VU KHỐNG
CHƯƠNG VI
Viên Tham vấn nói, Đây là một đề nghị trung thực của tôi. Tiếng reo một hồi chuông. Viên Tham vấn ngừng lời. Có người gọi ở một đường dây khác, ông nhắc ống nghe thứ hai, một phút trôi qua rồi lại có tiếng viên Tham vấn ở đầu dây. Chỉ một kì thôi, ông bảo. Toàn bộ sẽ đặt tựa là Cuộc Tình đời họ. Đó cũng sẽ là, viên Tham vấn còn nói, một cách rèn luyện bổ ích cho cô. Cô lạm dụng sự buồn khổ nhiều rồi. Dẹp những chuyện sâu kín của cô lại. Cô hãy tập viết về hoan lạc đi. Đừng tự vu khống mình nữa, đừng vu khống chúng tôi nữa. Cuối cùng viên Tham vấn bảo tôi phải viết gì đó về cha tôi, lấy tiền rồi về Nước. Tôi đáp, Dạ. Viên Tham vấn buột miệng, Của trời ơi đấy. Tôi đáp, Dạ. Viên Tham vấn khuyên tôi viết phác thảo, hai tờ thôi, và đến gặp ông tại văn phòng ông, văn phòng hãng sản xuất của ông. Tôi đáp, Dạ. Viên Tham vấn lập lại ba lần, Phải nhân dịp này về thăm Nước. Tôi đáp, Dạ. Tôi nghĩ đến tựa một cuốn phim, We can’t go home again. Câu nói của viên Tham vấn tự nhiên đổi khác.
Tôi nghe ra, You can’t go home again(3). Viên Tham vấn đã gác máy rồi.
(3) Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa: “Chúng ta không trở về được nữa” và “Ngươi không trở về được nữa”.
Buổi chiều, tôi ngồi vào bàn, viết hai tờ. Lúc Ricin gõ cửa phòng tôi, tôi nhét bản thảo vào túi áo khoác trước khi đi với anh. Chúng tôi đi về hướng điện Invalides(4), trùm áo kín mít. Đoạn đầu một ca khúc lảng vảng trong trí tôi
(4) Điện Invalides lập ra năm 1604 để cưu mang các chiến binh tàn phế (Invalides: người tàn phế), sau này là nơi để mộ hoàng đế Napoléon và nhiều danh tướng Pháp. Điện có những công trình mĩ thuật lớn lao, và hiện nay cũng là trụ sở hai viện bảo tàng. Ở đây nên chú ý ý niệm tàn phế.
Tôi là kẻ lạ nơi này,
Tôi là kẻ lạ mọi nơi
Tất tôi sẽ trở về, thế nhưng
Tôi là kẻ lạ nơi ấy.
Tôi đưa Ricin bản thảo viết hồi chiều. Có lẽ tôi nên giao cho viên Tham vấn để hưởng của trời ơi và về Nước. Ricin không chịu đọc hai tờ giấy, Em đem cha em làm quảng cáo cho em, cứ như một bà sơ lúc nào cũng thủ sẵn trong áo ảnh một đứa bé mồ côi để phô ra mỗi khi bị người ta nghi ngờ giả dối. Em đáng bị bắt phải sống năm mươi ngày hai bàn tay trói lại, như các họa sĩ ngày xưa ở Nhật, cho bỏ cái tật cứ để tâm trí nơi này nơi kia. Em tìm cho mình một người cha, em tìm cho mình một tình thương, em tìm cho mình đủ thứ lí do để tránh né công việc của em. Em viết như một tên yếu hèn uống cho say. Tỉnh rồi, y thọc hai ngón tay vào họng, mửa hết ra những gì là tinh anh của y và trở lại với cuộc sống đời thường. Những gì em muốn làm chỉ đòi hỏi em có một điều : kiên trì mà thôi. Nắm chặt cứng, nhất thiết không buông.
Ricin lại bảo, Đừng trông chờ gì ở người khác. Họ chỉ muốn em đổ hết ruột gan, tống tháo mũi dãi, cứt đái. Chừng nào em chỉ còn trơ xương, một bộ xương đã lau rửa kỹ càng, bấy giờ họ sẽ dung nạp em. Họ sẽ tọng cho em thực phẩm của họ, sẽ biến em thành con ngỗng nhồi những xuẩn ngốc của họ, và bấy giờ họ sẽ ngó em bằng đôi mắt cha hiền và nghĩ rằng em đã đạt tới đỉnh cao của em. Bất cứ nơi nào em hãy cứ vào như chó đái chậu cảnh. Cứ một mình mình. Cứ là dân Chà Chệt. Chăm bón bờ rìa. Cầy sới biên cương. Gìn giữ mãi trong em cái bất ưng, cái lạ lẫm, cái không khoan nhượng.
Tôi nào có muốn gì hơn là thủ vai con chó ghẻ. Than ôi, hai linh hồn chia sẻ lòng tôi(5). Tôi sống dưới sự canh chừng của một người anh già đời với cái nhìn sắc bén, không tha thứ mọi hèn yếu, mọi thỏa hiệp, làm hết những gì làm được nhưng chẳng chút thỏa mãn. Phiền nỗi, không phải chỉ có người anh già đời khổ hạnh ấy, nhưng còn có tôi. Có con rối thèm ước danh vọng, mảnh giẻ rách lại muốn thành con chim sặc sỡ rỉa lông trước đám công chúng đông đảo. Lúc này, người anh già đời xỏ mũi tôi, nhưng tôi sẽ phải coi chừng, con búp-bê hợm hĩnh vẫn muốn thoát ra, cao giọng và diễn trò khi không có mặt nguời anh già đời nhàm chán kia.
(5) Thơ của văn hào Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), trong kịch Faust: “Zwei Seelen whonen, ach! in meiner Brust”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.