Thiên Thần Bay Qua Mộ Con

CHƯƠNG 18



Vậy mà chẳng có gì ổn hết.
Tôi đã dừng lại trên xa lộ để gọi điện cho Jake, một tiếng đồng hồ sau đó gọi một lần nữa. Lúc đó vào khoảng 8 giờ 30. Tôi tìm cách nhờ người ở sân bay Newark gọi cho anh, bởi anh muốn đón tôi ở đó, thế rồi tôi gọi một lần nữa về nhà anh. Cuối cùng tôi gọi đến căn hộ của bà mẹ Phyllis ở Camden, Phyllis bốc máy.
– Giờ cô lại muốn hỏi gì anh ấy nữa hả? – Chị hỏi.
Đã lâu tôi không nghe cái giọng này, một giọng nói không sức sống, đầy nghi ngờ, cho tôi biết chị lại thêm một lần nữa “tới lúc” theo như cách gọi của Jake. Đầu tiên tôi chỉ thấy buồn thôi, rồi tôi hoảng lên. Tôi có thể nói tôi muốn gì, nhưng cũng chẳng được ích chi.
– Jake có nhà không? – Mặc dù vậy tôi vẫn hỏi.
– Tôi ngán đến tận cổ cái việc cô cứ luôn luôn hỏi đến anh ta cả đêm lẫn ngày.
Tôi chờ một lúc rồi lấy hơi thật sâu.
Im lặng.
– Không. Cô cút ra khỏi cuộc sống của chúng tôi đi, khốn kiếp.
– Phyllis. – Tôi nói, thêm một lần nữa cố gắng với tới con người chị. – Làm ơn, nếu Jake gọi về…Anh ấy có ở đấy không?
– Tôi không nói điều đó. – Một câu nói nghe tinh quái, đểu giả. Nhưng tôi biết anh không có ở đây. Anh ấy muốn đi đón tôi ở phi trường mà.
– Phyllis, tôi rất tiếc. – Tôi còn kịp lẩm bẩm trước khi chị dập máy xuống và đó quả thật là cảm xúc của tôi hiện thời. Tôi lấy làm tiếc là chị đã đặt máy xuống bỏ đi, tôi lấy làm tiếc rằng tôi đã làm cho chị đau. Tôi thấy thương tôi, thương Jake. nhưng tôi thương nhất là chị. Rồi tôi cũng buông máy xuống và đứng một lúc lâu im lặng như vậy. Thế rồi tôi tìm cách gọi cho DeWayne, sau đó gọi về nhà riêng của Griffin. DeWayne không có nhà. ở nhà Griffin có một cái máy tự động trả lời lên tiếng và trong vòng một phút trước khi máy tự động tắt đi tôi bảo cần cho anh biết rằng Tháng Bảy là thủ phạm giết người và Jarnal bây giờ đang ở chỗ Jake. Cố gắng hết sức, cuối cùng tôi cũng kịp nói cả địa chỉ của Jake. Loay hoay đủ mọi đường mà không kết quả. Không một chút xíu kết quả. Từ thất bại này sang thất bại khác. Tôi đặt ống nghe xuống giá, lại trèo lên ô tô và quay trở lại xa lộ.
Tôi lái xe đi thật nhanh trong cơn giận dữ và điểm lại trong đầu toàn bộ mọi chuyện: Tháng Bảy, DeWayne và tất cả những gì tôi vừa tìm ra. Có lẽ bây giờ tôi phải vui mới đúng, vì tôi đã nhìn ra mọi chuyện và có lẽ tôi cũng đã vui được, nhưng sự thật trong tôi lúc này chỉ có một nỗi sợ hãi, một nỗi sợ hãi cộng với giận dữ bản thân mình, giận bởi tôi không nhìn rõ mọi việc sớm hơn. Tôi nhớ đến Basil và nhìn toàn bộ câu chuyện trên nền bếp bây giờ trong ánh sáng khác. Tôi nhớ đến thực tại rằng tôi luôn luôn mấp mé bên bờ vực phá sản và tôi phải phụ thuộc vào DeWayne cũng như món tiền mà anh ta chuyển cho tôi hàng tháng đến đâu. Thật cay đắng vô cùng khi tôi lại phải phụ thuộc vào anh ta trong bất kỳ một phương diện nào đó. Nếu cha mẹ tôi không qua đời và để lại cho tôi ngôi nhà này, có lẽ giờ đây tôi đã thành người vô gia cư. Khốn nạn!
Một khi người ta muốn nổi điên lên và muốn đắm mình trong bùn, thì làm chuyện đó trong ô tô là tốt nhất. Ở đây là một không gian yên ắng, chỉ có một mình ta, chẳng có ai để nói với ta rằng phải nên im miệng đi và thôi cái trò thương thân đi. Ở đây chỉ có mỗi con đường thật xa và thật trống vắng tiêu điều và người ta tự động đi hết dặm này qua dặm khác. Vậy là suốt đoạn đường về đến Washington, tôi đắm mình xuống bùn một cách hệ thống. Tôi rủa xả mình vì chuyện DeWayne, tôi rủa xả mình vì chuyện Basil và tất cả những thứ khác, tất cả những việc mà tôi đã làm sai kể từ khi rời trường phổ thông. Thế rồi cuối cùng, tôi thấy lăn lộn trong bùn lầy như thế là cũng đủ rồi.
Khi tôi về đến Maryland, trời bắt đầu đổ mưa, ban đầu chỉ nhẹ thôi, nhưng rồi sau đó ầm ầm như thác lũ. Mưa bao giờ cũng khiến cho tôi mỏi mệt và sự chạm mặt với một gánh nặng quỷ quái như vậy sao lại đổ ập đến cho tôi trong lúc này. Tôi còn phải đi bốn tiếng đồng hồ nữa và chưa bao giờ trong đời phải lái xe đi một chặng đường dài như đêm nay; dần dần tôi cảm thấy sự căng thẳng. Đến một bãi đổ xăng với chỗ nghỉ ngơi, thứ mà ta tìm thấy trên mỗi khúc xa lộ, tôi dừng lại để kiếm một ngụm cà–phê và một cái gì đó thật ngọt, thật nhiều đường, có thể khiến cho tôi tỉnh dậy ngay lập tức. Giờ đã tới nửa đêm rồi, tôi mệt lả người.
Phòng vệ sinh dành cho phụ nữ không một bóng người và gây ấn tượng bí hiểm, kỳ quặc, khi tôi nhìn thấy mình trong gương, tôi có cảm giác như mình là hiện thân của tử thần. Tôi lấy son tô lại môi, làn môi đã khô và nứt nẻ; tôi bỗng nhớ ra cái hành động tô son lên môi vào giữa nửa đêm ở trong phòng vệ sinh bên một con đường xa lộ bị Chúa Trời ruồng bỏ là một việc ngu ngốc đến mức nào. Giờ thì tôi thật sự đã điên rồi. Tôi vỗ nước lạnh lên mặt, dùng một khăn giấy thấm cho nó khô đi rồi lên đường đi tìm đồ ngọt.
Tôi mua hai cái bánh táo nhỏ được nướng với rất nhiều mỡ và một cốc giấy cà–phê đen với một vài cái giọt mà ở đây người ta gọi là váng sữa. Thế rồi tôi ngồi xuống một góc bên cạnh cửa sổ, một góc tường khuất để không phải nhìn tay tài xế xe tải già nua, kẻ đang xoay lưỡi tục tĩu giống như thằng cha nhơm nhớp trong bộ phim nọ đã bị đôi bạn gái Thelma và Luise tặng cho phần thưởng xứng đáng. Tôi câm nín nguyền rủa gã. Tay đàn ông đó chắc là đang thèm muốn đến chết, tôi nghĩ thầm. Trông tôi bây giờ cũng khó nuốt gần bằng cái món bánh táo mà tôi vừa mua. Tôi cắn một miếng rồi uống một ngụm cà phê để lùa nó xuống, cà phê nóng khiến lưỡi tôi bỏng lên. Thế nhưng ít nhất nó cũng giúp tôi đủ tỉnh.
Vậy là bây giờ tôi vừa uống cà phê vừa nhìn nước mưa chạy dọc theo khuôn cửa kính xuống dưới. Hồi còn bé tôi rất thích ngồi đếm những hạt mưa và tưởng tượng chúng là những thực thể sống. Tôi nhớ về chuyện cũ và nhớ ra rằng trời đã mưa như thế nào xuống khuôn cửa sổ áp mái của tôi vào cái chủ nhật DeWayne đến tôi lần đầu và mọi chuyện bắt đầu; bất giác tôi phải nghĩ đến Jamal và đột ngột cảm nhận một nỗi sợ khủng khiếp chưa từng thấy.
Tất cả những cảm giác tội lỗi lại hiện hình, bởi tôi đã không hiểu ra mọi việc sớm hơn, đã không bảo vệ nó thật đúng đắn và bây giờ tôi không có mặt bên con tôi. Bởi tôi đã quá để tâm đến nỗi buồn của riêng mình, với tất cả những gì mà chắc tôi không bao giờ vượt thắng nổi trong cả đời mình: cái chết của Johnny, sự cô đơn đến mức độ tôi đã không nhận ra cái nét quái gở trong con người của Tháng Bảy.
Tôi gạt những suy nghĩ đó sang bên, đứng dậy và đi tới điện thoại, tìm cách gọi cho Jake lần nữa. Thế rồi tôi gọi điện về trạm cảnh sát, muốn tìm gặp Griffin, nhưng thay vào đó lại vớ phải một tay cảnh sát có giọng ngái ngủ.
– Chuyện rất khẩn thiết. Tôi phải nói chuyện với anh ấy bằng mọi giá trong đêm nay. Anh có biết số điện thoại nào mà tôi có thể gọi cho anh ấy được không? Tôi đã gọi về nhà cho anh ấy rồi, nhưng không gặp được.
– Chúng tôi không cung cấp những thông tin như vậy. Liệu tôi có thể giúp cho chị được không?
Tôi cân nhắc thoáng qua. Không. Anh ta không giúp được tôi. Anh ta đâu có biết tôi nói đến chuyện gì. Rất có thể thậm chí Griffin cũng không biết tôi đang nói đến chuyện gì. Chính tôi phải kể cho Griffin nghe.
– Thưa bà, liệu bà có thể nói cho tôi biết bà tên là gì và có thể gọi tới cho bà ở đâu không?
– Không thể gọi tới cho tôi được. – Tôi nói.
– Thưa bà, tôi không biết như thế thì tôi làm gì để giúp đỡ được bà, nếu bà không để lại địa chỉ mà cũng không có số telephone. – Âm điệu cáu kính trong giọng nói của anh ta cho tôi biết dần dần thì anh ta đã cho tôi là một người điên: một người điên muốn làm phiền một bạn đồng nghiệp của anh ta vào đêm thứ bảy. – Bà phải để lại cho tôi số điện thoại, hoặc là một địa chỉ.
Tôi nghĩ một lúc, thế rồi tôi đưa cho anh ta địa chỉ của tôi, số điện thoại của tôi ở nhà cũng như số điện thoại của Jake.
– Liệu anh ấy có thể gọi cho bà theo số điện thoại này không?
– Chưa, chắc khoảng ba giờ sáng tôi mới có mặt ở đó.
– Cám ơn, thưa bà. – Anh ta nói. – “Xin mời người điên tiếp theo”. – Tôi nghe thấy rõ qua giọng anh ta như vậy. – Tôi sẽ lo lắng sao cho Griffin nhận được thông tin của bà. – Anh ta bảo ngắn thế rồi đặt máy trước khi tôi kịp nói thêm điều gì.
Tôi chửi tục thành lời, trèo trở lại xe và lái đi. Tôi đi xuyên qua Maryland, rồi qua cầu Delaware và chỉ trong chớp mắt tôi đã để lại Delaware đằng sau lưng mình. Pennsylvania lao vọt qua, sau đó Jersey Turnpike, rồi Garden State New Jersey và cuối cùng là con phố của tôi.
Cuối cùng, khi tôi về tới nhà thì đồng hồ chỉ ba giờ sáng và vạn vật vắng lặng như đã chết. Tôi ngồi lại một lúc ở ô tô, gục đầu xuống tay lái; hai tay tôi đau buốt, lưng tôi như tê cứng. Tôi có cảm giác mình vừa bị đánh đòn, cứ như ai đó vừa cầm lấy một cây gậy thật cứng và dội đòn xuống đầu tôi, đánh tôi không thương tiếc như đánh chó cho tới khi tôi chỉ còn biết khóc mà thôi. Tôi không biết tôi ngồi đó bao lâu: hai phút mà cũng có thể mười phút, đơn giản là tôi không biết. Nhưng rồi sau đó tôi cũng đứng dậy và đi vào nhà.
Đúng lúc tôi mở cửa thì điện thoại reo. Tôi lao đến bên máy điện thoại đặt trong bếp. Quá muộn rồi. Có lẽ đó là Jake, tôi cân nhắc. Có lẽ anh gọi từ Camden về để xem tôi đã về nhà chưa; có lẽ anh đang lo vì tôi đã lỡ mất chuyến bay. Tôi nghĩ đến chuyện gọi trở lại cho anh nhưng lại quyết định thôi. Rất có thể anh còn thức, nhưng gia đình của người vợ anh chắc là không đâu. Không thể thức vào lúc 3 giờ 15 phút sáng chủ nhật. Sau những lời trao đổi với Phyllis, có lẽ điều tốt nhất bây giờ là để yên mọi chuyện.
Tôi lại về nhà rồi. Jamal đang ở bên Jake, rất có thể nó đang ngủ bên cạnh anh và ngày mai anh sẽ đưa nó quay về với tôi.
Tôi mở vòi nước ra, để cho nó chảy một lúc rồi hứng đầy một cốc. Tôi nhận ra có ai đó đã rửa một cái tách và hai chiếc cốc rồi gác nó lên giá đựng bát đĩa cho ráo nước. Jake và Jamal. Vậy là họ đã ở đây, hoặc trước hay là sau khi tới phi trường. Ngoài ra còn có một ai đó để mở lọ đựng bơ đậu phộng trên tủ buýp–phê, một dấu hiệu chắc chắn của Jamal. Con trai tôi đã ăn một chút gì đó, thêm một dấu hiệu tốt. Tôi cười một mình.
Rồi mọi việc sẽ ổn thôi.
Tôi lấy đồ ra khỏi ô tô, đặt ấm đun nước lên bếp rồi ngồi xuống bên bàn trong bếp. Tôi nghĩ tới Basil. Liệu có bao giờ tôi còn bước được vào căn bếp này mà không nhớ tới anh? Điểm tốt duy nhất của toàn bộ câu chuyện là bây giờ tôi đã biết anh vô tội trong các vụ án mạng này.
Tôi đổ nước sôi lên trên một gói trà “Chúc ngủ ngon” rồi nhìn đồng hồ. 3 giờ 20 phút. Đến 8 giờ tôi sẽ gọi điện cho Griffin. Jamal đang ở bên Jake. Cô ta không thể làm hại nó được.
3 giờ 30 phút. Đến lúc này thì tôi có thể thức luôn cũng được, tôi nghĩ thầm. Thức luôn đi và quan sát mặt trời mọc. DeLorca rồi sẽ phải phục nể tôi. Đó là một suy nghĩ thú vị. Tamara Hayle, thám tử tư. Nếu không có tôi thì toàn bộ cánh cảnh sát sẽ bị xỏ mũi thật ngoạn mục, đúng không? Tôi cười một mình.
Có lẽ tôi nên gọi điện cho Jake. Chính anh vừa gọi điện cho tôi. Chắc anh đang thức. Không. Tôi có điên thì mới muốn gọi điện cho ai đó vào lúc 4 giờ 30 sáng.
Thế nhưng cái cảm giác rùng rợn khủng khiếp kia là có ý nghĩa gì? Tại sao mình không thể rũ bỏ nó đi?
Nếu tôi gọi điện cho anh thì đã làm sao đâu? Jake sẽ thông cảm với tôi. Có trời làm chứng, tôi đã biết bao lần gọi điện cho anh vào những giờ giấc quái gở. Đây đâu phải là chuyện quái gở đến mức đó. Nhưng mà muộn. Muộn đến mức độ nó đã trở thành một phần như nỗi điên khùng của bà vợ tội nghiệp của anh.
“Tôi đã ngăn tới tận cổ cái việc cô cứ luôn gọi cho anh ấy cả đêm lẫn ngày”.
Chị ta có lý, mặc dù chị ấy là người điên, chị ấy có lý. Nhưng cả tôi cũng cần tới anh. Đúng không nào? Nét mạnh mẽ trong người tôi lại một lần nữa khiến tôi bất ngờ.
3 giờ 45 phút. Lẽ nào hai người hoàn toàn không ở Camden. Rất có thể hai chú cháu đã ở đây. Anh biết tôi mong nhớ Jamal đến chừng nào. Tại sao anh lại đưa thằng bé quay trở lại Camden để rồi lại quay trở về đây? Hay là anh đang ở nhà anh tại đại lộ Springdale, chỉ cách đây có 15 phút di chuyển. Dĩ nhiên rồi. Tôi với tay về phía ống nghe điện thoại và chọn số của anh. Chuông đổ, đổ nữa.
Tốt. Vậy ra là như thế. Anh đã lại ở Camden và đang Chờ tin tôi.
Chuông điện thoại reo. Tôi giật nẩy người đến mức độ cười về bản thân mình, trong khi giơ tay nhấc ống nghe.
– Jake. – Tôi kêu lên, – Em bị trễ mất..
– Tamara, – giọng bên kia nói khẽ khàng và khỏe mạnh của Phyllis. – Tamara, Jake có ở đó không?
– Không. – Tôi cố gắng đè nên nỗi hốt hoảng.
– Anh ấy chưa quay về. Cô đang đợi anh ấy à?
– Chị có nói cho anh ấy biết những gì em nhờ chị không? – Im lặng giây lát.
– Nhắn hả? Cô nói chuyện gì vậy? Anh ấy gọi về đây lúc 10 giờ. Anh ấy gọi từ nhà về đây và nói là anh ấy ở lại đó. Nhưng tôi phải nói chuyện với anh ấy, Tamara. Tôi không ngủ được và tôi nhất thiết phải nói chuyện với anh ấy.
– Chị đã gọi điện về nhà chưa?
– Tôi không gặp được anh ấy. Tôi gọi điện biết bao nhiêu lần, nhưng anh ấy không nhấc máy. Chuyện gì xảy ra thế, Tamara, có phải anh ấy đang ở chỗ cô? Nếu anh ấy ở đó thì cũng được thôi. Nhưng làm ơn cho tôi nói chuyện với anh ấy.
– Anh ấy không ở đây, Phyllis. – Tôi nói và chị bắt đầu khóc.
Tim tôi đập như muốn lồng ra khỏi khung ngực, đập mạnh đến mức tối tưởng mình có thể chết đi vì ngạt thở.
– Anh ấy gọi điện cho chị bao giờ? – Tôi hỏi, không nhớ ra rằng chị vừa kể cho tôi nghe xong.
– Lúc 10 giờ tối.
Đầu tôi tưởng tượng lại quãng thời gian đó. Anh tới phi trường để đón tôi. Đi cùng Jamal, Rất có thể họ lại đi đâu đó kiếm chút gì để ăn. Thế rồi họ đi về nhà và ngồi chờ cú điện thoại của tôi. Chắc lúc đó anh đã gọi điện cho Phyllis.
– Lần cuối chị gọi điện đến chỗ anh ấy là bao giờ? – Tôi hỏi chị. Nhưng chuyện đó giờ không quan trọng. Bản thân tôi vừa mới thử xong. – Em sẽ lo lắng chuyện này. – Cuối cùng tôi hứa hẹn. – Đừng lo, Phyl, em sẽ lo chuyện này. – Tôi nói với chị như vậy, nhưng thật ra là nói với bản thân mình. Tôi nói điều đó để tự trấn an mình, để tim tôi đập trở lại bình thường. – Đừng lo. Em sẽ lo chuyện này. Em sẽ lo chuyện này.
Tôi đặt máy, đi lên phòng ngủ của tôi và tới cái tủ nơi tôi giữ vật kia. Tôi lên đạn thật nhanh rồi đút nó vào túi. Thế rồi tôi lái xe đến nhà của Jake, bởi tôi sẽ tìm thấy họ ở đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.