Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 27



Phlôrêntinô Arixa quên mất rằng bác sĩ Huvênan Uchinô có thể cùng ở trong số những người biết chuyện thầm kín giữa anh và Phecmina Đaxa. Hinđêbrađa Sanchêt đã làm cho bác sĩ biết chuyện thầm kín của hai người trong chuyến đến thăm thành phố lần đầu tiên. Nhưng cô đã để lộ chuyện dưới hình thức hết sức ngẫu nhiên và trong thời điểm bất ngờ nhất đến mức bác sĩ Huvênan Uchinô có thể nghe tai này liền để lọt tai kia, như cô ta nghĩ, mà đúng hơn bác sĩ cũng chẳng thèm để ý. Đúng vậy, Hinđêbrađa Sanchêt từng nhắc đến Phlôrêntinô Arixa như là một trong những nhà thơ đang mai danh ẩn tích mà theo cô họ đủ khả năng giật giải trong các Dạ hội thơ cơ. Bác sĩ Huvênan Ucbinô vất vả lắm mới không nhớ ra Phlôrêntinô Arixa là ai và cô nói với bác sĩ với thái độ chẳng vô tình chút nào nhưng cũng không có manh tâm rằng đó là người yêu duy nhất của Phecmina Đaxa trước khi cô lấy chồng. Cô nói với bác sĩ rằng đó là một tình yêu hết sức ngây thơ và nhất thời đến mức chỉ là một ký ức để làm mủi lòng người mà thôi. Bác sĩ Huvênan Uchinô cãi lại mà chẳng hề nhìn cô: “Tôi không hề biết cái anh chàng ấy lại là nhà thơ kia đấy”. Nói xong ngài quên luôn cũng như ngài từng quên biết bao chuyện khác bởi vì nghề nghiệp của ngài buộc ngài phải nhanh chóng quên những gì cần phải quên.

Phlôrêntinô Arixa nhận thấy rằng những người biết chuyện thầm kín giữa mình và Phecmina Đaxa, trừ mẹ anh r thuộc phía Phecmina Đaxa. Về phía anh chỉ có mỗi một mình anh, một mình anh với sự bức bối cần phải được chia xẻ với một người nào đó nhưng cho đến lúc này chưa một ai đáng mặt để anh tin cẩn. Lêôna Catxiani là người duy nhất có thể tin tưởng được và anh chỉ chờ dịp và đang tìm cách thức hợp lý nhất để mà thổ lộ chuyện riêng tư với cô. Anh đang suy nghĩ để tìm một buổi chiều hè oi bức bác sĩ Huvênan Ucbinô trèo lên cầu thang dốc của Hãng Tàu thủy Caribê, cứ mỗi bậc ngài lại dừng một lát cố chịu cái nóng như thiêu đốt lúc ba giờ chiều, rồi ngày thở dốc xuất hiện ở phòng làm việc của Phlôrêntinô Arixa, người ướt đẫm tới tận ống quần, và nói như đứt hơi: “Tôi nghĩ rằng có lẽ trời sắp nổi bão mất”. Rất nhiều lần Phlôrêntinô Arixa nhìn thấy ngài có mặt ở đâu tìm ông chú Lêông XII. Nhưng chưa bao giờ anh thấy mình có cảm giác đến lạ rằng việc này dứt khoát có liên quan tới một chuyện gì đó của cuộc đời anh.

Đó cũng là thời kỳ bác sĩ Huvênan Ucbinô đã vượt qua được những chặng đường hiểm hóc trong nghề nghiệp để khẳng định vị trí của mình và hiện nay đang như một gã ăn mày tay cầm mũ đi gõ hết cửa này đến cửa khác để quyên góp sự ủng hộ cho các viện nghệ thuật của mình. Một trong số những người hào hiệp đóng góp cho ngài bao giờ cũng là ông chú Lêông XII, người vào đúng lúc này vừa mới chợp mắt để ngủ trưa trong vòng mười phút đồng hồ ngay trên chiếc ghế lò xo đặt cạnh bàn viết. Phlôrêntinô Arixa đề nghị bác sĩ Huvênan Ucbinô hãy làm ơn đợi một lát ngay tại phòng làm việc của ông chú Lêông XII và về một khía cạnh nào đó mà nó còn là phòng chờ của khách trước khi vào tiếp kiến vị chủ hãng tàu thủy.

Họ đã từng gặp nhau trong nhiều dịp, nhưng chưa bao giờ lại giáp mặt nhau như vậy, có thể nói là mặt đối mặt và Phlôrêntinô Arixa có cảm giác thầm lặng rằng mình như đang muốn buồn nôn. Cuộc gặp gỡ kéo dài mười phút nhưng đó là mười phút dài đằng đẵng tưởng như không bao giờ kết thúc trong đó Phlôrêntinô Arixa đã ba lần hi vọng ông chú mình thức dậy sớm hơn thường lệ và cũng đã nhiều lần anh nhắc chiếc phích đựng cà phê đen lên. Bá sĩ Huvênan Ucbinô không uống một tách nào. Ngài bảo: “Cà phê là của độc hại”. Rồi ngài vẫn tiếp tục nói về một đề tài mà không nghĩ rằng người nghe có nghe không Phlôrêntinô Arixa không tài nào chịu nổi cái phong cách khác người rất tự nhiên của ngài, cách nói lưu loát và dùng chữ chọn lựa của ngài, cái cách tu từ của ngài rất khéo léo đến mức những từ nhạt nhẽo nhất qua miệng ngài cũng có ý nghĩa bản chất, dường như chỉ vì chúng được ngài nói ra. Bỗng nhiên, bác sĩ thay đổi để lái câu chuyện một cách thật bất ngờ.

– Ông có thích âm nhạc không?

Phlôrêntinô Arixa bị hỏi bất ngờ. Thực tình anh đã tham dự biết bao buổi hòa nhạc và các lần trình diễn nhạc kịch từng được tổ chức ở thành phố này, nhưng anh cảm thấy mình không đủ khả năng tiếp tục một cuộc nói chuyện về âm nhạc có tính chất phê bình hoặc trao đổi nhận xét của cá nhân. Anh thích và tiếp thu âm nhạc hiện đại rất nhạy bén, nhất là nhạc van trữ tình, vốn có một nét tương đồng nào đấy với những bản nhạc do chính anh sáng tác từ hồi mới thức dậy hoặc với những vần thơ cho riêng mình, đó là điều không thể nào từ chối được. Anh chỉ cần nghe qua một lần thôi và ngay sau đó không một sức mạnh nào của Thượng đế có thể dập tắt dòng âm nhạc ấy cứ vang lên trong tâm tưởng anh nhiều đêm trường. Nhưng đó không phải là một câu trả lời nghiêm chỉnh của một câu hỏi nghiêm chỉnh của một nhà chuyên môn.

– Tôi thích Gacđen, – anh trả lời.

Bác sĩ Huvênan Ucbinô hiểu anh. “À, tôi đã nghe rồi – ngài nói – Đúng là nhạt mốt đấy”. Và thế là ngài từ bỏ việc kể lại một cách chi tiết những kế hoạch mới của mình mà như lâu nay ngài sẽ thực hiện bằng được không cần tới sự bảo trợ chính thức của chính quyền. Ngài nói để anh nhận ra tính chất kém cỏi đến mủi lòng của những vở kịch cho đến giờ có thể vẫn được duy trì và ngài nói về những vở diễn tuyệt vời của thế kỷ trước. Quả có như vậy: một năm nay ngài bán cổ phiếu để vời gánh hát bộ ba Corto-Casan-Tibô đến Nhà hát kịch và không một vị nào trong chính quyền thành phố biết họ là ai trong khi chính tháng ấy chỗ ngồi đã được bán hết nhẵn cho khán giả đi xem gánh hát kịch trinh thám của Ramôn, xem đoàn hài kịch của Đôn Manôlô Đê La Prexa, xem nhóm Santanêrat, những nghệ sĩ thay đổi hóa trang nhanh không thể tưởng được đã thay y phục ngay trên sân khấu vào lúc ánh chớp xanh lè lóe sáng, xem nghệ sĩ Đanisơ Đantanh mà người ta quảng cáo là vũ nữ cổ của Polies Bergère, xem đến cả anh chàng Ursux đáng sợ, một người khỏe mạnh xứ Baxcơ đánh nhau tay không với con bò tót hung dữ, loại bò quen chọi nhau. Tuy nhiên cũng chẳng nên tự ca thán làm gì một khi chính những người Âu đang làm gương trong việc dấn thêm một bước nữa vào các cuộc chiến dã man trong khi chúng ta bắt đầu bước vào thời kỳ hòa bình sau chín cuộc nội chiến liên miên trong một nửa thế kỷ mà nếu nhìn nhận cho kĩ thì chúng chỉ có thể là một mà thôi: bao giờ cũng chỉ là một cuộc chiến tranh duy nhất mà thôi. Sự kiện duy nhất trong cái bài diễn văn hào hứng kia khiến Phlôrêntinô Arixa phải để ý là khả năng làm sống lại những Dạ hội Thơ ca, một trong những chiến tích vang dội nhất và bền lâu nhất trong số những công việc bác sĩ Huvênan Ucbinô từng trù liệu trong quá khứ. Anh phải cắn lưỡi thật đau để khỏi buột miệng kể cho ngài biết rằng chính anh đã là một người tham gia đầy nhiệt tình của cuộc thi hàng năm từng hấp dẫn và lôi kéo những nhà thơ lừng danh nhất, không chỉ các nhà thơ trong nước mà còn có cả những nhà thơ thuộc khu vực Caribê.

Hầu như câu chuyện vừa mới bắt đầu thì hơi nóng trong không khí bỗng trở lạnh ngay tức khắc, một cơn gió lốc xô đập các cánh cửa và cửa sổ khiến chúng đập thình thình và phòng làm việc rung chuyển chao đảo đến tận nền móng tựa như cây đèn nền đang lung lay. Bác sĩ Huvênan Ucbinô dường như không nhận ra cơn gió đang ập đến bất thình lình. Ngài nói để phân biệt nó với những cơn bão hồi tháng bảy, rồi bỗng nhiên ngài nói về bà vợ mình. Ngài không chỉ ca ngợi Phecmina Đaxa như một người cộng sự nhiệt tình mà còn là linh hồn các công việc của mình. Ngài bảo: “Nếu không có bà nhà tôi thì tôi sẽ chẳng phải là ai trong cõi đời này”. Phlôrêntinô Arixa nghe ngài nói trong lúc cố giữ vẻ bình thản, và thỉnh thoảng anh gật gật đầu tỏ ý tán thưởng, không dám ho he nói lấy một lời vì anh sợ giọng nói của mình sẽ phản lại mình. Tuy nhiên, chỉ thêm hai hoặc ba câu nói nữa cũng đủ để cho anh hiểu rằng trong hoàn cảnh bận nhiều việc bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn còn đủ thời gian để chăm sóc người vợ rất chu đáo như chính sự chu đáo của anh, và sự thật này khiến tâm hồn anh nhức nhối. Nhưng anh không thể phản ứng như ý muốn của mình, bởi vì lúc này trái tim mách bảo anh biết một trong những hành động tội lỗi của bọn gái điếm từng tác động trực tiếp đến trái tim: nó cho anh thấy rõ ràng mình và người đàn ông kia vốn lúc nào cũng là kẻ thù riêng. Rằng anh và người đàn ông kia là những nạn nhân của chính một số phận và ngẫu nhiên chia sẻ một nỗi đam mê chung: hai con bò mộng cùng bị buộc dưới chính một cái ách. Lần đầu tiên trong hai mươi bảy năm liên tục chờ đợi, Phlôrêntinô Arixa không thể chịu nổi cái đau nhoi nhói trong tim mình: người đàn ông đáng kính kia cần phải chết để anh là người được hưởng hạnh phúc…

Cơn bão đã đi xa nhưng chỉ trong vòng mười lăm phút đồng hồ nó đã làm tốc mái những ngôi nhà ở các xóm thợ quanh đầm lầy và phá sập nhà của một nửa thành phố. Lại một lần nữa bác sĩ Huvênan Ucbinô hài lòng trước tấm lòng hào hiệp của ông chú Lêông XII và ngài ra về ngay không đợi mưa tạnh hẳn và ngài mang đi luôn cả chiếc ô cá nhân Phlôrêntinô Arixa cho mượn để ngài ra tới chỗ xe đợi. Nhưng anh không hề quan tâm đòi lại nó, ngược lại anh lấy làm vui lòng nghĩ rằng Phecmina Đaxa sẽ phải nghĩ ngợi khi biết ai là chủ của chiếc ô. Trong lúc lòng anh đang bàng hoàng trước cuộc nói chuyện đầy cảm kích thì Lêôna Catxiani đi qua phòng làm việc và anh cảm thấy đây là dịp duy nhất để mình thổ lộ chuyện thầm kín mà không cần phải băn khoăn thêm nữa, và việc này giống như thể việc khạc ra được một vật nghẹn nơi cổ không để cho mình sống thêm nữa: bây giờ hay chẳng bao giờ thổ lộ chuyện riêng tư với Lêôna Catxiani. Anh bắt đầu hỏi cô nghĩ gì về con người bác sĩ Huvênan Ucbinô. Cô gái không cần phải suy nghĩ đã trả lời anh: “Đó là người là rất nhiều việc, có lẽ quá nhiều việc, nhưng em nghĩ rằng không một ai biết bụng dạ ông ta ra làm sao”. Sau đó, cô đăm chiêu suy tư mà lấy hai hàm răng đều đặn của người đàn bà da đen cắn nát chiếc tẩy và cuối cùng cô nhún vai để xua đi một vấn đề cô vô tình gây nên.

– Có lẽ chính vì thế mà ông ta làm biết bao nhiêu việc – Cô nói – Làm để khỏi phải nghĩ mà.

Phlôrêntinô Arixa định bụng lưu ý cô:

– Điều khiến anh đau lòng là ông ta cần phải chết, – anh nói.

– Trên thế gian này ai mà chẳng phải chết, – cô nói.

– Đành vậy, – anh nói. – Nhưng lão này cần phải chết trước tất cả mọi người.

Cô gái chẳng hiểu gì cả: cô lại nhún vai chẳng nói chẳng rằng rồi bỏ đi. Thế là lúc này Phlôrêntinô Arixa biết chắc rằng trong một đêm tương lai nào đó trên chiếc giường hạnh phúc cùng Phecmina Đaxa, anh sẽ kể cho người yêu biết rằng anh không hề thổ lộ chuyện kín giữa hai người cho bất kỳ ai ngay cả người duy nhất giành được quyền được biết chuyện này. Không, không bao giờ anh kể chuyện riêng tư này cho bất kỳ ai, kể cả Lêôna Catxiani, không chỉ vì anh không muốn mở cho cô ta xem chiếc hòm trong đó đựng vật báu này từng được gìn giữ cẩn thận suốt nửa cuộc đời mà còn vì chỉ đến lúc này anh mới hiểu rằng mình đã để mất chìa khóa của nó rồi.

Tuy nhiên, điều khiến lòng anh cảm động hơn cả trong buổi chiểu hôm ấy không phải chuyện vừa rồi. Vẫn còn lại trong anh nỗi hoài nhớ những năm tháng tuổi trẻ, cái ký ức sống động về các cuộc Dạ hội Thơ ca, mà tiếng vang của nó cứ ầm vang cả khung cảnh vùng Antidat vào ngày mười lăm tháng tư hàng năm. Bao giờ anh cũng là một trong những người tham gia cuộc thi nhưng bao giờ cũng vậy anh là người dự giải bí mật. Hai mươi tư năm trước đây, ngay từ khi người ta mở cuộc thi đầu tiên, anh đã vài lần dự thi nhưng cũng chẳng bao giờ anh được giải, ngay cả giải khuyến khích cũng không được. Nhưng anh không coi trọng điều đó bởi anh làm thơ, thi thơ không vì ham muốn giành được giải mà trái lại vì đối với anh cuộc thi thơ này có một sức hấp dẫn mê hồn: Phecmina Đaxa là người được giao cho việc bóc những phong bì niêm phong cẩn thận và đọc tên những người trúng giải trong buổi lễ công bố giải thưởng, rồi kể từ đó trở đi anh quyết định làm thơ để dự giải trong các năm sau đó.

Lẩn mình trong bóng tối kề hàng ghế đầu tiên, với một bông hoa trà tươi rói bị sức rung động của con tim khao khát làm cho lay động rung rinh trên ve áo, Phlôrêntinô Arixa ngắm nhìn Phecmina Đaxa mở ba bì thư được niêm phong cẩn thận ngay trên sân khấu Nhà hát quốc gia vào đêm đầu tiên cuộc thi thơ. Anh tự hỏi trong trái tim cô sẽ xảy ra điều gì khi cô phát hiện ra anh là người giành được giải Bông Lan vàng. Anh tin chắc rằng cô nhận ra ngay chữ viết, rồi ngay lập tức cô nhớ lại những buổi chiều ngồi thêu dưới những bóng cây hạnh đào ở ngoài vườn, nhớ mùi hoa dành dành ướp thơm những phong thư, nhớ khúc nhạc van Nữ thiên thần được tấn phong lẩn trong gió những đêm khuya thanh vắng. Nhưng điều đó đã không xảy ra: Bông Lan vàng, giải thưởng vinh quang nhất của nền thơ ca quốc gia, lại được trao cho một người Hoa ngụ cư. Thái độ phản đối ầm ĩ chung mà sự quyết định trao giải kia gây nên đã khiến mọi người nghi ngờ tính chất nghiêm túc của cuộc thi thơ. Nhưng sự quyết định trao giải nhất cho một người Hoa ngụ cư là hoàn toàn đúng đắn và sự thống nhất tuyệt đối của ban giám khảo đã có được sự bình giá xác đáng đối với nghệ thuật làm thơ xônê rất tuyệt vời của nhà thơ này.

Không một ai nghĩ rằng người trúng giải lại là một người Hoa. Anh ta đến đây vào thời gian cuối thế kỷ trước nhằm chạy trốn dịch sốt rét vàng da từng tàn phá đất nước Panama đang trong lúc xây dựng con đường sắt nối liền hai bờ đại dương. Anh ta đến đây cùng với những người Hoa khác và họ đã ở lại đây cho đến khi chết, họ sống trong phong tục tập quán của người Trung Hoa, sinh con đẻ cái và đông đúc lên, họ giống nhau như đúc đến mức – không ai trong chúng ta phân biệt được người này với người khác trong bọn họ. Thoạt đầu, người ta cứ tưởng nhầm họ chưa quá mười tuổi đầu, thế mà trong số họ lại có những người có vợ có con và cả chó giữ nhà. Nhưng chỉ trong ít năm, người Hoa tràn ngập cả bốn phố ngoại vi thành phố cùng với những người Hoa mới đã lẻn vào đất nước này không để lại dấu tích lai lịch ở sở hải quan. Một số trong số những người Hoa trẻ trung kia bỗng chốc trở thành các vị trưởng lão già nua với những nếp nhăn đầy mặt đến mức không ai có thể giải thích nổi làm sao họ già đi nhanh thế. Nhân dân, với cảm nhận của mình, đã phân họ thành hai loại người: Những người Hoa xấu và những người Hoa tốt. Những người xấu là như những chú Ba Tàu mở các cửa hàng buồn tẻ ở ngoài bến cảng, là nơi họ ăn như một vị hoàng đế và chết bất đắc kỳ tử ngay bên bàn, bên cạnh một chiếc đĩa ếch rán tẩm bột hướng dương mà về những cửa hàng này người ta vẫn nghĩ rằng chúng chỉ là những bức màn che cho các vụ buôn bán thịt sống và đủ loại buôn bán gian lận khác. Những người tốt là những người Hoa làm việc ở các cửa hiệu giặt là, những người kế tục được cả một khoa học được sùng phục, những người trả lại cho khách hàng những chiếc áo sạch bong như mới, cổ và tay áo phẳng lì như bánh thánh vừa được cán xong. Người đánh bại bảy mươi hai địch thủ được rèn luyện tốt nhất trong cuộc thi thơ là một trong những chú khách tốt bụng ấy.

Khi Phecmina Đaxa đọc không một ai hiểu nổi tên của người được giải. Người ta không hiểu không chỉ vì nó là một cái tên lạ lẫm mà còn vì bằng bất kỳ hình thức nào không một ai biết rõ người Hoa được gọi tên như thế nào. Nhưng người ta chẳng phải suy nghĩ nhiều bởi vì anh người Hoa được giải từ dưới đã bước lên sân khấu miệng nở một nụ cười tươi tắn mà những người Hoa thường có mỗi khi về đến nhà sớm hơn thường lệ. Anh ta đến đây với niềm tin chắc thắng đến mức đã mặc sẵn cả chiếc áo lụa vàng thường dùng trong những lễ hội mùa xuân để nhận những giải thưởng. Anh ta nhận Bông Lan vàng mười tám cara và thích thú hôn lên nó trong khung cảnh ồn vang tiếng reo cười mỉa mai của những kẻ không tin. Anh ta điềm tĩnh, đứng đợi ngay ở giữa sân khấu. Anh ta cứ đứng im vẻ rất bình tĩnh như một vị thánh tông đồ của một Đấng Toàn năng khác kém phần bi thương hơn Đấng Toàn Năng của chúng ta và khi công chúng vừa trở lại im lặng anh ta đọc bài thơ được giải của mình. Không ai hiểu bài thơ. Nhưng khi tiếng hò reo vừa chấm dứt, Phecmina Đaxa thong thả đọc lại bài thơ đó với giọng trong trẻo của cô và công chúng liền chú ý nghe và hết thảy đều ngạc nhiên ngay từ dòng thơ đầu tiên. Đó là một bài xônê thuộc trường phái Thi Sơn thuần khiết, đúng vần luật và hài hước kín đáo mà chỉ có bàn tay bậc thầy mới xen nổi vào trong bài thơ. Sự giải thích duy nhất có thể có được là cái ý tưởng hài hước nhằm chế nhạo các cuộc Dạ hội Thơ ca kia đã được một nhà thơ thuộc loại bậc thầy cấu tứ và anh chàng người Hoa này đã vay mượn nó với một cam kết giữ kín điều bí mật cho đến khi xuống mồ. Nhật báo Thương Mại, tờ báo truyền thống của chúng ta, định dựng dậy vinh dự dân tộc với một bài nghiên cứu bác học và hơi có vẻ mông lung khó hiểu về tính chất cổ kính và sự ảnh hưởng văn hóa của người Hoa ở vùng Caribê và quyền chính đáng của họ được tham gia các cuộc Dạ hội Thơ ca. Người viết bài nghiên cứu này không hề nghi ngờ rằng tác giả của bài xônê được giải kia chính là người đã cấu tứ nên bài thơ và ông ta đã nói rõ điều đó ngay trên nhan đề của bài viết: Tất cả mọi người Hoa đều là nhà thơ. Những người khởi xướng ra cái ý thơ hài hước kia, nếu quả thật là như vậy, đã mục ruỗng trong mồ với điều bí mật được giữ kín. Về phía mình, anh chàng người Hoa được giải nhất cuộc thi thơ đã chết vào đúng cái tuổi của người phương Đông mà không được xưng tội, và được chôn cùng với Bông Lan vàng trong chiếc quan tài, nhưng vẫn mang nỗi đắng cay không giành được cái điều hằng mong ước trong đời, đó là danh tiếng một nhà thơ. Nhân cái chết của anh ta, trên báo chí người ta nhắc lại cái vụ rắc rối từng được lãng quên trong các Dạ hội Thơ ca, người ta đăng lại bài thơ xonê với họa tiết các cô trinh nữ phô trương những chiếc sừng dê đặt lại các sự vật: đối với thế hệ mới bài xônê rất tồi tệ đến mức không một ai không nghi ngờ rằng trên thực tế bài thơ đã được một anh người Hoa đã chết làm ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.