Thiên Thần Bay Qua Mộ Con

CHƯƠNG 3



Từ chủ nhật tới nay trời không lúc nào thật sự ngưng mưa và nước lại bắt đầu đổ xuống khi tôi còn đang đi xe dọc đại lộ Avon. Đó là một ngày lạnh giá, quá lạnh cho tháng mười và làn không khí ẩm ướt len qua khuôn cửa sổ đã bị mất kính của chiếc Jetta lại nhắc cho tôi nhớ tới tiền, nhắc tôi nhớ rằng tôi không có chút tiền nào trong ví.
Ngôi nhà nơi Terrence đã sống nhô lên như một con tàu chiến bên lề đại lộ Avon. Đó là ngôi nhà lớn nhất trong cái khu đầy vẻ bí hiểm, cổ lỗ và xấu xí. Một khu nhà mà chắc chắn sẽ bị trẻ con “ném trứng” trong dịp Halloween. Nhiều thân cây rất cao và hàng rào um tùm ngăn không cho ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà và khi tôi mở cánh của bằng sắt cũ kỹ ở phía trước, nó bỗng rên lên như trong một bộ phim rùng rợn.
Tôi bấm chuông hai lần nhưng không một ai bước ra, vậy là tôi cẩn thận mở cửa bằng chiếc chìa khóa nhận được trong văn phòng của DeWayne.
– Có ai trong nhà không? – Tôi gọi lên như thế khi bước vào phần sảnh dưới tầng trệt, ánh mắt bối rối nhìn quanh. Ai ngờ được, rất có thể một thằng ngu nóng tính nào đó đột ngột nổi điên và cướp mạng ta vì coi ta là một tay ăn trộm. Tôi bước một vài bước vào trong. – Có ai ở nhà không? Tôi thét một lần nữa vào khoảng trống.
Khuôn sảnh màu xám và trải một lần thảm nâu đã mòn sờn, nền gỗ bên dưới lộ qua một vài chỗ rách. Hai giá đựng ô khấp khểnh chứa những cái ô to nhỏ khác nhau, tất cả đều là ô hỏng. Một cái bình màu xanh lục cắm hoa nhựa màu hồng đứng trên một cái tủ kê sát tường lẽ ra phải được rửa bụi từ lâu rồi. Bốn cánh cửa phía bên kia sảnh đóng kín. Căn phòng bốc lên mùi ẩm thấp và âm u như trong một tầng hầm sau cơn mưa. Ở đâu đó vang tiếng người lẩm bẩm từ tivi và từ những tầng nhà bên trên vẳng xuống tiếng nhạc Radio.
– Cô làm cái gì ở đây? – Một giọng nói khào khào sủa lên từ thinh không.
Tôi đờ người ra. Giọng nói nghe như có ai đó đang chĩa một khẩu P22 vào gáy tôi. Giống như tất cả những lần bất ngờ khác, tôi cảm giác rõ một làn sóng nội tiết tố Adrenalin chợt dâng lên trong huyết quản. Tôi xoay người lại và đứng trước một người đàn bà nhỏ xíu già nua trong một chiếc áo ngủ màu vàng đã bạc phếch, khuôn mặt có hình dạng và màu sắc của một quả hạt dẻ. Tôi lờ mờ nhận ra đây là người quen, một gương mặt mà tôi đã nhìn thấy ở đâu đó, nhưng không nhớ lại được ở đâu và với ai.
– Cô làm gì ở đây? – Bà ta hỏi.
– Xin lỗi bà, – tôi nói và gắng làm ra vẻ mình có quyền đứng giữa căn sảnh này. – Tôi là Tamara Hayle. Nữ thám tử tư. Ông bố của Terrence Curtis là DeWayne Curtis nhờ tôi điều tra cái chết của con ông ta. – Tôi ngừng một lát, để cho bà ta kịp hiểu tất cả những câu nói đó. – Tôi rất muốn vào phòng của cậu ta, vào phòng của Terrence Curtis và xem xét hiện trường nếu có thể? – Tôi nói điều đó dưới dạng câu hỏi, chứ không phải dưới dạng lời khẳng định dù đúng với sự thật hơn.
– Không, không được. – Bà ta nói và nhìn tôi nghi ngờ, ác ý. – Xem phòng nó hả? Cô muốn làm gì ở đó? Thằng bé đó chết rồi. Nó chết trong nhà của tôi đã là đủ tệ rồi và không một ai tới đây xem phòng nó. Cứ để cho người chết được yên. Được yên với nắm tro tàn. Ý của tôi là như thế.
Bà ta quả quyết hít không khí qua kẽ răng rồi gật đầu. Tôi nhận ra bà ta đội một mớ tóc giả đen nhánh rất dài, trông xộc xệch như được chụp vội vàng lên trên cái đầu đó.
– Thằng bé đó chết rồi. Chết rồi. Nói chuyện chẳng được gì. Nhìn phòng nó cũng chẳng được gì. – Bà ta nghiêng đầu sang một bên rồi lại nhìn tôi, nhìn như mới thấy tôi lần đầu. – Tôi là cô Lee. – Bà ta nói. – Tôi là chủ nhà này. Cô muốn biết gì?
Trong một thoáng tôi không thật sự tin chắc liệu bà ta đã hiểu lời tôi nói, bà ta đã bị lão hóa thật hay chỉ muốn trêu chọc tôi.
– Tôi là Tamara Hayle. – Tôi bắt đầu lập lại một lần nữa. – Tôi là nữ thám tử…
– Cái đó cô kể rồi, cô đã kể cô là ai và cô muốn gì. Tôi chỉ không biết liệu có nên cho cô vào phòng thằng bé đó không, bây giờ không có cảnh sát đi cùng.
“Tức là bà ta không bị lẩm cẩm.” Tôi quyết định cho bà ta nghe sự thật.
– Tôi được trao nhiệm vụ điều tra cái chết của Terrence Curtis. Tôi đã có lần sống chung với bố nó. – Tôi bắt đầu bằng giọng khách quan hơn, rồi sau đó mới thêm vào mối quan hệ giữa tôi và DeWayne. Nét mặt bà ta không thay đổi. – Cậu bé đó, Terrence, là anh em cùng cha khác mẹ với con trai tôi và tôi đã hứa với con trai mình cũng như bố của nó là sẽ điều tra vụ này.
– Có họ với cha nó hả? Tôi biết cha nó. – Tôi nhận ra cái cách bà ta nói và ánh mắt nghi ngờ của bà ta hướng về phía tôi, nhưng tôi quyết định không làm rõ chuyện này. DeWayne có chân trong rất nhiều trò làm ăn khác nhau và quen biết rất nhiều người.
– Vậy đấy, tôi chỉ muốn một lần được quan sát phòng của thằng bé thôi. – Tôi nói. – Thử tìm xem có chuyện gì bất bình thường không. Tôi không cần quá năm hoặc là mười phút đâu. Làm như thế cho cha nó hài lòng.
Bà ta hơi nheo mắt lại.
– Cảnh sát đã tới đây rồi. Họ tới đây vào ngày thứ bảy, khi đến đón xác thằng bé đi và rồi hôm qua họ lại tới đây nữa và chẳng biết họ cần phải tìm gì, mà cũng chả tìm được cái chó gì hết.
Cái từ “chó” đâm khẽ vào người tôi. Tôi ngạc nhiên mỗi lần nghe người đàn bà trên 60 tuổi thốt ra từ đó, mặc dù chắc chắn tới một ngày nào đó rồi tôi cũng sẽ thành một người trên 60 tuổi.
– Tôi phải cho người khác thuê cái phòng đó. – Bà ta nói tiếp. – Chuyện thằng bé chết ở đây đã là quá tệ rồi, giờ lại còn thêm cô đến đây đánh hơi.
– Chỉ mười phút thôi? Tôi không cần hơn. Trong mười phút đó tôi không làm đảo lộn gì đâu. Chắc chắn là tôi không đến đây để gây chuyện xáo trộn. Chẳng có gì lạ nơi hiện trường, bà cũng biết mà tôi cũng nghĩ như thế. – Tôi tìm cách an ủi bà ta bằng một cái nháy mắt và chạm khẽ vào cánh tay người đàn bà. – Tôi chỉ muốn làm vừa lòng ông bố của nó thôi. Xin bà tin tôi, đây chỉ thật sự là một chuyện rất nhỏ. Bà biết đấy, nó là công việc của tôi. Tôi được trả tiền cho chuyện này. – Tôi nhấn thật rõ cái tiếng “trả tiền” cho nặng âm. Tiền. Tôi cố dùng giọng thân thiện tin cẩn giữa hai người phụ nữ với nhau.
Bà ta nhìn tôi thật chăm chú, mím môi lại thành một vệt mỏng tang. Rõ ràng là bà ta đang cân nhắc nhiều khả năng khác nhau, điều đó khiến tôi ngạc nhiên bởi đây chỉ là một chuyện rất nhỏ. Thế nhưng có những người đơn giản là không thích những người khác bước vào nhà của họ mà không có nguyên nhân chính đáng, mà cũng có lẽ bà ta có lý. Tôi đã định bảo bà ta quên chuyện này đi, quay lại phòng của bà ta mà sửa sang cho mái tóc giả kia về đúng chỗ và tiếp tục cái việc đã bị tôi ngắt quãng, để tôi sẽ lại bước đi và tiếp tục những việc làm khác của mình, song giờ tôi sực nhớ đến tiền.
– Chỉ mười phút thôi. – Tôi nhắc lại và rót vào trong giọng nói một giọt cầu xin nhỏ nhoi.
– Mười phút và không hơn. – Bà ta nói, tiếp tục nhìn tôi bằng vẻ nghi ngờ. Thế rồi bà ta rút từ túi ra một chùm chìa khóa và theo cầu thang đi lên. Tôi ngoan ngoãn bước sau, không nói một lời về chuyện tôi cũng có chìa khóa. Rõ là bà ta không thèm để ý đến việc tôi đã vào nhà bằng cách nào.
Chút ánh sáng rụt rè lẻn được qua lớp mành mành cũ kỹ phủ bên ngoài cửa sổ quá yếu, vậy là bà Lee bật một bóng đèn tròn cắm trên trần phòng để chiếu sáng khoảng hành lang mà bà Lee bước mỗi lần tới hai bậc. Yếu tố này tàn nhẫn thúc cho tôi nhớ rằng đã tới lúc tôi cần phải lê thân đến bãi tập thể thao. Im lặng, tôi nguyền rủa những buổi tối xả láng cùng rượu vang và bánh ngọt của mình. Ngôi nhà có tất cả bốn tầng lầu ẩm thấp u ám; chắc nó khoảng chừng 70 tuổi rồi, được xây dựng trong những ngày người da trắng ở Newark vẫn còn chưa trốn chạy người da đen. Thế nhưng dù chủ ngôi nhà này ngày xưa có là ai chăng nữa, giờ đây nó nằm trong tay bà Lee.
– Đây là một ngôi nhà đứng đắn, hoàn toàn đứng đắn, tôi không cho dân nghiện thuốc phiện vào đây. – Bà ta tiếp tục câu chuyện trong khi chúng tôi trèo cầu thang đi lên. – Tôi ngửi ra ngay mùi một thằng nghiện, như một con chó ngửi ra mùi một con gấu. Mà tại sao cái thằng bé đó lại dây vào thuốc phiện mới được chứ… Thật người ta hôm nay chẳng hiểu được. Người ta hôm nay không thể lường hết chuyện bất ngờ. Cô đừng phải kể gì cho tôi nghe cả… Khi tôi tìm thấy xác thằng bé đó, lúc ấy…
– Bà tìm thấy cái xác đó? – Tôi hỏi và dừng lại như mọc rễ.
Bà ta nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên vì tôi không biết cái điều như thế.
– Phải. Buổi tối hôm đó nó vặn nhạc rất là to. Ngày thứ bảy. Ban ngày bao giờ nó cũng vặn nhạc to, nhưng lúc đó đã 11 giờ đêm rồi, mà nó vốn biết những quy định của tôi về chuyện nghe nhạc trong đêm, kể cả vào cuối tuần. Những người khác phải dậy sớm vào sáng chủ nhật để đưa con cái đến nhà thờ. Vậy là tôi leo lên và bảo nó vặn nhạc nhỏ đi. Nhưng mãi mà nó không chịu vặn nhạc nhỏ đi. Tôi gõ cửa liền tay, cuối cùng tôi nghĩ cần phải vào và tự tay vặn đài nhỏ xuống. Khi bước vào phòng, tôi thấy nó chết rồi. Tôi gọi xe cứu thương đến.
– Bà tìm thấy nó ở đâu?
– Nó nằm trên giường. – Bà ta dừng lại một thoáng. – Tôi nín thở. Ngay lập tức tôi nhận ra là thằng bé đã chết rồi, ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mắt nó đờ đẫn như mắt cá trong tiệm, trông người nó trong như nến vậy. Nhưng tôi không muốn có cảnh sát vào đây, vậy là tôi gọi xe cứu thương. Nhưng cảnh sát vẫn cứ tới. Họ bảo rằng nó bị cocain giết chết.
Chúng tôi đi tiếp.
– Terrence sống ở đây bao lâu? – Tôi hỏi.
– Hai tháng, cũng có khi là ba tháng mới chính xác.
Phòng Terrence là căn phòng duy nhất ở tầng sát mái. Bà ta mở cửa ra rồi bước một bước sang bên.
– Tôi đã cho người thuê rồi, ngày kia họ sẽ dọn phòng, rồi tất cả những thứ này sẽ bị vứt đi nơi khác. Cô hãy nói với bố nó, nếu ông ta còn muốn lấy gì ở đây thì hãy đến mà lấy đi.
– Vâng, – tôi nói. – Cám ơn.
– Chỉ mười phút thôi đấy! – Bà ta nói thêm một lần nữa và đóng cửa lại.
Tôi đứng một thoáng trong căn phòng nghèo nàn đồ đạc, rồi bước tới một chiếc giường bừa bộn sát của sổ, nơi chắc người ta đã tìm thấy xác Terrence. Tôi thấy mình không nên ngồi xuống; vì như thế là thiếu tôn trọng người chết; đây là những chuyện tôi rất chú ý. Tôi đứng và đưa mắt nhìn quanh.
Đó là một căn phòng dài với một khuôn cửa sổ hẹp; người ta có thể dễ dàng xây thêm ba cửa sổ áp mái nữa vào đây, cạo nền phòng lại cho mới rồi sẽ tìm được một kẻ ngu ngốc nào đó sẵn sàng trả gấp ba giá tiền mà bà Lee bây giờ đang thu. Căn phòng đang chìm trong một vẻ tĩnh lặng bí hiểm, như có ai đó ở đây đã chiến đấu với ma quỷ và thua cuộc.
Drap trải giường và áo gối đều sạch sẽ, bên trên một chiếc máy cassette xách tay có lẽ được mua ở cửa hàng đồ cũ có đặt nhiều băng cassette khác nhau – Toni Braxton, “Ballads” của John Coltrane. Tôi bật máy, bài ca “I Wish I Knew” của Coltrane vang lên. Có lẽ Terrence đã nghe bài này khi thằng bé chết. Tôi cân nhắc, không biết nó tìm thấy tình yêu nhạc Jazz từ hồi nào, chắc chắn không phải là thứ mà DeWayne truyền cho nó: anh là người đàn ông da đen duy nhất tôi quen biết ưa thích nhạc Country hơn Jazz. Khi tiếng kèn Saxophone chói lói buồn thương của Coltrane xuyên qua căn phòng, tôi đột ngột thấy mình gần gũi với Terrence. Ở phía tường đối diện có để một chiếc bàn, trên bàn là một bếp điện và bên cạnh đó là một chiếc ghế. Tôi kéo cái ghế đến bên đầu giường nơi Terrence đã nằm và ngồi đó quan sát tiếp.
Thằng bé đã nhìn thấy cái gì trong hơi thở cuối cùng của nó? Làn giấy dán tường cũ kỹ cùng những bông hoa xa cúc lam bạc phếch trên tường. Hai hoặc ba cái gối thêu ở phía cuối giường. Có phải tình cờ mà những chiếc gối này có cùng màu như những bông hoa trên tường kia? Có phải chính thằng bé đã từng cố gắng để làm đẹp căn phòng này? Những bức ảnh dán trên tường, một của Liên Hoan Nhạc Jazz Cancun và một của Studio Museum, trông đều có vẻ mới. Phải chăng thằng bé quan tâm đến nghệ thuật? Ở phía góc phòng lấp ló một chiếc tủ lạnh nhỏ. Tôi mở nó ra và chuẩn bị tư tưởng gặp một bức tranh tởm lợm. Thế nhưng trong tủ rất sạch: Một vài quả táo, nửa lít sữa, một cái bát đựng một chút xúp thịt bò còn sót lại, một cái lọ đựng bơ đậu phộng, một nửa khuôn bánh táo. Tôi ngửi sữa. Mùi sữa còn tươi, một tuần nữa mới hết thời hạn sử dụng. Hương quế tỏa ra từ khuôn bánh táo nhắc tôi nhớ rằng mình chưa ăn trưa. Tôi vuốt tay ra sau lưng tủ lạnh và vuốt vào cái khe hở bé xíu đằng sau khuôn làm đá. Trúng đích rồi. Có một chiếc phong bì được dán chặt vào thành tủ, phải dùng cả hai tay mới gỡ được. Tôi nhanh chóng mở nó ra và suýt nữa thì xé rách phần nội dung bên trong: ba tờ 100 USD. Thận trọng, tôi lại đưa nó về chỗ cũ.
– Khốn nạn! – Tôi lẩm bẩm một mình.
Tôi đóng tủ lạnh lại và nhìn phần còn lại của căn phòng với sự chú ý tăng gấp bội. Tôi phát hiện ra thùng đựng rác và nhìn những thứ bên trong: Những mảnh giấy bị vò nhàu, một bó hoa cúc trắng và cúc lượm vàng vẫn còn quá tươi để bị ném bỏ. Tôi trải một vài tờ báo lên nền phòng rồi đổ rác lên trên đó, nhìn kỹ hơn. Nhiều mảnh giấy nữa. Tấm thiệp chắc đã được gửi kèm với bó hoa, không có đề tên. Một hộp đựng thuốc cảm cúm trống rỗng. Hộp cacton đựng bánh táo. Khoảng chừng hai tá những chiếc khăn giấy đã dùng rồi.
Tôi đặt xô đựng rác về chỗ cũ, đi về hướng giường và lật drap trải giường cũng như tấm chăn bừa bộn lên. Còn nhiều khăn giấy dùng rồi hơn nữa. Trên một chiếc lavabô rửa tay ở góc phòng đằng kia có một cái tủ nhỏ. Tôi đi sang hướng đó, bật đèn lên và mở tủ. Chẳng có gì đặc biệt. Sáu bao cao su loại Trojans được xếp chồng gọn gàng trong góc tủ. Nước súc miệng. Thuốc nhỏ mũi.
Trong năm năm làm cảnh sát người ta học được những việc trở thành bản ngã thứ hai. Nó trở thành một giác quan thứ sáu, một linh cảm cho những gì bốc lên mùi đáng nghi và linh cảm đó bây giờ lên tiếng. Ở đây rõ ràng đã có một cảnh sát viên cẩu thả quá mệt mỏi sau một ngày làm việc quá dài hoặc đang đói cồn cào vì tới giờ ăn trưa; lập biên bản rằng Terrence Curtis sống là một tay nghiện thuốc phiện và chết như một con nghiện, vậy là xong việc. Nhưng tôi bây giờ biết rõ hơn. Dù cho nó có chết vì Crack thì thằng bé chắc chắn không nghiện thứ đó. Đột ngột một cơn giận dữ tóm chặt lấy người tôi. Thêm một lần nữa tôi bực bội vì những dòng chữ ngu ngốc mà rất nhiều cảnh sát viên viết xuống trong những vụ việc xoay quanh người da đen, một lần nữa tôi bực bội về sự kém cỏi của bộ máy cảnh sát, về con mắt nhìn hời hợt của họ.
Một kẻ nghiện thuốc phiện sẽ không có cả đến một chút rác trong kẽ móng tay. Nó không thể có được, bởi nó ăn rác rưởi. Nó không có tình dục. Cả cuộc sống của nó chỉ xoay quanh duy nhất chữ thuốc phiện và dù Terrence đã từng là một người như thế nào đi chăng nữa, vào lúc qua đời thằng bé không phải con nghiện. Tôi biết điều đó rõ ràng như biết tên mình vậy.
Căn phòng chứa đầy những bông hoa còn tươi, chứa đầy những món ăn dở dang, căn phòng đã từng vang lên tiếng nhạc của Coltrane và nơi những chiếc bao cao su được xếp ngay ngắn như kẹo bạc hà, một căn phòng như thế quả quyết với tôi những gì tôi muốn biết, như thể bản thân thằng bé đang ngồi đây và thì thào kể cho tôi bí mật cuộc đời nó cũng như bí mật cái chết của nó.
Tôi rút cuốn sổ tay đen trắng ra, cuốn sổ tôi luôn mang bên mình và ghi lại địa điểm, ngày tháng cùng thời gian. Tôi viết tôi tìm thấy tất cả những thứ này ở đâu và trong tình trạng như thế nào: từ những viên thuốc cho tới miếng bánh táo trong tủ lạnh. Thế rồi tôi rút ra chiếc máy ảnh Polaroid, chiếc máy ảnh mà tôi đã đút vào túi từ sáng hôm nay theo thói quen, để chụp lại mọi vật trong căn phòng từ tất cả những góc nhìn khác nhau. Năm năm trong ngành cảnh sát đã dạy cho tôi biết, tất cả những gì mà tôi làm cũng cần phải được ghi biên bản, dù việc đó có tốn bao nhiêu thời gian chăng nữa và có vẻ thừa thãi nhàm chán đến đâu chăng nữa. Người ta không bao giờ biết sự thật sẽ hiện ra ở đâu, sẽ hiện ra như thế nào, để cười nụ cười trâng tráo vào giữa mặt ta.
Khi chụp ảnh xong, tôi ném một cái nhìn cuối xuyên qua cả căn phòng, kiểm tra xem mình có bỏ qua chi tiết nào không. Tôi phát hiện ra một khuôn ảnh óng ánh bạc, được kê ngã vào bức tường đối diện trên một chồng sách đặt dưới nền phòng. Và tôi nhận ra trong khuôn đó một tấm ảnh do chính tay tôi chụp trước đây chín năm trời. Đó là lễ sinh nhật Jamal tròn 5 tuổi. Hakim 7 tuổi và cũng mặc một chiếc áo thun của Công ty điện lực như Jamal. Terrence khoảng 13, Gerard trẻ hơn nó vài tuổi. Đó cũng là năm tôi rời bỏ DeWayne. Đây là lần cuối cùng tất cả chúng tôi gặp nhau, một thời điểm ngây thơ kỳ diệu, khi tất cả vẫn còn đủ trẻ để tin vào những bữa tiệc sinh nhật. Ngắm ảnh, tôi chỉ muốn khóc lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.