VU KHỐNG

CHƯƠNG XXIX



Nếu tôi muốn tìm lại thanh thản, tôi phải xua đuổi khỏi đầu óc tôi tác giả bức thư mực màu xanh đen kia, vất bỏ cuốn tập màu xám, gửi thư trả lời. Con béđòi tôi nhớ lại, đòi tôi minh chứng cho nó kẻ nước ngoài ghé qua đích thực (chữ nó dùng) yêu mẹ nó và tình ấy tất trường tồn (vẫn chữ của nó). Vậy thì tôi sẽ cho nó hay người cha ấy, người nó đặt hết hi vọng ấy, đã yêu với một tình yêu phù du. Vậy thì tôi sẽ cho nó hay người sành điệu chỉ tỏ tình buổi chiều mà thôi.
Trong căn phòng khách sạn trưng dụng ấy, có rượu sâm-banh với nho trên bàn, có máy hát và những đĩa hát thịnh hành bên cửa sổ, có những chiếc dép đỏ dưới chân giường. Khi chỉ một mình trong căn phòng khách sạn, người sành điệu xếp dép vào tủ, bỏ những đĩa hát thịnh hành vào bao, mở cửa sổ xua tan hơi hướm đàn bà, và ngồi vào ghế vừa đọc sách vừa nghe một bản xô-nát của Chopin. Người sành điệu đến đâu cũng mang theo đĩa nhạc Chopin và Schubert, nhưng chẳng bao giờ chàng có ý nghĩ giới thiệu với người tình những người bạn trong cô đơn của chàng. Khi đi khỏi Đất Nước, người sành điệu mang theo các đĩa nhạc Chopin và Schubert. Cho người tình, chàng để lại cái máy hát, những đĩa hát thịnh hành và đôi dép đỏ. Máy hát được đem về nhà, đặt bên cửa sổ phòng ngủ hai vợ chồng. Cái máy cũ mòn theo năm tháng, nó khục khặc những điệu hát một thời thịnh hành như một người tình về già, thở khó khăn nhưng vẫn cố chu toàn nhiệm vụ.
Người sành điệu mất dấu rồi, người tình của chàng về nhà, đặt máy hát bên cửa sổ phòng ngủ hai vợ chồng, để đôi dép đỏ dưới chân giường. Nàng đi nằm. Nàng nằm lì hàng ngày liền, hàng tháng liền. Bên cửa sổ, cái máy phát ra những điệu hát thịnh hành, ngợi ca cuộc tình ngắn ngủi. Nàng nằm lì, nàng ngắm đôi dép đỏ dưới chân giường. Bụng nàng ngày một tròn, đầu nàng ngày một rối. Nàng lẩm nhẩm hát những ca khúc cũ mèm để nhớ, nhưng nào nàng nhớ được gì : người ta đã trưng dụng tình cảm nàng, chiếm đóng đời nàng. Rồi bất chợt lãnh thổ bị bỏ rơi, chỉ còn lại cho nàng mấy bài hát thịnh hành, thánh ca ngu ngơ của tình trạng giới nghiêm đã kéo dài một năm.
Những tháng sau ngày người sành điệu ra đi, cái máy hát chạy suốt sáng đến chiều trong nhà hai vợ chồng. Nó khục khặc những điệu hát thịnh hành, My heart belongs to daddy… Người vợ nằm lì. He’s gone ! He’s gone ! Người chồng có đó, sẵn sàng phô trương cương vị mọc sừng chính thức của mình, sẵn sàng điền giấy tờ làm cha không chính thức. Người vợ nằm lì. Bụng nàng ngày một căng. Nàng không ăn gì ngoài bánh kẹo. My vanished lover ! (28)Chồng nàng đi tới đi lui trong ngôi nhà vang vang những ca khúc thịnh hành, trong ngôi nhà thành ra giả mạo không khí hội hè.

(28) Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa: “Tim em thuộc về cha”, “Người đi rồi! Người đi rồi!” và “Người tình mất dấu của em!”

Con bé viết cho tôi để biết tim nó phải thuộc về ai. Thuộc về người sành điệu hay thuộc về người chồng muôn thuở (29) ? Suốt thời thơ ấu của nó, mẹ nó đã ròng rã hót vào tai nó những ca khúc thịnh hành kia. Nó cũng đã hát My heart belongs to daddy. Người ta lập đi lập lại với nó, về người chồng muôn thuở, Your daddy is a nobody. Kẻ vô tích sự. Kẻ chẳng đáng cho ai nhắc tới. Bây giờ, nó lại được nghe, Nobody is your daddy. Mày chẳng phải con ai, mày là đứa bị một người tình đã trốn mất bỏ quên.

(29) Người chồng muôn thuở, tựa đề một tiểu thuyết (Vechny muzh) của văn hào Nga Fyodor M. Dostoyevsky (1821-1881). Truyện giữa một người chồng bị cắm sừng và người tình cũ của vợ.

Đến bây giờ nó vẫn còn thắc mắc mẹ nó với người sành điệu đã ăn nằm với nhau vì tình hay chỉ vì sự hung cuồng dồn nén trong bao năm cuộc sống vợ chồng đã đẩy họ đến với nhau. Nó hợm hĩnh như một bào thai cứ muốn chưng diện huy chương tình yêu. Nó vẫn còn thắc mắc hai người ấy, cặp tình nhân trong căn phòng khách sạn trưng dụng ấy, có sống một đam mê chân thành hay không (nó ngây thơ tưởng rằng đam mê có thể chân thành – đam mê dối trá, nhưng dối trá với hào quang chói lòa khiến ta cho là thực). Nó vẫn còn thắc mắc phải chăng mẹ nó, sáng sáng ít lâu sau khi người chồng muôn thuở đi khỏi, ra mở cửa chiếc Studebaker đen, ngồi vào trước tay lái và cho xe chạy về hướng tòa khách sạn lớn trong thành phố, phải chăng mẹ nó đến đấy vì yêu kẻ nước ngoài xuất hiện trong đời bà, hay vì buồn chán và hi vọng, một ngày nào đó, thanh toán được kẻ vô tích sự ngày ngày đôi co với bà, bỏ được vào lồng người sành điệu và khiến chàng tiếp nối vai trò người chồng muôn thuở.
Con bé muốn viết thiên tình ca chiếc Studebaker đen, tưởng tượng chuyện môt người đàn bà bơm nước hoa lên đôi găng trắng và, dù trời nóng bức, xỏ găng trước khi nắm lấy tay lái, vẽ nên chân dung một người sành điệu hẳn đã từng đọc cổ thi Nhật và chắc đã biết ngỏ với người tình,
Em chớ lầm
em nào biết anh là ai
nhưng đêm rồi đêm
người em gặp trong mộng
chính anh là người đó.
Nó sẽ phải đành lòng kể một chuyện ngoại tình thời chiến. Nhớ rằng người sành điệu đến nơi hò hẹn với người tình có lính tráng kè kè súng ống hộ tống, rằng ít lâu sau khi người sành điệu vĩnh biệt Đất Nước, chiếc Studebaker đen, phủ bạt để trước cửa nhà hai vợ chồng, một sáng kia lỗ chỗ đầy vết đạn.
Con bé muốn tin vào mối đam mê của mẹ nó, một người đàn bà hôn nhân hẳn đã không tiêu hủy nghị lực tình cảm, đối với người khách lạ đã đến nơi này chỉ vì hi vọng tìm lại được vui sống.
Nếu nó không cưỡng được cám dỗ coi mình là đứa con của cuộc tình ấy, nó sẽ chỉ là đứa con của căn phòng khách sạn trưng dụng, đứa con của rượu sâm-banh cùng những ca khúc thịnh hành, đứa con của một ả lông bông và một tay sát nhân, cùng nhau tiêu khiển giữa những bãi xác người.
Bởi không thể tưởng tượng chuyện một mối đam mê chân thành, nó muốn chỉ giữ lấy hình ảnh người đàn bà đeo găng lái chiếc Studebaker đen, hình ảnh người nữ vai chính phim truyện truyền hình lái xe trong tiếng nhạc những ca khúc thịnh hành đến với một cuộc tình vô thưởng vô phạt. Nó muốn chỉ giữ hình ảnh ấy, xóa bỏ đoạn kết, không muốn biết rằng, ít lâu sau ngày người sành điệu ra đi, những người áo đen đã mở cuộc tấn công thành phố, đã xả súng bắn vào chiếc Studebaker đen phủ bạt để trước nhà hai vợ chồng. Người nữ vai chính trong phim đã tháo đôi găng trắng. Cái máy hát khục khặc những ca khúc thịnh hành, Are you lonesome tonight ? Nàng nằm lì trên giường, bụng nặng nề, mắt hướng ra phía trước cửa nhà, nơi đậu chiếc Studebaker lỗ chỗ vết đạn. Vài năm sau, những người áo đen lên nắm chính quyền. Họ đã đuổi vĩnh viễn người sành điệu và những người kế vị. Chiếc Studebaker đã đem bán cho hàng sắt vụn. Những đĩa hát thịnh hành ném vào bếp lửa. Shall I come back again…? (30) Người nữ vai chính thôi còn đeo găng trắng. Nàng cùng người chồng muôn thuở đi xem lính tráng, sĩ quan của đoàn quân nước ngoài trốn chạy bằng trực thăng. Những người đàn bà níu chặt cửa máy bay, đợi cuộc tình đời họ dẫn đi, nhưng cuộc tình đời họ lấy báng súng phang vào những ngón tay búp măng ấy để họ phải buông ra. Những người đàn bà ấy ngã nhào xuống đất, nhưng vẫn giơ tay hướng về cuộc tình đời họ, họ giơ tay vì họ sợ hãi, sợ hãi những người áo đen ở rừng về các thành phố nắm chính quyền, sợ hãi những người giọng nói khô khan, sợ hãi những người dáng đi nghiêm khắc, những người, họ tin chắc thế, sẽ trả thù bao nhiêu năm họ hưởng lạc bên cuộc tình đời họ.

(30) Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa: “Em có cô đơn đêm nay?” và “Anh sẽ trở lại chăng…?”

Những người đàn bà giơ tay, tiếc nuối thì ít nhưng hãi sợ thì nhiều. Họ giơ tay, nhưng cuộc tình đời họ chỉ cuống quýt một mối lo : rời bỏ, cho mau, cái bãi lầy này.
Ít lâu sau ngày ra đi, người sành điệu gửi về Đất Nước tã lót hồng với một cái chăn, năm sau một bộ đồ trà, rồi lại gấm vóc, và luôn luôn là những đĩa hát thịnh hành. Con bé còn nhớ chăng những món quà, mẹ nó bảo, của một người sành điệu, của một người phong nhã ? Con bé hồi đó đâu biết rằng tên người phong nhã chỉ khác hai chữ, còn thì giống như cái tên quốc tế người ta đã chọn cho nó. Những quà cáp của người phong nhã về đến Đất Nước, được giao về nhà hai vợ chồng. Nó thấy mẹ nó hối hả mở các gói. Bữa sau những ngày lễ hội ấy, mẹ nó đặt lên máy hát một đĩa mới, I want to be loved by you, just you ! rồi đi nằm. Bà nằm lì hàng tuần liền. Cuộc sống trong nhà hai vợ chồng dừng lại. Những tách trà quá mỏng manh, chăn nệm quá ấm và lụa gấm quá quý, chớ đem ra dùng. Chiếc Studebaker lỗ chỗ vết đạn vẫn nằm trước cửa nhà. Đứa trẻ mang cái tên quốc tế đi bộ đi học. Trời nóng nhưng nó vẫn mặc áo trắng kín cổ, đi tất trắng và đeo găng trắng, đôi găng làm nó ngứa ngáy gan bàn tay. Nó chẳng rời một bước người chồng muôn thuở, người cho nó mang họ của ông, I want to be loved by you, just you ! , và lầm lì lặng lẽ khi cái máy hát khục khặc phát ra những điệu hát vui tươi cũ mèm, Nobody else but you (31)

(31) Tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa: “Em muốn được anh yêu, chỉ anh thôi!” và “Không ai khác ngoài anh”.

Trong bảy năm sau ngày người sành điệu ra đi, quà cáp gửi về đều đặn. Ngôi nhà hai vợ chồng trở thành đài kỉ niệm Ái Tình. Người vợ nằm lì, bày khắp quanh giường bộ đồ trà với những đĩa hát thịnh hành, áo lụa với dép đỏ, máy hát với gấm vóc, những phong bì dày cộm đựng mấy xấp giấy bạc và những phong bì mỏng dính mang những lá thư ngày càng ngắn ngủi. Đến năm thứ tám, quà cáp đột ngột không còn gửi về nữa. Món quà cuối cùng là một chiếc xe có bàn đạp, một chiếc xe con mô hình của chiếc Studebaker đen, chỉ khác là sơn màu đỏ máu. Ở trường về, đứa trẻ mang cái tên quốc tế ngồi vào ghế bọc da trắng, hai bàn tay nhỏ đeo găng trắng nắm lấy tay lái và cho xe chạy vòng trong sân trước nhà, bên chiếc Studebaker lỗ chỗ vết đạn.
Nó không thích chiếc xe có bàn đạp, sơn màu đỏ máu. Nó chẳng thích chút nào những đồ chơi, những mô hình thu nhỏ. Nó vẫn ưa chiếc xe nát bấy kia. Nó ưa len vào ghế trước chiếc Studebaker. Hồi đó, người chồng muôn thuở hay dẫn nó đi xem những phim kẻ cướp. Nó không quên được hình ảnh một chiếc xe bị những người đeo mặt nạ bắn xối xả, hình ảnh một tên cướp chết không toàn thây bên tay lái chiếc xe bỏ mui của y lỗ chỗ vết đạn. Một lần ở rạp chiếu bóng ra, người chồng muôn thuở đã mua cho nó đôi kính đen, đôi kính nhỏ mô phỏng thứ kính bọn vô lại thường đeo. Nó mặc váy xếp nếp, áo và tất trắng, nhưng, khi mẹ nó vắng mặt, nó buộc túm mái tóc dài ra sau, đeo lên mắt đôi kính của bọn vô lại, rồi nó len vào ngồi ghế trước chiếc Studebaker, đặt hai bàn tay nhỏ đeo găng lên tay lái và nhái lại cái chết của tên cướp. Nó giãy giụa trên ghế như là bị một tràng liên thanh bắn gục. Rồi nó giả bộ chết, đầu lật ngược ra sau.
Cho đến ngày, ở trường về, nó thấy cái sân trống rỗng. Trên sỏi chỉ còn một vệt dầu. Chiếc Studebaker đã đem đi khỏi chỗ trước nhà và bán cho hàng sắt vụn. Trong nhà, trong phòng ngủ, máy hát quay, Shall I come back again…? Từ bao tuần rồi, từ khi quà cáp không còn gửi về, nó chỉ bước qua phòng này. Mẹ nó nằm lì trên giường, mặt quay vào tường. Nó rón rén bước qua, nín thở để khỏi phải hít cái mùi nhiễm độc của đài kỉ niệm Ái Tình, một mùi hôi rình, mùi mồ hôi và miệng hôi, mùi nước tiểu và kinh nguyệt. Hôm ấy, nó đứng lại trước cửa gian phòng ngột ngạt và hỗn độn. Đài kỉ niệm Ái Tình đã bị phá tung. Áo lụa và gấm vóc rách tan, bộ đồ trà vỡ vụn, chỉ những đĩa hát thịnh hành có vẻ còn nguyên vẹn. Mẹ nó mặc cái áo xa-tanh màu vàng cổ cáu ghét và tanh mùi mồ hôi. Bà ngồi xệp dưới đất, quay lưng ra cửa. Bên cạnh là cái bô và mấy que diêm. Bà đang dốc ra một cái hộp giấy – những lá thư bà xé, bỏ vào bô. Trong hộp chỉ còn một bức ảnh, bà bật một que diêm, gí ảnh vào lửa và lúc ảnh cháy hết nửa, ném vào bô. Đứa trẻ lặng lẽ bước qua. Sau nhà, chiếc xe có bàn đạp chờ nó. Những ghế bọc da trắng đã bị những nhát kéo xẻ nát.
Người sành điệu biết thỏa mãn đàn bà bằng dép đỏ với áo lụa, bằng nữ trang với những giỏ hoa, biết làm họ vui bằng rượu sâm-banh và những bài hát thịnh hành. Trong khi người với đồng lương nhỏ mọn chẳng có gì dâng hiến họ. Làm chồng, ông chẳng hề biết hùa theo những chuyện phù phiếm. Làm cha, ông lúc nào cũng lầm lì. Ông thích đi nhà thờ và vào rạp chiếu bóng. Tác giả bức thư với tuồng chữ kiêu kì có nhớ chăng ?
Tôi nhớ lại họ, con bé với ông, buổi chiều, ngày cuối tuần, trong rạp chiếu bóng. Rạp hôi mùi nước đái, ghế gỗ chật chội, phim thì thường hài hước một cách sống sượng, lại mờ xấu, nhưng, ngồi trong bóng tối, ông quên mình là người với đồng lương nhỏ mọn, người bất đắc chí, người chỉ có mỗi một điều để hãnh diện : cho con bé mang họ của ông, để nó ghép vào cái tên quốc tế của nó. Con bé theo ông tới các rạp chiếu bóng. Ấy là thú tiêu khiển vụng trộm của họ. Trước phim chính có chiếu những phim tài liệu. Một phim cảnh giác về bọn bắt trộm trẻ con, chiếu những đứa trẻ bị bắt cóc giữa chợ, trong rạp chiếu bóng. Đầu đảng là một gã đàn ông trông không rõ mặt, gã bắt trộm trẻ con, dạy chúng đi ăn xin, ăn cắp, bắt cóc trẻ con khác. Ấy là một đoàn quân những cô hồn nhỏ bé, đứa nào cũng được gọi bằng một con số hay tên một con vật. Những ngày ấy, con bé chưa chút nghi ngờ về lai lịch của nó. Ngồi trước màn bạc, nó tự nhủ nó có họ có tên, nó không phải là một đứa trẻ bị bắt trộm, nó không bị gọi bằng một con số, nó không phải là một con chim non trên tổ rơi xuống.
Tôi nhớ họ, con bé với ông, đi nhà thờ rạng sáng tinh mơ, để không phải gặp một ai. Tôi nhớ họ thắp nến, dù chẳng hề cầu kinh. Giờ đây đã lớn, đã xa rời người cha và Đất Nước, con bé tới các viện bảo tàng. Nó nhớ rằng người với đồng lương nhỏ mọn đến nhà thờ, thắp nến tưởng niệm giấc mơ thành họa sĩ của ông. Nó nhớ rằng người với đồng lương nhỏ mọn đã bỏ trốn chí hướng của mình, đã tự treo mình vào cái móc của tên đồ tể và để lũ chó xâu xé những phần tốt đẹp nhất của mình. Nó lang thang trong các viện bảo tàng, và, đứng trước các tác phẩm trọn vẹn ấy, nó nghiền ngẫm nỗi thất bại của cha nó. Khi nghe tiếng chính bước chân mình vang dội trong những gian phòng vắng vẻ các viện bảo tàng, nó lại nhớ những buổi sáng cùng đi với cha đến nhà thờ. Bước chân họ vang dội trên nền đá lát.
Đời người cha ấy chỉ là đổ nát. Vùi sâu dưới đống gạch vụn là con người ông muốn trở thành, vùi sâu dưới đống gạch vụn là người họa sĩ không đạt. Đời con bé cũng thế, chỉ là đổ nát. Hai người cha đã phá sập nền móng. Nó bới gạch vụn, dọn mảnh vỡ, nó chỉ tìm thấy những bóng ma người cha. Nó là con chuột chũi mải miết đào, đào không thôi, trong thanh âm tiếc thương.
Hiểm nguy rình đón nó, ấy là ngộ độc trữ tình, ấy là đa cảm xói mòn khả năng khinh đời. Những cật vấn của nó thật lố bịch. Thay vì thắc mắc ai đãcho nó sự sống, lẽ ra nó phải cảm nhận ra những người đã cho nó mở mắt chào đời chẳng làm gì khác hơn là cho nó thấy cái chết. Lẽ ra nó không nên đi xa hơn ý niệm này : những người cha ấy đã không cho nó sự sống, họ đã chonó một trận đòn. Họ đã hủy hoại nó. Người thứ nhất tròng vào nó một cái tên quốc tế, người thứ hai ghép vào tên ấy họ của mình. Hai người cha nó đã thông đồng với nhau cho nó tí chút độc đáo ấy, cùng lúc lại cho nó ham muốn múa may để xứng đáng với cái tí chút độc đáo ấy, với họ ấy và tên ấy ghép lại với nhau. Hai người cha nó là những kẻ hủy hoại nó. Họ đã hủy hoại nó, nhưng đồng thời lại cho nó ham sống. Họ đã cho nó ham muốn, để càng hủy hoại nó nhiều hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.