Tuyệt Thực Đi Về Đâu?

PHẦN I: THÀNH KIẾN VỀ PHƯƠNG PHÁP NHỊN ĂN – I. NHỊN ĂN VÀ PHƯƠNG PHÁP OHSAWA



Trước khi đi sâu vào vấn đề nhịn ăn, ta nên định nghĩa rõ ràng danh từ nhịn ăn. Tuyệt thực hay nhịn ăn (Jeune) là không ăn một thức gì dưới hình thức đặc hay lỏng, mà chỉ uống nước trong thiên nhiên hay nước sôi để nguội.

Nếu có dùng xen vào một lượng thức ăn gì dù rất ít như nước trái cây, nước sữa, nước sâm chẳng hạn, hay tiêm thức ăn, chất bổ vào người thì việc đó hoàn toàn không còn ý nghĩa tuyệt thực hay nhịn ăn nữa mà chỉ được gọi là tiết thực hay kiêng ăn mà thôi.

Như các bạn hiểu qua thuyết OHSAWA, đã thấy nơi cơ thể con người Âm Dương trong sự tương phản vẫn luôn có sự tương tế, tương trợ vì Âm Dương bao giờ cũng có khuynh hướng bổ túc, điều hoà đắp đổi lấy nhau. Mọi bệnh tật chỉ còn là sự biểu lộ của quá trình ấy.

Theo nghĩa đó, Giáo sư OHSAWA dạy rằng: “Ta không nên chữa một bệnh gì cả bởi vì nó sẽ tự điều chỉnh lấy. Bệnh tật có lý do tồn tại của nó”.

Giáo sư OHSAWA bảo ta đừng chữa, nghĩa là ta để tự nhiên cho Âm-Dương trong cơ thể tự điều chỉnh lập lại thế quân bình đã mất chứ không phải là làm trầm trọng thêm sự chênh lệch cho càng thêm chênh lệch. Có người ngây thơ mà hiểu ý nghĩa “không nên chữa” là không uống thuốc và trong lúc ấy cứ ăn uống bừa bãi rồi một thời gian nào đó tình cờ sức khoẻ sẽ trở lại với mình. Người ta hiểu sự quân bình âm dương của thực phẩm quan hệ mật thiết đến quân bình Âm Dương của cơ thể con người như thế nào thì tất nhiên ai cũng nhận định đúng đắn rằng “Không nên chữa” là ngoài việc không uống thuốc ra, tối thiểu là ta không nên làm trầm trọng thêm sự mất quân bình Âm-Dương bằng cách ăn uống các thực phẩm mất quân bình âm dương, còn bệnh tật hay sự mất quân bình sẵn có thì để cho Âm-Dương của linh năng cơ thể tự điều chỉnh dần dần.

Làm đúng theo vô song nguyên lý, theo Dịch lý thuận với Đạo là làm cái không làm. Nói cách khác “Không nên chữa” có nghĩa là ăn uống cho đúng quân bình Âm-Dương, là ăn uống theo phương pháp OHSAWA. Đây là phương pháp vừa bổ dưỡng cơ thể bằng quân bình Âm-Dương thực phẩm vừa để cho Âm-Dương trong cơ thể tự điều chỉnh lấy lại quân bình.

Phương pháp “Không nên chữa” thứ hai là phép nhịn ăn. Đây là phương pháp nghỉ ngơi cho các cơ quan dinh dưỡng và sinh lý bằng cách tự phân hoá những thức ăn dự trữ trong các tế bào ít quan trọng để nuôi dưỡng các cơ quan cần thiết cho sinh mạng hoá giải các chất độc trong tạng phủ, lập lại quân bình Âm Dương tốt đẹp cho cơ thể. Đây là phương pháp tự phân để tự dưỡng cho quân bình Âm-Dương trở lại để sau đó sẽ phục hồi sức lực bình thường bằng cách ăn uống lại cho phải phép.

Ta có thể nói rằng: Ăn uống theo nguyên lý Âm-Dương của Giáo sư OHSAWA là làm cái không làm, còn nhịn ăn là giao phó cho tự nhiên. Đặc điểm của đôi đàng là làm sáng tỏ ý nghĩa “Mềm yếu là cái dụng của Đạo”, là không tranh với bệnh mà thắng bệnh, duy có phân biệt chăng là một tích cực và một tiêu cực. Ta nên suy nghiệm kỹ để tuỳ cơ ứng dụng cho thích hợp với cơ thể, khí chất, bệnh trạng và tâm lý từng người.

Thông thường người ta có sẵn thành kiến cho người bệnh ăn và ép người gầy ốm ăn nhiều thực phẩm căn cứ trên lý thuyết “người bệnh phải ăn để cho đủ sức chống với bệnh”. Người ta có biết đâu rằng làm như vậy tức là làm suy nhược bớt khả năng của cơ thể vốn đang suy nhược và làm trầm trọng thêm sự mất quân bình Âm-Dương vốn đã sẵn mất quân bình. Phải chăng đây là “Đạo của người: bớt chỗ thiếu, bù chỗ dư” (Đạo đức kinh). Chẳng hạn trong trường hợp chứng sốt, do phản ứng tự nhiên dạ dày xuất tiết rất ít vị toan nên nó không thể dung nạp một thức ăn nào vì thức ăn sẽ trở thành một nguồn trở lực nguy hại cho dạ dày và cũng là cho toàn cơ thể vì thức ăn không tiêu được nó cứ nằm ỳ ra đấy có khi đến 30, 40 giờ rồi lên men nhiễm độc vào cơ thể.

Người ta thường biết ích lợi của cái có mà không để ý đến sự cần thiết của cái không. Nhồi đất nặn chén bát chính nhờ chỗ không mới có cái dụng của chén bát. Thanh âm nhờ có những khoảng không lặng thinh ngắn dài mới làm thành tiết tấu. Sở dĩ người ta làm việc được lâu dài là nhờ có công dụng của sự nghỉ ngơi. Ai ai cũng thấy sự cần thiết của sự ăn, mà ít mấy ai thấy điều lợi ích của việc nhịn ăn.

Ai cũng biết rằng mỗi khi có vi trùng xâm nhập, cơ thể liền phát ra các bạch huyết cầu, tiết ra các kháng thể để bao vây, huỷ diệt vi trùng, hoá giải các độc tố. Yếu tố tạo ra các kháng thể là các phần tử giữ một địa vị quan trọng trong tế bào chất ADN (acidedesoxyribonucléique) rất cần thiết cho sự sinh sản của tế bào. Tuy nhiên số lượng kháng thể tiết ra mỗi lần thường quá mức nhu cầu làm cho ADN bị mệt mỏi không chu toàn nhiệm vụ điều khiển và kích thích sự bào phản, và đó là nguyên nhân của sự già yếu.

Nhịn ăn giúp toàn diện cơ thể được thực sự nghỉ ngơi, tức là phục hồi sinh lực đem lại sự trẻ trung cho con người. Giáo sư C.M Child ở Đại học đường Chicago thí nghiệm trên các sâu bọ, bắt chúng nhịn đói thì thấy rằng chúng không chết mà chỉ càng ngày càng trở thành nhỏ lại. Sau nhiều tháng cơ thể chúng thu nhỏ đến mức tối thiểu, được cho ăn lại thì chúng lớn lên lại và trở thành non trẻ hơn bao giờ hết.

Theo báo Moscovosky Komsonmolest thì tại Mạc-tư-khoa, có nhà vật lý học nguyên tử trẻ tuổi tên là Vladimir Lechkovser bị nhiều tai biến từ thuở còn thơ: cánh tay phải bị cưa sau một tai nạn, kế đến vợ ông chết bất đắc kỳ tử, hơn nữa ông ta lại bị bệnh tê bại nặng, bắt buộc phải nằm liệt giường mà bệnh thì mỗi ngày một tăng. Danh y bệnh viện khắp nước Nga được mời đến dùng đủ thứ thuốc men và áp dụng nhiều phương pháp trị liệu cực tối tân nhưng đều vô hiệu quả.

Đến ngày 9-1-1961, Vladimir quyết định nhịn đói và chỉ uống nước suối nhưng chỉ uống rất ít. Đến ngày thứ sáu, ông không biết đói nữa. Sau hai tuần nhịn đói, lần đầu tiên ông đi dạo mát được. Cơ thể càng gầy ốm, người ông càng cảm thấy dễ chịu, khoẻ khoắn. Đến ngày thứ 40, ông biết đói trở lại và bắt đầu ăn lại các thức ăn nhẹ vào ngày 24-2-1961. Và từ đó ông hết bệnh. Nhịn đói như vậy là 45 ngày hay đúng hơn là 1.089 giờ. Trong thời kỳ nhịn ăn, ông Vladimir có chép nhật ký ghi những cảm giác của ông ta.

Chữa bằng thuốc men và huyết thanh chỉ làm tiêu diệt các triệu chứng của bệnh nhưng sự thủ tiêu các triệu chứng không phải là một sự hồi phục sức khoẻ cho cơ thể. Nhịn ăn đem lại quân bình Âm-Dương cho cơ thể tức là đào thải thực sự những nguyên nhân nội tại của bệnh tật, thanh lọc sạch sẽ cơ thể. Sự phục hồi sức khoẻ này là một sự cải tạo đến căn cội chứ không phải hời hợt ở triệu chứng. Giáo sư OHSAWA rất tán thành phép tuyệt thực nên ông đã nhịn ăn đến 60 ngày vào hồi tháng 8 và tháng 9 năm 1955.

Về tuyệt thực trong tôn giáo đã được thực hiện từ thuở rất xa xưa. Sự nhịn ăn hoàn toàn hay ăn kiêng một số món ăn nào đó vào những mùa chỉ định đã được áp dụng ở Assyrie, Ba-Tư, Babylone, Scythie, Hy-Lạp, La-mã, Ấn-Độ,

Ninive, Palestine, Trung Hoa, Bắc Âu và những người da đỏ các nước Mễ-tây-cơ, Ba-tây,.v.v. ở Mỹ Châu, người Ai-Cập ở Phi Châu với tính cách tôn giáo. Các tôn giáo lớn như Ấn-Độ giáo, Hồi-giáo, Thiên- chúa-giáo cũng rất chú trọng đến phép nhịn ăn và sự cầu nguyện. Sau này người ta chú ý nhiều đến sự tuyệt thực khi thánh Gandhi nhịn ăn để tranh đấu bất bạo động giành độc lập cho nước Ấn Độ.

Thánh Gandhi tán thưởng sự ích lợi của phép nhịn ăn trên phương diện sức khoẻ tuy rằng đa số các kỳ nhịn ăn của ông là để tẩy uế cơ thể, thanh tịnh bản tâm để sám hối, để cầu nguyện hoặc để cảm hoá chính quyền Anh nhượng bộ những đòi hỏi của ông cho quyền lợi dân tộc Ấn Độ. Ông nhịn ăn chẳng những để cho thân tâm được thanh tịnh mà còn để nguyện cầu sám hối cho nước Ấn Độ được thanh bình. Và với phép nhịn ăn, ông đã đạt mục đích cao cả đó bằng cách “bất tranh nhi thiện thắng” và biến cải một cách tốt đẹp kẻ địch thù thành bạn hữu…

Kinh điển Phật-giáo nhiều lần đề cập đến tính chất trị liệu quý giá của phép nhịn ăn:

“Một hôm vì một đệ tử lâm bệnh nặng nên Đại Mục Kiền-Liên phải lên cung Trời Đạo Lợi để tìm thầy thuốc Kỳ Bà xuống chữa.

Đại Mục Kiền Liên hỏi Kỳ Bà rằng:

– Tôi có một người đệ tử lâm bệnh nên chữa theo cách nào? Kỳ Bà đáp:
– Nên nhịn ăn là tốt hơn hết”.

Đại luật chép rằng: “Thầy Tỳ kheo có bệnh tức phải nghỉ ăn, lấy đau ốm làm chừng, kêu là thuốc Trời. Có bệnh, không bệnh thường phải quán xét thân này làm gốc “sinh, già, bệnh, chết” cội nguồn các khổ, rất phải trách móc ngăn tinh dục, cớ sao buông ái căn kia, lại thêm gốc khổ cho mình” (Sadi luật giải).

Đứng trên quan điểm Âm-Dương, nhịn ăn đúng phép sẽ đem đến sự quân bình Âm-Dương tốt đẹp cho cơ thể mà thiên nhiên thành lập huyền diệu với sự biến dịch không ngừng, nuôi dưỡng cơ thể bằng cách điều chỉnh mọi cơ năng và tự phân hoá những thực phẩm dự trữ ở các tế bào trong cơ thể. Do Âm-Dương có một quân bình tốt đẹp, về phương diện thể chất, sinh lực và sức khoẻ được gia tăng, về phương diện tâm linh, tinh thần được an tịnh, minh mẫn, ý chí, ký ức, định lực phát triển dồi dào, tri giác lực trở thành bén nhạy tinh tế.

Cho nên đức Phật trời gần 6 năm tu tập đủ mọi phương pháp cực kỳ kham khổ chỉ đưa lại những thứ khổ não cho thân tâm cuối cùng đến giai đoạn tu hạnh nhịn ăn, Ngài mới thoát nhiên, đại ngộ chân lý Trung đạo chứng quả Bồ Đề Vô Thượng (theo MAHA SACCAKA-S, MAJJHIMA 1,242).

Chúa Jesus cũng đã nhịn ăn ròng rã 40 ngày đêm. “Đức chúa sau khi đã nhịn ăn 40 ngày và 40 đêm, lúc đó ngài mới đói” (MATHIEU IV, 2). Và cũng sau 40 ngày nhịn ăn Ngài mới khởi sự truyền giáo và thu nhận các môn đồ đầu tiên ở dọc mé biển Galilee.

Như vậy cũng đủ thấy rằng cái dạ dày được trống trải là một điều tốt lành lớn lao cho cơ thể và một yếu tố cần thiết cho những ai muốn đi trên con đường tìm chân lý hay là những ai muốn có một đức tin đảo hải di sơn. Trong dịp chữa bệnh kinh phong cho một đứa trẻ, Chúa Jesus đã phán với các môn đồ rằng: Thầy nói thật với các con, nếu các con có đức tin bằng hạt cải mà các con khiến núi này rằng: Hãy rời khỏi đây qua bên kia, nó liền rời đi, lại chẳng có việc nào các con không làm được. Còn thứ quỉ (chỉ bệnh kinh phong) này, nếu không cầu nguyện và nhịn ăn, không trừ được nó” (MATHIEU XVII, 20-21).

Trước đây bao nhiêu người đã đạt được thành quả tốt đẹp nhờ phép nhịn ăn nhưng sau khi nhịn, lại ăn uống sai lầm như ngày trước, sa vào vết xe cũ của bệnh tật phiền não. Bởi vì muốn duy trì thường xuyên quân bình Âm-Dương tốt đẹp nhờ phép nhịn ăn, duy trì sức khoẻ được hồi phục, duy trì chánh kiến và chánh tín, ta phải biết lấy chính thức ăn làm căn bản vì tuyệt thực không thể kéo dài vô hạn định. Phép Chánh Thực này xây dựng trên dịch lý Âm-Dương, Giáo sư OHSAWA đã khổ công nghiên cứu trong mấy mươi năm và đã khám phá ra, ngày nay bí quyết quí giá ấy Giáo sư OHSAWA đã trao cho nhân loại mặc tình sử dụng để tìm chân hạnh phúc cho đời mình và phổ biến cho những kẻ xung quanh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.