Tình Yêu Thời Thổ Tả
Chương 32
Nếu có sự kiện nào đó khiến bà khổ sở thì đó là các bữa ăn hàng ngày, một cái án khổ sai chung thân. Bởi vì không những chúng lúc nào cũng phải được dọn đúng giờ mà còn phải tinh tươm, còn phải đúng như sở thích của ngài mà khi làm món ăn không phải hỏi ngài xem thích món ăn nào và nấu như thế nào. Nếu như đôi lần bà hỏi ngài, như một trong vô số những lễ nghi vô tích sự của tập quán gia đình này, thì ngài vẫn dán mắt vào tờ báo mà trả lời gọn lỏn: “Ăn gì cũng xong”. Ngài nói thật bụng, với điệu bộ thật đáng yêu, bởi vì ngài không thể nào hiểu nổi một người chồng độc đoán. Nhưng khi ngồi ăn thì không thể món ăn bất kỳ nào cũng được, mà phải đúng là cái món ngài thích và phải rất tinh tươm: nghĩa là thịt khi ăn phải để người ăn không nhận ra là thịt; nghĩa là món cá khi ăn phải không để người ăn nhận ra là cá, nghĩa là thịt gà khi ăn phải để người ăn không thấy có lông. Ngay cả trong mùa không có măng tây cũng phải bằng bất kỳ giá nào kiếm được măng tây để cho ngài có thể thích thú ngay trong cái mùi nước giải thơm lựng của mình. Chỉ cần ngài thoáng có ý nghi ngờ là lập tức ngài gạt món ăn trên bàn sang một bên rồi nói: “Cơm canh gì mà nhạt tèo, dường như nó được nấu ra không phải bằng tình thương”. Trong câu nói này ngài đã buộc những người khác phải suy nghĩ lao lung. Có một lần ngài nếm rượu táo, ngài trả lại ngay cốc rượu và nói: “Cái của nợ này có mùi cửa sổ”. Từ Phecmina Đaxa đến các cô hầu gái đều lấy làm ngạc nhiên vì không ai biết một người nào đó đã uống thứ rượu được cất từ cửa sổ, nhưng khi nếm thử món rượu để xem xem nó như thế nào thì bọn họ đã hiểu ra: “đúng là nó có mùi cửa sổ thật.”
Ngài là một người chồng hoàn hảo. Không bao giờ ngài cúi xuống nhặt một thứ nào đó rơi ở dưới sàn nhà, cũng không hề đóng cửa, không hề tắt đèn. Trong bóng tối buổi ban mai, khi quần áo ngài thiếu một chiếc cúc, Phecmina Đaxa nghe thấy ngài nói rằng: “Người ta phải cần tới hai người vợ, một cô để ân ái và một cô để đơm cúc quần áo khi nó bị khuyết”. Tất cả các buổi sáng, ngay từ ngụm cà phê đầu tiên uống trong ngày và ngay từ thìa canh nghi ngút khói nóng, ngài thốt ra tiếng kêu đau đớn chẳng khiến ai giật thột, và tiếp một câu nói cho thỏa cơn bực lòng: “Ngày mà tôi đi khỏi cái nhà này hẳn các người sẽ biết rằng cần phải như vậy vì tôi ngấy đến tận cổ cái việc cứ ngồi vào bàn ăn là miệng bị bỏng phồng ra”. Ngài bảo rằng chẳng bao giờ các bữa cơm trưa được nấu cho ngon lành và độc đáo như những bữa trưa trong những ngày ngài không thể ngồi ăn vì đã uống thuốc tẩy ruột, và ngài cứ đinh ninh tin rằng đó là sự bội phản của người vợ đến mức ngài đi đến quyết định sẽ không uống thuốc tẩy ruột nếu bà vợ không cùng tẩy ruột với mình.
Bực mình trước thái độ làm thinh không chịu hiểu biết của chồng, bà yêu cầu ngài tặng mình một tặng phẩm độc đáo nhân ngày sinh của bà. Đó là việc ngài thay mình đảm đương công việc nội trợ trong một ngày thôi. Ngài vui vẻ chấp thuận ngay, và từ sáng sớm ngài bắt tay vào công việc. Ngài dọn một bữa điểm tâm thật thịnh soạn nhưng ngài lại quên mất rằng bà không thích ăn trứng tráng và cà phê sữa. Sau đó ngài ra lệnh chuẩn bị bữa trưa mừng sinh nhật có mời tám khách ăn cơm và ngài cố gắng hết sức để làm tròn bổn phận người cai quản gia đình còn tốt hơn cả bà đến mức gần mười hai giờ trưa ngài phải đầu hàng công việc mà không có lấy một động tác hổ thẹn. Ngay từ phút đầu tiên ngài nhận ra rằng mình hoàn toàn không quen biết công việc đến mức không biết các dụng cụ để ở đâu, nhất là trong nhà bếp, và những người hầu cứ để mặc cho ngài chạy đi chạy lại tìm kiếm chúng, tìm kiếm từng cái một bởi vì các cô cũng về hùa với bà chủ để trêu chọc ngài. Đến mười giờ trưa người ta vẫn chưa thể quyết định sắp bữa tiệc vì nhà cửa chưa lau quét, phòng ngủ vẫn chưa dọn dẹp xong, phòng vệ sinh vẫn chưa được cọ rửa, ngài quên không thay giấy vệ sinh, không thay ga trải giường như ngài đã vội bảo tay đánh xe đi tìm lũ trẻ, và ngài nhầm lẫn chức phận của các cô người hầu: sai người đầu bếp đi dọn phòng ngủ và sai bọn hầu phòng đi nấu ăn. Đến mười một giờ trưa, sắp tới giờ khách đến dùng cơm, nhà cửa vẫn cứ bề bộn đến mức Phecmina Đaxa không chịu nổi đành phải ra tay dọn dẹp và chỉ huy công việc. Bà làm trong lúc cười ngặt nghẽo nhưng không phải bà cười với thái độ của người chiến thắng và đúng hơn bà cười vì mủi lòng thương hại đối với người chồng quá ư vụng về trong công việc nội trợ. Ngài cảm thấy đau đớn trước thất bại của mình nhưng lại khéo chống chế bằng luận điệu quen thuộc: “Chí ít ra, nó cũng không tồi tệ hơn như cái việc anh đi tìm hiểu em mà cứ giả vờ đi chữa bệnh hồi ấy”. Nhưng bài học lại rất bổ ích, không chỉ đối với ngài. Trong những tháng sau đó, bằng những con đường khác nhau bọn họ, bác sĩ Huvênan Ucbinô và Phecmina Đaxa, cùng đi tới một kết luận thông minh rằng quả là không thể chung sống với nhau dưới một hình thức nào khác cũng như không thể yêu nhau dưới một hình thức nào khác: trên cõi đời này không gì khó hơn là tình yêu.
Ngay trong giai đoạn lộng lẫy nhất của cuộc đời mới, Phecmina Đaxa đã nhìn thấy Phlôrêntinô Arixa trong nhiều dịp khác nhau và ngày càng gặp ông nhiều hơn khi ông càng leo nhanh lên địa vị lãnh đạo Hãng Tàu thủy Caribê hơn và bà tự rèn luyện để gặp ông mà vẫn giữ được thái độ tự nhiên đến mức nhiều lần bà quên không chào ông. Bà nghe nói đến ông nhiều hơn, thường xuyên hơn, vì bậc thang danh vọng mà ông đi trên nó với tinh thần thận trọng nhưng không thể giấu kín được của ông trong Hãng Tàu Thủy Caribê là một đề tài thường xuyên được đề cập tới. Bà thấy hình thức của ông ngày một khá hơn, thấy ông bớt rụt rè hơn, thấy ông người đẫy đà hơn trước, thấy ông đàng hoàng thư thái hơn, thấy ông biết cách khéo léo hạn chế bớt tốc độ hói tóc. Điều duy nhất khiến bà mãi mãi nhớ tới thời gian và kiểu cách ăn mặc là những bộ quần áo tối màu của ông, những chiếc áo lêvita cổ lỗ của ông, chiếc mũ duy nhất, những chiếc cà vạt của nhà thơ mà của hàng tạp hóa trước đây của mẹ ông vẫn bán, chiếc ô buồn tẻ của ông. Phecmina Đaxa đã quen nhìn ông với một hình thức khác và đã kết thúc ở việc thôi không liên hệ ông với Phlôrêntinô Arixa hồi mới lớn từng say đắm bà vẫn ngồi dưới tán lá vàng rơi ở công viên Lôt Êvăngghêliôt. Tóm lại, lúc nào bà cũng thấy ông như vậy, và lúc nào bà cũng vui lòng trước những tin tốt đẹp về ông mà người ta nói đến tai bà, bởi vì dần dần những tin tức ấy đã an ủi bà trước mặc cảm về tội lỗi của mình.
Tuy nhiên, khi bà tưởng rằng mình đã hoàn toàn xóa nhòa hình bóng ông trong ký ức thì ông lại xuất hiện một cách bất ngờ và trở thành một bóng ma ám ảnh trong những nỗi hoài nhớ của bà. Đó là những làn gió dịu nhẹ đầu tiên của tuổi già khi bà bắt đầu cảm thấy rằng có một cái gì đó đã xảy ra trong cuộc đời, nó gắn với việc bà thường vẫn nghe thấy sấm nổ trước khi trời mưa. Đó là vết thương không thể chữa lành của tiếng sấm cô đơn, khô khốc và đúng hẹn, thường vẫn rền vang vào lúc ba giờ chiều trong tất cả các ngày của tháng mười tại vùng núi Vidanuêva mà ký ức về nó cùng với năm tháng qua đi càng ngày càng trở nên tươi rói. Trong lúc những hồi ức mới chỉ ít ngày đã chìm đi trong ký ức sâu thẳm thì những hồi ức về chuyến đi hào hùng đến tỉnh của người chị họ Hinđêbranđa ngày một trở nên sống động hơn đến mức tưởng như chúng vừa xảy ra ngày hôm qua. Bà nhớ tới làng Manaurê, cái làng miền núi, nhớ đường phố duy nhất của nó, nhớ ngôi nhà đầy hoảng sợ nơi bà thức dậy với chiếc áo sơ mi ướt đẫm nước mắt thương Pêtra Moralêt, người đàn bà chết vì tình rất nhiều năm trước ngay trên chính chiếc giường bà nằm. Bà nhớ tới cái mùi quả ổi lúc ấy mà chẳng bao giờ bà gặp lại, bà nhớ tới những điềm báo trước hết sức rõ nét đến mức tiếng động đều đều nhỏ nhẹ của chúng bị nhầm lẫn với tiếng động của mưa rơi, bà nhớ tới những buổi chiều rực rỡ màu đá tôpa của làng Xăng Hoan đến Xêsa, khi bà đi chơi cùng bầy chị em họ vui vẻ ồn ĩ và bà cứ phải nghiến chặt hai hàm răng lại kẻo tim bay ra khỏi ngực mỗi khi bọn họ đến gần trạm điện báo. Bà bán tống bán táng ngôi nhà của cha mình bởi vì bà không thể chịu đựng nổi nỗi đau thương của thời tuổi trẻ, không chịu nổi quang cảnh công viên Lôt Êvănghêliôt cô quạnh được nhìn từ ban công nhà mình, không chịu nổi cái mùi thơm khó hiểu của những bông hoa dành dành trong những đêm không thể chịu nổi cái hoảng hốt trước những hình ảnh bà mệnh phụ cổ kính đến nhà vào một buổi chiều tháng hai đã quyết định số phận bà, và nói chung và không thể chịu đựng nổi những gì khiến ký ức bà trở về thời kỳ gợi nhớ Phlôrêntinô Arixa. Tuy nhiên, bao giờ bà cũng có đủ bình tĩnh để mà hiểu rằng những thứ ấy không phải là những ký ức của tình yêu, cũng chẳng phải là nỗi niềm hối hận, mà đúng ra chúng chỉ là hình ảnh của một nỗi bực mình từng để lại trong bà dấu ấn của những dòng nước mắt. Vì không biết điều đó, bà đang bị đe dọa bởi chính cái cạm bẫy của lòng thương hại rằng mình đã làm mất tương lai của Phlôrêntinô Arixa.
Bà bám chắc lấy người chồng. Và việc này xảy ra đúng vào lúc ngài cần đến bà hơn cả, bởi vì ngài già hơn bà mười tuổi đang lúc một mình loạng choạng mò mẫm trong đám sương mù của tuổi già và hơn nữa ngài lại là một người đàn ông và già yếu hơn bà. Cuối cùng họ đã hiểu nhau rất sâu sắc chứ không như trước đây khi cuộc sống vợ chồng của họ chưa được ba mươi năm. Khi ấy họ như một người bị phân làm hai, phải khó chịu với nhau bởi sự thường xuyên phải dò đoán ý nghĩ của nhau mà không chịu nói thẳng nó ra cho nhau biết hoặc bởi sự tình cờ nực cười này: Trước công chúng người này thọc vào chuyện mà người kia sẽ nói đến. Giờ đây họ chung sống rất hòa thuận bên nhau, cùng chịu đựng những hiểu lầm hàng ngày, những bực mình tức thời và thoáng qua, những chuyện lẩm cẩm mà cả hai cùng gây ra cho nhau, cả những ý nghĩ tinh nghịch rực rỡ của sự đồng lõa giữa hai vợ chồng. Đây là thời kỳ họ yêu nhau say đắm nhất, không vội vã cũng chẳng thái quá và cả hai người đều là những người có lương tâm tốt đẹp và biết ơn những chiến thắng vẻ vang của họ đối với thế lực chống đối mình. Tuy nhiên, cuộc đời vẫn đặt họ trước những thử thách chết người khác, đúng thế, những không quan trọng nữa: bọn họ đã ở một bến bờ khác rồi.
Để chào đón thế kỷ mới, đã có một chương trình sôi nổi cho các hoạt động công cộng trong đó nổi bật lên một sự kiện đáng nhớ nhất, đó là chuyến du lịch đầu tiên trên bóng thám không, kết quả của sáng kiến không mệt mỏi của bác sĩ Huvênan Ucbinô. Một nửa thành phố đã tề tựu tại bãi biển Acsênan để chào mừng quả bóng bay khổng lồ làm bằng vải mỏng sơn màu cờ tổ quốc cất cánh. Quả bóng này sẽ mang chuyến thư hàng không đầu tiên đến Xăng Hoan đê la Xiênaga, cách thành phố khoảng ba chục dặm tính theo đường chim bay về phía Tây-Bắc. Bác sĩ Huvênan Ucbinô và bà vợ của ngài, những người từng nếm trải cảm giác rùng mình khi được ngồi trên quả bóng bay tại Triển lãm quốc tế ở thủ đô Pari, là những người trèo lên khoang bụng của quả bóng bay trước tiên cùng với viên kĩ sư lái và sáu vị khách mời sang trọng khác. Họ mang theo một bức thư của quan tỉnh trưởng gửi các chở huyện Xăng Hoan đê la Xiênaga trong đó ngài nói rằng đây là chuyến thư hàng không đầu tiên trong lịch sử tỉnh nhà. Một phóng viên tờ Nhật báo Thương mại đã phỏng vấn bác sĩ Huvênan Ucbinô, yêu cầu ngài cho biết ý kiến của mình khi tham gia chuyến bay mạo hiểm này và bác sĩ đã không phải suy nghĩ nhiều khi nói ý kiến mình và cái ý kiến khiến ngài phải chịu bao lời báng bổ.
– Theo tôi, – ngài nói, – thế kỷ XIX đã thay đổi có lợi cho toàn thiên hạ, trừ chúng tôi ra.
Lọt thỏm giữa đám đông náo nhiệt đang hát quốc ca trong lúc quả bóng thám không bay lên cao, Phlôrêntinô Arixa cảm thấy mình đồng tình với một người nào đó đã bình luận trong khung cảnh huyên náo rằng chuyến bay này là một cú mạo hiểm không thích hợp đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ ở lứa tuổi của Phecmina Đaxa. Nhưng chuyến bay này không quá ư mạo hiểm như người ta tưởng trong khi quả bóng bay lên cao. Hoặc ít ra nó cũng không nguy hiểm như người ta từng gièm pha. Quả bóng thám không đã tới nơi an toàn không hề gặp một trắc trở nào trong lộ trình của nó trên bầu trời xanh thẳm không một bóng mây. Nó bay thấp, bay rất êm ả trong gió nhẹ và xuôi chiều. Trước tiên nó bay qua vùng núi non lởm chởm, những đỉnh núi tuyết phủ rồi sau đó bay trên một trùng khơi mênh mông của Xiênaga Grăngđê[55].
[55]: Đầm lầy bao la.
Từ trên trời cao, như Thượng đế bọn họ nhìn những đống đổ nát của thành phố Cactahêna cổ kính và anh hùng của những người Anhđiêng, thành phố đẹp nhất trần gian, bị bỏ hoang bởi dân cư của nó trong cơn hoảng hốt trước nạn dịch tả đã ly tán hết, sau khi họ đã kháng chiến anh dũng chống lại các cuộc vây quét của người Anh và các vụ cướp bóc của bọn cướp biển trong suốt ba thế kỷ. Bọn họ nhìn những tường thành còn nguyên vẹn, cây cỏ mọc trên các đường phố, những pháo đài bị loài hoa bướm trùm kín, những tòa dinh thự bằng đá hoa cương và những bàn thờ vàng của các vị Phó Vương đã ruỗng mục vì bệnh dịch ngay trong bộ xương của họ.
Họ bay trên những căn nhà dựng trên mặt nước ở làng Trôhat đê Cataca, được sơn quét bằng những màu dậy sắc, có những chuồng nuôi kỳ đà và những bụi hoa cây bóng nước và cây axtrômêlia trên các vườn bên hồ. Hàng trăm đứa trẻ tồng ngồng nhẩy ào xuống nước, ồn ĩ bơi lội theo tiếng gào của mọi người. Chúng nhảy xuống nước từ các cửa sổ, từ các mái nhà, từ trên các con thuyền mà chúng bơi lái rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Chúng bơi lội như những chú cá trích để lượm lấy những gói quần áo, những chai thuốc ho, những gói bánh và thức ăn, đó là những thứ hàng của lòng từ thiện mà người đàn bà đẹp đội mũ lông từ trên khoang bụng của quả bóng bay ném xuống cho chúng.
Họ bay trên những mặt biển ngút ngàn đồng chuối mà sự thanh lặng của nó bay lên đến tận chỗ họ như thế một làn hơi lạnh lẽo của người chết. Phecmina Đaxa nhớ lại chính mình hồi mới ba hoặc bốn tuổi đang đi dạo chơi dưới bóng râm của đồng chuối, tay cứ vịn vào tay mẹ, người lúc ấy rất trẻ gần như một cô gái giữa đám các bà ăn vận vải mỏng như váy áo của bà hiện tại, che những chiếc ô trắng muốt và đội những chiếc mũ may bằng vải sa mượt mà. Viên kĩ sư lái bóng thám không, đang dùng ống nhòm của mình quan sát nhân gian, nói: “Giống như những người chết”. Ông ta đưa chiếc ống nhòm cho bác sĩ Huvênen Ucbinô và ngài nhìn những chiếc xe bò nằm giữa những cánh đồng, nhìn những cột thu lôi dọc đường sắt, nhìn những kênh mương nước băng giá và ở chỗ nào mà ngài đưa mắt tới ngài đều thấy những xác người nằm rải rác. Có ai đó đã từng bảo rằng bệnh thổ tả thành nạn dịch đã tàn phá nhiều làng ở xung quanh Xiênaga Grăngđê. Bác sĩ Huvênan Ucbinô, trong khi nói vẫn không rời mắt khỏi ống nhòm:
– Vậy có thể đó là một phương thức đặc biệt của bệnh thổ tả, – ngài nói, – bởi vì mỗi người chết đều có một phát đạn nhân đạo vào ngay giữa gáy.
Sau đó ít lâu, bọn họ bay trên biển ngầu bọt và hạ cánh an toàn xuống một bãi bằng nóng hầm hập, với sàn đất diêm sinh nứt nẻ rát như lửa cháy. Tại đây đã có mặt các quan chức đang đứng dưới bóng râm những chiếc ô thường dùng, vật tránh nắng duy nhất, đã có mặt học sinh các trường tiểu học đang vẫy cờ theo nhịp bài quốc ca, đã có mặt những hoa hậu trong các vũ hội cacnavan tay cầm hoa giấy, đầu đội mũ các-tông thếp vàng với bộ vú căng mọng như trái đu đủ của làng Gayra trù mật, làng giàu có nhất trong vùng duyên hải Caribê thời ấy. Điều duy nhất mà Phecmina Đaxa mong muốn là một lần nữa được nhìn lại làng quê mình để cùng với những ký ức xa xưa nhất đương diện với nó, nhưng người ta không cho phép bất kỳ ai đi thăm các làng ấy vì sợ những nguy hiểm của bệnh dịch. Bác sĩ Huvênan Ucbinô trao bức thư lịch sử mà sau đó nó lẫn vào đống giấy tờ khác và không bao giờ người ta biết được gì về bức thư này. Cả đoàn khách suýt nữa ngất xỉu trong không khí ngái ngủ của các bài diễn từ và đáp từ. Cuối cùng bọn họ được đưa lên lừa để đi đến bến tàu thủy ở làng Viêhô[56] là nơi đầm lầy ăn thông với biển cả, vì viên kĩ sư lái không thể nào khiến cho quả bóng thám không lại cất cánh được. Phecmina Đaxa tin chắc rằng hồi còn rất nhỏ cùng với mẹ mình bà đã đi qua đây trên một chiếc xe hai bò kéo. Khi đã lớn lên rồi, bà kể lại sự kiện ấy với cha mình và ông cụ chết mà vẫn đinh ninh rằng bà không thể nào nhớ được chuyện ấy.
[56]: Làng cổ.
– Cha nhớ rất rõ chuyến đi ấy và điều con kể lại rất chính xác, – ông cụ nói với con gái, – nhưng chuyện ấy xảy ra ít nhất năm năm trước khi con ra đời.
Các thành viên của đoàn thám hiểm trên bóng thám không đã trở về cảng thành phố sau ba ngày đi tàu thủy, người phờ phạc vì một đêm bão tố giữa biển khơi và họ được đón tiếp trọng thể như đón tiếp các anh hùng. Dĩ nhiên, Phlôrêntinô Arixa lọt thỏm trong đám đông và ông là người nhận ra trên gương mặt của Phecmina Đaxa những dấu ấn của nỗi hoảng sợ. Tuy nhiên, ngay buổi chiều ấy ông lại thấy bà có mặt trong cuộc biểu diễn đi xe đạp, cũng do chồng bà bảo trợ, và ông đã không thấy một dấu hiệu nhỏ của sự mệt mỏi trên gương mặt bà. Bà đi một chiếc xe đạp đẩy chân giống như một bộ đồ làm xiếc, với bánh trước rất to, cao và yên xe lại ở về phía đó và bánh sau lại nhỏ bé dường như chỉ làm chỗ tựa thôi. Trong lúc biểu diễn bà mặc một chiếc quần ống rộng thùng thình có các tua dải màu sắc sặc sỡ từng gây nên những lời bàn tán ầm ĩ của các bà lớn tuổi và đồng thời gây nên trạng thái thảng thốt của các công tử nhưng không ai làm ngơ trước tài nghệ của bà.
Lần ấy và bao lần khác nữa trong nhiều năm sau này bà là hình ảnh rực rỡ bỗng nhiên xuất hiện trước Phlôrêntinô Arixa, khi ông mong muốn cho sự kiện ngẫu nhiên xảy ra, rồi chúng lại đột nhiên biến mất đã khắc sâu trong trái tim ông một con đường mòn khao khát. Nhưng những hình ảnh rực rỡ ấy đã đánh dấu sự diễn tiến của cuộc đời ông vì ông biết rõ tính tàn bạo của thời gian không chỉ trên chính da thịt mình mà ngay cả trong những thay đổi không thể tránh được mà ông nhận thấy trên con người Phecmina Đaxa mỗi lần gặp lại bà.
Có một đêm ông bước vào tiệm ăn của đôn Sanchô, một tiệm ăn thời thuộc địa Tây Ban Nha, và ông ngồi ở một xó biệt lập hơn cả, như vẫn thường làm thế khi ông một mình ngồi vào bàn ăn giữa buổi của mình. Bỗng ông nhìn thấy Phecmina Đaxa trong tấm gương lớn ở cuối phòng, ngồi bên cạnh chồng và hai cặp vợ chồng khác và ở một góc độ trong đó ông nhìn rõ toàn bộ vẻ lộng lẫy của bà. Trong tư thế hết sức thoải mái bà đang hướng đạo cuộc nói chuyện với một vẻ duyên dáng và một nụ cười bừng nở rạng rỡ như pháo hoa và vẻ đẹp của bà càng rực rỡ hơn dưới làn nước mắt của ông.
Với hơi thở dồn dập ông thích thú chiêm ngưỡng Phecmina Đaxa. Ông nhìn bà ăn, nhìn bà nhấm nháp rượu, nhìn bà đùa bỡn với Đôn Sanchô người thuộc thế hệ của dòng họ ấy. Từ cái bàn ăn đơn chiếc này ông sống với bà trong khoảnh khắc của đời mình và trong hơn một giờ ông cứ quanh quẩn dạo chơi trong thế giới tâm hồn mình. Sau đó ông uống thêm bốn tách cà phê để có thời gian ngồi ở đây, cho đến khi ông nhìn thấy bà đi ra lẫn trong nhóm bạn bè. Họ đi rất gần đến mức ông nhận ra hơi hướng của Phecmina Đaxa giữa làn nước hoa thơm nức của những người cùng đi.
Từ đêm ấy trở đi, và hầu như cả một năm sau đó, ông duy trì cuộc săn đuổi ráo riết chủ nhân tiệm ăn, ông đòi trả cho chủ nhân cái mà ông ta thích, hoặc là tiền hoặc là ân nghĩa, hoặc là bất cứ một thứ gì mà ông ta mong muốn nhất trong đời để ông ta bán cho mình chiếc gương. Nhưng việc làm ấy không dễ dàng một chút nào bởi vì Đôn Sanchô, cụ già Sanchô, lại tin vào câu chuyện huyền thoại nói rằng cái khung gương quý giá được những người thợ mộc thành Viên làm là chị em sinh đôi với khung gương của Maria Antôniêta và rằng cái khung gương ấy đã biến mất không để lại dấu ấn nào: trừ hai hạt ngọc duy nhất còn lại. Khi chủ nhân đồng ý nhượng lại rồi, Phlôrêntinô Arixa liền đem chiếc gương treo ngay trong nhà mình không vì giá trị đặc biệt của cái khung gương mà vì cái khoảng không bên trong của tấm gương vốn là nơi người yêu của ông đã ngồi trong hai giờ đồng hồ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.