Trật Tự Vũ Trụ

7. ĐỘ LỚN CỦA THẾ GIỚI QUAN



– Kết luận –

Thế giới quan cần phải là một nguyên lý lớn. Nó không được là thế giới hữu hạn theo cách phương Tây hay gọi đơn giản là WORLD, MONDE, WELT. Nó phải là thứ xuyên suốt, nhìn thấu sự vô hạn, quảng đại, vô cùng, không có khởi đầu không có kết thúc (vô thủy vô chung) của THẾ (thời gian) và GIỚI (không gian). Và vì thế, nó phải là nguyên lý được chấp nhận ở mọi phương diện và cũng chính vì thế nó phải là thứ thống nhất tất cả mọi phương diện, chỉ ra được tính đồng nhất của Vật và Tâm. Nói một cách dễ hiểu, nó phải là nguyên lý giải thích một cách rõ ràng về “Con người” – điểm giao thoa giữa Vật và Tâm; về sức khỏe và hạnh phúc của con người mà chưa ai biết tới; về mối quan hệ giữa máu và đất, mối quan hệ giữa thân xác và tinh thần của con người. Đồng thời, nó cũng phải là nguyên lý thống nhất và chỉ đạo cuộc sống hiện thực và thế giới lý tưởng của con người.

Nói một cách dễ hiểu hơn, thế giới quan đó phải là bản thiết kế giúp làm cho sức khỏe và hạnh phúc của con người trở nên vững chắc, bền vững. Nói cách khác, thế giới quan không được chỉ là khái niệm. Khái niệm là sự sống đã được thần tượng hóa, là những bức ảnh. Thế giới quan phải là cách nhìn nhận sự sống (sinh mệnh quan), là thứ có sinh khí, vừa hình thành, phát triển vừa mang một hình dạng ngàn đời không bao giờ xê dịch, thay đổi (vạn cổ bất dịch) nhưng cũng vô cùng đơn giản và dễ hiểu đối với bất kỳ ai. Với ý nghĩa đó thì thế giới quan của phương Tây chỉ giống như bản khái niệm về một thần tượng đã chết. Về mặt ngôn ngữ thì họ hay gọi nó bằng các từ như “world conception” hay “conception du monde. Từ “weltanschauung” (world view) có lẽ chính là thế giới quan của chúng ta. Thậm chí, có lẽ nên gọi cái này là trật tự của thế giới (ordre de l’univers hay world order) thì đúng hơn.

Tóm lại, thế giới quan phải là thứ giống như tấm bản đồ hay bản thiết kế. Nó phải là thứ dễ hiểu với bất kỳ ai, chỉ cần nhìn qua là có thể hiểu được cấu tạo và cơ chế tổng thể của nó đồng thời có thể áp dụng ngay lập tức với bất kỳ người nào. Dù là thuyết về tứ đại nguyên tố Đất Nước Lửa Gió, dù là Thuyết vạn vận lưu chuyển panta rhei hay là Thuyết Ngũ Uẩn (五蘊-Goun); dù là theo kiểu Sáng Thế Ký hay là theo thuyết Tứ Thể Dịch (humour theory) của Hippocrates; dù là thuyết Tứ Thể Hình của Ernst Kretschmer hay dù là gì đi chăng nữa cũng chẳng sao. Chỉ cần là thứ cứu rỗi được thân xác của cơ thể sống này là được. Là thứ trong sâu thẳm, gốc gác giúp đẩy lùi mọi bệnh tật là được. Là thứ có thể giải quyết, giải tỏa những phiền muộn, khổ đau của cả thể xác lẫn tinh thần một cách nhanh chóng và xuất sắc là được.

Thế giới quan của nguyên lý vô song có cấu tạo rất dễ hiểu tựa như cái gì đó rất trẻ con và đơn giản tựa như một thanh nam châm vậy, nhưng lại phát huy được đầy đủ tính ứng dụng của nó vào thực tế. Về điều này tôi sẽ nói kỹ hơn trong cuốn “Trật tự của thân xác”.

Tính thực dụng, ứng dụng về mặt sinh lý học của thế giới quan của nguyên lý vô song đã được chứng minh cụ thể bằng sự thật của hơn 100 ngàn người đã được chữa trị tận gốc những tật bệnh kéo dài nhiều năm và lấy lại được sức khỏe trong khoảng thời gian hơn 20 năm tôi phổ biến về Thực dưỡng học tại Nhật Bản và châu Âu. Tuy nhiên, phương pháp và lý luận có tính thực dụng rất cao này vẫn chưa được tiếp nhận tại Nhật Bản. Tôi cũng muốn biết liệu nó có được những người đang hàng ngày tạo nên những câu chuyện thần thoại mới tại Mỹ, tại Anh chấp nhận hay không.

LỜI KẾT (bổ sung)

Cuốn sách này tôi viết cách đây 12 năm và so với những tác phẩm viết thời hậu chiến, đặc biệt là những cuốn ra đời gần đây (như “Konpa” 60 quyển và “Konpa International” 35 quyển) thì nó thực sự đơn giản, là cuốn sách dành cho trẻ con. Nếu các bạn đọc lần lượt từ cuốn sách kiểu đồng thoại này hay cuốn “Lăng kính diệu kỳ” cho tới những ấn phẩm gần đây thì có lẽ bạn sẽ hiểu một cách rõ ràng về sự ưu việt của tinh thần phương Đông cổ đại, tinh thần đã tạo ra tam đại tôn giáo của nhân loại.

Thật tự hào cho phương Đông vì đã không thể tạo ra những thứ như bom nguyên tử hay luật pháp. Việc phương Đông tạo ra tam đại tôn giáo, triết học của Khổng Tử hay nguyên lý sinh hoạt ăn uống như trong Thần Đạo có lẽ là sự ưu việt về tinh thần đáng kinh ngạc. Minh chứng của sự ưu việt về tinh thần này nằm ở sự thật là trong suốt hàng nghìn năm nay (cho tới khi bị ép buộc sử dụng các loại vũ khí hiện đại cách đây 100 năm) ở phương Đông không có cái gọi là chiến tranh. Không thể phủ nhận rằng những ánh sáng khoa học, công nghệ của phương Tây và những phát kiến của nó có sức mạnh thật sự đáng ngạc nhiên, tôi rất nể phục. Nhưng nếu điểm cuối cùng của sự tiến bộ, phát triển đó là sự phá hủy, tiêu diệt con người và trái đất thì rõ ràng ngay lúc này đây chúng ta buộc phải suy nghĩ lại về sự ưu việt của phương Đông.

Tuy nhiên, nguyên lý vô song không cho phép thừa nhận sự hơn thua, hơn kém giữa Âm và Dương, giữa Đông và Tây. Nó luôn mang tính hỗ trợ, bổ sung cho nhau ở mọi khía cạnh. Cho dù Đông có vượt trội hơn Tây đi chăng nữa thì không phải là chúng ta đã tạo ra cái Đông đó, mà chính chúng ta mới là những thứ được tạo ra bởi Đông. Vì vậy, đó không phải là niềm tự hào của chúng ta, ngược lại thậm chí đó là nước mắt.

Và chúng ta không được phép quên một điều rằng nếu chúng ta không thể khiến cho những con người ở phương Tây hiểu về những giọt nước mắt này, hiểu về tinh thần này của phương Đông thì chúng ta là những tội nhân lớn nhất trên trái đất này.

Ngày 22 tháng 3 năm 1952


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.