VU KHỐNG

CHƯƠNG XXII



Văn phòng viên Tham vấn như có phục kích. Tôi vào căn phòng ấy, bốn bức tường trần trụi, đồ đạc lủng củng, như một phái viên vào dự một hội nghị hòa bình thế nào cũng sẽ thất bại. Viên Tham vấn tiếp khách ngồi trên một cái ghế bành, sau một cái bàn lớn ngổn ngang hồ sơ. Thực ra, viên Tham vấn không tiếp khách, ông đương đầu với người chứng kiến sự xấu xí của ông, ông chuẩn bị nhổ vào cái gương phản chiếu hình ảnh ông. Sự xấu xí của viên Tham vấn không có gì là kinh khủng, chẳng có gì do dị tướng. Nó tẻ nhạt, chẳng gợi lên gì, nhìn thấy khó chịu thế thôi. Cứ như bà mụ đã đùa mà chọn trong kho những gì là vô duyên nhất, khó thương nhất làm quà cho bộ mặt viên Tham vấn : một lớp da xám, dày, một cục thịt gọt sơ sài thành cái mũi đặt vào giữa mặt, hai lát thịt hình mỏ chim, hai con mắt ti hí sau hàng mi, hai má nặng, xệ xuống, khiến viên Tham vấn có vẻ cùng họ với loài chó bun, có vẻ là mẫu đẹp nhất của giống chó cấm cảu này.
Viên Tham vấn tưởng che giấu được sự xấu xí của mình bằng thái độ hung hăng ngạo mạn. Lúc nào cũng nói, Ưng hay không, có thế thôi. Không hiểu tối hậu thư ấy là về diện mạo khó coi của viên Tham vấn hay về công việc đang thương thảo. Viên Tham vấn nói dấm dẳn, thở gấp rút, quyết định trong chớp nhoáng. Tâm trí thường trực cảnh giác của ông luôn luôn rình chộp những gì phải nghĩ, phải đọc, nói, viết, làm, quảng cáo. Ông không có ý kiến riêng. Tùy người đối thoại là ai, ông tự bào chữa một cách khinh bạc (có ý kiến riêng chỉ tổ gây bực mình, mất ngủ; tôi rất ghét định kiến, tôi chỉ thích nhanh trí – tôi nhanh như thiện thành ác) hoặc bằng cách giả bộ nhún nhường (bấy giờ ông tự so sánh mình với một phòng cộng hưởng, với cái phễu Nüremberg(20) xưa kia dùng để rót kiến thức vào họng trẻ con : viên Tham vấn tham vọng trở thành cái phễu đón nhận hết mọi ý kiến phất phơ đem nhồi nhét cho công chúng). Ông nói cá nhân ông không quan trọng, những gì ông nghĩ chẳng ăn thua gì. Ông đuổi theo ý nghĩ, ham muốn của nguời khác. Người khác là ai ? Ông Tham vấn không biết, nhưng chức năng của ông là nghĩ như nguời khác. Với bất cứ đề tài nào, ông cũng có thể có hai luận điệu.

(20) Georg Philipp Harsdörfer, thi sĩ Đức (1607-1658), người sáng lập tại thành phố Nüremberg một hội thơ, là tác giả một tập sách lí thuyết về thơ, mang tựa đề châm biếm Poetischer Trichter, die Teutsche Dicht und Reimkunst, ohne Behuf der Lateinischen Sprache, in sechs Stunden einzugiesen (Một cái Phễu thơ để truyền nghệ thuật thơ và vần của Đức, không nhờ đến tiếng La-tinh, trong sáu giờ). Sau này hình ảnh đó trở thành ngạn ngữ trong tiếng Đức: kẻ ngu dốt thì lấy phễu rót khôn vào đầu nó.

Tôi từng nghe ông nói, Làm gì có tình yêu, chỉ là lòng thuơng hại cái con vật, như mình, lang thang ngoài phố với ám ảnh Miễn sao mình không một mình chiều nay. Nhưng hễ nhớ ra chức năng của mình là viên Tham vấn bỏ hết khinh bạc, tuôn ra những sáo ngữ bằng một giọng chính xác và kiểu cách. Cho người đối thoại nghe chán chê rồi bài diễn văn dài (kết thúc bằng câu thật kêu, Tôi không đòi cô bán linh hồn cho tôi, tôi yêu cầu cô cho tôi một sản phẩm), ông lại thu mình vào vỏ. Ông nâng đôi mắt kính tròn nhỏ trên mũi, nhăn mặt rùn vai. Ông cho mình đã thắng trận. Ông đứng lên, tin chắc chiến thắng của mình. Ông không biết ngay lúc ông tưởng đắc thắng, thân xác ông phản bội ông – cứ như ông đã khoác chiến lược của ông trên mặt và bỏ mặc phần còn lại. Mặt ông là mặt chiến lược gia, nhưng thân xác là thân xác kẻ chiến bại. Khi ông rời khỏi ghế, tức thì hiện ra một thân xác mềm nhão, với cái bụng tròn quay, và những động tác uể oải đối lập với vẻ mặt cứng rắn. Viên Tham vấn đã luyện vẻ mặt ấy để hàm như hàm chim ưng, để mắt như hai con dao sắc, nhưng thắng cuộc rồi, khi không ai chứng kiến, ông trốn về với thân xác mềm, nóng của mình. Ricin bảo tôi, Lúc đối diện với viên Tham vấn, em đừng nhìn thân xác hắn, bởi rút cục hắn sẽ khiến em thương cảm. Cứ nhìn mặt hắn thôi. Em sẽ đọc thấy trên mặt hắn mong muốn duy nhất của hắn : chiến tranh. Chiến tranh cho hắn quên sự xấu xí của mình.
Trong chiến tranh, không có đàn ông, đàn bà, những cơ hội không đồng đều; trong chiến tranh chỉ có hai kẻ thù với một tấn thuốc nổ. Viên Tham vấn đem thông minh và khinh miệt bắn em lia lịa. Thông minh thiếu tự tin, khinh miệt để ngừa trước chính mình bị khinh miệt. Em phải, Ricin bảo, hất a-xít vào mặt hắn, xỉ vả hắn như tát nước. Hắn không muốn em thương hại đâu. Hắn muốn là đối thủ của em.
Trong văn phòng viên Tham vấn, bên phải cửa vào, có gắn một cái kệ chiếm hết chiều dài bức tường. Ông bày ở đó bộ sưu tập những bàn tay của ông. Viên Tham vấn sưu tập bàn tay từ nhiều năm nay. Đam mê ấy hẳn bắt đầu ngày ông nhận ra một điều kì dị ở thể chất ông : viên Tham vấn có hai bàn tay trắng trẻo rất đẹp, với những ngón thon dài. Bà mụ đã chơi khăm cho ông hai bàn tay một chủng sinh. Tôi, tôi có cảm tưởng hai bàn tay viên Tham vấn không sống. Nhìn chúng, tôi tưởng tượng ông đã tự chặt hai bàn tay rồi cho ghép vào những bàn tay đúc trong bộ sưu tập. Tôi tưởng tượng viên Tham vấn đổi tay như người ta thay găng; mỗi sáng, tùy phải tiếp ai, ông ghép vào cổ tay những bàn tay đúc bằng thạch cao hoặc bằng đồng. Ông mang hai bàn tay trắng để tiếp tôi. Khi ông chắp tay trước miệng, tôi nghĩ đến những con bướm vừa bị chó ngao ngoạm mất cánh. Viên Tham vấn thích khoe với tôi bộ sưu tập của ông, những bàn tay đủ mọi kích thước, bằng đủ mọi chất liệu, những bàn tay đàn bà tuyệt vời xinh xắn đúc bằng đồng, những bàn tay bé nhỏ bằng cẩm thạch hồng, những bàn tay gân guốc, những bàn tay kẻ siết cổ người bằng thép, rồi còn những bàn tay bằng gỗ với những lóng, nối bằng chỉ, có thể tách rời nhau.
Phía trên bộ sưu tập, viên Tham vấn treo tờ quảng cáo một nhãn hiệu nước hoa, in hình một cô người mẫu tóc vàng, mặc áo màu lục đậm – trong ảnh không thấy tay cô, chỉ thấy hai con mắt xanh tươi cười và miệng với đôi môi đỏ thắm. Trông bức ảnh như lời kêu gọi ứng tuyển cho phụ nữ bước vào văn phòng này. Viên Tham vấn có nhược điểm phô bày những ý thích của mình, nhưng không dám lố bịch tìm cách chinh phục những mơ mộng của mình. Ông sợ bị nhục nhã. Ông ghê phải thất bại. Ông bằng lòng với gì có trong tay. Gì có trong tay ấy tên là cô Monnier. Viên Tham vấn đã nảy ra sáng kiến ngày cô Monnier đến xin chức phụ tá ông đang cần. Sáng hôm ấy, khi bước vào văn phòng công ti sản xuất của ông, viên Tham vấn trông thấy một bóng người, nhìn sau lưng, khiến ông nhớ đến cô người mẫu trong tờ quảng cáo. Ông chưa bao giờ gặp cô người mẫu ngoại trừ trong bức ảnh dung nhan ấy, nhưng ông nghĩ quyết rằng, nhìn sau lưng, hai người giống nhau như lột. Người đàn bà trẻ vừa mất hút sau góc hành lang không cao lắm; cô không mang áo màu lục, nhưng mặc một cái váy rộng màu đen và một áo vét cắt vụng. Duy mái tóc màu hạt dẻ gợi nhớ mái tóc vàng của cô người mẫu.
Và thế là cô Monnier vào làm việc cho viên Tham vấn. Ông thích nhìn cô sau lưng; nhìn trước mặt, ông tự bảo đôi mắt xanh của cô Monnier giống hai hòn bi dính cát nhiều quá, mũi cô hơi thô, son hồng cô tô môi quá nhạt. Viên Tham vấn tự hứa sẽ điều chỉnh, hoá trang, ngụy trang thực tế. Cô Monnier đóng vai người đẹp say ngủ, người mòn mỏi mong chờ một cứu tinh, một người đàn ông có hai bàn tay trắng đẹp sẽ tái tạo mình(21). Viên Tham vấn, yên trí cô là kẻ ngốc nghếch, cảm thấy mình nhận lãnh cả một sứ mệnh : điểm tô cái món đồ chơi ngoan ngoãn chực trước cửa văn phòng ông, ghi dấu ấn của ông vào cô, in vào da cô nhãn hiệu chế tạo.

(21) La Belle au bois dormant (Người đẹp ngủ trong rừng), truyện của Charles Perrault (xem chú thích số 15): một nàng công chúa bị một bà tiên làm phép ngủ 100 năm, chỉ được giải thoát khi hoàng tử tìm đến, đặt lên môi cái hôn.

Một buổi sáng, tôi đang ngồi trong văn phòng viên Tham vấn thì cô Monnier bước vào. Cô mặc bộ áo màu lục đậm. Tóc cô, nhuộm vàng, đã cắt ngắn. Cô lại gần, đặt một hồ sơ trước mặt viên Tham vấn, miệng nở một nụ cười tô son đỏ thắm. Mắt tôi nhìn thấy cô Monnier đằng trước, ảnh cô người mẫu đằng sau. Viên Tham vấn tỏ ra là tay đạo văn đáng nể. Mắt ông nhìn cô Monnier lộ rõ sự thỏa mãn của Đấng Tạo Hoá, vào ngày thứ bảy, ngắm nghía tác phẩm của mình và cho là được lắm(22). Thái độ ông lẫn lộn một nỗi vui sướng lại càng rạt rào vì đã vượt thắng hết mọi trở ngại, và niềm ân hận nhận ra rằng cái gì cũng mua rẻ được, kể cả những giấc mơ. Ông cảm thấy hàm ân người đàn bà trẻ đóng vai các Cô Thế Phẩm một cách hết sức chân chất, khinh miệt cô đã để mình cho người ta nhồi nắn như thế, kiêu hãnh vô bờ đã thành công hoá trang thực tế, chút nào đắng cay đã chỉ có được một thế phẩm cho các giấc mơ, và bắt đầu hổ thẹn đã tiến hành một cuộc đổi chác tội nghiệp làm trò cười cho trí thông minh của ông. Cả tôi, hôm ấy, tôi cũng cho cô Monnier là kẻ ngốc nghếch, một người đàn bà người ta yêu cầu đóng vai làm cảnh, chỉ việc nói mỗi một câu, Ông muốn nhồi nắn tôi thế nào tùy ý.

(22) Kinh Cựu Ước của đạo Do Thái nói rằng Thượng Đế tạo ra muôn loài trong sáu ngày, đến ngày thứ bảy thì nghỉ ngơi. Câu “…cho là được lắm” là dịch nguyên văn trong Cựu Ước.

Vài tháng sau lần hoá thân ấy của cô Monnier, tôi gặp cô trên phố Franois-Ier(23), cặp tay một thanh niên vạm vỡ. Một lọn tóc vàng chắn ngang trán cô, chiếc áo cổ rộng để lộ một sợi dây chuyền vàng. Cô Monnier mặc áo màu lục.

(23) François Đệ Nhất, vua nước Pháp, trị vì từ năm 1515 đến năm 1547, đã đưa tiếng Pháp thay thế tiếng La-tinh trong các văn bản hành chánh, pháp lí.

Cô cười với tôi không thôi.
Sau lần gặp gỡ ấy, mỗi lần tôi từ văn phòng viên Tham vấn bước ra, cô Monnier lại giữ tôi lại bên bàn giấy cô, mời tôi cà-phê, trình bày với tôi quan niệm về tình ái của cô, mách tôi những cách làm sao được lợi nhất. Cô là một chiến lược gia nấp sau nụ cười kẻ ngốc nghếch. Cô để kệ viên Tham vấn thỏa thích chơi trò búp-bê với cô. Cô biết đổi lại cô được hưởng những gì; cô học ăn mặc, trang điểm, đi đứng, nói năng. Viên Tham vấn đòi cô đổi son tô môi, thử nước hoa này nước hoa kia, mua giày này giày kia. Chơi trò búp-bê là đủ cho ông rồi, chưa bao giờ ông cởi quần áo cô, chưa bao giờ làm bù đầu cô, chưa bao giờ mó máy cô. Viên Tham vấn không hề đem cô về nhà ông; thỉnh thoảng, buổi chiều, ông đưa cô về nhưng không vào nhà cô. Cô Monnier không hiểu sự tế nhị của viên Tham vấn có che đậy sự đồi bại nào không, nhưng cô không phải là người tính hay trăn trở, cô chẳng buồn thắc mắc vì sao ông xử sự như vậy.
Màu lục đem may mắn cho cô Monnier. Từ khi cô vận y phục màu hộ mệnh ấy, đàn ông khao khát theo đuổi cô. Cô Monnier không muốn phá hư công trình của viên Tham vấn. Cho nên, cô ra giá(24) những buổi hẹn hò. Càng ngày cô càng nổi tiếng với một nhóm người sành sỏi, nhưng, theo lời cô, cô chọn lựa rất kĩ lưỡng.

(24) Tên Monnier gần đồng âm với động từ monnayer, ra giá, đòi trả giá.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.