Trật Tự Vũ Trụ

1. NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ DÒNG CHẢY CỦA SỰ SỐNG



Dòng chảy của sự sống này (thế gian này, cuộc đời này) không phải là một dòng sông tràn trề, nó kéo dài, trải rộng bao la không thấy bến bờ. Có rất nhiều hòn đảo, tảng đávới tên gọi “cuộc đời” trôi nổi trên dòng sông này. Có rất nhiều cuộc đời khác nhau. Dòng sông thì quá đỗi rộng lớn, không có điểm dừng. Những hòn đảo, tảng đá, đất nước trong đó thì cứ luôn bị cuốn trôi mãi mãi. Vì vậy, nếu quan sát từ vị trí của những hòn đảo hay tảng đá thì dòng sông không có vẻ gì là đang trôi cả. Nhưng thực chất nó đang trôi đi với một tốc độ khủng khiếp. Tất cả mọi thứ có trong dòng sông, sống trong dòng sông đều đang bị cuốn trôi, ngày cũng như đêm. Hầu như chưa có ai từng thử đi ngược lại dòng chảy này. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu từ gốc tới ngọn về những tảng đá, hòn đảo, cây cối trôi trên dòng sông sự sống rộng lớn này nhưng vì quá khó khăn nên lại không có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về chính dòng sông.

Sau đây, chúng ta sẽ cùng thử thám hiểm nguồn gốc của dòng chảy sự sống này nhé!

Trước tiên, chúng ta hãy cùng suy nghĩ xem sự sống trong thân xác này của chúng ta đến từ đâu…

Tất nhiên, chúng ta được thừa hưởng từ cha mẹ, tổ tiên mình nhưng tại sao kể cả cha mẹ ta, tổ tiên ta hay chính chúng ta lại có được thân xác này, tại sao lại tiếp nhận hiện thân này? Điều này sẽ được giải đáp ngay thôi. Trên đời thực sự có rất nhiều thứ nhưng trong số đó, cái có sức nặng và lớn lao nhất đó là… thức ăn. Chúng ta sống dựa vào thức ăn. Vì có thức ăn mà chúng ta được sinh ra rồi chúng ta sinh sản, chúng ta vận động, chúng ta suy nghĩ. Những người sống mà không ăn sẽ không thể “suy nghĩ”. Chúng ta sẽ tuyệt đối không thể hiểu về hành động “ăn” này, sẽ không thể biết được “sức mạnh vĩ đại và thần bí của thức ăn” nếu không thử nhịn ăn. Với nhưng ai vẫn chưa biết về điều này, tôi xin đề nghị nhất định hãy thử 1 lần, 1 tuần hoặc 2 tuần mà xem.

Dù sao thì hàng ngàn năm nay, chúng ta được sinh ra, chúng ta sinh sôi, chúng ta sinh sống, chúng ta thực hiện nhiều hành động, chúng ta tư duy, chúng ta xây dựng khái niệm, chúng ta có tư tưởng, rồi chúng ta biết đến thần thánh. Làm được những việc này trên hết là nhờ vào thức ăn. Như vậy, ta hiểu được một điều rằng: sự sống bắt nguồn từ thức ăn. Nói tóm lại, ta hiểu rằng thức ăn là tiền thân của sự sống trong mọi sinh vật, mọi cơ thể sống, trong thân xác chúng ta, trong thân xác đang sống này. Trong số những thức ăn đó lại có nhiều loại khác nhau. Có cây cỏ (thực vật); có cá, chim (động vật); có nước, không khí, ánh sáng…

Tôi coi thực vật và động vật là chặng thứ nhất của cuộc hành trình và khi thử tìm hiểu về hai loại thức ăn chiếm vị trí quan trọng nhất trong số các loại thức ăn này, tôi nhận thấy một điều tương tự. Nói cách khác, tôi hiểu được rằng mọi loài động vật, từ cá, chim hay thú dữ, tất cả đều ăn cây, cỏ (thực vật) để sống. Con người cũng nằm trong số các loài động vật. Vì thế, có thể hiểu nguồn gốc sự sống của những loài tự thân vận động như con người hay động vật là thực vật, những loài không tự thân vận động. Cái vận động bắt nguồn từ cái không vận động. Cái vận động sinh ra từ cái không vận động. Điều này thật thú vị! (Nhà bác học Newton dường như đã nghiên cứu, tìm hiểu đến phần này của dòng chảy sự sống. Ông đã từng nói: chỉ cần không có lực cản thì mọi vật sẽ chuyển động vô hạn theo hướng của lực bị tác động ban đầu. Lực ban đầu ở đây có vẻ như chính là lưu vực dòng sông sự sống. Và lực cản xem ra thực chất cũng là lực tương tự).

Vậy thì, chúng ta lại cùng tìm hiểu xem nguồn gốc sự sống của cây, cỏ (thực vật) là gì. Đó trước tiên phải là mặt đất. Là địa cầu, trái đất của chúng ta. Đây là chặng thứ hai trong cuộc thám hiểm tìm kiếm căn nguyên sự sống của chúng ta. Trái đất được hình thành từ đất và nước. Trong đất có chứa tất cả các loại khoáng chất. So với các loài cây cỏ chỉ biết đứng lặng lẽ, không tự thân vận động thì trái đất lại ngược lại, luôn chuyển động không ngừng, không bao giờ đứng im, dù chỉ là một giây. Những thứ không vận động được sinh ra từ những thứ vận động. Điều này cũng thật thú vị! Tuy nhiên, dù có cây cỏ, đất và nước đi chăng nữa, nếu chỉ có thế thì con người không thể sinh sống được. Mặt khác, bản thân cây cỏ cũng không thể sống nếu chỉ có mặt đất. Cần phải có không gian, không khí (gió), ánh sáng mặt trời (nhiệt, lửa), áp suất khí quyển, điện áp, lực từ trường, lực hút… Và đặc biệt, mặt đất cũng không thể tồn tại chỉ riêng mình nó. Đối với con người, cây cỏ, mặt đất, thứ cần thiết và quan trọng nhất đó là bầu trời. Bầu trời này bao bọc lấy mặt đất giống như khoác lên mình vài chiếc áo măng-tô dày vậy. Trong đó, chiếc áo bao bọc trực tiếp mặt đất là không khí. Mặt đất được sinh ra từ bầu trời này. Nếu không có bầu trời thì sẽ không thể có mặt đất. Bầu trời này không vận động mạnh mẽ như mặt đất. Đến đây, tôi đã phát hiện ra một điều: thứ vận động sinh ra từ cái không vận động. Bầu trời này chính là chặng thứ ba của cuộc thám hiểm. Nào, dù đã có cỏ cây, mặt đất, bầu trời những vẫn còn thiếu một cái gì đó để con người hay động vật có thể sống được. Đó là ánh sáng, là mặt trời. Là nhiệt độ. Là nguồn gốc của lửa. Và nếu không có ánh sáng này thì cả bầu trời lẫn mặt đất, cả cỏ cây lẫn con người đều không thể sinh và ra tồn tại được. Và bầu trời này lại là thế giới được sinh ra từ ánh sáng. Thế nhưng, ánh sáng lại mang trong mình một tốc độ đáng sợ. Các bạn có thấy thú vị không khi bầu trời tĩnh lặng lại được sinh ra từ một thứ chạy với tốc độ nhanh đến chóng mặt. Ánh sáng này là chặng thứ tư của cuộc thám hiểm tìm hiểm căn nguyên của sự sống. Đến đây, chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc của sự sống dựa theo trình tự về sức nặng, độ lớn. Giờ quay lại nhìn mà xem, chúng ta đã đi đến đoạn một loạt yếu tố như Đất, Nước, Gió, Lửa bao quanh và tạo ra thế giới của các loài sinh vật như con người, động vật, thực vật. Có những vết tích cho thấy hình như các vị thần Hy Lạp và Ấn Độ cổ đại cũng đã tìm hiểu, thám hiểm đến đoạn này (tứ đại nguyên tố).

Vậy đến đây liệu chúng ta đã đi đến cùng, thấy hết về nguồn gốc của dòng chảy sự sống chưa? Tôi sẽ thử xem xét lại vấn đề sự sống của chúng ta một lần nữa. À! Vẫn còn sót một thứ! Cho dù thân xác có thể sống với bốn nguyên tố chính là Đất, Nước, Gió, Lửa thế còn tinh thần thì sao nhỉ??? Ta tiếp nhận nó từ đâu? Ta lưu giữ, phát triển, nuôi dưỡng nó bằng cái gì? Nếu không có tinh thần, ta chỉ là những xác chết. Là những thân xác đã chết. Hơn nữa, những đặc điểm về cân nặng (G), độ dài (C), tuổi thọ (S) của thân xác, hay về nhiệt độ, hành động, vận động, về những gì “trông thấy được”… sẽ không thể sinh ra không thể xuất hiện nếu không có tinh thần – một thứ vừa không hề có những đặc điểm trên lại vừa mang trong mình những đặc điểm hoàn toàn trái ngược. Nếu thế thì có lẽ chúng ta đã lạc hướng ở đâu đó trên con đường tìm hiểu dòng chảy của sự sống chăng? Hoặc là chúng ta đã quá coi trọng, quá tập trung vào những yếu tố lớn lao và có sức nặng chăng? Hay là lại có một nguồn gốc khác để tứ đại nguyên tố vô cùng quan trọng này từ đó sinh ra chăng? Lẽ nào còn có nguồn gốc của tứ đại nguyên tố? Lẽ nào chính cái gọi là tinh thần, cái sản sinh ra những đặc trưng của sinh vật, động vật, con người – những loài tự thân vận động này – có khi nào chính tinh thần là cha đẻ của tứ đại nguyên tố chăng?

Có lẽ chỉ khi có nguồn gốc của ánh sáng thì các vì sao, mọi thiên thể, rồi bầu trời và mặt đất mới được hình thành. Có lẽ chỉ khi mặt đất được sinh ra thì cỏ cây mới hình thành, và chính khi có cỏ cây thì con người hay động vật mới xuất hiện. Chứ không phải con người và động vật sinh rarồi mới tạo ra thực vật. Tuy nhiên, cái gì đã tạo ra ánh sáng? Cha đẻ của ánh sáng là ai? Nguồn gốc của lửa, của nhiệt là gì???…… Đó có phải là tinh thần không? Không, có lẽ không phải là tinh thần? Thôi, dù là gì đi chăng nữa, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ kỹ về cái gọi là tinh thần này nhé!

Trong tinh thần không có cân nặng (G), không có kích cỡ (C), không có tuổi thọ (S). Các nhà học giả ở những đất nước, hòn đảo, tảng đá trôi nổi trên dòng sông sự sống không hề để mắt tới những thứ không thể cân đo, đong đếm bằng trọng lượng, kích cỡ và thời gian. Nói cách khác, họ không hề tìm hiểu về những thứ không thể động chạm tới ngọn nguồn của thần kinh. Vì vậy, thật vô ích khi hỏi họ điều này. Mặt khác, các nhà tôn giáo, các vị thày tu, giáo sĩ đều là những người thừa nhận sức nặng và tầm vóc của tinh thần nhưng lúc này đây, họ toàn là những người làm vì công việc, làm như một cách để kiếm miếng cơm manh áo. Hơn nữa, họ hoàn toàn bị áp đảo bởi những người theo tư tưởng duy vật, theo đạo Do Thái rồi cả những học giả, nhà khoa học chỉ biết cắm đầu vào giải các bài toán về trọng lượng, kích cỡ, thời gian. Vì thế, hoàn toàn không thể trông cậy vào họ được. Những người thuộc tầng lớp lãnh đạo hay những chính trị gia, những nhà giáo dục cũng vậy, họ vốn dĩ thường lấy tinh thần làm sách vở để giảng dạy mọi học thuật, chỉ đạo mọi giai cấp nhưng giờ đây họ lại có xu hướng dựa vào sự tý vấn của các nhà khoa học và rất nhiều loại ngừời khác nhau (thương nhân, công nhân, quân nhân). Vì thế họ sẽ không cho ta biết ta nên tìm kiếm theo hướng nào.

Nào hãy cùng làm rõ khái niệm về tinh thần. Trước tiên, nó là thứ không có cân nặng, kích cỡ, tuổi thọ hay giới hạn về thời gian. Chúng ta không thể nắm bắt được nó với năm cơ quan cảm giác của con người. Nó không hề già đi. Không có thời gian. Thân xác sẽ già đi nhưng tinh thần thì không. Dù có bao nhiêu tuổi nó vẫn tươi tắn như một đứa trẻ. Người ta nói Khí sẽ yếu đi cùng với thời gian, nhưng thực tế đó là cơ thể, thân xác yếu đi chứ tuyệt đối tinh thần không yếu đi. Người ta nghĩ khi trẻ thì mạnh mẽ nhưng cái đó cũng là cơ thể, thân xác mạnh mẽ chứ không phải tinh thần mạnh mẽ. Vì có dòng máu nóng. Bằng chứng là khi là một đứa trẻ sơ sinh thì Khí hoàn toàn không khỏe mà cũng chẳng hề yếu. Khí khỏe hay yếu ở đây là “KHÍ” của máu. Là “KHÍ” của xác thịt. Là khí lực, là sức mạnh. Sức mạnh là thứ có tính vật chất, không phải là tinh thần. Nói chung, cái gọi là sức mạnh tinh thần (tinh thần lực) là sự ngoan cường, là tính đàn hồi của của thân xác. Sự nỗ lực cũng là thân xác. Bằng chứng là không hề có sự ngoan cường hay nỗ lực trong một cơ thể yếu đuối. Cái lớn lên và nhỏ đi cùng thân xác là sức mạnh của thân xác. Trong tinh thần không có sức mạnh. Tinh thần của chúng ta không có khả năng di chuyển dù chỉ là một hòn đá nhỏ.

Tôi đã 49 tuổi rồi. 49 tuổi! Sắp bước sang tuổi 50 rồi. Đôi khi tôi tự nghĩ “Thật thế ư? Không có lý nào…”. Tuy nhiên, rõ ràng năm nay tôi đã ăn Tết chào mừng tuổi mới. Thế nhưng tâm hồn tôi, tinh thần của tôi vẫn tươi trẻ như khi 17, 18. Không, có lẽ giống khi tôi lên 3, lên 5. Có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Dường như tri thức đã phát triển, tăng lên từ khi còn bé nhưng tâm hồn thì hoàn toàn không hề lớn lên. Tinh thần hoàn toàn không thay đổi. Vì tinh thần không có hình dáng cho nên nó không già đi, không lớn lên, không nhỏ đi. Cái già đi, lớn lên là thân xác, là tri thức, kinh nghiệm của nó, là cái hữu hạn. Cái có giới hạn. Tinh thần là thứ giúp những kinh nghiệm đó phát huy giá trị. Tất nhiên, tinh thần không mất đi, cũng không tăng lên. Vì không có hình dáng nên nếu tinh thần có lớn lên, hay tăng lên thì có lẽ tại thế giới của tinh thần cũng sẽ nảy sinh vấn đề dân số. Dư thừa dân số có lẽ cũng sẽ trở thành một vấn đề. Thế nhưng, tinh thần không phải là thứ có thể đếm một cái, hai cái. Vậy tóm lại nó nằm ở đâu?

Người ta thường nói, thường nghĩ rằng nó nằm ở tim, hay nằm ở chính giữa thân thể, hay nằm ở đầu nhưng thế thì thật lạ. Trong cơ thể của người chết cũng vẫn có tim, có dạ dày, có đầu nhưng không hề có tinh thần. Có lẽ nào tinh thần lúc xuất, lúc nhập chăng? Nếu thế thì nó xuất nhập lúc nào, từ đâu? Chưa ai từng chứng kiến điều này. Vì nó không hình, không dạng. Vì nó vô hình nên vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, từ xa xưa người ta đã tin rằng có tồn tại thứ gọi là tinh thần và chúng ta cũng tin như thế. Chỉ có điều có vẻ trong cơ thể chúng ta không có chỗ nào cho nó trú ngụ. Không thể nắm bắt được. Vậy thì chí ít tôi muốn tìm hiểu đến tận cùng, làm sáng tỏ trạng thái (chức năng hoạt động) của nó.

Trước hết cần phải nói rằng chúng ta thường đặt tinh thần trong thế đối lập với vật chất và nghĩ rằng mình đã hiểu khá rõ về vật chất nhưng nói đúng ra, chúng ta chưa hiểu chút nào hết. Vật chất được cho là hình thành từ hơn 90 nguyên tố khác nhau. Những nguyên tố đó lại được hình thành từ những hạt nhỏ hơn – điện tử (electron). Còn những điện tử này được hình thành từ cái gì thì chúng ta không biết. Vì lẽ đó mà việc chúng ta không hiểu về tinh thần âu cũng không có gì vô lý. Lẽ nào không có manh mối gì sao? Trong cuộc thám hiểm về nguồn gốc sự sống, chúng ta đã tiến tới những chặng quan trọng như Thức ăn – Mặt đất – Bầu trời – Ánh sáng. Lẽ nào không có điểm nào giúp ta bước vào thế giới tinh thần sao?

Chỉ có một thứ thôi. Đó là “suy nghĩ”. Đây chính là “trạng thái” của tinh thần. Và đây dường như là một đặc tính của con người. Thân xác được tạo ra từ vật chất, vật chất hình thành từ điện tử, điện tử sinh ra từ cái gì, chúng ta chưa biết nhưng có một sự thật chắc chắn là chúng ta biết “suy nghĩ”. Khi ngủ, chúng ta không thể biết chúng ta ở đâu, đang làm gì, thậm chí chúng ta có tồn tại hay không tồn tại. Nhưng nếu nhìn vào hiện tượng nằm mơ thì sẽ thấy dường như chỉ duy nhất có “thế giới suy nghĩ”, “năng lực suy nghĩ”, “hành động suy nghĩ” tồn tại trong lúc ta ngủ.Cái gọi là giấc mơ và “suy nghĩ” là hai việc giống nhau. Chỉ có điều, trong giấc mơ, có những giấc mơ không rõ ràng, vẩn vơ, không thể hiểu nổi, đôi khi không nên có. Vì thế mà thậm chí người ta còn ví những việc không đáng tin là chuyện như mơ. Nhưng, ngay cả trong “suy nghĩ”, trong “thế giới suy nghĩ” cũng có những suy nghĩ không rõ ràng, không đáng tin, không thể hiểu nổi. Vậy tóm lại giấc mơ là cuộc đời hay cuộc đời là giấc mơ??? Tôi hoàn toàn không hiểu! Thậm chí còn có những nhà triết học đã khẳng định rằng giấc mơ là “có thật” và cuộc đời này là một giấc mơ!

Bất luận là thế nào, theo tôi có hai loại giấc mơ. Một loại là những giấc mơ thường bị coi là “mộng mị”, tức là những giấc mơ lộn xộn, không rõ ràng, không có đầu đuôi. Còn một loại là những giấc mơ được gọi là “mộng thật”, tức là những giấc mơ mà trong đó, ta thấy được rõ mồn một những việc ngay lúc này lại đang xảy ra tại một nơi rất xa hay những việc sẽ xảy ra trong tương lai vài ngày tới. Ví dụ, đôi lúc trong cuộc sống ta gặp những việc khiến ta phải thốt lên “Ơ, cảnh cha mẹ con cái này hình như…” hay “Ôi chà, mình đã gặp chuyện này ở đâu đó thì phải!”… Nghĩ kỹ một chút thì đó là những chuyện mà ta đã nằm mơ thấy. Chuyện dự cảm, linh cảm điều tồi tệ sắp xảy ra cũng chính là nó. Khi nằm mơ, chúng ta không nhìn bằng đôi mắt mà nhìn bằng trái tim cho nên vì thế, nó giống với việc ta suy nghĩ bằng tinh thần. Ở đây có lý do để nói giấc mơ là chức năng, hoạt động của tinh thần. Người ta có câu “thánh nhân không nằm mơ” hay “nếu thánh thần nằm mơ thì sẽ là những giấc mơ thật”. Cá nhân tôi đây tuyệt đối không phải thánh nhân hay thần thánh nên cũng thường gặp những giấc mơ vô nghĩa, tầm thường. Nhưng cũng có lúc tôi mơ những giấc mơ thật. Và từ khi tôi áp dụng chế độ ăn uống đúng cách (chính thực), những giấc mơ vô nghĩa dần dầnít đi, đồng thời tôi mơ thấy nhiều giấc mơ thật hơn. Những giấc mơ thật tới nhiều hơn trông thấy. Sau đó, sau khi trao đổi với hàng ngàn người về điều này thì tôi tiến tới khẳng định một điều là bất kỳ ai trong chúng ta đôi lúc sẽ mơ những giấc mơ thật, cho dù hầu hết là rất hiếm. Những lời tiên tri của thánh nhân có lẽ cũng thuộc loại này.

Dù sao thì “nằm mơ” hay “suy nghĩ” đều là những hoạt động kỳ lạ. Từ thời còn trẻ con, tôi thường hay mơ ước. Lớn lên sẽ trở thành tiểu thuyết gia là ước mơ đầu tiên trong đời của tôi. Sau đó, khi nhận ra mình sẽ không thể trở thành tiểu thuyết gia được, tôi lại mơ ít nhất sẽ trở nhà biên dịch. Trước đó, sau khi tôi mất mẹ năm 13 tuổi, tôi đã có một ước mơ lớn lao làm sao để không còn những bà mẹ mất đi để lại những đứa con bé bỏng, làm sao để không còn người chết vì bệnh tật… Sau đó, khi tiếp xúc nhiều hơn với văn học, tôi đã mơ được đi Pháp. Tôi mơ được học tiếng Pháp. Tôi mơ được học tại trường trung học mà không phải nộp học phí. Và rồi những ước mơ đó lần lượt trở thành hiện thực. Tôi đã được dạy tiếng Pháp miễn phí tại nhà thờ, rồi cuối cùng tôi cũng đã đi Pháp những 6, 7 lần (lần thì đi với tư cách là sinh viên thực tập của Bộ nông nghiệp và thương mại, lần thì đi với tư cách một thuyền viên, lần thì là trưởng phòng, lần thì là thương nhân, rồi sau đó tự bỏ tiền đi để phổ cập văn hóa Nhật Bản và nguyên lý vô song), rồi tôi đã có thể sống tại châu Âu trên dưới mười mấy năm. Những ước mơ của tôi cứ thế lần lượt, lần lượt tự nó trở thành hiện thực. Đến mức tôi có cảm giác gì đó rất đáng sợ. Vì thế, tôi cũng là người không hiểu giấc mơ là cuộc đời hay cuộc đời là giấc mơ.

Điều kỳ lạ thứ nhất trong thế giới của giấc mơ đó là: không có giới hạn gì cả. Chuyện gì cũng có thể xảy ra trong giấc mơ. Khi xem bộ phim “Mãi yêu” – bộ phim kể về câu chuyện của một đôi tình nhân rất đáng thương, họ chơi với nhau từ nhỏ, lớn lên họ yêu nhau nhưng sau đó một người bị tra tấn ngày đêm trong lao tù, một người bị giam cầm trong lâu đài của đại công tước, nhưng trong suốt những năm tháng đó, họ vẫn yêu nhau, an ủi nhau hàng ngày trong những giấc mơ và không hề thay lòng đổi dạ cho tới lúc chết – tôi đã vô cùng xúc động. Tôi nghĩ ở nước Anh người ta làm được bộ phim này thì có lẽ người dân nơi đây cũng đã có những hiểu biết nhất định về sự thật của những giấc mơ.

Điều kì lạ thứ hai đó là: vì không có giới hạn nào nên cũng không có khổ đau hay phiền muộn. Đây là điểm chung với thế giới của tinh thần. Vì thế, tôi tin rằng giấc mơ và tinh thần là những khái niệm giống nhau.

Đặc điểm của thế giới giấc mơ là tự do, không hề có sự bó buộc nào, hay nói cách khác, đó là thế giới vĩnh hằng, là thế giới vượt cả không gian và thời gian. Trong thế giới giấc mơ, ta không già đi, ta có thể dễ dàng đi tới những miền xa xôi cách hàng trăm hàng nghìn dặm. Ta còn có thể thấy được thế giới quá khứ hay thế giới tương lai. Tự to tự tại. Và chẳng phải cái gọi là tự do tự tại này là đặc trưng của thế giới thần thánh hay sao?

Có rất nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện chứng minh sự giống nhau (tính đồng nhất) của thế giới giấc mơ và thế giới tinh thần. Không chỉ có bộ phim “Mãi yêu” của Anh hay câu chuyện “Mộng uyên ương hồ điệp” của Trung Quốc, ngay cả bộ tộc nguyên thủy Hottento ở châu Phi, người Eskimo sống ở Bắc Cực, hay thổ dân đảo Fiji cũng có nhiều phong tục tín ngưỡng cho rằng giấc mơ là sự thật, là tự do, là thế giới vĩnh hằng. Cá nhân tôi cũng có nhiều trải nghiệm về những giấc mơ thật vô cùng kỳ bí. Tuy nhiên, trong khuôn khổ cuốn sách nhỏ này tôi không thể viết hết được. Cuốn “Tư tưởng – Tôn Giáo – Xã hội của các bộ tộc nguyên thủy” của giáo sư Lévy-Bruhl, Chủ tịch hội triết học Pháp, là một minh chứng tuyệt vời cho điều này nhưng để sang tiếng Nhật thì có lẽ phải mất tới hơn 800 trang sách. Vì vậy, đến đây tôi xin tạm thời đưa ra kết luận rằng giấc mơ là thế giới tự do, vĩnh hằng, và ở điểm này nó giống với thế giới của tinh thần, thế giới của ý chí (thậm chí là ý thức). Việc tiếp theo của chúng ta là tìm hiểu về sự liên hệ, mối tương quan giữa một bên là thế giới vĩnh hằng tự do và vô hạn đó với một bên là thế giới phiền phức, ngắn ngủi và hữu hạn của chúng ta.

Cải chính bổ sung

Khi nhìn lại phần này sau 10 năm, tôi vô cùng kinh ngạc trước sự thay đổi của thời gian. Bởi vì trong phần này, từ “tôi tin” đã xuất hiện vài ba lần. Đây là những chuyện đã rõ và có thể chứng minh một cách dễ dàng nhưng thật kỳ lạ, suốt 1000 năm qua, không có ai đứng ra chứng minh, giải thích hay tìm hiểu một cách cụ thể. Vì thế, việc một cậu thanh niên non nớt như tôi làm cái việc lệch lạc đó quả là rất kiêu căng (và vô cùng phiền toái), đã tự lừa dối từ chỗ “không biết” trở thành “tin thôi”.

Tuy nhiên, lòng tin hay tín ngưỡng là đại danh từ của vô tri, thiếu hiểu biết, là sự ngụy trang, là đường tháo lui, vô cùng hèn hạ. Nếu là quyển sách nhập môn với những câu chuyện có tính thực dụng, ngây thơ và dễ hiểu thì như thế này là đủ, là vừa vặn nhưng sẽ không được chấp nhận bởi một số người ít nhiều biết suy nghĩ. Đặc biệt, nó sẽ không được những người ăn học theo khoa học hiện đại tiếp nhận.

Những thứ như bầu trời… là tiền nguyên tố, là hạt cơ bản, hạt sơ cấp nếu nói theo ngôn ngữ thời nay. Vật lý học nguyên tử cũng đã giải thích và chứng minh rằng hạt cơ bản là những vận động dạng sóng, là những rung động và là sóng năng lượng nên ngày nay có lẽ bất kỳ ai cũng hiểu. Những rung động (năng lượng) hay vận động dạng sóng đó được sinh ra bởi hai cực đối lập (lực ly tâm và lực hướng tâm). Điều này thì có lẽ những ai ham tìm tòi suy nghĩ sẽ hiểu được ngay.

Thế giới hai cực này tạo nên năng lượng, hạt cơ bản, nguyên tố, cỏ cây, con người. Vì thế, điều đương nhiên là cuộc đời hay tự nhiên này có cấu tạo mang tính biện chứng.

Đương nhiên, thế giới hai cực (thế giới tương đối, hữu hạn) chỉ là một bộ phận của Đại vũ trụ tuyệt đối, vô hạn và vĩnh cửu. Vì thế, có lẽ ai cũng sẽ hiểu về mặt khái niệm. Về cơ cấu của nó thì xin phép lược bớt ở đây.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.