ty phát triển và năng động thường tận dụng những nhân tài mà họ có. Bạn muốn làm việc với công ty trong một thời gian và nếu bạn giàu kinh nghiệm và khả năng, bạn chắc chắn rằng họ sẽ tìm cách tạo ra thử thách cho bạn và tạo điều kiện để bạn có những đóng góp lớn cho công ty.

Theo bạn, những xu hướng chính trong ngành này là gì? 

 Mẹo phỏng vấn

Nhà tuyển dụng thử bạn bằng cách liên tiếp đưa ra các câu hỏi. Ví dụ: “Bạn sẽ tiếp cận một dự án điển hình như thế nào? Bạn đã điều hành dự án nào trong thời gian qua? Và, bạn gặp phải những khó khăn cơ bản nào?”.

Các nhà tuyển dụng không có chuyên môn sẽ không đưa ra các câu hỏi này, nhưng các nhà tuyển dụng có chuyên môn sẽ đưa ra các câu hỏi này để kiểm tra trí thông minh của bạn. Bạn càng trả lời được nhiều câu hỏi, họ càng đánh giá cao trí thông minh của bạn (và bạn phải ghi nhớ mỗi câu hỏi trong đầu trong khi trả lời câu hỏi khác). Nếu bạn nhắc lại câu hỏi ngay sau khi họ đưa ra, điều đó sẽ giúp bạn ghi nhớ câu hỏi.

 Câu hỏi này không khó nếu bạn đã tìm hiểu kỹ lưỡng (về những gì mà nhà tuyển dụng muốn biết). Nó thật ra là phiên bản của câu hỏi “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?”. Vì vậy, điều quan trọng là thể hiện bạn đã tìm hiểu trước và có thể xác định các xu hướng chính trong ngành, sẵn sàng gây ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng.

Ngay cả khi bạn đang xin công việc trong ngành mà bạn đang làm việc, bạn vẫn phải chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi này.

Câu hỏi yêu cầu bạn tự phê bình bản thân

Các câu hỏi này đòi hỏi phải trả lời khéo léo và thận trọng. Bạn có một chút khó xử: một mặt, bạn không muốn thú nhận bất kỳ sai lầm hoặc khuyết điểm nào, nhưng mặt khác, sự ngạo mạn lại là yếu tố mà hầu hết các nhà tuyển dụng đều cho là nhằm chọc tức họ. Vậy làm thế nào để bạn vừa có thể tránh thừa nhận lỗi vừa không thể hiện tính tự phụ và sự quá hoàn hảo?

Câu hỏi kinh điển nhất thuộc dạng này là: “Điểm yếu nhất của bạn là gì?” một câu hỏi rất phổ biến mà chúng ta đã đề cập ở chương trước. Và cách trả lời được giới thiệu ở chương đó có thể áp dụng với tất cả các câu hỏi thuộc dạng này. Dưới đây là bốn phương pháp tự phê bình mà không phải thừa nhận bất kỳ điều gì có thể gây hại cho bạn:

• Sử dụng tính hài hước, nhưng hãy thận trọng. Đây không phải là cách tốt nhất nếu bạn nhận thấy nhà tuyển dụng không có tính hài hước. Nhưng nếu họ dường như luôn mỉm cười và bạn cũng có tính hài hước thì bạn có thể sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, nếu bạn đều trả lời như thế trong mỗi vòng phỏng vấn, người ta sẽ nghĩ rằng bạn như vừa thoát khỏi một trách nhiệm không muốn làm.

• Đưa ra ví dụ trong cuộc sống riêng của bạn chứ không phải trong công việc. Ví dụ: “Trước đây, tôi thấy việc dậy sớm thật sự là một thách thức, nhưng kể từ khi tôi bắt đầu dắt chó đi dạo trước bữa sáng, tôi đã rèn luyện được thói quen thức dậy sớm”.

• Nêu ra một sự việc đã xảy ra từ rất lâu nhưng bạn đã rút ra một bài học từ đó. Ví dụ: “Trước đây, quyết định một vấn đề không có thời hạn cuối cùng là một thách thức đối với tôi. Sau đó, tôi xác định thời hạn cho chính mình rồi đưa ra quyết định. Bây giờ, tôi không bao giờ vô cớ trì hoãn quyết định”.

• Trả lời những gì mà bạn cho là khuyết điểm hoặc điểm yếu, nhưng nhà tuyển dụng lại cho rằng đó là điểm mạnh. Ví dụ: “Tôi là người khá cầu toàn. Tôi không thể dứt khỏi công việc khi cảm thấy nó chưa thành công như tôi có thể làm”. 

Năm điều mà nhà tuyển dụng không thích nghe 

1. “Tôi xin lỗi đã đến muộn”.

2. “Tôi thật sự không biết”. Nếu câu hỏi không căn cứ theo sự thật thì nhà tuyển dụng thật sự muốn bạn tích cực và nhiệt tình trả lời các câu hỏi.

3. “Tôi không có quan hệ tốt với ông chủ của tôi”. Có thể bạn không có quan hệ tốt với ông chủ, nhưng nhà tuyển dụng muốn nghe thấy bạn công khai trung thành với ông chủ, mặc dù có những thành kiến cá nhân. Đó là điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe từ bất kỳ ứng viên được tuyển dụng nào.

4. “Mức lương mà các anh trả cho vị trí này là bao nhiêu?”. Câu hỏi này sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng: bạn chỉ quan tâm đến những gì công ty làm cho bạn, chứ không quan tâm đến những gì bạn có thể làm cho công ty. Họ cũng nghĩ tương tự nếu bạn đưa ra những câu hỏi về thời gian làm việc và chế độ nghỉ ngơi. (Bạn có thể đàm phán điều này sau khi được tuyển dụng).

5. “Các anh nhầm rồi…” hoặc bất kỳ sự thể hiện bất đồng ý kiến nào khác. Nếu bị khiêu khích, bạn không nên phản ứng lại theo bản năng. Bạn có thể phản đối lịch sự. Nhớ rằng, nhà tuyển dụng có thể muốn thử xem bạn phản ứng như thế nào.

Hãy miêu tả một tình huống khó khăn mà sau đó bạn mới nhận ra mình có thể xử lý nó tốt hơn

Một lần nữa, bạn phải thể hiện sự khéo léo bằng cách sẵn sàng đưa ra một tình huống cụ thể đã xảy ra từ lâu và cố gắng chuẩn bị một ví dụ mà bạn xử lý tình huống không được như ý nhưng không phải do lỗi của bạn. Ví dụ: “Sau này tôi mới nhận ra việc sơ tán mọi người theo lối cầu thang chính nhanh hơn là lối thoát hiểm, nhưng vì điện thoại bị hỏng nên tôi không có cách nào để biết được lối cầu thang chính vẫn an toàn”.

Bạn cảm thấy khó đưa ra những quyết định nào?

Tất nhiên, bạn chưa bao giờ cảm thấy khó đưa ra một quyết định nào. Mối nguy hiểm với kiểu câu hỏi này là ở chỗ, nếu bạn thể hiện mình quá hoàn hảo, người ta sẽ cho rằng bạn kiêu căng, tự phụ. Vì vậy, bạn phải thừa nhận một vài nhược điểm nhỏ, nhưng phải đảm bảo sẽ khắc phục hoặc nhược điểm đó không liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển hoặc nhược điểm đã giúp giúp bạn hoàn thiện mình hơn. Bạn có thể nói: “Những quyết định mà tôi khó đưa ra nhất là những quyết định mà người khác không thích. Chúng không hẳn là những quyết định khó, nhưng tôi không thích đưa ra quyết định như sa thải một nhân viên”. Nếu bạn chưa bao giờ phải đưa ra quyết định sa thải một người, hãy tìm một ví dụ khác về một điều gì đó mà người khác không thích.

Hãy kể lại một tình huống mà bạn bị phê bình

Nếu bạn kể lại một tình huống trong đó bạn đúng nhưng lại bị phê bình, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn đang tận dụng cơ hội để giãi bày tâm sự – có thể bạn phải chịu ấm ức (nhà tuyển dụng sẽ nghĩ như vậy). Vì vậy, bạn cần tìm một ví dụ “quá cũ”.

Nhà tuyển dụng rất có thể hỏi bạn câu hỏi này hoặc câu hỏi kiểu như thế nếu họ muốn biết bạn sẽ ứng phó với câu hỏi khó thế nào. Vì vậy, hãy chắn chắn rằng bạn đã chuẩn bị một câu trả lời chu đáo. Bạn nên trả lời hai điều:

1. Miêu tả ngắn gọn công việc và những lời phê bình.

2. Giải thích rằng bạn đã rút ra bài học từ tình huống đó như thế nào và từ đó, bạn không bao giờ mắc những lỗi tương tự nữa.

 Mẹo phỏng vấn

Dù thế nào thì cũng không nên tranh cãi với nhà tuyển dụng. Nếu họ nhận thấy bạn là người khó tính và thích tranh luận, họ sẽ không tuyển dụng bạn. Thậm chí, họ có thể thử để xem bạn phải ứng thế nào trước kiểu câu hỏi khiêu khích của họ. Vì vậy, nếu bạn nói rằng bạn đã quản lý một nhóm ba người và họ cho rằng: “Thế thì gần như là bạn không phải quản lý đúng không? Công việc này đòi hỏi bạn phải quản lý một nhóm 10 người”, không nên trả lời theo kiểu phòng thủ. Hãy nói những điều như: “Tôi nhận thấy, nhìn bề ngoài, việc quản lý nhóm lớn hay nhỏ có vẻ rất khác nhau, nhưng theo tôi, nguyên tắc quản lý đều giống nhau, dù nhóm chỉ có vài thành viên hay 100 thành viên”.

 Cách trả lời đó không những giúp bạn thể hiện mình đã hoàn thiện hơn mà nhờ đó bạn không còn bị phê bình nữa, còn chứng tỏ bạn có thể tiếp thu những lời phê bình mang tính xây dựng và rút ra những bài học từ đó.

Câu hỏi mà bạn phải từ chối trả lời 

Các câu hỏi này nhằm mục đích tìm hiểu xem bạn có biết cách từ chối, thậm chí là từ chối thẳng thừng hay không. Vì vậy, hãy cẩn thận kẻo mắc bẫy. Hãy từ chối bình phẩm hoặc phủ nhận người khác, công ty khác.

Điểm yếu nhất của ông chủ hiện tại của bạn là gì?

“Tôi sẽ bắt đầu từ đâu?” không phải là cách trả lời đúng cho câu hỏi này. Trong chương trước, chúng ta đã đề cập đến câu hỏi thường gặp: “Ông chủ hiện nay (ông chủ gần nhất) của bạn là người như thế nào? Đây là phiên bản khó của câu hỏi đó – nó đòi hỏi bạn chỉ trả lời điểm yếu của ông chủ. Đừng mắc bẫy cho dù bạn có danh sách dài những điều không hài lòng về ông chủ. Nhớ rằng: nhà tuyển dụng có thể sẽ trở thành ông chủ của bạn. Vì vậy, hãy nói những điều họ thích nghe về chính bản thân họ.

Hãy trả lời kiểu như: “Thành thật mà nói, tôi may mắn có một bà chủ rất hay giúp đỡ mọi người, bà ấy giỏi chuyên môn và rất thoải mái”. Sau đó, hãy thể hiện như bạn đang thật sự suy nghĩ để tìm ra một điểm yếu nào đó của bà chủ rồi nói: “Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ điểm yếu nào nếu có thì chỉ có thể là một điều không đáng đề cập ở đây”. 

Bạn đánh giá thế nào về công ty hiện tại của bạn? 

Công ty đó dạy cho bạn rất nhiều điều và tạo ra rất nhiều cơ hội tuyệt vời cho bạn. Tôi không quan tâm là bạn sẽ nói với bạn bè như thế nào, nhưng trong chừng mực mà nhà tuyển dụng quan tâm thì đó là câu trả lời của bạn.

Với câu trả lời này, nhà tuyển dụng có thể đặt câu hỏi tiếp theo: “Vậy tại sao bạn lại bỏ việc ở đó?”. Tôi đã đề cập cách trả lời câu hỏi này ở chương trước.

Bạn cảm thấy khó làm việc cùng những týp người nào?

Như thường lệ, bạn phải tránh chỉ trích người khác. Đừng để bị lôi kéo vào việc chê bai một người làm quan hệ công chúng muốn chỉ đạo những người xung quanh hoặc một nhà lập trình luôn chê bai các nhân viên trong công ty. Hãy nói rằng nhìn chung bạn thấy hầu hết mọi người đều dễ làm việc cùng. Nnhưng nếu phải nêu ra một týp người khó làm việc cùng thì đó là týp người không nỗ lực trong công việc và không quan tâm đến những tiêu chuẩn mà công việc đòi hỏi.

Bài tập chuẩn bị 

Chắc chắn bạn sẽ gặp một số câu hỏi khó trong suốt cuộc phỏng vấn. Có những lĩnh vực mà chúng ta không thích bị hỏi hoặc có những chủ đề mà chúng ta phải trả lời khéo léo. Hay có thể chúng ta cảm thấy bối rối khi phải trả lời ngay. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn chuẩn bị cho những câu hỏi đòi hỏi phải có cách trả lời khéo léo:

• Nghĩ ra năm đến sáu câu hỏi mà bạn không thích bị hỏi nhất. Có thể bạn làm việc trong một thời gian dài mà không được thăng chức, và bạn không muốn thể hiện mình là người thường không hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc bạn nhận thấy phải khéo léo ứng phó với một số người và bạn không muốn trả lời quá nhiều câu hỏi về cách bạn ứng phó với những người khó tính. Hãy viết ra danh sách các câu hỏi đó và suy nghĩ câu trả lời.

• Hãy nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp đặt các câu hỏi khó. Bạn có thể nhờ họ bất ngờ gọi điện cho bạn và đặt các câu hỏi khó.

• Hãy hỏi bạn bè hoặc đồng nghiệp về những câu hỏi khó nhất mà họ đã gặp khi phỏng vấn, sau đó suy nghĩ cách trả lời chúng.

Câu hỏi về lương bổng

Một nguyên tắc chung cho các câu hỏi về lương bổng là hãy để họ nói rõ mức lương chứ không nên để họ đá bóng sang sân của bạn. Nếu bạn đưa ra một mức lương, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ được nhận mức lương cao hơn mức lương đó. Vì vậy, nếu bạn không biết chính xác họ sẽ trả mình bao nhiêu, bạn cũng không nên thẳng thắn đưa ra ý kiến của mình về một mức lương cụ thể.

Các câu hỏi dưới đây nhằm mục đích giúp bạn xác định giá trị của mình. Các câu trả lời được giới thiệu giúp bạn né tránh vấn đề mà không làm mếch lòng nhà tuyển dụng. Khi được tuyển dụng, bạn có thể đàm phán mức lương các nguyên tắc đàm phán sẽ được đề cập trong Chương 14. 

Cảnh báo!

… nhà tuyển dụng hỏi bạn hy vọng mức lương bao nhiêu, bạn nói rằng mức lương bạn mong muốn là “khoảng 5 triệu”. Sau đó, bạn được tuyển dụng với mức lương 5 triệu, mức lương mà hầu như là bạn không phải đàm phán. Khi bắt đầu công việc, bạn mới phát hiện ra đồng nghiệp cũng làm công việc tương tự với mức lương cao hơn nhiều.

Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?

Đừng vội trả lời câu hỏi này. Nếu bạn được tuyển dụng, họ sẽ cố gắng trả mức lương gần nhất với mức lương hiện tại của bạn. Hãy trả lời: “Tôi cho rằng tiền lương có thể khiến người ta mê muội, bởi nó thật sự là gói tiền công có ý nghĩa và tất nhiên là rất khó xác định một con số cụ thể”. Sau đó, hãy hỏi xem liệu bạn có thể quay lại câu hỏi này khi bạn có cơ hội đàm phán chi tiết hơn về lương hay không (nghĩa là khi họ tuyển dụng bạn). 

Bạn hy vọng được trả lương bao nhiêu?

Bạn đừng vội trả lời câu hỏi này, bởi bạn sẽ không có cơ hội được trả cao hơn mức lương mình đưa ra hoặc bạn sẽ bị loại nếu đòi hỏi mức lương quá cao. Vì vậy, hãy trả lời bằng cách hỏi lại: “Các anh dự định trả cho vị trí này mức lương bao nhiêu?” hoặc hỏi khoảng lương cho vị trí này. Nếu họ từ chối trả lời bạn, bạn cũng có lý do để từ chối trả lời họ.

Nếu họ đưa ra một mức lương và yêu cầu bạn trả lời câu hỏi của họ, hãy thể hiện bạn đang suy nghĩ về một mức lương cao hơn một chút, nhưng không vượt quá khả năng chi trả của họ (thừa nhận rằng bạn sẽ đồng ý với mức lương đó). Nếu họ đưa ra một khoảng lương, bạn hãy nêu ra một khoảng lương cao hơn nhưng có khoảng nằm trong khoảng lương của họ. Nếu họ đưa ra khoảng lương từ 4-6 triệu, bạn có thể nói rằng bạn đang nghĩ đến khoảng lương từ 5-7 triệu. Bạn đẩy khoảng lương lên, nhưng không hoàn toàn từ chối khoảng lương của họ.

Bạn cho rằng mình xứng đáng với mức lương bao nhiêu?

Về cơ bản, các câu hỏi này đều là những tín hiệu tốt. Tại sao họ lại đưa ra những câu hỏi liên quan đến lương nếu họ không nghĩ đến việc tuyển dụng bạn? Câu hỏi này thật ra cũng giống với câu hỏi trước nhưng có phần sâu hơn. Vấn đề là bạn phải nói ra mức lương mong muốn của mình khi bạn đã đẩy cho họ hỏi trước.

Bạn nên đưa ra ý kiến về mức lương hiện tại cho công việc bạn đang dự tuyển trong ngành này hoặc công ty này (đặc biệt nếu đó là công việc trong nội bộ công ty), do đó, hãy đề nghị mức lương cao hơn một chút và giải thích rằng, bạn đã nghiên cứu các bảng điều tra lương và bạn có kinh nghiệm và năng lực, bạn tin tưởng mình xứng đáng hưởng mức lương trên mức lương trung bình. Nhà tuyển dụng có thể nói rằng, mức lương bạn đề nghị là quá cao – đó chỉ là một phần trong chiến lược đàm phán. Đừng để điều đó làm giảm niềm tin của bạn. 

 Mẹo phỏng vấn

Đừng bao giờ mất cảnh giác trong cuộc phỏng vấn. Nhà tuyển dụng chuyên nghiệp rất giỏi khiến bạn mất cảnh giác để xem bạn sẽ phản ứng thế nào. Họ có thể rất thoải mái và thân thiện nhưng sau đó đột ngột đưa ra một câu hỏi khó, hoặc có thể sau một loạt câu hỏi dễ, họ đưa ra một câu hỏi đòi hỏi phải trả lời khéo léo, sau khi ru ngủ bạn trong một trạng thái cảnh giác không thật.

 Vì vậy, hãy coi mỗi câu hỏi là một sự khởi đầu mới và đừng bao giờ cho rằng nó là câu hỏi dễ. Hãy ngừng lại trước khi trả lời nếu bạn thấy cần, như thế bạn không thể bị buộc phải đưa ra những lời bình luận mất cảnh giác.

Câu hỏi bất ngờ

Một số nhà tuyển dụng thích làm bạn mất cảnh giác, và một số câu hỏi dưới đây nhằm phục vụ cho mục đích đó. Họ hài lòng về hiệu quả mà các câu hỏi đó mang lại. Họ hoặc có lý do hợp lý để muốn biết câu trả lời, hoặc muốn biết bạn sẽ ứng phó với áp lực của một câu hỏi bất ngờ như thế nào. Dưới đây là một số nguyên tắc chính:

• Ngừng lại trước khi trả lời nếu bạn thấy cần (nhà tuyển dụng có phần thích điều này vì họ có thể thấy rằng bạn đang thật sự suy nghĩ câu trả lời).

• Nếu bạn không chắc chắn hiểu câu hỏi của nhà tuyển dụng, hãy hỏi lại.

• Giữ bình tĩnh và không nên tranh cãi với nhà tuyển dụng.

Hãy bán cho tôi chiếc bút này

Một số nhà tuyển dụng thích đặt câu hỏi này ngay cả khi bạn không dự tuyển vào vị trí bán hàng. Mục đích của câu hỏi là muốn biết bạn không tập trung vào đặc điểm (nó làm bằng bạc) mà tập trung vào lợi ích (nó sẽ gây ấn tượng với mọi người). Do đó, hãy liệt kê ra bốn hoặc năm lợi ích của chiếc bút (tập giấy viết, chiếc kẹp giấy hoặc bất kỳ thứ gì mà họ yêu cầu bạn bán cho họ) và sau đó, kết thúc bằng kiểu nửa đùa nửa thật: “Tôi lấy cho anh 20 chiếc nhé?” hoặc “Anh thích cái màu đen hay màu đỏ?”.

Hãy kể một câu chuyện

Đây là câu hỏi mẹo. Bạn phải thể hiện rằng mình có phương pháp tư duy logic qua việc yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi cụ thể hơn trước khi bạn trả lời. Hãy hỏi nhà tuyển dụng: “Anh muốn nghe loại chuyện nào?”. Họ có thể yêu cầu bạn kể một câu chuyện về bản thân có liên quan đến công việc hoặc đời tư. Khi đó, bạn chỉ cần thuật lại một câu chuyện nào đó thể hiện mình tốt đẹp (vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn một câu chuyện).

Bạn nghĩ gì về sự tư nhân hóa/ hiện tượng nóng lên toàn cầu/ sự kiện Ban-căng (hoặc bất cứ điều gì khác)?

Nhà tuyển dụng đang cố gắng tìm hiểu xem bạn quan tâm đến các vấn đề đang xảy ra trên thế giới ở mức nào, đồng thời cũng muốn biết giá trị và thái độ của bạn đối với cuộc sống. Dù bạn nói về chủ đề gì, thì câu trả lời cũng cần thể hiện rằng bạn có khả năng nhìn thấy cả hai mặt của vấn đề, và bạn không nhìn sự vật quá đơn giản, rằng bạn có thể nói trôi chảy một vấn đề mà bạn có khả năng tranh luận.

Do đó, không nên vội vàng trả lời thẳng quan điểm của bạn mà không thừa nhận mặt khác của vấn đề thảo luận. Nhà tuyển dụng rất dễ đưa ra câu hỏi dạng này. Các công ty dược phẩm có thể hỏi quan điểm của bạn về việc bán thuốc với giá bán buôn cho các nước đang phát triển; các ngân hàng có thể hỏi về lãi suất. Vì vậy, hãy tính đến quan điểm của họ về vấn đề này.

 Những điều khó nói

Cho dù các câu hỏi khó đến đâu, nếu chuẩn bị chu đáo, bạn sẽ có thể trả lời dễ dàng. Khi bạn tiếp thu các nguyên tắc cơ bản được nêu trong chương này (và hai chương trước), bạn có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào thậm chí cả câu hỏi mà bạn chưa chuẩn bị. Chỉ cần ghi nhớ:

• Giữ bình tĩnh

• Hãy khôn khéo trả lời những câu hỏi đòi hỏi sự khéo léo

• Không nên tranh cãi

• Không thừa nhận bất kỳ điểm yếu lớn nào

• Tránh bị lôi kéo vào việc chỉ trích bất kỳ ai

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.