Trang Nhật Ký Đẫm Máu

CHƯƠNG 15



Điều cốt yếu của chương trình này là “an toàn”, Lacey nhớ lại khi bắt đầu viết một lá thư cho mẹ cô. Mình phải nói gì đây? Không thể nào nói về thời tiết được rồi. Nếu như mình đề cập là nó lạnh âm ba mươi độ và tuyết rơi tạo thành một bề dày kỷ lục là bảy mươi lăm phân, người ra sẽ biết ngay là mình đang ở tại bang Minnesota. Đó là loại thông tin mà mình phải tránh.
Mình cũng không thể nào kể về công việc làm của mình được chỉ đơn giản là vì mình chưa có. Mình có thể viết về tờ khai sinh và thẻ an ninh xã hội giả mạo mà họ mới gởi đến cho mình và ý định mình sẽ kiếm một việc làm nào đó. Mình nghĩ là có thể nói đến cái bằng lái xe và người cố vấn, một sĩ quan cảnh sát liên bang, đã đưa mình đi mua một chiếc xe hơi đã dùng rồi. Chính chương trình này thanh toán cho mình đấy. Có tuyệt vời không chứ? Đường nhiên là mình không thể cho biết tên ông ta là Geogrge Swenson, kể cả việc thông báo là mình có một chiếc Bronco màu rượu chát, đã ba năm tuổi.
Vì thế cô viết như sau:
“Người cố vấn của con thật dễ mến, ông ấy có ba cô con gái”.
Không, bỏ phần sau đi, nó quá chi tiết.
Người cố vấn của con thật dễ mến và hết sức nhẫn nại. Ông ấy đẫ đi với con mua tủ cho phòng khách.
Quá chính xác. Phải viết là căn hộ hơn là phòng khách.
Nhưng mẹ hiểu con mà. Con không muốn một bộ tương xứng với nhau, vì thế ông ấy dẫn con đến một tiệm cầm đồ và con tìm được tại đó nhiều món đã qua sử dụng khá đẹp, mang nhiều nét quyến rũ. Tuy nhiên con vẫn nhớ căn hộ của con. Con nhờ mẹ nói lại với anh Jay là con biết ơn anh ấy về việc anh ấy thanh toán các chi phí giùm cho con.
Như thế cũng khá cẩn thận rồi, Lacey nhận xét và khi mình biết ơn Jay là một chuyện đúng sự thật. Cô thề là sẽ thanh toán lại toàn bộ các chi phí đó.
Cô được phép điện thoại về nhà một lần trong tuần trên một đường dây đặc biệt. Trong lần điện cuối cùng, lúc cô nói chuyện với mẹ mình, cô nghe tiếng được tiếng mất của Jay hòa vào, bảo Kit hãy sửa soạn cho mau lên. Hiển nhiên là việc gọi điện vào một giờ nhất định là một chuyện hết sức khó chịu, đành vậy chứ biết sao bây giờ, ngoài ra không ai gọi cho cô được hết.
Hình như mấy đứa nhỏ đã vui đùa thỏa thích trong dịp hè và con rất mừng là Bonnie đã khỏe mạnh trở lại. Có vẻ như bọn con trai đã tận hưởng dịp đi trượt tuyết ở miền núi. Mẹ hãy nói con sẽ chơi trò lướt sóng với bọn chúng một khi con về đó.
Mẹ phải chăm lo cho sức khỏe của mình nghe. Con nghĩ là Alex và mẹ rất hợp với nhau đấy. Mẹ đừng bận tâm khi đôi lúc ông ấy làm cho mẹ bực mình. Con tin chắc ông ấy là một người tốt và con không bao giờ quên sự nhiệt tình của ông ấy trong đêm mà Bonnie bị thương.
Con yêu mọi người nhiều lắm. Cầu mong cảnh sát sớm tìm ra được kẻ đã giết Isabelle Waring, cho hắn chịu hợp tác với công lý để cho con có thể rời khỏi nơi đây”.
Lacey ký tên, xếp giấy lại và bỏ vào một phong bì. Swenson sẽ chuyển nó đi bằng đường dây an toàn. Viết thơ cho mẹ cô và Kit, nói chuyện với họ trên điện thoại, làm cho Lacey thoát khỏi cảnh bị cô lập, nhưng một khi cuộc nói chuyện đã chấm dứt và cái thư được gởi rồi,sự chán nản tiếp theo sau cùng còn kinh khủng hơn nhiều.
“Coi kìa, mày đừng có than thân trách phận như thế chứ! – Cô tự trách mình. – Nó không mang lại ích lợi nào hết và cảm ơn Chúa là các lễ lạt đã chấm dứt rồi”. Ở đây đó là những gì cô lo sợ hơn hết, cô nói lớn tiếng cho chính mình. Bây giờ cô hay có thói quen nói chuyện lớn tiếng một mình.
Để phá tan cảnh buồn tẻ của đêm Noel, cô đã đi lễ đêm tại Saint-Olav, cái nhà thờ mang tên vị vua hiếu chiến của xứ Na-Uy, sau đó ăn tối tại khách sạn Northastar.
Trong buổi lễ, lúc dàn đồng ca cất tiếng hát bài Adelis fidelis, cô đã rưng rưng nước mắt khi nhớ lại đêm Noel vừa rồi cô đã trải qua cùng cha cô. Họ đã cùng nhau dự lễ đêm tại Saint-Malachy trong khu vực các nhà hát tại Manhattan. Mẹ cô luôn tuyên bố jack Farrell sẽ là một diễn viên nổi tiếng nếu như ông chọn cái nghề đó hơn là thành một nhạc sĩ. Ông ấy có một giọng tuyệt vời. Lacey nhớ lại đêm đó cô đã lặng thinh chỉ cốt để nghe được cái âm sắc trong trẻo của ông ấy và sự hăng say mà ông ấy đã biểu lộ trong bài hát Noel.
Sau cùng ông ấy đã nói:
– Ồ Lacey à, có một cái gì đó hết sức độc đáo trong cái ngôn ngữ La-tinh đó, con có nghĩ như thế không?
Trong bữa ăn đơn độc của mình, mắt cô lại ứa lệ khi nghĩ đến mẹ mình, đến Kit và Jay cùng mấy đứa nhỏ. Mẹ và cô thường ăn mừng lễ Noel tại nhà của Kit và khi đến họ mang theo rất nhiều quà cho mấy đứa trẻ mà “ông Già Noel” đã gởi cho bọn chúng.
Khi lên mười tuổi, Andy và ngay cả Todd vẫn còn tin vào điều đó. Nhưng Bonnie, khi mới có bốn tuổi đã biết sự thật của nhiều chuyện. Lacey đã gởi quà cho tất cả gia đình qua hệ thống an ninh, nhưng dĩ nhiên điều đó không thể nào thay thế được niềm hạnh phúc khi có mặt tại đó.
Trong lúc giả vờ thưởng thức bữa ăn tại Northstar, cô hình dung lại cái bàn ăn do Kit bày biện, chùm đèn treo Waterford phản chiếu lại ánh sáng lung linh qua chất thủy tinh của thành Venise.
“Mày có thôi nghĩ đến các kỷ niệm được không?” Một lần nữa Lacey tự khiển trách mình. Cô cất cái bao thư trong ngăn tủ và lấy bản sao cuốn nhật ký của Heather Landi ra đọc.
Isabelle muốn mình tìm ra một cái gì đó? Nhưng cái gì mới được chứ? Cô đã đọc đi đọc lại nhiều đến mức cô có thể thuộc lòng từng chữ một.
Vài điều được ghi rất cận với nhau, một hoặc vài ba ngày. Vài điều khác cách nhau cả tuần lễ, một tháng, đôi khi đến sáu tuần. Toàn bộ cuốn nhật ký này trải dài suốt bốn năm mà Heather đã sống tại New York. Cô tả thật chi tiết việc cô tìm kiếm một chỗ ở, việc nài nỉ của bố cô yêu cầu cô phải trú ngụ trong một khu yên tĩnh của khu East Side. Cô thì thích khi West Side hơn, như cô đã viết trong đó “Nó ít giả tạo nhưng lại sống động hơn”.
Cô ta nói về các buổi hòa nhạc của mình, đến các buổi tập dượt và vai diễn đầu tiên tại New York – một sẹ diễn lại vở The Boy Friend tại nhà hát Equity. Đoạn này làm cho Lacey phải mỉm cười. Heather kết thúc bằng câu “Julie Andrews hãy tránh qua một bên để nhường chỗ cho Heather Landi!”
Cô ta kể thật chi tiết các vở kịch mà cô ta đã xem qua, các phân tích về cách dàn dựng, phong cách thật thích hợp và đầy tài năng của các diễn viên. Cô ta kể cũng không kém phần sôi nổi các buổi tiệc mà cô tỏ ra quá ấu trĩ. Lacey có cảm tưởng Heather đã được người bố và cả bà mẹ nuông chiều quá mức, cho đến ngày mà sau hai năm đại học, cô đến ở New York để cố tìm cho mình một nghề trong làng kịch nghệ.
Đương nhiên là cô ta rất thân thiết với bố mẹ cô ta vì tất cả những gì cô viết về họ đều hết sức nhiệt tình và đậm nét thương yêu, dù đôi khi cô ta phàn nàn là chỉ cốt làm cho bố cô hài lòng mà thôi.
Có một đoạn mà lúc mới đọc đã làm cho Lacey phải thắc mắc:
Ngày hôm nay bố đã nổi trận lôi định với các người bếp trưởng. Tôi chưa bao giờ thấy ông trong tình trạng như thế. Người bếp trưởng khốn khổ đã khóc sướt mướt. Bây giờ tôi mới hiểu những gì mẹ tôi bảo phải đề phòng các cơn giận dữ của ông và khuyên tôi phải suy nghĩ kỹ trước khi báo cho ông ấy biết là tôi không thích sống trong khu East Side. Ông ấy sẽ giết tôi mất nếu như ông biết được mình hoàn toàn có lý. Ồ trời ơi, sao tôi có thể ngu đến như thế!
 
Vì lý do gì mà Heather lại có lời nhận xét đó? Lacey tự hỏi. Có thể nó không quan trọng cho lắm. Dù gì thì nó cũng đã xảy ra bốn năm trước ngày cô ấy bị giết chết và đó là lần duy nhất mà cô ấy đề cập đến việc này.
Khi đọc đến đoạn cuối của cuốn nhật ký, rõ ràng là một điều gì đó làm cho Heather phải lo âu. Đôi ba lần cô có nhắc đến việc cô kẹt “giữa cái đe và cái búa”, ghi thêm “Tôi không biết phải làm gì đây”. Khác hẳn với các năm trước, các năm sau cùng được kể lại trên trang giấy không kẻ hàng.
Các lời nhận xét này không rõ ràng cho lắm nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã làm cho Isabelle Waring phải thắc mắc.
Ngoài ra, chúng có một mối liên quan nào đó với công việc của cô ấy, đến một người bạn trai hay bất cứ một điều gì đó, Lacey kết luận. Lòng bối rối, cô cất cuốn nhật ký vào trong ngăn tủ. Trời ạ, có phải tôi đang bị kẹt giữa cái đe và búa không đây?
“Vì có một người nào đó muốn giết chết mày!”, một giọng thì thầm trong đầu cô.
Lacey khóa tủ lại. Thôi đủ rồi!
Một tách trà nóng thật sự thích hợp vào lúc này, cô quyết định, hy vọng sẽ làm tan biến cái cảm giác khó chịu của nỗi cô đơn và sợ hãi đang xâm chiếm lấy người cô.
Cô bật nút radio và thường cô hay chọn một đài có âm nhạc, nhưng cái máy này được điều chỉnh trên các luồng sóng ngắn và một giọng nói phát ra: “Xin chào, tôi là Tom Lynch, người khách của quý vị trên đài WCIV trong bốn giờ tới đây”.
Tom Lynch!
Lacey giật nẩy mình, nỗi buồn nhớ nhà bất ngờ biến mất. Cô nhớ thật rõ tất cả những tên được ghi trong cuốn nhật ký của Heather và một trong số đó là Tom Lynch, người giới thiệu chương trình của một đài phát thanh địa phương, người mà Heather dường như đã để ý một lúc nào đó trong đời mình.
Có phải đây đúng là người đó không? Nếu như phải thì người này có thể cho cô biết một vài điều về Heather.
Đây là một đầu mối mà mình phải theo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.