Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 44



Hai ngày sau bà lại nhận của ông một bức thư khác hẳn, thư viết tay trên giấy kẻ dòng và tên họ rõ ràng đàng hoàng ở chỗ người gửi trên bì thư. Đó là một bức thư được viết với cũng một lối chữ rất đẹp của những lá thư đầu tiên, cũng một tình cảm trữ tình, nhưng được áp dụng vào một đoạn văn giản dị nói lên lòng biết ơn vì đã được bà chào hỏi trịnh trọng trong Nhà Thờ lớn. Sau khi đọc xong lá thư, Phecmina Đaxa còn vẩn vơ lưu luyến nghĩ về nó với lương tri rất trong sáng đến độ ngày thứ tư bà đã hỏi Lucrêxia đên Rêan, mà không biết có đúng lúc không, rằng ngộ như bà ta có quen biết Phlôrêntinô Arixa, ông chủ của những chiếc tàu thủy chạy trên sông. Lucrêxia trả lời rằng có: “Nom ông ta cứ như một con yêu tinh mất hồn ấy”. Bà ta nhắc lại lời đồn đại nói rằng chẳng bao giờ ông biết tới đàn bà, mặc dù ông là người rất tốt, rất biết chiều chuộng đàn bà, rằng ông có hẳn một văn phòng bí mật thường vẫn mang bọn trẻ nhỏ mà ông tìm thấy ở các bến cảng về đấy. Phecmina Đaxa từng nghe chuyện huyền thoại ấy ngay từ khi bà có trí nhớ nhưng chẳng bao giờ bà tin và không cho điều ấy là quan trọng. Nhưng khi nghe chuyện huyền thoại ấy được Lucrêxia đên Rêan nhắc lại với tất cả lòng tin thì bà đã không thể cưỡng lại được cái sức ép buộc phải để các sự vật vào đúng chỗ của chúng. Bà kể rằng bà quen Phlôrêntinô Arixa từ thuở bé. Bà lưu ý Lucrêxia nhớ rằng bà mẹ ông có một cửa hàng tạp hóa ở phố Vênhtanat và rằng bà cụ mua lại áo và vải trải giường cũ rồi tháo sợi ra rũ thành bông cứu thương để bán trong thời kỳ nội chiến liên miên. Với niềm tin vững chắc, bà kết luận:.”Họ là người đứng đắn, chỉ hành động theo nhịp đập của trái tim mình”. Đó là một kết luận hết sức đúng mức đến độ Lucrêxia cũng phải nhắc lại điều bà đã nói: “Tóm lại, họ cũng nói về tôi như vậy đấy”. Phecmina Đaxa không tò mò tự hỏi lòng mình rằng vì sao bà đã bảo vệ một cách nhiệt thành cho một người đàn ông vốn chỉ là một cái bóng trong cuộc đời mình. Bà vẫn tiếp tục suy nghĩ về ông, nhất là khi người đưa thư đến mà không có thư mới của ông. Hai tuần lặng lẽ trôi qua, khi ấy có một cô hầu đã đánh thức bà đang lúc ngủ trưa với một câu nói thầm thì đầy thảng thốt:

– Thưa bà, Đôn Phlôrêtinô đến đấy.

Ông đã đến thật. Phản ứng đầu tiên của Phecmina Đaxa là sự bối rối. Bà kịp nghĩ rằng không, rằng hãy trở lại một ngày khác vào giờ thích hợp hơn, rằng bà chưa có điều kiện để tiếp khách, rằng chẳng có gì cần phải nói. Nhưng bà đã ngồi đậy, và bảo rằng hãy đưa ông vào phòng khách và mang cho ông cà phê trong lúc bà sửa soạn để ra tiếp ông. Phlôrêntinô Arixa đang đứng đợi ở ngoài cửa chính dưới trời nắng như đổ lửa lúc ba giờ chiều, nhưng trong tư thế chuẩn bị làm nước mã hồi. Ông đã chuẩn bị sẵn để khi không được tiếp, như vậy dù chỉ một lời xin lỗi đáng yêu cũng được và chính lòng tin chắc ấy đã giúp ông bình tĩnh đợi chờ. Nhưng việc người hầu gái mở cửa mời ông vào đã khiến ông rung động tới tận tủy sống và khi bước vào phòng khách rất mát ông vẫn không có thời gian để mà nghĩ tới phép mầu nhiệm mình đang sống trong nó, bởi vì bỗng nhiên bụng ông sôi réo quặn thắt lại. Ông nín thở để chịu đựng cơn đau thắt bụng, để sống lại cái kỉ niệm xúi quẩy về bãi cứt chim rơi đúng vào lá thư tình đầu tiên của mình, và cứ như thế ông đứng im trong khung cảnh râm mát của phòng khách và trong lúc chờ cho cơn đau qua đi, sẵn sàng chấp nhận bất cứ một nỗi bất hạnh nào trong khoảnh khắc ấy, trừ cơn đau vô lý này.

Ông tự biết mình rất rõ: không kể tới cơn rùng mình ghê gớm ấy, trong rất nhiều năm bụng dạ ông đã ba hay bốn lần phản ông ngay trước công chúng và cũng đã ba hoặc bốn lần gì đó ông buộc phải chịu thua nó. Chỉ trong những trường hợp ấy, và trong một số trường hợp khẩn thiết khác, ông đã nhận ra sự thật của một câu nói mà ông vẫn bông đùa nhắc lại: “Không tin Thượng đế, nhưng có sợ Thượng đế”. Ông không có thời giờ để nghi ngờ câu nói ấy vì thế ông định cầu nguyện bằng bất cứ một câu cầu nguyện nào nhưng ông không nhớ ta. Khi còn nhỏ, có một đứa trẻ dạy ông một câu cầu nguyện có phép mầu, để chỉ bằng một hòn đá bắn trúng một con chim: “Ẩn đi, ẩn đi kẻo tao bắn mày chết”. Ông đã thử dùng câu cầu nguyện ấy khi lần đầu tiên ông lên núi và với chiếc ná cao su mới ông đã bắn trúng một con chim. Với nỗi hoảng loạn ông nghĩ rằng mỗi vật đều có mối liên hệ nhất định với vật khác, ông đã nhắc lại câu cầu nguyện ấy nhưng không đem lại kết quả gì. Một cơn quặn ruột dữ dội khiến ông phải đứng dậy, bụng ông đầy hơi đến cứng lại buộc ông phải rên khe khẽ, và khắp người ông mồ hôi lạnh túa ra. Cô hầu phòng mang cho ông cà phê bỗng giật thột trước gương mặt nhợt nhạt như mặt tử thi của ông. Ông nói: “Tại trời oi nóng quá đấy”. Cô ta mở cửa sổ mà tin rằng sẽ làm ông hài lòng, nhưng ánh nắng buổi chiều rọi ngay trên mặt và thế là cô ta lại phải đóng cửa lại. Ông hiểu rằng mình không thể chịu đựng thêm một phút nữa thì cũng vừa hay Phecmina Đaxa xuất hiện gần như không thể nhìn rõ ở trong khung cảnh buồng khách hơi tối tối và bà giật thột khi thấy ông đang ở trong tình trạng ấy.

– Ông có thể cởi áo vextông ra, – bà nói với ông.

Đối với ông còn đau đớn hơn cả cơn đau quặn chết người nếu bà nghe rõ tiếng sôi réo trong bụng ông. Nhưng ông đã cố kìm nỗi đau lại hầu như chỉ trong khoảnh khắc để nói rằng không, rằng ông qua đây chỉ là để hỏi xem khi nào bà có thể tiếp chuyện ông một buổi. Bà đứng, vẫn còn thảng thốt, nói: “Vậy ông chẳng đã đến đây rồi sao”. Và bà mời ông theo mình vào tận hiên trong nhìn ra sân là nơi mát mẻ hơn. Ông từ chối bằng một giọng mà bà cảm thấy tựa như một hơi thở dài đáng thương.

– Xin bà để cho đến ngày mai, – ông nói.

Bà nhớ rằng mai là ngày thứ năm, ngày đến chơi đúng hẹn của Lucrêxia đên Rêan, nhưng bà đã kịp nghĩ ra một giải pháp tức thời: “Ngày kia vào lúc năm giờ chiều”. Phlôrêntinô Arixa cảm tạ bà. Cầm lấy mũ, ông vội vàng từ biệt bà, không uống cà phê. Bà đứng yên ngay chính giữa phòng khách, còn đang ngơ ngác chưa hiểu có điều gì xảy ra với ông, cho đến khi ông khuất bóng ở cuối phố nơi ô tô đậu. Lúc ấy Phlôrêntinô Arixa đang tìm một tư thế dễ chịu hơn trên ghế sau của chiếc ô tô nhà. Ông nhắm mắt lại, duỗi gân cốt, hoàn toàn thuận theo ý muốn của cơ thể mình, như thể ông lại được sinh ra một lần nữa. Người tài xế, sau nhiều năm phục vụ ông không hề ngạc nhiên trước bất cứ điều gì xảy ra với ông, bỗng lo lắng trong lòng. Nhưng khi mở cánh cửa xe cho ông lúc xe đậu lại ở trước hiên nhà đã nói với ông:

– Thưa đôn Phlôrêntinô, xin ngài cẩn thận, triệu chứng này giống như ngài bị bệnh thổ tả.

Ông biết đó là những triệu chứng đã quen thuộc với ông từ lâu nay. Phlôrêntinô Arixa phải cảm tạ Thượng đế vì năm giờ chiều ngày thứ sáu cô hầu dẫn ông đi qua phòng khách lờ mờ tới đến hiên trong nhìn ra sân, rồi tại đây ông thấy Phecmina Đaxa đứng bên cạnh một chiếc bàn nhỏ cho hai người ngồi nói chuyện. Mời ông dùng trà, sôcôla, hay cà phê? Phlôrêntinô Arixa xin cà phê thật nóng và thật đậm. Bà bảo người hầu gái: “Còn ta, hãy mang thức uống hàng ngày”. Thức uống hàng ngày của bà là thứ nước trà hỗn hợp gồm nhiều loại chè búp thường dùng bên phương Đông khiến tâm hồn bà phấn chấn sau lúc ngủ trưa. Khi bà uống hết chén trà của mình và ông vừa cạn xong tách cà phê thì cả hai người đã gợi mở và kết thúc vài câu chuyện, đó là những chuyện không hoàn toàn thú vị đối với cả hai nhưng cần thiết để cả ông lẫn bà không đề cập đến những đề tài mà cả hai đều muốn lẩn tránh. Cả hai người đều sợ hãi mà chẳng biết làm gì khi họ ở quá xa thời xuân trẻ của mình trong một sân hiên lát gạch men đen trắng tạo thành bàn cờ đam, của một ngôi nhà chẳng phải của riêng ai vẫn còn thơm lựng mùi hoa nghĩa trang. Lần đầu tiên họ đối diện với nhau trong một khoảng cách rất gần và tương đối lâu để nghiêm trang nhìn nhau sau một nửa thế kỷ và hai người đã thấy nhau như lâu nay vẫn thấy, hai cụ già đang bị thần chết vây bọc. Chẳng có gì giống nhau ngoài ký ức về một thời quá khứ tươi đẹp mà giờ đây không thuộc về họ, đúng hơn nó thuộc về hai thanh niên có lẽ chỉ đáng là cháu họ. Bà nghĩ rằng ông sẽ nói về tính chất ảo tưởng trong mơ ước của mình và chính điều đó sẽ giúp ông tránh được hành động xấc xược của bản thân.

Để tránh không khi yên lặng, gượng gạo về những vấn đề không nên đề cập tới, bà hỏi ông những câu hỏi rõ ràng về những chiếc tàu thủy chạy trên sông. Dường như là phi lí điều ông nói rằng tuy là chủ hãng ông chỉ đi tàu thủy có độc một lần khi ông chẳng có liên quan gì với hãng. Bà không biết nguyên nhân và ông thành thật kể lại cho bà nghe hết. Bà cũng chẳng biểu biết gì về sông nước. Chồng bà đồng tình với thành kiến đối với khí hậu vùng núi Anđết và đã an ủi bà bằng những lý lẽ khác nhau: nỗi nguy hiểm của độ cao đối với bệnh tim, nỗi nguy hiểm của bệnh phổi, đạo đức giả đối với dân chúng ở đấy và tính chất bất công của chế độ chuyên chế còn tồn tại ở vùng ấy. Vậy là cả hai người đều quen biết cả một nửa thế giới nhưng lại không quen biết hết đất nước mình. Hiện lúc ấy có một chiếc thủy phi cơ Junkera bay từ làng này sang làng kia dọc theo vịnh Macgơdalêna, nom nó tựa như một chú châu chấu nhôm, có hai người lái, sáu hành khách cùng các túi bưu kiện. Phlôrêntinô Arixa bình luận: “Nó tựa như một chiếc quan tài bay trên không ấy”. Bà đã từng đi trên bóng thám không trong chuyến bay đầu tiên của nó và bà không hề phải chịu những cú sóc trên không nào nhưng hầu như bà không thể nghĩ rằng việc đi trên thủy phi cơ sẽ giống như việc đi trên bóng thám không. Bà nói: “Khác nhau đấy”. Nói thế có nghĩa là bà muốn nói rằng người đã thay đổi, không chỉ ở các cách thức du lịch.

Đôi lúc tiếng động cơ máy bay làm bà giật mình. Bà nhìn thấy chúng bay rất thấp, làm những động tác nhào lộn trong ngày kỉ niệm một trăm năm ngày mất của Nhà Giải phóng. Một trong những chiếc máy bay ấy đen trũi như một con quạ khổng lồ, bay sát các nóc nhà khu phố La Măngga, vì vậy đã để lại một chiếc cánh mắc trên cây bên cạnh và bản thân nó bị treo lủng lẳng dưới hàng dây điện. Nhưng dù có thế đi nữa, Phecmina Đaxa vẫn không biết đến sự tồn tại đích thực của máy bay. Trong những năm gần đây bà cũng không tò mò đi đến vịnh Mangxanidô, là nơi những chiếc thủy phi cơ đỗ xuống sau khi những chiếc canô hộ vệ đợi các thuyền đánh cá và những chiếc thuyền đua đến ngày càng nhiều. Thế mà sau khi bà đã già rồi người ta vẫn chọn bà cầm một bó hoa hồng đi đón Sáclơ Limbaê khi ông đã đến trong chuyến bay tình nguyện của mình, và bà đã không hiểu nổi làm sao một người đàn ông to cao lực lưỡng, mái tóc vàng mượt mà, rất điển trai lại có thể bay lên được trong một cỗ máy giống như một tấm sắt tây nhăn nheo, phải cần tới hai người thợ cơ khí túm lấy đuôi nâng lên để giúp nó cất cánh. Trong đầu bà không chứa nổi ý nghĩ về một chiếc máy bay không to lớn là bao lại có thể chở được những tám khách hàng. Trái lại bà từng nghe người ta nói với mình rằng những chiếc tàu thủy chạy trên sông là một phương tiện du lịch lý thú lắm vì chúng không tròng trành như những chiếc tàu biển nhưng lại có nhiều nguy hiểm hơn, tỷ như dễ bị mắc cạn bởi những doi cát ngầm hoặc bị bọn cướp tấn công. Phlôrêntinô Arixa giải thích cho bà biết rằng tất cả những chuyện ấy là huyền thoại của thời trước: Hiện nay các tàu thủy đều có một phòng nhảy rộng rãi và sang trọng như phòng ngủ trong khách sạn, có phòng vệ sinh riêng biệt và quạt điện và kể từ cuộc nội chiến cuối cùng đến nay chúng không hề bị bọn cướp có vũ trang tấn công nữa. Ngoài ra với sự hài lòng về thắng lợi của cá nhân mình, ông còn giải thích rằng những tiến bộ trên là nhờ ở sự giải phóng giao thông đường thủy được ông ủng hộ, đó là việc làm bao gồm việc cổ vũ sự cạnh tranh, đáng lẽ chỉ có một hãng duy nhất như trước đây, nay có, tới ba hãng, tất cả đều năng động và giàu có. Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của máy bay hiện nay lại là một mối nguy hiểm cho cả ba hãng tàu. Bà cố sức an ủi ông bằng cách nói rằng tàu thủy bao giờ cũng phải có bởi vì rằng không có quá nhiều kẻ điên rồ sẵn sàng chui vào một thứ máy móc phản tự nhiên. Cuối cùng Phlôrêntinô Arixa nói đến sự tiến bộ của bưu điện cả trong lĩnh vực vận chuyển và phân phát thư từ bưu điện. Ông hi vọng nhân đây Phecmina Đaxa sẽ đề cập tới những thư từ của ông. Nhưng ông đã không thực hiện được mục đích của mình.

Tuy nhiên, sau đó một lúc, dịp may tự nó đến. Cả hai người đã bỏ qua đề tài này khá lâu rồi, bỗng người hầu gái đưa cho Phecmina Đaxa một bứ thư vừa nhận từ tay người đưa thư đặc nhiệm trong thành phố, một chức phận vừa được lập ra sử dụng chính phương pháp chuyển điện tín. Bà không thể tìm được cặp kính để đọc lá thư, như lâu nay vẫn thường xảy ra chuyện này. Phlôrêntinô Arixa vẫn giữ được bình tĩnh và thái độ nghiêm chỉnh.

– Xin bà chẳng cần phải đọc nó, – ông nói. – Bức thư ấy là của tôi đấy.

Đúng thế thật. Ngày hôm trước ông đã viết lá thư này trong tình trạng đau khổ khủng khiếp vì đã không thể quên được cảm giác xấu hổ trong chuyến đến thăm bà lần đầu tiên bị thất bại. Trong lá thư này ông xin lỗi bà vì hành động thiếu thận trọng, đến thăm bà mà không xin phép trước và ông xin bày tỏ ý định trở lại thăm bà lần sau. Ông bỏ thư vào thùng mà chưa kịp nghĩ kĩ nhưng khi hối thì đã muộn, không thể nào lấy lại được lá thư ấy nữa. Tuy nhiên, ông thấy không cần phải giải thích dài dòng mà chỉ yêu cầu Phecmina Đaxa không nên đọc nó nữa.

– Dĩ nhiên, – bà nói. – Cuối cùng, thư từ là của người viết ra chúng. Đúng thế không nào!

Ông tiến thêm một bước vững mạnh hơn.

– Đúng thế, – ông nói. – Bởi lẽ đó thư từ được trả lại khi giữa hai người không còn quan hệ với nhau nữa.

Bà làm thinh trước ý định của ông và trả lại ông bức thư ấy, nói rằng: “Thật đáng tiếc là tôi không thể đọc được nó, vì những lá thư trước giúp ích cho tôi rất nhiều”. Ông thở phào nhẹ nhõm, ngạc nhiên thấy rằng bằng một hình thức rất gọn gàng bà đã nói nhiều hơn cả điều ông mong đợi và ông nói: “Bà không thể mường tượng rằng tôi sung sướng biết bao khi được biết điều đó”. Nhưng bà đã thay đổi đề tài và ông cũng không cố ý tìm cách để bà trở lại đề tài này trong phần còn lại của buổi gặp gỡ.

Ông đứng dậy cáo từ ra về thì đã quá sáu giờ khi trong nhà đã thắp đèn sáng trưng. Ông cảm thấy vững tin hơn, nhưng không có quá nhiều ảo tưởng bởi vì ông không quên cá tính dễ thay đổi và những phản ứng bất thường của Phecmina Đaxa vào tuổi hai mươi, và cũng không phải không có nhiều lý do để ông nghĩ rằng bà đã thay đổi. Vì lẽ đó, bằng giọng chân thành nhưng vẫn e dè, ông dám mạnh dạn hỏi bà rằng liệu hôm khác ông có thể đến thăm bà được không, và câu trả lời của bà lại càng khiến ông ngạc nhiên hơn

– Hãy đến bất cứ lúc nào, – bà nói – Hầu như luôn luôn chỉ có một mình tôi ở nhà.

Bốn ngày sau, ngày thứ tư, ông trở lại nhà mà không hề báo trước và bà cũng chẳng phải đợi bọn người nhà pha trà cho mình để đủ hào hứng nói với ông về những bức thư của ông đã giúp ích bà biết bao nhiêu. Ông bảo rằng đó không phải là những bức thư theo ý nghĩa chặt chẽ của từ này, mà là những trang sách rời mà ông rất muốn viết ra. Bà cũng từng nghĩ như vậy. Bà nghĩ nhiều lắm đến độ bà định trả lại những bức thư ấy nếu như ông không coi đó là một nỗi bất hạnh, để ông cho chúng một số phận tốt đẹp hơn. Bà tiếp tục nói về những điều tốt đẹp mà những bức thư ấy mang đến cho mình trong giai đoạn khó khăn bà đang sống. Và bà đã nói với bao nhiệt huyết, bao lòng biết ơn, và có lẽ với bao lòng tôn trọng và âu yếm đến mức Phlôrêntinô Arixa dám làm một cái gì đó còn hơn cả một bước tiến vững mạnh: một cú nhảy liều mạng.

– Trước đây chúng mình xưng hô rất thân mật với nhau, – ông nói.

Đó là một từ cấm trước đây. Bà cảm thấy vị thần tưởng tượng của quá khứ trở lại và bà định né tránh nó. Nhưng ông lại dấn thêm một bước sâu hơn, nói: “Tôi muốn nói tới những bức thư trước của chúng mình”. Bà khó chịu và cố nén để ông không nhận ra. Nhưng ông đã nhận ra và hiểu rằng cần phải khôn khéo tiến sâu thêm. Những cú va vấp vừa rồi dạy ông rằng bà vẫn khó gần như khi còn trẻ nhưng bà đã học được cách ứng xử để làm cho nó mang vẻ dịu dàng hơn.

– Tội muốn nói rằng nhưng bức thư hiện nay là một cái gì đó khác hẳn, – ông bảo.

– Trên cõi đời này, tất cả đều thay đổi, – bà nói.

– Nhưng mà tôi không thay đổi, – ông nói – Còn bà thì sao?

Bà dừng lại với chén trà thứ hai đang uống dở và với đôi mắt mở to bà khiển trách ông.

– Cũng thế thôi, – bà nói. – Tôi vừa tròn bảy mươi hai tuổi.

Phlôtêntinô Arixa cảm nhận một cú đấm ngay ở chính giữa trái tim mình những mong tìm thấy một lời đối đáp nhanh chóng và sắc nhạy như một mũi tên, nhưng ông đã bị sức nặng của tuổi già đè bẹp. Chưa bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi quá sức trong một cuộc nói chuyện quá ngắn ngủi. Trái tim ông đau nhói nhói và mỗi tiếng đáp của nó vang vọng thình thình ngay trong tâm thất. Ông cảm thấy mình già nua, buồn tủi, vô dụng và muốn khóc ngay đến mức ông không thể nói được. Họ uống hết chén trà thứ hai trong không khí thanh lặng phảng phất những điềm báo, ấy là khi bà bảo một trong số những cô hầu gái mang cho mình chiếc cặp đựng thư từ. Ông suýt nữa yêu cầu bà hãy giữ những bức thư ấy cho chính bà vì ông còn các bản sao ở nhà rồi nhưng ông lại nghĩ rằng sự thận trọng này sẽ làm ông không được cao thượng lắm. Chẳng còn gì cần phải nói thêm nữa. Trước khi ra về ông lại nêu vấn đề mình sẽ trở lại vào ngày thứ ba tới, đúng giờ này. Bà tự hỏi nếu như thế mình có hạ cố nhiều quá không.

– Tùy ông. Về phần mình tôi hoàn toàn vô tư trong chuyện ông đến thăm tôi quá nhiều.

– Đúng thế. Tôi cũng hoàn toàn vô tư trong chuyện tôi đến thăm bà quá nhiều.

Vậy là ngày thứ ba sau, đúng năm giờ chiều, ông trở lại, cũng như tất cả các ngày thứ ba tiếp đó ông đã trở lại nhà bà mà không cần phải báo trước. Vì các buổi đến chơi hàng tuần đã trở nên thường lệ kể từ cuối tháng thứ hai, Phlôrêntinô Arixa mang đến nhà bà nào bánh bích qui sản xuất tại Anh, hạt dẻ đã rang sẵn, quả ô liu Hy Lạp, và các thứ ngon dùng trong phòng xa lông mà ông mua trên các tàu viễn dương. Có một ngày thứ ba ông mang tới một bức ảnh do người thợ ảnh thành Viên chụp cho bà và Hinđêbranđa Săngchêt từ một nửa thế kỷ nay. Ông mua nó với giá mười làm xu ở một cửa hàng bán bưu thiếp tại phố Excribanôt, Phecmina Đaxa không hiểu làm sao bức ảnh này lại lọt ra tận đây, và Phlôrêntinô Arixa hiểu rằng điều đó xảy ra chỉ có thể do phép màu của tình yêu mà thôi. Có một buổi sáng, trong lúc chăm tỉa vườn hồng của mình, Phlôrêntinô Arixa không thể chống lại ý định sẽ mang cho bà một bông hồng trong chuyến đến thăm bà sắp tới. Nhưng đó là một vấn đề hóc búa trong ngôn từ tặng hoa cho một quả phụ chồng vừa mới chết. Một bông hồng thắm đỏ, biểu tượng của lòng đam mê cao độ, có thể sẽ là một sự khiêu khích đối với tấm băng tang của bà. Những bông bồng vàng, mà trong ngôn ngữ khác là hoa của vận may, nhưng trong ngôn ngữ chung chúng là biểu tượng của lòng ghen tuông. Có một vài lần người ta nói với ông về thứ hoa hồng đen của Thổ Nhĩ Kỳ, mà có lẽ chúng là loại hoa thích hợp nhất trong trường hợp này, nhưng ông không thể nào tìm được giống để trồng trong vườn nhà. Sau khi suy nghĩ lao lung ông tạm bằng lòng với những bông hồng bạch, vốn là thứ hoa ông không thích bằng các thứ kia, phần vì chúng không được tươi sắc lắm, phần vì chúng là loài câm: chúng chẳng nói lên điều gì. Vào giờ chót, để đề phòng Phecmina Đaxa nghĩ xấu về chúng, ông đã cạo hết gai trên cuống các bông hồng bạch.

Ông được bà đón tiếp chu đáo và coi bó hoa hồng bạch như một món quà vô tư, và do đó các buổi gặp gỡ hàng tuần của họ ngày càng phong phú thêm đến mức khi ông đến nhà với bó hoa hồng bạch thì bà đã chuẩn bị sẵn lọ hoa có nước để ở chính giữa bàn trà. Một thứ ba bất kỳ nào đó, khi cắm hoa vào lọ, với vẻ vô tư ông nói:

– Vào thời của chúng mình người ta không mang hoa hồng mà chỉ mang hoa bạch trà.

– Đúng thế đấy, – bà nói, – nhưng ý tứ thì khác hẳn, và ông đã biết rõ.

Vẫn thường xảy ra như vậy: Ông định tiến thêm nhưng bà tìm cách chặn bước ông lại. Nhưng trong trường hợp này, dù bà trả lời rất kịp thời, Phlôrêntinô Arixa nhận thấy rằng bà đã để trống, vì bà đã phải quay mặt đi để ông không nhận ra sắc mặt bỗng nhiên đỏ bừng. Đó là sắc mặt nóng ran, rất trẻ trung, rất cuộc đời, mà tính chất không đúng lúc của nó khiến bà khó chịu ngay với chính bản thân mình. Phlôrêntinô Arixa ý nhị lái sang chuyện khác ít khó chịu hơn nhưng hành động khéo léo ấy của ông lại quá ư lộ liễu đến độ tự bà cũng biết rằng mình đã bị phát hiện và chính điều đó càng làm tăng thêm nỗi giận trong lòng bà. Đó là một ngày thứ ba không được vui lắm. Suýt nữa bà yêu cầu ông không đến nhà mình nữa, nhưng ý nghĩ về một cuộc tranh chấp chẳng đâu vào với đâu của những kẻ đang yêu là rất đáng cười vào lứa tuổi và hoàn cảnh của hai người lúc này, khiến bà cười ngây ngất. Ngày thứ ba sau đó, khi Phlôrêntinô Arixa cắm hoa vào lọ thì bà tự vấn lương tâm mình rất dữ và cuối cùng bà vui vẻ thấy rằng trong mình không còn lại một biểu hiện nhỏ của nỗi ân hận tuần trước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.