Trật Tự Vũ Trụ

4. TRẬT TỰ CỦA VŨ TRỤ



Chúng ta đã lần theo dòng chảy sự sống và cuối cùng đã phát hiện ra trật tự hình thành nên Đại vũ trụ. Trật tự này có chiều rộng vô hạn (thời gian) và chiều dài vĩnh cửu (không gian). Từ “Trât tự” (order, ordre, Ordnung) có nghĩa là mệnh lệnh. Mệnh là Trời, là Âm; Lệnh là Đất, là Dương. Con người sinh ra giữa Trời và Đất này nên phải tuân theo những quy tắc, quy luật của hai loại trật tự này: trật tự của Trời Đất và Âm Dương. Đây là trật tự của Đại vũ trụ, Đại tự nhiên luôn biến đổi về vô hạn và vĩnh viễn không thay đổi. Và đương nhiên, thế giới hữu hạn hay thế giới – tiểu vũ trụ mà Đại vũ trụ đó tạo ra cũng phải có trật tự này. Cách nhìn nhận về trật tự này vô cùng đơn giản. Nó sẽ dễ dàng giúp ta giải thích sáng tỏ mọi sự vật, sự việc. Đây là phương pháp xem xét, nhìn nhận toàn bộ mọi việc như chiếc bánh răng Âm Dương. Đây là một phép đo, là phương pháp xác định đường thẳng khi đo mọi vật mọi việc. Đường thẳng được hình thành bởi tập hợp vô số điểm và từng điểm, từng điểm đều có tên gọi đối lập đối với điểm ở các vị trí trên, dưới, trái, phải, bên cạnh nó. Đối với điểm bên trái, nó là Phải, đối với điểm bên phải, nó là Trái. Sẽ luôn như thế cho dù lấy một tập hợp điểm nhỏ hay lớn thế nào. Mối quan hệ trên dưới, trái phải này luôn đi thành cặp và do đó chúng phải thân thiện với nhau, bổ sung cho nhau, hấp dẫn lẫn nhau.

Để cho tiện, tôi gọi bằng hai mặt đối lập này – hai mặt đối lập thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn, tương phản nhưng nhìn kỹ thực ra không chỉ luôn bổ sung, bén mùi, hòa hợp nhau mà ngoài ra không còn trạng thái nào khác – bằng hai từ cổ, đó là Âm và Dương. Tuy nhiên, tôi không sử dụng những quan niệm, cách nghĩ cũ kỹ xa xưa đã thấm sâu, bện chặt vào hai từ này. Không phải là không có từ nào khác có thể sử dụng nhưng tất cả đều mang những ý nghĩa thiên lệch, nhân duyên, bầu không khí nhuốm màu sắc hay thế giới bị giới hạn và do đó không thể áp dụng cho thế giới vô hạn rộng lớn này (ví dụ như: cộng và trừ, tích cực và tiêu cực, nam và nữ, thiện và ác…)

Thế giới vô hạn và thế giới hữu hạn, thế giới tuyệt đối và thế giới tương đối đối lập, mâu thuẫn với nhau nhưng cái hữu hạn, tương đối là một phần của cái vô hạn, tuyệt đối cho nên giữa chúng có mối quan hệ bộ phận và toàn thể.

Đại vũ trụ là sự điều hòa vĩ đại, biểu hiện qua tính hòa hợp và bổ sung của âm dương trong Con người – Cỏ cây – Mặt đất – Bầu trời – Ánh sáng – Vô hạn. Trật tự âm dương nhị nguyên này là trật tự của Đại tự nhiên. Là trật tự vĩnh cửu. Tồn tại mãi mãi. Trong suy nghĩ của tôi, đây chính là chân lý tuyệt đối tối cao duy nhất. Phương pháp biện chứng là sự hiểu biết không toàn diện về trật tự của đại vũ trụ. Nếu kết hợp cả thuyết duy vật và thuyết duy tâm thì có lẽ sẽ tạo ra một bức tranh khảm đồ sộ về trật tự. Tuy nhiên, việc chủ trương chọn một trong hai, chẳng hạn con người sinh ra ban đầu từ đàn ông hay từ đàn bà, là điều rất ấu trĩ và non nớt. Cả đàn ông và đàn bà, cả thuyết duy vật lẫn thuyết duy tâm, hay thuyết chiết trung (chiết trung luận), thuyết nhị nguyên (nhị nguyên luận) đều có căn nguyên gốc gác từ Đại vũ trụ, Đại tự nhiên, Thượng đế hay Đại sinh mệnh. Chúng được sinh ra và hình thành bởi lẽ cái căn nguyên, gốc gác đó có đặc trưng, cấu tạo trật tự có tính Âm Dương. Tất cả đều chân thực nhưng chỉ là những cách nhìn có tính bộ phận. Nếu so sánh Đại vũ trụ như chiếc bánh răng có đường kính lớn vô hạn thì Duy vật luận đã tìm ra phần lồi ra của cái răng, Duy tâm luận đã tìm ra phần lõm giữa các răng, còn Chiết trung luận hay Nhị nguyên luận đã tìm ra cả hai phần của một chiếc răng chứ chưa tìm ra bức tranh toàn thể của cả bánh răng. Bởi bánh răng Đại vũ trụ có đường kính vô hạn nên chúng ta không thể tìm ra tâm hay trục của nó, và cũng vì lý do đó mà chúng ta chưa biết về nguồn năng lượng hay động lực khiến cái trục đó quay. Chúng ta không thể biết về điều đó. Và cũng không cần phải biết. Tôi đặt cho điều này những tên gọi như: vô hạn, tuyệt đối, tinh thần, thượng đế, chân lý, không thể tư duy. Tiếp đến, ta có chiếc bánh răng thứ hai được quay bởi bánh răng thứ nhất. Đó là thế giới “Ánh sáng”. Hai bánh răng này quay theo hướng âm dương ngược nhau. Bánh răng thứ hai (Dương) quay nhanh hơn bánh răng thứ nhất (Âm). Bởi bánh răng thứ nhất có đường kính vô hạn nên đường kính của bánh răng thứ hai có lẽ cũng cỡ khoảng ít nhất là 1025 năm ánh sáng. Tiếp theo, ta thấy trục của bánh răng thứ hai là “bầu trời” nhưng nó không có tốc độ lớn như phần răng nhô ra của bánh răng thứ hai. Nó có tính Âm. Bánh răng thứ ba nhỏ hơn được quay với bánh răng thứ hai đó là bánh răng có tính Dương, trục của nó là “Cỏ cây” có tính Âm. Bánh răng thứ tư nhỏ hơn là “Con người”.

Tôi gọi cái giảng dạy về sự kết hợp của Đại vụ trụ như thế này là Thế giới quan, Vũ trụ quan, là Nguyên lý vô song. Gần đây, tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng điều này cũng đã xuất hiện trong những câu chuyện thần thoại của tổ tiên người Nhật Bản. Trong đó, Đại vũ trụ, Vô hạn được nhắc đến như là “Amenominakanushinokami” (Thiên Ngự Trung Chủ Thần), rồi trật tự Âm Dương cũng được thể hiện rõ trong hình ảnh của Âm Dương Nhị Thần với Takamisusubi (Cao Sản Linh) và Kamimisusubi (Thần Sản Linh). Bên cạnh đó, trong phần giải thích còn viết rõ là các vị thần trong tam trụ này tất cả đều “ẩn thân” (tức là những vị thần vô hình, tương ứng với giới vô ảnh, nguyên lý, trật tự). Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết tư tưởng này cũng xuất hiện trong những câu chuyện thần thoại của nhiều dân tộc khác ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Hy Lạp.

Triết học gia Hy Lạp cổ đại Democritus đã nói “Sự thật là chỉ có nguyên tử và hư không!” Trật tự của Đại vũ trụ này cũng xuất hiện khá rõ ràng trong cuốn Sáng Thế Ký của Đạo thiên chúa. Rồi đến Đạo đức Kinh, hay như Tứ thư Ngũ kinh của Khổng Tử cũng đều giảng dạy về trật tự của Đại vũ trụ này, cách nắm bắt nó, cách sống hài hòa trong nó. Tại Nhật Bản, tất cả những gì được gọi là ĐẠO (Do) đều giáo huấn về trật tự này như nguyên lý của một Học nào đó, một Thuật nào đó. Nếu dịch chữ ĐẠO này thành ROAD hoặc WAY hay CHEMIN trong ngôn ngữ phương Tây thì thật là nực cười.

Chữ “ĐẠO” hay “CON ĐƯỜNG” là những thứ tràn trề trong khoảng không giữa trời và đất, có cảm giác tựa như hình ảnh bộ SƯỚC ( ) (chạy) của ÐẠO – NÃO BỘ – TINH THẦN.

Người Nhật rất coi trọng thế giới trong chữ “HÀNH” ( -Gyo). Ý ở đây không phải nói đến những người có quốc tịch Nhật Bản tại Nhật Bản hiện nay mà thậm chí có lẽ nên dùng các từ như tinh thần Nhật Bản, người Nhật thực sự hay người Nhật gốc. Thế giới trong chữ “HÀNH” đó tập hợp tất thảy toàn bộ mọi hành động trong thế giới này, từ những hành động vô cùng bình dị đời thường hàng ngày như ăn uống, dọn dẹp cho tới chính trị, chiến tranh (tại Nhật Bản người ta có câu “Binh là hội”, chữ ĐỊCH (敵-kataki) vốn dĩ không tồn tại, chữ CỪU (仇-ada) chỉ là thứ vô nghĩa) và cố gắng làm cho chúng phù hợp với trật tự của Đại vũ trụ, phù hợp với nguyên tắc Thiên Địa Âm Dương. Nói tóm lại, cho dù là những việc vô vị, nhàm chán dường nào đi nữa (từ việc nâng đũa lên, hạ đũa xuống cho tới vị trí ngồi trong phòng) thì cái đầu tiên trước hết họ đưa vào suy nghĩ đó là trật tự của thiên địa Âm Dương. Vấn đề kinh tế chỉ đứng thứ hai, thứ ba. Không! Là cái cuối cùng. Cũng không phải nốt! Nó là cái hầu như họ không nghĩ đến.

Haiku (俳句 – Hai Kư) (còn gọi là Cú Ðạo – Kudo) là loại hình nghệ thuật đặc sắc mượn hình ảnh, âm thanh bình dị đời thường trước mắt chúng ta – bông hoa Nazuna hay tiếng nước lõm bõm phát ra từ cú nhảy của những con ếch – để miêu tả thiên nhiên đất trời, vũ trụ bao la, không gian và thời gian vô hạn gói gọn trong những bài thơ ngắn nhất thế giới (17 âm). Người ta gọi những người đã thấu hiểu đến tột đỉnh ý nghĩa của nó là Haisei (俳聖 – Bài Thánh), tức là những nhà thơ Haiku nổi tiếng. Chữ Thánh (聖) trong tiếng Nhật được đọc là Hijiri, là những người hiểu về thái dương, biết về thế giới quang minh, giới hữu hạn, nắm rõ nguồn cội của ánh sáng. Tóm lại, Hijiri là những người am hiểu về trật tự của Đại vũ trụ. Có lẽ Planck tiên sinh sẽ giật mình khi biết có những từ như Kiếm Đạo hay Kiếm Thánh. Đó là những người đạt đến Đạo của mình, những người Đắc Đạo. Và kỳ diệu thay, những người Đắc Đạo (Đạt Nhân) này tuyệt nhiên không hề học qua trường lớp nào. Họ đều tự mình hoàn thiện bản thân mình. Bởi lẽ, để học Đạo thì không còn phương pháp nào khác ngoài “Hành”.

Nguyên lý âm dương vô song phản chiếu từ trật tự của Đại vũ trụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi những đặc điểm sau đây:

(1) Nó chỉ ra cấu tạo và phương hướng của mọi thế giới (tinh thần, thể xác, học vấn, kỹ thuật, lý luận, thực tiễn, chiến tranh, hòa bình).

(2) Nó đơn giản tới mức ai cũng có thể hiểu được và được ứng dụng mọi lúc, mọi nơi (bất kể già trẻ, gái trai).

(3) Nó giúp ta thừa nhận sự đối lập của tất cả, chỉ ra sự bổ sung cho nhau, hòa hợp vào nhau của chúng. Do đó, ngay cả khi có thái độ bài xích, công kích thì về mặt tinh thần, nó khiến ta tồn tại một cách bình thản và đầy kiểm soát.

(4) Những miêu tả không đầy đủ, có tính bộ phận và những xu hướng trực giác về nó đã xuất hiện trong những câu chuyện thần thoại của mọi dân tộc.

(5) Nó là trật tự vĩnh cửu nên tuyệt đối không cần sửa đổi. Nó sẽ được tìm ra khi được phân chia hay tổng hợp không ngừng về vô hạn. Một khi đã tìm ra thì sẽ không bao giờ đánh mất.

Trong một căn phòng trên gác xép nhỏ của thành phố Paris, tôi đã vừa vật lộn với cuộc sống nghèo khổ, khốn cùng tận đáy của xã hội vừa nỗ lực hết sức để giảng giải cho người phương Tây về trật tự Âm Dương và nguyên lý vạn thế bất diệt này. Và tôi đã phát hiện ra ra rằng tôi có thể làm được, tôi tin chắc rằng tôi có thể làm được. Thậm chí tôi còn hiểu ra rằng nói chuyện với người phương Tây ở Châu Âu còn dễ dàng và thoải mái hơn so với khi giải thích trong nhiều năm tại Nhật Bản. Tôi muốn người phương Tây – những người từ quá lâu đã quá say mê, chìm đắm trong tư tưởng duy vật và tư tưởng khoa học – và người Nhật Bản – những người luôn gắng sức tuân theo con đường của những tư tưởng đó – lắng nghe về thế giới quan của nguyên lý vô song. Cuốn sách này chỉ là “lời mở đầu” mà thôi. Tôi sẽ viết tiếp những cuốn sách khác về (a) “Trật tự của con người”; (b) “Trật tự và Sức khỏe”; (c) “Trật tự của chính trị” (d) “Trật tự của kinh tế”; (e) “Trật tự của nông nghiệp”… Trong đó, tôi sẽ đề cập tới lần lượt các vấn đề như (a) các vấn đề của xã hội con người; (b) các loại bệnh tật;

(c) tất cả các nguyên lý chính trị; (d) đạo đức trong kinh tế; (e) sự sống, máu và đất… và giới thiệu phương pháp giải quyết những vấn đề đó một cách triệt để bằng nguyên lý vô song. Song trước đó, như lời kết cho cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng nhau ôn lại về nguyên lý vô song.

BỔ SUNG

Khi viết cuốn sách này 12 năm trước, tôi là một người rất rụt rè, dè dặt, tức là rất Âm (▼). Giờ đây, khi đã 60 tuổi tôi lại cảm thấy rất Dương (▲) khi ngồi viết bổ sung đính chính cho cuốn sách.

(1) Cỏ cây có màu xanh lá cây do có chất diệp lục (chlorophyll). Từ nguồn cội của màu xanh lá này lấy ra chất ma-giê (magnesium) và sau đó cho chất sắt vào sẽ thu được chất hê-mô-glô-bin (hemoglobine).

Đây là nguồn máu giúp tạo nên và duy trì sự sống cho động vật và con người.

(2) Mặt đất chính là tập hợp của toàn bộ các nguyên tố. Mọi thiên thể, mọi hành tinh như Mặt trời, Mặt trăng cũng thế, đều được hình thành và là tập hợp của các nguyên tố.

(3) Bầu trời là nguồn gốc của các nguyên tố và được gọi với cái tên mới là Hạt cơ bản (hiện nay đã phát hiện được khoảng 15 loại)

(4) Ánh sáng nói theo vật lý học là những dao động sóng, dao động rung hay là E (Energy – Năng lượng)

(5) Nguồn gốc của E là cực đối lập của hai yếu tố là ▼(Âm) và ▲ (Dương). Hay còn có thể gọi là “hai thế giới” hay hữu hạn, nguyên lý tính tương đối, giới hữu hạn.

(6) Vì E, Ánh sáng (dao động rung), hạt cơ bản (tiền nguyên tố), nguyên tố (mặt đất), cỏ cây, động vật… tất cả được hình thành, sinh ra trong “hai cái” ▼(Âm) và ▲ (Dương) này nên trong thế giới con người này luôn tồn tại trạng thái đối lập (nam nữ, sinh tử, già trẻ, chính phụ, đẹp xấu, trên dưới, thịnh suy, động tĩnh…).

(7) Nguồn gốc của “hai cái” ▼(Âm) và ▲ (Dương) này là “cái chỉ có một” (vĩnh cửu, vô hạn, tuyệt đối, chân lý, tinh thần, thượng đế, tình yêu, chính nghĩa (công lý), tự do, hạnh phúc, Đạo, tự nhiên, Không, Đại vũ trụ).

(8) Trong cuốn sách dành cho trẻ con này tôi đã sắp xếp là “1. Động vật – 2. Cỏ cây – 3. Mặt đất – 4. Bầu trời – 5. Ánh sáng – 6. Bóng tối”. Nhưng để giải thích kỹ lưỡng hơn ý nghĩa sâu xa của nó thì như tôi đã trình bày ở phần trước, cần phải sửa lại thành “1. Động vật (Con người) – 2. Cỏ cây (chất diệp lục) – 3. Mặt đất (Nguyên tố) – 4. Bầu trời (Hạt cơ bản) – 5. Ánh sáng (dao động rung, E) – 6. Bóng tối với tư cách là nguồn gốc của Ánh sáng (hai thế giới, lưỡng cực ▼(Âm) và ▲(Dương), tương đối, hữu hạn, nguyên lý vô thường) – 7. “Cái vĩnh cữu” (có điều, nếu gọi cả 6 và 7 là Thái cực thì nên gọi 6 là Thái cực, còn 7 là Vô (hạn) cực).

Về điểm này, các bạn hãy tham khảo bức thư tôi viết gửi Giáo sư John Howard Northrop trong cuốn “Nguyên lý hòa bình và tự do”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.