Tuyệt Thực Đi Về Đâu?
THAY LỜI TỰA
Nhà sinh lý học nổi tiếng Claude Bernard đã quả quyết tuyên bố rằng: “Tình trạng cơ thể là chính yếu, vi trùng không có gì đáng kể”. Thật vậy, nếu mọi tế bào tạng phủ trong người đều lành mạnh thì chẳng có một loại vi trùng nào có thể quấy phá hoặc tác hại được. Và muốn cho mọi cơ năng tạng phủ đều được lành mạnh thì trước hết các chất bổ dưỡng đưa vào máu để phân phối nuôi cơ thể phải tinh khiết, đầy đủ và đúng quân bình.
Đã biết qua thuyết OHSAWA chúng ta ai cũng biết rằng bệnh tật sở dĩ sinh ra là vì quân bình Âm-Dương bị chênh lệch, do đó vi trùng hoặc ngoại tà mới có dịp xâm nhập phát tác và gây tổn hại cho cơ thể.
Sự khám phá ra vi trùng của Pasteur đã lái ngành y khoa hiện đại về chiều hướng giải phẫu và sưu tầm các thuốc kháng sinh ngày càng hiệu lực, quả thật đã đem lại nhiều tai hại cho loài người. Phương thức chữa bệnh của các y sĩ đáng lẽ là nghiên cứu mọi cách tiết độ để bảo tồn sinh lực cho cơ thể có khuynh hướng đạo đức và chiêm nghiệm vì đâu, do nguyên nhân nào mà cơ thể mất quân bình, nhưng vì quá chú trọng đến vi trùng, người ta cứ để con người ngụp lặn trong dục lạc truy hoan vì chỉ tìm cách giết cho được vi trùng, đổ lỗi cho chúng như là nguyên nhân chính yếu của bệnh tật, do đó nếp sống con người bị sa đọa về vật chất cũng như tâm linh.
Muốn phục hồi sức khoẻ đang bị một loại vi trùng nào đó làm tổn hại thì công việc cho bệnh nhân – uống một thứ kháng sinh nào đó chưa đủ mà phải chữa trị tận nguồn gốc và phục hồi toàn diện sinh lực cho cơ thể. Và muốn hoàn thành công việc ấy, muốn loại trừ nguyên nhân sâu xa của căn bệnh, muốn lập lại quân bình Âm-Dương cho cơ thể, muốn cải tạo sức khoẻ cho thể chất và tâm linh, tưởng không có phương cách trị liệu nào hữu hiệu hơn phép nhịn ăn hợp cách.
Nhịn ăn dù thời gian hoặc dài hay ngắn là một thời cơ tốt đẹp cho tạng phủ được nghỉ ngơi, giúp điều kiện cho tế bào bài tiết các chất độc, cơ thể phân phối các thức ăn dự trữ, các khoáng chất, sinh tố… để lập lại quân bình Âm-Dương tốt đẹp cho cơ thể.
Điều người ta thường lo ngại hơn cả là nhịn ăn làm sụt cân quá nhiều nhưng sở dĩ người ta lo ngại như vậy vì người ta không hiểu sự ích lợi, sự mầu nhiệm của phép nhịn ăn. Mối lo ngại đó là vô căn cứ, là hoàn toàn hư ảo. Thật vậy, sau thời gian nhịn ăn phải phép và khi sự giải độc được hoàn thành cho cơ thể người nhịn ăn tuy gầy hơn trước nhưng nhờ các tế bào trở nên trong sạch và non trẻ hơn trước nên một khi ăn uống trở lại là lên cân đúng mức quân bình và sức khoẻ thêm dồi dào, miễn rằng đừng ăn uống bừa bãi để sa vào chỗ mất quân bình Âm-Dương đã gây ra bệnh tật trước kia.
Người hành phép nhịn ăn chỉ cần nghỉ ngơi hoặc hoạt động vừa phải, trong đó phép đi bộ được xem là tốt hơn cả. Mọi cử động đột ngột đều nên tránh, ví dụ đang nằm mà vùng đứng dậy có thể sinh ra xây xẩm mặt mày trong chốc lát.
Về thời gian nhịn ăn, lý tưởng và công hiệu hơn cả là nhịn ăn cho đến khi nào sự thèm ăn tự nhiên trở lại, nhưng trong thời buổi mà nhịp sống trở nên sôi động và cuồng loạn như ngày nay, mà thì giờ được xem là vàng bạc thì kể ra cũng ít người đủ điều kiện để có đủ thời giờ thong thả thuận tiện để đeo đuổi đến cùng một kỳ nhịn ăn dài hạn.
Tuỳ khả năng, thuận tiện ta có thể nhịn ăn 7, 14, 21 hoặc 28 ngày hay hơn thế nữa…
Những kỳ nhịn ăn dài hạn dĩ nhiên kết quả tốt đẹp hơn, nhanh chóng hơn những kỳ nhịn ăn ngắn hạn thường để dành cho những bệnh nhân không đủ điều kiện nghỉ dài ngày. Những cuộc nhịn ăn ngắn hạn có lợi là có thể thực hành lúc nào cũng được mà không cần ngưng công việc sinh hoạt hàng ngày. Nhịn ăn ngắn hạn có thể là mỗi tuần một ngày: mỗi tháng 2-3 kỳ, mỗi kỳ 3 ngày; hay mỗi tháng 1-2 kỳ, mỗi kỳ 5 ngày tuỳ bệnh trạng, tuỳ sở thích, tùy suy luận hay kinh nghiệm của từng người.
Nhịn ăn gột rửa các chất độc ra khỏi cơ thể, cải thiện sự tuần hoàn và hô hấp. Sinh lực đáng lẽ phải dồn vào trong công việc tiêu hoá thức ăn nay được dành riêng cho sự gột rửa các độc tố trong cơ thể, sửa chữa, bù đắp các tạng phủ, cơ quan bị suy tổn. Thần kinh hệ được giải khai, bắp thịt được thoải mái nghỉ ngơi, các nội tạng làm việc ít lại, sinh lực con người được cải tạo, nhờ đó mà ảnh hưởng tốt đẹp lan rộng đến địa hạt trí tuệ và đạo đức con người.
Đối với quảng đại quần chúng, người ta thường cho rằng bệnh tật chỉ là một sự cấp phát, một hiểm hoạ do vi trùng bên ngoài đưa vào chứ không phải do sự vi phạm các định luật thiên nhiên liên tiếp có khi ngay từ thuở sơ sinh. Quá tin vào thuyết vi trùng, người ta đã lẫn lộn lấy quả làm nhân, do vậy phát sinh lòng nghi ngại băn khoăn tự hỏi làm sao sự nhịn ăn có thể chữa lành được những bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm, cho rằng nhịn ăn bất quá có chữa được thì chữa lành một số nhỏ bệnh thần kinh, mất ngủ, nhức đầu hay các bệnh do sự hỗn loạn bất điều hoà của các cơ năng hay tạng phủ mà thôi. Nhưng trên thực tế lại khác, có thể nhờ phép nhịn ăn lập lại được quân bình Âm-Dương thì tính thực bào, tức khả năng tiêu diệt vi trùng được cường thịnh và khả năng xuất tiết kháng thể để trung hoà độc tố thêm sung túc thì thử hỏi vi trùng còn đâu đất dung thân, há lại phải cầu cạnh đến các độc dược, kháng sinh mới chữa lành được bệnh hay sao?
Bác sĩ Roger và Josue đã làm thí nghiệm sau đây để chứng minh lợi ích của sự nhịn ăn: Hai ông chia một bầy thỏ làm đôi, một nửa cho ăn uống như thường, còn một nửa thì bắt nhịn ăn hoàn toàn từ 5 đến 7 ngày rồi cho ăn uống bình thường trở lại từ 2 đến 11 ngày. Các ông nhận thấy rằng những con thỏ nhịn ăn đã tự tạo một sức miễn dịch phi thường, đã chịu đựng được một cách dễ dàng mà vô hại một lượng vi trùng tiêm vào mình chúng đủ sức giết một cách nhanh chóng những con thỏ khác trong nửa bầy không được nhịn ăn.
Bác sĩ Dewey đã chữa cho con trai ông mới 3 tuổi bị chứng bạch hầu (diphtéie). Ông cho đứa bé nhịn đói tuyệt đối chỉ uống nước rất ít và nhận thấy rằng bệnh còn chóng lành hơn là chữa trị bằng thuốc men.
Bác sĩ Dewey còn áp dụng rất hiệu quả phương pháp nhịn ăn tuyệt đối và dài hạn trong những trường hợp các bệnh nhân gây sốt như cúm, sưng phổi, đậu lào, sốt rét, các bệnh gây độc do vi trùng streptocoque, staphylocoque. Ông luôn nhận thấy rằng những người bệnh ấy bao giờ cũng được chóng bình phục và nhất là phân xuất tử vong những trường hợp trọng bệnh hết sức thấp so với cách chữa bệnh thông thường mà cứ cho người bệnh ăn của các bác sĩ đồng nghiệp.
Bác sĩ Oswald nói: “Một bệnh do vi trùng gây ra lực độc như bệnh giang mai, từ xưa xem như một bệnh dai dẳng với cách chữa bằng những phương pháp hoà hoãn, tạm bợ (ví dụ với thuỷ ngân, thạch tín…) đã được trị tận gốc với phép nhịn ăn trong những bệnh xá Ả rập ở Ai cập trong thời gian Pháp chiếm đóng. Avicène đã ám chỉ đến sự công hiệu của phương pháp này mà hình như ông đã áp dụng một cách thần hiệu để chữa bệnh đậu mùa. Và bác sĩ Robert Barthlow là một y sĩ trung kiên trong việc bênh vực thuốc men cũng phải thừa nhận rằng: “Nhịn ăn chắc chắn là một phương tiện xuất sắc để bài tiết vi trùng ra khỏi cơ thể bằng một quá trình liên tục tuần tự huỷ diệt phân tử và để tái tạo các cơ cấu trong cơ thể. Đó là phương pháp nhịn ăn dùng để chữa lành bệnh giang mai, một phương pháp Đông phương dùng để chữa bệnh ấy và những kết quả rất mỹ mãn đã thu hoạch bằng phương pháp này”.
Bác sĩ Von Seeland nói: “Trên nhận xét bản thân cũng như trên nghiên cứu thực nghiệm, tôi càng ngày càng đi đến tin tưởng vững chắc rằng nhịn ăn chẳng những có một giá trị về phương diện y khoa mà chắc chắn rằng còn có một giá trị lớn lao hơn nhiều đứng về phương diện dưỡng sinh và giáo dục. Xã hội của chúng ta nô lệ dưới ách thuốc lá và rượu nay lại sắp sửa sa đọa vào nạn thuốc phiện, dần dần trở thành miếng mồi ngon cho sự u sầu, cho niềm chán sống và do đó những vụ tự vẫn gia tăng… Rồi từ trong lòng xã hội ấy xuất hiện những triết gia u uất bi quan (trạng thái tinh thần biểu lộ một căn bệnh thực thụ hay một sự suy nhược tinh thần). Cho nên một xã hội như vậy muốn được cảnh tỉnh cần phải phát động một phản ứng quyết liệt là cách thực hành “tiết dục và nhịn ăn”.
*
Lành bệnh có tính cách nhất thời là dễ, nhưng bảo tồn sức khoẻ có tính cách trường kỳ mới là chuyện khó. Nhịn ăn đem lại sức khoẻ có tính cách giai đoạn nhưng sau đó nếu được bảo trì bằng cách ăn uống cho đúng quân bình Âm-Dương của Giáo sư OHSAWA thì phép dưỡng sinh mới có thể toàn hảo như vậy.
Cách ăn uống sau thời kỳ nhịn ăn phải được chăm sóc kỹ lưỡng không kém gì sự chăm sóc trong lúc nhịn ăn. Sự tái tạo các tế bào quan trọng không kém gì sự gột rửa các tế bào và chính trong thời gian sau khi nhịn ăn mà người ta phạm những điều khinh suất. Nhiều người nghĩ rằng nhịn ăn là điều quan trọng, bệnh lành là xong chuyện còn sau đó thì chẳng có gì đáng kể.
Những người bệnh nhờ áp dụng phép nhịn ăn mà lành bệnh, nhưng ngay sau đó họ lại sa vào vết xe cũ của thói quen xưa. Họ trở lại ăn uống quá độ, ăn hấp tấp không nhai kỹ, ăn uống bừa bãi không biết chọn món ăn quân bình, tưởng rằng cứ ăn uống thoả thích như vậy thì chóng phục hồi sinh lực, mau lên cân nhưng có biết đâu rằng chính vì sự cẩu thả trên chẳng những đã làm tổn hại thành quả tốt đẹp thu hoạch được trong thời gian nhịn ăn mà còn làm suy nhược các cơ quan tạng phủ, chuẩn bị cho những tai hại mới, những đau khổ mới. Nhịn ăn như vậy thì khác nào công cuộc dã tràng xe cát biển đông. Vì vậy tôi đã ghép liền phép nhịn ăn với cách ăn theo nguyên lý Âm-Dương của Giáo sư OHSAWA với dụng ý giới thiệu cùng các độc giả phương pháp bảo tồn sức khoẻ và chữa bệnh thần diệu vô tiền khoáng hậu của Giáo sư OHSAWA, một ân nhân của nhân loại đã đem thân thể và cuộc sống hy sinh cho lý tưởng cao cả vị tha…
“Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa” (Đạo đức kinh), vì không hiểu Đạo để sống thuần theo dịch lý Âm-Dương của vũ trụ mới bày ra thuốc men và bệnh viện, rồi thuốc thang và sung túc thì bệnh tật ngày càng nhiều, đạo đức càng suy. Vi trùng đâu có gì đáng sợ, đáng sợ chăng là sự vô minh vì không thấu hiểu nguyên lý của vũ trụ để dưỡng sinh, để tu thân. Thân không tu thì nhân loại suy vong, vì nhân loại nào có ai khác hơn là bạn và tôi cùng bao nhiêu người khác đang sống trên cõi đời này…
Tập sách nhỏ này nếu được hạnh ngộ lọt vào mắt xanh của bạn, tôi thầm ước nguyện khi bạn đọc xong gấp sách lại thì vấn đề tuyệt thực từ đây sẽ gây cho bạn đôi chút suy tư…
Thái Khắc Lễ
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.