Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 29



Đã từ lâu anh biết rằng mình quyết chí đem lại hạnh phúc cho một bà góa đến lượt người đàn bà góa ấy cũng mang lại khoái lạc cho anh, và điều đó không làm anh bận tâm. Ngược lại, anh đang chuẩn bị, nhờ biết họ quá rõ trong cuộc săn đuổi của kẻ đi săn cô đơn, Phlôrêntinô Arixa đã đi đến kết luận rằng thế gian có nhiều bà góa hạnh phúc. Anh từng nhìn thấy họ khóc lóc thảm thiết bên tử thi người chồng mà van lạy người ta hãy chôn sống mình trong cùng một chiếc quan tài để khỏi phải một mình đương diện với những may rủi trong tương lai nhưng khi họ làm quen với thực tại của cuộc đời mới của mình rồi thì người ta thấy họ, với sức sống vừa hồi sinh còn non tươi, đang vươn lên từ tro tàn. Họ bắt đầu sống như những cây tầm gửi trong những ngôi nhà hiu quạnh, lại trở thành người tin cậy của các cô hầu gái, thành người yêu thương của chính những chiếc gối êm của mình, chẳng có gì để mà làm sau nhiều năm chịu tang buồn tẻ. Họ tiêu xài thì giờ rảnh rỗi vào việc đơm lại những chiếc cúc trên chiếc áo sơ mi của người chồng đã quá cố mà trước đây không có thời gian làm, họ là đi là lại những chiếc áo hồ bột ở tay và cổ áo để cho chúng lúc nào cũng sạch bong và phẳng phiu. Họ vẫn để xà bông cho người quá cố trong bồn tắm, vẫn đặt những chiếc gối có thêu tên của người quá cố trên giường nằm, vẫn để bát đĩa họ ngay trên mâm cơm, để phòng khi từ cõi chết những người chồng đã chết vẫn tự nhiên trở về, như thể họ lại tắm, lại ngủ, lại ăn như lúc còn đang sống. Nhưng trong những công việc lễ nghi cô đơn ấy, họ đã dần dần nhận thức được rằng lại một lần nữa họ là chủ nhân của những khao khát của chính mình, sau khi đã từ bỏ không chỉ tên riêng của chính mình mà còn cả bản thể đích thực của chính mình, tất cả những cái đó nhằm đổi lấy một sự yên ổn mà thực ra chỉ là một trong những ảo tưởng của những cô gái đang thì yêu đương mà thôi. Chỉ có các bà góa mới biết người đàn ông yêu mình như điên như dại như thế nào, và có lẽ đó là những kẻ yêu các bà, còn đối với người đ các bà góa phải nuôi dưỡng cho đến hơi thở cuối cùng, bú mớm cho y, thay tã lót cho y, đùa vui với y như một người mẹ để xoa dịu nỗi sợ trong lòng y mỗi sáng mai y ra đường để đối mặt với thực tại cuộc sống, khi các bà nhìn thấy y, vốn đã được mình cổ vũ, ra đường để nuốt chửng thiên hạ thì lúc ấy họ mới là những người lo sợ rằng y sẽ không bao giờ trở lại với mình. Đó chính là cuộc đời. Tình yêu, nếu có thực, là một sự việc khác hẳn: một cuộc đời khác.

Trái lại, trong niềm vui thanh thản của cuộc sống đơn lẻ, các bà góa phụ phát hiện ra rằng cách sống đáng giá hơn là cách sống thỏa mãn mọi yêu cầu của cơ thể, ăn khi thấy đói, yêu không cần phải giấu giếm, ngủ không cần phải giả vờ để trốn chạy các cuộc làm tình với người chồng chính thức, cuối cùng họ là chủ nhân của quyền được sử dụng cả một chiếc giường rộng rãi cho bản thân mà không ai tranh giành với họ một nửa chiếc ga trải giường, một nửa bầu không khi để thở, một nửa cái đệm để ngủ cho đến khi thân xác họ thỏa thuê trong giấc mơ của chính mình và đơn lẻ thức dậy một mình.

Trong những buổi sáng của kẻ đi săn trộm của mình, Phlôrêntinô Arixa bắt gặp họ vừa ra khỏi nhà thờ sau lễ Misa năm giờ sáng, mặt trùm kín vải đen và trên vai mang một con quạ của số phận mình. Kể từ lúc nhìn thấy anh trong ánh sáng của buổi bình minh các bà góa vội vã vượt qua đường, rẽ lối để khuất mình sau các khu nhà với bước chân gấp gáp, những bước chân của những con chim non bởi vì chỉ việc đi gần một người đàn ông thôi đã có thể làm vấy bẩn đạo đức chính chuyên của họ. Tuy nhiên, anh tin chắc rằng một người đàn bà góa buồn thương, hơn bất cứ một người đàn bà góa nào khác, có thể mang cho mình một hạt giống của hạnh phúc.

Nhờ có biết bao đàn bà góa của cuộc đời mình, kể từ bà quả phụ Naxarêt, Phlôrêntinô Arixa đã dần dần đi đến một cái nhìn sáng tỏ rằng những người đàn bà đã cưới chồng sẽ hạnh phúc biết bao sau cái chết của chồng mình. Điều mà cho đến lúc này đối với anh chỉ là một ảo tưởng đơn thuần, nhờ có các bà góa để trở thành một khả năng có thể cầm nắm được. Nhưng anh chỉ bắt gặp những lý do thích đáng để cho Phecmina Đaxa phải là một bà góa như những bà góa mà anh đã từng quen biết, được chuẩn bị sẵn sàng về mặt đời sống để đón tiếp anh như cần phải thế mà không hề băn khoăn ân hận gì về tội lỗi gây ra cái chết của người chồng, cởi mở tâm hồn để cùng anh phát hiện ra một niềm hạnh phúc khác, hạnh phúc gấp hai lần, với một tình yêu được sử dụng hàng ngày đã trở thành phép màu để sống, và một tình yêu khác đối với bà ta từng được gìn giữ cẩn thận có sức miễn dịch trước cái chết.

Có lẽ anh sẽ không háo hức như vậy nếu anh nghi ngờ rằng làm sao Phecmina Đaxa còn xa đến như vậy đối với những tính toán viển vông kia, khi hầu như anh chỉ nhìn thấy chân trời của một thế giới trong đó có điều đã hiển nhiên, trừ phần ngược lại. Trong thời đại ấy nếu giàu có thì sẽ có nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng có nhiều cái bất lợi, điều đó là hiển nhiên, nhưng một nửa thiên hạ đều háo hức mong được giàu có coi như đó là điều kiện để có thể trở thành bất tử. Phecmina Đaxa đã từ chối Phlôrêntinô Arixa trong một ánh chớp trí tuệ của tuổi trưởng thành từng vụt tắt ngay với một cuộc khủng hoảng đáng thương nhưng chưa bao giờ ba nghi ngờ rằng cái quyết định ấy của mình là không được đúng đắn.

Trong thời kỳ có hành động ấy bà không thể tự giải thích về những lý do nào ẩn sau lẽ phải đã đem lại cho bà cái ý nghĩ sáng rõ kia, nhưng nhiều năm sau này, trước khi bước vào tuổi già, trong một cuộc nói chuyện ngẫu nhiên về Phlôrêntinô Arixa bỗng nhiên và không hiểu vì sao bà đã phát hiện ra những lý do ấy. Tất cả những người tham gia cuộc nói chuyện đều biết rõ địa vị hoàng thái tử trong Hãng Tàu thủy Caribê ngay trong thời thịnh vượng nhất của hãng này, tất cả đều nói chắc như đinh đóng cột rằng đã nhìn thấy anh nhiều lần, kể cả những dịp giao dịch trực tiếp với anh, nhưng không một ai có thể bằng của trí nhớ miêu tả đúng con người anh. Đó chính là lúc Phecmina Đaxa nhận ra những nguyên nhân bất chợt từng ngăn không cho mình yêu anh. Bà nói: “Chao ôi, ông ấy cứ như thể một cái bóng!”. Đúng thế: cái bóng của một người nào đó mà không một ai có thể nhận ra và quen biết. Nhưng trong lúc bà phải chịu đựng sự cai quản của bác sĩ Huvênan Ucbinô, vốn là một người đàn ông khác hẳn, bà cảm thấy đau khổ vì sự ám ảnh về tội lỗi: một ý nghĩ đau khổ mà bà không đủ khả năng chịu đựng nổi. Khi cảm thấy mình đang bị ám ảnh bởi ý nghĩ về tội lỗi kia thì ngay lập tức trong người bà rộn lên một nỗi lo sợ đặc biệt mà chỉ có thể kìm chế được nó khi có ai an ủi trong lương tri bà. Ngay từ thuở bé, khi đánh vỡ một chiếc đĩa trong nhà bếp, khi có ai ngã, khi bị kẹt tay ở cánh cửa thì ngay lập tức cô bé quay về phía người lớn tuổi đứng cạnh mình nhất để đổ tội cho họ: “Tại bà đấy!”. Thực ra, điều quan trọng ở đây không phải là việc đổ tội cho ai hoặc cô tự phải thừa nhận tính ngây thơ của mình mà là: hãy để cho cô yên.

Đó là nỗi ám ảnh rất dễ thấy đến mức bác sĩ Huvênan Ucbinô nhận ra ngay tính chất đe dọa của nó đối với tổ ấm gia đình của ngài và ngay lập tức ngài vội vàng nói với vợ mình: “Em đừng lo ngại, em yêu dấu của anh, tất cả là tại anh hết”. Bởi vì không có gì khiến ngài lo lắng bằng những quyết định bất thường và dứt khoát của vợ mình, và ngài tự nhận thấy rằng những quyết định ấy đều có nguồn gốc từ một nỗi ám ảnh về tội lỗi đã phạm phải. Tuy nhiên, nếu chỉ bằng một câu nói an ủi thôi sẽ không dẹp tan được tâm trạng hoang mang của Phecmina Đaxa trước việc ruồng bỏ Phlôrêntinô Arixa. Cô vẫn tiếp tục mở cửa sổ ở phía ban công vào tất cả các buổi sáng trong vài tháng liền, vẫn nhớ nhung cái bóng cô đơn từ ngoài vườn hoa vắng vẻ chăm chú theo dõi mình, vẫn nhìn cái cây vốn gắn chặt với con người anh, chiếc ghế đá khuất nẻo là nơi anh thường ngồi đọc sách để nghĩ và đau khổ vì cô. Và thế là nàng buộc phải đóng cửa lại mà thở dài não ruột?: “Ôi, con người đáng thương”. Ngay cả hiện tượng đáng buồn là anh không bền gan lắm như cô từng nghĩ về anh cũng khiến cô đau khổ. Khi đã quá muộn để có thể tự làm sống lại quá khứ đôi lúc cô cũng cảm nhận một nỗi khao khát muốn nhận một bức thư không bao giờ được gửi và những điều đó càng làm cho cô đau khổ hơn. Nhưng khi buộc phải quyết định kết hôn với bác sĩ Huvênan Ucbinô thì cô liền bị chìm ngập trong cuộc khủng hoảng còn lớn hơn nhiều khiến cô ngay lúc đó biết rằng chẳng có một lý do chính đáng nào để mình ngã hẳn lòng về phía bác sĩ ngay sau khi ruồng bỏ Phlôrêntinô Arixa và cái việc ruồng bỏ này cũng chẳng có một lý do xác đáng nào. Thực ra so với Phlôrênhtinô Arixa cô yêu bác sĩ ít hơn và cũng biết ít về ngài hơn và những lá thư ngài viết cho cô không có lửa tình cháy bỏng như những bức thư của người điện báo viên và hơn nữa giữa ngài và cô chưa có những cú thử thách đáng nhớ nào. Sự thật là những bưsc thư tỏ tình của bác sĩ Huvênan Ucbinô chưa bao giờ được đặt ra trên cơ sở tình yêu và ít ra trường hợp tỏ tình của ngài cũng rất kì lạ. Một con chiên của đạo Thiên Chúa như ngài mà lại chỉ hứa đem lại cho cô những quyền lợi rất thế tục như sự bình yên, kỉ cương, hạnh phúc và những lời dẫn giải rất sát sườn mà cô hiểu chúng giống như tình yêu, gần với tình yêu nhưng chúng không phải là tình yêu. Và những nghi ngờ ấy lại càng tăng thêm cùng với tâm trạng hoang mang của cô bởi vì nàng cũng không tin rằng trên thực tế tình yêu không phải là cái mà thiếu nó thì ta không thể sống được. Trên mọi phương diện, yếu tố cơ bản không có lợi cho bác sĩ Huvênan Ucbinô là cái vẻ bề ngoài của ngài giống hết con người lý tưởng mà Lôrenxô Đaxa từng tha thiết mong muốn cho con gái ông. Thật khó lòng Phecmina Đaxa không nhìn ngài như là đứa con với sự tán phét của cha mình và cô đã tin rằng ngài đúng là như thế ngay khi nhìn thấy ngài đến nhà mình lần thứ hai dù không được mời. Những buổi nói chuyện với người chị họ Hinđêbranda càng làm cho Đaxa hoang mang hơn. Cứ theo cái thân phận nạn nhân của chị ta mà xét thì phải ủng hộ Phlôrênhtinô Arixa bằng cách quên đi ngay cả cái lí do mà Lôrenxô Đaxa cho người đưa đến đây là để ủng hộ bác sĩ Huvênan Ucbinô. Thượng đế biết rõ Phecmina Đaxa đã cố gắng như thế nào để không cùng đi với Hinđêbranda khi cô này đến phòng điện báo để làm quen với Phlôrêntinô Arixa. Phecmina Đaxa cũng muốn nhìn thấy anh một lần nữa để đứng trước anh xem lại những nghi ngờ của mình, cũng muốn nói chuyện riêng với anh, cũng muốn hiểu sâu anh hơn để khẳng định rằng sự quyết định bất ngờ của mình sẽ không đẩy mình đi tới một quyết định khác còn nghiêm trọng hơn, tức là việc phản dàn hòa với cha mình trong những vụ tranh chấp cá nhân. Nhưng cô đã làm điều đó, trong cái phút sang trang mới của cuộc đời cô. Cô làm điều đó mà không hề đếm xỉa đến vinh quang sớm có của anh, không hề đếm xỉa đến một trong những công tích hiển hách của anh ta. Cô làm điều đó chỉ vì cô lo sợ thời cơ sẽ qua đi và sự đe dọa của tuổi hai mươi mốt của một người con gái chưa chồng: đó là giới hạn cuối cùng để cô trao mình cho số phận định đoạt. Cái giây phút duy nhất ấy đã đủ để cho cô đi đến quyết định như cô từng thấy trước trong luật lệ của Thượng đế và của con người: cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Lúc ấy tất cả mọi nỗi nghi ngờ đều được xóa sạch, và cô có thể làm mà không hề ăn năn hối tiếc về cái điều mà chân lý đã chỉ cho cô như là điều đúng đắn nhất, hãy quên đi những kỉ niệm về Phlôrêntinô Arixa mà không cần phải rơi lệ, cô xóa sạch hình bóng anh, và hãy để cho đám cây thuốc phiện trổ hoa ngay tại khoảng không mà hình ảnh anh ngự chiếm trước đây. Điều duy nhất mà cô tự cho phép mình là tiếng thở dài não ruột, tiếng thở dài cuối cùng: “Ôi một con người đáng thương”.

Tuy nhiên, ngay khi vợ chồng họ từ Châu Âu trở về sau chuyến du chơi tuần trăng mật, trong cô lại bắt đầu nảy sinh những hoài nghi còn nguy hiểm hơn. Trong lúc bọn họ chưa mở xong những rương hòm mang về, tháo gỡ hết các kiện hàng, chưa lấy hết các thứ để trong mười một cái thùng, những đồ vật cô chuẩn bị cho mình sẽ sắm vai bà chủ và mệnh phụ ở ngôi nhà cổ kính của Hầu tước Casanđuêrô, thì chính lúc ấy cô đã nhận ra những hoài nghi mới của mình cùng với cái mùi chết chóc tù đọng ngay trong ngôi nhà cô chọn nhầm này, và còn tồi hơn thế nữa, cùng với một người đàn ông vốn không được như cô mong muốn. Cô phải chịu đựng mất sáu năm liền mới thoát ra khỏi tình trạng ấy. Những con người làm cô khó chịu nhất, làm cô thất vọng nhất là Đônha Blăngca, một bà mẹ chồng cay nghiệt và các cô chị em dâu quá đần độn, mà họ chưa mục ruỗng khi còn sống trong một phòng giam kín là vì chính họ đã mang sẵn cái phòng giam ấy ngay trong tâm hồn họ.

Bác sĩ Huvênan Ucbinô, vốn đã từ bỏ trách nhiệm đối với dòng họ, làm ngơ trước những lời van nài của mẹ và các chị em gái mà tin rằng sự hiểu biết của Thượng đế và khả năng thích nghi không lường hết của người vợ có thể sẽ sắp đặt các sự kiện đâu vào đấy. Ngài đau khổ trước sự tàn tạ của mẹ mình mà niềm vui sống của cụ trong thời kỳ trước đã khẳng định nguyện vọng dòng họ sẽ trường tồn ngay cả ở những người không tin tưởng nhất. Đúng thế, người đàn bà đẹp, thông minh, có sự cảm thụ rất độc đáo trong giới quý tộc của mình, trong gần bốn mươi năm đã là cả tâm hồn lẫn thể xác của thiên đường xã hội mình. Cảnh góa bụa làm cho cụ đau khổ đến mức cụ không tin rằng mình chính là mình nữa, nó từng làm cho cụ tay yếu chân mềm và ngoa ngoắt, và trở nên hay hờn giận đối với mọi người. Lời giải thích duy nhất có thể có được về sự khó chịu của cụ là nỗi hận trong lòng cho rằng người chồng đã hy sinh thân mình vì đám người da đen một cách có ý thức, theo như lời cụ nói, nhưng thực ra sự hi sinh mình duy nhất chính đáng của ông cụ lại là sự hy sinh để chính bà cụ được sống sót qua nạn dịch tả. Trong mọi trường hợp, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc của Phecmina Đaxa chỉ thực sự có được trong suốt chuyến du chơi tuần trăng mật ở Châu Âu của họ, và nó là cái duy nhất có thể giúp cô ngăn cản sự đắm chìm cuối cùng đang dừng lại vì sợ hãi trước quyền lực của bà mẹ chồng. Ngài, chứ không phải các chị em dâu, cũng không phải bà mẹ chồng, là người mà Phecmina Đaxa quy cho tội đã đặt cạm bẫy của thần chết trong đó cô đang vướng phải. Mãi sau này cô mới nghi ngờ rằng đằng sau quyền lực chuyên môn và danh tiếng lẫy lừng của ngài, cái con người mà cô lấy làm chồng kia là một kẻ yếu hèn không cách nào cứu vớt nỗi: một kẻ bất hạnh đáng thương nhưng đang khoe mẽ nhờ uy tín xã hội của dòng họ mình.

Cô chạy trốn mọi thứ để chỉ sống với đứa con trai mới sinh. Cô từng cảm thấy nó ra khỏi con người mình với sự nhẹ nhõm được giải thoát khỏi một cái gì đó vốn không phải của mình và cô từng đau khổ trước cảm giác về mình không phải là mình khi nhận thấy bản thân chẳng hề có lấy một mảy may tình yêu thương đối với đứa hài nhi vừa lọt lòng mẹ mà bà đỡ chìa cho cô xem: nó còn đỏ hon hỏn, người đầy nhớt và máu tươi, với cái tràng hoa cuốn nơi cổ. Nhưng rồi trong cái dinh thự cô đơn cô học để làm quen với thằng bé và hai mẹ con cô dần dần quen nhau, chính ở đây với niềm vui rộn ràng cô phát hiện ra rằng những đứa bé không chỉ muốn là con mà còn muốn được nuôi dưỡng bằng tình thương mến. Trong ngôi nhà bất hạnh của mình, cô chỉ sống cho thằng bé và do đó không một thứ gì, không một ai khiến cô phải khó chịu. Nỗi cô đơn, cái vườn hoa nơi nghĩa trang, cuộc sống nhàn tản trong những căn hộ phòng rộng thênh thang không cửa sổ, tất cả đều hùn sức lại nhấn chìm cô. Cô cảm thấy bức rứt khó chịu trong những đêm mất ngủ trước những tiếng gào thét của các bà điên trong nhà thương điên ngay cạnh nhà. Cái tập quán ngày nào cũng bày tiệc với những chiếc khăn trải bàn được thêu ren cầu kỳ, với những chiếc cốc thìa nĩa đều bằng bạc và những ngọn đèn đám ma chỉ để cho năm bóng ma ngồi ăn tối với cà phê sữa và bánh rán bơ, các tập quán ấy làm cô ngượng ngùng đến chín cả người. Cô nguyền rủa những buổi chiều cầu kinh rôsariô, những cử chỉ âu yếm lẫn nhau ngay tại bàn ăn, cô nguyền rủa những lời bình phẩm có ý thường xuyên dè bỉu các cách thức cô thu dọn bàn ăn cái cách đi đứng hấp tấp của đàn bà con gái thuộc giới hạ lưu, cái lối ăn vận như hề xiếc của cô, cô nguyền rủa những lời dè bỉu trước cách thức dân giã trong việc âu yếm chồng và cho con bú mà không dùng khăn che kín vú lại của cô. Khi nhà này có thói quen mời bạn bè tới nhà vào lúc năm giờ chiều để uống cà phê, ăn bích quy ngon với mứt hoa quả theo đúng như mốt mới có ở nước Anh, thì cụ bà Blăngca phản đối cái lối sống thuốc cho ra mồ hôi để trị bệnh sốt mà lại không chịu ăn sôcôla với những lát sắn rán bơ. Ngay cả những giấc mơ của mình, Phecmina Đaxa cũng không thể tránh được những lời phê phán nghiệt ngã của bà mẹ chồng. Có một buổi sáng, Phecmina Đaxa kể lại rằng cô mơ thấy một gã lạ mặt mình trần như nhộng đi khắp các hành lang trong dinh thự để ăn xin những vốc tro, thì cụ bà Blăngca liền cắt ngang lời cô, nói:

– Một người đàn bà đứng đắn không thể có những giấc mơ kiểu ấy.

Hai nỗi bất hạnh lớn nhất của cô nằm trong cảm giác lúc nào cũng ở trong ngôi nhà xa lạ. Một là món cà ăn hầu như hàng ngày được nấu dưới mọi hình thức mà cụ bà Blăngca không chịu thay đổi để tôn trọng người chồng đã quá cố và ngược lại Phecmina Đaxa không muốn ăn. Ngay từ thuở nhỏ cô đã nguyền rủa các loại cà, vì trước khi nếm thử bao giờ cô cũng có cảm giác chúng mang mùi thuốc độc. Chỉ có lần ấy, bằng mọi cách cô phải thừa nhận rằng có một cái gì đó đã thay đổi có lợi cho cuộc đời mình, bởi vì cô đã nói như vậy ngay tại bàn ăn vào lúc cô năm tuổi, và cha cô buộc cô phải ăn hết cả một xanh cà đủ cho sáu người ăn. Cô cứ tưởng mình sẽ chết, trước hết vì thứ nôn ra toàn những cà là cà và sau đó vì thìa mỡ con hải ly mà người ta dùng sức mạnh bắt cô uống để cứu cô khỏi đòn trừng phạt. Cả hai thứ đó đọng lại trong ký ức cô như một sự tẩy rửa đường ruột, phần vì mùi vị, phần vì nỗi sợ thuốc độc và rồi trong những bữa ăn trưa đáng nguyền rủa tại dinh thự của Hầu tước Casanđuêrô, cô phải nhìn đi nơi khác để khỏi phải khó chịu trước các mùi lợm mửa của mùi dầu con hải ly.

Nỗi bất hạnh thứ hai của cô là cây thụ cầm. Có một ngày rất có ý thức về điều muốn nói, cụ bà Blăngca nói:

– Ta không tin các cô gái đứng đắn mà lại không biết chơi đàn piano.

Đó là một mệnh lệnh mà ngay cả con trai cụ cũng định cãi lại bởi vì những năm tháng đẹp nhất của tuổi thơ ngay đã trôi đi trong các lớp học đàn piano và ngay cả khi trưởng thành ngài vẫn hài lòng về điều đó. Ngài không thể giải thích để vợ mình cũng phải làm theo mệnh lệnh trói buộc kia bởi vì lúc ấy Phecmina Đaxa đã hai mươi lăm tuổi đầu và cũng có cá tính như ngài. Nhưng điều duy nhất mà thuyết phục được mẹ mình hãy thay đàn piano bằng thụ cầm với một lý lẽ chắc chắn rằng thụ cầm là nhạc cụ của các thiên thần. Đó là lý do vì sao người ta mang từ thành phố Viên về đây cây thụ cầm tuyệt đẹp, nó tựa như vàng, nó vang lên những âm thanh du dương như nó vốn có và nó trở thành một trong những báu vật đáng giá nhất của bảo tàng thành phố, cho đến khi những ngọn lửa đã thiêu cháy nó cùng với tất cả những gì nó có ở bên trong. Để vượt qua cái bản luận tội ấy, Phecmina Đaxa liền học với tất cả sức mạnh. Thoạt đầu cô học một người thầy của tất cả những người thầy được người ta đưa từ thành phố Môngpôt về đây và người thầy này đã chết đột tử sau mười lăm ngày dạy học, sau đó cô tiếp tục học vài năm dưới sự dạy dỗ của một nhạc sĩ lớn nhất của trường dòng, mà hơi thở của kẻ đào huyệt của ông ta làm đảo lộn mọi âm thanh hài hòa của cây đàn thiêng liêng.

Ngay chính cô cũng phải ngạc nhiên trước thái độ phục tùng của mình. Bởi mặc dù không thừa nhận nó trong thâm tâm mình cũng chẳng thừa nhận nó trong những cuộc cãi vã thầm lặng với chồng vào những giờ mà trước đây họ hiến dâng cho thần ái tình, Phecmina Đaxa đã nhanh chóng tham dự vào tấm mạng nhện phức tạp gồm những định kiến và những thỏa thuận của thế giới mới của mình. Thoạt tiên cô thường nói một câu có tính chất lễ nghi để khẳng định quan điểm tự do tư tưởng của mình: “Hãy ném vào đống cứt chiếc quạt vốn là thứ thời gian thoáng qua.” Nhưng sau đó, do náo nức trước những vinh dự đã giành được, nhưng lại sợ sệt trước nỗi xấu hổ và lời báng bổ, cô tự thể hiện là người sẵn sàng chịu đựng hết mọi thứ, ngay cả đến sự sỉ nhục với niềm hi vọng rằng cuối cùng Thượng đế sẽ mủi lòng mà thương hại cụ bà Blăngca, người mà trong những lúc cầu khẩn bao giờ cũng thành tâm xin Thượng đế hãy gửi mình vào cõi chết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.