THUNG LŨNG
Chương ba
Bác sĩ John Christow đang ngồi trong phòng mạch của mình, khám cho bà bệnh nhân áp chót của buổi sáng hôm nay. Cặp mắt chăm chú nhìn người bệnh, như thể khuyến khích bà ta kể ra hết các biểu hiện của “căn bệnh”. Thỉnh thoảng chàng lại gật đầu ra vẻ vẫn chăm chú nghe. Chàng đưa ra một câu hỏi, một lời gợi ý, khiến bà bệnh nhân rất hài lòng.
“Bác sĩ John Christow rõ ràng là một thầy thuốc tận tụy vì người bệnh: quan tâm đến bệnh nhân, chịu lắng nghe những lời bệnh nhân kể và rất thông cảm, đến mức chỉ nghe được kể ra với ông ta cũng làm người bệnh nhẹ đi bớt bao nhieu nỗi lo lắng”.
John lấy một tờ giấy in sẵn tiêu đề, ghi đơn. Chàng thầm nghĩ, tốt nhất là kê cho bà ta một liều nhuận tràng. Loại thuốc nhuận tràng này của Hoa Kỳ sản xuất, viên màu đỏ rất đẹp, đựng trong bao ni-lông trong suốt trông rất sang, đồng thời cũng rất đắt tiền và rất khó kiếm, chỉ có thể tìm được tại một hiệu thuốc nhỏ trên đường phố Wardour. Thế là rất tốt, bởi bà bệnh nhân phải rất vất vả mới tìm ra được nơi để mua nó, và như thế bà ta sẽ để chàng yên được một thời gian. Thật ra cái mà bà ta gọi là “bệnh” chỉ là do tưởng tượng. Chín phần do bà ta tưởng tượng ra, chỉ một phần là bệnh thật và lại là bệnh không cần thuốc cũng sẽ khỏi. Thứ “bệnh” như của bà bệnh nhân này, John không có cách gì chữa được! Bà ta khắc hẳn bà bệnh nhân già Crabtree…
Buổi khám bệnh sáng nay hết sức ngán ngẩm, John thu được khá nhiều tiền nhưng không thấy một chút hứng thú nào. Chàng cảm thấy mệt rã rời. Mệt vì những người phụ nữ kia: họ khỏe như vâm nhưng cứ đinh ninh có bệnh! Họ làm chàng đâm nghi ngờ tính hữu ích của nghề nghiệp chàng. Nhưng ý nghĩ của John lại chuyển ngay sang bệnh viện Saint-Christophe, đến những dãy dài giường bệnh, đến nụ cười móm mém của bà già Crabtree.
John và bà Crabtree là hai người hiểu nhau. Bà ta không giống cái giẻ rách nằm giường bên cạnh. Bà Crabtree là một chiến sĩ, chiến đấu bên cạnh John và tha thiết muốn sống! Chính John nhiều lúc cũng hỏi, tại sao bà ấy khao khát sống đến thế? Nhà bà ta chỉ là một túp lều thảm hai, ông chồng rượu chè be bét, mấy đứa con thì lười biếng, lêu lổng. Bà Crabtree phải lao động cực nhọc để nuôi cả gia đình, phải nhận quét don cho nhiều văn phòng. Bà ấy có rất ít niềm vui và rất nhiều nỗi lo lắng, vậy mà bà ấy vẫn ham sống vẫn yêu cuộc sống như John yêu bản thân mình. Cuộc sống của bà Crabtree khác xa với cuộc sống John ao ước, nhưng chàng yêu mến bà. Điều này thật là rất khó cắt nghĩa, nhưng lại chính là sự thật. John yêu cuộc sống vì cái gì? Chàng tự nhủ sẽ phải đưa vấn đề này ra trao đổi với Henrietta.
John đứng lên tiễn bà bệnh nhân. Ra đến cửa phòng mạch, chàng nắm chặt tay bà ta, nói một câu động viên khiến bà ta rạng rỡ nét mặt, thầm nghĩ: “Ông bác sĩ này quả là tận tụy với người bệnh”.
Nhưng cánh cửa vừa khép, John đã quên ngay bà ta. Thật ra ngay khi bà ta ngồi trong phòng nay, chàng đã hầu như không quan tâm đến sự hiện diện của bà. John chỉ hành nghề, gần như mọt cái máy tự động. Tuy nhiên chàng phải tiêu phí năng lượng. Chàng thấy được điều này qua nỗi mỏi mệt đang chiếm lĩnh toàn thân chàng. Ôi, sao mình mệt đến thế!
Chỉ phải khám cho một bệnh nhân nữa là xong, sau đó John sẽ được hưởng cả một quãng thời gian rực rỡ của kỳ nghỉ cuối tuần. Những đám lá vàng rộm, chen vài chiếc lá màu đỏ hoặc nâu. Hương thơm của rừng thu. Con đường mòn chạy ngoằn ngoèo trong cánh rừng dẻ. Huân tước phu nhân Lucy là con người đáng mến nhất trong những tạo vật do Thượng đế sáng tạo ra, là người thông minh nhất, hóm hình nhất, luôn có những suy nghĩ độc đáo và bất ngờ nhất! Hai ông bà Henry và Lucy Angkatell là những chủ nhà hoàn hảo nhất vắ John cho rằng thái ấp Thung Lũng của họ là nơi nghỉ ngơi kỳ thú nhất trong toàn Anh quốc.
Thái ấp chỉ có một tòa biệt thự của hai ông bà và một xóm nhỏ của nông dân và tá điền, còn lại là rừng, những cánh rừng nốôi tiếp nhau trong cả một vùng đất rộng lớn. Chủ Nhật này John sẽ được dạo chơi với Henrietta. Bên nàng, chàng sẽ quên đi rằng trên trái đất có bệnh nhân, ơn Chúa, Henrietta lại khỏe mạnh!
John mỉm cười tự nhủ: “Nếu Henrietta có đau ốm, chắc chắn nặng cũng không nói với mình!”.
Vẫn còn một bệnh nhân nữa John phải khám trong buổi sáng hôm nay! Lẽ ra chàng phải ấn vào nút chuông đặt trên bàn để chị thư ký mời bệnh nhân vào, nhưng không hiểu tại sao John vẫn chưa làm cái động tác ấy. Mà đã muộn rồi. Trong phòng ăn trên gác, bàn ăn đã bày sẵn, Gerda vợ chàng và hai đứa con đang chờ chàng. Vậy mà John vẫn ngồi bất động. Chàng thấy mệt mỏi đến nỗi không muốn nhúc nhích gì nữa.
Nỗi mệt mỏi này John mới cảm thấy gần đây, chính nó là nguyên nhân khiến chàng đâm thành bẳn tính, luôn cáu gắt. Chàng biết thế và cố khắc phục nhưng không nổi. Gerda tội nghiệp hẳn phải chịu nhiều nỗi khổ tâm lắm. Nếu như lúc nào Gerda cũng nín nhịn, nhận mọi lỗi về mình thì thật ra chín phần lỗi ở John, chỉ một phần ở Gerda. Có những hôm, bất cứ vợ nói gì cũng làm John nổi cáu. Chàng nhận ra rằng chính thái độ cam chịu của vợ làm chàng cáu kỉnh. Kiểu nín nhịn, vội vã làm theo mọi điều chồng muốn của Gerda là nguyên nhân khiến John bực dọc. Không bao giờ Gerda phản ứng những lời gắt gỏng của John, không bao giờ cô cãi lại chồng, không bao giờ cô cố đòi được làm theo ý cô!
John thầm nghĩ: “Phải chăng mình quyết định lấy Gerda chính vì cô ta như thế? Vậy mình còn trách gì nữa? Sau cái kỳ nghỉ hè ở thị trấn San Miguel bên bờ Địa Trung Hải ấy…”.
Đúng thế! Thật là lạ! Những phẩm chất John thấy khó chịu ở Gerda thì chàng lại mong được thấy ở Henrietta. Đối với John, Henrietta luôn giữ thái độ kiên quyết, không chịu nhượng bộ, trong khi đối với những người khác, nàng lại sẵn sàng chiều họ.
Một hôm John đã nói với Henrietta:
– Anh có cảm giác em là kẻ giả dối nhất trên thế gian này!
– Có thể lắm!
– Em chỉ nói với người ta những điều người ta muốn nghe!
Henrietta đáp:
– Em cho như thế là rất quan trọng!
– Quan trọng hơn là nói thật ra điều em nghĩ trong bụng?
– Quan trọng hơn nhiều!
– Nếu vậy tại sao khi nói với anh, em không nói điều anh muốn được nghe? Tại sao đối với anh em không chịu giả dối một chút?
– Anh muốn thế à?
– Rất muốn.
– Em rất tiếc là với anh, em không thể nói dối, John!
– Nhưng em thừa biết là anh muốn được nghe em nói dối. Em muốn được nghe ở miệng em điều mà anh muốn nghe…
John biết rằng lúc này chàng không nên nghĩ về Henrietta. Ngày mai chàng đã được gặp nàng rồi Còn bây giờ chàng phải nghĩ đến nghề nghiệp của mình. Chàng phải ấn vào cái nút chuông kia và khám cho bệnh nhân cuối cùng của buổi sáng hôm nay. Lại một phụ nữ mang bộ mặt rầu rĩ, kể lể ra những triệu chứng tưởng tượng. “Căn bệnh” của bà ta chỉ một phần có thật còn chín phần tưởng tượng. Nhưng thôi, họ quá giầu và muốn quăng tiền vào những thứ thuốc vớ vẩn thì mặc họ! Đúng là trái ngược với bà Crabtree và những bệnh nhân loại như bà…
Nhưng John vẫn không nhúc nhích. Chàng thấy rất mệt, mệt rã rời. Chàng cảm thấy đã từ lâu lắm, chàng rất khát khao một thứ gì đó. Nhưng là thứ gì?
Đột nhiên trong óc John lóe lên như một ánh chớp: “Mình muốn về nhà mình!”.
Câu vừa lóe lên đó làm John sửng sốt. Tại sao mình lại có ý nghĩ ấy và như thế nghĩa là sao? Về nhà mình ư? Chưa bao giờ John có “nhà mình” cả! Cha mẹ chàng xưa kia sống bên Ấn Độ, để con lại ở Anh quốc, gửi họ hàng nuôi hộ. Chàng đã sống với hết bà cô này, ông cậu kia, ông bác nọ, chẳng nơi nào là “nhà mình” cả. Cái “nhà mình” đầu tiên John có chính là ngôi nhà hiện nay, trên đường phố Harley. Nhưng chàng có coi đấy là “nhà mình” không? Hẳn là không!
Do bản chất nghề nghiệp. John cố suy nghĩ, lục lọi trong tiềm thức xem nguyên nhân nào đã dẫn chàng đến điều mong ước “về nhà mình” kia? Để tập trung tư tưởng, John nhắm nghiền mắt lại. Ngay lập tức chàng nhìn thấy phong cảnh Địa Trung Hải mà chàng đã biết rất rõ. Chàng cảm thấy cái nóng bức của mùa hè, thấy cái mát lạnh của nước biển trên làn da lúc chàng tắm nắng xong, nhảy xuống biển. Thị trấn nghỉ mát San Miguel!
Điều phát hiện kia làm John ngỡ ngàng. Đã bao nhiêu năm nay chàng có nghĩ đến cái thị trấn bên bờ Địa Trung Hải ấy đâu? Và chắc chắn chàng cũng không muốn quay trở lại nơi đó! San Miguel thuộc về một thời kỳ khác trong cuộc đời chàng, một thời kỳ đã lui vào dĩ vãng và chàng đã khép nó lại.
Chuyện ấy cách đây đã mười ba năm. Hình như mười bốn. Không, mười lăm năm thì đúng hơn. Hồi ấy John đã quyết định một điều mà chàng cần phải quyết định! Suy nghĩ của John lúc đó là chính xác. Bấy giờ chàng yêu Veronica, yêu điên cuồng, nhưng chàng đã quyết định đúng, là từ bỏ mối tình đó. Nếu không, cô ta sẽ hủy diệt cả thể xác lẫn tâm hồn chàng. Veronica là một cô gái ích kỷ và cô ta không cần giấu diếm điều đó. Cô ta là người đạt được mọi thứ cô ta muốn. Cô ta muốn chi phối John nhưng chàng đã thoát ra được: Người bên ngoài cho răng John đã đối xử không tốt với Veronica, thật ra chỉ là chàng quyết định sống cuộc đời mình, điều mà nếu kết hôn với Veronica chàng không thể thực hiện.
Khi nghe John từ chối đi theo cô sang Hollywood, Veronica đã lộ ra vẻ kinh ngạc. Cô nói bằng giọng khinh miệt:
– Nếu anh thích cái nghề thầy thuốc của anh đến như thế thì sang đó anh vẫn làm được kia mà. Nhưng em cho rằng anh chẳng nên làm. Anh thừa đủ giầu để không phải làm gì, chưa kể sang đó em cũng sẽ kiếm được khối tiền!
John nói cho Veronica hiểu chàng rất yêu nghề y, và bằng giọng kính phục chàng nói thêm:
– Vả lại, anh còn muốn được làm việc với giáo sư Radley!
Veronica bĩu môi:
– Cái ông già lẩm cẩm ấy ư?
Hơi nóng mặt, John cô giữ điềm tĩnh trả lời:
– Chính ông già lẩm cẩm ấy đã khám phá ra cách điều trị bệnh Pratt…
Veronica đã ngắt lời John. Cái bệnh Pratt ấy chẳng ai quan tâm, trong khi khí hậu bang California lại tuyệt vời, và còn gì sung sướng bằng John với cô ta, hai người cùng khám phá cái thế giới mới mẻ đó!
Veronica nói:
– Nếu đi một mình, em sẽ kém vui. Anh phải đi với em, John! Em không thể sống thiếu anh được!
Nghe Veronica nói thế, John bèn ngỏ lời cầu hôn và yêu cầu cô bỏ ý định sang Hoa Kỳ, hai người về sống ở London. Lời đề nghị của John chỉ làm Veronica bật cười. Tin vào nhan sắc và uy thế của mình, cô ta trả lời rằng cô quyết định đi Hollywood. Cô yêu John, hai người tổ chức cưới rồi chàng đi theo cô sang đó. John hiểu rằng chỉ còn một con đường và chàng đã thực hiện nó: cắt đứt với Veronica.
John đã đau khổ một thời gian, nhưng chàng vẫn tin rằng mình quyết định đúng. John quay về London, làm việc với giáo sư Radley, rồi một năm sau, chàng cưới Gerda, một cô gái hoàn toàn trái ngược với Veronica.
Cánh cửa phòng mở ra, cô thư ký bước vào:
– Bác sĩ nhớ là còn một bệnh nhân cuối cùng nữa chứ ạ?
– Có, tôi nhớ.
– Tôi tưởng bác sĩ quên…
John đưa mắt nhìn theo cô thư ký đang chậm rãi đi ra. Cô ta không đẹp, thậm chí có thể nói là xấu, nhưng làm rất tốt công việc. John đã thuê cô được sáu năm rồi. Chưa bao giờ cô phạm sai sót nào, nhưng cũng chưa bao giờ cô sốt sắng thứ gì nhiều. Chưa bao giờ John thấy cô ta bối rối. Cô ta có mái tóc đen, nước da màu đất và cái cằm kiên định. Qua đôi mắt kính dầy, cô ta nhìn John cũng như nhìn thế giới xung quanh một cách điềm tĩnh, thản nhiên, gần như vô cảm. Cô ta đúng là người thư ký John muốn có và chàng đã chọn cô ta, tuy nhiên đôi lúc John cảm thấy không chịu nổi thái độ lạnh lùng của cô ta.
Trong kịch cũng như trong tiểu thuyết, đã thành một quy luật, là thư ký bao giờ cũng tuyệt đối trung thành, tận tụy với chủ. Nhưng cô thư ký của John khác hẳn. Trước mắt cô ta, John chỉ là một người đàn ông với tất cả các khiếm khuyết của con người. Sức hấp dẫn của John không tác động đến cô ta. Cô ta thản nhiên trước bản lĩnh của John khiến đôi lúc chàng tự hỏi không biết cô thư ký này có chút cảm tình nào với chàng không?
Một hôm John tình cờ nghe thấy cô thư ký nói chuyện điện thoại với bạn. Cô nói:
– Không, mình không nghĩ rằng ông ta ích kỷ hơn trước kia. Nhưng ông ta có phần đãng trí nhiều hơn trước…
Rõ ràng câu nói ám chỉ John và chàng thấy buồn trong hai mươi tư tiếng đồng hồ.
Vậy là cả thái độ tán thành vô điều kiện của Gerda lẫn thái độ phê phán lạnh lùng của cô thư ký đều làm John khó chịu. Đúng ra mọi thứ đều làm chàng khó chịu, hoặc gần như mọi thứ. Tình trạng này rõ ràng không bình thường! Do làm việc quá sức chăng? Có thể. Nhưng không! Không phải thế. Đấy chỉ là cái cớ John viện ra để tự thanh minh! Trạng thái mệt mỏi, cáu kỉnh này có một nguyên nhân khác mà chàng thấy phải tìm ra cho bằng được.
John thầm nghĩ: “Dù sao mình không thể tiếp tục sống như thế này! Phải tìm cho ra nguyên nhân. Nếu như mình có thể đi đâu đó!”.
Và cái ý nghĩ kỳ quái kia lại hiện lên: “Mình muốn về nhà mình!”.
Nhưng chao ôi, thì mình đang ở nhà mình đấy thôi! Ngôi nhà số 404 phố Harley chính là nhà chàng. Chính là “nhà mình” chứ còn đâu nữa?
Bà bệnh nhân cuối cùng đã ngồi trong phòng mạch. Một phụ nữ nhạt nhẽo, một con người có quá nhiều tiền và thời gian rảnh rỗi để lo lắng cho sức khỏe của bà ta.
Một hôm, một người nào đó bảo John rằng chàng đã khám bệnh cho quá nhiều phụ nữ giàu có và toàn mắc bệnh tưởng, bây giờ chàng nên khám cho người nghèo, những người chỉ tìm đến thầy thuốc khi họ thật sự cần thiết. Nghe nói thế; John đã cười. Người ta có những nhận định kỳ quặc về người nghèo chữ N hoa. John biết một bà già nghèo ở gần nhà chàng. Mỗi tuần bà ta đi khám ở năm bệnh viện khác nhau, và lần nào cũng mang về đủ loại thuốc, từ dầu xoa lưng, thuốc ho, đến những viên chữa khó tiêu v.v… Bà ta nói với John:
– Thưa bác sĩ, đã mười bốn năm nay tôi dùng loại thuốc xi rô màu nâu và đấy là thứ thuốc tôi thấy công hiệu đối với tôi nhất. Tuần lễ trước, một bác sĩ trẻ tuổi cũng kê đơn cho tôi một thứ xi rô, nhưng màu trắng, tôi dùng thấy chẳng đỡ chút nào. Cho nên tôi cứ loại xi rô màu nâu tôi dùng…
Mọi bệnh nhân đều một giuộc hết. Họ giống hệt nhau. Bác sĩ chỉ cần chịu khó nghe những lời kể lể than vãn của họ rồi cầm bút kê đơn lên những tờ giấy in sẵn tiêu đề, bằng giấy thường hay giấy lụa đắt tiền, tùy mặt người bệnh.
Lạy Chúa! Sao mình ngán tất cả những trò ấy đến thế!
Mặt biển xanh ngắt. Mùi hương hoa mi-mô-da thoang thoảng. Cái nóng bức của mùa hè…
Chuyện ấy cách đây mười lăm năm, bây giờ đã hết rồi, không còn gì nữa!… Hoàn toàn hết… ơn Chúa là John đã dũng cảm chấm dứt nó.
Một tiếng nói ma quỷ lại văng vẳng bên tai John: “Mi bảo dũng cảm ư? Làm như thế mà mi bảo là mi dũng cảm hay sao?”.
Khốn khổ! John đã làm điều chàng cần phải làm! Làm việc đó đâu có dễ dàng kia chứ? Sau khi cắt đứt mối tình với Veronica, chàng đã đau khổ bao nhiêu lâu, nhưng chàng vẫn đứng vững! Cắt đứt xong, John quay về Anh quốc và ít lâu sau chàng cưới Gerda.
Cô thư ký của chàng không đẹp và vợ chàng cũng không đẹp. Phải chăng John đã muốn như thế? Chàng đã biết thế nào là phụ nữ đẹp rồi. Veronica đẹp, nhưng cô ta đã sử dụng sắc đẹp để sai khiến những đàn ông cô ta gặp trên đường đời! Sau Veronica, John muốn được yên ổn, muốn được sống cuộc sống theo ý mình. Điều chàng mong muốn chàng đã đạt được rồi đấy thôi: chính là Gerda! Một phụ nữ không có ý nghĩ nào riêng mà hoàn toàn tuân theo mọi ý nghĩ của chồng, tuân theo mọi quyết định của chồng, thậm chí không bao giờ thoáng có ý nghĩ tranh luận với chồng…
Nhưng ai đó đã nói, bi kịch lớn nhất của cuộc sống là có được thứ anh muốn có.
John giận dữ ấn nút chuông. Chàng chuẩn bị khám cho người bệnh cuối cùng của buổi sáng hôm nay.
John chỉ làm trong mười lăm phút là xong. Một cách kiếm tiền dễ dàng. Lại một lần nữa chàng lắng nghe người bệnh kể lể, đưa ra vài câu hỏi, kê đơn nói một câu động viên rồi vui vẻ tiễn bà ta ra cửa. Lại một lần nữa John kê đơn những thứ thuốc rất đắt tiền nhưng khá vô thưởng vô phạt, chủ yếu cốt để người bệnh nhân yên tâm là đã được khám cẩn thận và được điều trị chu đáo. Bà bệnh nhân phấn khởi ra về và sẽ được một thời gian không lo lắng gì nữa, lấy lại được niềm yêu cuộc sống…
Bác sĩ John Christow ngả người ra lưng ghế. Bây giờ chàng được tự do. Tự do bước lên thang gác gặp Gerda và hai đứa con nhỏ, tự do quên đi mọi thứ bệnh tật trên đời trong suốt kỳ nghỉ cuối tuần.
Nhưng John vẫn không thấy một chút hào hứng nào nhúc nhích. Đó là một cảm giác rất lạ, như thể ý chí của chàng từ chối không ra lệnh nữa…
John thấy mệt… mệt rã rời…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.