Thiên Thần Bay Qua Mộ Con

CHƯƠNG 17



Một đứa trẻ chỉ cho tôi đường đến thư viện thành phố và khoảng chừng 15 phút sau tôi đã bước qua cánh cửa nơi đó. Khung cảnh ở đây là khung cảnh thường thấy trong bất kỳ một thư viện của một thành phố nhỏ nào vào một buổi chiều thứ bảy: Những bà mẹ trẻ mỏi mệt kéo những đứa trẻ nhỏ đến những góc có bày truyện tranh, học sinh phổ thông căng thẳng luyện bài cho những cuộc thi mà lẽ ra chúng phải chuẩn bị trước đây một tuần lễ rồi, những người đàn ông già nua thong thả lật dở những tờ báo thể thao. Đúng ra là một nhóm người bình thường, chẳng có việc gì tốt hơn để làm. Tôi xưa nay vốn yêu thích thư viện, chúng luôn gây một ấn tượng hiền hòa an ủi và cho tôi cái cảm giác được làm người của ý nghĩa và danh giá. Những bức tường quét sơn màu nhạt và không khí im ắng khiến cho con người trí thức trong tôi phát tiết. Thế nhưng hôm nay mọi việc khác hẳn.
Khi tôi ghi những dữ liệu cho những số báo cần thiết vào trong phiếu yêu cầu, cả hai tay tôi run bắn. Cô thủ thư, một cô gái mũm mĩm vui vẻ tóc nâu khoảng cuối tuổi 30 với giọng nói mềm mại của người miền Nam, giọng nói rất thích hợp với nụ cười bâng khuâng nơi cô, chắc chắn đã đọc được nỗi sợ hãi trên mặt tôi. Cô ta mang đến cho tôi những tập micro phim của tờ báo địa phương và nhanh chóng đút nó vào khe máy, cứ như thể tính mạng của tôi tùy thuộc vào tốc độ làm việc đó. Và quả nhiên điều này cũng đúng với sự thật.
Trên miếng giấy nhãn màu xám dán bên ngoài hộp có để đây là bản copy của những tờ báo từ ngày 2 tháng 7 năm 1968 đến ngày 12 tháng 12 năm 1968. Theo như cô thủ thư giải thích, đây là những tờ báo ra hàng tuần và những sự kiện nào đáng đề cập tới trong tuần qua sẽ được đưa ra trong số báo của những tuần sau. Tôi bấm lên nút tua nhanh, đẩy cuộn phim chạy đến tuần ngày 10 tháng 10, bởi tôi nghĩ tôi sẽ tìm được thứ mình cần ở đây.
Tháng 10 năm 1968. Ngày đó tôi 11 tuổi. Chúng tôi vừa từ Newark chuyển về sống ở Cam Đông. Bà tôi vừa qua đời. Có lẽ vì thế mà tôi luôn luôn nhớ tới bà bây giờ. Đó là một năm đã xảy ra biết bao chuyện kinh hoàng: Tiến sĩ Martin Luther King bị giết chết. Một vài tháng sau đến lượt Robert F. Kennedy. Khi tôi nhìn thấy những trang phim của những ngày tháng đó lướt qua trước mặt mình, tôi có cảm giác như một khách lãng du vừa bị bắt quay trở lại thời quá khứ: Gà mái còn tươi để nguyên con 29 cent/nửa kg; khăn giấy cho nhà bếp hãng Grand Union … ba hộp một USD. Bài báo ngắn với tựa đề: “Gói quà noel cho Việt Nam” tả lại chi nhánh Hồng Thập Tự của địa phương đã chuẩn bị những gói quà noel cho các chàng trai ở Việt Nam và qua đó tôi đột nhớ ra rằng cuối những năm 60 thì Johnny cũng ở dưới đó. Suýt nữa tôi đã quên mất điều này. Ngày đó anh 18 tuổi. Những trang báo khác tiếp tục lướt qua: kế hoạch mở rộng nhà thương, ngân quỹ bổ sung cho trường phổ thông tại địa phương. Những việc nhàm chán hàng ngày cho một thành phố nhỏ của miền Nam. Chẳng có gì trong tuần của ngày 10 tháng 10.
– Chó chết! – Tôi nói to thành tiếng, bấm sang tuần sau và nhảy thẳng vào khu vực báo tử, lướt thật nhanh. Giữa trang báo hiện ra tên cô ta, in thật đậm, như nhảy bổ vào mắt tôi: WILLOW TURNER. Bức ảnh chỉ ra một người đàn bà trẻ tuổi đang mỉm cười nhìn tôi với hai đồng tiền trên má.
Lễ cầu hồn cho Willow Turner, 26 tuổi, đã được tổ chức, vào ngày thứ năm tại nhà Bynum Memorial. Người điều khiển lễ cầu kinh là Johnson Hayes. Lễ mai táng diễn ra tại nghĩa trang Glendale.
Sinh năm 1942 tại Roanoke, Virginia, cô Turner sống ở Salem từ 20 năm nay. Cách đây không lâu cô phải đau buồn vì cái chết của đứa con trai nhỏ tuổi. Terrell Curtis, đứa bé đã qua đời khi tròn ba tháng.
Cô Turner để lại một cô con gái nhỏ, Willow, sáu tuổi và một ông chú, Dunbar Holt
Không một lời nói rằng đứa con gái đã vô tình giết chết đứa con trai. Không một lời về tự tử. Thế nhưng tôi chờ đợi điều gì kia? Chẳng lẽ người ta phải lên tựa đề: “Bà mẹ trẻ từ giã cuộc đời vì quá buồn rầu”? Người ta vốn không bao giờ nói về chuyện tự tử; tôi quá biết điều đó mà.
Tôi nhìn lại tấm ảnh một lần nữa và tìm một nét tương tự mà chắc chắn phải có. Willow Turner nhìn tôi với ánh mắt ngời sáng và lúm đồng tiền trên má, hoàn toàn không hề linh cảm được rằng cô ta phải qua đời bởi chính bàn tay mình trong cái tuổi 26 đầy sức sống.
Nụ cười này là đặc điểm nhận dạng và tôi tự hỏi, tại sao DeWayne không nhận ra điều đó, làm sao mà anh ta có thể hàng ngày cùng làm việc với Tháng Bảy mà không nhận ra nụ cười của Willow. Anh ta không nhìn thấy nó, bởi anh ta không muốn nhìn nó. Anh ta đã đẩy toàn bộ hồi ức về đến một nơi xa xôi nào đó mà chúng không thể chạm tới anh ta được nữa chăng? Thế nhưng mặt khác thì mỗi người khi quan sát một người khác sẽ lại nhìn thấy những nét riêng biệt. Nụ cười của Tháng Bảy, cái lúm đồng tiền trên má kia là yếu tố đầu tiên khiến tôi để ý tới và ở đây, nó lại xuất hiện trên chiếc ảnh của bà mẹ đã chết của cô ta.
Tháng Bảy. Con gái của Willow.
Tháng Bảy, kẻ làm việc trong văn phòng của DeWayne và biết những thói quen kể cả của anh ta cũng như thói quen của những đứa con trai anh ta. Tháng Bảy quen biết Terrence và có thể với tay đến chiếc chìa khóa cho căn nhà của bà mẹ DeWayne và Hakim chắc chắn sẽ tin rằng cô ta có một cái gì đó của cha nó dành cho nó. Món vũ khí đã giết chết DeWayne con chắc chắn cũng đã giết chết Hakim.
Tôi sẽ đòi xem bản báo cáo của Jenkins và sẽ thúc cho anh ta liên lạc với Griffin cũng như DeLorca. Mà phải làm thật nhanh. Bởi ngày mai là chủ nhật rồi, Tháng Bảy đang ở New Jersey còn tôi thì ở mãi dưới này. Nhưng mà tại sao? Bởi vì cô ta đã giết chết đứa em trai nhỏ bé của cô ta ư? Tại sao?
4 giờ 28 phút. Tôi nhìn xuống đồng hồ. Chắc là đồng hồ chạy sai. Tôi đứng dậy thật nhanh và cô thủ thư ném cho tôi một cái nhìn bồn chồn, lộ rõ nét nghi ngờ, liệu tôi có là người tử tế đến mức độ gõ phim ra không, có tử tế đến mức ngỏ một lời cám ơn với cô ta không. Những nguyên tắc về đạo đức mà người ta luôn tuân thủ trong một khung cảnh văn hóa như trong một thư viện. Thế nhưng tim tôi đập quá mạnh và tôi lờ mọi thứ đi. 4 giờ 29 phút. Làm sao tôi có thể quên mất thời gian! Làm sao tôi có thể không để ý đến những phút giây đã trở thành quá chật chội hạn hẹp.
Hốt hoảng tôi rời thư viện, chẳng thèm ném lấy một nửa cái nhìn về đằng sau. Tôi đi thật nhanh qua khách sạn để giải quyết tất cả những thủ tục và rồi sốt ruột đi đi lại lại trong khi nhân viên khách sạn viết hóa đơn cho tôi, còn bình tĩnh trừ toàn bộ số tiền đó từ thẻ tín dụng của tôi. Đúng 5 giờ 28 phút máy bay của tôi sẽ cất cánh. Tôi sẽ biết làm gì đây nếu trễ mất chuyến bay?
5 giờ 15 phút tôi đến sân bay, nhảy ra khỏi ô tô và chạy ra đường băng. Nhưng quá muộn rồi. Chuyến bay đã đóng cửa làm thủ tục. Tôi nguyền rủa tất cả những người có thể nghe thấy được, tôi dùng những kiểu cách ăn nói và những ngôn từ chắc chắn sau này sẽ bắt tôi phải ngượng ngùng, nhưng tôi sợ hãi và giận dữ vô cùng và cả hai thứ đó hợp lại biến tôi thành một con người không thể tưởng tượng. Khi đã xả một chút ra ngoài, tôi ngồi xuống một cái ghế bằng nhựa ở góc sau cùng của căn phòng, ngồi thật xa các cô chiêu đãi viên hàng không đang làm cái việc là gọi cảnh sát phi trường và bật khóc.
Giá mà bây giờ tôi được phép kể rằng, có một chị gái ân cần đứng tuổi với đôi mắt thân thiện đã cầm lấy tay tôi và đưa tôi quay trở lại với hiện thực. Nhưng đó chỉ là một giấc mộng đẹp mà thôi. Việc này phải tự mình tôi vượt qua. Cuối cùng tôi nghiến răng gom góp sức lực, đi vào phòng vệ sinh và rửa mặt. Sau đó tôi đi đến bên cát-sê, hỏi cô gái xem chuyến bay sau xuất phát vào lúc mấy giờ. Cô ta chỉ khẳng định lại những gì tôi đã biết rồi.
Tôi quay trở lại hãng cho thuê ô tô và nói với người đàn ông ở đó rằng tôi sẽ cùng với chiếc ô tô quay trở về Newark. Đó là đoạn đường khoảng chừng 450 dặm, anh ta giải thích và tôi tính ra ngay, nếu đi ô tô không ngơi nghĩ tôi sẽ cần thời gian tám tiếng rưỡi đồng hồ. Bây giờ là sắp bảy giờ tối. Đến khoảng hơn ba giờ sáng tôi có thể về tới nhà. Ba giờ sáng ngày chủ nhật. Tôi quay trở lại phòng vệ sinh lần nữa và đổi bộ váy áo thể thao, quần jean và một cái áo khoác rộng rãi, những loại quần áo thoải mái để lái ô tô.
Trên đường đi tôi sẽ gọi điện cho Jake và báo cáo cho anh biết những gì tôi vừa biết được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.