Tôi tự học

H. ÓC THÁN THƯỞNG



Aristote nói: “Tất cả mọi người đều ao ước được có nhiều hiểu biết. Nhưng muốn hiểu biết, điều kiện đầu tiên là phải biết nhìn đời với cặp mắt của đứa trẻ thơ: cái gì cũng mới là và làm cho ta ngạc nhiên được cả.”
Biết ngạc nhiên biết nhìn đời bằng một cặp mắt mới lạ, giúp cho Newton tìm ra cái lực “vũ trụ hấp dẫn” trong khi ông nhìn thấy quả “bôm” rụng. Denis Papin tìm ra sức mạnh của hơi nước cũng chỉ vì biết nhìn với cặp mắt ngạc nhiên bình nước sôi…mà ai ai cũng thường thấy hàng ngày.
Sự quen thuộc thường làm cho ta không nhận thấy đặng những cái hay, cái đẹp của chỗ ta ở hàng ngày. Người ngoại bang đến xứ ta, thấy bao nhiêu là việc lạ mà chính ta không dè. Hãy biết phản ứng ngay với những thái độ tiêu cực ấy: phải biết xem xét chung quanh ta với cặp mắt của người xứ lạ. Ta sẽ thấy đời ta đổi khác với nhiều tư tưởng bất ngờ mà xưa nay ta chưa từng nghĩ đến. Nhà văn Lamennais có nói: “Tất cả mọi người đều biết nhìn cái tôi đã nhìn, nhưng họ không thấy được cái chỗ tôi thấy”.
Đừng để trong trí rằng dưới đời không còn có gì mới lạ và cái gọi là mới lạ, chỉ là những gì người khác đã nhận thấy và đã nói ra rồi.
Ta phải tập nhìn đời với một cặp mắt mới mẻ, với giác quan tinh tế của một kẻ đau liệt trên giường bệnh vừa mới khỏi, bắt đầu tiếp xúc với ánh sáng và không khí bên ngoài…
Nói thì có hơi như nguỵ biện, nhưng sự thật cần phải quả quyết rằng cái đức đầu tiên của óc thông minh là phải có cảm giác mình không hiểu biết gì cả. Một bộ óc “thông minh” mà việc gì cũng cảm thấy không có gì lạ cả, một bộ óc tê liệt, bệnh hoạn, không còn cơ phát triển gì được nữa. Đức Khổng Tử có ý bất mãn về Nhan Hồi khi Ngài nói: “Hồi không dạy được ta gì cả. Ta nói ra điều gì, nó hiểu liền và không ham cật vấn”.
Jules Lemaitre cũng nói: “Đứa học trò hay nhất của tôi là đức không đồng ý với ý kiến với tôi”. Và đức học trò giỏi hơn nữa, có lẽ sẽ là đứa biết rõ ràng nó không hiểu gì cả. Phần đông, ta thường có cái khuynh hướng hay tưởng tượng rằng mình đã hiểu rõ rồi, nhưng khi bị bắt buộc phải giảng giải ra thì mình mới nhận thấy mình mới chỉ nhận thức một cách rất lờ mờ…Phải chăng ta thường thấy có quá nhiều kẻ quá hoạt bát, quá thông minh nhưng kỳ thật chỉ là những đầu óc thiển cận và chỉ bừng sáng lên như ngọn lửa rơm; trái lại, có nhiều kẻ mới xem thì lù đù mà tư tưởng lại uyên thâm…Họ hiểu chậm, nhưng đến khi hiểu thì hiểu một cách sâu sắc thâm trầm. Là tại sao? Nhờ họ không xem thường một việc nhỏ nhặt nào cả. Nhân đó ta có thể phân biệt rõ ràng kẻ nào biết tư tưởng với kẻ không có tư tưởng gì cả. Trước một sự kiện huyền bí, kẻ không tư tưởng quả quyết là không có gì lạ mà không hiểu. Trái lại, dù là đứng trước một sự kiện hiển nhiên, kẻ biết tư tưởng vẫn e dè và tự bảo: “Tôi cũng chưa hiểu rõ là cái gì cả!” Và chính đây mới là chỗ sâu sắc nhất của lời nói nầy: “Điều mà tôi biết rõ hơn hết, là tôi không biết gì cả.”
Cũng chính Socrate đã nói: “Không có sự dốt nát nào nhục nhã bằng tin tưởng rằng mình đã hiểu những gì mình không hiểu.”
Phải chăng bước đầu tiên của tư tưởng là phải dám đặt nghi vấn trước những vấn đề mà người người đều xem thường hay tin tưởng là mình đã hiểu rồi.
Một văn hào Pháp, Charles Péguy, có nói: “Trong đời ta, ít ra cũng phải có một lần đặt lại và kiểm soát lại những tư tưởng của ta”, nhứt là những tư tưởng mà ta thích nhất và tín ngưỡng nhất.
Chỉ có những người tự đắc và nông nổi mới dám quả quyết: “Đời đục cả, một mình ta trong. Đời say cả, một mình ta tỉnh”. Tự mãn trong sự hiểu biết của mình và tin tưởng rằng không còn có gì phải suy xét lại nữa là tự huỷ hoại con đường tiến thủ tinh thần ta rồi.
Vì vậy, theo thiền ý, một trong những mật pháp của một nền giáo dục sâu sắc không gì bằng tập cho thanh thiếu niên sớm biết được cái nghệ thuật thán thưởng.
Platon có nói: “Biết ngạc nhiên, đó là nguyên nhân của triết học”.
Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, sở dĩ có thể xem là một quyển sách hay về tư tưởng, không phải vì nó đã giải quyết sẵn cho ta một vài quan niệm về cuộc đời, mà chỉ vì nó đã đặt thêm cho ta nhiều vấn đề mà hiện thời ta chưa rõ phải giải quyết ra sao cả. Tiểu thuyết mà hay không phải những loại tiểu thuyết có luận đề, trong đó người ta cố nặn bóp thế nào cho mọi sự kiện đều đi về một chiểu, một hướng như Lục Vân Tiên chẳng hạn. Tiểu thuyết của André Gide sở dĩ đã làm chấn động dư luận thế giới, tựu trung đã nhờ sự biết đặt những nghi vấn và tác giả đã biết nhường cho độc giả cái phần sáng tạo thêm là tìm hiểu lấy những nghi vấn ấy, chứ tự tác giả không bao giờ giải quyết sẵn cho. Cũng như đọc Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, đố ai biết được dụng ý của pho truyện này là để chứng minh quan niệm gì? Lối viết truyện này, tức cũng là lối viết truyện của André Gide ngày nay vậy.
Giờ đây, chúng ta thử bàn qua những phương pháp đào tạo óc thán thưởng.
Có hai cách thán thưởng: tiêu cực và tích cực.
Thán thưởng tiêu cực là biết ngạc nhiên, biết thán thưởng một cách tự nhiên không cần cố gắng gì cả. Tức là trường hợp của những người ở đồng quê vắng vẻ và lần đầu tiên lên đến đô thành đồ sộ nguy nga và vô cùng náo nhiệt. Họ nghĩ ngợi, họ bị bắt phải suy nghĩ và có những cảm tưởng lạ lùng. Là nhờ nơi đâu? Nhờ nơi sự so sánh và sự tương phản giữa hai hoàn cảnh khác nhau.
Chân lý là gì? Phải chăng chân lý là sự đối chọi và so sánh những chân lý tương đối khác nhau? Phải có một sự khác nhau mới làm cho ta để ý và suy nghĩ. Chính nhờ có bóng tối mới làm nổi bật được ánh sáng. Có sống trong nô lệ người ta mới biết nghĩ đến giá trị của tự do mà tiếc uổng.
Tóm lại, người ta mà có biết suy nghĩ, phần nhiều là nhờ có sự tương phản của hoàn cảnh gây nên. Sự có mặt của một sự vật nào mãi mãi bên ta sẽ gây thành thói quen. Thói quen sẽ làm nhụt cả cảm giác của ta đối với sự vật ấy. Bởi vậy, có một nhà văn đã nói: “Ta sống nhờ ngó đàng trước, ta hiểu nhờ ngó lại sau, ta cảm nhờ có sự vắng mặt”. Hay thay! Cái gì “đã đi qua” mà còn trở lại sẽ làm cho ta sung sướng không biết chừng nào!
Ngày mà ta thấy thâm cảm được mối tình sâu nặng của cha mẹ ta, chính là ngày mà hình bóng ấy đã vắng bặt trên cõi đời. Khi mà ta nếm được hương vị thần tiên của tình yêu thâm trầm ấy, chính là ngày mà ta cảm thấy đã quá muộn màng không còn phương gì để đền ơn đáp nghĩa nữa.
Và vì thế mà sự vắng mặt giúp cho chúng ta suy gẫm nhiều, đồng thời nó cũng là món ăn tinh thần cho những tâm hồn đa cảm. Xa nhau thường là mối dây thiêng liêng ràng buộc tình cảm càng thêm bền chặt. Sự sống chung đụng hằng ngày dễ làm cho ta nhàm chán và xem thường. Cho nên một trong những phương pháp nuôi dưỡng tình yêu là thỉnh thoảng nên xa nhau để cho tình thương càng thêm nung nấu.
Tóm lại, phương pháp giúp cho ta có nhiều sáng kiến và suy tưởng là phương pháp đối chiếu, phép dùng mâu thuẫn. Và những hình ảnh do đỗi chiếu mà ra.

Giờ thử bàn đến phương pháp tích cực để kích thích óc thán tưởng, tức là đặt vấn đề, đặt những câu hỏi, để mà “tiên đoán” hay dự đoán những gì ta sắp đọc, sắp nghe…
Rất có thể mình dự đoán sai. Nhưng cái đó không mấy cầu. Chính cái chỗ khác nhau giữa sự thực với việc ta dự đoán mới là điều quan trọng: nó kích thích óc tò mò và làm cho ta nhớ thật dai, đồng thời bắt ta suy nghĩ và làm óc giàu sáng kiến. Thiết tưởng những giáo sư dạy sử cũng nên dùng đến phương pháp này để dạy học trò, chắc sẽ linh động lắm. Khi ta trình bày những sự kiện lịch sử, đến khi kết cuộc ta nên dừng lại và “đố” học sinh phải tìm lấy…Học sinh có thể đoán lầm…và phần nhiều hay đoán lầm…là vì sự đời nhiều khi rất vô lý. Sự xảy đến thường lại không xảy đến như lòng ta sở nguyện: “nhơn nguyện như thử, thiên lý vị thiên”!
Chính đây cũng là phương pháp dạy học trò của Socrate hay của Khổng Tử: biết đặt câu hỏi là cả một nghệ thuật của phép dạy dỗ, làm kích thích tư tưởng.
Có người đề nghị phép học nên gồm trong câu châm ngôn nầy thôi: “Nếu muốn học “thấy” hãy “bịt” mắt lại mà tưởng tưởng trước bằng một viễn tưởng trong tâm hồn”; nếu muốn học “nghe” hãy “bịt tai lại”; nếu muốn học cách “đọc sách”, hãy “xếp sách lại mà phỏng đoán trước những gì ta sắp đọc”…đó là để mà lóng nghe cái tiếng dội của tâm hồn. Platon nói rất sâu sắc: “Hiểu biết, thực ra, là một sự nhận ra những gì ta đã biết”. Nghĩa là, cái thật biết là cái biết do mình đã tìm ra. Ta chỉ thấy được những gì ta đã thấy. Ta chỉ thích được những gì ta đã thích. Có đồng mới có ứng, không đồng không ứng. Đọc sách mà biết hay chẳng qua vì nó là tiếng dội của lòng mình. Những ý tưởng mà ta đã nghĩ qua, những tình cảm mà ta đã trải qua, nhưng vì không được hàm dưỡng đúng mực nên đã giống như ngọn lửa than âm ỉ trong đáy lòng, nay bỗng gặp được ngọn gió thổi lòng nên nó bừng lên mà cháy lại. Thực ra, chỉ có “đồng thinh” mới “tương ứng”, “đồng khí” mới “tương cầu”.
Những văn gia đại tài thường là những kẻ biết khêu gợi và làm sống lại những tư tưởng ấp ủ trong lòng người. Họ là những kẻ khéo gieo vào lòng người những câu hỏi, những thắc mắc, những hoang mang, những nghi vấn…Họ là những kẻ biết “thổi” vào lòng người ngọn gió “hoài nghi”, một thứ hoài nghi triết lý mà André Gide gọi là “hoài nghi phá hoại” làm nghiêng ngửa tất cả lâu đài tư tưởng mà vì tánh lười biếng người ta đã âm thầm xây dựng trên những thành kiến lâu đời…Có thể nói họ là những nhà đại cách mạng và cứu thoát tâm hồn con người ra khỏi gông xiềng của những tư tưởng hẹp hòi lâu nay đã giam hãm con người trong những giá trị sai lầm, không động. Thích Ca, Lão Tử hay Jesus phải chăng là những nhà đại cách mạng của nhân loại vì họ đã dám phá tan những ảo vọng của con người. Họ là những người làm thức tỉnh chứ không phải là người làm ru ngủ nhân loại bằng cách “gãi chỗ ngứa” của quần chúng.
Và vì thế mà họ thường là những kẻ bị kẻ đồng thời đối đãi một cách có khi hằn học hay lạnh lùng…nếu họ không bị đem lên cây Thập ác mà hành hình như Đức Datô. Trái lại, một Francoise Sagan, một James Deans…lại được phần đông thanh niên sùng bái như một vị thần. Đó là chỗ phân biệt những bậc vĩ nhân, thứ chân và thứ giả.

Phương pháp này chẳng những rất hiệu nghiệm trong khi đọc sách, mà nó cũng rất thực dụng trong khi đi nghe diễn thuyết, đi xưm bảo tàng viện hay các cuộc triển lãm hoặc đi xem xi nê hay diễn kịch. Nó cũng là phép dùng ức thuyết của các nhà bác học, y sĩ hay các nhà mật thám đại tài (Xem lại quyển “Óc sáng suốt” cùng một tác giả)
Cũng còn có nhiều cách để kích thích óc thán thưởng và sự ngạc nhiên là thường nên lân la với người có những quan niệm về cuộc đời khác ta, hoặc chống đối lại ta. Đọc sách cũng nên đọc những sách có những chiều tư tưởng nghịch lại với ta. Kẻ đồng chí với ta là bạn ta, mà kẻ thù của ta thường là “thầy” của ta, nếu ta biết lợi dụng sự chống báng của họ để kiểm điểm lại những sai lầm thiếu sót và nghiên cứu lại cho thật kỹ hơn những lý thuyết hay quan niệm về nhân mạng mà ta hằng ngày hằng sùng bái để nó càng ngày càng thêm khởi sắc. Chính đây là ý nghĩ thâm trầm của câu nói Jules Lemai re mà tôi đã nhắc trước đây: “Đứa học trò hay nhất của tôi là đứa không đồng ý với tôi”.
Những người còn trẻ tuổi nên lân la những bậc trưởng thượng, những kẻ đã từng trải cuộc đời để nghe họ nói chuyện. Họ là những người không còn dục vọng sôi nổi của tuổi trẻ, đã có nhiều kinh nghiệm và cuộc đời sẽ có nhiều bình tĩnh hơn. Tóm lại, kẻ lớn tuổi cũng cần gần gũi thanh niên để khỏi bị tê liệt tinh thần; còn thanh thiếu niên cũng nên gần gũi với người già; họ không còn quyền lợi gì để lừa dối ta nữa. Đương lứa với nhau, vì sự tranh đua với nhau mới có sự lừa dối nhau, chử kẻ không còn tranh hơn tranh kém với mình, họ đâu có lợi gì để lừa bịp mình nữa! Sự va chạm giữa hai thế hệ là một nguồn kích thích tư tưởng rất lợi ích cho hai đàng.
Lại nữa, cũng nên cố gắng mà trả lời một cách thành thật và đúng đắn những câu hỏi đột ngột của trẻ thơ. Con trẻ thường giữ được sự thán thưởng tự nhiên: đối với chúng thảy đều là những hiện trạng bất thường…Chúng thường có những câu hỏi bất ngờ nhưng đầy ý vị sâu xa, mà phần đông người lớn không sao trả lời cho xuôi được. Nhưng thường lại là những câu hỏi đầy ý nghĩa của triết học nếu ta biết để ý đến. Đừng bỏ qua mà la rầy đàn áp chúng, như chúng ta thường có thói quen khinh thường chúng.

Có đứa trẻ nọ hỏi cha nó: “Tại sao Trời không giết những loài ma quỷ hại người, thì làm sao người ta còn phải khổ nữa?” Phải chăng là một câu hỏi thuộc về triết lý, một câu hỏi thuộc về vấn đề Thiện ác? (16)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.