Thiên Thần Bay Qua Mộ Con

CHƯƠNG 6



Sáng hôm sau tôi thức dậy với cơ thể lạnh ngắt cùng tâm trạng thấp thỏm. Nhiệt độ trong đêm đã tụt xuống và cả nhà tôi lạnh như một cái lều phù thủy đã chết. Tôi đi xuống tầng hầm, đổ nước vào lò sưởi, khoác áo bành tô lên người và chờ cho tới khi trong nhà ấm lên. Tôi không phải chờ lâu. Một khi lò sưởi hoạt động hết cỡ, ngôi nhà gỗ hai tầng nhỏ xíu màu vàng chanh chỉ có hai phòng ngủ do cha mẹ tôi để lại sẽ nóng lên như lò nướng bánh mì trong vòng vài phút. Thế nhưng để giúp cho tôi rũ bỏ nỗi nôn nao thấp thỏm, người ta phải cần nhiều hơn đám nước trong ống lò sưởi kia. Chỉ nghĩ tới chuyện hai gã đàn ông đã làm hỏng cả tang lễ của thằng bé là cơn giận dữ trong tôi lại bùng dậy. Tình hình cũng chẳng tốt hơn khi tôi mở tủ lạnh và nhận ra rằng Jamal cùng Hakim đã dọn dẹp sạch sẽ tất cả nước ngọt, sữa và bánh Toast rồi lại chui lên giường.
– Khốn nạn! – Tôi rủa thành tiếng, đun cho mình cà–phê đen, thứ cà–phê Jamaica rồi nuốt chất nước đen nhánh đó xuống cổ họng, gạt bỏ nỗi thèm thuồng thuốc lá. Cuối cùng tôi tắm, viết giấy để lại cho Jamal, mặc đồ rồi đi xe tới văn phòng nhỏ bé của mình bên góc phố Main cắt phố Nam Harrison tại khu Cam Đông.
Phòng làm việc được tôi mướn của cô bạn thân Annie; chúng tôi chơi với nhau từ thời tiểu học. Annie và William, người mà cô ấy lấy làm chồng từ mười năm nay, đã mua ngôi nhà này cách đây sáu năm trong một buổi bán đấu giá. Đó là một cái boongke u ám được xây từ những năm 40 bên một trong những căn phố chính của thành phố. Tất cả những thư từ cho văn phòng thám tử Hayle đều được gửi về đây, cũng như tất cả các cuộc điện thoại của tôi. Ở tầng trệt là “Mỹ Viện Bánh Bơ tròn của Jan” với đặc sản là món duỗi tóc, những cái móng tay rất dài và những đuôi tóc nhân tạo còn dài hơn nữa. Tôi thật sự không hiểu “Bánh Bơ Tròn” thì dính dáng gì đến sắc đẹp và tại sao cô chủ tiệm Wyvetta lại đặt tên mỹ viện theo tên bà mẹ Jan của cô, thay vì trao cho nó chính tên mình theo lẽ thường. Có lẽ chuyện này có liên quan tới tình yêu nồng nhiệt nhất đời cô ấy, tình yêu này đầu tiên dành cho những cái bánh bơ tròn, sau đó dành cho bà mẹ Jan. Ngoài Wyvetta tôi không quen một người đàn bà nào khác có thể ăn bánh bơ tròn vào tất cả mọi bữa ăn kèm với mọi món ăn trên đời, dù là trứng rán theo kiểu Tàu hay dăm bông theo kiểu Đức.
Nhưng Mỹ Viện Bánh Bơ Tròn có công rất lớn với tôi: Đây là nơi tôi thỉnh thoảng có thể tới để nói cười thư giãn và nghe những chuyện ngồi lê đôi mách mới nhất. Khi đến với Wyvetta và anh chàng Earl bịt răng vàng có cái miệng to như loa, người ta luôn được nghe những thông tin mới nhất ở miền Cam Đông. Phụ nữ mọi loại: cô giáo, nữ tu, kể cả những chị em “với những nghề nghiệp đáng nghi” đều tới đây sử dụng dịch vụ của Mỹ Viện Bánh Bơ Tròn và nếu ngồi đủ lâu nhưng khéo léo giữ im lặng, người ta có thể dễ dàng biết được tất cả những gì đáng biết về thế giới quanh đây.
Khi cần, Wyvetta và tôi cũng chơi trò đổi chác. Ví dụ như cách đây một vài tháng, anh trai cô ấy tiến hành ly dị và muốn kiếm bằng chứng chống lại gã đàn ông đang quan hệ với vợ mình, thế nhưng lúc đó anh ta đang hoàn toàn cháy túi. Tôi đã bám theo gã trai kia cả một tuần lễ liền để đổi lấy một đợt duỗi tóc miễn phí, hai lần nhuộm tóc và vài lần sửa móng tay. Hôm nay là thứ tư, Wyvetta sẽ mở cửa tiệm khuya hơn và chắc chắn không đến đây trước mười giờ rưỡi. Tôi lôi một đống lộn xộn những thư từ, hóa đơn và bướm quảng cáo ra khỏi hộp thư chung của chúng tôi tại khuôn sảnh dưới nhà rồi theo cầu thang đi lên.
Ngôi nhà này có ba tầng lầu. Wyvetta và Earl trước đây một vài năm đã sửa chữa căn phòng của họ thành rất xinh xắn; họ quét tường tất cả bằng sơn màu hồng nhạt, mỗi phòng khác nhau chỉ một chút xíu và họ trải lại nền bằng một lớp Linoleum kẻ ca rô hồng trắng. Tuy nhiên công việc sửa nhà chỉ được thực hiện trong lãnh địa của Wyvetta mà thôi. Phần còn lại trông tồi tệ không thể tả (xin lỗi nhé, Annie!), cứ bước đến cầu thang là người ta lại bị vả thẳng vào mặt bởi một cái mùi không gì miêu tả được, nằm giữa mùi bắp cải và mùi thịt băm rán quá lửa. Tôi giờ đã quen với nó, cứ ngửi thấy nó là tôi biết mình đang “về nhà”, mặc dù ngày trước nó từng khiến tôi bực bội phát điên. Đã có lần tôi nói về điều đó với Annie và cô nàng làm mặt giận, vậy là tôi thầm nghĩ không thể hy sinh tình bạn vì một chuyện nhỏ nhặt như thế được. Giờ tôi đã có thói quen nín thở khi đi cầu thang.
Văn phòng của tôi nằm ở lầu một, giữa “Văn phòng Chan” và “Liên hợp kinh doanh”, một “văn phòng tư vấn” bao gồm chủ yếu một người đàn bà 70 tuổi, chuyên nghề giúp đỡ học trò cấp ba viết tóm tắt lý lịch. Không gian của tôi là một phòng lớn có thảm trải và mỗi phía có một cửa sổ nhưng chẳng cửa nào có thể mở ra được, trên bậu cửa sổ phía phải chễm chệ một cây lô hội vô chủ. Cách đây một năm tôi đã phát hiện ra nó đứng trước cửa phòng này, trơ trọi lởm chởm, khi không một ai kể cả Wyvetta lẫn Annie muốn đến đòi quyền sở hữu, tôi đã đón nó về. Cây lô hội ban thưởng cho tôi rất hậu hỉ. Ngày nào tôi cũng nói chuyện với nó. Mỗi khi mặt tôi ngả màu xám tro và phải chờ một ai đó, tôi liền bẻ một cái lá của nó và bôi nhựa lá lên mặt làm sữa dưỡng da. Nhiều khi lười không muốn bê tách trà tới tận nhà vệ sinh để vào bồn rửa, vậy là tôi hắt luôn phần trà cặn vào chậu trồng hoa. Thêm vào đó, cây lô hội còn mang một chút màu sắc vào phòng làm việc. Nếu không có nó, chắc chắn nơi này sẽ u ám như một thứ nước xốt thịt rán để lâu ngày.
Chiếc bàn viết với cái máy tính secondhand ngăn căn phòng làm hai. Bên cạnh bàn để ba cái ghế, cái ghế một mình một kiểu đứng sau bàn và hai cái ghế cùng kiểu đứng phía trước dành cho khách. Bên tường có để một tủ tài liệu nhỏ, cái tủ chỉ mở ra nếu người ta biết đá đúng vào một chỗ nhất định và bên cạnh đó là một giá mắc quần áo, được tôi phát hiện trong một phiên chợ đồ cũ cách đây hai năm. Bên cạnh tủ tài liệu có để một cái bàn với một bếp điện nhỏ, hai cái tách, một hộp đường viên, một hộp cà–phê bột dành cho khách, riêng tôi thấy uống loại này quá tởm!. Có cả một loại trà Celestial Seasonings để sẵn. Bên dưới bàn là một tủ lạnh nhỏ và một chiếc tivi đen trắng xách tay, được xếp đứng sát nhau như có thể; mỗi khi nhàm chán, tôi thường xem “Tất cả những đứa con tôi” hoặc chương trình của Oprah Winfrey. Cả Chan, bà già “tư vấn” lẫn tôi dùng chung một khu vệ sinh nhỏ, chỉ được thắp sáng lờ mờ, ở phía cuối hành lang.
Khi nhận được giấy phép làm thám tử tư, thoạt đầu tôi làm việc trong khuôn bếp, thế nhưng trong cái ngành này có quá nhiều người mà ta không muốn tiếp ở nhà mình, vậy là tôi dần dần thấy chán cảnh gặp gỡ khách hàng trong tiệm ăn. Những ai tiến hành thương thuyết trong tiệm Dinsey’s Diner với một chiếc bánh mỳ Cheeseburger cùng những bài hát cũ rích của thập kỷ 70 sẽ không được đối tác thật sự coi trọng. Điều kiện mà Annie đưa ra rất thuận lợi, nên tôi về đây đã được ba năm rồi. Mặc dù nó ngốn của tôi một đống tiền và nhiều khi vất vả lắm tôi mới leo lên được đỉnh dốc cuối tháng, nhưng tôi thích nơi này. Đây là nơi tôi ngồi tổng kết đời mình, đây là nơi tôi có thể suy nghĩ nghiêm chỉnh và tự khẳng định rằng tôi có một nghề nghiệp đàng hoàng.
Ném chiếc áo bành tô lên trên mắc, tôi ghê người nhận thấy cái lỗ ở lần vải độn bên trong hình như đã to ra trong đêm vừa rồi. Thế rồi tôi để nước Deer–Park từ cái chai trong tủ lạnh vào ấm đun và gọi cho dịch vụ điện thoại; nó tốn tiền, nhưng tôi cần nó giống như cần văn phòng này vậy, bởi nó thúc đẩy tôi về mặt đạo đức. Cứ mỗi lần nghe cái giọng thành thạo và quả quyết của cô nhân viên trực điện thoại Karen với câu chào: “Văn phòng thám tử Hayle, tôi có thể giúp gì được quí ngài”, là tôi lại biết mình đã quyết định đúng.
– Chào Karen, Tamara đây. Chị có tin gì cho tôi không? – Tôi hỏi và lẹ tay lật lật trong đống thư.
– Chào chị Hayle, khỏe không? Thế này nhé, có một cô Annie gọi tới. Tôi có cần phải đọc tin lên không?
– Đọc đi.
– Cô ấy nhắn tôi hỏi chị, bây giờ tôi đọc nguyên văn đây: “Cô nàng chui rúc ở đâu thế hả, đồ lười biếng? Mình tìm cậu đã hai ngày nay. Lại có một gã đàn ông nào phải không?” Ngoài ra cô ấy còn muốn biết, liệu cô ấy có cơ hội đi ăn cùng chị trước khi cả hai người vào tuổi tiền mãn kinh.
Tôi mỉm cười. Annie là một “con bé” láo lếu. Chị ấy biết rõ là lẽ ra chị ấy không bao giờ được phép để lại những thông điệp ngu ngốc như thế dưới số máy văn phòng của tôi. Tôi ghi tên chị lên một mảnh giấy.
– Sau đó còn hai cú gọi nữa. Một người đàn bà tên Ashley nói rằng bà ấy chỉ muốn thông báo là cậu con trai Benjamin tới đây sẽ hết tua cai nghiện thuốc phiện và bà ấy muốn mời chị tới dự buổi lễ kết thúc.
– Benjamin hả? – Tôi phải cân nhắc một thoáng trước khi nhớ ra đó là ai. Một cậu con trai tóc vàng, nghiện thuốc phiện và rượu, đã bị tôi tóm được trong mùa hè năm ngoái ở công viên Asbury. Giờ thì chắc cậu ấy đã đứng dậy được rồi. – Cho tôi xin số của chị ấy. Còn ai nữa không?
– Có. Basil Dupre. Người đàn ông này có một giọng nói ngọt như đường. Chị Hayle, tôi biết là không được phép nói như thế, nhưng khi nghe giọng người đàn ông đó, tôi thấy người khác khác làm sao ấy! Ôi trời!
– Nghiến răng lại nào, cô gái. Anh ta nói gì?
– Thế này nhé, anh ấy muốn chị gặp anh ấy vào thứ sáu tới, lúc hai giờ chiều, trong tiệm Crystal Lounge ở Đại Lộ Trung Tâm. Anh ấy nói anh ấy có nghe kể là chị đang điều tra cái chết của Terrence Curtis, anh ấy có thông tin về thằng con trai đó và về thằng Gerard, những thông tin mà chị cần phải biết.
Tim tôi nhảy lên một cái, tự nhiên tay tôi ngưng lục lọi trong đám thư từ.
– Có thế thôi sao?
– Anh ta chỉ nói vậy.
– Cám ơn, Karen. – Tôi đặt máy.
Basil Dupre. Tia lửa căm thù lóe lên hôm qua trong đôi mắt khi anh ta đấm DeWayne là tia lửa bốc lên từ tận đáy tim. Tôi tự hỏi, nỗi căm thù này từ đâu mà ra, Basil Dupre thật sự biết những gì về cái chết của Terrence và em trai của thằng bé, Basil sẽ kể cho tôi nghe những gì và làm sao mà anh ta biết tôi quan tâm tới thông tin đó? Nếu tôi không lầm, tôi là người duy nhất nghi ngờ cái chết của Terrence rất có thể không bắt nguồn từ việc dùng thuốc phiện quá liều, thế nhưng mặt khác thì có vẻ như Basil luôn luôn biết tất cả mọi chuyện về tất cả những người khác. Anh ta luôn luôn chơi một trò chơi hai mặt, luôn luôn bám theo những mục đích bí mật nào đó. Không biết lần này anh ta theo đuổi thứ gì?!
Tôi ngả người ra lưng ghế và gọi cho Annie. Chuông reo ba lần, rồi máy trả lời tự động của Annie lên tiếng.
– Bốc máy lên, mình biết là cậu có nhà. – Tôi nói và nghe loáng thoáng tiếng cười khúc khích, thế rồi Annie lên tiếng thật.
– Này, em gái, có chuyện gì?
Tôi cười. Chỉ cần nghe giọng nói của Annie là trong người tôi nhẹ nhõm hơn hẳn.
– Mình chỉ muốn chào cậu một tiếng trước khi chúng ta vào tuổi mãn kinh. – Tôi nói, tóm đúng những lời mà chị để lại.
Cô nàng cười cái giọng nghe rất nhân hậu.
– Mình có nghe chuyện của Terrence, thế con trai mình nuốt chuyện đó ra sao? – Giọng chị đột ngột nghiêm trang vô cùng. Bản thân Annie không có con và vì thế đã nhận làm mẹ nuôi của Jamal, một nghĩa vụ mẹ nuôi được thể hiện bằng món xúp gà mỗi khi anh chàng bị ốm hoặc bằng những món quà nôel và sinh nhật đắt tiền quá đáng. Từ khi tôi biết suy nghĩ, Annie luôn có mặt bên tôi và Jamal, trong lúc vui cũng như khi buồn. – Nó ra sao rồi? – Chị hỏi bằng giọng sợ hãi.
– Nó buồn. – Tôi nói. Nhưng bố nó nổi điên.
– Bố nó nổi điên từ lâu rồi. Tại sao em còn nói chuyện với thằng cha đó?
– Thôi, bỏ chuyện đó đi. – Tôi đáp.
– Tamara. – Annie nói bằng giọng cảnh báo. – Có chuyện gì thế?
– Chẳng có gì đâu, chẳng có chuyện gì mà mình không xử lý được. – Tôi trả lời nhanh. Tôi không có hứng thú lắng nghe một bài rao giảng nghiệp dư, mà cái trò răn dạy đạo đức thì Annie làm còn hăng hái sinh động hơn cả chuyện lắc hông của một cô nàng lả lơi.
– Em không quan hệ lại với cái thằng DeWayne đó chứ? Nào Tamara, em biết đấy…
– Không, dĩ nhiên là không. – Tôi ngắt ngang. – Tin mình một chút đi, Annie. – Tôi thêm vào, hơi có vẻ bực.
– Thế thì là chuyện gì? – Annie không chịu hài lòng với một câu xoa dịu bâng quơ.
– Cậu có còn nhớ Basil Dupre? – Cuối cùng tôi đưa cho chị một lời mở đầu. Rõ là Annie sẽ không buông tha trước khi tôi kể cho chị nghe một chút nào đó.
– Basil Dupre! – Chị gào vào ống nghe như một đứa trẻ mới lớn. – Làm sao mà một người đàn bà chưa bị lãnh cảm lại có thể quên được Basil Dupre!
Tôi im lặng.
– Anh ấy gọi điện cho mình.
– Gọi điện cho cậu? Nào kể đi, em gái. Ngày đó có phải các cậu…?
– Không.
– Cậu cũng biết là ý mình trong vụ này ra sao đúng không? Này em gái, cậu tự kềm chế còn sắt đá hơn cả bà cô Betty của mình nữa.
– Cô Betty! – Tôi kêu lên. Bà cô Betty của Annie, một con người kiêu hãnh và cả đời tự xưng là gái già. Cô Betty vốn là mục tiêu cho bao nhiêu lời chế nhạo của lũ chúng tôi kể từ khi chúng tôi bước vào tuổi dậy thì.
Lối so sánh khiến cả hai chúng tôi bật cười.
– Mình cũng đâu đã đến nỗi như cô Betty đâu.
– Cẩn thận thì cũng là thứ tốt, thế nhưng cẩn thận quá lại có hại cho sức khỏe. – Annie cảnh báo. Annie người đã sống gần hết quãng đời trưởng thành một cách hạnh phúc ngay với tình yêu đầu đời, lại luôn ra giọng khuyên bảo tôi điều này điều kia và hăng hái khích lệ tôi về một cuộc sống tình yêu không tồn tại. Lần nào tôi cũng nghe Annie nói với một chút lo lắng trong lòng. Chị đâu có hiểu tình hình thực tế tồi tệ tới mức nào.
– Tại sao anh ta lại gọi điện cho cậu?
– Vì chuyện làm ăn.
– Vì những chuyện làm ăn mạo hiểm. Đã có bao giờ cậu vấp phải một anh chàng hấp dẫn như Basii mà lại không bị hắn ta gây phiền toái hay chưa? Rõ ràng là con người anh ta có nét nguy hiểm.
– Đúng thế. Nhưng thôi, ta bỏ chuyện này đi được chưa? – Tôi cũng không muốn nói về Basil.
– Em gái, em sao thế? – Annie sừng sộ.
– Không sao cả, mình chỉ đang bận thôi. – Tôi nói.
– Mọi chuyện ổn thật cả chứ.
– Tuyệt đối, thưa bà ngoại. – Đó là cái tên đùa mà thỉnh thoảng tôi lại dùng tới mỗi khi chị tỏ ra lo lắng thái quá cho tôi.
– Nhưng bây giờ thì mình phải thôi đây. – Tôi nói liền ngay sau đó. Với hai đứa chúng tôi thì một cuộc nói chuyện ấn định cho năm phút rất dễ dài ra tới nửa tiếng đồng hồ. – Mình chỉ muốn nghe xem có chuyện gì không. Chủ nhật tới ta gặp nhau trong “Tu Viện” chứ?
– Không, mình không đến được. Vụ làm ăn của William với Ghana đã thành công, bọn mình phải đi một vài tuần về Accra. Sáng sớm thứ sáu bọn mình lên đường.
– Accra! Không thể tin được, Annie! Dứt khoát là cậu phải mua về cho mình một ít vải Kente.
– Được thôi. Thật ra mình gọi điện cho cậu vì chuyện này. Mình muốn chào trước khi lên đường. Hôn thằng bé con hộ mình nhé!
– Thằng bé hả? Cậu không muốn nói đến cái gã đàn ông 14 tuổi to mồm đang sống ở nhà mình chứ? – Tôi bật cười. – Cho mình gửi lời chào William và chúc những ngày vui vẻ ở quê cũ.
– Được, em gái… Basil Dupre, thế nào?
– Chào, Annie, tôi nói bằng vẻ bực bội giả vờ.
– Chào, em gái ngoan. Chú ý giữ gìn cái thân mình đấy.
Siêu nước réo, tôi để nước nóng lên hai bịch trà chanh, ngả người thoải mái trong ghế và suy nghĩ về Basil cũng như thông điệp của anh. Tôi nghe Wyvetta và Earl đang mở của Mỹ viện dưới kia, đoán sắp tới mười giờ rưỡi. Tôi bật máy tính, đút vào máy một chiếc đĩa mới và tạo một tập tin mới: DeWayne Curtis, tập tin CD5 (Curtis DeWayne 5, vì con số đám vợ của anh ta). Ở trên cùng tôi viết ngày tháng và mức lệ phí mà tôi sẽ tính mỗi ngày cho DeWayne. Sau đó tôi ghi dữ liệu về tất cả những con người mà tôi đã gặp trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua, dù rằng chỉ dính dáng một chút xíu tới Terrence: Carlotta, Gerard, Basil, Hakim, bà Lee, Tháng Bảy, DeWayne, Emma, Delores, Morgan.
Tôi rút sổ ghi chép với những dòng miêu tả kết quả quan sát trong căn hộ của Terrence và đưa vào máy tính tất cả những gì tôi phát hiện thấy ở đó: từ những bông hoa chưa héo hẳn, một hộp đựng thuốc cảm cúm đã rỗng không cho tới ba tờ 100 USD và những món ăn trong tủ lạnh.
Những ghi chép của tôi chẳng tuân theo một kỷ luật thư từ nào cả. Những cụm từ, những câu rời rạc, những kiểu cách so sánh mà chỉ mình tôi hiểu nổi. Nếu có tay lưu manh hiểu biết máy tính nào lẻn vào đây, đột nhập được vào máy tính của tôi và đủ khéo léo mà gọi lên được một vài tập tin thì gã cũng không hiểu toàn bộ cái đống ngôn từ nhốn nháo này có ý nghĩa gì. Thế nhưng những lời ghi chép này vô cùng quan trọng. Chúng giúp tôi theo dõi những bước tiến hàng ngày trong một vụ án và thật đáng ngạc nhiên khi ta thấy một ấn tượng thỉnh thoảng sẽ nhận được một cái ý nghĩa hoàn toàn khác nếu ta quan sát lại nó trong mối liên quan với những sự kiện chắc chắn. Người ta thật không bao giờ biết những gì là thật sự quan trọng, trước khi người ta nhìn mọi việc trong quan hệ tổng thể.
“Nụ cười của Carlotta”. Tôi không hoàn toàn rõ tại sao mình lại ghi như vậy, nhưng rõ ràng hàng chữ đó đang hiện hữu qua những chữ cái xanh màu vỏ đậu trên màn hình đen. Cái ảnh đỏ chót lấp lóe tinh nghịch không thích hợp với hoàn cảnh đó ngay lúc bấy giờ đã gây ấn tượng kỳ lạ đối với tôi, cũng kỳ quặc như vẻ cười nhạo báng của Gerard. Tôi cân nhắc, liệu Wyvetta có thể biết điều gì về Carlotta hay không. Phải có ai đó nối dài tóc cho cô nàng kia và mặc dù tôi chưa bao giờ chạm mặt cô ta bên dưới nhà, nhưng Wyvetta là người thợ tài ba nhất trong ngành mình. Trong khi người ta chắp tóc, người ta có thể biết cả một lượng thông tin rất lớn về người đàn bà. Tôi nhủ thầm sẽ ghé ngang qua Mỹ Viện Bánh Bơ Tròn, cho phép mình sửa móng tay một lần. Wyvetta. Tôi ghi tên cô gái vào nhằm để nhắc mình đừng quên nói chuyện với cô và vừa làm điều này vừa bật cười khúc khích. Cô nàng sẽ nổi đóa nổi khùng nếu biết tôi viết tên cô ta vào tập tin của một vụ giết người. Giết người! Từ đó đột ngột hiện lên. Nó cũng có thế là một tai nạn. Một vụ giết người cần một động cơ. Ai là kẻ muốn giết Terrence?
Ngay lập tức câu hỏi của Jamal lại hiện ra như thể con trai tôi đang ngồi trước mặt tôi. Tôi có kết luận quá vội vàng không? Có lẽ. Nhưng bây giờ câu nói đó đã ở đây rồi, y hệt như “nụ cười của Carlotta”. Tại sao không để cho những dòng suy nghĩ của mình tự do chảy tới? Tôi nghĩ thầm. Hãy để cho tiềm thức làm việc, Annie sẽ nói như vậy.
– Cái đống hỗn độn này dần dần khiến mình nổi điên. – Tôi nói thành lời với bản thân. – Đơn giản là nổi điên!
– Phải đấy, có là người điên thì mới quên không đóng cửa. Và như thế này mà lại dám xưng là một cựu cảnh sát viên hả? – Đó là Jake, người bất ngờ xuất hiện trong văn phòng của tôi.
– Em cứ tưởng em đóng rồi.
– Thế thì nhìn kỹ hơn đi. – Anh xoay xoay thật mạnh nắm đấm cửa và ổ khóa đầu hàng lung lay. – Em nghĩ sao, phải chăng có kẻ tìm cách mở nó ra không?
– Vẫn còn quá sớm để đặt ra những câu hỏi phức tạp như vậy. Em mới bắt đầu đây thôi.
– Em có tuốc–nơ–vít ở đây không?
Tôi nhìn vào trong ngăn kéo, đút tay thật sâu vào trong đó và tìm thấy một chiếc tuốc–nơ–vít nằm kẹt cứng giữa một số báo Essence đã cũ, một hộp đựng thuốc lá Junior Mints đã rỗng cùng một hộp băng vệ sinh chỉ còn một nửa, thế rồi tôi ném cho anh, không thèm ngắm kỹ, anh điệu nghệ tóm lấy nó chỉ với một bàn tay trước khi tuốc–nơ–vít chạm vào người anh.
– Một món vũ khí chết người, nếu nó rơi vào một bàn tay sai trái. Chỉ cần một vài centimet sâu hơn…
– Em xin lỗi, em không muốn ngắm thấp tới thế, ít nhất là không với một cái tuốc–nơ–vít.
– Anh đỏ mặt đấy, Tam.
– Anh có bao giờ đỏ mặt đâu, Jake.
Anh khúc khích cười như một cậu thiếu niên rồi loay hoay cúi xuống với cái chấn khóa sát nền phòng.
Lâu lâu tôi lại quên mất là Jake trông mới hấp dẫn làm sao. Thường chỉ có những phản ứng của người đàn bà khác mới nhắc tôi nhớ lại điều này. Họ theo dõi anh bằng ánh mắt, mỗi khi anh thong dong thả bộ từ một restauran hoặc đi đi lại lại trong phòng xử án. Các cô gái tiếp khách, các cô y tá, các cô thủ thư thường thoắt ngưng thở khi được anh hỏi tới. Tất cả các nữ công tố viên dán sát ánh mắt vào làn môi anh khi anh đứng dậy và nói lời mở đầu cho một vụ án. Làn da của anh mịn màng một màu nâu sôcôla. Trước đây tôi thường trêu anh rằng anh có làn da đẹp và mềm như da con gái, mặc dù anh hoàn toàn chẳng có nét đàn bà nào trên người. Anh có gương mặt góc cạnh của một vị thần Ashanti, nếu sinh thời cổ đại ắt phải thuộc về một vị quân vương, đẹp như mặt của Michael Jordan. Anh cao lớn, cơ thể đầy ấn tượng nhưng không quá khoe khoang. Anh mạnh mẽ, nhưng đó là nét mạnh mẽ tinh thần cũng như cơ bắp; người đối diện có thể cảm nhận thấy một sự tự tin khiến những người đàn ông khác nể trọng theo bản năng và khiến cho phụ nữ bộc phát nỗi niềm khao khát. Anh có thể sẵn sàng cho người cần thiết tới đồng xu cuối cùng của mình, nhưng không hề sợ phải chiến đấu nặng cân nếu tình huống đòi hỏi, dù là ở đâu và bao giờ. Anh trẻ hơn anh trai Johnny của tôi vài tuổi và ngay khi nhìn thấy anh lần đầu ở tuổi 17, tôi đã mê anh ngay lập tức, mê anh tới tận từng chân tóc.
Nhưng ngày đó tôi không biết mối quan hệ của chúng tôi sẽ phát triển ra sao. Anh đã mang những ý nghĩa khác nhau cho từng đoạn đời khác nhau của tôi và tình cảm giữa hai chúng tôi còn sâu sắc hơn cả niềm khao khát tình dục hoặc thậm chí cả tình yêu. Cũng giống như Johnny, anh đã đầu quân cảnh sát, nhưng rồi thôi việc vì giận dữ và cay đắng, sau đó anh học luật và trở thành một luật sư bào chữa để bảo vệ con người ta trước một hệ thống mà anh tin là đang chống lại họ. Nhưng anh không phải nhà truyền giáo; anh làm những gì cần thiết và không bao giờ nói về chuyện đó. Tôi thường gọi điện cho anh mỗi khi tôi bế tắc trong một vụ án nào đó, mỗi khi tôi phải nói chuyện với một người nào khác hoặc đơn giản tôi cần một bờ vai để ngả mái đầu mỏi mệt. Tôi không quen một người thứ hai nào có được một linh cảm tế nhị đến như thế trong những công việc làm ăn. Nhiều khi tôi sợ với suy nghĩ rằng anh có lẽ là người đàn ông duy nhất mà tôi có thể yêu thật sự.
Anh để ổ khóa cửa được yên rồi ngồi xuống bên tôi trên một chiếc ghế. Tôi ngửi thấy mùi nước hoa trộn lẫn hương thơm tự nhiên từ cơ thể anh tỏa ra.
– Thế nào, cái gì làm em khó ngủ? – Anh hỏi và ngã người ra lưng ghế.
– Anh muốn uống trà không?
Mặc dù tôi đã gọi điện cho anh, nhưng đột ngột tôi không còn ham muốn kể ngay cho anh nghe cái tấn tuồng với DeWayne nữa. Thế nhưng anh biết mánh khóe của tôi.
– Trầm trọng đến thế sao? – Anh hỏi
– Em chỉ muốn hỏi anh có uống trà không.
Anh cười.
– Có uống trà, nhưng không phải cái thứ lá của em ở đây.
– Cà–phê bột?
– Được
Tôi lại lúi húi cắm bình đun nước và đổ một vài viên cà–phê bột vào trong một chiếc tách.
– Cái con lợn đã có thời làm chồng em lại gây chuyện khó dễ phải không?
Tôi ngạc nhiên nhìn anh, rồi hai chúng tôi bật cười.
– Lần này nó làm cái gì? Nói đi.
– Em làm việc cho anh ta.
– Làm việc hả? Ôi trời, Tamara! – Vẻ ngạc nhiên lan ra trên nét mặt khi anh kinh hãi lắc đầu. – Em có bị làm sao không đấy? Tại sao em lại dành cho cái thằng ngu đó một chỗ trong cuộc đời em? Có phải vì tiền? Em biết đấy, em có thể nói với anh mỗi khi em cần tiền! – Anh nói nhanh và giận dữ. Những từ ngữ bắn ra phầm phập như một tràng súng máy. Thế rồi anh dừng lại, chỉ đủ lâu để đặt tách cà–phê xuống, lắc đầu và đảo tròng mắt lên trời. Nước sôi, tôi đổ nó vào trong tách của anh, mừng là có việc để làm, thoát khỏi chùm rủa xả từ anh.
Làm xong việc tạo một tách cà phê, tôi lại ngồi xuống bên bàn.
– Anh ta khiến em thương hại.
– Hãy dành sự thương hại của em cho những người xứng đáng!
– Anh đã nghe chuyện con trai anh ta chưa?
– Đứa nào, thằng điên hay thằng nghiện?
– Đứa nghiện thuốc phiện. Thế còn thằng điên là đứa nào? – Tôi đặt câu hỏi, mặc dù tôi biết anh muốn nói đến Gerard. Rõ ràng anh không ám chỉ Jamal và Hakim, tôi có thể đặt tay vào lửa mà thề như vậy. – Jake, Gerard có làm chuyện khuất tất không?
– Chuyện gì xảy ra với Terrence? – Anh hỏi mà không trả lời tôi.
– Cảnh sát nói rằng nó chết vì dùng thuốc phiện quá liều, nhưng dần dần thì em tin đằng sau chuyện này có cái gì đó. DeWayne nói nó bị giết và anh ấy thuê em tìm ra sự thật.
– Trong thành phố này ít nhất cũng phải có một nửa tá người cả đàn bà lẫn đàn ông, mong cho DeWayne chết đi. Nhưng anh không thể tưởng tượng lại có kẻ nào đó muốn giết Terrence để cho DeWayne ăn đòn mặc dù chuyện đó cũng đã xảy ra rồi. Terrence là một đứa nghiện thuốc phiện, cũng có thể nó đã một vài lần bán rác rưởi, nhưng suy cho cùng nó chỉ là người sử dụng thôi.
– Trong sự thật thì Terrence là người chết thứ hai. Con trai lớn tuổi nhất của DeWayne, đứa mà em hoàn toàn không biết, đã bị giết chết trong một vụ cướp cách đây đúng một năm tại Virginia.
– Ôi trời, sao lại có người bị mất tới hai đứa con! Kể cả thằng chó lợn đó cũng không đáng bị như vậy. – Jake là người yêu trẻ con đến điên khùng. Anh có một cô con gái, Denise, trẻ hơn Jamal vài tuổi. Anh uống một ngụm cà–phê. – Thế gã bây giờ ra sao?
– Vào ngày chủ nhật, khi anh ta đến chỗ em, anh ta đã gục ngã hoàn toàn. Anh ta thật sự tin rằng có kẻ nào đó giết con anh ta, chỉ có điều đừng hỏi em là tại sao và đấy chính là thứ em cần phải tìm ra.
– Anh biết rằng gã là một con lợn, thế nhưng liệu cái việc em nhận tiền để chẳng cho cái gì cả đó liệu hơi thiếu đứng đắn không?
– Em làm điều đó bởi vì em đã hứa, nhưng mà… Bây giờ, khi em thật sự bước vào việc, cái chết của Terrence không hiểu tại sao khiến em lo, Jake. Em không tin về một âm mưu nào đó, nhưng em cũng không tin là nó đã chết theo cái kiểu người ta tuyên bố.
Jake uống một ngụm cà–phê và ngắm nghía mặt tôi, như muốn tìm một thứ mà tôi đang che giấu.
– Thôi, kể cho anh nghe toàn bộ câu chuyện đi.
Vậy là tôi kể cho anh nghe từ bước đầu tiên. Tôi bắt đầu từ cú điện thoại của DeWayne vào buổi sáng ngày chủ nhật, rồi tôi kể chi tiết hơn về cuộc viếng thăm của tôi trong căn hộ của Terrence và kết thúc bằng trận cãi cọ ẩu đã trong buổi lễ mai táng.
– Anh cũng biết rất rõ như em, cảnh sát luôn luôn coi nhẹ cái chết của một thanh niên người da đen. Nói thật ra là bọn họ chẳng mảy may quan tâm. Họ dán cho cái chết của Terrence một cái nhãn dễ chịu nhất mà họ có được, để họ lại có thể xoay sang với những việc khác.
– Cũng có lẽ cậu ta chỉ là một tên nghiện thuốc phiện và bây giờ đã sạch thuốc?
– Không có chuyện “đã nghiện và bây giờ sạch sẽ đâu.” Căn phòng của nó quá bình thường, Jake. Những món thức ăn quá tử tế, những cái bao cao su quá mới, những bông hoa quả tươi. Ba tờ 100 USD còn mới tinh. Anh đã bao giờ nghe kể về một tay nghiện thuốc phiện hoặc đã từng nhìn thấy một tay nghiện thuốc phiện giữ được 10 USD trong mười phút bên mình chưa? Và tại sao anh lại gọi Gerard là một thằng khùng? – Tôi hỏi nhanh, để phòng mình quên mất chuyện này.
– Anh nói thế sao?
– Anh biết mà. Tự nhiên anh làm sao vậy? – Jake có một trí nhớ huyền thoại, chi tiết và sắc sảo hầu như một chiếc máy ảnh vậy và anh luôn bị trêu chọc vì trí nhớ đó. Nếu một khi anh đã biết một cái gì, chắc chắn không bao giờ anh quên.
– Chuyện này nằm trong nghĩa vụ im lặng của một luật sư. Mà ngoài ra nó không phải là thân chủ của anh. Một bạn đồng nghiệp cùng văn phòng đã bảo vệ cho nó vài lần. Anh đã dỏng tai lên nghe, bởi anh biết nó là con trai của ông chồng cũ của em. Đại đa phần đều nằm trong khuôn khổ của luật thanh thiếu niên, vậy là nó không có tiền án, nhưng kể từ khi nó tròn 18 tuổi, dần dần đã có việc tụ tập từ việc này qua việc khác.
– Những việc gì vậy?
– Đa phần là trò buôn lậu cỏn con. Toàn thứ vặt vãnh không đáng kể. Thỉnh thoảng một vụ khua khoắng trong cửa hàng. Trò ăn cắp vặt, chẳng có gì đáng nói.
Tôi suy nghĩ, cân nhắc, phải chăng Basil muốn kể cho tôi nghe chính những thứ này?
– Tâm trạng Jamal thế nào?
– Nó cố gắng hết sức. Đêm hôm qua Hakim ngủ ở chỗ bọn em.
– Còn cái cô, cô ta tên là gì nhỉ… Cara, Cala…
– Carlotta?
– Đúng, cô ta còn sống với DeWayne không?
– Có vẻ như còn.
– Ông chồng cũ của em quả thật có một khiếu thẩm mỹ tinh tế. Dĩ nhiên là trừ một trường hợp. – Anh nháy mắt với tôi rồi nhìn xuống đồng hồ. – Tiếc là anh phải đi mất rồi. Ba giờ anh có một cái hẹn với một thân chủ và ngoài ra còn một đống việc phải thực hiện. Denise đã tìm được một chiếc áo bành tô trong một siêu thị và anh hứa sẽ đến mua cho cô bé; mà ngoài ra Phyllis có hẹn lúc 12 giờ.
– Chị ấy sao rồi?
– Phyllis hả.
– Vâng.
– Vẫn thế.
Sau sáu năm trời, lẽ ra tôi cần phải biết tốt hơn, thế nhưng tôi vẫn đặt câu hỏi đó và thêm một lần nữa nhìn thấy nỗi đau đớn trong ánh mắt anh. Có vẻ như đôi mắt của một người đàn ông luôn luôn hé lộ nhiều nhất đúng lúc anh ta muốn che giấu. Mỗi khi nhìn vào mắt Jake, tôi có thể xuyên thẳng vào tâm hồn anh và ở đó có mặt Phyllis cũng như tôi và Johnny. Giờ thì tôi đã rõ như vậy.
Phyllis là vợ anh từ mười sáu năm nay và mắc bệnh tâm thần từ tám năm nay. Các bác sĩ nói là bệnh trầm cảm. Chừng nào chị ấy uống thuốc đều đặn thì mọi việc ổn thỏa và thường chị ấy cũng làm như thế. Nhưng thỉnh thoảng lại không.
Chúng tôi đã có thời chơi với nhau, Phyllis và tôi, khi chị ấy cưới Jake và Johnny còn sống. Nhưng giờ thì tôi căm thù chị ấy, bởi tôi biết anh sẽ không bao giờ bỏ chị. Thế rồi sau đó tôi tự thấy mình như một thứ rác rưởi hạng nhất. Để rồi sau đó tôi lại yêu chị, bởi chị rõ ràng đang gắng gượng vật lộn với căn bệnh điên khùng của mình và chị ấy yêu mãnh liệt hết sức mình. Mà tôi cũng biết, ngay cả khi Jake rời bỏ chị ấy, thì mọi chuyện vẫn không hề thay đổi.
Jake đứng dậy để bước đi và đổi để tài.
– Tamara, nếu em nghĩ trong vụ này có chuyện bất thường thì hãy bám cho chắc. Nhưng đừng quên: DeWayne thuộc vào loại người hút những điều bất hạnh về phía mình như một mảng nam châm. Đừng có chìm quá sâu vào chuyện này, nếu không em sẽ bị ngập ở trong đó. Không có ai ban phước lành cho vụ này đâu. – Anh nháy mắt thêm một lần nữa, rồi bước đi và đóng cửa thật chắc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.