VU KHỐNG

CHƯƠNG V



Không biết có bao giờ tôi có thể ngoảnh mặt khỏi cái tôi bùn nhơ của tôi. Đời tôi chỉ là những vấp ngã, trượt dốc, bước hụt; cứ mỗi lần tôi lại phải loay hoay cố tự thuyết phục mình phải đứng lên. Tôi đã giả điên để khỏi hoá điên. Tôi thủ thế, tôi tự vệ, như con chim ấp trứng (dẫu cho trứng thối). Chỉ một tiếng động nhỏ, chỉ một động tác cỏn con của đồng loại cũng xúc phạm đến tâm thần tôi. Trước kia tôi kinh khiếp những người điên mở miệng là nói nhăng nói cuội, nói gióng tiếng một, nói đi nói lại, chửi bới và kêu thét. Bây giờ tôi kinh khiếp những kẻ tâm trí lành mạnh. Họ phun ra những từ trống rỗng và đợi được những lời vô nghĩa đáp lại. Có những buổi sáng tiếng động nào cũng làm tôi tức bực, cũng khiến tôi nhức đầu : một cánh cửa đóng sập, một đứa nhóc la khóc, một chú da đen lấy bàn nhà bếp làm cái trống. Tất cả mọi tiếng động va vào nhau, đập vang trong đầu tôi, biến nó thành một cái phòng cộng hưởng. Có yên đi không ! Có yên đi không ! Tôi đã thoát khỏi nơi người điên. Bây giờ sống giữa người tâm trí lành mạnh tôi sẽ phải rối loạn thần kinh. Tôi không ngoảnh mặt đi với cái tôi bùn nhơ của tôi. Họ, để quên đi đống bùn nhơ họ ngồi bên trên, họ nhồi tiếng động vào tai, cho ảnh hình diễu trước mắt. Có yên đi không ! Có yên đi không ! Chớ ai nói tiếng nào ! Im cả đi ! Nếu ai nhất định nói, hãy thì thầm mà thôi. Có những ngày những tiếng động của đồng loại, những tiếng động nói lên sự sống, làm tôi kinh khiếp. Những ngày ấy, tôi nằm lì cuộn tròn trên giường, bịt chặt hai tai để khỏi nghe những tiếng động ấy của sự sống, những dấu hiệu thô tục ấy, như thác đổ quanh tôi.
Tôi co rúm lại, tôi chắc lưỡi, Suỵt ! Suỵt ! Tôi không muốn nghe tiếng những kẻ tâm trí lành mạnh lau rửa, chùi cọ, tẩy uế, chăm chút thân xác họ. Những lúc ấy, tôi không chịu nổi dù ngôn ngữ nào. Dù bằng tiếng Pháp hay tiếng dân Chà Chệt, tiếng léo xéo cũng chỉ che giấu sự hão huyền của kiếp sống thừa.
Mấy ngày nay, tôi không đọc sách nữa. Tôi bắt đầu vẽ. Bằng bút chì. Ở thư viện, hễ xếp sách xong là tôi đem đồ nghề chúi vào chỗ của riêng tôi. Tôi vẽ những hình khỏa thân, gầy ốm tong teo. Bà quản thủ thư viện lo lắng cho tôi. Bà không ưa những hình vẽ của tôi. Bà bảo, Kì quá. Thực ra, bà kinh hãi. Bà nghĩ, Đúng là hình vẽ của người điên. Một bức tôi vừa vẽ xong làm bà sợ nhất. Bức vẽ một đứa con gái gầy gò, tóc dài và xỉn. Đang cởi quần áo. Tất cả nhục cảm ở nơi miệng mở rộng, ở nơi hai con mắt mù lòa. Vây quanh là một đám đàn ông, nhưng chỉ thấy mặt mà thôi. Họ tránh nhìn con bé trần truồng. Người điên biết tình ái và nhục dục đưa đến những gì. Họ né xa. Bà quản thủ thư viện nhìn bức tranh, mép nhếch lên chán ghét. Tôi bảo bà tôi sẽ đặt tựa tranh là Vũ thoát y trong phòng số 6. Bà bật kêu, À ! Tchekov (2)… Nhưng cái mẹo văn hoá ấy không đủ làm bà hết lo âu.

(2) Phòng số 6, tựa đề một truyện dài (Palata nomer shest) của văn hào Nga Anton Tchekov (1860-1904). Truyện một bác sĩ, giám đốc một nhà thương điên, bàn cãi triết lí với một bệnh nhân, mà không hề ý thức các bệnh nhân của mình bị ngược đãi tàn tệ như thế nào.

Tôi không thể cho bà quản thủ hay chính tác giả lá thư với tuồng chữ cao sang kia đã gợi ý tôi vẽ bức tranh này. Hồi ức về con bé, tôi không có. Tôi bèn bịa ra. Nó hay mặc áo hồng không tay. Phần trên áo dán sát vào tấm thân gầy guộc. Phần dưới tỏa ra, với những nếp xếp nhỏ. Áo có một đặc điểm : phía trước điểm tô ren trắng như hai cánh màn cửa mở trên ngực; đầu những hàng ren ấy đính những viên ngọc trắng nhỏ. Mỗi khi nó cử động, xoay mình, mấy viên ngọc nhảy tưng tưng trên ngực nó, làm tôi không rời mắt được. Những lần về ở nhà nó, hầu như lúc nào tôi cũng thấy nó mặc áo ấy. Nó thích sán đến bên tôi, hỏi tôi chuyện này chuyện kia, ngồi vào lòng tôi. Mẹ nó cấm nó nói chuyện với tôi – mỗi khi phải đi đâu, mụ gọi con gái, ra lệnh không được đến gần người điên, vào một phòng khác đóng chặt cửa lại, tôi nghe tiếng mụ thì thào, dặn dò cảnh cáo, nhưng con bé không trả lời gì cả. Mẹ nó đi rồi, trong nhà yên lặng như tờ. Một lúc thật lâu, con bé ở yên chỗ mẹ nó dặn. Thế rồi tôi nghe tiếng cửa mở, những bước chân nhỏ tiến lại bên tôi. Tôi ngồi yên trên ghế. Nó lặng lẽ đến ngồi dưới chân tôi, đợi tôi cúi xuống, nhắc nó lên đặt ngồi vào lòng tôi. Nó ép mình vào tôi rồi ngủ thiếp đi ngay.
Những lần khác, nó kể tôi nghe chuyện một người mù sống với cháu gái trong toa một con tầu bỏ lăn lóc vì bị mìn.
Liên hệ giữa nó với tôi, tôi đã cắt đứt từ mười lăm năm qua. Tôi còn nhớ cái ngày, cái lúc liên hệ ấy đứt. Tôi nhớ rất rõ. Không có ai ngoài chúng tôi, ngồi trên cái ghế bành bao giờ tôi cũng chiếm giữ mỗi khi về nhà cha mẹ nó, hai tay tôi tì trên tay ghế. Nó ngồi trong lòng tôi, đối mặt với tôi. Nó mặc cái áo đính ngọc. Nó kể tôi nghe tiếp chuyện người mù với đứa cháu gái. Ngực nó phồng lên, tôi có cảm tưởng mấy đường chỉ sắp đứt cả. Mắt tôi không rời được những viên ngọc đung đưa đầu mấy hàng ren trắng. Tôi thò tay, chộp một viên — giật ra. Viên ngọc đứt khỏi hàng ren, rớt lăn xuống đất. Tôi chộp một viên khác, cũng đứt ngay ra và rơi xuống không một tiếng động. Tôi giật nốt những viên khác, chúng rơi xuống, lăn lông lốc trên sàn nhà lát gạch ô vuông hai màu đỏ và vàng, như những hòn bi con. Nó nhìn bàn tay tôi, không động đậy. Tôi cảm thấy trên đùi tôi mấy bắp thịt chân nó rắn lại; nó vẫn tiếp tục kể chuyện, giọng khô khan, có chút nào ngập ngừng. Nó nói như người khó thở. May thay mẹ nó về. Nghe tiếng mẹ, nó nhảy tót xuống, vội vã nhặt mấy viên ngọc, rồi chạy biến khỏi phòng. Khi đứng lên, tôi trông thấy một viên ngọc kẹt trong đường xoi chiếc ghế. Tôi nhặt lên và giữ lấy. Ít lâu sau chuyện ấy, vẫn là một bí mật giữa nó với tôi, gia đình đẩy tôi lên máy bay. Tôi rời Đất Nước để bị nhốt trong cái nhà thương điên vùng Corrèze này.
Tôi cố hình dung ra con bé, bây giờ, mười lăm năm sau. Tôi nhớ lại mẹ nó hồi hai mươi lăm tuổi : một người hiểu không nổi, ngu ngốc và thất thường; bí mật của cô ấy là cái tài chỉ ngước mắt nhìn là đủ quyến rũ bất cứ người đàn ông nào đi qua. Đấy là một con búp-bê giết người, với làn da mịn, cặp chân dài, bộ ngực rắn chắc, môi tô son đỏ tía, hai bàn chân thật đẹp – hai bàn chân thật xinh xắn, mĩ miều, vì cô ấy không bao giờ giẫm đất, mà chỉ đạp trên đầu thiên hạ. Với chồng cô thủ vai bà trưởng giả khuôn phép đay nghiến; ở khách sạn, bên các tình nhân, cô biến thành kĩ nữ say đắm thú gối chăn. Cô chỉ có tham vọng duy nhất : làm gái bao. Lấy phải ông chồng lương bổng chẳng ra gì, cô gỡ gạc bên mấy người tình. Cô là loại người hễ thấy một món quà nữ trang đắt giá thì nhục dục lại càng tăng gấp bội. Vào tuổi hai mươi lăm, mẹ con bé là một con mụ buớng bỉnh, điêu ngoa, vô cùng hợm hĩnh và dốt nát, vừa bộ tịch lại vừa mù chữ : cô biết nói nhiều thứ tiếng, nhưng chẳng đọc, chẳng viết bất cứ tiếng nào. Chút ít thanh lịch học được, cô để dành cho những khi ra ngoài. Bấy giờ cô tô son điểm phấn, thành người duyên dáng, con nhà nền nếp, ngồi bàn ăn đúng phép tắc, nói năng ngọt ngào, chớp chớp hai hàng mi, biết im lặng nghe và, thỉnh thoảng, buông tiếng thở dài khiến đôi vú rung lên dưới lớp áo lụa. Trở về nhà, cô lập tức lau mặt, bỏ quần áo, thôi lễ độ, hết nói năng ngọt ngào, khoác vào cái áo xa-tanh cũ màu vàng, cổ cáu ghét và tanh mùi mồ hôi, nằm vật xuống giường, bên một đĩa bánh kẹo, dành cho ông chồng cái cảnh tượng thô bỉ của mình. Vào tuổi hai mươi lăm, mẹ con bé ngọt lịm, mỡ màng, khêu gợi. Vào tuổi hai mươi lăm, mẹ con bé là mật ngọt, là mật đắng, là ma túy, là độc dược. Vào tuổi hai mươi lăm, mẹ con bé là đàn bà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.