Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 46



Ký ức về quá khứ đã không thoát khỏi tương lai như ông cố tình tin như vậy. Ngược lại: Nó cũng cố niềm tin vốn có trong Phecmina Đaxa, cái niềm tin khẳng định rằng tình cảm sôi nổi trong lứa tuổi hai mươi kia là một cái gì đó rất cao đẹp nhưng không phải là tình yêu. Bất chấp đức tính chân thành của mình, bà không có ý định bộc lộ cho ông biết, dù dưới hình thức trực tiếp hay dưới hình thức thư từ, và trái tim cũng không đủ giúp bà nói cho ông biết rằng những tình cảm chan chứa dấy lên trong lòng bà sau khi nhận thấy rõ cái sức mạnh cổ vũ to lớn của những suy tư của ông được viết ra trong những bức thư là những tình cảm giả tạo, rằng những trò đùa giỡn nặng chất thơ của ông đã làm giảm giá trị con người ông, bằng thói cố chấp cứ bám lấy quá khứ của ông đã làm hại sự nghiệp của ông. Không: Không một dòng trong các bức thư của ông, cũng không một khoảnh khắc nào của tuổi thanh xuân mờ phai của ông không khiến bà cảm thấy rằng những buổi chiều thứ ba hàng tuần không có ông, lại quá ư dài lê thê như trên thực tế đã xảy ra. Trên thực tế những buổi chiều không có mặt ông đối với bà là quá ư cô đơn, quá ư ê chề đến độ không thể chịu đựng nổi.

Trong một buổi dọn dẹp ngôi nhà, bà bảo gia nhân đưa chiếc máy thu thanh xuống tàu ngựa đã được cải tạo thành kho chứa đồ cũ. Đó là chiếc máy thu thanh người chồng tặng bà, nhân một ngày sinh của bà và vợ chồng bà từng nghĩ sẽ tặng lại nó cho bảo tàng vì lẽ nó là cái đầu tiên có trong thành phố này.

Trong những ngày chịu tang u ám bà đã quyết định không dùng nó, bởi một bà góa mang tên họ ngài không thể nghe bất cứ thứ âm nhạc nào mà lại không làm thương tổn ký ức của người chồng, dù là chỉ nghe thầm thôi cũng vậy. Nhưng ba lần ngày thứ ba qua đi không dùng máy thu thanh, bà lại bảo gia nhân mang nó lên đặt ở phòng khách, và như vậy không phải là để thưởng thức những bài hát trữ tình được truyền đi trên làn sóng của hãng Riôbamba như trước đây vợ chồng bà vẫn thường cùng thưởng thức, mà là để lấp đầy những giờ chết bằng việc nghe đọc những cuốn tiểu thuyết cảm động đến rơi lệ truyền đi từ Săngtiagô đê Cuba. Đó là một việc làm hợp lý vì khi sinh người con gái bà bắt đầu để mất thói quen đọc sách mà người chồng ngay từ chuyến du chơi tuần trăng mật đã nhẫn nại rèn luyện cho bà và khi thị giác giảm sút đi thì bà bỏ hẳn việc đọc sách, nhất là trong mấy tháng liền bà không tìm thấy cặp kính lão.

Bằng hình thức này, bà mê say những cuốn tiểu thuyết được phát trên đài phát thanh Săngtiagô đê Cuba đến mức ngày nào cũng vậy bà khao khát chờ nghe những chương tiếp theo của chúng. Đôi lúc bà nghe tin tức để biết chuyện gì đã xảy ra trên thế giới, và trong những dịp hiếm hoi chỉ có một mình ở nhà bà nghe những điệu nhạc nhảy Mêrênghê của Săngtô Đôminhgô hoặc điệu nhạc nhảy Plêna của Puêrtô Ricô trong âm thanh nhỏ nhẹ, xa vời và trong trẻo. Có một đêm, trong làn sóng một đài phát thanh chưa được biết bỗng vang lên rõ ràng như từ ở nhà bên cạnh, bà nghe một tin buồn: Một cặp vợ chồng già vui lại tuần trăng mật của mình ở ngay nơi từng diễn ra cách đây bốn mươi năm, đã bị một người lái đò chở họ đi chơi dùng mái chèo đập chết để lấy tiền của các cụ: Mười bốn đồng đôla. Lòng thương hại của bà càng lên đến cao độ khi Lucrêxia đến Rêan đê Obixpô kể cho bà nghe toàn bộ câu chuyện được đăng tải trên một tờ báo địa phương. Cảnh sát tìm thấy hai cụ già đã bị đánh chết, cụ bà bảy mươi tám tuổi, cụ ông tám mươi tư tuổi, vốn là hai người tình từ bốn mươi năm nay vẫn cùng lén lút đi nghỉ hè bên nhau, nhưng cả hai người này đều có cuộc sống vợ chồng êm ấm và hạnh phúc, đều đông đàn dài lũ. Phecmina Đaxa, vốn chẳng bao giờ khóc trước những câu chuyện được truyền thanh, đã phải ngậm ngùi nuốt nước mắt rơi xuống cổ họng bà. Trong bức thư tiếp theo của mình, Phlôrêntinô Arixa đã gửi trả lại bà mẩu báo có cái tin ấy mà không hề kèm theo một lời bình phẩm nào.

Đó chẳng phải là những dòng nước mắt cuối cùng mà Phecmina Đaxa sẽ phải kìm lại. Phlôrêntinô Arixa chưa qua hết thời kỳ an dưỡng sáu mươi ngày thì tờ La Huxtixia, ở ngay trang nhất có kèm theo ảnh của các nhân vật, đã đăng chuyện yêu đương lén lút của bác sĩ Huvênan Ucbino và Lucrêxia đên Rêan đên Obixpô. Bà suy nghĩ về quan hệ, về sự thường xuyên có mặt, về cách thức xử sự của Lucrêxia, và về trò tiêu khiển mà người chồng của bà từng buông thả trong chuyện luyến ái đồng tính với những người đa đen ở nhà máy đường của họ. Câu chuyện được in đậm với màu mực đỏ như màu máu đã như một tiếng sét giáng xuống đầu giai cấp quý tộc địa phương. Tuy nhiên, trong bài viết này không hề có lấy một lời cụ thể, sáng tỏ nào nhằm vào bác sĩ Huvênan Ucbinô vì hai người từng là bạn thân của nhau khi đã có chồng có vợ rồi, nhưng chẳng bao giờ họ là người tình của nhau cả. Tóm lại, hình như bài báo không chĩa mũi nhọn vào Huvênan Ucbinô để bôi nhọ danh dự của ngài, người vẫn được đại đa số tôn kính, mà nhằm làm mất thể diện của người chồng Lucrêxia đên Rêan, người vừa được bầu làm chủ tịch Câu lạc bộ Xã hội tuần trước. Câu chuyện tai tiếng này cũng chỉ ồn lên trong ít giờ mà thôi. Nhưng Lucrêxia đên Rêan không trở lại thăm Phecmina Đaxa và bà này đã giải thích hiện tượng đó như là một lời tự thú.

Tuy nhiên, ngay lập tức người ta hiểu rằng Phecmina Đaxa cũng không thể thoát khỏi những nguy hiểm bị công kích của giai cấp bà. La Huxtixia đã tự để lộ ý đồ công kích bà ngay ở phía yếu nhất của bà: Chuyện buôn bán của người cha. Khi ông cụ bị người ta dùng vũ lực trục xuất khỏi thành phố này, bà chỉ được biết một trong những chuyện buôn bản bẩn thỉu của người cha, như bà Gala Plaxiđia đã nói cho bà biết. Về sau này, khi bác sĩ Huvênan Ucbinô khẳng định điều đó với bà sau cuộc tiếp xúc với quan tỉnh trưởng, thì bà tin rằng cha mình đã là nạn nhân của một vụ vu cáo. Sự việc là thế này: Có hai chức sắc của chính quyền mang trát khám nhà đến ngôi nhà ở công viên Lôt Êvănghêliôt. Bọn bọ lục khắp nhà mà chẳng tìm thấy cái cần phải tìm thấy, rồi cuối cũng họ cũng ra lệnh mở cái tủ quần áo có cửa gương trong phòng ngủ cũ của Phecmina Đaxa. Gala Plaxiđia, chỉ có một mình mà chẳng biết phải cầu cứu ai, với lý do không có chìa khóa xin được mở. Thế là một người trong bọn họ dùng báng súng lục đập vỡ gương và họ phát hiện giữa lớp kính và gỗ là một khoảng trống đựng đầy tiền đôla một trăm đồng. Điều đó là đỉnh điểm của mọi con đường dẫn người ta đến việc đổ cho Lêrenxô Đaxa cố cãi rằng chiếc tủ đựng quần áo ấy được mua sau khi con gái mình lấy chồng và rằng có lẽ chiếc tủ được đưa về nhà cùng với số tiền đã giấu sẵn trong nó rồi, nhưng cảnh sát khẳng định nó được mua ngay từ hồi Phecmina Đaxa còn đi học. Không một ai như ông ta đã biết cách giấu tài sản giả mạo ở phía sau những tấm gương. Đó chính là điều bác sĩ Huvênan Ucbinô kể lại cho vợ mình nghe sau khi đã hứa với quan tỉnh trưởng rằng sẽ đưa ông bố vợ mình về quê để che đậy câu chuyện ồn ĩ này. Nhưng tờ báo còn kể ra nhiều sự kiện hơn.

Tờ báo cho biết rằng một trong những cuộc nội chiến ở thế kỉ trước, Lôrenxô Đaxa từng là người liên lạc giữa chính phủ của tổng thống phe Tự do tkilêô Para với một người Ba Lan tên là Giôdep K.Kôrđêniôpxki nào đó, người dừng lại vài tháng trên con tàu Xanh Ăngtoan treo cờ Pháp đậu ở đây, đang định bán cho xong số hàng vũ khí của mình. Kôđêniôpxki, người sau này nổi tiếng thế giới với cái tên Giôdep Cônrát, không tìm hiểu làm sao đã bắt được liên lạc với Lôrenxô Đaxa, kẻ đã mua số vũ khí ấy bằng tiền của chính phủ, có văn bản đầy đủ và trả bằng bản vị vàng. Theo sự giải thích của tờ báo, Lôrenxô Đaxa đã làm mất số vũ khí ấy trong một cuộc tấn công bất ngờ và sau đó bán lại và giá gấp đôi cho phe Bảo hoàng đang chống lại chính phủ của phái Tự do.

Tờ La Huxtixia cũng kể rằng Lôrenxô Đaxa mua một chuyến hàng toàn ủng thừa của quân đội Anh với một giá cực kỳ rẻ mạt vào thời kỳ của tướng Raphaen Rêdết thành lập Hải quân, và chỉ bằng một vụ làm ăn này trong sáu tháng ông ta đã tăng gấp đôi số vốn của mình. Theo tờ báo, khi hàng cập bến thành phố này, Lôrenxô Đaxa từ chối không nhận vì toàn là ủng một chân phải, nhưng nó là một hành động thống nhất khi sở hải quân buộc ông ta phải đồng ý với luật lệ hiện hành, và thế là ông ta mua chúng với giá tượng trưng, một trăm đồng pêxô cả thảy. Cũng chính vào những ngày này, một người đồng lõa của ông ta lại mua với những điều kiện ấy toàn bộ số ủng chân trái của một chiếc tàu từ Riôacha đến đây. Sau đó họ xếp ủng thành đôi, Lêrenxô ỷ thế mình là thông gia với những người thuộc dòng họ Ucbinô đê la Cadê, đã bán toàn bộ số ủng ấy cho Hải quân với số lãi gấp hai ngàn phần trăm.

Bài báo đăng trên tờ La Huxtixia khi kết thúc còn nói rằng Lêrenxô Đaxa từ bỏ Xăng Hoang đê La Xiênga từ thế kỉ trước không vì để đi tìm một không khí tốt đẹp nhất cho tương lai của cô con gái mình, theo như lời ông ta vẫn thường nói vậy, mà là vì ông ta đã bị người ta phát giác trong việc làm thuốc lá giả rất phát tài bằng cách trộn lẫn sợi thuốc nhập ngoại với sợi giấy được nhuộm nhựa thuốc lá rất khéo mà ngay cả những tay sành sỏi nhất cũng không thể phát hiện được chúng là thuốc rởm. Đồng thời những mối quan hệ với một tổ chức quốc tế bí mật mà hoạt động có hiệu quả nhất ở cuối thế kỉ trước là việc đưa người Tàu từ Panama vào nước ta một cách bất hợp pháp cũng bị phát giác. Ngược lại, chuyện buôn lừa của ông, một việc làm đáng nghi ngờ nhất, lại được coi là hành động cao thượng duy nhất mà ông chưa bao giờ có được.

Khi Phlôrêntinô Arixa rời khỏi giường bất động, lưng vẫn còn bó bột, và lần đầu tiên chống cây gậy ba toong thay cho chiếc ô cánh dơi, thì chuyến đi chơi đầu tiên của ông là chuyến đến thăm Phecmina Đaxa. Ông thấy bà lạ hẳn đi, với sự tàn phế của tuổi tác bày ra trên làn da, với nỗi buồn khủng khiếp khiến bà chẳng muốn sống thêm nữa. Bác sĩ Ucbinô Đaxa, trong hai lần đến thăm Phlôrêntinô Arixa trong lúc ông còn bất động, đã nói với ông về nỗi lo lắng mà hai bài báo đăng trên tờ La Huxtixia đã gây cho mẹ mình. Bài thứ nhất gây cho bà một cơn giận dữ kỳ quái trước tình cảm bạc bẽo của người chồng và sự phản bội của người bạn gái, đến độ bà bỏ thói quen mỗi tháng một ngày chủ nhật đi thăm mộ chồng, bởi vì bài báo đã khiến bà phải hận lòng mà nghĩ rằng ngài nằm trong quan tài không thể nghe được những lời rủa xả mà bà muốn gào thẳng vào mặt ngài: Người ta còn muốn gây sự với cả một người chết đấy. Đối với Lucrêxia đên Rêan, bà đã nhắn người, ai cũng được, nói với bà ta rằng bà ta hãy mãn nguyện với việc từng có ít nhất một người đàn ông giữa bao người khác cùng chung chăn gối trên giường bà ta. Về bài báo nói về Lôrenxô Đaxa thì thật khó mà biết cái gì đã làm cho bà đau khổ hơn, chính bài báo hay là việc phát hiện muộn màng về bản chất đích thực của người cha. Nhưng một trong hai sự kiện ấy, hoặc cả hai, đã đánh quỵ bà, nay chỉ là những sợi râu ngô vàng hoe, và đôi mắt đẹp rực sáng như mắt báo cái của bà nay đã mất đi ánh sáng tươi trẻ hoặc tia sáng giận dữ trước đây. Trong mỗi cử chỉ của bà người ta đều nhận rõ ý nguyện không muốn sống thêm của bà. Lâu lắm rồi bà đã bỏ thói quen hút thuốc lá, dù là hút vụng trong phòng tắm được đóng kín cửa hoặc dưới bất cứ hình thức nào, nhưng lần đầu tiên khi bà hút lại thì bà hút trước công chúng với một sự thích thú không thể kìm được. Thoạt đầu bà còn hút thuốc do tay mình cuốn như bà vẫn thích như vậy, sau đó bà hút thuốc lá thông dụng nhất được bán ở ngoài chợ, vì bây giờ bà không có thời gian và đủ bình tĩnh để cuộn chúng. Một người đàn ông mà không phải là Phlôrêntinô Arixa sẽ hỏi cái gì đã đặt một tương lai buồn trước họ: Một cụ già như ông, đã què chân rồi mà lưng còn bị bó bột và một bà già đang đợi chờ không một hạnh phúc nào hơn là hạnh phúc được chết. Nhưng ông đã không hỏi như vậy. Ông nhóm lại một đốm sáng của niềm tin còn le lói giữa đống đổ vỡ của thảm họa, bởi ông cảm thấy rằng nỗi bất hạnh của Phecmina Đaxa càng làm cho bà đẹp hơn, và lòng căm hằn đối với thế giới xung quanh càng sôi sục trong bà đã trả lại cho bà tính cách quật khởi tuổi hai mươi.

Bà lại được dịp để cảm ơn Phlôrêntinô Arixa, vì ngay sau khi các bài báo nhắm mục đích bôi nhọ kia được đăng trên tờ La Huxtixia, ông đã gửi cho tòa soạn một bức thư mẫu mực nói về trách nhiệm đạo đức của báo chí và thái độ tôn trọng đối với danh dự người khác. Bài báo này không được đăng nhưng tác giả của nó đã gửi bản sao cho tờ báo Thương nghiệp, một tờ báo lâu đời và nghiêm chỉnh hơn cả trong toàn vùng Caribê, và tờ báo này đã trang trọng đăng bức thư của ông ở trang nhất. Ông ký dưới bức thư với bút danh Giuypite. Đó là một bức thư rất có lý, sắc sảo và viết hay đến mức nó được phân phát cho một số nhà văn nổi tiếng của tỉnh. Đó là một lời thắm tình đoàn kết ngay ở giữa trùng khơi nhưng nó được vang vọng tới thật là sâu sắc và xa vời. Phecmina Đaxa biết ngay là ai là tác giả mặc dù không ai nói cho bà biết bởi vì bà nhận ra một số suy tư và ngay cả một câu nói về đạo đức của Phlôrêntinô Arixa vẫn thường nói hoặc viết cho bà. Vậy là bà đón ông với tất cả niềm vui vừa xanh tươi lại trong khung cảnh bừa bộn của ngôi nhà không được thường xuyên dọn dẹp. Đó cũng là thời kỳ Amêrica Vicunha cảm thấy mình cô đơn trong phòng ngủ ở ngôi nhà trên phố Vênhtanat. Đó là một buổi chiều thứ bảy. Trong lúc cô không có ý lục tìm thư từ và hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, cô phát hiện ra những bức thư đánh máy ghi lại những suy tư của Phlôrêntinô Arixa và cả những bức thư viết tay của Phecmina Đaxa để ở trong ngăn kéo không có khóa.

Bác sĩ Ucbinô Đaxa rất hởi lòng hởi dạ trước việc những chuyến đến thăm từng cổ vũ tinh thần người mẹ mình lại được nối lại. Thái độ ấy của bác sĩ hoàn toàn ngược lại với thái độ của Ôphêlia, em gái bác sĩ, người đã từ Tân Ooclêăng trở về trên chuyến tàu chở hoa quả ngay sau khi biết rằng Phecmina Đaxa có quan hệ thân mật với một người đàn ông mà tiếng tăm về đạo đức của người ấy không thuộc loại tốt đẹp nhất. Ngay từ tuần đầu tiên, nỗi lo lắng của Ôphêlia bị khủng hoảng khi bà ta biết mức độ thân mật kiểu gia đình và thái độ đàng hoàng tự chủ mỗi bận ông đến chơi nhà, khi bà ta biết những trò chòng ghẹo và hờn dỗi của những người đang yêu nhau xảy ra trong suốt buổi đến chơi nhiều khi kéo dài tới tận tối mịt. Điều mà đối với bác sĩ Ucbinô Đaxa là một tình thân mật lành mạnh của hai cụ già cô đơn thì đối với Ôphelia Ucbinô bao giờ cũng vậy. Bà ta giống đônha Blăngca, bà nội của mình, đến mức bà ta phải là con gái của bà cụ mới đúng. Cũng như bà nội mình, bà ta là người kiêu ngạo và sống theo những định kiến. Bà ta không đủ khả năng thông cảm với tính chất thiện chân trong sáng của một tình bạn giữa một người đàn ông với một người đàn bà ngay cả khi họ mới năm tuổi, và càng không thể hiểu được tình bạn ấy khi họ đã ngoài tám mươi tuổi. Trong một cuộc tranh cãi nảy lửa với người anh trai của mình, bà ta bảo rằng cái duy nhất còn thiếu để cho Phlôrêntinô Arixa an ủi mẹ mình là ông cùng ngủ với bà cụ trên chiếc giường cô đơn. Bác sĩ Ucbinô Đaxa không đủ sức trơ trẽn để đấu khẩu với cô em gái, bao giờ ông cũng thế, nhưng bà vợ ông với một nhận thức phóng khoáng về tình yêu ở bất cứ lứa tuổi nào đã tham gia câu chuyện giữa hai người. Ôphêlia không giữ nỗi bình tĩnh, phát khùng lên:

– Tình yêu ở lứa tuổi chúng ta đã nực cười rồi, – bà ta gào lên với người chị dâu, – nhưng ở lứa tuổi các cụ, tình yêu là một cái gì đó dơ dáy, dơ dáy như những con lợn ấy.

Bà ta quyết chí đuổi cổ Phlôrêntinô Arixa ra khỏi nhà. Điều đó đã đến tai Phecmina Đaxa. Bà cho gọi Ôphêlia lên phòng ngủ, như lâu nay bà vẫn làm thế, hầu không nghe được câu chuyện giữa hai mẹ con, và bà yêu cầu con gái nhắc lại những lời phỉ báng của mình. Ôphêlia không chịu làm cho không khí bớt căng thẳng đi. Bà ta tin rằng Phlôrêntinô Arixa, mà về tiếng tăm rất xấu xa của ông không ai là không biết, đang theo đuổi một quan hệ mờ ám, một quan hệ phương hại đến danh dự gia đình còn hơn cả những hành động tội ác của Lôrenxô Đaxa, và những chuyện mạo hiểm thơ mộng của bác sĩ Huvênan Ucbinô. Phecmina Đaxa chăm chú nghe con gái mà không nói một lời, mà không hề chớp mắt, nhưng khi nghe xong thì bà là một người khác hẳn; Bà đã trở về với cuộc đời đời thực.

– Điều duy nhất mà ta đau lòng là ta không còn sức lực để nện cho cô mấy roi da vì tội dám hỗn láo, – bà nói với con gái, – nhưng ngay bây giờ cô hãy cút khỏi nhà này và ta thề trước hài cốt mẹ ta rằng trong lúc ta còn sống không bao giờ cô được bước chân tới nhà này.

Không gì có thể làm dịu nhẹ cơn giận đang bốc cháy trong lòng bà. Trong khi đó, Ôphêlia sang ở bên nhà ông anh trai, rồi từ đây qua sứ giả danh dự bà ta chuyển đến Phecmina Đaxa đủ mọi điều để xin lỗi bà mẹ. Nhưng tất thảy đều vô ích. Những suy nghĩ chín chắn của con trai, cả sự khuyên giải của các bà bạn thân nhất cũng không làm cho bà phải nao núng ý chí của mình. Đối với người con dâu, người bà vẫn luôn giữ được sự thông cảm kiểu bình dân, Phecmina Đaxa đã giãi bày tâm sự của mình bằng một thứ ngôn từ cầu kỳ giàu màu sắc của những năm tháng đẹp nhất của đời bà: “Một thế kỷ nay người ta đã làm thất bại cuộc đời của ta với người đàn ông đáng thương kia vì lúc ấy chúng ta còn quá trẻ, và giờ đây họ muốn làm lại điều đó đối với chúng ta vì chúng ta đã quá già rồi mà”. Bà châm điếu thuốc mới từ đầu mẩu điếu thuốc còn đỏ lửa và bà tự tẩy rửa chất độc từng gậm nhấm tâm hồn mình.

– Bọn họ hãy cút đi, – bà nói. – Nếu chúng ta, những bà góa, có một thế mạnh nào đó thì đó là việc chẳng còn một ai ra lệnh cho chúng ta nữa.

Chẳng còn gì để làm, Ôphêlia Ucbinô trở về tân Ôclêăng khi bà ta biết rằng chẳng còn cách nào để có thể xin mẹ thứ lỗi cho. Điều duy nhất mà bà ta đạt được trong sự nhân nhượng của bà mẹ là Phecmina Đaxa chấp nhận lời thỉnh cầu này nhưng không cho bà ta bước chân vào nhà: Bà đã thề trước hài cốt của mẫu thân mình, mà đối với bà nó là thứ duy nhất trong sạch trong những ngày u buồn ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.