Trật Tự Vũ Trụ

TRẬT TỰ CỦA VŨ TRỤ



Vài lời nhân dịp tái bản

Muroran, Ngày 15 tháng 7 năm 1958 Nyoichi

Tôi đã bước sang tuổi 65.

Thời gian trôi, trái đất xoay và con người tiến bước.

Cuốn sách này lần đầu tiên được ra mắt năm tôi 49 tuổi và thực chất đây là tập hợp những câu chuyện mà tôi đã có cơ hội nói trong rất nhiều dịp khác nhau. Giờ đây, ở tuổi 65 nhìn lại tôi vẫn thấy như thế này là được. Tóm lại, đây là những câu chuyện mà tôi đã nói liên tục trong suốt 35 năm.

Mặc dù là một tác phẩm có phần ngây ngô, non nớt nhưng đối với tôi đây quả thực là một thứ đáng trân trọng và trong suy nghĩ của tôi, có lẽ đây là cuốn sách quan trọng bậc nhất trong số hơn 300 ấn phẩm hay 5 vạn trang báo nguyệt san tôi đã đăng trong 30 năm qua. Và ngay cả lúc này đây, bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn đang tiếp tục nói những câu chuyện này (5 năm qua tôi nói bằng tiếng Pháp, tiếng Anh).

Trong 5 năm trở lại đây, tôi đã liên tục giảng bài, thuyết trình tại Ấn Độ, Châu Phi và Châu Âu. Và tôi đã nhận được những niềm vui vô bờ, những niềm vui có giá trị còn hơn cả khi nhận giải Nobel hàng trăm nghìn lần. Tại Ấn Độ, Châu Phi và các nước Châu Âu, tôi đã tìm thấy hàng vạn người thân, những người bạn tốt bụng, thân thiết hơn cả tình cha mẹ anh em. Tôi có thể tự do tự tại ngao du khắp thế giới mà hoàn toàn không phải bận tâm tới chuyện tiền bạc. Trong 5 năm qua, đặc biệt là 2 năm cuối, tháng nào cũng phải sử dụng một khoản trung bình hơn 300.000 Yên tiền du lịch. Tại những đất nước Thụy Sỹ, Bỉ, Đức, và Châu Phi tươi đẹp, đi đến đâu tôi cũng có thể thoải mái vui chơi thỏa thích mà không phải trả tiền khách sạn, ở đâu tôi cũng nhận được sự tiếp đón chu đáo, chân thành của những người bạn thân. Đặc biệt, tôi đã được thành phố Paris trao tặng Giải thưởng cống hiến, đã xuất bản được hơn chục đầu sách bằng tiếng Pháp, tiếng Đức tại Châu Âu, và hàng tháng đều có bài viết được đăng trên nguyệt san tại Paris.

Đó tất cả là vì tôi đi để nói về những câu chuyện giống như trong cuốn sách này.

Lần này, tôi về Nhật Bản lần đầu tiên sau 5 năm (dự kiến dài nhất là 2 tháng) là vì bản báo cáo 5 năm lần thứ nhất về “Chuyến đi của một hành giả vòng quanh thế giới” trong 5 năm qua. Thấm thoát đã gần 3 tháng rồi. Phải quay về thôi! Tôi sẽ rời Nhật Bản vì hàng vạn con người thân yêu tại hải ngoại, những người luôn yêu quý, thương nhớ chúng tôi từ tận đáy lòng như yêu thương chính cha mẹ, anh em vậy.

Nói thật, lần này tôi cất công, lặn lội bỏ ra số tiền 5 triệu Yên để quay về Nhật Bản nhưng tôi biết mình sẽ phải rời nơi đây với chút thất vọng phủ kín tâm hồn. Bởi lẽ tôi không chịu được khi phải chứng kiến những bóng hình khốn khổ, tủi nhục, đáng hổ thẹn của 8 triệu con người đang chen lấn tranh giành, theo đuổi toàn những thứ hèn hạ, bần tiện trong khi không biết đến cũng như không đủ năng lực lý giải về “Trật tự của vũ trụ” (Thế giới thần thánh và ý nghĩa của nó).

Thế nhưng, trong số đó cũng có 2, 3 người mới đã hiểu được dù chỉ là chút ít về trật tự của vũ trụ, về tầm quan trọng của nó cũng như về bí mật của thức ăn tạo ra năng lực phán đoán tối cao. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng giúp tôi thấy an ủi phần nào. Nhưng cũng chỉ ở mức độ những người bạn cũ tất cả đều đang khỏe mạnh nhờ ăn uống đúng cách chứ chưa có một ai chứng tỏ được rằng mình nắm vững trật tự của vũ trụ, hiểu được quy luật vàng của câu nói “Người không vui chơi thì đừng có ăn” và sống một cuộc sống vui vẻ, tự do. Bà Haruko Iwasaki, Hiệu trưởng trường dạy may trang phục phụ nữ Yokohama, người đã hoàn thành tòa nhà Trung tâm phụ nữ (Ladies Center) trị giá 100 triệu Yên ngay tại phía trước nhà ga Yokohama đã nói với tôi rằng “Nhờ sinh hoạt ăn uống đúng cách theo trật tự của vũ trụ trong vòng 7 năm mà tôi có thể làm được điều này.” Bà Iwasaki còn nói là sắp tới sẽ cho xây dựng một tòa nhà trị giá 800 triệu Yên và sang năm sẽ tới Pari. Mục đích của chuyến đi này nghe nói là để thay đổi tư tưởng “Mốt là từ Pari” trở thành “Mốt của Pari là do bàn tay người Nhật Bản”. Tôi vui sướng lắm! Bà Iwasaki vốn không phải là người hay trò chuyện thân mật với tôi, cũng không phải là người chơi với tôi từ lâu. Bà chỉ là người đã tự mình thực hiện “sinh hoạt ăn uống đúng cách” theo cách riêng của bà mà thôi.

Khi tôi thuyết trình tại thành phố Yamaguchi thì có chừng 5 người ở độ tuổi từ 81 đến 85 tham dự. Họ nói “Tôi đã được chữa khỏi bệnh tim cách đây 30 năm”, “Tôi đã được chữa khỏi bệnh loét dạ dày cách đây 38 năm” và họ chính là những nhân chứng sống cho những niềm vui có được nhờ vào chỉ chừng 1/10000 trong vô số những ứng dụng của nguyên lý vô song về “Trật tự của vũ trụ”.

Hôm qua, nhận lời mời của thầy Gitou Teruo tại hội quán đại học Trung ương, tôi đã có cơ hội tới nói chuyện với khoảng 40 nhà y học, dược học hàng đầu, những người sắp có chuyến thị sát tại Ấn Độ, Châu Phi. Nội dung xoay quanh những phương pháp để không bị bệnh tại nơi họ sẽ đến hay những điều cần thiết để hoàn thành mục đích chuyến đi…

Đối với tôi, đây là một thử thách khó khăn và cũng là vinh dự đầu tiên tại Nhật Bản. Lòng tốt của thầy Teruo, người đã chú ý đến sự tồn tại của tôi từ hơn 20 năm trước đã kết trái thành cơ hội tuyệt vời này. Và thật sự ngoài dự đoán, buổi trò chuyện kéo dài từ 2 giờ tới 7 giờ này cuối cùng đã cho thấy một dấu hiệu rằng dưới bàn tay của các chuyên gia chói sáng của giới y học phương Tây này, lần đầu tiên, Y học Đông Dương – nền y học vốn có lịch sử 5000 năm nhưng đã bị chôn vùi bằng một bản pháp lệnh năm Minh Trị thứ 17 – lại được nhắc đến và một công trình nghiên cứu có tính sáng tạo, toàn diện sẽ được khởi động một cách nghiêm túc và chắc chắn.

Thời gian trôi, trái đất xoay và con người tiến bước. Một thời đại mới đang bắt đầu.

Với hai câu chuyện như hai món quà lưu niệm này, tôi cảm thấy rất mãn nguyện và giờ là lúc tôi nên rời Nhật Bản. Bởi lẽ tuy hai món quà này có vẻ hơi khiêm tốn so với chuyến đi trị giá 5 triệu Yên nhưng khi ta tham lam chính là lúc ta đã quên mất trật tự của vũ trụ.

Các bạn ơi! Những người bạn mới của tôi ơi! Tôi đang tìm các bạn. Tôi mong chờ một lúc nào đó được gặp gỡ các bạn tại một nơi nào đó trên cái sân khấu ngày càng trở nên nhỏ bé mà người ta gọi là trái đất này. Vì trong vũ trụ vô hạn, con người luôn luôn là một (Nhất Thể Đồng Tâm) nên tôi sẽ vẫn chờ đợi. Sự nhẫn nại chính là “sự vĩnh hằng”, là thượng đế.

Hôm qua, tôi đã có buổi nói chuyện tại Hội trường lao động ở khu phố nhà máy của thành phố Muroran. Hôm nay tôi sẽ thuyết trình tại Sapporo, ngày mai là Hakodate, ngày kia là Morioka, ngày sau đó tôi sẽ tới Ueno và trong những ngày sau đó nữa tôi lại đi tới các vùng Kyoto, Osaka, đến ngày 6 tháng 10 tôi sẽ có mặt tại thành phố Calcutta, Ấn Ðộ để nói chuyện với 200 người Nhật Bản và hàng nghìn người Ấn Độ nơi đây. Hai, ba ngày sau đó, tôi sẽ đặt chân tới sân bay Franfurt cách xa 1000km về phía Tây, sẽ được mọi người chào đón và đưa bằng xe hơi về nghỉ ngơi tại dinh thự riêng tại cố đô Heidelberg. Tại đó, tôi sẽ lên kế hoạch tác chiến cho chuyến đi đại thám hiểm 5 năm lần thứ hai. Phạm vi chuyến đi đã mở rộng tới mức với một thân một mình thì không thể thực hiện được. Các bạn hãy nhanh chân lên, tham gia cùng tôi nào! Nhanh chân lên! Nhanh chân lên! Nhanh lên!

Giờ là thời đại của năng lượng nguyên tử. Rồi thì các bạn cũng sẽ bị sát hại bởi chất xtrông-ti 90! Không, các bạn đang bị sát hại hàng ngày, từng ngày, dần dần từng chút từng chút một. Tại “Quán ăn vô song kiểu Pháp dòng Sakukrazawa” thứ ba ở Paris, với sự đơn giản và duyên dáng riêng của Nhật Bản, chúng tôi đã thu hút được sự chú ý của nhiều người và sẽ có thể tiếp nhận tất cả những ai tới học tập, tìm hiểu về văn hóa Latinh châu Âu. Làn sóng bùng nổ Nhật Bản chưa từng có trong lịch sử đang bao phủ toàn châu Âu. Vai trò đứng đầu làn sóng bùng nổ đó và chiếu rọi “ánh sáng phương Đông” đang mời gọi các bạn! Hãy lần giở và đọc lại những trang sách trong hai cuốn “Câu chuyện về những chuyến bay ngắn (Flip Tales)” và “Những chàng trai huyền thoại”.

Tái bút

Đêm mùng 9 vừa qua, một cô gái người Đức mắt xanh (không biết cả tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nhật) đã vượt qua Bắc Cực, một mình lặn lội từ Hamburg tới tìm tôi. Cô gái đó có tên là Myunstar. Từ hai năm trước, cô đã theo tôi học về trật tự của vũ trụ (thế giới thần thánh và ý nghĩa của nó), cô liên tục tu hành rồi truyền dạy lại cho nhiều người khác, chữa trị thành công cho nhiều người bệnh và nay đã trở thành một hướng dẫn viên chăm sóc sức khỏe có tiếng. Cô được ông Hashimoto Miyabi – một danh nhân về chẩn đoán mạch, người đã cùng tôi tới Hamburg vào tháng 5 vừa qua – khen là “Người Đức có trực giác tuyệt vời” và được mời tới để học kỹ thuật châm cứu.

Ở đó có hàng trăm, hàng ngàn cô gái, chàng trai như thế. Họ tới mỗi lúc một đông. Thế nhưng, thật đáng buồn, Hội MI Nhật Bản – tổ chức trung tâm, thánh địa của tín đồ PU, nơi đáng lẽ sẽ tiếp nhận những con người này – đã bị dẹp bỏ trong lúc tôi đi vắng.

Hiệp hội CI Nhật Bản lúc đó vẫn còn non yếu như nụ chồi nhỏ mỏng manh. Sau đó, hội Tân dưỡng sinh được ra đời tại Osaka và việc đầu tiên của hội là nỗ lực, chuyên tâm xây dựng bằng được một Hội quán nhưng để thực hiện được có lẽ phải mất 2, 3 năm. Cứ mỗi khi nghĩ tới nỗi thất vọng của những người cầu đạo mang trong mình bao hoài bão, nhiệt huyết, niềm vui và mơ ước lớn lao tìm tới thánh địa của Nhật Bản, tôi lại cảm thấy đôi chút buồn rầu. Những con người này đến từ rất nhiều nơi, từ Ấn Độ, từ Pháp, từ Bỉ, từ Thụy Sĩ… Liệu đến khi nào bạn sẽ trở thành người thấu hiểu trật tự của vũ trụ, cùng các chàng trai, cô gái huyền thoại trên khắp thế giới tay trong tay, vai kề vai hát vang bài ca “Người không vui chơi thì đừng có ăn”, vui chơi thỏa thích từ sáng sớm tới đêm khuya, thỏa sức rong chơi tự do khắp thế giới? Nói cách khác, khi nào bạn sẽ rũ bỏ được tư tưởng độc quyền, tính thiển cận, hẹp hỏi, thiếu hiểu biết về thế giới bên ngoài, thoát khỏi lớp vỏ bọc của chủ nghĩa vị kỷ để vươn mình bật lên thật cao và cứ thế, cứ thế nhảy nữa, nhãy mãi? Những ông già 65 tuổi, bà già 60 tuổi như chúng tôi đây suốt 5 năm trời qua đã biến thế giới thành sân khấu riêng và diễn cho các bạn xem những ví dụ tiêu biểu rồi đó các bạn có biết không?

Cuốn Trật tự của Vũ trụ này là chìa khóa dẫn tới thiên đường. Nó là chiếc radar dò tìm giúp chỉ ra con đường giác ngộ đầy chông gai, hiểm nguy. Đây không phải là cuốn sách đọc bằng mắt. Hãy đọc và cảm nhận từng dòng, từng dòng bằng chính cơ thể mình. Chiếc radar này sẽ từng giờ, từng phút dẫn lối, chỉ đường cho bạn tiến lên phía trước trong nơi sâu thẳm của cánh rừng sơ khai hay trong biển sóng đang nổi cơn thịnh nộ giữa gió bão mịt mù mà được người ta đặt cho tên gọi là CUỘC ĐỜI. Chiếc radar chỉ là thứ chỉ ra giúp bạn ở mỗi bước đi của bạn đâu là tảng đá ngầm chết chóc, đâu là eo biển sâu dữ dằn. Mọi nỗ lực tránh xa những chông gai, hiểm nguy đó để một mình tiếp tục cuộc hành trình nằm ở chính ý chí và kỹ năng của bạn.

Cuốn sách này có thể đọc trong một giờ. Cũng có thể đọc trong 10 năm. Bản thân tôi ít nhất trong 45 năm qua, tôi luôn đọc nó từng tháng từng ngày, từng phút từng giây.

Cuốn sách này được ấn bản lần đầu vào năm 1940 tại Kyoto và sau đó đã tái bản hơn chục lần. Giờ đây, khi tái bản năm 1952, tôi đã cải chính và bổ sung khoảng hơn 3000 chữ. Với những ai lần đầu nghiên cứu về thế giới quan nguyên lý vô song thì tôi mong các bạn hãy đọc lần lượt từ cuốn “Lăng kính kỳ diệu”, tới cuốn “Nghiên cứu về nguyên lý vô song” (4000 trang) rồi tới cuốn “Kompa” (60 quyển đã xuất bản).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.