Trật Tự Vũ Trụ

6. NGUYÊN LÝ VÔ SONG MỞ RỘNG



Nào, bây giờ là phần bài tập ứng dụng về thế giới quan của nguyên lý vô song. Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét nhiều vấn đề khác nhau. Trước tiên, các bạn hãy giở tấm bản đồ thứ ba mà Đội thám hiểm sinh mạng đã vẽ ra và chúng ta sẽ cùng nhau thử giải thích các vấn đề sau đây.

1. Tinh thần biết toàn bộ mọi thứ.

Như tấm bản đồ này đã chỉ rõ, tinh thần chính là vô hạn cho nên nó có mặt ở mọi lúc mọi nơi. Còn thế giới hữu hạn thì quá đỗi bé nhỏ, chỉ như những mảnh vụn vậy. Tinh thần là thứ biết toàn bộ mọi thứ là vì lý do này.

2. “Tôi tồn tại vì tôi suy nghĩ” hay “Tôi suy nghĩ vì tôi tồn tại”?

Tôi luôn suy nghĩ. Vậy liệu có thể nói vì thế mà tôi đang tồn tại? Theo tấm bản đồ thứ ba này thì tinh thần chính là thế giới vô hạn, tinh thần hiện hữu mọi lúc, mọi nơi nên nó là thứ bao trùm toàn thể, biết về mọi vật, mọi việc, biết về cả quá khứ và tương lai. Và quan sát chính là suy nghĩ. Cái tôi “nhìn” này, cái tôi “nghĩ” này chính là vô hạn, là Đại vũ trụ, Đại tự nhiên, là tuyệt đối. Sự thật là có tồn tại cái tôi nghĩ và cái tôi nhìn đó. Tuy nhiên, cái tôi nghĩ chính là vô hạn chứ không phải là cái tôi của thể sống này, của thân xác ngắn ngủi trong thế giới hữu hạn này.

3. Những đại phát minh tình cờ

Từ xưa tới nay, dường như các phát minh vĩ đại thường xảy đến một cách ngẫu nhiên. Động cơ hơi nước của Watt, định luật hấp dẫn của Newton, phát hiện về dòng điện trong chân ếch của Luigi Galvani, liệu pháp vắc-xin xuất phát từ những câu nói an ủi của nhà hóa học Pasteur, phương pháp trị bệnh đậu mùa của Edward Jenner đến từ lời chỉ bảo của cô gái chăn bò… và còn rất rất nhiều ví dụ khác nữa. Phải nói những phát minh này đến từ sự Vô thức (Vô Tâm) thì đúng hơn là do ngẫu nhiên, tình cờ. Khi chúng ta suy nghĩ thì hầu như là lúc chúng ta đang lần mò theo tri thức của bản thân. Mà tri thức là thế giới hữu hạn, là thế giới của những kinh nghiệm hạn hẹp hữu hạn, không, tri thức chỉ là một phần hữu hạn vô cùng nhỏ bé của thế giới đó mà thôi. Tuy nhiên, khi Vô thức là khi ta được giải phóng khỏi mọi sợi dây trói buộc của thế giới hữu hạn, bước chân vào thế giới vô hạn, rong chơi trong thế giới tinh thần. Và vì thế giới tinh thần là thế giới quan sát bao trùm toàn thể mọi sự nên từ trên cao ta có thể nhìn thấy toàn bộ những con ngõ cụt ta đang gặp phải, toàn bộ khu rừng một đi không trở lại (Yawata no Yabushirazu) và như thế sẽ tìm ra ngay lối ra cho hướng giải quyết. Nó cũng tương tự như việc giác ngộ (Satori) trong Đạo và ta nói cảnh giới này là Xuất thần (Thân Tâm Thoát Lạc hay Thoát Lạc Thân Tâm).

4. Hình thức đối thoại

Việc Socrates và Platon sử dụng hình thức đối thoại là bởi lẽ việc khiến Vấn và Đáp, Âm và Dương hoạt động là cách giải quyết vấn đề tuyệt vời, tuân theo trật tự của Đại vũ trụ. Chúng ta có thể thấy điều nay ngay cả trong phạm trù sinh lý. Có thể lấy ví dụ về hệ tiêu hóa.

Nước bọt, dịch vị hay những en-zim có trong đó đều là chất kiềm (alkali) và axit. Phương pháp này còn được sử dụng nhiều ngay cả trong phân tích hóa học hay nhiều ngành công nghiệp chế tạo khác. Từ việc tôi luyện thép, sản xuất đá viên đến chế tạo không khí lỏng hay ni-tơ… dù biết hay không biết, đều mô phỏng các quy luật của Đại vũ trụ.

(5) Tự do của ý chí

Người ta nói trật tự thế giới đặt nền móng của nó vào tự do của ý chí nhưng cái tự do ý chí ở đây là tự do của tinh thần, mà tinh thần lại chính là vô hạn, do đó đương nhiên nó cũng tự do. Tuy nhiên, việc những trật tự thế giới mới thường xuyên nhanh chóng biến mất là vì người ta lầm tưởng rằng tự do của ý chí thuộc về con người, là thứ tồn tại trong sự gò bó, bó buộc của thế giới hữu hạn. Vì thế giới hữu hạn có giới hạn nên tất nhiên không thể có cái gọi là tự do.

(6) Chiến tranh có phải là Ác không?

Chiến tranh là Ác, là xấu xa. Điều này không sai. Bởi lẽ sẽ có rất nhiều người phải bỏ mạng. Tuy nhiên, trong thế giới hữu hạn luôn tồn tại sự lên xuống, nhấp nhô, dập dờn của trật tự Âm Dương nên ở ý nghĩa này, chiến tranh là biểu hiện của Âm Dương, là con số của tự nhiên, là hiện tượng tất yếu xảy ra. Mặt khác, nếu không có chiến tranh thì sẽ không có hòa bình. Khi Dương và Dương gặp nhau thì giống như những gì các định lý của nguyên ly vô song đã chỉ ra, đầu tiên chúng sẽ đẩy nhau, rồi sau đó do dần trở nên đồng nhất (đồng tính) nên chúng sẽ dung hòa vào nhau. Khi Âm và Âm gặp nhau thì trước tiên chúng sẽ hút nhau do tính chất tương phản nhau, nhưng sau đó do chúng sẽ trở nên khác nhau (dị tính) nên sẽ dẫn tới tương khắc và đấu tranh. Khi dung hòa thì không có tiến bộ hay sáng tạo, chỉ có sự trì trệ hay cố định, hiện tượng hóa thạch (cốt hóa) bắt đầu, còn khi đấu tranh tương khắc thì sẽ có sự sáng tạo hay tiến triển mạnh mẽ. Chiến tranh là Thiện hay là Ác, điều đó tùy thuộc vào nội dung của quan niệm về cái Thiện và cái Ác đó. Tùy thuộc vào cách nhìn nhận. Nếu cả chiến tranh và hòa bình, cả Thiện và Ác đều là sản phẩm của thế giới tương đối, hữu hạn thì dù nói là Thiện hay là Ác, điều đó chỉ tùy thuộc vào lập trường và cách nhìn nhận mà thôi. Nhìn từ phía thế giới tuyệt đối vô hạn thì chiến tranh chỉ là một trong những gợn sóng lăn tăn xảy ra nhiều không đếm xuể trong thế giới con người hữu hạn. Chúng ta nhìn thấy đầu hay thấy chân của những ngọn sóng nhỏ đó sẽ là sự phân biệt về Thiện và Ác. Theo cách nhìn nhận của thế giới hữu hạn tương đối, chiến tranh là bào thai (nguồn gốc) của văn hóa.

(7) Sống là đấu tranh

Điều này cũng nhìn nhận sự giao cảm, thịnh suy của Âm Dương như một cuốc chiến tranh và đây là sự thật. Tuy nhiên, vì chỉ là phán đoán của riêng con người – thế giới hữu hạn nên không có giá trị gì đặc biệt. Nếu nó có thể trở thành sức mạnh, nguồn động viên đối với những người yếu đuối thì quá tốt. Thế nhưng, trong thế giới hữu hạn, những thứ trở thành sức mạnh, nguồn động viên mà đi quá giới hạn, quá mức độ thì sẽ đem đến sự bi quan và tuyệt vọng (ít nhất là cho những kẻ yếu hèn).

(8) Quan hệ nhân quả và Phán đoán giá trị

Khoa học là thứ hệ thống hóa quan hệ nhân quả, còn đạo đức là thứ quyết định phán đoán giá trị. Khoa học là ngành học về sự tồn tại, còn triết học hay tôn giáo dạy cho ta về những điều nên có, nên làm (Đương Vi – Sollen). Khoa học là môn học của thế giới hữu hạn, thế giới tương đối, còn đạo đức là trật tự của thế giới tuyệt đối. Vì vậy, tuyệt đối không thể quyết định khoa học từ đạo đức. Ngược lại, quyết định đạo đức từ khoa học là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, nếu là quan hệ nhân quả rộng lớn, bao gồm tới cả thế giới vô hạn, tuyệt đối thì tất nhiên nó sẽ trở thành nền tảng, tiêu chuẩn của phán đoán giá trị.

(9) Cá tính và Linh hồn

Tập hợp những yếu tố như đặc trưng, tính cách, vóc dáng, thể chất của con người tạo nên cá tính của người đó và nó là vô số. Bởi lẽ nó là sự kết hợp, là một tổ hợp vô hạn của những bộ phận nhỏ trong thế giới hữu hạn. Thế nhưng, vì tất cả vốn dĩ đều là những yếu tố của thế giới hữu hạn nên sẽ có lúc biến mất đi, không còn nữa. Để biến cá tính thành cái vĩnh cửu, ta cần làm cho nó có được tính sáng tạo (Độc sáng tính). Tính sáng tạo chính là cá tính có tự do, tuyệt đối, vô hạn, tinh thần. Nói cách khác, nó là cá tính được che chở bởi những ảnh hưởng huyền bí của tuyệt đối vô hạn.

(10) Sự sống là gì?

Trước câu hỏi sự sống là gì thì phương Tây cho rằng từ cổ chí kim chưa có học giả nào giải thích nổi. Theo tôi, sự sống là một hình thức biểu hiện giống như bóng nước lúc xuất hiện lúc tan biến trong thế giới hữu hạn, thế giới vô thường. Bản đồ của đội thám hiểm sinh mạng của nguyên lý vô song đã chỉ ra rất rõ rằng: thế giới hữu hạn là thế giới của sự sống và do đó, nó chính là trật tự Âm Dương của thế giới vô hạn.

Mặt khác, câu hỏi “Sự sống đến từ đâu?” cũng là một vấn đề lớn và dường như đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp. Nhưng nếu nhìn vào các tấm bản đồ này thì có thể thấy rất rõ ràng và đầy đủ là nó đến từ thế giới vô hạn, thế giới tinh thần (có thể gọi nó là Thiên Thể cũng được). Quan điểm “Mọi tế bào đều sinh ra từ tế bào” là câu chuyện chỉ có trong thế giới hữu hạn, là sự thật chỉ tồn tại trong ống nghiệm. Tuy nhiên, nếu nói tế bào đầu tiên đó đến từ một nơi xa xăm của thế giới vô hạn thì lại hơi dở. Cũng giống như câu nói “mọi cơ thể sống đều bắt đầu từ cơ thể sống” (omne vivum ex vivo – all life [is] from life), cũng là sự thật của riêng thế giới hữu hạn mà thôi. Tương đồng với quan điểm này, William Harvey (khoảng năm 1650) đã nói: “Mọi động vật đều sinh ra từ trứng” (omne animal ex ovo). Xem ra quan điểm này có phần đúng hơn. Chỉ có điều, nó vẫn là sự thật của thế giới hữu hạn chứ không phải là chân lý phổ biến của Đại vũ trụ, Đại tự nhiên. Do đó, khi được hỏi “Quả trứng đầu tiên đến từ đâu?” thì khoa học không giải đáp được. Người ta vẫn nói “Mọi vật là do Thượng đế tạo ra”. Điều này đúng nhưng đứng trước câu hỏi “Vậy ai đã sinh ra Thượng đế đó?” thì cũng lại không trả lời được. Đó là vì họ không biết về Thượng đế. Vì họ không biết rằng Thượng đế là vô hạn, là Đại vũ trụ, Đại tự nhiên, là không thể tư duy. Tôi phải thú nhận rằng tôi đã luôn coi Thượng đế là một thứ hữu hạn giống như con người và là trung tâm của thế giới này.

Học thuyết sinh mệnh tự nhiên phát sinh (generatio spontana, abiogénèse, Urzeugung) ở thế kỷ XVII cũng giống với học thuyết về “Thượng đế” ở phần trước. Những gì các nhà khoa học như Lazzaro Spallanzani, Joseph Louis Gay-Lussac, Louis Pasteur khám phá ra qua những cuộc thí nghiệm đơn giản là chính xác. Nhưng những thí nghiệm đó đều đã phải gắn thêm dòng chú thích là “trong điều kiện của thí nghiệm”. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao những lời lẽ thô thiển, phi khoa học như thế lại được nhiều người chấp nhận. Nhưng sự thật đáng ngạc nhiên hơn nữa là cho tới ngày nay vẫn còn có người tin vào điều đó. Tuy nhiên, gần đây người ta đã phát hiện ra có tồn tại virus, và như thế, những lập luận phủ định thuyết tự nhiên phát sinh này đã dần xuất đầu lộ diện. Những nghiên cứu có tính khoa học về Protein ngày càng phát triển, thậm chí đã đi đến suy luận rằng: trong thực tiễn, có lẽ sinh vật được tạo ra từ những thứ không phải sinh vật. Cứ như thế, đến một lúc nào đó, các học thuyết của khoa học nhất định sẽ lụi tàn. Điều đó là lẽ đương nhiên bởi chúng cũng là những học thuyết khoa học chỉ thấy được thế giới hữu hạn mà thôi. Khoa học cũng có tuổi đời hữu hạn mà thôi.

(11) Nguyên lý thống nhất giữa khoa học, kỹ thuật có tính duy vật với triết học có tính duy tâm và tâm linh thần bí

Thế giới quan của nguyên lý vô song nghiên cứu thế giới vật chất hữu hạn và thông qua tấm bản đồ thứ ba đã chỉ ra rằng lý luận và kỹ thuật của nó (thế giới Sein) cùng với nguyên lý về thế giới tâm linh vô hạn và thế giới lý tưởng là những yếu tố cấu thành nên trật tự Âm Dương đối ứng, hấp dẫn và bổ sung cho nhau. Đồng thời, nó cũng dạy rằng hai thế giới này thực chất chỉ là hai mặt của vũ trụ, thế giới duy nhất. Nếu quan sát kỹ những tổ hợp của tấm bản đồ thứ ba ta sẽ hiểu được điều này. Và đây cũng là hình ảnh thế giới (thế giới tượng) của thể xác và tinh thần.

(12) Sinh mệnh không thể bị phân tích

Theo tấm bản đồ thứ ba thì sự sống của sinh vật trong thế giới hữu hạn là sự phát triển, mở rộng của trật tự Âm Dương của Đại vũ trụ. Sự phát triển, mở rộng đó có cấu trúc giống như nội dung được chỉ ra ở định lý thứ nãm, đồng thời lại xảy ra liên tục không ngừng, vô hạn ở mọi nơi, tại mọi ngóc ngách và ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, phát triển rồi suy yếu như đã nêu ở định lý thứ hai. Bởi vì những lý do đó mà phân tích sự sống (sinh mệnh), giống như kiểu phân tích các hợp chất hóa học để tìm hiểu là việc không thể làm được. Giả sử có làm được thì cũng chỉ có tính chất trừu tượng, không cụ thể và chỉ có thể là những bức hình cố định, cứng nhắc của thế giới trật tự hữu hạn có tính điện tử, vì phân tử của Âm Dương hình thành và phát triển không ngừng, vô hạn.

(13) Tiến bộ là gì?

Tiến bộ được định nghĩa là việc xác định một phương hướng nhất định và tiến lên theo hướng đó. Định nghĩa này không có gì là sai. Nhưng chừng nào còn là thế giới vật chất hữu hạn thì cho dù có tiến bộ rất xa hàng ngàn, hàng vạn dặm đi chăng nữa cũng không thể là sự tiến bộ nếu nhìn từ phía vô hạn hay tinh thần tuyệt đối. Ngược lại, thậm chí có lẽ còn là sự thụt lùi. Hơn nữa, vì tiến bộ luôn đi cùng với thụt lùi (trong sự tiến bộ hướng tới phương hướng mục đích, nếu nhìn từ nơi xuất phát thì nó là sự thụt lùi) cho nên dù nói là tiến bộ hay thụt lùi, dù là gì đi chăng nữa thì cũng không có gì to tát, chỉ là những hiện tượng của thế giới vật chất hữu hạn, là những hiện tượng trong thế giới nhỏ bé như một điểm về mặt hình học của thế giới vô hạn mà thôi. Thêm vào đó, vì là thế giới hữu hạn, thế giới giống như địa cầu nên càng đi, càng tiến thì điểm xuất phát lại chỉ càng trở nên gần hơn. Cho dù nó là sự tiến lên trong vô hạn nhưng về gốc rễ vẫn là những tìm hiểu, nghiên cứu của con người trong hữu hạn, do đó, nhất định sẽ kết thúc trong thất bại. Tuy nhiên, nếu hướng đi của nó là thế giới tinh thần vô hạn thì nó sẽ là sự tiến bộ vô cùng to lớn, sự tiến bộ thực sự không đi kèm sự thụt lùi. Nói cách khác, nó là sự tiến bộ tuyệt đối, vượt qua được cái vật chất hữu hạn. Một khi đã tiến vào thế giới tinh thần vô hạn thì sẽ không có đường lùi. Vì ở đó không tồn tại cái gọi là phương hướng. Và một khi đã đạt đến cảnh giới vô hạn thì mọi vấn đề của thế giới hữu hạn, dù là vấn đề khó khăn, phức tạp đến đâu cũng sẽ ngay lập tức được hóa giải. Chẳng phải những phát minh vĩ đại là những phát minh chỉ được hoàn thành bởi những người đã đặt chân vào thế giới vô hạn, thế giới vô tư, thế giới ngây thơ của con trẻ (童 – đồng tâm) hay sao? (Ngu thế gian là ngoan thiên đàng! NT).

(14) Nhiệt càng cao thì vận động càng mạnh

Đây là lẽ tự nhiên và hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, cả nhiệt lẫn vận động đều là câu chuyện của thế giới vật chất hữu hạn có tính Dương. Nếu bạn quan sát tấm bản đồ thứ ba và suy nghĩ thật kỹ thì bạn sẽ hiểu. Tóm lại, nó giống như kiểu “tính Dương càng lớn thì Dương tính càng mạnh”. Nó tương tự như hình ảnh người giàu có là một anh chàng người tuyết, càng lăn tròn thì càng to ra, càng to ra thì càng có nhiều tuyết bám vào. Ví dụ này thực sự rất thú vị.

Vận động càng mạnh, nói cách khác tính Dương của nó càng lớn thì tính Dương của nhiệt cũng lớn theo. Nguồn gốc của nhiệt là vận động. Nguồn gốc của vận động không phải là nhiệt. Và vì cả vận động lẫn nhiệt đều có tính Dương nên đây là câu chuyện chỉ có ở thế giới vật chất hữu hạn. Và vì nguồn gốc của hữu hạn là vô hạn cho nên đương nhiên nguồn gốc của vận động – nguồn gốc của nhiệt – là thế giới vô hạn. Nguồn gốc của Dương là Âm, nguồn gốc của tương đối là tuyệt đối. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thế giới Âm của tinh thần vô hạn, thế giới của vô tư, vô thức không phải là thế giới của cái chết mà là thế giới căn nguyên của sự sống, là thế giới của tự do và bình đẳng. Điều này thực chất đã được chỉ ra trong tấm bản đồ thứ ba nhưng đến đây tôi xin nhắc lại một lần nữa cho chắc chắn. Thế giới vô hạn là thế giới sáng tạo. Tuyệt đối không phải là thế giới của cái chết. Sáng tạo là câu chuyện tuyệt đối không tồn tại trong thế giới vật chất hữu hạn. Nói tóm lại, chỉ có thế giới tinh thần vô hạn mới là thế giới sáng tạo mạnh mẽ và không ngừng.

(15) Tại sao giới tự nhiên lại đạt tới trạng thái như bây giờ?

Người ta cho rằng đây mãi mãi là điều bí ẩn không bao giờ có lời giải đáp. Tuy nhiên, nếu đặt tâm mình vào 12 định lý của nguyên lý vô song và quan sát thật kỹ thì bạn sẽ hiểu ra vấn đề.

(16) Tại sao y học đã tiến bộ vậy mà con người không khỏe mạnh hơn?

Tiến bộ của y học là kiểu tiến bộ lấy vật lý học – ngành học coi việc nghiên cứu thế giới vật chất hữu hạn làm mục đích duy nhất – và khoa học – ngành học tìm hiểu về hóa học, cái đã chết, vô số hiện tượng trước khi có sự sống và những nguyên lý của nó – làm kỹ thuật và sức hút. Vì vậy, trong thế giới vật chất vô hạn, y học rõ ràng đã tiến bộ nhưng thật đáng tiếc, không biết từ lúc nào nó lại dần rời xa khỏi thế giới tinh thần, thế giới vô hạn, thế giới của sự sống.

(17) Thuyết tiến hóa

Giống như tất cả học thuyết hay khoa học khác, giờ đây, Học thuyết tiến hóa do Darwin (nhà bác học người Do Thái) tìm ra cũng đã sụp đổ (với tấm lá chắn là Thuyết di truyền học và bí ẩn về nhiễm sắc thể mà giờ đây nó vẫn còn duy trì được sự sống dù rất khó khăn). Nhìn vào tấm bản đồ thứ ba có lẽ ta sẽ hiểu rõ hơn về cơ chế và quy tắc của nó. Với học thuyết này, Darwin đã theo đuổi những dấu tích phát triển của sáng tạo, của thế giới sự sống vô hạn nhưng lại đưa ra những giải thích đậm chất chủ quan. Nói cách khác, ông đã làm một việc rất đúng là miêu tả, theo dõi và quan sát kỹ mọi dấu tích của cuộc chiến gay cấn diễn ra trên bàn cờ nhưng lại quên mất sự hiện diện của người chơi cờ. Dù vẫn là những người chơi đó nhưng chơi lại lần thứ hai thì sẽ không bao giờ có nước đi giống như trước. Ông đã phán đoán bằng những suy nghĩ hữu hạn và thiển cận khi cho rằng đó là phương pháp, kỹ thuật duy nhất.

(18) Không có quy y, phục tùng thì không có thống nhất

Nếu không có sự quy y, phục tùng đối với tuyệt đối thì không có thống nhất. Tình hình thế giới hiện nay đang nói lên điều đó. Kể từ sụp đổ của những tôn giáo giảng dạy về quy y thời kỳ Trung cổ cho tới tận ngày nay, những cuộc chiến tranh trên Trái đất, những trận đánh bi thảm vẫn liên tục xảy ra đang ngày càng trở nên nặng nề, nghiêm trọng. Ngay cả ở phạm vi một đội quân, nếu không có sự tuân lệnh, phục tùng tuyệt đối thì chắc chắn sẽ không có chuyện thống nhất, đồng lòng. Sự thống nhất của thế giới Dương hữu hạn sẽ không được thành lập nếu không có sự quy y, quy mệnh trở về với thế giới Âm tuyệt đối vô hạn. Sự thống nhất dựa vào sức mạnh, vũ lực chỉ tồn tại ở thế giới hữu hạn.

(19) Biểu đồ Âm Dương của Pythagore

Biểu đồ của Pythagore có nội dung như sau:

Nếu đính chính, chỉnh sửa bảng trên theo thế giới quan của nguyên lý vô song thì nên đổi chỗ trái phải ở hai cột ở các dòng số 2, 5, 8 và 9. Rồi sau đó bổ sung thêm một dòng ở trên cùng của bảng và ghi ở cột bên trái là Dương và bên phải là Âm.

(20) Những kiểu người của Ernst Kretschmer

Giáo sư, bác sĩ người Đức Ernst Kretschmer đã phân chia thể chất của con người thành bốn loại như sau:

1. Loại người to béo, mập mạp

Dáng người béo tròn, tính khí kiểu tuần hoàn (hỉ nộ ai lạc), cởi mở, có tính ngoại giao, nhiệt tình. Những người như mẹ của Johann Wolfgang von Goethe, Alexander Đại đế, Wilhelm von Humboldt v.v…

2. Loại người gầy gò, nhỏ con

Gương mặt giống trẻ con, tính khí hướng nội, chân thật, đứng đắn nhưng cô độc, lãnh đạm, nhạy cảm. Phần đông là các triết gia nổi tiếng, nhà văn trường phái bi kịch, ví dụ như những người như: Kantơ, Chúa Giêsu.

3. Loại người kiểu đấu sĩ

Gân guốc, cơ bắp cuồn cuộn, trông như lực sĩ.

4. Loại người trưởng thành, phát triển không bình thường (phát dục bất lương)

Nhỏ con, phát triển không trọn vẹn.

Nhìn từ thế giới quan của nguyên lý vô song thì có thể thấy rất rõ về Âm Dương lưỡng cực trong 4 loại người kể trên. Loại 1 là Âm, loại 2 là Dương, loại 3 là Âm, loại 4 là Dương.

Tuy nhiên, vì không biết nguyên nhân, hoàn cảnh sinh ra những loại người đó – thức ăn thông thường và môi trường thức ăn theo nghĩa rộng – cho nên việc phân loại này cũng chẳng có ích lợi gì. Bởi lẽ, những loại người này có trường hợp dị hình, ngoại lệ hoặc cũng có khi có xu hướng biến đổi vậy mà Kretschmerlại không thể giải thích được điều đó. Mặt khác, ông cũng không biết về quan hệ giữa kiểu người và tinh thần. Hơn nữa, ông không thể lấp đầy những khuyết điểm của một kiểu và cũng không chỉ ra được nguyên lý chung để gia tăng sức khỏe.

Học thuyết Tứ thể dịch của Hippocrates cũng giống như vậy. Về trật tự của cơ thể, tôi sẽ nói kỹ hơn trong cuốn “Trật tự của thân xác”. Trong đó, tôi cũng nói cả về thiên tài, kẻ điên, trí năng và tội phạm …

(21) Công lý có phải là sức mạnh?

Người ta thường nói sức mạnh là công lý hay công lý là sức mạnh.

Đó là công lý được chấp nhận chỉ riêng ở thế giới hữu hạn. Tại phương Tây, người ta quan niệm sức mạnh là công lý và là bàn tay phải. Điều này chẳng phải rất thú vị hay sao! Còn ở Trung Quốc hay Nhật Bản thì ngược lại. Lão tử có câu: “Phù giai binh giả, bất tường chi khí. Vật hoặc ố chim, cố hữu đạo giả bất xử” (tạm dịch: Binh khí là vật chẳng lành, súc vật còn ghét nó cho nên con người có Đạo không dùng) hay “Quân tử cư tắc quý tả, dụng binh tắc quý hữu” (tạm dịch: người quân tử khi ở nhà thì coi trọng bên trái; khi dùng binh thì phải coi trọng bên phải). Tuy nhiên, nếu công lý mà yếu thì chẳng có gì để nói. Công lý phải mạnh thì mới được. Vì công lý tồn tại trong tinh thần nên có tính Âm, không có sức mạnh gì cả. Nhưng theo trật tự của đất trời, nếu nó xuất hiện một lần trong thế giới hữu hạn có tính Dương thì nhất định nó sẽ có sức mạnh. Nhìn bức vẽ về Ngày phán xét cuối cùng của Đạo thiên chúa ta sẽ thấy một điểm rất thú vị, đó là hướng đi lên thiên đàng là phía tay trái còn hướng đi xuống địa ngục là phía tay phải. Trong nghệ thuật diễn kịch của Nhật Bản thì Kamite (Thượng thủ) là chỉ phía trái của sân khấu, còn Shimote (Hạ thủ) là chỉ phía phải của sân khấu. Hoa đạo (Ikebana) nhất thiết phải được treo, bày ở phía phải của sân khấu.

(22) Toàn thể và bộ phận

Nếu nói “Bộ phận tổ hợp làm nên toàn thể” theo quan niệm của chủ nghĩa toàn thể thì đây là lối tư duy máy móc. Nếu nói “Có toàn thể rồi mới có bộ phận” thì lại là quan điểm theo thuyết độc đoán độc tài. Nếu nói “Toàn thể và bộ phận cùng tồn tại song song” thì lại theo chủ nghĩa dân chủ. Nếu nói “Toàn thể và bộ phận được cấu thành một cách hữu cơ” thì lại mang tính thỏa hiệp, bịp bợm. Tuy nhiên, tất cả những quan niệm trên đều nhìn chưa thấu đáo về mối quan hệ giữa toàn thể và bộ phận. Lấy tấm bản đồ thứ ba ra mà xem, ta sẽ hiểu được ngay về mối quan hệ này. Trong đó có ghi rất rõ rằng cái toàn thể thực sự là Đại vũ trụ (Âm), cái bộ phận thực sự là thế giới hữu hạn (Dương). Nếu nhìn ra được điều này thì mọi vấn đề sẽ được hóa giải. Có rất nhiều người đang tìm kiếm cái toàn thể và bộ phận chỉ trong thế giới hữu hạn này. Nếu coi toàn thể là Đại vũ trụ (Âm) thì bất kỳ ai cũng sẽ hiểu ra ngay rằng nó là vô hạn. Nếu biết áp dụng mối quan hệ giữa thế giới hữu hạn (Dương) đối với cái vô hạn của Đại vũ trụ (Âm), hay nói cách khác là áp dụng trật tự của Đại vũ trụ và biến nó thành nguyên tắc của xã hội, gia đình, quốc gia hay nhân loại thì mọi vấn đề sẽ biến mất không còn chút vết tích. Tóm lại, ta có thể áp dụng nguyên si trật tự của Đại vũ trụ vào những thế giới nhỏ bé. Cho dù ở thế giới nhỏ bé thế nào đi nữa cũng vẫn luôn tồn tại trật tự Âm Dương.

Trên một đường thẳng nằm ngang, ta vẽ một tam giác đều với các cạnh có độ dài bằng với đường thẳng đó và dùng nó để biểu diễn cái toàn thể và bộ phận có tính xã hội (của thế giới hữu hạn) thì mọi thứ sẽ rất rõ ràng. Vì hình tam giác này có tính Dương. Và nếu dùng hình tam giác này để biểu diễn xã hội thì một phần hay một điểm của đường thẳng đó sẽ là bộ phận, toàn bộ hình tam giác sẽ là toàn thể. Nếu không có đường thẳng đó thì không có hình tam giác. Rồi nếu ta chia hình tam giác làm đôi theo chiều ngang thì theo nguyên lý vô song, phần trên sẽ là Âm và phần dưới sẽ là Dương. Phần trên là tầng lớp lãnh đạo, chi phối, phần dưới là tầng lớp bị chi phối. Và phần trên chỉ bằng 1/3 phần dưới. Nếu tiếp tục chia phần nửa trên thành hai phần thì quả nhiên đúng là như vậy. Người lãnh đạo cao nhất phải là một điểm ở trên đỉnh của hình tam giác. Dù có bao nhiêu bộ phận hay bao nhiêu điểm cũng không thể có hình tam giác; dù có đủ ba đường thẳng rồi nhưng nếu không có một sức mạnh để ghép chúng lại thành hình tam giác thì sẽ không thể có toàn bộ hình tam giác. Ngược lại, cho dù có sức mạnh đó nhưng nếu không có điểm hay bộ phận thì hình tam giác cũng sẽ không thể hình thành. Nhưng vì sức mạnh này là vô hạn, là chức năng, hoạt động của thế giới tinh thần tuyệt đối và điểm tạo ra đường thẳng đó (nói là ba đường thẳng nhưng thực sự chỉ có một đường thẳng liên tục) thực chất là một phần của thế giới vô hạn tuyệt đối cho nên, hình tam giác của thế giới hữu hạn này thực sự được sinh ra từ thế giới vô hạn. Vì lẽ đó, tuân theo trật tự của Đại vũ trụ này là lẽ tự nhiên. Về nội dung xoay quanh phần này, tôi sẽ đề cập lại trong các cuốn sách như “Trật tự của con người”, “Trật tự của xã hội” hay “Trật tự của chính trị”.

(23) Công lý là gì?

Công lý là sự triển khai, mở rộng trật tự, quan hệ nhân quả, âm dương tương đối, đối ứng, bổ sung lẫn nhau của Đại vũ trụ ra thế giới hữu hạn.

(24) Thời gian và không gian

Không gian là sự mở rộng ra vô hạn, Thời gian là sự kéo ra đến vô cùng. Một khi cả hai yếu tố này đã là vô hạn thì chúng chỉ là những tên gọi khác nhau của thế giới vô hạn, thế giới tinh thần, thế giới tuyệt đối mà thôi. Hoàn toàn không thể là thứ gì khác biệt. Chúng ta nghĩ chúng là thứ gì đó khác biệt là bởi vì con người thường coi “cơ thể sống” hữu hạn của bản thân như là một chiếc thước kẻ và cứ thế tiến hành đo đếm. Cơ thể sống là thứ hữu hạn vì thế cái thời gian và không gian nằm trong giới hạn đo đếm đó cũng hữu hạn. Chúng ta thấy không gian có ba chiều là vì chúng ta đo đếm nó bằng thân xác ba chiều. Chúng ta thấy thời gian có một chiều là vì chúng ta đo đếm nó bằng tuổi thọ của sự sống một chiều. Ta sẽ hiểu được rõ ràng là không gian cũng sẽ là vô hạn nếu chúng ta đo đếm bằng tính Âm, bằng tinh thần vô hạn chứ không đo đếm bằng thân xác hữu hạn. Và chúng ta sẽ hiểu được ngay rằng ở đó không tồn tại khái niệm chiều. Cả quá khứ, tương lai và hiện tại đều không tồn tại. Cả quá khứ lẫn tương lai đều là những phương hướng của thân xác. Nếu thay đổi phương hướng đó thì ngay lập tức sẽ thấy có quá khứ hay tương lai. Ví dụ, ta đang trên đường băng ngang qua Siberia để tới Đức, khi tới thành phố Novosibirsk hay thành phố Omsk thì Berlin là tương lai. Nhưng nếu vì một tin cấp báo nào đó ta phải quay đầu trở lại thì lúc này Berlin lại là quá khứ và Tokyo trở thành đích mà ta hướng tới, trở thành tương lai. Với điều này, có lẽ ta có thể hiểu nôm na là Không gian và Thời gian là giống nhau. Chúng ta thấy không gian có ba chiều là vì cấu tạo của mắt (thân xác), thủy tinh thể của mắt có ba chiều. Nếu ta làm cho cái mắt này có cấu tạo của vô hạn (tinh thần) thì ba chiều sẽ tan biến.

(25) Vật chất, chất lượng, năng lượng

Vật lý và hóa học cho ta biết ba khái niệm này là bất diệt (không mất đi), bất tăng (không tăng lên) và bất biến (không thay đổi). Tuy nhiên, đó là câu chuyện của riêng thế giới vật chất hữu hạn tương đối mà thôi. Ai đã chứng minh điều này trong Đại vũ trụ? Điều đó chỉ có trong phòng thí nghiệm. Tại sao con người với sự sống ngắn ngủi, hữu hạn lại có thể tiến hành thí nghiệm về vô hạn trong cơ thể sống này? Tính bất diệt, bất di bất dịch của ba khái niệm này đang là những quan điểm rất căn bản (tam đại căn bản) của vật lý học nhưng đặt trong phạm trù phi khoa học thì điều này không khác gì với một số học thuyết như: học thuyết Ete, nguyên tử luận, nguyên tố luận… Thực sự rất ngây ngô, rất trẻ con. Nó giống như chuyện về một đứa bé tháng nào cũng xin bố mẹ tiền tiêu vặt nhưng lại nói “Tiền trong ví của tôi là bất diệt bất biến”. Vì nó sẽ luôn được bố mẹ cho tiền – những đồng tiền phải trả bằng máu, nước mắt và sinh mạng mới có được. Thế giới hữu hạn này đang được nuôi dưỡng không ngừng bằng sức mạnh sáng tạo của thế giới vô hạn. Chính vì thế, vật chất, chất lượng và năng lượng là bất biến. Khi con người trong thế giới hữu hạn này nghiên cứu về vật chất hữu hạn, họ đã mắc sai lầm nghiêm trọng ngay từ khi coi cái căn bản, xuất phát điểm, nền tảng của vật chất, chất lượng, năng lượng là thế giới vô hạn, là thế giới tuyệt đối bất biến, bất diệt. Việc không coi vật chất, chất lượng, năng lượng là vô hạn mà lại cho rằng nó là sự tuần hoàn của hữu hạn hoặc coi vô hạn như một vòng tròn và kiểu gì cũng gán cho nó bóng dáng của thế giới hữu hạn thì cũng giống với kiểu quan niệm gán hình ảnh của con người “có hình dáng” “nhìn thấy được” cho Thượng đế “vô hình”. Đó là một kiểu sùng bái, thần tượng hóa.

Chính vật chất, chất lượng, năng lượng là sự sáng tạo không ngừng của thế giới vô hạn, của thế giới thần thánh, tinh thần. Ba yếu tố này có tính chất giống nhau, đều vô hạn, vô tận và do đó chúng không ngừng diệt vong, không ngừng sinh ra, không ngừng tăng lên, không ngừng biến đổi. Vì vậy, nó vừa bất tăng, bất diệt, bất biến đấy nhưng lại vừa không ngừng tăng lên, không ngừng sinh ra và không ngừng lụi tàn. Nó là một dòng chảy lớn không ngừng phát triển, không ngừng diệt suy và không ngừng biến đổi trong trạng thái không hề biến đổi. Chúng ta chỉ quan sát được một phần của dòng chảy đó mà thôi. Và bởi vì chúng ta là những sinh vật trổi nổi trên dòng chảy đó, bị cuốn đi rất nhanh bởi tốc độ của nó nên chúng ta mới nghĩ rằng hình như nó bất tăng, bất diệt, bất biến. Sự bế tắc, cùng đường, lạc lối của Thuyết nguyên tử, Thuyết lượng tử, Tia vũ trụ, Quy tắc thứ nhất và thứ hai của Nhiệt động lực học chính là minh chứng cho điều này.

(26) Sự kì bí của điện tử

Vật lý học quan niệm rằng thế giới này được hình thành bởi những vật thể trong giới hạn mắt thường có thể nhìn thấy. Và kết quả là họ đã phát hiện ra hơn 90 loại vật chất. Họ trân trọng, giữ gìn, coi hơn 90 nguyên tố này như của quý vì nghĩ rằng chúng là thứ bất biến, bất diệt và chính chúng là thực tại duy nhất của vũ trụ. Nhưng đến năm 1898 thì giấc mơ này đã dễ dàng bị đập tan. Đó là câu chuyện của 42, 43 năm về trước. Đó là sự kiện phát hiện ra tia phóng xạ uranium. Phát hiện này đã trở thành manh mối để người ta hiểu ra rằng những thứ mà người ta tưởng là hơn 90 nguyên tố khác nhau đó thực chất chỉ là hai hạt điện tử âm dương mà thôi. Vì vậy, hiện nay người ta cho rằng cuối cùng, mọi vật chất đều được tạo nên từ hai loại hạt điện tử Âm và Dương. Và hình như người ta chưa nghĩ tới những chuyện như: hai loại hạt này đến từ đâu, tại sao chúng được tạo ra và chúng có cấu tạo như thế nào. Nó giống như câu chuyện đứa con suốt ngày ăn bám bố mẹ cuối cùng cũng lờ mờ hiểu ra rằng tiền trong ví của mình không bao giờ hết là vì có bố mẹ và thỉnh thoảng họ lại cho tiền vào đó. Thế nhưng, nó chưa biết bố mẹ nó đã khổ sở, vất vả thế nào để có được số tiền đó và tại sao lại có thể làm được việc như thế.

Tôi nghĩ học thuyết về hạt điện tử này cũng có đôi chút ngây thơ. Học thuyết này giả định rằng cái gọi là hạt điện tử bao gồm hai yếu tố: Điện và Hạt. Nó cho rằng các hạt điện tử nhiều hơn hai tạo ra rất nhiều nguyên tố nhưng lại bỏ qua độ lớn của không gian giữa các hạt điện tử cũng như chức năng, hoạt động của nó. Không chỉ có thế, nó còn bỏ qua những vấn đề về cấu tạo của hạt hay nguồn phát điện của dòng điện trong nó. Có thể trong tương lai người ta sẽ tiếp tục tích cực tìm tòi, nghiên cứu nhưng điều này lại một lần nữa giống với vấn đề về thời gian và không gian. Là vấn đề vô hạn được đo bằng hữu hạn. Nó giống như việc mô tả Thượng đế bằng thần tượng vậy. Học thuyết về hạt điện tử là thần tượng của các nhà khoa học. Nếu hiểu được hình dáng thực tế (bản thể) của Thượng đế được thần tượng hóa này thì có lẽ ở thời đại đó, khoa học này sẽ phát triển rất mạnh mẽ. Có lẽ nó sẽ bước vào được thế giới vô hạn từ thế giới hữu hạn.

Tuy nhiên, sự thật là, cái gọi là Hạt gì gì đó thực chất chẳng là gì cả. Và Điện cũng chỉ là cái nhìn thoáng qua (cái nhìn qua thanh chắn hàng rào) có tính hữu hạn của thế giới vô hạn. Nguồn phát ra Điện là Đại vũ trụ, là thế giới thần thánh, tinh thần, vô hạn, tuyệt đối và lượng điện nó phát ra là vô hạn. Đại vũ trụ chính là nhà máy phát điện vô hạn. Đến đây, với sự xuất hiện của học thuyết về năng lượng thì tư tưởng về vật chất bất diệt, chất lượng bất biến đã lụi tàn ngay cả trong thực tiễn. Tư tưởng có tính duy vật coi thực chất của vũ trụ là vật chất cũng đã thất bại hoàn toàn.Và có lẽ trong tương lai gần, học thuyết năng lượng này cũng sẽ bị đánh đổ mà thôi. Tất cả những nội dung ở phần này tôi sẽ đề cập tới trong một cuốn sách khác.

(27) Nguyên lý thứ nhất và thứ hai của Nhiệt động lực học

Nhiệt động lực học của Julius von Mayer cho rằng “Nhiệt di chuyển từ chỗ lớn (cao) xuống chỗ bé (thấp)” và “Nhiệt thực hiện công việc tương ứng với nhiệt lượng của nó (Mechanical equivalent of heat)”. Đây là một phát kiến vĩ đại nhưng cũng lại là câu chuyện về nhiệt là thế giới Dương, thế giới hữu hạn. Do đó, những nguyên lý này chỉ đúng trong thế giới vật chất hữu hạn và thế giới năng lượng mà thôi. Vì vậy, việc ngay lập tức đưa câu chuyện của thế giới hữu hạn này vào thế giới tuyệt đối của Đại vũ trụ vô hạn và rút ra kết luận rằng chẳng bao lâu nữa vũ trụ sẽ nguội lạnh và trở thành thế giới chết tựa như một chiếc tủ lạnh khổng lồ là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Nếu hiểu rằng thế giới hữu hạn tạo ra thế giới vô hạn và thế giới vô hạn là thế giới của sáng tạo thì câu chuyện này sẽ trở nên hết sức kỳ lạ, nực cười. Mặc dù những nguyên lý của Julius von Mayer và Nicolas Léonard Sadi Carnot đã làm sáng tỏ tính chất không thể thay đổi, không thể tiêu diệt, không thể đo đếm (tính khả biến, tính bất khả phá hoại, tính bất khả lượng) của lực và khẳng định rằng vận động không bao giờ tuân theo những nguyên lý có tính đại số học, hay nói cách khác vận động tuyệt đối không thể trở về con số 0 (đó là học thuyết vô cùng tuyệt vời) nhưng nếu không làm sáng tỏ được lý do của chúng thì chắc chắn sẽ bị chỉ trích là chưa vượt qua được phạm vi của không tưởng, ức đoán, giả thuyết. Học thuyết này ngay từ đầu đã không chỉ rõ được những nguyên nhân đó cho nên nó có tính phi khoa học. Không phải là học thuyết thống nhất, toàn vẹn. Thống nhất hay toàn vẹn ở đây có nghĩa là phải chỉ ra cái tổng thể, chỉ ra những nguyên nhân chuẩn mực và cùng cực nhất.

(28) Phép biện chứng

Phép biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel là một phương pháp luận hiện đại nổi tiếng. Nó là cách quan sát, cách suy nghĩ, nhìn nhận về lịch sử hình thành, tiến hóa theo kiểu “Tại sao thế giới lại trở thành như bây giờ?” Đặc trưng của phương pháp này là cách nhìn nhận, cách suy nghĩ năng động (dynamic) theo hướng hình thành. Và điểm đặc biệt nổi bật của phương pháp này là ở chỗ đã nhìn ra nguyên lý của hình thành là đối lập. Tuy nhiên, việc nhìn nhận sự đối lập đó trong sự phủ định, trong sự đối lập giữa chính là phản, trong cách sử dụng “đề” và “phản đề” vừa là đặc trưng nhưng cũng chính là thiếu sót của phương pháp này. Nó phát triển một cách logic với “phủ định” và “phủ định của phủ định”. Về cách nhìn nhận thì phương pháp này rất đúng và đến đây nó có cấu trúc hoàn toàn giống với nguyên lý vô song. Vì vậy, phép biện chứng này đã chinh phục được giới tư tưởng hiện đại với tư cách là một nguyên lý thế giới tuyệt vời. Thế nhưng, việc nhìn nhận về đối lập theo hướng chính và phản, phủ định hay phủ định của phủ định là cách nhìn có phần chủ quan, có tính vật chất, có tính hữu hạn, đưa vào quá nhiều “cái tôi” (ngã). Chỉ cần thay đổi lập trường, thay đổi cách nhìn thì tất cả Phủ định sẽ trở thành Khẳng định. Có thể tự do, thoải mái coi đối lập là mâu thuẫn nhưng với cách nhìn đó thì thế gian này có nguy cơ sẽ trở nên rối ren, tàn bạo và đẫm máu. Nó sẽ dẫn tới sự đối lập giữa tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị, giữa nam và nữ, giữa người giàu và người nghèo, giữa sống và chết, giữa cái thiện và cái ác và thế giới này sẽ trở thành một cái lò sát sinh nơi sự cạnh tranh sinh tồn giữa ăn và bị ăn diễn ra vô cùng khốc liệt. Cách nhìn nhận này là tư tưởng có tính dân chủ, mang màu sắc của thuyết tiến hóa và đậm chất chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân của phương Tây – những tư tưởng được thể hiện rất rõ ràng từ sự phân cực (dichotomy) trong Thuyết vật tâm nhị nguyên luận của nhà khoa học người Pháp René Descartes. Vậy điểm thiếu sót của nó là gì? Thứ nhất, nó không giải thích được tại sao lại tồn tại những mâu thuẫn đó (ví dụ như Đề, Phản đề, Phủ định, Phủ định của phủ định). Nó không giải thích được tại sao Đề lại bị Phản đề phủ định. Ngay cả nguyên lý thứ hai của thuyết nhiệt động lực học thì cũng như thế thôi, nếu không thể giải thích phần quan trọng nhất của nguyên lý về sự hình thành và phát triển này bằng phép biện chứng thì phép biện chứng này sẽ không được chấp nhận. Thứ hai, chừng nào nó chưa giải thích được tại sao lại sinh ra Đề và Phản đề, Đề là gì, Phản đề là gì và nguồn gốc của chúng như thế nào… thì nó cũng lại chỉ là một cách nhìn nhận của thế giới vật chất, hiện tượng, của thế giới hữu hạn mà thôi.

Cách nhìn nhận theo hướng chủ nghĩa toàn thể là sự thử nghiệm nhằm loại trừ những thiếu sót trên, tiến tới phát triển hơn, bổ sung đầy đủ hơn cho phương pháp này. Đây cũng là bước phát triển hết sức đúng đắn nhưng vẫn chưa toàn vẹn. Chủ nghĩa toàn thể không xem đối lập là mâu thuẫn hay phủ định mà đã thay đổi cách nhìn và coi đối lập là sự khẳng định, điều hòa, là một nhánh thống nhất của toàn thể. Nhưng vì khái niệm thống nhất đó vẫn bị giới hạn bởi cái hữu hạn cho nên nó chưa chỉ ra một cách rõ ràng về cơ cấu và chức năng của hình thành phát triển, ví dụ như tại sao thống nhất lại sinh ra phân nhánh? hay tại sao phân nhánh lại quay về với tổng thể?… Cái gọi là thống nhất hay điều hòa trong trường hợp này có ý nghĩa đại khái gần gần với cái toàn thể, tổng hợp bị giới hạn. Gọi là toàn thể nhưng nó là cái toàn thể của một vật chất hoặc của một nhóm và không bao hàm nguồn gốc sản sinh ra vô số vật chất, không bao hàm nguồn gốc nuôi dưỡng chúng không ngừng nghỉ, không bao hàm cái vô hạn của không gian cho nó tồn tại.

Thứ hoàn thiện lý luận chủ nghĩa toàn thể này không phải là học thuyết tồn tại – học thuyết giải thích về sự hình thành, phát triển bằng tồn tại; không phải là học thuyết sinh thành – học thuyết giải thích về sự tồn tại bằng sự hình thành, phát triển; mà chính là lý luận về thế giới vô hạn, nói cách khác, đó chính là nguyên lý vô song – nguyên lý chỉ ra rằng tồn tại là hình thành và phát triển, là lý tưởng, là sự sống và ngược lại, sự sống, sự hình thành, phát triển, hay lý tưởng, đạo nghĩa chính là sự tồn tại. Ngay trong triết học chân chính, điều quan trọng bậc nhất là phải trả lời câu hỏi: tại sao Nhiều lại sinh ra từ Một? Nhằm giải quyết vấn đề này, chủ nghĩa toàn thể đã đưa ra hai lập luận đó là: sự phân nhánh tại điểm xuất phát (xuất phát phân chi tính) và sự quay về thống nhất với nguồn gốc (hoàn nguyên quy nhất tính). Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì hơi khó khăn. Đến đây sẽ xuất hiện khái niệm về sức mạnh và độ lớn của thế giới quan nguyên lý vô song. Cái này tôi đã nói sơ qua lúc đầu và vì đó sẽ là những câu chuyển rất khó nên tạm thời tôi xin phép dừng tại đây. Trong tương lai không xa, tôi sẽ viết một cuốn sách về chủ đề Phép biện chứng và Chủ nghĩa toàn thể.

Hàng năm, chúng tôi đều sẽ tổ chức các chuyến đi thăm hoa lúa và đi gieo duyên phổ biến Thực dưỡng với các tỉnh thành … vào tháng 5, tháng 8 và tháng 10… cho các bạn là “xã viên” HTX Toàn Không – một tổ chức phi tổ chức để cùng nhau ăn sạch, ở sạch và phụng sự… đây là đoàn thể của những người ăn ít ngủ ít và ham muốn ít… những người đã và đang SỐNG THEO CẢNH NGHÈO bạn sẽ luôn vui sướng… bạn nào đã có sẵn các đặc tính đó thì xin hãy kết nối với chúng tôi.

Bạn nào có nhiều tiền hãy xả phú cầu bần cùng chúng tôi làm từ thiện giúp đỡ những người vùng sâu vùng xa, trang bị kiến thức cho họ…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.