Tôi tự học

Đ. BIẾT TỔ CHỨC SỰ HIỂU BIẾT CỦA MÌNH



Người học thức không chỉ là người học nhiều mà thôi, mà là người đã “tiêu hóa” được cái học của mình, vì đã biết tổ chức những tài liệu mà mình đã thu thập thành một cái biết có cơ sở vững vàng và rộng rãi. Tổ chức sự hiểu biết của mình không phải là đem nó gò bó vào một hệ thống tư tưởng nào. Đừng học theo thói các nhà có óc câu nệ: bất cứ sự kiện nào cũng đều đem sắp vào một hệ thống tư tưởng mà mình đã tôn thờ.

Người có một trình độ văn hóa cao là người có một đầu óc rộng rãi, một tâm hồn khoáng đạt, không bao giờ chịu giam mình trong một học thuyết hay một chủ nghĩa nào. Họ biết rằng trong đời còn biết bao là điều hay chuyện lạ khác ngoài cái triết học mà họ tôn sùng. Vòng chân trời to rộng của sự hiểu biết của họ cứu họ thoát khỏi cái nhìn thiển cận và nô lệ của tâm hồn. Kẻ có một trình độ văn hóa cao rộng là người có rất nhiều bậc thầy nhưng không nô lệ một ông thầy nào cả . Nhờ đọc Epictete mà họ thoát khỏi ảnh hưởng của Montaigne, cũng như nhờ đọc Montaigne mà họ thoát khỏi Epictete. Nhờ đọc Lão Trang mà họ thoát khỏi Khổng Mạnh, nhờ đọc Vương Dương Minh mà họ thoát khỏi cái học của Tống Nho.

Tóm lại, nhờ họ có rất nhiều “Thầy” nên họ không lệ thuộc một ai cả. Họ nhờ đó mà biết quan sát một cách không thiên kiến, biết nhìn lạic các vấn đề quan trọng bằng những nhãn quan khác nhau, biết kiểm lại tư tưởng và những thành kiến của mình với cặp mắt luôn luôn mới mẻ. Họ không bao giờ có những định kiến không thay đổi nghĩa là họ có óc “hoài nghi triết lí” thỉnh thoảng biết đặt lại những vấn đề mà họ thiết tha tin tưởng nhất. Một bậc “thức giả” xứng đáng với cái danh từ tốt đẹp ấy sở dĩ khác kẻ tầm thường trong đời chỉ vì một đàng thì có những phản ứng cực kì uyển chuyển tùy nghi thích ứng, còn một đàng thì chỉ có những phản ứng hạn định một chiều mà bất cứ một ai để ý quan sát đều có thể đoán trước được. Họ là kẻ biết rõ cái đạo “tiến thoái tồn vong”, nghĩa là kẻ biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên thối, lúc phải giữ cho còn, lúc phải làm cho mất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.