VU KHỐNG

CHƯƠNG III



Trở lại chuyện từ đầu. Sáng hôm ấy tôi thức dậy khá sớm. Tất cả vẫn như mọi khi, nhưng trong một góc phòng có một vật tôi biết sẽ khiến ngày này bực bội cho tôi, sẽ không để tôi bình yên. Từ trên giường tôi đảo mắt nhìn khắp phòng. Mười lăm năm rồi tôi đâu biết một khung cảnh nào khác ngoài khung cảnh cái ổ kiếp sống thừa : bốn bức tường, chiếc giường, cái bàn, cái ghế, cái tủ. Toàn bằng sắt. Kêu ken két trên nền lát. Hễ kéo ghế là tiếng động đinh tai nhức óc. Trước kia, toàn màu trắng. Bây giờ, toàn xám, màu của đời tàn. Trước kia, chung quanh tôi chỉ là những mặt nạ bằng phấn. Bây giờ, chỉ là những khuôn mặt ngăm ngăm. Trước kia người ta gọi tôi là Mặt-Khỉ. Bây giờ, là anh Chệt-Khùng. Người điên có ưu điểm là vô sinh, cô độc, vô gia đình. Ở đây, bọn nhóc tru suốt đêm.
Vậy thì, sáng hôm ấy, tôi đứng lên, tới ngồi bên bàn, nhâm nhi tách cà-phê và hút điếu thuốc đầu tiên trong ngày. Trước mặt tôi, đặt dựa vào tường, là một bức thư chưa bóc. Hôm trước, khi trở về, tôi thấy nó trong hộc của tôi, hộc số 505 ngoài hành lang, trước phòng người gác. Một bức thư. Tôi sinh nghi ngay. Bao nhiêu năm tôi có nhận được thư bao giờ. Tôi nhìn kỹ phong bì, chữ viết mực xanh đen. Tôi đi về phòng tôi, lá thư trong tay, tôi không muốn mở nó ra chút nào. Tôi vào phòng. Đặt thư lên bàn, dựa vào tường, không mở, rồi đi ngủ. Sáng ra, bức thư vẫn còn đó. Tôi nhìn nó như ta nhìn kẻ đến lay vai đánh thức ta dậy. Thư này là loại thư ta nhón giữa hai ngón tay, tự nhủ hay hơn hết nên xé đi – rốt cuộc lại mở ra, đọc rồi choáng váng mặt mày, hối tiếc mình tò mò ngu ngốc nhưng đã quá muộn. Tôi cố quên bức thư, cố bám víu vào nếp sống thường nhật của tôi. Tôi lắng tai. Bên ngoài, không có gì thay đổi. Cũng như mọi buổi sáng, tôi nghe tiếng những người trọ ở đây lệt sệt đi qua trước phòng tôi. Họ đi tắm. Chút nữa đây, khi tôi cũng đi tắm, tôi sẽ gặp phải sàn nhà sũng nước. Tôi sẽ gặp phải nước xà-phòng đọng vũng trước các phòng tắm, những mùi nồng bốc lên từ các bồn vệ sinh, quần áo dơ ngâm trong các bồn rửa mặt, những cửa không gài được và những vòi sen gẫy. Tắm xong là ai nấy ba chân bốn cẳng tranh nhau chỗ rửa chén. Chỉ có một bồn rửa chén chung cho ba gia đình và hai người độc thân. Ngày nào cũng ủng oẳng trong bếp, cãi lộn trong nhà tắm. Nào đồ trong phòng cộng đồng bị đem về phòng riêng. Nào con nít dẹp bàn ghế trong phòng ăn lấy chỗ nhảy dây. Bức thư với tuồng chữ cao sang đã xuất hiện giữa cảnh hỗn độn ấy, giữa những mùi nồng ấy. Khả nghi làm sao, cái phong bì hai lớp, giấy hằn sọc, với mấy hàng chữ viết tay kia, và sự hiện diện, trong mấy bức tường này, của đứa cháu gái đã lãng quên.
Tôi tự hỏi không biết con bé có chồng con chưa. Phải chăng nó là một bà nội trợ viết văn những lúc rảnh rỗi. Hay là nó có những người tình. Rời bàn viết thì vào giường với họ. Và cứ như thế. Trừ phi nó sống như một thầy tu dâm dục, một kẻ khổ hạnh gậm nhấm những ý nghĩ tục tĩu. Tôi đã bỏ mười năm để điên, nó cũng sẽ bỏ mười năm để viết lách. Con bé với tôi là hai hoang thai của cái gia đình bại hoại này. Duy chúng tôi đã thoát, đã trốn được cái gia đình ấy, vậy mà chúng tôi vẫn không sống được một cuộc sống bình thường. Những người khác, hết thảy những người khác của cái gia đình bại hoại ấy, đều có lối xoay xở của họ. Họ lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, có công ăn việc làm. Họ chẳng sống leo lắt.
Con bé nảy ra ý viết cho tôi là do thế này. Bữa đó cách đây cũng đã vài tuần, trong một công viên. Đấy là một điểm chung của hai chúng tôi, con bé với tôi : yêu thích những nơi kín đáo dành cho những kẻ thân tàn ma dại. Con bé không đến công viên để ngắm nhìn trẻ con và những cặp tình nhân, những cuộc đời vừa hé nở, nhưng để rình mò những kẻ đi bên lề, những kẻ suy vi, những kẻ đã buông trôi, những kẻ chỉ còn đối thoại với người anh em ác tâm của mình, cái tôi tội nghiệp đã vấp ngã lúc nào họ cũng chẳng rõ – ngày lại ngày, họ cố nhớ lại cái lúc định mệnh ấy nhưng vẫn hoài công.
Con bé ngồi nơi một cái ghế dài, nó giả bộ đọc sách nhưng chẳng đọc gì, sau đôi kính đen nó quan sát nhan nhản những kiếp sống thừa kia. Nó quan sát những ông già ngồi trên những chiếc ghế han gỉ chăm chú đọc báo, những ông già thở khó nhọc nhưng vẫn không thôi hút thuốc, những ông già cởi áo đưa tấm thân gầy sưởi nắng; họ cởi áo rất khó khăn, cứ như suốt mùa đông họ đã mặc nguyên quần áo như vậy trên người.
Bữa đó, ít lâu trước khi viết thư cho tôi, con bé ngồi trên một ghế dài, một cuốn sách trên tay. Nó rình mò. Một gã đàn ông lại gần. Nó không nghe biết. Gã tới đứng sau lưng nó. Lên tiếng hỏi nó. Nó giật mình. Lần đầu tiên nó thành kẻ bị rình mò. Thế thôi cũng đủ làm nó giận điên lên rồi. Điều khiến nó càng tức tối, đó là gã kia nói với nó bằng tiếng mẹ đẻ của nó. Không có gì nó ghét cho bằng những người đồng hương gợi chuyện với nó, lấy cớ tình cờ cùng ở nơi xứ lạ quê người này. Gã kia còn trẻ, mặc quần đen, mình trần, áo vắt trên vai. Gã dắt một con chó to lông đen. Nó trả lời gã một cách cộc cằn. Gã nhìn nó đăm đăm, lầm bầm vài tiếng nó nghe không ra, rồi kéo con chó bỏ đi. Nó gặp lại gã nhiều lần, trong xe điện ngầm, trong công viên, trước cửa nhà. Gã không đến bên nó nữa mà chỉ lảng vảng quanh nó, miệng lẩm bẩm bằng cái ngôn ngữ nó tưởng mình đã quên. Nó tránh tới ngồi trong công viên nọ. Gã lại xuất hiện nơi khác. Nó tưởng gạt bỏ được gã bằng cách nghĩ rằng, Mình có thiên tư lôi cuốn những kẻ loạn óc. Nó đâm ra tin cái định luật hễ ai có hơi hám điên kẻ ấy lôi cuốn những người loạn óc. Bao giờ cũng là bệnh tật đưa ta về với gia đình. Ta đắp đổi đời mình, tẩy sạch trí mình, rồi một ngày chẳng ngờ, di truyền lại níu lấy chân ta, và thế là tiêu tan cái bộ mã ung dung.
Truớc kia con bé đã quyết định gác lại vấn đề người cha, bây giờ nó đâm hoảng. Nó đòi tôi cho nó biết rõ tông chi ngọn ngành.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.