THUNG LŨNG

Chương mười sáu



Gerda cởi bộ đồ tang ra, để nó rơi xuống đất. Chị mệt mỏi nói khẽ:
– Em không biết! Em không biết nữa! Những thứ này liệu có quan trọng gì không kia chứ?
Bà Elsie Patterson – chị của Gerda gật đầu – tỏ ý thông cảm. Nhẹ nhàng nhưng kiên quyết bà rất biết phải đối xử thế nào với những ai đau khổ và tuyệt vọng khi mất người thân. Lúc này ngồi trong phòng ngủ của em gái, bà Elsie thấy mình phải xứng đáng với danh hiệu “người vững vàng nhất trong mọi tình huống” mà mọi người trong gia đình đặt cho bà. Bà Elsie hơi bực với thái độ của em gái, nhưng bà cố chịu đựng và mềm mỏng nâng đỡ em.
Bà Elsie nói:
– Chị đã chọn thứ vải kếp đen này giá những mười guinée một thước…
Từ nhỏ Elsie đã luôn phải quyết định mọi thứ thay cho em.
Gerda vẫn không nhúc nhích. Chị nói rất khẽ:
– Sinh thời John rất không ưa quần áo tang. Anh ấy nhiều lần nói với em như thế.
Một ý nghĩ phi lý lướt qua trong óc Gerda: “Giá như John có mặt ở đây và quyết định mọi thứ thay cho vợ!”… Nhưng than ôi, chị sẽ không bao giờ được gặp chồng nữa… Không bao giờ!
Bà Elsie đáp:
– Hôm dự phiên thẩm vấn tại Tòa, dì nhất định phải mặc đồ tang. Nếu dì mặc bộ váy áo xanh da trời, mọi người sẽ không hiểu được và cho là không đúng…
Nghĩ đến cuộc thử thách sắp tới, Gerda nhắm mắt lại.
Bà Elsie vẫn nói tiếp:
– Chị biết đấy là những khoảnh khắc đau khổ nhất trong cuộc đời của dì! Nhưng ngay sau đấy, dì và các cháu sẽ về ở với anh chị và dì sẽ thấy anh chị rất quan tâm chăm sóc dì!
Cặp mắt Gerda mỗi lúc một đờ đẫn thêm:
– Nhưng thiếu John, em sẽ ra sao đây?
Câu,hỏi này Elsie đã đoán được từ trước và chuẩn bị sẵn câu trả lời:
– Dì còn hai cháu. Dì phải sống vì con cái!
Chao ôi, hai đứa con! Gerda đã kể với chúng rằng ba chúng bị chết ngẫu nhiên trong lúc cầm súng, vô ý chạm phải cò súng. Đứa con gái nhỏ khóc òa lên, lao lên giường ôm mặt khóc nức nở. Còn đứa con trai lớn mặt tái nhợt nhưng không khóc. Cô thư ký giấu, không cho chúng đọc báo. Nhưng chiều hôm đó, cậu con trai Gerda đã chạy đến tìm mẹ trong phòng ngủ tối om do đóng kín các cửa sổ.
Cậu hỏi:
– Mẹ ơi, ba chết như thế nào?
– Mẹ đã nói rồi. Ba chết do một tai nạn ngẫu nhiên…
Cậu bé ngắt lời mẹ:
– Sao mẹ nói thế? Vì không phải! Ba bị người ta giết. Bị người ta bắn chết, báo nói như thế…
– Con xem báo ở đâu? Cô thư ký…
– Chính vì cô ấy không cho con đọc nên con mới nghĩ rằng hẳn có gì đó trong báo. Thế là con chạy ra phố, mua một tờ…
Nói dối cậu con trai này chỉ vô ích. Tính tò mò, ham hiểu biết, thói quen tư duy khoa học và tỉnh táo cậu luôn đòi biết sự thật. Lần này cũng thế, cậu vẫn không buông:
– Tại sao người ta giết ba, mẹ?
Gerda như lịm đi.
– Đừng hỏi mẹ câu đó! Mẹ không muốn nhắc đến chuyện đó! Chuyện đó ghê gớm quá!
– Nhưng nhất định cảnh sát sẽ tìm ra hung thủ! Không thể có chuyện họ không tìm ra! Nhất định như thế!
Đứa con trai nói giọng trịnh trọng, không tỏ vẻ xúc động quá mức. Lát sau, cậu chạy ra ngoài. Cậu đi người thẳng đuỗn, hàm răng nghiến chặt đến mức làm má cậu trắng bệch. Cậu không muốn khóc, nhưng cậu cảm thấy vô cùng cô đơn trên cõi đời này. Cảm giác cô đơn không phải hôm nay cậu thấy là lần đầu. Cậu đã nhiều lần cảm thấy nó. Tuy nhiên đây là lần đâu tiên cậu thấy cô đơn thật sự…
Ngày mai, cậu sẽ cùng với thằng bạn Nicholson tiến hành thí nghiệm điều chế nitroglycerine. Trước kia cậu nóng lòng chờ đến cái ngày ấy, nhưng bây giờ cậu không còn tha thiết nữa. Làm thí nghiệm hay không, không còn quan trọng nữa. Bỗng dưng cậu thấy xấu hổ cho bản thân, là không còn thấy say mê làm các thí nghiệm khoa học. Cậu chỉ ao ước duy nhất một điều: gặp được ai có thể giải đáp những nỗi băn khoăn của cậu. Ba cậu thì đã bị người ta giết chết rồi…
Và cậu phát hiện thấy trong lòng mình bùng lên một nỗi căm giận mà cậu chưa hiểu là căm giận cái gì.
*
Trong phòng khám bệnh, thanh tra Grange phải đương đầu với cặp mắt lạnh lùng và thù địch của cô thư ký.
Ông thầm nghĩ: “Cô này xấu, không thể có chuyện yêu đương vụng trộm giữa bác sĩ John Christow và cô ta được. Nhưng như thế không có nghĩa là cô ta không mê ông bác sĩ!”.
Mười lăm phút sau, thanh tra Grange hoàn toàn tin rằng không có chuyện gì giữa John Christow và cô thư ký. Với mọi câu ông hỏi, cô thư ký đều trả lời rõ ràng, không một chút ngập ngừng. Lúc hỏi sang các nữ bệnh nhân của ông bác sĩ, thanh tra Grange dò hỏi về mối quan hệ vợ chồng của John Christow. Cô thư ký trả lời rằng hai vợ chồng rất hòa thuận.
Thanh tra Grange vui vẻ nói:
– Nhưng đôi vợ chồng nào chẳng có những lúc cãi cọ nhau đôi chút, rồi lại thôi ấy mà!
Cô thư ký nói ngay:
– Theo tôi nhớ thì chưa bao giờ hai ông bà Christow có chuyện cãi cọ! Có thể nói bà ấy tôn sùng chồng. Đối xử với chồng giống như nô lệ đối xử với lãnh chúa vậy!
Thanh tra Grange cảm thấy trong giọng nói của cô thư ký có chút khinh bỉ và ông bất giác nghĩ rằng chắc cô này thuộc loại phụ nữ đấu tranh đòi bình đẳng nam nữ. Ông bèn nói:
– Bà Christow không có quan niệm nào riêng à?
– Không! Mọi quan niệm của bà ấy là của ông chồng truyền sang.
– Ông Christow có bắt nạt vợ không?
Cô thư ký suy nghĩ một chút rồi mới trả lời:
– Gọi là bắt nạt tôi e không chính xác. Có điều ông Christow rất ích kỷ. Ông ấy cho rằng vợ ông ấy phải tuyệt đối làm theo mọi ý kiến của chồng.
– Ông ấy có chuyện rắc rối nào với một trong số các nữ bệnh nhân không? Các bác sĩ dễ vướng chuyện ấy lắm.
Cặp mắt cô thư ký lộ vẻ trách móc, cô nói rằng bác sĩ John Christow đối xử với mọi bệnh nhân đều đúng đắn đến mức không ai chê trách gì được!
– Ông ấy có tình ý với bà nào không? Cô cứ nói thật! Mà như thế không phải cô làm hại danh tiếng của ông ấy đâu. Trái lại thì có, vì như thế là cô giúp chúng tôi tìm ra hung thủ đã giết ông bác sĩ.
– Tôi hiểu chứ! Nhưng theo tôi biết thì không có.
Thanh tra Grange cảm thấy câu trả lời thốt ra hơi nhanh hơn bình thường. Ông bèn hỏi luôn:
– Cô biết gì về bà Henrietta Savernake không?
– Bà ấy là bạn rất thân của cả hai ông bà Christow.
– Hai ông bà Christow chưa bao giờ to tiếng về Henrietta Savernake chứ?
– Chắc chắn là không!
Câu trả lời dứt khoát. Có lẽ hơi dứt khoát quá mức bình thường một chút…
Thanh tra Grange chuyển sang câu hỏi khác:
– Cô biết bà Veronica Cray không?
– Veronica Cray?
Câu hỏi có vẻ chân thật.
Thanh tra Grange nói:
– Đúng thế. Bà Cray là bạn gái của bác sĩ John Christow?
– Chưa bao giờ tôi nghe thấy hai ông bà Christow nhắc đến tên bà ấy, mặc dù tôi có nghe thấy cái tên ấy ở đâu rồi thì phải.
– Bà ta là một ngôi sao điện ảnh.
– Phải rồi! Chính vì thế mà tôi nghe cái tên ấy quen quen… Nhưng thậm chí tôi không biết ông bác sĩ có quen bà ấy không đấy.
Cô thư ký nói giọng khẳng định đến mức thanh tra Grange thấy không cần gặng hỏi thêm nữa. Ông chuyển sang hỏi về thái độ của John Christow trong ngày Thứ bảy vừa rồi. Câu hỏi này làm cô thư ký hơi bối rối.
Cô trả lời giọng ngập ngừng:
– Hôm đó, ông bác sĩ không hoàn toàn giống như mọi ngày…
– Có gì khác mọi khi?
– Ông bác sĩ có vẻ lơ đãng. Khám xong bệnh nhân áp chót, ông ấy ngồi rất lâu rồi mới cho bệnh nhân chót vào. Tình trạng này khác hẳn mọi khi. Bao giờ sắp rời London, ông bác sĩ cũng rất khẩn trương. Nhưng hôm Thứ bảy vừa rồi, tôi có cảm giác ông ấy có điều gì đó nghĩ ngợi…
Rất tiếc là cô thư ký không thể nói thêm John Christow băn khoăn suy nghĩ về điều gì, và thanh tra Grange chỉ hài lòng một nửa về cuộc dò hỏi này. Vẫn chưa tìm ra động cơ gây án, mà nếu chưa tìm ra nó thì chưa thể bàn giao vụ án sang cho cơ quan Tư Pháp. Trong thâm tâm, thanh tra Grange tin rằng chính Gerda là thủ phạm giết chồng, động cơ là ghen, nhưng ông không sao chứng minh được. Viên trung sĩ dưới quyền ông đã dò hỏi các đầy tớ và những lời khai của cô thư ký cũng làm rõ thêm một điều là Gerda Christow hoàn toàn tôn sùng và theo chồng trong mọi thứ…
Chuông điện thoại reo. Cô thư ký nhấc máy nghe rồi đưa cho thanh tra Grange.
– Grange đây! Cậu bảo sao?
Tuy vẻ mặt vẫn thản nhiên nhưng giọng nói để lộ ra nỗi ngạc nhiên.
Thanh tra Grange nói tiếp:
– Rõ… Tôi nghe rõ rồi… Cậu chắc chắn chứ? Không thể có nhầm lẫn được đấy chứ? Được! Tôi sẽ về ngay. Việc ở đây coi như đã xong. Đồng ý!
Ông đặt máy xuống, rồi ngừng lại suy nghĩ vài phút trước khi quay sang hỏi tiếp cô thư ký. Cô ta lúc này nhìn ông vẻ tò mò.
Ông thanh tra nói:
– Cô có ý kiến nào riêng về vụ án này không?
– Hoàn toàn không!
– Cô có nghi ai là hung thủ không?
– Hoàn toàn không!
Câu trả lời dứt khoát không làm nhụt ý chí ông thanh tra. Ông ta hỏi tiếp:
– Cô biết là lúc người ta phát hiện ra ông bác sĩ bị bắn, người đứng bên cạnh ông ấy chính là bà Christow với khẩu súng trên tay…
Thanh tra Grange cố tình để dở dang câu hỏi. Cô thư ký lập tức trả lời. Giọng cô điềm tĩnh:
– Nếu ông thanh tra nghĩ rằng bà Christow là thủ phạm giết chồng thì ông lầm đấy. Tôi tin chắc chắn như thế. Bà Christow không thuộc loại người có thể làm một hành động thô bạo. Bà ấy rất lành, luôn giấu mình đi, và trong mọi việc đều làm theo ý kiến chồng. Bà ấy không nhìn thấy ai khác ngoài ông ấy. Cho nên dù xét bề ngoài ông có thể nghi bà ấy, nhưng tôi tin rằng bà ấy không thể là hung thủ!
– Nếu vậy, hung thủ là ai?
– Tôi hoàn toàn không có ý kiến nào về chuyện đó.
Lúc viên thanh tra cảnh sát đứng lên, cô thư ký hỏi ông có muốn nói chuyện với bà Christow không? Ông ngập ngừng:
– Không… à mà có… Có lẽ nên nói chuyện với bà ấy một chút thì hơn!
Cô thư ký nhận thấy thái độ ông thanh tra thay đổi hẳn, từ lúc nghe điện thoại.
*
Lúc bước vào, Gerda có vẻ mặt căng thẳng và vẫn rầu rĩ. Chị hỏi rất khẽ và giọng run rẩy:
– Ông tìm ra hung thủ chưa?
– Chưa, thưa bà.
– Vụ án này, thưa ông thanh tra, cho đến nay tôi vẫn chưa thể tin là có thật!
– Vậy mà nó có thật đấy, thưa bà Christow!
Gerda cúi đầu. Hai tay chị vò chiếc khăn mù soa, vo nó thành một cục vải nhỏ ướt đẫm.
Thanh tra Grange nói tiếp:
– Bà biết ông nhà có những buồn phiền nào không?
– John ấy ư? Chắc chắn là không! Chồng tôi là người tốt nhất trên đời, được mọi người quý mến!
– Liệu có người nào căm ghét ông nhà hay căm ghét… bà không?
– Căm ghét tôi ấy à? Không có ai đâu, thưa ông thanh tra!
Gerda tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe hỏi như thế. Thanh tra Grange thở dài, nói tiếp:
– Bà biết gì về bà Veronica Cray?
– Veronica Cray? Người đàn bà đến xin diêm ấy ạ?
– Vâng. Bà quen bà ấy chứ?
Gerda lắc đầu:
– Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chị ta. John có quen chị ta xưa kia, cách đây hàng chục năm rồi. Đó là điều chị ta nói ra chứ trước kia tôi không biết và John cũng không nói gì với tôi…
– Rất có thể bà Cray căm giận ông John Christow về một điều gì mà bà không biết chăng?
Gerda đáp, thận trọng, cân nhắc từng chữ:
– Tôi không tin là có ai căm ghét chồng tôi. John chỉ lo giúp mọi người. Anh ấy là người tốt nhất thế gian này và cũng cao thượng nhất.
Grange gật đầu rồi cảm ơn Gerda, nhắc chị rằng Thứ tư này phải có mặt trong buổi thẩm vấn đầu tiên của Tòa. Ông thanh tra còn nói thêm, do chưa điều tra xong nên buổi thẩm vấn ấy có thể sẽ phải hoãn lại thêm một tuần nữa. Rồi ông cáo từ.
Thanh tra Grange tự hỏi, liệu Gerda Christow có biết rằng nỗi nghi ngờ đang rơi xuống chị ta không?
Lúc ngồi trong xe taxi, thanh tra Grange suy nghĩ về thông tin ông vừa nhận được qua điện thoại. Cái thông tin ấy sẽ dẫn đến đâu? Hiện còn rất khó nói. Mới nghe thì thấy vô lý, thậm chí kỳ cục nữa, nhưng lại có một ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa gì? Đấy chính là điều ông cần tìm.
Trước mắt, thông tin ấy mới chỉ chứng tỏ vụ án không đơn giản như lúc đầu ông tưởng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.