VU KHỐNG

CHƯƠNG VIII



Ricin không thôi lập lại, Phá tham vọng của viên Tham vấn đi. Đừng nghe lời y mà viết một kì cho bộ Cuộc Tình đời họ. Đừng đem bí mật gia đình viết thành truyện đăng từng kì. Viên Tham vấn muốn em thành kẻ y bảo hộ – nhà văn gốc gác những xứ thuộc địa cũ, con chim non đói khát, người nữ yếu ớt do y đỡ đầu. Em chớ quên bọn hãnh tiến rất sính đỡ đầu. Khắp thế giới này, xứ nào cũng có những tên hãnh tiến ghi danh tính, địa chỉ, số tài khoản trên một mảnh giấy chúng xé ra theo đường chấm chấm, chúng tự phong là người giám hộ, người đỡ đầu, và, do mỗi tháng bỏ ra một món tiền không nghĩa lí gì, chỉ bằng tiền nuôi chó, chúng cho mình có quyền đòi hỏi một trẻ mồ côi những nước nghèo hay một bà góa dân một thành phố nhiệt đới mang cái tên đọc không ra, phải hàng tháng viết thư cho chúng, phải mang ơn chúng suốt đời. Cái bọn cha mẹ đỡ đầu do các tổ chức từ thiện tìm ra chỉ gồm những tên hãnh tiến tự cho phép mình, thay vì mua một chai rượu ngon, làm đảo lộn số phận một chú bé da đen từ nhà thổ thoát ra, hay một kẻ moi thùng rác bị mấy cha cố lường gạt. Bọn cha mẹ đỡ đầu ấy, không bao giờ ta biết được động cơ nào khiến chúng hành động như thế. Vì nỗi khốn khổ của đồng loại gây ác mộng cho chúng ư ? Phải chăng để xua đuổi hình ảnh hàng triệu kẻ đói rách không nhà không cửa, nếu không được cứu trợ tại chỗ, sẽ tràn sang đất nước các cha mẹ đỡ đầu ? Hay chỉ vì đỡ đầu là dấu hiệu chúng đã đạt tới bậc thang phải lo nghĩ đến cuộc sống nội tâm, đến phát triển tâm linh, phải làm bộ chìa tay cứu vớt kẻ thấp kém hơn ? Sẽ chẳng còn bao nhiêu cha mẹ đỡ đầu giả hiệu nếu không có bọn siêu sao của các khu ổ chuột xúi giục phát chẩn bừa bãi. Cái bọn múa rối này phải đem xử bắn mới phải. Chúng tự nhận là đặc phái viên của khổ đau khắp địa cầu. Chúng khoác vào bộ áo chiến sĩ và đi nếm mùi khốn cùng xứ lạ. Đến nơi, chúng yêu cầu người này kể lại kinh nghiệm bố thí, người kia tả tỉ mỉ một ngày ở bãi rác công cộng. Trở về, chúng xuất bản một cuốn sách, dày cộp, chúng lúc lắc mớ tóc trắng bù xù trước ống kính truyền hình mà bảo, là chứng tích vừa cho trí dũng của những nguời từ tâm vô danh, vừa cho nỗi khốn quẫn của triệu triệu người đói rách.
Bọn siêu sao các khu ổ chuột còn mau mắn tuyên bố sẽ tặng một phần tiền bản quyền cho tổ chức từ thiện nào chiều chuộng chúng và đưa tên chúng vào danh sách các sáng lập viên. Bao nhiêu năm qua, hàng chục năm qua, bọn siêu sao các khu ổ chuột nào có quan tâm nào khác là quản lí những lợi lộc của chuyến đi không bao giờ chúng quên gọi là kinh dị. Hễ có động đất, bão lụt, đảo chính tại cái xứ hàng triệu người đói rách đó, bọn siêu sao các khu ổ chuột tức thì lại xuất hiện, chúng được giao nhiệm vụ tính toán số người chết và nhắc nhở rằng, dù bao tai họa, dân chúng xứ ấy vẫn đông vô kể.
Ricin trút hết cơn cuồng nộ của anh, bởi anh sợ phải đụng đến cốt lõi, đến cái cục đổ độc dược trong bụng anh và khiến mỗi lời anh nói đều nhuốm mùi chua chát. Tôi bảo Ricin, Anh phải lau vết thương của anh, rũ bỏ ám ảnh của anh. Anh sống bằng phỉnh gạt. Anh đóng vai nguời cầm cân nảy mực, anh lên án, anh buộc tội, anh cho mình bị xúc phạm, bị lăng nhục, vì có ngày người ta đã nhổ vào mặt bà anh (Ricin lầm bầm, Người ta đã không nhổ vào mặt bà nếu con mụ kí giả Paris kia không đem mồi danh vọng dụ dỗ bà để rồi bỏ mặc bà một mình khi tai tiếng xảy ra.) Bà anh dư biết những gì có thể xảy ra. Lẽ ra bà phải trả lời bằng sự khinh bỉ những kẻ nhổ vào mặt bà. Bà chết vì, đáng lẽ nhổ lại vào mặt họ, đáng lẽ mua một khẩu súng bắn tưới vào họ, bà lại rụt cổ, gầm đầu đi dưới những bãi nước miếng, để những lời lăng mạ vùi chôn bà.
Với Ricin, chuyện đó không còn hồ nghi gì nữa : bà anh là nạn nhân sự khôn khéo của cô kí giả Paris. Bà anh đã tin lời cô kí giả Paris phải đưa sự thực ra ánh sáng. Từ đó, Ricin nuôi mối thù dai dẳng các kí giả Paris, đến đỗi chính anh cũng trở thành một kí giả Paris, phần để tự trừng trị mình và vì tự chán ghét mình, phần vì nhu nhược và vì tự biết mình không làm gì khác được.
Cô kí giả Paris không thôi đến gặp bà anh hàng ngày, tuần này qua tuần khác, cô thuyết phục bà kể chuyện đời bà, cô khiến bà tin chứng từ của bà có giá trị lớn. Cô lừa bà, đánh bẫy bà. Tôi bảo Ricin, Anh tự dối mình. Anh thừa biết bà anh nhận lời khi cô kí giả Paris úp mở rằng bà sẽ kiếm được vô khối tiền. Anh thừa biết bà anh làm thế vì hợm hĩnh, tham lam. Anh muốn tin bà là nạn nhân. Em cho là bà không chết vì nhục nhã, nhưng vì tức tối, chính cơn uất giận bị cô kí giả Paris lừa dối đã giết chết bà. Mà những điều đó anh đã đoán được cả, bởi chính anh buộc bà ra khỏi nhà, chịu đựng cái nhìn của người khác, để cho người ta nhổ vào mặt. Anh đã linh cảm hết, anh đã muốn trừng phạt cái tính hợm hĩnh của bà. Chính từ thời gian đó mà anh nhất quyết muốn làm người cầm cân nảy mực.
Cô kí giả Paris tinh ma lắm. Bà anh tưởng đấy là dịp được nổi tiếng một thời, bà dư biết nổi tiếng đi liền với tai tiếng. Bà tưởng danh vọng ấy sẽ cho bà rời khỏi cái chốn khỉ ho cò gáy kia, sẽ khiến bà thành nạn nhân cả Paris phải nói tới, nhưng bà đã tính lầm. Cô kí giả Paris lừa nạn nhân của mình, cô lãnh hết tiền, nổi danh biết moi móc những chuyện tai tiếng lăng nhăng, và gửi hoa tặng bà anh, để cảm ơn người kịch sĩ đã đóng trò quá hay. Bà anh không phải là nạn nhân. Bà bại trận mà thôi.
Ricin bảo là tôi dùng búa chém vào cơ đồ tâm thần anh. Tôi phá thật, nhưng bằng giọng nói dịu dàng và tay đặt lên vai anh. Em chỉ là đứa giết người mà vẫn kiểu cách. Anh rảo bước bỏ đi mất hút, để mặc tôi một mình, lúc một giờ sáng, phố Juges Consuls(6).

(6) Tên một đường phố ở Paris. Juges Consuls, tiếng Pháp cổ, chỉ các quan tòa chọn trong số các thương gia. Tòa án các Juges Consuls, tiền thân của các tòa án thương mại về sau, tọa lạc tại phố này từ năm 1570 đến năm 1825. Ở đây nên chú ý ý niệm quan tòa.

Ricin chạy trốn để cứu vãn chuyện của anh. Chuyện một bà góa già sống ở một thành phố tỉnh nhỏ. Cháu bà thỉnh thoảng về thăm bà, đưa bà đi dạo chơi. Một cô kí giả Paris đến thành phố nghỉ hè, gặp cô bà góa già không bỏ lỡ dịp than thân trách phận : bà chưa bao giờ ra khỏi thành phố này, tự bao giờ vẫn đau khổ phải sống ở nơi khỉ ho cò gáy này, chưa bao giờ hết chán ghét những người dân ở đây, đời này qua đời khác. Cô kí giả trở về Paris. Vài tháng sau cô trở lại, cô đề nghị bà già kể cho độc giả của cô mọi chi tiết đời bà bà chưa từng nói ra, cô yêu cầu bà nói hết những xấu xa bà nghĩ về thành phố của bà, thành phố bà chưa bao giờ lìa bỏ. Bà già cho là số mệnh bà sắp đổi thay, danh vọng sắp cho bà thay đổi không khí. Suốt hai tuần lễ, bà thổ lộ tâm tình với cô kí giả Paris. Bà nói về thời son trẻ của bà, từng ước vọng trở thành kịch sĩ, về cái thành phố tù túng ngột ngạt. Bà kể đã bị cha đẻ hãm hiếp khi mới mười ba tuổi, sau đó bị cha ép lấy chồng và vẫn phải cùng chồng con sống kế bên nhà ông. Cô kí giả trở về Paris, viết thành truyện những tâm tình của bà góa, thêm thắt những suy tư về thân phận người phụ nữ vào cuối thế kỉ trước và về lòng dạ hẹp hòi của dân tỉnh nhỏ. Cô kí giả nổi tiếng một thời gian, ai ai cũng nhắc đến; bà góa già cũng thế, nhưng chỉ với người dân thành phố của bà mà thôi. Bà thôi bước ra khỏi nhà, sợ bị báo thù, theo lời bà viết cho cháu bà. Ricin khi đó mười lăm tuổi. Anh tức thì đến nhà bà, thấy bà nằm bệt trên giường trong căn phòng mọi cửa sổ đóng kín mít. Anh mở hết cửa, bắt bà anh thay đồ, chải tóc, ra ngoài đương đầu với thành phố. Mỗi ngày, cứ năm giờ chiều, bà góa già tựa tay cháu đi qua thành phố giữa những lời lăng nhục, giễu cợt của thiên hạ. Bao nhiêu năm sau khi bà đã qua đời, Ricin vẫn còn nằm mơ thấy bà, đầu trùm khăn, bước đi bên một gã thiếu niên. Những cuộc đi dạo sám hối ấy Ricin gọi là lễ những bãi đờm. Được hai tuần người cháu phải đi, bà góa lại giam mình trong nhà. Sáu tháng sau, bà gọi điện thoại cho cháu, nói bà sắp chết rồi gác máy.
Từ đó Ricin tin chắc như đinh đóng cột là chính Paris, chính các kí giả, chính những người đàn bà trẻ đẹp hám danh đã giết bà anh. Không những giết, mà còn bêu xấu bà trước mắt mọi người. Anh nghĩ, Họ đã thúc đẩy bà nói ra bà đã là gái điếm của ông bố, là nô lệ của ông chồng; mượn cớ phục vụ sự thực, họ đã xô bà vào bùn nhơ, họ đã thuyết phục bà tự lăn vào bùn nhơ. Hết là nạn nhân của cha, chồng, của lòng dạ hẹp hòi tỉnh nhỏ, bà tôi, Ricin bảo, lại là nạn nhân của những kẻ phù phiếm, những kẻ chăm chăm đi tìm một nạn nhân để họ bênh vực, họ chưng ra giữa phiên chợ những bất công, họ lập tỉ mỉ danh mục những đối xử tàn tệ trước đám khán giả đao phủ bất mãn. Thị hiếu giờ vẫn là những nạn nhân đầy thương tích, bị săn đuổi, nhưng dù thế nào cũng vẫn sống còn. Chúng ta chỉ muốn kiểm chứng con người là một con vật có lớp da dày. Chúng ta muốn thấy một người đề kháng với hết mọi sự. Phải là một nạn nhân vật lộn, bám trụ, vượt lên nỗi nhục nhã của mình. Nạn nhân mà chỉ là nạn nhân thì chẳng ai lưu tâm. Bởi thị hiếu đổi thay và cũng phải có thay đổi trong việc lựa chọn các nạn nhân. Có những nạn nhân không chết vì những đối xử tàn tệ của bọn đao phủ, nhưng chết vì bị chú ý, bị chưng ra giữa phiên chợ các bất công để rồi sau đó bị phế thải khi trò chơi không còn ai ưa và đám đông đòi tiết mục khác. Em phải hiểu điều đó hơn ai hết. Hãy nhớ lại khi dân em bắt đầu bỏ Nước trốn đi. Hàng trăm người chen chúc trên những con thuyền mong manh tưởng như những hộp diêm khổng lồ. Họ đã vượt biển trên những con thuyền như thế. Người ở đây xoa tay. Dưới mắt họ, đó là những nạn nhân lí tưởng, và họ đặt cho những người ấy cái danh hiệu chiến sĩ của tự do. Bọn người phù phiếm đó thiếu điều xô lấn nhau xuống du thuyền của họ đi đón vớt các nạn nhân. Họ cũng đã chen chúc trên những con tàu đầy ắp máy quay phim với máy ảnh, tranh nhau chụp hình đám nạn nhân với đôi mắt quá đỗi hiền, quá đỗi buồn. Thế rồi thị hiếu đổi thay. Có những kẻ phù phiếm khác moi ra những nạn nhân mới. Mà họ, họ lại vướng với cái đám diễn viên quần chúng trong bộ phim vĩ đại quay giữa biển khơi. Cuộc phiêu lưu đã đem lại cho họ đủ hết rồi. Đến lúc phải chấm dứt mọi tốn phí. Nhưng giải quyết sao với đám diễn viên quần chúng kia ? Thôi thì cho vào một bộ phim vĩ đại khác, không phải quay ngoài biển khơi nữa, mà trong những trại quây dây kẽm gai nhìn ra biển. Chẳng ai xúc động vì những trại tập trung đó, cũng như chẳng ai xúc động vì bộ phim vĩ đại mang tựa Những Kẻ Không Đâu Dung Nạp và khai thác chủ đề sự cưỡng bách hồi hương đám diễn viên quần chúng bị bỏ rơi sau khi các vai chính đã khăn gói ra về cả. Lâu lâu một vài cảnh quay thử được gửi về, người ta thấy đám diễn viên quần chúng, trước kia được gọi là chiến sĩ của tự do, diễn hành với biểu ngữ Freedom or Death(7), người ta hiểu ra có những danh sách các diễn viên quần chúng phải cưỡng bách hồi hương, người ta được biết vài diễn viên quần chúng tự vẫn khi có tên trong chuyến tàu sắp tới. Thị hiếu thay đổi rồi, bọn người phù phiếm đâu có làm gì khác được. Tình cảm của họ, họ bảo thế, tuân theo thời sự. Ngày ngày nháo nhác chạy theo thời sự, họ không thế nào trở lui và để mình dằn vặt với những xúc cảm đã lỗi thời

(7) Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa: “Tự Do hay là Chết.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.