Tôi tự học

A. HỌC VIẾT VĂN



Đào luyện nhãn thức, phương pháp muôn đời là tập làm văn.

Thật vậy, làm văn hay tức là tư tưởng đúng đắn mực thước, tức là biết phân tích tinh tế tình cảm của mình, tức là biết dùng danh từ đúng với tình ý và tư tưởng của mình, nghĩa là biết so sánh, cân nhắc, biết d ùng những câu văn sáng sủa mà hàm súc, gọn gàng và bóng bẩy, chứ không phải như những kẻ cầu kì phiền phức, dùng toàn sáo ngữ mà không nói được  một ý nghĩ gì tân kì. Viết được một bài văn hay tức là mình đã đào luyện cho mình được  cái khiếu biết điều hòa và mực độ, biết lợi dụng những phương tiện nghệ thuật để biểu diễn tư tưởng tình cảm mình, một cách nhẹ nhàng.

Người ta bảo, ngoài phép viết văn, c ũng còn rất nhiều nghệ thuật khác có thể giúp ta đào luyện nhãn thức như vẽ, họa, nhạc v.v… Nhưng, nghệ thuật viết văn có tính cách thực  dụng hơn. Nhạc, thì ta có thể cảm được hay không cảm được, nhưng nói ra được cái cảm của mình thật là khó mà thực hiện cho rõ ràng được. Một bài văn hay, xem qua có thể biết liền và ta có thể nói ra được cảm tưởng của mình, người dạy cũng có thể giảng ra được cái hay của nó.

*

*   *

Làm cách nào để tập viết văn?

Trước hết cần phải viết cho thường. Người ta bảo: Có thường rèn giũa mới thành anh thợ rèn giỏi. Có thường viết, người viết văn mới thành nhà văn.

Dĩ nhiên là khi làm văn, ta phải có óc phê bình tối thiểu về nghệ thuật viết văn để khỏi phải sa vào lối viết văn tầm thường của những nhà văn hạng rẻ tiền, chỉ viết bừa bãi mà không biết mình muốn nói gì. Dĩ nhiên là cũng phải có một học vấn tối thiểu về nghệ thuật viết văn, phải biết cách lựa chọn tài liệu, sắp đặt ý tứ, trình bày hấp dẫn, kết luật tân kỳ.

Về nghệ thuật viết văn, sách Việt dường như chưa có quyển nào đầy đủ đáng kể ngoài bộ Luyện văn của Nguyễn Hiến Lê. Thuật viết văn của Nguyễn Văn Hầu, do Cơ sở Báo chí Tự Do xuất bản thì quá đơn giản và chỉ dùng cho học sinh cỡ Trung học thôi. Sách Pháp ngữ thì nên đọc bộ L’Art d’Écrire enseigné en 20 leçons, La Formation du Style Le Travail du Style enseigné par les corrections manuscrites des grands écrivains, của Anto ine Albalat, quyển L’Art de la Prose, Conseils sur l’Art d’Écrire của Gustave Lanson, quyển L’Apprentissage de l’Art d’Écrire của Jules Payot. Quyển này thật hay.

*

*    *

Có một nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm bên Pháp dung đến phương pháp này để tập viết văn. Mỗi tối, một người trong nhóm đọc lớn lên một bức thư của nhà đại văn hào Voltaire, mà mỗi người, qua ngày sau phải viết lại bức thư ấy. Dĩ nhiên, là mỗi người mỗi viết một cách. Tuy nhiên, khi nghe đọc văn của Voltaire, một lối văn cực kì giản dị, sáng sủa thì không một ai là không nghĩ rằng có khó gì mà không viết được những điều dễ dàng và tầm thường như thế! Nhưng khi cầm bút viết lại, họ mới cảm thấy khó khăn vất vả. Ý tưởng mất lần sự tế nhị, giọng mỉa mai lại mất sự nhẹ nhàng… Có nhiều bài đầy dẫy chi tiết nặng nề và phải viết có trên mười hàng trong khi Voltaire chỉ viết vắn tắt có ba hàng. Bấy giờ đem đọ lại với nguyên văn, mỗi người mỗi thấy những lỗi vụng về của mình, bấy giờ mới hiểu biết thế nào là văn hay và gọn ghẽ. Chừng ấy mỗi người mới biết rằng lối văn mà ta thường gọi là văn dễ dàng giản dị đâu phải là lối văn dễ viết. (3)

*

*    *

Đó là phép làm văn bằng cách theo gương  mẫu các đại văn hào. Cần phải tập viết lối văn  tự nhiên mà hàm súc, giản dị và nhẹ nhàng, chứ đừng bắt chước lối văn tăm tối, cầu kì, đa đoan gút mắt. Văn luận thì cần phải có dụ có luận xen nhau thì văn mới được linh hoạt.

Văn là người. Người mà tâm hồn chất phác thật thà thì văn cũng chất phát thật thà. Tư tưởng mà được hàm dưỡng, thì lời văn hàm súc sâu xa. Cho nên học làm văn, cần phải học làm người trước.

Viết văn hay rất khó và không phải ai cũng làm được, nhưng viết văn đừng cho dở lắm thì ai ai cũng có thể làm được cả, miễn mình biết tránh lối viết bằng sáo ngữ và biết nói thẳng những gì mình đã nghiền ngẫm lâu ngày.

Chú thích:

24. Xem quyển « Để Thành Nhà Văn » cùng tác giả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.