Trật Tự Vũ Trụ

2. THẾ GIỚI VĨNH HẰNG



Từ xa xưa, các nhà triết học Đông Dương đã quan niệm thế giới của những hiện tượng hữu hạn, phiền phức, vô thường này được sinh ra và nuôi dưỡng bởi thế giới vĩnh hằng, vô hình vô hạn, thế giới tự do bình đẳng và sáng tạo, rồi họ tiến hành hệ thống hóa, tìm ra trật tự của nó, tạo ra Sáng Thế Ký và áp dụng giảng dạy như là những nguyên lý chỉ đạo cuộc sống của con người. Tất cả các thánh điển học thuật, tôn giáo của Đông Dương như MAHÂ PRAJNÂ PÂRAMITÂ HRIDAYA SUTRÂ (Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh), Đạo Đức Kinh (của Khổng Tử), Dịch Kinh, Áo Nghĩa Thư (Upanisad), Thánh Kinh, Cổ Sự Ký (Kojiki), Nhật Bản Thư Kỷ (Nihon Shoki), Báo Đức Ký… đều có chung tư tưởng này. Thế nhưng, người thời nay hoàn toàn không hiểu được những tác phẩm này. Nó giống như một thứ ngôn ngữ khó hiểu đối với họ. Người thời nay thiển cận đến mức đáng sợ. Nghe nói ngày xưa, khi các nhà truyền giáo đầu tiên đến Nhật Bản để truyền đạt phúc âm của Chúa, một vị lãnh chúa đã nói với họ “Vậy thì hãy cho tôi xem Chúa của các ông!”. Yêu cầu này không khác gì bảo ai đó cho xem giấc mơ của họ và thật nực cười nếu có ai định cho xem thật.

Người thời nay hầu hết đã mắc chứng cận thị hoặc mù màu tinh thần như vị lãnh chúa kia. Không, không phải chỉ những người thời nay mới thế đâu. Tại phương Tây, từ thời Trung cổ, hầu hết mọi người dân đều bị cận thị, luôn miệng đòi hỏi “Đưa Chúa ra đây!”, luôn miệng khăng khăng “Làm gì có chuyện có thứ gì không thể nhìn thấy!”… Bức tranh cuộc chiến dữ dội và khốc liệt giữa tôn giáo và khoa học cứ thế kéo dài, lan rộng cho tới tận thời hiện đại ngày nay. Mới đây, tôi đã có dịp tới thăm thành phố Nagasaki và chợt nhớ lại nhiều sự kiện đã xảy ra nơi đây. Câu chuyện tình bi thảm giữa một cô gái Nhật Bản và một sỹ quan Hà Lan ở đảo Dejima; vụ hành quyết 54 chiến binh tử vì đạo hay cuộc khởi nghĩa Amagusa. Tất cả đều nằm ở những trang cuối cùng của cuốn lịch sử đấu tranh đẫm máu giữa phe tin vào tôn giáo và phe tin vào khoa học – giữa một bên là những người tin vào thế giới tinh thần, thế giới vô hạn với một bên là những người tin vào thế giới vật chất, thế giới hữu hạn. Nói cách khác, đó là cuộc chiến tranh, xung đột của sự thiển cận quá đáng và những ý kiến mù quáng về tinh thần.

Tất cả những cuộc đấu tranh giữa tôn giáo và khoa học thời Trung cổ, từ nỗi thống khổ của nhà bác học Galileo đến vụ hỏa thiêu nhà triết học Giordano Bruno; từ vụ khủng bố, ngược đãi Martin Luther và Jean Calvin cho đến câu chuyện tình trên đảo Dejima hay cuộc khởi nghĩa Shimabara, tất cả đều là những câu chuyện, những biến cố lịch sử có thật mà như mơ, có thật mà như đùa. Rồi mai đây, sau chừng 50 năm nữa, sự đau khổ của thế giới ngày nay, những bóng dáng u sầu, phiền muộn, rồi cả Hitler hay Churchil, hay Olympic của Sắt và Máu… sẽ trở thành “những câu chuyện” được người đời nhắc tới. Những người như Galileo hay vị lãnh chúa kia chỉ nhìn thấy thế giới hiện thực vật chất, thế giới hữu hình hữu dạng trước mắt họ, (cái hình dạng đó nếu có, nếu thấy được thì nhất định cũng sẽ tan biến mà thôi), mà không thể thấy được thế giới của 5, 10, 50 hay 100 năm sau. Giả sử họ thấy được đi chăng nữa, họ cũng không hiểu được mối liên hệ giữa thế giới đó với hiện thực. Ngược lại, những người như Luther, như Calvin, những kẻ tử vì đạo ở Amagusa hay những nhà truyền giáo đã nỗ lực hết sức để giảng giải, thu phục vị lãnh chúa nọ thì sao, họ thấy được thế giới của hàng ngàn, hàng vạn năm trước cũng như thế giới của hàng ngàn, hàng vạn năm sau, họ thấy được thiên đường nhưng thế giới gần gũi chỉ 50, 10 năm thì lại trở nên mờ ảo, lệch lạc trong mắt họ, khiến họ nhìn thế giới hiện thực như những giấc mơ. Tóm lại, đã xuất hiện hai phái, trong đó người ở phía thế giới vĩnh hằng không giải thích được cho người ở phía thế giới hiện thực hiểu được tầm quan trọng, sự lớn lao của thế giới vĩnh hằng và ngược lại, người ở phía thế giới hiện thực không giải thích được cho người ở phía thế giới vĩnh hằng hiểu được tầm quan trọng, sự lớn lao của thế giới hiện thực. Vậy tại sao lại có những người có tư tưởng xung đột, đối lập nhau như vậy? Tại sao lại có thời kỳ quá đỗi vật chất rồi lại sinh ra thời kỳ quá đỗi tinh thần đối lập hoàn toàn như vậy? Tôi sẽ lại nói đến việc mỗi nước một khác và đã có thế giới quan về nguyên lý vô song giải đáp vấn đề về sự liên quan giữa thế giới hiện thực này (thế giới Sein) và thế giới lý tưởng đó (thế giới vĩnh hằng, thế giới Sollen). Nhưng vì chúng ta đang sống trong thời đại của khoa học, mọi thứ đều là khoa học nên tôi sẽ nói từ góc độ khoa học.

Khoa học (hay học thuật phương Tây) bắt đầu từ Aristotle, người được coi là cha đẻ của mọi ngành học. Aristotle chia HỌC thành hai loại: KHOA HỌC (ngành học về thế giới vật chất hữu hạn) và TRIẾT HỌC (ngành học về thế giới tinh thần – ngành học về căn nguyên của thế giới vật chất). Thế nhưng, do phía ngành học về thế giới vật chất hữu hạn này rất cụ thể và dễ hiểu đối với bất kỳ ai nên những người đi sau Aristotle tất cả đều dồn nhiều công sức nghiên cứu hơn. Tức là có nhiều người thiển cận hơn. Sau nhiều thế kỷ, ngành học thuật có tính vật chất này ngày càng phát triển mạnh hơn và cuối cùng, đến thế kỷ 18, 19 nó đã đạt đến đỉnh cao nhất. Đây là thời kỳ của khoa học vạn năng. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 20, nó đã đi đến cùng đường. Nhà vật lý người Đức Max Planck, người sáng lập Thuyết lượng tử đã đưa ra tuyên bố “Khoa học là nghiên cứu về thế giới cảm giác”. Cái gọi là thế giới cảm giác đó bao trùm toàn bộ thế giới, cả cá nhân, cả nhân loại, cả động vật, thực vật và trái đất nhưng so với đại vũ trụ, đại tự nhiên quảng đại vô biên, nó chỉ bé nhỏ như những hạt bụi li ti vẩn vơ trong bầu trời, như những bọt bong bóng nhỏ bé trôi nổi và biến mất giữa lòng đại dương. Đại vũ trụ, đại tự nhiên vô cùng uy nghiêm, không bao giờ thay đổi hay bị ảnh hưởng cho dù có bao nhiêu hạt bụi và bọt được sinh ra hay biến mất. Đại vũ trụ, đại tự nhiên này được gọi bằng cái tên THỰC TẠI hay THỰC TƯỚNG. Thế giới của thực tại ở đây là thế giới quảng đại vô biên, tự do, vô hạn, không hề bị bó buộc và vĩnh cửu. “Thế giới của thực tại” cũng sẽ là thế giới mà từ nay về sau khoa học phải nghiên cứu. Nếu điều này là sự thật thì khoa học đã chấp nhận thất bại.

Nói cách khác, cuối cùng khoa học cũng đã thừa nhận thế giới vĩnh cửu, vô hạn. Nhưng cái gọi là thế giới vĩnh cửu, thế giới vô hạn phải là duy nhất. Nếu có hai thì nó chỉ là thế giới 1/2 vĩnh cửu mà thôi. Sẽ lại là một sai lầm tương tự nếu cho rằng thời gian và không gian là hai phạm trù riêng biệt. Cả hai đều là tên gọi khác của thế giới vô hạn của thực tại quảng đại vô biên này. Bởi lẽ tất thảy đều vĩnh cửu, vô hạn. Mặt khác, thế giới tinh thần mà tôi đề cập ở phần trước cũng là thế giới vĩnh hằng vô hạn, cho nên nó cũng là tên gọi khác của thế giới thực tại. Cái gọi là thế giới tinh thần (thượng đế) và cái gọi là thực tại, thực tướng cũng chỉ là một. Nếu lý giải rành mạch được điều này thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Cái tìm hiểu và khẳng định rõ tính đồng nhất (identity) (vật tâm nhất như tính) của thế giới vật chất và thế giới tinh thần chính là thế giới quan. (Trong từ THẾ GIỚI (sekai) thì THẾ có nghĩa là thời gian vô hạn, GIỚI có nghĩa là không gian vô hạn; trong từ VŨ TRỤ (uchu) thì VŨ có nghĩa là thời gian vô hạn, TRỤ có nghĩa là không gian vô hạn. Phật giáo gọi thời gian vô hạn là Vô lượng thọ, còn không gian vô hạn là Vô biên quang).

Đến đây, ta đã khẳng định với nhau một điều là giấc mơ và tinh thần, tinh thần và thời gian, không gian đồng nhất với nhau, là thế giới vĩnh cửu, vô hạn. Tuy nhiên, vẫn còn chỗ nào đó chưa được rõ ràng. Không sao, tất cả rồi sẽ sáng tỏ thôi…

Cả Immanuel Kant (Kantơ) và Max Planck đều thừa nhận ở phía sau xa xa của thế giới vật chất hữu hạn có tồn tại thế giới thực tại. Tuy nhiên, thế giới vật chất hữu hạn (thế giới con người) và thế giới tinh thần (thế giới thần thánh) liên quan, liên hệ với nhau như thế nào là vấn đề lớn cuối cùng. Tôi không nhìn nhận đây là một vất đề triết học phức tạp mà sẽ sắp xếp, tổng hợp một cách đơn giản dù còn sơ sài và đôi chỗ còn lộn xộn. Tôi cho rằng thế giới hữu hạn (vô thường) dù có rộng lớn, bao la hay có nhiều bao nhiêu đi chăng nữa cũng chỉ là một phần, một phần nhỏ của thế giới vô hạn. Tôi muốn khẳng định chắc chắn rằng cái hữu hạn là một phần của cái vô hạn.

Ngay cả những người theo chủ nghĩa vô thần cũng có lúc bất giác buột miệng cầu khấn “Lạy Chúa!” hay “A di đà Phật” để mong sao tai qua nạn khỏi. Ngay cả những nhà vật lý hay học giả về thế giới vật chất vô hạn như Newton, Planck cũng không thể không tin vào sự tồn tại của thế giới thần thánh, thế giới vĩnh hằng này dù điều đó còn rất mơ hồ và chưa được chứng minh một cách logic. Họ tin vào điều đó từ lúc nào không hay chính bởi vì họ đã lờ mờ biết được rằng sự vĩ đại của nó, sự thần diệu trong sức mạnh của nó đã tạo ra thế giới này, cuộc sống này của chúng ta, luôn ngự trị bên trên chúng ta, che chở, bảo vệ chúng ta. Điều này tựa như việc qua những giấc mơ ta có thể rong chơi, du hành tới thế giới của tự do, vô hạn, vĩnh hằng, không có thời gian và không gian; tựa như việc ta có thể tự do đi lại giữa thế giới của giấc ngủ không câu nệ, không ràng buộc và thế giới đầy rẫy sự câu nệ, khoảng cách, tranh giành, phiền muộn; tựa như việc nó dạy cho chúng ta về sự tồn tại của thế giới tự do vô hạn và sự thật về một thế giới quá đỗi khác biệt của giai đoạn trưởng thành đầy kỳ lạ, phức tạp được sinh ra từ giai đoạn ấu thơ, niên thiếu, thanh niên khờ dại. Thử tổng hợp những điều đó lại và nghĩ mà xem, ta sẽ lờ mờ hiểu được một điều rằng: thế giới ánh sáng, thế giới tương đối, hữu hạn được hình thành từ thế giới tối tăm, vô hạn, không bến bờ. Ta có thể trở nên giàu có chính từ trong nghèo khổ, đói rách. Tức là chính “sự không có gì” sẽ tạo ra “sự có gì”. Cái hữu hạn được sinh ra từ cái vô hạn, tức là, cái CÓ được sinh ra từ cái KHÔNG. Một người dù giàu có thể nào đi nữa khi chết đi mọi tài sản sẽ trở về với số không tròn trĩnh, thậm chí cái thân xác đáng thương của họ cũng không còn khả năng tự thân tư duy nữa. Ở thế giới này có hiện tượng dư thừa dân số nhưng dường như điều này không tồn tại ở thế giới bên kia. Thế giới đó có mở cổng trời và tiếp nhận thân xác của hàng tỷ tỷ động vật, thực vật khi chúng chết đi hay không, điều đó không ai biết được, nhưng có một điều chắc chắn là nó không bé lại, hẹp đi vì điều đó. Như thế tức là thế giới của cái chết cũng vô hạn. Vì nó cũng vô hạn nên nó cũng là một tên gọi khác của thế giới tinh thần, giấc mõ, thực tại. À ra thế, cái chết cũng thế!

Từ xa xưa, con người chúng ta đã đúc kết rằng “Chết giống như sự trở về”, chúng ta nhận thức rằng “Xả thân vì nước (diệt tư phụng công) là bổn phận của người dân”, chúng ta cũng biết sử dụng từ “Quy U” (kiyu – chết). Đó là vì từ xưa chúng ta đã có niềm tin rằng “Chúng ta đến với thế giới này (Hiển giới) từ thế giới bên kia (U giới) và chúng ta sẽ sớm quay trở về nơi đó”. Nếu không nghĩ như thế thì có lẽ việc chết đi, việc phải ra đi một mình để lại sau lưng những người ta yêu quý sẽ thảm thương, đau đớn, sầu khổ đến nhường nào. Thế nhưng, chết dường như trên thực tế không đau khổ đến mức đó. Trong suy nghĩ của rất nhiều người, sống mới thực sự là khổ đau. Chính bản thân chúng ta hẳn cũng có lúc nghĩ: nếu sống mà đau khổ thế này thì thà chết đi còn hơn. Khi ta ngủ say, ta sẽ quên hết mọi ưu phiền, đớn đau, thất vọng, tội lỗi và cái ác. Châm ngôn Pháp cũng có câu “Cái chết và giấc ngủ là hai chị em!”

Chính vì đang sống thực sự mà ta cảm thấy khổ sở rồi đau đớn khóc than. Nhưng nếu chết rồi, ta sẽ hoàn toàn không còn phải kêu gào, than khóc nữa. Ta nói cái chết là giấc ngủ bình an vĩnh hằng. Đại vũ trụ, thế giới vô hạn, tinh thần, thượng đế, tuyệt đối, thực tại là thế giới yên bình như thế. Mọi nỗi khổ của quá khứ hay đau thương của tương lai sẽ không thể nào khiến ta đau đớn, dằn vặt được nữa. Cả quá khứ lẫn tương lai đều là thế giới thực tại, thần thánh, vô hạn, vĩnh hằng, bao la, rộng lớn. Ta sẽ quên hết mọi nỗi đau của ngày xưa. Ta quên hết đau đớn, ta quên cả niềm vui. Dù có nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ của ngày xưa ta cũng không thể vỗ tay, cất tiếng reo vui hay nhảy lên vui sướng. Giờ đây, dù có nhớ lại những biến cố đau thương, những cơn gào khóc, những nỗi đau từng khiến ta quằn quại, ta cũng không thể cảm nhận được gì nữa, dù chỉ là vết kim đâm vào tay. Ta sẽ không nhớ nổi mình đau thế nào khi một giọt nước lạnh chạm tới thần kinh răng. Thế giới của ký ức cũng thuộc về một thế giới bao la tràn đầy sự tĩnh lặng đến vô hạn. Và dĩ nhiên, thế giới của “quên” cũng là vô hạn. Sự khác biệt giữa nhớ và “quên” cũng giống như sự sống và cái chết là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Nhớ là khi những người đang sống, những người có thân xác, những người đang sống trong thế giới hữu hạn ngắm nhìn, quan sát thế giới vô hạn. Tức là hòa nhập vào thế giới vô hạn, thế giới thần thánh, thế giới của cái chết. Có lẽ ta cũng có thể nói “Quên là anh em của cái chết”

Tóm lại, chúng ta được sinh ra từ thế giới của “lãng quên” và được đặt vào thế giới của “ký ức”, ta băng qua thế giới ký ức rồi không lâu sau ta sẽ lại hòa nhập, tan biến vào thế giới “lãng quên”. Ngay cả những vĩ nhân như Chúa Giêsu, Napoleon, Hitler cũng sẽ tan biến vào thế giới lãng quên tĩnh lặng, thế giới của những giấc mơ vô hạn, thế giới của cái chết. Không ai cưỡng lại được. Cuộc đời thật ngắn ngủi, bi thương. Như tiếng chuông tịnh xá Jetavana, như đạo lý Thịnh Giả Tất Suy. Cái gì rực rỡ rồi cũng sẽ lụi tàn, cái gì có hình dạng rồi cũng sẽ tan biết. Chàng trai trẻ khôi ngô tuấn tú rồi cũng sẽ hóa thành một đống xương trắng ởn. Ngắn ngủi, mong manh hơn giọt nước trên ngọn cây, hạt sương trên lá cỏ, đó chính là phận số cho cuộc đời đáng quý của chúng ta. Thế nhưng, đừng vì bận lòng trước số phận mà nỡ chấm dứt cuộc đời ngắn ngủi đó. Ta nên cố gắng hết sức mình làm những điều ta thích để sống cuộc sống ngắn ngủi, bi thương đó một cách vui vẻ, hạnh phúc nhất. Điều này chỉ có được ở những người thấu hiểu về quá khứ của bản thân, về quê hương của sự sống, về mái nhà xưa hay có thể nói là nơi mà ta nhất định sẽ quay về, cũng như biết rõ về tương lai, về nơi bản thân sẽ hướng tới. Những người như thế sẽ chỉ thấy cuộc đời này là niềm vui sướng, và giống như những chàng trai cô gái trẻ đang trên đường đi tham quan du ngoạn, họ sẽ có thể vui vẻ tận hưởng cuộc sống như một giấc mơ đẹp. Họ tự do vui vẻ nhảy múa hát ca. Những ai không làm được điều này (ví dụ như các bạn trẻ bị đau bụng, bị say tàu xe…trên đường đi chẳng hạn), sẽ không thể có một chuyến đi vui. Đó là tội lỗi của người đó. Vì họ không được giáo dục. Vì họ tham lam, thèm khát. Bệnh tật xuất phát chính từ sự tham lam, từ dục vọng hay nói cách khác là từ sự ngu dốt. Tôi – người đã điều trị cho hàng chục vạn bệnh nhân – dám khẳng định chắc chắn về điều này. Tham lam, dục vọng, ngoan cố, ngạo mạn là đặc trưng của những kẻ yếu đuối, bệnh tật. Tất cả đều xuất phát từ sự ngu dốt, đần độn. Sự ngu dốt, đần độn đó xuất phát từ một đám mây – đám mây sẽ làm suy yếu, lu mờ luồng ánh sánh trí tuệ vốn có trong con người từ khi sinh ra. Tất cả chúng ta khi sinh ra đều mang trong mình một trí tuệ tuyệt vời. Bởi vì chúng ta được sinh ra từ thế giới vô hạn, từ cõi chết (U giới), từ thế giới tuyệt đối, thế giới tinh thần, từ thế giới của thần thánh. Chúng ta là con của Trời, con của Đại vũ trụ, Đại tự nhiên, là người nối nghiệp của vô hạn, tuyệt đối, của thần thánh. Nhưng chúng ta lại quên mất điều này (chúng ta được dạy để nghĩ rằng chỉ tồn tại thế giới hữu hạn, vật chất, bất tự do, có phân biệt; chỉ tồn tại một thế giới ngắn ngủi, bi thương). Đây chính là đám mây gây bệnh. Đám mây này chính là nền giáo dục của những người chỉ biết tới thế gian này, chỉ biết tới thế giới hữu hạn này. Quả thực, tất cả tri thức của con người sẽ là tội ác nếu nó không phải là những tri thức để biết về vô hạn, vĩnh hằng, tuyệt đối, thần thánh.

Tuy nhiên, công kích, chỉ trích nền tri thức đó, nền giáo dục đó cũng vô ích mà thôi. Người có thể phê phán, chỉ trích nền tri thức, giáo dục đó phải là người hiểu rõ về thế thới thần thánh. Người thực sự hiểu biết về thế giới thần thánh, thế giới vô hạn đó chắc chắn sẽ có đủ khả năng giảng giải, giải thích một cách dễ hiểu về thế giới thần thánh, về thế giới vô hạn, về thế giới nguồn gốc của sự sống cho những người chưa biết hay những người chỉ biết tới thế giới hữu hạn.
Và họ có nghĩa vụ giảng giải những điều đó, cho nên nếu làm theo kiểu công kích, chỉ trích thì sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Chỉ nên trách móc, hành hạ, đày đọa bản thân mình mà thôi. Rồi nếu gặp khó khăn thì nên nhờ cậy tới sức mạnh của thần thánh, cầu xin sự giúp đỡ của tuyệt đối, của vô hạn. Một khi chúng ta được ban tặng và cho
phép sử dụng cái gọi là tinh thần, và một khi cái tinh thần đó chính là thế giới vô hạn, là thượng đế thì nếu chúng ta chăm chỉ cầu nguyện, thành tâm cầu khẩn thì chắc chắn không có gì là không thể. Từ xa xưa chúng ta đã luôn được răn dạy rằng “Tinh thần nhất đáo Vạn sự thành công”, rồi “Thành tâm, thành ý, mọi chuyện nhất định thông” (Chí thành thông thần). Chừng nào có tồn tại thế giới hữu hạn, thế giới vật chất, thế giới hữu hình, thế giới có thể nhìn thấy được (thế giới của những C, G, S) thì chừng đó sẽ có những con người chỉ thấy được riêng thế giới đó và những người chỉ nhìn vào riêng thế giới đó.
Chính những con người đó mới là thần dân thực sự của thế giới vật chất, hữu hạn, thế giới có vinh – nhục, có thịnh – suy, có hợp – tan; còn ta, những người thừa nhận sự tồn tại của thế giới vô hạn ở bên trên hay xung quanh thế giới đó chỉ là những hành khách, lữ khách, kẻ ăn nhờ ở đậu, kẻ ngoại tộc hay dân ngoại bang mà thôi. Ta không có tư cách gì để phản đối hay chỉ chích những người đang gìn giữ và làm ăn trên mảnh đất đó – những công dân thực thụ. Ta chỉ nên lặng lẽ theo sau họ mà thôi. Rồi khi họ gặp điều khó khăn, rơi vào hiểm nguy, lầm đường lạc lối, mỏi mệt rồi gục ngã (vì thế giới hữu hạn là thế giới không lối thoát, là ngõ cụt nên chắc chắn có lúc họ sẽ cùng đường. Trong thế giới của sức mạnh hữu hạn sẽ luôn có hiện tượng thú vị có tên gọi “mệt mỏi”, và luôn có dấu chấm hết), chỉ khi đó ta sẽ sải chân bước tới, chung tay giúp đỡ, kéo họ thoát khỏi thế giới nhỏ bé đầy đau khổ đó và đưa họ bước vào thế giới vô hạn. Cho đến khi ấy, ta cần chuyên tâm tu dưỡng, răn dạy bản thân để không đánh mất quyền công dân của thế giới vô hạn, không đánh mất tư cách là người kế tục của Chúa Trời, người đại diện của tinh thần. Nói tóm lại, ta phải không ngừng đào sâu khai thác dòng suối nguồn hạnh phúc vô tận của chính mính.

Có lẽ tôi đã nói lạc đề quá rồi!

Đến đây, hãy cùng nhau nhìn lại mối quan hệ giữa tinh thần và thế giới này một lần nữa. Thế giới tinh thần, thế giới tự do, bao la vô hạn là thế giới bình đẳng và không có khổ đau nên có thể nói đây là thế giới của thần thánh, là Đại vũ trụ, Đại tự nhiên. Ta không thể chứng minh rằng thế giới tinh thần vô hạn, vô lậu này đã sinh ra thế giới vật chất hữu hạn, hữu lậu này. Và dĩ nhiên ta cũng không thể chứng minh cái vô hạn đó tạo ra cái hữu hạn theo cơ chế nào. Cũng giống như con cái không thể sinh ra cha mẹ. Con cái không thể chứng minh ai đó là cha mẹ thật của mình mà chỉ biết tin rằng đó là cha mẹ mình. Dù đó không phải thực sự là cha mẹ mình thì ta cũng chẳng biết làm sao. Dù ta có nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ và nghĩ rằng họ không phải cha mẹ mình thì cha mẹ đó cũng sẽ không biến đổi thành cha mẹ thật được. Ta chỉ được phép tin. Chỉ tin mà thôi. Đáng thương thay những kẻ không biết tin tưởng! Bất hạnh thay nhưng con người của thế giới vật chất hữu hạn! Xót xa thay những con người của thế giới bất công, nô lệ! Họ xây nên pháo đài tường đồng vách sắt của nô lệ và phân biệt rồi tự nhốt mình ru rú trong đó.

Tôi tin rằng Đại vũ trụ này, thế giới vô hạn, tinh thần, thần thánh này đã tạo ra thế giới hữu hạn. Và tôi nghĩ công cuộc sáng tạo này không phải là những câu chuyện cổ tích, thần thoại từ hàng trăm ngàn năm trước mà đó là sự thật đang diễn ra ngay lúc này đây, nó đang diễn ra từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Nó là khi ta muốn làm gì, muốn tạo ra cái gì, ví dụ như khi ta vẽ một bức tranh; miêu tả một giấc mơ; ăn một bát cơm; hay là xây dựng trật tự mới của Châu Âu. Tất cả đều là chức năng, hoạt động của tinh thần và sẽ mau chóng được thực hiện. Khi muốn xây một ngôi nhà mới tiện nghi hơn, người ta sẽ thực hiện ước mơ đó. Tất cả những bức tranh, giấc mơ, bát cơm, trật tự mới, hay ngôi nhà này đều là sản phẩm của thế giới tinh thần. Không có tinh thần, không có bản thiết kế thì ta sẽ không thể xây được dù chỉ là một ngôi nhà nhỏ. Vì chúng ta có tinh thần này, vì chúng ta được ban tặng tinh thần này, vì chúng ta có thể mơ bất kỳ giấc mơ nào nên ta có thể thực hiện bất cứ điều gì trên thế giới này. Phải chăng tự do ý chí chính là đây. Dù là ước mơ gì, dù là hoài bão gì, trong thế giới này, trong thế giới vật chất hữu hạn này ta đều có thể chúng biến thành hiện thực. Ta không làm được là vì ta không am hiểu về thế giới vật chất hữu hạn, thế giới hiện hữu trước mắt. Vì ta định xây một ngôi nhà gạch trong khi chẳng có viên gạch nào. Nói cách khác, đó là vì ta không am hiểu về thế giới hữu hạn mà Đại vũ trụ, Đại tự nhiên, thần thánh đã tạo ra. Không! Đó là vì ta không am hiểu về thế giới vô hạn, về Đại vũ trụ, Đại tự nhiên, về Thượng đế. Napoleon thực hiện được ước mơ lớn lao của mình bởi ông đã hiểu khá rõ về thế giới thế giới vô hạn, về thế giới tinh thần và Thượng đế, cũng như ông đã hiểu tường tận về thế giới vật chất, hữu hạn, hữu hình. Rồi cuối cùng ông phải trải qua những giây phút cuối đời vô cùng bất hạnh bởi lẽ ông chỉ biết đến thế về thế giới vật chất hữu hạn hữu hình. Ông khá am hiểu về Đại tự nhiên, Đại Vũ trụ và Thượng đế nhưng ông vẫn chưa biết hết mọi thứ.

Dù sao thì tôi tin rằng thế giới tinh thần vô hạn hay Thượng đế là sức mạnh tạo ra thế giới này, tạo ra tự nhiên, con người cũng như vật chất và nền văn minh của nó. Dù cho có người không thể tin điều đó thì cũng không có gì là xấu xa hay trở ngại. Không sao cả! Chính vì có những người như thế nên cũng tồn tại thế giới vật chất hữu hạn hữu hình, thế giới ngắn ngủi. Ta sẽ được chính họ kể cho nghe những câu chuyện thú vị về thế giới vật chất hữu hạn.

Đến đây, đội thám hiểm nguồn gốc sự sống chúng ta cùng dựng trại nghỉ ngơi thôi. Bởi chúng ta đã đến được với thế giới vô hình, thế giới vô hạn, thế giới của những gì vĩnh cửu, thế giới căn nguyên.

Chúng ta đã đi một chặng đường dài, lần dò theo dòng chảy sự sống, đi đến thế giới của cỏ cây, rồi tiếp tục bước tới, phát hiện ra thế giới mặt đất, sau đó hòa mình vào thế giới bao la rộng lớn của bầu trời ðể cuối cùng vươn tới được ranh giới của nó, rồi sau bao khó khăn ta cũng đã băng qua thế giới của ánh sáng và phát hiện ra rằng trước mặt là “thế giới không thể nhìn thấy”, hoàn toàn tối đen, là thế giới của vô hạn. Nhưng cũng tại đây, dòng chảy sự sống của chúng ta đã biến mất. Tựa như câu chuyện về một chàng trai yêu thích thám hiểm, vì muốn tìm tới vùng đầu nguồn của dòng sông đang chảy ngang qua ngôi nhà mình, anh đã men theo dòng sông đi vào rừng, rẽ lá cây trèo lên núi tìm kiếm nhưng cuối cùng anh mất dấu nguồn nước. Và đến đây anh hiểu ra rằng những cơn mưa từ bầu trời là căn nguyên của dòng chảy nhưng anh không thể tìm ra nguồn gốc của những cơn mưa đó nên chỉ còn biết thẫn thờ đứng như trời trồng tại đó. Vì mưa là vật chất, là thứ thuộc về thế giới hữu hạn nên sau một vài ngày miệt mài tìm hiểu, chàng trai có lẽ sẽ hiểu được rằng nước của sông, của biển chính là nguồn gốc của nó. Thế nhưng, vì dòng chảy sự sống không phải là vật chất (nếu là dòng chảy của riêng thể xác thì vì nó hữu hạn nên có thể thấy ngay là nó đang tuần hoàn như cơn mưa vậy, nhưng trong sự sống còn có yếu tố tinh thần) nên mọi thứ sẽ càng thêm phức tạp, rối bời. Tuy nhiên, dù còn loạng choạng, không vững nhưng ta tin rằng “thế giới không thấy được” này là thế giới vô hạn, là Thượng đế, là Đại vũ trụ, Đại tự nhiên, trải rộng vô cùng và vĩnh cửu. Cho nên nó là cha mẹ của thế giới hữu hạn. Ta biết được rằng, “Thế giới không thấy được” là “thế giới kỳ bí”, là “Vô Lượng Thọ”, “Vô Biên Quang” (Vô Lượng Quang) vượt thời gian và không gian, là thế giới của thái cực, thế giới của thần thánh, thế giới của chân lý, vô hạn, trải rộng vô cùng. Cho nên nó cũng đồng nhất với thế giới vô hạn, thế giới của tinh thần, giấc mơ, cái chết, của KHÔNG, VÔ, HƯ hay Thực tại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.