VU KHỐNG
CHƯƠNG IV
Ricin bảo, Em viết cho ông cậu đi. Để xem ông kể chuyện ra sao. Có thể mẹ em đã nói thật, nhưng đó là sự thật của một người đàn bà si tình, em dư biết những hồi ức của một người đàn bà si tình đáng tin đến mức nào.
Ricin(1) là lương tâm của tôi, người cho tôi những bài học, người anh khó chịu luôn sẵn câu xỉ vả. Lần đầu chúng tôi gặp nhau, Ricin đã nhìn tôi một cách kẻ cả. Tôi tươi trẻ, mặt mũi láng mướt, không một vết nhăn, một vết sẹo. Tôi mang đến cho Ricin, nơi căn hộ hai buồng anh dùng làm văn phòng ở Gennevilliers, một bản thảo tôi mong được nhà xuất bản của anh ấn hành. Chỉ liếc qua tôi anh đánh giá tôi ngay : tôi nuôi tham vọng viết văn, trong khi tôi chưa hề trải qua trường học khổ đau. Tôi không có vết thương để gãi, không bị dằm phải rút, không mưng mủ phải rửa.
Ricin một mình một ngựa. Anh tự tách riêng. Anh quan sát thời đại một cách ngờ vực. Anh làm thơ, viết cách ngôn, nhưng không xuất bản, e đánh đĩ niềm đau khổ của mình. Ricin tự biết là nạn nhân của tính tế nhị của anh. Anh là Kẻ Bị Xúc Phạm. Anh giữ một mục hàng ngày trên một tờ báo, lập ra nhà xuất bản của mình, nhưng anh vẫn là Kẻ Bị Xúc Phạm.
(1) Ricin còn là một danh từ chung, có nghĩa cây thầu dầu; hạt cây này dùng để chế một loại dầu làm thuốc xổ, thuốc nhuận tràng.
Ricin kiếm đủ sống, những kẻ khác hốt bạc. Ricin viết bài, những kẻ khác làm báo. Ricin mê mải văn chương. Những kẻ khác cùng lắm là lũ dốt nát, tệ ra thì là bầy kên kên. Ricin chảy máu. Anh không chịu săn sóc vết thương. Anh có phe của anh. Phe những người chảy máu. Anh làm vua phe ấy, những kẻ khác chỉ là bọn phù phiếm và tham lam.
Buổi chiều, Ricin tới gõ cửa phòng tôi và chúng tôi đi dạo trong thành phố Paris.
Tóm tắt lại nhé, Ricin bảo. Đừng cắm cổ lao đầu đi tìm người cha. Em sẽ chỉ gỡ bỏ cái bóng ma đang đeo trên lưng để lại cõng lấy một bóng ma khác. Đeo đuổi tìm một người cha khác có ích gì cho em ?
Mẹ em đã bảo, Lẽ ra mẹ phải bỏ cha con đi theo cha kia của con. Lẽ ra mẹ phải bỏ chồng đi theo Người Nước Ngoài, Cuộc Tình đời mẹ.
Mẹ em đã bảo, Người duy nhất biết chuyện tuyệt vời ấy là cậu con, Tên Khùng, Tên Bại Hoại. Người đã sống mười năm trong một nhà thuơng điên vùng Corrèze, xuất viện từ năm năm nay và hiện ở một cư xá cũ đã đổi thành nhà trọ trang bị sẵn đồ đạc. Người nắm đuợc sự thực chuyện này là một người điên.
Mẹ em đã bảo, Hỏi cậu mà xem. Cậu sẽ xác nhận cha thực của con là Người Nước Ngoài, người ghé qua, người tình vài tháng và Cuc Tình đời mẹ. Hỏi cậu mà xem. Cậu sẽ cho con hay cha thực của con theo đuổi hết chinh phục này đến chiến thắng khác. Con sẽ rõ rằng không phải người cha nào cũng là kẻ thua cuộc.
Bà Mẫu đã bảo, Con nhớ lại đi, cậu con dở người. Hồi ở trong Nước, cậu vẫn thường đến nhà mình. Cậu ngồi suốt ngày trên ghế ngó châm bẩm bức tường. Mỗi lần lên cơn, cậu vác dao đuổi mẹ.
Bà Mẫu đã bảo, Số mẹ phải sống với những kẻ cùng đinh. Người vác dao là đứa con nối dõi mà hư, là nỗi hổ nhục của gia đình, người anh chỉ gây ác mộng, hệt như chồng mẹ là kẻ chẳng một xu dính túi, một cuộc hôn nhân tai hoạ. Người không một xu dính túi và kẻ vác dao, ấy là những người đâu có thể cùng ta thò mặt ra ngoài xã hội. Người thì mơ mơ màng màng mặc cho thiên hạ ăn hiếp, người thì rồ dại. Người thì quyền uy chẳng có, người thì học hành không đến đâu.
Bà Mẫu đã bảo, May thay, gia đình ta tìm được cách đưa cậu ra khỏi Nước và gửi cậu đến cái nhà thương điên vùng Corrèze ấy. Sau đó ít lâu gia đình cũng qua Pháp, nhưng chẳng ai còn bận tâm đến cậu nữa.
Trước kia, hồi ở trong Nước, người vác dao cứ hai hoặc ba tháng lại đến nhà một lần. Cậu ở nhà thương điên ra, tay xách chiếc va-li nhỏ. Bà Mẫu đến nhà thương điên đón cậu, chứa cậu vài ngày trước khi đưa cậu về với gia đình. Người vác dao ngồi lì trên ghế. Bà Mẫu bảo sợ cậu hung dữ. Thực ra, bà sợ cậu như người ta sợ quan toà. Bà tránh bước qua phòng có cậu ngồi, không dám nói to, có ra ngoài thì cũng lén lút, bằng lối cửa qua sân sau. Bây giờ, dù không còn gặp cậu nữa, dù cậu sống tít nơi xa, Bà Mẫu vẫn cho cậu là một tên nguy hiểm, một tên tội phạm, người chỉ muốn giết bà. Người vác dao, Bà Mẫu bảo, chỉ khiến bà nhớ lại những kỉ niệm không đẹp đẽ gì. Bà không thích nghĩ đến cậu, nghĩ đến cậu khiến bà ưu uất, chỉ đưa lại những ý tưởng hắc ám.
Bà Mẫu sợ, không phải sợ cậu hung dữ, nhưng là sợ cậu giám sát. Cậu là chứng nhân mọi chuyện lăng nhăng của bà. Cậu ngồi lì đấy, cậu rỏng tai và cậu biết hết. Bà Mẫu thù ghét cái kẻ điên mà vẫn còn đủ trí khôn để rình mò bà, tính sổ những phản bội của bà. Bà Mẫu thù ghét cậu vì cậu là bằng chứng rằng bệnh điên, trong gia đình, là một truyền thống phải tuân thủ. Vì cậu thay thế cụ cố, người rốt cuộc đã phải xích trong chuồng, người làm hoen ố gia phả.
Cậu hiện diện khiến không ai quên được cụ cố gia đình đã phải nhốt trong một căn phòng cửa nẻo đóng kín. Cụ gào thét hết hơi. Chung quanh nhà là vườn rộng mênh mông nên hàng xóm không nghe tiếng cụ gào thét. Một đêm, cụ mở được cửa sổ, trốn ra. Cụ trèo lên cây trong vườn, hát vang. Bữa đó là một đêm nguyệt thực. Trời tối như mực. Tìm được cụ, gia đình cũng đành phải chờ cho cụ chán và chịu xuống. Một anh người làm leo lên cây, nhưng không sao thuyết phục được chủ nhân, chỉ mặc một chiếc quần, tụt khỏi cành cây nơi cụ ngồi ăn hết chiếc lá này đến chiếc lá khác, dính đầy kiến lửa.
Sau lần trốn đêm đó, cụ cố đâm thích những trò ngông. Gia đình lại nhốt cụ trong phòng, nhưng đóng đinh mấy tấm ván chặn hết cửa sổ. Người điên không tìm cách trốn nữa. Cụ giở trò khác : gia nhân mang cơm tới là cụ vồ lấy họ, cắn đến chảy máu. Một người bà con, chủ một sở thú, đề nghị tặng một cái chuồng, cho đem tới và dựng trong phòng. Cụ cố bị nhốt vào đấy và, cẩn thận hơn nữa, người ta xích chân cụ; sợi dây xích đủ dài cho cụ đi lại được. Gia nhân như thế có thể mang cơm cho cụ mà không lo bị cụ cắn. Mỗi tuần một lần cụ bị trói vào chấn song chuồng để một gia nhân lau rửa sàn. Thiên hạ bắt đầu đồn đại về tình trạng tâm thần vị gia chủ, gia đình bèn thông báo cụ hấp hối rồi đăng cáo phó. Tang lễ là biến cố lớn của thành phố tháng ấy. Hàng năm gia đình đem hoa ra ngôi mộ giả, do một người làm vườn chăm sóc. Phần cụ cố, cụ sống rất thọ, chân xích trong chuồng. Khi cụ mất, cụ được chôn vội vã ngoài vườn.
Từ đó, trong gia dình, ai cũng như mang trong mình một cái chuồng con xiềng nhốt một người mất trí. Thỉnh thoảng, người điên thoát ra, chà đạp thần kinh con cháu. Từ đó, trong gia đình, ai cũng có đôi lúc mê sảng. Mỗi thế hệ lại hi sinh một người để những người khác được sống yên lành. Mỗi thế hệ chỉ định kẻ sẽ bị coi là người điên. Những người khác gỡ thể diện bằng cách tỏ ra vô cùng thận trọng, bằng cách tuân thủ những gì họ cho là quy luật của đời sống bình thường. Người vác dao là kẻ bị hi sinh. Kẻ ai nấy đều coi là điên. Kẻ nhận lãnh hết mọi bại hoại, tránh cho những người khác bị nghi là rồ dại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.