Yêu Thương Và Tự Do

Chương 22 VẤN ĐỀ CỦA CON TRẺ TỪ ĐÂU?



Trong một số nhà trẻ truyền thống, trẻ không được tự do hoạt động trong phần lớn thời gian mà phải ngồi rất quy củ để nghe giáo viên giảng bài. Như vậy, trẻ mất tự do, mất đi cơ hội tự phát triển bản thân. Ví dụ một đứa trẻ đang muốn đi nghịch nước, nhưng cô giáo lại bắt trẻ vẽ tranh. Khi nguyện vọng và hành động của trẻ không thống nhất, trẻ không thể tập trung vẽ tranh, vậy trẻ làm thế nào? Trẻ bắt đầu tưởng tượng, dùng sự tưởng tượng để bù đắp những hoạt động mình không thể thực hiện. Trẻ tưởng tượng mình đi nghịch nước, hoặc nghĩ ra một câu chuyện để an ủi bản thân. Lâu dần, tâm sức và hoạt động của trẻ bị tách rời nhau. “Con người bị phân liệt”.

Montessori nói: “Kinh nghiệm cho thấy, sự phát triển bình thường của con trẻ sẽ làm biến mất những thói xấu, không chỉ đơn thuần là những gì vẫn bị cho là khiếm khuyết mà còn cả những phẩm chất chúng ta vẫn lầm tưởng là tốt đẹp”. “Những phẩm chất vẫn lầm tưởng là tốt đẹp” ở đây chỉ những “thay đổi bất thường” mà chúng tôi muốn nói đến. Montessori nói: “Trong những phẩm chất đã biến mất đó, không chỉ có sự luộm thuộm, không phục tùng, lười biếng, tham lam, tự cho mình là trung tâm, hay tranh cãi và không ổn định mà còn có cả những cái gọi là ‘tưởng tượng mang tính sáng tạo’, kể chuyện tưởng tượng, nhớ nhung người khác, trò chơi, thuận theo…”.

Trong mắt rất nhiều người, kể những câu chuyện trong trí tưởng tượng, vui vẻ, khóc lóc, đau khổ với câu chuyện của mình là những hoạt động giàu trí tưởng tượng và sức sáng tạo. Montessori cho rằng, đây chính là những thay đổi bất thường của con trẻ. Montessori nói: “Những con người của hôm nay chưa nhận thức đúng đắn bản chất của con trẻ”.

Montessori chỉ ra tám điểm trong những thay đổi bất thường của con trẻ. Bà nói: “Một khi con trẻ xuất hiện những thay đổi bất thường, trẻ sẽ thay đổi, có thể khiến trẻ toàn tâm toàn ý với một số hoạt động thể lực khi tiếp xúc với những hiện tượng của thế giới bên ngoài”.

Tất cả những nguyên nhân dẫn đến thay đổi bất thường này là vì trẻ không được thực hiện những hoạt động bình thường của mình. Trước đây tôi đã nói “thực thể hóa” là mục đích phát triển của mỗi trẻ. Nhưng khi phôi thai tinh thần của con trẻ cần phát triển và chuẩn bị phát triển, thì bị người lớn ngăn cản. Ra lệnh cho con trẻ ngồi trước bàn học, nghe cô giáo giảng bài, không cho trẻ làm những việc trẻ muốn làm, lâu dần sẽ tạo thành những thay đổi bất thường ở trẻ.

Montessori nói: “Tất cả những thay đổi bất thường ở trẻ đều có một căn nguyên – trẻ không thể thực hiện kế hoạch phát triển của bản thân, thời kỳ phát triển của trẻ gặp phải môi trường không thuận lợi. Lẽ ra năng lượng tiềm tàng của bản thân trẻ phải được thông qua quá trình thực thể hóa để thể hiện ra ngoài”.

Montessori nói: “Khái niệm thực thể hóa có thể coi như một chỉ dẫn để giải thích tính chất của việc thay đổi bất thường ở con trẻ: Năng lực tâm lý phải được thực thể hóa trong quá trình vận động…”. Bà đã giải thích trong cuốn “Bí ẩn trẻ thơ” (The Secret of Child hood) như thế này:

Nội tâm con trẻ có một mật mã tâm lý, mật mã tâm lý ấy chính là phôi thai tinh thần mà chúng ta đã nói ở trên. Chính con trẻ phải là người lý giải mật mã ấy trong quá trình phát triển từ 0 đến 6 tuổi của trẻ, người lớn không có khả năng và không thể lý giải mật mã này. Khi con trẻ sắp tiếp cận mục tiêu này, mật mã tâm lý nội tại của trẻ sẽ nói với trẻ: Hãy đi tiếp cận mục tiêu này, cố gắng hết sức vì việc này. Lúc này trẻ phải bước đi, nhưng người lớn lại ngăn trở. Có thể trẻ sẽ đấu tranh để thực hiện mục tiêu của mình, nhưng khả năng của trẻ yếu ớt, khi trẻ không thể làm được việc mình muốn làm, trẻ sẽ nghĩ trẻ sẽ làm những việc mình cần làm trong trí tưởng tượng, tâm sức và hoạt động của trẻ đã bị tách rời.

Trong trường mầm non truyền thống, con trẻ không được tự do hoạt động trong phần lớn thời gian của mình, trẻ phải ngồi rất quy củ để nghe cô giáo giảng bài. Đó hoàn toàn là một trạng thái đứng yên, nhân cách bị phân liệt. Lâu dần, con trẻ sẽ trở thành một người có nhân cách không thống nhất. Nhưng loài người rất kỳ lạ, cho dù trong một môi trường như vậy, con trẻ cũng nghĩ cách để bù đắp bằng những phương thức khác. Ví dụ một đứa trẻ đang muốn đi nghịch nước, nhưng cô giáo bắt trẻ vẽ tranh, khi nguyện vọng và hành động không thống nhất, trẻ không thể tập trung vào việc vẽ tranh. Vậy trẻ phải làm thế nào? Trẻ bắt đầu tượng tượng, dùng sự tưởng tượng để bù đắp những hoạt động trẻ không thể thực hiện, tưởng tượng trẻ đang đi nghịch nước.

Hiện tượng này không thể là tạm thời. Tại sao? Ví dụ khi đứa trẻ muốn đi làm một việc, bạn không cho trẻ làm, trạng thái của trẻ là: Tôi sẽ không làm gì cả mà chỉ ngồi đây đau khổ. Nhưng sự đau khổ ấy không thể kéo dài mãi, thế là con trẻ sẽ chuyển hướng sự chú ý, trẻ không đau khổ nữa, vì trẻ phát hiện ra điều đó là vô vọng, trẻ bắt đầu suy nghĩ lung tung. Tư tưởng là tự do, không ai có thể cấm cản nổi tư tưởng của một con người. Montessori nói, nếu con trẻ không đạt được sự “thống nhất”, cho dù người lớn chiếm giữ địa vị chi phối, hay là trẻ thiếu động lực, thì hai nhân tố cấu thành là năng lượng tâm lý và vận động sẽ phát triển theo hai đường riêng, “con người đã bị phân liệt”.

Khoảng 2 tuổi, con trẻ sẽ liên tục đi tìm kiếm những thứ động, có âm thanh để chơi. Người lớn cho rằng như vậy thật nguy hiểm, họ ngăn cản con trẻ mà không giúp trẻ nhận thức và học cách làm thế nào để tránh sự nguy hiểm. Họ luôn dùng một thứ khác để đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ, mà không tìm cách dạy trẻ sử dụng những động tác chính xác để đối diện với những điều trẻ cảm thấy hứng thú. Mỗi lần hoạt động, trẻ đều bị người lớn dùng một thứ khác để đánh lạc hướng. Hành động ấy của người lớn sẽ chỉ cho một kết quả, là dần dần che đậy đi phôi thai tinh thần nội tại của trẻ, trẻ không còn biết bản thân trẻ đang muốn làm gì. Trong quá trình ấy, trẻ sẽ nảy sinh một nhược điểm chết người: Hiếu động, không thể ngồi yên một phút nào! Bản thân đang chỉ dẫn trẻ đi làm một việc, nhưng một ngoại lực lại liên tục dẫn dụ trẻ đi làm một việc khác không phù hợp với mong muốn của trẻ. Montessori nói: Hiện tượng này gọi là năng lượng tâm lý và vận động không thể thống nhất.

Trong lòng trẻ biết rõ mình nên đi làm một việc, nhưng việc trẻ bị buộc phải làm lại hoàn toàn ngược lại. Hiện tượng này thường xuyên tồn tại trong thế giới người lớn của chúng ta. Ví dụ như một người thất nghiệp, việc đầu tiên mà người đó cần làm là gì? Làm mới mình, ra bên ngoài tìm kiếm công việc mới. Nhưng tình hình lại không như vậy, anh ta ở nhà xem ti vi và oán thán. Trong lòng anh ta muốn tìm việc, nhưng những việc anh ta đang làm hoàn toàn đi ngược lại mong muốn ấy. Lại ví dụ chúng ta thấy một học sinh thi trượt đại học, nguyện vọng hàng ngày của em là làm thế nào để ôn tập, để thi đỗ đại học. Nhưng em cứ cầm đến quyển sách là lại nghĩ ngợi lung tung, những suy nghĩ lung tung ấy đã ngăn trở em. Em không thể ôn tập, tâm và lực của em đã bị phân tách. Montessori gọi sự phân tách ấy là du ngoạn trong trí tưởng tượng.

Vậy tại sao ở con trẻ lại xuất hiện hiện tượng này? Montessori nói: “Nhìn từ bản chất thì không có thứ gì có thể bị sáng tạo hoặc mất đi, vì thế năng lượng tâm lý của con trẻ không phát triển theo phương thức nó nên có, mà hướng phát triển hoàn toàn sai lầm”. Hướng phát triển của con trẻ là như vậy, không được phát triển theo con đường đúng đắn thì sẽ phát triển theo con đường sai lầm, chứ không thể nằm ở vị trí trung gian. Trạng thái của con trẻ cũng như vậy, nếu trẻ không được hoạt động để thực thể hóa theo đúng quỹ đạo của mình (phôi thai tinh thần), thì trẻ sẽ bị kìm nén. Montessori nói: “Khi những năng lượng tâm lý này lớn đến nỗi đánh mất điểm cuối cùng, rồi dạo chơi không mục đích, nó sẽ trở thành thay đổi bất thường”.

Con người phải có một mục tiêu cuối cùng, từ đầu đến cuối phải phát triển theo mục tiêu đó, trẻ con càng như vậy. Mục tiêu này rất rõ ràng. Nhưng mục tiêu này luôn hoạt động. Nếu bạn không cho trẻ phát triển, cũng có nghĩa là bạn đã cản trở mục tiêu cuối cùng của trẻ. Người lớn nói với trẻ: “Hôm nay con đừng hòng làm trò đó!”. Còn con trẻ lại nói với bạn: “Mẹ ơi, con rất muốn, mẹ hãy để con làm đi!”. “Không được, mẹ cấm con đấy, đừng bao giờ nói với mẹ chuyện này nữa”. Một khi con trẻ phát hiện thấy chúng không thể thực hiện việc này, chúng sẽ du ngoạn trong trí tưởng tượng, trẻ lớn nhỏ đều như vậy cả. Montessori nói: “Bản thân tâm hồn phải được điêu khắc từ những hoạt động thể lực tự phát”. Nhất định bạn phải hiểu rõ câu nói này, tâm hồn phải được thể hiện bằng những hoạt động thể lực tự phát, chứ không phải là nghe theo người lớn nói nên làm như thế nào. Ví dụ trẻ con dưới 3 tuổi, con phải đi khắp mọi chỗ, sờ mó, thậm chí là đập phá đồ đạc. Lúc này, người lớn phải thuận theo tự nhiên, chỉ cần không nguy hiểm thì hãy cứ để trẻ sờ mó. Chỉ có như vậy, con trẻ mới thực sự phát triển, tiến đến sự thành thục. Nếu không, trẻ sẽ trốn trong trí tưởng tượng để tự thỏa mãn tâm lý của mình. Tôi thường nói, khi một người bị thương, nếu không có ai an ủi, người đó sẽ tự an ủi mình, lấy tay chấm lên lưỡi rồi chấm chấm vào vết thương, sau đó tự nói với mình: “Mày thật là đáng thương!”, “Mày thật là đau đớn!” vì không được người khác an ủi. Con trẻ cũng như vậy, khi mục tiêu cuối cùng của trẻ bị phá hoại, trẻ sẽ trốn trong thế giới hoang tưởng.

Một số người lớn chúng ta cũng vậy, chúng ta biết rõ là mình không thể thi đỗ đại học, mặc dù sự thực này đã rất chân thực, nhưng chúng ta vẫn cố tự nói với mình: Nếu mình đỗ đại học thì sẽ thế nào? Nghĩ rất nhiều, rất nhiều việc. Thậm chí, con người ta có thể chìm đắm trong sự hoang tưởng ấy đến hàng mấy tháng trời, để an ủi bản thân mình.

Sự tưởng tượng ấy đối với con trẻ vô cùng đáng sợ, đối với người lớn lại càng đáng sợ hơn. Rất nhiều người lớn chúng ta buổi sáng không chịu dậy mà nằm ì trên giường nghĩ ngợi lung tung. Trên thực tế những suy nghĩ ấy chẳng hề có ích gì cho họ. Có những người buổi tối đi ngủ rất sớm, nằm lên giường là nghĩ ngợi lung tung. Nguyên nhân là do đâu? Đó là vì thời thơ ấu của họ, năng lượng tâm lý và vận động bị phân tách nhau, lâu dần sự phân tách ấy hình thành một thói quen, đến khi họ trưởng thành, trở thành những người chỉ biết nghĩ mà không biết làm. Cũng giống như Montessori đã nói, người đó sẽ là một người rất đa cảm, rất lãng mạn nhưng không hề có ý chí. Có thể người đó sẽ nói: “Tôi thích tác phẩm văn học, tôi muốn làm một nhà văn”. Nhưng họ không có ý chí, vì muốn làm một nhà văn, không những cần năng khiếu, mà còn cần sự nỗ lực và quá trình lao động gian khổ. Họ không chịu lao động gian khổ và nỗ lực, tức là không có ý chí. Vì thế cả cuộc đời họ, có thể lúc này thì thích cái này, lúc khác lại thích cái kia nhưng không làm nên trò trống gì. Trạng thái này cũng chính do việc du ngoạn trong trí tưởng tượng của thời kỳ ấu thơ tạo thành.

Montessori nói: “Khi những tâm hồn phiêu dạt không tìm thấy đối tượng công việc của mình, nó sẽ bị hấp dẫn bởi những hình ảnh và ký hiệu”.

Chúng ta nên nhìn lại để kiểm điểm mình, tìm kiếm những sai lầm trong phương pháp giáo dục của chúng ta. Khi những tâm hồn phiêu dạt của con trẻ không tìm được đối tượng công việc của mình, có thể trẻ sẽ tìm đến hình ảnh và ký hiệu. Chúng ta hãy nghĩ về sự nghiệp giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi, không những không cho con trẻ có cơ hội hoạt động mà còn cố ý, nỗ lực mang hình ảnh, ký hiệu dạy cho con trẻ, để con trẻ du ngoạn trong trí tưởng tượng. Bởi vì khi phần lớn giáo viên của chúng ta giảng bài cho trẻ, không phải là cho trẻ tự do hoạt động để phát triển tâm lý và trí tuệ, mà là thông qua những lời giảng của cô giáo để trẻ du ngoạn trong trí tưởng tượng. Ví dụ đề tập làm văn của một học sinh lớp ba là trồng cây, cô giáo kể cho học sinh nghe một câu chuyện về trồng cây để học sinh tả việc trồng cây. Con trẻ chưa bao giờ trải qua việc trồng cây, chỉ có thể dựa vào sự dẫn dụ của giáo viên và trí tưởng tượng hư cấu của mình để làm bài tập làm văn trên.

Một người có ý chí từ thời thơ ấu, sau này sẽ có thể đối mặt với mọi khó khăn. Nếu không người đó chỉ có thể đứng bên và nghĩ. Thấy người khác làm được, họ sẽ nghĩ thế này: Có gì là hay ho chứ, tôi cũng làm được, chỉ là tôi không làm mà thôi. Ví dụ những người cùng thời với Columbo, họ nói rằng: “Phát hiện ra châu lục mới à? Chúng tôi cũng có thể làm được”. Cũng giống như việc thao tác đồ dùng dạy học, đứng ngoài nhìn cảm thấy rất đơn giản, phải bắt tay vào làm mới biết mình vụng về thế nào. Nhìn và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Giáo dục Montessori nói với chúng ta: Quá trình phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ là một quá trình hoạt động, con trẻ thông qua những hoạt động của mình để phát triển tâm lý và trí tuệ của bản thân. Nếu trẻ không làm được điểm này, tâm hồn trẻ sẽ du ngoạn khắp nơi, vì trẻ không tìm được thứ để học, trẻ sẽ cảm thấy đau khổ. Trong đau khổ, cũng giống như Montessori từng nói: “Chịu đựng sự giày vò lạc điệu này khiến con trẻ đứng ngồi không yên, trẻ đang tràn đầy sức sống và không thể kìm nén mình, nhưng không có mục đích”.

Vì thế mới xuất hiện tình cảnh khi bé Châu Châu vừa vào trường chúng tôi: Khi bé vừa đến, bé cầm lên một đồ vật, còn chưa làm xong, bé lại vứt nó xuống và cầm thứ khác, chưa làm xong lại vứt xuống. Cô giáo nói, khi bé nhìn thấy một mục tiêu, bé bước tới mục tiêu đó, thì có bảy, tám mục tiêu khác đang hấp dẫn bé. Những mục tiêu liên tục nảy sinh đó khiến tâm lý và trí tuệ của bé bị rối loạn. Một đứa trẻ bị kẹt trong những hỗn loạn sẽ đứng ngồi không yên, trẻ sẽ vô cùng hiếu động và lo lắng. Chúng ta biết rằng nỗi lo lắng của người lớn cũng là từ đây mà ra. Khi một người kiên định bước về phía mục tiêu của mình, người đó sẽ không lo lắng. Ngược lại, khi một người không biết mình nên làm gì, họ sẽ hoảng loạn, sẽ lo lắng. Vậy thì tất cả những điều này của người lớn đến từ đâu? Đến từ thời thơ ấu. Nếu một người trong cả quá trình ấu thơ của mình được thực thể hóa hết mọi hoạt động, trạng thái nhân cách của người đó sẽ được hình thành, họ sẽ được đứng lên như một con người. Nhưng rất nhiều người không như vậy, thời kỳ thơ ấu của họ không hoàn thành được quá trình thực thể hóa, nên chỉ có thể chìm trong trạng thái du ngoạn trong trí tưởng tượng, chờ đợi người lớn sáng tạo ra mình.

Montessori nói: “Cho dù người lớn trừng phạt hay nhẫn nại chịu đựng những hành vi không quy phạm và thiếu mục tiêu của những trẻ em bất thường này, trên thực tế họ đã tán thành và cổ vũ con trẻ hoang tưởng và giải thích thành khuynh hướng tính sáng tạo của tâm hồn con trẻ”. Về điểm này tôi có một cảm nhận rất sâu sắc. Bạn tôi có con 4 tuổi, cô ấy thường khen con mình: “Con tớ thông minh lắm!”. Tôi hỏi: “Thông minh như thế nào, cậu nói cho tớ nghe xem”. Cô ấy nói: “Con tớ rất sáng tạo. Cậu xem, con trai tớ thường ngồi đó, tưởng tượng ra những câu chuyện, vừa nghĩ vừa khóc, có khi nghĩ xong lại cười”. Tôi nói với cô ấy: “Con trẻ không nên như vậy, vì câu chuyện ấy không có thật, nên cháu không cần phải khóc”. Nhưng bé vẫn chìm đắm trong câu chuyện đó, lúc khóc, lúc cười. Một lát sau cô ấy nói: “Cậu xem, nếu con tớ không sáng tạo, thì tại sao lại nghĩ ra được nhiều câu chuyện như thế!”. Tôi nghe và nghĩ, thôi hỏng rồi, đứa trẻ này đã mắc chứng hoang tưởng, nhưng người mẹ lại không hiểu. Nếu bạn nói với cô ấy rằng: “Con cậu mắc chứng hoang tưởng rồi”, chắc chắn cô ấy không chấp nhận hiện thực này. Cô ấy bảo: “Tại sao cậu lại nói như vậy? Đây là sáng tạo”. Điều đáng sợ nhất là những người làm cha mẹ không biết con mình đang gặp phải vấn đề, mà lại coi vấn đề ấy là ưu điểm của con. Chúng ta thường nhìn thấy rất nhiều trẻ dùng đồ dùng dạy học để “làm bánh ga-tô”, “chơi đồ hàng”. Lúc đó rất nhiều người hỏi: “Có nên để các con làm như vậy không?”. Lúc đó tôi đã suy nghĩ hơn cả tháng trời, tôi cảm thấy đây chính là du ngoạn trong thế giới tưởng tượng. Bao nhiêu trẻ con đang “chơi đồ hàng”, chúng ngồi ở đó, đứa làm bố, đứa làm mẹ… Tôi biết là những trẻ ở trường khác thường xuyên có hoạt động này, giả vờ làm bác sĩ, giả vờ mua hàng, giả vờ làm gia đình, giả vờ làm… và gọi đó là tiết học hứng thú, trò chơi phân vai. Một lần tôi đến nhà bạn học chơi, cố ý mang theo một số thứ để làm trắc nghiệm tâm lý cho con nhà bạn. Bé hơn 2 tuổi, năng lực ngôn ngữ rất tốt. Tôi hỏi cháu: “Con nói cho dì nghe, hôm nay con đã làm những việc gì?”. Bé đứng ở đó suy nghĩ một lúc rồi nói: “Cỏ, chim, mọc lên, máy bay trên trời, chim bay đi rồi”. Là người lớn, bạn có thể tưởng tượng ra cỏ, chim mọc lên không? Cỏ và máy bay có liên hệ gì với nhau? Mẹ bé cười, nói: “Là thế này, hôm nay lúc tớ và con ra ngoài vườn cắt cỏ thì có một chiếc máy bay bay ngang qua trên bầu trời”. Trạng thái này là bình thường vì cháu đang miêu tả một cảnh tượng. Chúng ta lại nói về một bé khác mới vào trường, bé ngồi đờ đẫn nhìn ra cửa sổ, cô giáo đi ngang qua hỏi: “Con đang nhìn gì thế?”. Đứa trẻ đó trả lời: “Có một cánh tay đang bay”. Đây rõ ràng là hoang tưởng, là du ngoạn trong trí tưởng tượng.

Du ngoạn trong trí tưởng tượng cũng mượn đến cả đồ chơi, và các hoạt động chơi đồ chơi. Sau khi con trẻ cảm thấy tự do, có những trẻ không thao tác đồ dùng dạy học mà là chơi đồ dùng dạy học, cũng chính là những việc kiểu như “chơi đồ hàng”. Ở năm đầu tiên, hiện tượng này tương đối nghiêm trọng. Tôi có chút lo lắng, sau đó tôi nảy sinh ra hai cách nghĩ. Một là, con trẻ tiếp tục trạng thái du ngoạn trong trí tưởng tượng một thời gian nữa; một cách nghĩ khác là, liệu có phải vì thời kỳ nhạy cảm mô phỏng của trẻ chưa được thỏa mãn? Thời kỳ nhạy cảm mô phỏng xảy ra vào lúc trẻ khoảng 1 tuổi rưỡi. Khi con trẻ 2 tuổi, trẻ thích nhất là mô phỏng. Bạn đi mua rau, trẻ sẽ xách theo cái làn; bạn lau mũi, vứt giấy vào thùng giấy, trẻ cũng sẽ lau, cũng sẽ vứt giấy vào thùng, đến khi nào hết giấy thì thôi. Bạn làm gì trẻ cũng sẽ làm theo.

Lúc đó tôi nghĩ, liệu có phải vì trong thời kỳ nhạy cảm mô phỏng của mình, trẻ vẫn chưa cảm thấy thật thoải mái. Ở trường chúng tôi, lớp nào cũng có đầy đủ cả bộ nồi, bát, muôi, đĩa, đồ gia dụng… Đầu tiên, bọn trẻ tranh nhau sử dụng, nhưng chơi được hơn một tháng thì bỏ. Tất cả trẻ đều vậy, nhưng ba năm sau, tình trạng này đã không còn nghiêm trọng, trong đó phần lớn trẻ đã không còn coi đồ dùng dạy học là đồ chơi, cũng không còn thấy trẻ chơi đồ hàng, rõ ràng những điều này không hề liên quan gì đến mô phỏng.

Tự do, cho phép trẻ được làm những gì trẻ muốn là cách tốt nhất để trị liệu chứng du ngoạn trong trí tưởng tượng.

Montessori cho rằng tất cả mọi thứ đều phải chân thực. Phương pháp giáo dục Montessori bao gồm cả giờ học kịch. Rất nhiều người cho rằng, giờ học kịch của trường Montessori cũng là đóng vai, cậu đóng vai mẹ, tớ đóng vai gì? Không phải, tất cả giờ học kịch của trẻ đều đến những địa điểm có thực. Ví dụ cửa hàng, bệnh viện, bưu điện, ga xe lửa… Nếu tiết học kịch hôm nay trẻ là đến bệnh viện, vậy thì cô giáo sẽ dẫn trẻ đi đến bệnh viện lấy số, khám bệnh. Tất cả cảnh tượng đều phải chân thực. Ví dụ như ống nghe, trường chúng tôi phải mua loại ống nghe thật để trẻ nghe.

Dưới góc nhìn của người lớn, con trẻ là thật, nhưng những đối tượng hoạt động của con trẻ có thể là giả, thế là người lớn được thể giả vờ, và trẻ con phải tưởng tượng đó là thật. Montessori nói: “Người lớn dạy trẻ con quan sát họ lấy gỗ làm ngựa, tường thành hay xe lửa. Trí tưởng tượng của trẻ có thể gán cho mỗi loại vật thể một ý nghĩa tượng trưng, nhưng đây chính là một cảnh tượng được sinh ra từ trí tưởng tượng của tâm hồn con trẻ. Một trục xoay biến thành con ngựa, một cái ghế biến thành ngai vàng, một khối đá biến thành chiếc máy bay. Con trẻ có thể chơi những đồ chơi mà chúng có, nhưng những đồ chơi đó mang lại ảo giác mà không thể đem đến cho các con sự tiếp xúc với thực tại giàu tính xây dựng”. Khi con trẻ không có đủ tình yêu, những nguy cơ sẽ xuất hiện, đó chính là quá trình sinh ra sự thay đổi bất thường ở trẻ.

Montessori nói: “Người lớn cho rằng, đối với những hoạt động tùy ý của con trẻ, đồ chơi là con đường duy nhất để phát tiết tinh lực của trẻ”. Nhưng phần lớn những phụ huynh của trường Montessori chúng tôi đều nói rằng, mua đồ chơi cho trẻ, trẻ chơi được mấy ngày là thôi, thậm chí có những thứ chỉ cầm lên là vứt. Đương nhiên, một đồ chơi có tuổi thọ đến một giờ đồng hồ đã là có ý nghĩa rồi.

Nhưng con trẻ có một niềm yêu thích dài lâu với những đồ dùng dạy học Montessori. Có những trẻ ở trong trường ba năm, ngày nào cũng liên tục thao tác những đồ dùng dạy học này. Bởi vì đồ dùng dạy học Montessori có mục đích giáo dục, mục đích ấy khiến trẻ liên tục phát hiện ra những điều mới mẻ sau mỗi lần thao tác. Trẻ không ngừng thao tác, không ngừng phát hiện các bí mật, nên đây cũng là một công cụ giúp trẻ phát triển tâm lý và trí tuệ về lâu dài. Ví dụ như gậy dài, có trẻ thao tác gậy dài trong vòng ba tháng, có lúc trẻ xếp đứng những cây gậy, xếp xong thì bắt đầu sờ, sờ hết cây này đến cây khác. Cô giáo cũng không hiểu tại sao trẻ làm vậy? Nhưng con trẻ là vậy. Sờ xong, trẻ lại cầm cây gậy ngắn nhất, bắt đầu so sánh từng cây một, so sánh xong thì đẩy một cái, “ầm…”, những cây gậy đổ rạp xuống như trò chơi domino. Trong này, chắc chắn có những điều con trẻ đang cần, nếu không, sao trẻ có thể thao tác một đồ dùng dạy học trong ba tháng trời? Cũng có nghĩa là, bộ đồ dùng dạy học này có thể giúp cho trẻ thực thể hóa tinh thần phôi thai, trẻ đã đạt được mục đích của mình.

Nhiều đồ chơi có tuổi thọ vô cùng ngắn. Tôi thường nghĩ, cả quá trình thao tác đồ dùng dạy học Montessori là có quy luật. Con trẻ sinh ra đã thích các quy tắc, vui mừng khi phát hiện ra những quy tắc, niềm vui ấy thúc đẩy trẻ tiến hành những hoạt động trí lực tự chủ tự giác, cao hơn. Thông qua sự phát triển tâm trí của mình, con trẻ không ngừng thay đổi phương pháp thao tác đồ dùng dạy học, sau đó căn cứ vào độ thành thục của thao tác mà phát hiện ra những bí mật bên trong. Nhưng tất cả những điều này phải được tiến hành trong trạng thái tự do, tự nguyện, trẻ có thể làm việc, cũng có thể ra ngoài chơi. Nếu không làm được điều này, trẻ không thể phát triển. Nhưng người lớn lại hay suy đoán trẻ. Montessori nói: “Mặc dù con trẻ nhanh chóng chán ngấy đồ chơi của mình, và làm hỏng chúng, nhưng niềm tin này của người lớn không bao giờ thay đổi”. Tất cả những người lớn vẫn đang tiếp tục mua đồ chơi cho trẻ con, cho trẻ con chơi, tưởng rằng đồ chơi là thứ duy nhất trên thế giới này có thể phát triển trí tuệ của trẻ. Montessori nói: “Đồ chơi là sự tự do duy nhất của con trẻ trên thế giới, nhưng trong khoảng thời gian quý báu này, con trẻ càng nên xây dựng một nền móng cơ bản để hoàn thiện cuộc sống của mình”. Nền móng ấy hoàn thiện nhờ vào sự phát triển tâm lý và trí tuệ của bản thân con trẻ. Đồ chơi trong mắt người lớn chỉ có tác dụng khi con trẻ không coi đó là đồ chơi. Nhưng người lớn không biết điều này. Vì thế, tại rất nhiều trường học và trong mắt rất nhiều người làm cha làm mẹ, sự “phân liệt” của trẻ lại được cho là sức sáng tạo và sức tưởng tượng. Khi chúng ta nhìn thấy con trẻ chơi đồ chơi, nghe thấy con trẻ tự tạo một câu chuyện, chúng ta tưởng rằng trẻ có óc tưởng tượng.

Một đứa trẻ bình thường sẽ không làm thế. Trẻ vừa được sinh ra vài năm, tất cả sinh lực của trẻ và tất cả yêu cầu của bản thân trẻ liên tục nói với trẻ rằng: “Đi nhận biết thế giới để tự phát triển”. Mỗi phút của trẻ cần hoạt động và hoạt động, nhưng đứa trẻ lại ngồi đó để nghĩ ra những câu chuyện, đây có vẻ giống hoạt động của một người già hơn.

Một hôm có một cô giáo nói với tôi: “Lớp em mới có một bé chuyển đến, em cảm thấy bé chẳng có hứng thú với bất cứ thứ gì, bé ngồi trên xe, ngồi rất nghiêm chỉnh, không muốn gì cả, cứ ngồi bất động như thế”. Tôi nói: “Có thể đứa trẻ này lớn lên cùng ông bà”. Cô ấy nói: “Đúng thế”. Một đứa trẻ thì không thể ngồi yên một chỗ, đó là trạng thái của người già. Một bên là mặt trời mới mọc, một bên là mặt trời sắp khuất núi, đây là hai kiểu người có cảm nhận hoàn toàn khác nhau về thế giới, nhưng lại bị ép gắn kết với nhau. Một người vừa bắt đầu cuộc sống của mình, tràn đầy hào hứng với thế giới này, người kia thì đã sắp đi đến cuối cuộc đời, dựa vào hồi ức để sống qua ngày, nhưng chúng ta lại ép hai người họ ở với nhau. Rõ ràng không thể nói là dạy cái gì, mà tâm thái ấy sẽ ảnh hưởng đến con trẻ, khiến trẻ không còn cảm hứng với thế giới. Ở trường chúng tôi cũng có những trẻ như vậy, lúc mới đến trẻ không hứng thú với việc gì, không thích cái gì. Bạn muốn bảo trẻ làm gì trẻ cũng không tham gia, trẻ không tập thể dục, không thích đi công viên, cứ ngồi ở đấy nhìn ông già phía đối diện, một, hai giờ không biết chán. Các cô đùa với nhau rằng: “Không hiểu điều gì có thể khiến một đứa trẻ hiếu động lại thành ra thế kia?”.

Tại sao lại như vậy? Chúng ta biết là, khi một đứa trẻ sống với bà, việc bà thích làm nhất chính là “tự quyết định”. Khi đứa trẻ phát hiện bên kia đường có một con sâu nhỏ, trẻ hiếu kỳ bước về phía con sâu đang động đậy. Bà liền không do dự mà kéo trẻ đi, bà sợ phiền phức. Cách làm này khiến tinh thần trẻ phân liệt, phá vỡ quá trình thực thể hóa của con trẻ.

Nhưng khi chúng tôi tạo cho con trẻ một môi trường tốt ở trường học, khi con trẻ có thể ngay lập tức hòa mình vào môi trường thì sự kích động, hoang tưởng và hiếu động của trẻ sẽ không còn nữa. Tôi biết ở Bắc Kinh có một trường học chuyên trị liệu chứng tăng động cho trẻ, trường học cho trẻ chơi, sờ mó một số đồ vật, và còn làm ra một số thiết bị rồi thu tiền rất đắt. Nhưng chúng ta biết rằng, sự hiếu động ở trẻ là hậu quả của một thời gian dài. Vì thế muốn điều trị cũng cần phải có một thời gian dài, cho trẻ một môi trường tự do, để trẻ lắng nghe tiếng lòng của mình, để trẻ liên tục được hoạt động. Vì thế một tiết học sẽ chẳng thay đổi được điều gì. Tôi đã nói với người bạn giới thiệu trường học đó là: “Trường Montessori không có đứa trẻ nào hiếu động. Muốn cho trẻ phát triển bình thường thì hãy thử dùng phương pháp giáo dục này”.

Chỗ chúng tôi có một bé tên là Châu, ban đầu bé rất hiếu động. Cô giáo vừa quay đi, bé đã vứt toàn bộ cốc của lớp từ tầng hai xuống dưới. Động tác của bé cực nhanh, vừa cởi áo khoác của bé để cất lên mắc, cô quay ra cởi áo cho bạn khác thì bé đã kịp cho áo vào chậu. Bé nhìn thấy cô quay lại thì sẽ chạy biến đi, vì bé biết người lớn sẽ đuổi theo bé. Ở bé đã hình thành một tâm thái, nhìn thấy người lớn thì chạy càng nhanh hơn. Động tác của bé rất nhanh, nắm cái này bắt cái kia khiến cô giáo quay như con thoi. Tôi nói với mẹ của bé là: “Hai bên chúng ta cùng phối hợp, từ hôm nay trở đi, cháu có làm gì cũng không được nói, cho dù là cháu đang phá hoại cũng không được nói, cứ để cháu tự điều chỉnh bản thân mình”. Ba tháng sau, bé đã thay đổi. Một hôm khi mẹ bé chờ đón con, thấy con đang chơi ở bãi cát, cô ấy đã nói với tôi rằng: “Em rất cảm ơn nhà trường. Em quá mãn nguyện, mới ba tháng, con em đã có thể chơi trong bãi cát đến hai tiếng đồng hồ”. Vì thế tôi đã nói với rất nhiều người là: “Trường Montessori không có trẻ mắc chứng tăng động, không có đứa trẻ nào hiếu động. Bọn trẻ đều có thể ngồi rất lâu để nhìn ngắm, thao tác những thứ mình thích”.

Montessori nói, khi mới vào trường Montessori, dù ít dù nhiều trẻ đều có những trở ngại về tâm lý, những trở ngại ấy hình thành từ gia đình. Vì thế trên thế giới, sau khi vào trường Montessori, trẻ sẽ có hai tháng rưỡi để tự điều chỉnh. Hai tháng rưỡi sau, nếu trẻ chưa yên tĩnh, chưa có được trạng thái làm việc tập trung, thì cô giáo chính là người phải tự kiểm điểm lại: Có thể cô chưa cho trẻ đủ tình yêu và tự do. Tiếp tục chờ đợi, nếu sau ba tháng con trẻ vẫn chưa thể bước vào trạng thái, cô giáo phải tự kiểm tra lại mình: Cô có cho trẻ đủ tự do không? Cô chưa làm tốt ở điểm nào? Hay là cô chưa dành cho trẻ đủ tình yêu? Tình trạng của cha mẹ như thế nào? Tự kiểm tra như thế, cô sẽ tìm ra nguyên nhân.

Có những đứa trẻ trong vòng một tuần đã bước vào trạng thái, những trẻ chậm hơn chút thì một tháng. Trong những trạng thái bình thường, từ hai tháng rưỡi đến ba tháng là con trẻ sẽ bước vào trạng thái. Chỉ có những trẻ 5 tuổi trở lên, hoặc những trẻ đã học trong trường truyền thống quá lâu mới cần đến thời gian từ nửa năm đến một năm. Cô giáo phải liên tục điều chỉnh, vì trẻ đã bị đè nén quá lâu, lại cộng thêm tâm lý và trí tuệ mang tính hấp thu của trẻ đã sắp mất đi, nên các cô giáo rất vất vả, các cô rất sợ khi lớp nhận thêm những học sinh kiểu thế này.

Môi trường mà chúng tôi mang đến cho trẻ có thể giúp cho những hành vi không mục đích, những hành vi hiếu động của trẻ trở nên có phương hướng. Montessori nói: “Bàn tay và khối óc con trẻ trở thành công cụ của tâm hồn cho những khát vọng tìm hiểu và nhận thức chân thực hiện thực xung quanh. Sự nghiên cứu tri thức đã thay thế cho sự hiếu kỳ không mục đích”. Những thay đổi tâm lý bất thường ở trẻ lớn càng nghiêm trọng và phức tạp hơn, trong môi trường tự do, những đè nén trong quá khứ cũng cần đến một thời gian dài để dần dần giải tỏa. Bởi vì du ngoạn trong trí tưởng tượng là một kiểu trốn tránh, trốn trong những trò chơi hoặc trốn trong thế giới hoang tưởng để che giấu tâm lý và trí lực đã bị phân liệt. Trạng thái du ngoạn trong trí tưởng tượng cũng là một kiểu tự phòng vệ vô thức, một kiểu tự trốn tránh khỏi nguy cơ và hiểm nguy, ẩn mình sau lớp mặt nạ. Người lớn cũng vậy, khi chúng ta không có cách nào để giải quyết một vấn đề, chúng ta sẽ chìm đắm trong sự hoang tưởng, để tự an ủi và lẩn tránh mình. Nếu một người lớn trở thành như vậy, thì sự tự mâu thuẫn của anh ta lại càng trầm trọng, những vấn đề về tâm lý giống như một bức tường, anh ta không thể vượt qua bức tường ấy, nên cứ ở trong đó chơi trò chơi mà không biết thế giới bên ngoài như thế nào? Thế giới bên ngoài rất rộng lớn, anh ta muốn ra, nhưng không ra được, anh ta liên tục bị húc đầu vào tường, liên tục tự an ủi trong sự tự đấu tranh. Bởi vì con người thật khổ sở, những lúc không được ai an ủi, anh ta sẽ tự an ủi mình. Có những lúc chúng ta tự lừa dối bản thân, ví dụ như trong tình yêu, tôi phát hiện ra phần đông phái nữ có một đặc điểm: Cô ấy đã phát hiện ra người đàn ông có vấn đề, mà toàn là những vấn đề quan trọng, nhưng cô ấy vẫn tự nói với mình “không phải thế”. Sau đó cô ấy tự tìm một lý do để “rũ tội” cho anh ta. Để đến sau khi kết hôn mới phát hiện ra sự tưởng tượng đã tan biến, cô ấy đau khổ vô cùng, cô ấy sẽ nói rằng: “Anh là kẻ lừa đảo”.

Cách đây không lâu tôi có đọc được một báo cáo nghiên cứu của người Mỹ, một đứa trẻ dù là trai hay gái, thì trong mắt trẻ, người đàn ông đầu tiên chính là bố mình, người phụ nữ đầu tiên chính là mẹ mình. Nếu bé gái không được bố mình công nhận, sau khi trưởng thành sẽ có một đặc điểm là, khi con tìm được người đàn ông của mình, cô ấy sẽ lưu luyến người này, nếu người này rời bỏ cô ấy, cô ấy sẽ vô cùng đau khổ, cô ấy phải tìm mọi cách để có được sự khẳng định của người này. Đã có rất nhiều người, khi đối phương nói là không yêu họ, vốn dĩ họ có thể từ bỏ và đi tìm một tình yêu và hạnh phúc mới, nhưng không, cô không yêu tôi, tôi sẽ giết cô, tôi sẽ tìm mọi cách để cô yêu tôi. Trên thực tế anh ta có yêu cô ấy không? Anh ta không yêu, mà chỉ quá lưu luyến mà thôi. Anh ta đang tìm kiếm điều gì? Anh ta đang tìm kiếm sự khẳng định của mẹ mình, tìm kiếm sự khẳng định của bố mình. Bi kịch của nhân loại chính là ở đây, những điều đó đã được hình thành từ thời thơ ấu của những người này.

Chúng ta biết, một đứa trẻ cho dù bị mẹ đánh đến thế nào vẫn sẽ yêu mẹ, muốn mẹ khẳng định mình. Nếu con trẻ cần tình yêu của bạn, tại sao bạn không thể cho con tình yêu? Con được thỏa mãn, bạn cũng thỏa mãn, đây chính là một việc tốt trúng cả hai mục đích, nhưng chúng ta lại không thể. Rất nhiều đứa trẻ nói: “Mẹ ơi bế con!”. Người mẹ nói: “Không bế được, con lớn rồi, con đã độc lập, con phải học cách tự đi đi”. Đứa bé chạy theo nói: “Mẹ ơi bế con, mẹ ơi con mệt lắm, con đau bụng”. Đứa con nghĩ ra mọi cách để được mẹ bế, người mẹ thì cho rằng không nên bế con, mà phải để con học cách độc lập.

Từ những đứa trẻ, tôi đã phát hiện ra rằng, trẻ trên 5 tuổi có một nỗi lo lắng, nỗi lo lắng ấy đến từ chính sự trưởng thành của trẻ. Trẻ 5 tuổi rưỡi, trẻ cảm nhận được sau 6 tuổi trẻ sẽ thay đổi, sự thay đổi ấy khiến trẻ sợ hãi, vì thế trẻ lại quay ra quấn mẹ. Giống như một đứa trẻ 12 tuổi, trẻ cảm nhận được cuộc sống của trẻ đang thay đổi, và sợ hãi sự thay đổi ấy. Trên thực tế, sự thay đổi ấy là sự thay đổi hướng tới độc lập, trẻ ngày càng cách xa mẹ, cách xa bến bờ an toàn của bản thân trẻ, trẻ phải tự bơi ở thế giới bên ngoài. Ý thức tiềm tàng ấy thật mãnh liệt. Bạn hãy quan sát xem, trẻ 7, 8 tuổi quấn mẹ nhất, hơi một tí là chạy ra bên cạnh mẹ. Đây gần như là sự lưu luyến trước lúc chia xa, từ 3 đến 6 tuổi, rồi đến 9 tuổi, trẻ phải liên tục vươn tới sự độc lập, nhưng có chút lo lắng và sợ hãi, trẻ cần có một sức mạnh để bước tiếp, trẻ muốn có tình yêu của mẹ.

Lúc con tôi 5 tuổi, ngày nào cũng bắt mẹ bế lên bế xuống cầu thang, lên xe không chịu ngồi sau mẹ mà ôm hẳn lấy mẹ, hai tay ôm cổ mẹ. Tôi bế con xuống xe, rất nhiều người bảo: “Chiều con thế, chiều lắm con sinh hư”. Tôi nghĩ, con thích cảm giác nào thì cho con cảm giác ấy, tôi cảm thấy điều này không thể làm hư một đứa trẻ. Yêu thương sao có thể làm hư một đứa trẻ? Giúp con trẻ trưởng thành, vì con thiếu thốn sự giúp đỡ, bởi vì chúng ta là tất cả những gì con trẻ có. Nếu người làm mẹ mà không thể bảo vệ quá trình trưởng thành của con mình, bạn thử suy nghĩ xem, thế gian còn có ai có thể làm được việc này?

Chúng ta hãy cùng đọc một câu chuyện trên “Reader’s Digest” (tạp chí chuyên về gia đình của Mỹ): Một thợ săn đang săn đuổi một đàn hươu, đuổi đến một ngọn núi, bên dưới là một vách đá, vách đá này cách vách đá đối diện một khoảng khá xa. Khi người thợ săn đuổi đến đây, đàn hươu bỗng trở nên yên lặng, hình như chúng đang mở một cuộc họp. Sau khi cuộc họp kết thúc, một con hươu già nhảy về phía vách đá bên kia, khoảnh khắc ấy, một con hươu già khác cũng nhảy theo. Bởi vì không con hươu nào có khả năng nhảy sang vách bên kia, chỉ khi con hươu đằng trước đang cố sức vượt qua, con hươu đằng sau cũng cất bước, giẫm móng sau của mình lên thân con hươu đằng trước, mới có thể nhảy được sang bờ bên kia. Hai con hươu già đầu tiên là hai con hươu đang thử nghiệm, những con hươu tiếp theo bắt đầu xếp thành hai hàng, con hươu đầu tiên nhảy, rồi các con khác nhảy theo, một con hươu già một con hươu non, cho đến khi tất cả các con hươu non sang được bờ bên kia, những con hươu con được cứu, những con hươu già đã hy sinh. Con hươu cuối cùng là con hươu đầu đàn, nó kiên quyết nhảy qua bờ bên kia, rồi rơi xuống vực. Tôi nghĩ, không ai đọc xong câu chuyện này mà không cảm động, nếu câu chuyện này là thật, chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy xấu hổ khi làm người sao?

Cho nên, trong cuốn sách “Nghệ thuật yêu” (The art of loving), Erich Fomm đã nói rõ với chúng ta rằng: Tình yêu đích thực mà cha mẹ dành cho con chính là quan tâm đến sự trưởng thành của con. Đây là điều mà chỉ có bạn mới có thể làm tốt nhất. Bởi vì quan tâm đến sự trưởng thành của người khác là một quá trình vô cùng phức tạp, vô cùng gian nan. Nếu một người mẹ quan tâm đến sự trưởng thành của con mình, điều đó không chỉ có nghĩa là quan tâm đến niềm hy vọng của gia đình, mà còn là quan tâm đến sự hưng thịnh của cả một xã hội, cả một dân tộc.

Chúng ta đã nói về du ngoạn trong trí tưởng tượng, tôi có cảm giác rằng, chúng ta đều là thành viên trong tập thể du ngoạn ấy. Sau đây tôi xin nói đến những phiền phức mà trạng thái du ngoạn này mang đến cho người lớn chúng ta. Montessori nói, trong nhà trường truyền thống, những trẻ giàu tưởng tượng, cũng chính là những trẻ đang du ngoạn trong thế giới tưởng tượng đều được coi là những trẻ có trạng thái tốt, có óc tưởng tượng, nhưng những trẻ đó đều không có kết quả học tập tốt, cũng có nghĩa là trẻ không có một thành tích lý tưởng. Nhưng những người lớn không thấy được một điều, đó là những trẻ có vấn đề. Montessori nói: “Người ta vẫn cho rằng trí tuệ giàu sức sáng tạo khiến người ta không thể tập trung vào thực tế”. Phần đông người lớn cho rằng một người hay tưởng tượng chính là một người có “sức sáng tạo”, vì quá giàu sức tưởng tượng mà không thể làm tốt những việc hiện thực trong cuộc sống.

Tình huống trí lực có thể phát triển bình thường hay không có liên quan đến vấn đề được yêu thương hay không. Trường chúng tôi có một bé là Viên Viên, khi bé 2 tuổi, mẹ bé sinh thêm một em trai nên không có thời gian chăm sóc bé, thường xuyên gửi bé sang nhà người khác. Sau đó, bố mẹ gửi bé học nội trú trong trường chúng tôi. Tâm lý và trí tuệ của bé chưa từng bình thường. Hôm đó, tôi mua cho con mình một đôi giày mới, con tôi rất vui, gặp ai cũng nói: “Mẹ mua giày mới cho con, mẹ mua giày mới cho con”. Viên Viên nhân lúc con tôi không để ý, đã giẫm lên đôi giày mới một cái. Con tôi khóc ầm lên, thế là Viên Viên nở một nụ cười sung sướng. Buổi chiều, khi tôi đến đón con, hoặc chồng tôi đến đón con, Viên Viên đều đòi bế hoặc là “Cho con đi xe với”, thế là chồng tôi cũng cho bé lên xe đi một vòng. Vì lúc đó Viên Viên ở nội trú, nên chúng tôi khá quan tâm đến con bé. Tôi cũng thường nói với chồng mình bế con bé để bù đắp sự thiếu thốn tình yêu của nó. Ngày nào cũng vậy, kết quả là con trai tôi đau khổ trong một thời gian dài, đến nỗi các cô còn phải nói với chồng tôi: “Sao anh lại như vậy? Anh có biết anh làm thế là không đúng không? Trạng thái tâm lý của con trai anh giờ cũng gần giống như Viên Viên”. Sau đó tôi phát hiện ra, khi chúng tôi không có ở đó, Viên Viên đã nói với con trai tôi: “Tớ sẽ không cho bố cậu làm bố của cậu nữa mà làm bố của tớ, tớ không cho bố cậu bế cậu, mà bế tớ”. Con tôi bị giày vò đến nỗi khóc ầm lên. Sau đó tôi phải nói với Viên Viên là: “Con không được như vậy. Mẹ hiệu trưởng yêu con, bố Tân Tân cũng yêu con, nhưng con không được làm thế với Tân Tân”.

Mỗi khi trường có khách, Viên Viên lại ra đón nói: “Chào dì, con dẫn dì đi tham quan nhé”. Sau đó, bé sẽ dẫn mọi người đi: “Thưa dì, đây là phòng âm nhạc của chúng con, đây là đàn piano”. “Thưa dì, đây là phòng nghệ thuật…”. Tất cả mọi người đều cho rằng bé thông minh. Còn những trẻ thật sự thông minh thì không hề quan tâm đến việc trường có khách, mà luôn chuyên tâm vào công việc của mình. Còn Viên Viên, vì tâm lý và cả trí tuệ của bé đều phát triển không bình thường, nhưng tất cả mọi người lại tưởng rằng bé thông minh. Tất cả khách đến trường, những người chưa hiểu về phương pháp giáo dục này đều nói con bé thật thông minh, vì bé biết quan sát sắc mặt của người khác, chỉ một thoáng qua cũng đủ để bé biết người đó có ý gì. Bé cũng thích khi người lớn tỏ ra thích thú bé. Sự chú ý của Viên Viên chỉ tập trung vào hai điểm: Một là tìm kiếm tình yêu ở khắp mọi nơi, hai là tìm cơ hội thể hiện. Viên Viên không còn chút sức lực nào để tập trung vào việc phát triển trí lực của bản thân!

Đặc điểm thứ hai của trạng thái du ngoạn trong trí tưởng tượng là khiến cho con người ta xa rời con đường và mục tiêu phát triển của bản thân.

Tôi nhớ có một lần, một cô giáo tiếng Anh đến dạy ở trường chúng tôi. Cô giáo này đang thử nghiệm một phương pháp dạy, phương pháp này đang tiến hành ở khắp mọi nơi, gọi là làm động tác, cũng giống như biểu diễn, lúc ngồi xuống, lúc lại đứng lên, vừa làm động tác vừa nói tiếng Anh. Lần này, cô muốn thử nghiệm ở trường chúng tôi. Tôi nói: “Phương pháp này không phù hợp với học sinh trường chúng tôi”. Cô ấy nói: “Tôi đã thử nghiệm phương pháp này ở rất nhiều trường mầm non, tất cả trẻ đều rất thích, tại sao lại không thích hợp?”. Tôi nói: “Phương pháp giáo dục của chúng tôi không giống thế”. Cô ấy nói: “Thế thì chị cho phép tôi thử nghiệm một buổi chiều, nếu không thành công thì thôi”. Đầu tiên, cô gom bọn trẻ lại, đứng lên nói thế nào, ngồi xuống nói thế nào, xua tay nói thế nào, lắc đầu nói thế nào…, cô giáo vô cùng hưng phấn. Bạn đoán xem, lũ trẻ trường chúng tôi, nếu không ngơ ngác quan sát thì bụm miệng cười, có trẻ còn nói: “Cô giống con khỉ”. Sau đó cô giáo đó nói: “Em thất bại rồi, học sinh trường chị không chịu học theo em”.

Trò chơi là trò chơi, khi chúng ta có ý định lồng ghép tri thức vào trò chơi, lâu dần sẽ khiến trẻ có những trở ngại tâm lý khi phải học thực sự. Nhưng trường chúng tôi chỉ có một trẻ học theo được, đó chính là Viên Viên. Bé đứng dậy nói “up”, ngồi xuống nói “down”…, bé làm y hệt cô giáo kia, tất cả những trẻ còn lại đều bụm miệng cười, nói bé giống con khỉ. Lúc đó, tôi có một cảm nhận sâu sắc rằng: Phương pháp này thực sự phù hợp với những trẻ như Viên Viên. Hơn nữa, phương pháp ấy còn phù hợp với đa số trẻ ở trường mầm non truyền thống. Có thể thấy rằng, nếu chúng ta không hiểu giáo dục, chúng ta sẽ đẩy trẻ vào con đường sai.

Nếu bản thân giáo viên cũng là một người du ngoạn trong trí tưởng tượng, thì bản thân người đó cũng không có sức sáng tạo, khi người đó giảng bài, sẽ nói với con trẻ “1” là cây gậy, “2” là con vịt, “3” là cái tai… Tôi đoán là người soạn ra những nội dung này muốn dùng cách ghi nhớ bằng sự liên tưởng để giúp trẻ nhớ nhanh, nhưng trí nhớ của trẻ rất tốt, không phát sinh bất cứ trở ngại nào, nên cách làm này sẽ chỉ làm phân tán sự chú ý của trẻ, làm hỏng trí nhớ của trẻ.

Trạng thái tâm lý tốt mới có thể đón nhận thử thách, và để đón nhận thử thách còn cần cả dũng khí. Chúng ta biết trí lực và dũng khí đều vô cùng quan trọng với một con người. Nếu một con người mất đi trí lực hoặc dũng khí, thì cả cuộc đời của họ sẽ thất bại. Ngay từ đầu Montessori đã nói rằng, thông thường, trí lực của con trẻ là ngang nhau, không có gì khác biệt. Nhưng khi trạng thái tâm lý của trẻ gặp trở ngại, thì sự khác biệt của toàn bộ trạng thái là rất lớn. Montessori đã so sánh điều này tương đương với một người bị gãy xương và một người không bị gãy xương. Chúng ta hãy tưởng tượng mà xem, nếu một người gãy xương mà không được băng bó cố định lại, thì người đó không thể làm gì nữa, cả cuộc đời sẽ thành tàn phế.

Trạng thái tâm lý tốt còn có thể chịu đựng những áp lực và bất trắc. Trong công việc và trong cuộc sống, áp lực là việc hoàn toàn bình thường. Quá trình tự điều tiết nên như thế này: Áp lực càng lớn, sức chịu đựng của con người càng cao. Nhưng trong rất nhiều tình huống, mọi việc hoàn toàn ngược lạc, rất nhiều người không chịu nổi áp lực. Đó là vì tuổi thơ của những người đó không được phát triển bình thường, họ không có sức mạnh tâm lý, không có năng lực tự kiểm điểm bản thân. Montessori nói: “Một tâm hồn bị thay đổi bất thường thì không thể chịu những sức ép lớn”. Trong xã hội này, trong mọi công việc, trong cuộc sống tương lai, chúng ta không thể tránh khỏi áp lực, vì áp lực là một trạng thái hoàn toàn bình thường, cũng có nghĩa là con người đối diện với áp lực là một hiện tượng bình thường. Mỗi con người đều phải có khả năng chịu đựng áp lực, nhưng khi một người gặp phải trở ngại về tâm lý, sức chịu đựng của họ sẽ suy giảm rất nhiều.

Những đứa trẻ gặp trở ngại về tâm lý sẽ không phát hiện ra những phép tắc của sự vật và bí mật của cuộc sống. Ví dụ như toán học, vốn dĩ toán học là một quá trình logic, chứa đựng bao nhiêu bí mật bên trong. Khi chúng ta thao tác gậy dài, chúng ta sẽ phát hiện ra cây gậy dài nhất dài hơn cây gậy tiếp theo đúng bằng một khoảng cách nhất định, và tương tự thế. Ở đây có logic và quy luật của toán học, khi trẻ phát hiện ra bí mật này, trẻ sẽ cảm thấy vui mừng. Sau đó, trẻ sẽ tự chủ tự giác thực hiện các hoạt động trí lực, ví dụ khi trẻ đếm liên tục từ 0 đến 99, trẻ sẽ phát hiện từ 0 đến 99 có 10 đến 19, 20 đến 29, 30 đến 39…, tất cả đều là 0 đến 9, tất cả đều là một quy luật. Nhưng những đứa trẻ đã gặp trở ngại về tâm lý, trẻ không phát hiện ra được bí mật này, trẻ không thể tìm hiểu sự thật, trẻ chỉ thích nghi với những gì cô giáo đã dạy, còn bản thân trẻ thì không phát hiện ra được điều gì.

Một người lớn như thế này sẽ bài trừ thế giới bên ngoài, trạng thái tình cảm thường thấy của người này là oán trách và cho rằng mọi việc thật bất công, phẩm chất ấu trĩ được thể hiện bởi trí lực chưa phát triển. Một vị phụ huynh tên là Đường Hà kể với tôi rằng, khi chị nói chuyện với một người bạn làm công an về trường Montessori, người đó đã nói: “Phi thực tế, sớm muộn gì họ cũng sẽ bị xóa sổ!”. Nói xong anh ta còn bổ sung thêm: “Theo tôi, trường này chuyên dạy ra những phần tử phạm tội, kết quả của tự do chính là tội phạm!”. Chị Đường Hà đã nói với anh ta là: “Khi tâm lý một người bị đè nén, bị trấn áp quá lâu, họ mới có thể bùng phát, có thể phạm tội. Còn một người tâm lý thoải mái thì họ phạm tội để làm gì?”. “Tôi không cần biết, nhưng chắc chắn chỗ đó sẽ giáo dục ra một loạt những tội phạm, rồi cũng bị xóa sổ mà thôi”. Đường Hà nói với tôi: “Anh ấy không hiểu và cũng không chịu hiểu. Anh ấy bài xích trường này. Đây chính là một người gặp trở ngại tâm lý nghiêm trọng. Nhưng anh ta cứ tưởng mình hiểu, cái này gọi là hiểu trong một phạm vi hạn hẹp. Kiểu người này chiếm số đông. Có những phụ huynh còn nói là: “Không đánh không thành tài”. Còn anh công an kia thì nói với Đường Hà là: “Tôi phải cảm ơn mẹ đã đánh tôi, đánh đến thừa sống thiếu chết. Chị xem, tôi được đánh mà trưởng thành, nhờ ăn đánh mà được làm việc trong ngành công an”. Anh ta còn nói: “Giáo dục mà không trừng phạt thì có mà loạn à!”.

Liệu có phải chúng ta cũng giống như thế, không ít thì nhiều? Tư tưởng của chúng ta không dễ dàng tiếp nhận cái mới? Kỳ thực thế giới bên ngoài rất phong phú, nhưng chúng ta lại nhốt mình trong thế giới riêng. Đối với con trẻ, tư tưởng của chúng ta là gì? Cũng có thể chúng ta cho rằng, bao nhiêu những thứ mà Montessori đã nói chính là tư tưởng. Nhưng thời kỳ trẻ em thì không thế, rất nhiều điều được thể hiện trong từng việc nhỏ. Ví dụ tôi thường hay dẫn con trai đi mua đồ, có lúc không đủ tiền, tôi nói: “Mẹ chỉ có mười tệ, không đủ tiền để mua tất cả những thứ này, nên con chỉ được chọn hai thứ”. Con tôi nhanh chóng chọn ra được hai thứ, trả những thứ còn lại về chỗ cũ còn mình thì vui vẻ ra về. Nhưng một đứa trẻ khác thì không như vậy. Mỗi lần bé thấy Tân Tân nhà tôi được mua gì thì lại đòi: “Mẹ ơi, con cũng cần”. Mẹ bé bảo: “Thế thì con đi mua đi”. Nhưng mỗi khi đứng trước tủ hàng có bao nhiêu thứ, bé lại bị rối loạn. Bạn hỏi bé: “Con có cần thứ này không?”. Bé nói: “Không cần”, nhưng vẫn đứng mãi ở đó. Mỗi lần tôi dẫn bé đi, tôi đã đứng đó hàng tiếng đồng hồ, sau đó thì tôi cũng sốt ruột mà phát cáu: “Sao mãi mà con không chọn ra thứ mình thích thế. Thế con muốn mua cái gì?”. Nhưng bé vẫn không chọn được, bé vừa định cầm thứ này lên thì lại buông ra: “Con không lấy cái này nữa, con muốn đổi cái khác”. Bé đã không thể điều khiển được bản thân mình.

Sự việc này khiến tôi suy nghĩ mãi. Nếu là một lần, tôi còn có thể cảm thấy là một việc ngẫu nhiên, nhưng hai lần, ba lần… tôi phát hiện ra lần nào bé cũng vậy, hoảng loạn không biết phải làm gì, bé đã giống như Montessori từng nói, không thể “điều khiển tư tưởng của bản thân”. Một em bé như thế này chắc chắc không thể phát triển trí lực một cách bình thường.

Chúng ta biết rằng, con trẻ tuân theo sự chỉ dẫn của phôi thai tinh thần, thông qua các hoạt động của mình thực thể hóa phôi thai tinh thần, từ đó đạt tới sự phát triển bình thường. Nếu tâm lý và trí lực của trẻ vấp phải trở ngại, trẻ sẽ bắt đầu du ngoạn trong trí tưởng tượng, trẻ không thể phát triển trí lực của mình, trẻ sẽ đi chệch khỏi quỹ đạo phát triển bình thường.

Một lần con của hàng xóm nhà tôi bị đứt tay. Hôm đó là mùa đông, tôi đi làm về nhìn thấy, tôi nói: “Lê ơi, cháu bị đứt tay rồi, bây giờ đang là mùa đông, dễ bị nhiễm trùng lắm”. Lúc đó cháu bé 3 tuổi. Tôi bảo: “Cháu phải vào nhà nhờ mẹ băng tay cho”. Cô bé nói: “Không sao đâu, cháu không sao đâu”. Khả năng ngôn ngữ của cô bé rất tốt. Tôi nói: “Không được đâu, tay cháu sờ vào đất cát thế này, rất dễ nhiễm trùng, cháu phải về nhờ mẹ băng lại cho”. Tôi khuyên mãi, cô bé nói: “Vâng ạ, cháu với bác cùng đi”. Tôi đi theo sau cô bé, kết quả là cô bé vừa vào đến cửa thì khóc òa lên, vừa khóc vừa kêu: “Mẹ ơi con bị đứt tay”. Mẹ cô bé nói: “Đưa đây mẹ xem nào”. Rồi mẹ cô bé đi tìm một miếng vải, quấn tay cô bé một vòng, không cần sát trùng, cũng không buộc lại, nói: “Con thật là anh hùng”. Nói xong thì vội đi làm việc khác. Cô bé đó vội giơ ngón tay lên nói: “Anh hùng, mình là anh hùng!” rồi chạy mất.

Thật là! Lúc đó tôi cảm thấy con người thật là cẩu thả, cuộc sống là khổ nạn. Ai cũng nhìn thấy tâm thái trước và sau của cô bé. Tại sao cô bé không muốn đi tìm mẹ mình? Tại sao cô bé không cần ai cả? Tại sao cô bé vào gọi mẹ lại phải khóc òa lên? Tại sao cô bé cũng gọi mình là anh hùng? Con đường trưởng thành của con người thật là tàn khốc. Ứng phó với con trẻ là hành vi thường thấy của người lớn, cho dù trình độ của họ thấp hay cao.

Một người bạn của tôi khi học lên đại học, thành tích học tập toàn là 88 hoặc 89 điểm(1), nhưng cô ấy không hiểu tại sao. Một lần cô ấy ngồi cùng một bạn học khác của tôi là Dương Bình, cô ấy nói: “Lần nào cậu thi cũng được trên 90 điểm, còn tớ thì chưa bao giờ được 90 điểm cả. Rõ ràng là khi cô giáo chấm điểm, cô đã quy định một số người được trên 90 điểm và một số người phải dưới 90 điểm”. Tôi ở cùng cô ấy một năm, tôi phát hiện thấy cô ấy và Dương Bình hoàn toàn khác nhau. Đặc điểm của cô ấy là học cái gì cũng chỉ học một lần, nên chỉ mơ hồ, không rõ ràng. Vì thế, khi hỏi đến những chi tiết nhỏ, cô ấy sẽ không hiểu. Còn Dương Bình thì không như vậy, Dương Bình có một cảm giác sắc sảo, có thể phân biệt đến từng chi tiết của sự việc. Dương Bình nắm bắt những vấn đề lớn một cách gọn gàng, chắc chắn, và khi được hỏi đến những chi tiết nhỏ, cũng trả lời một cách rành mạch. Rõ ràng là cô ấy nắm bắt tri thức một cách rất có hệ thống.

Còn người bạn kia, cô ấy học dựa vào trí nhớ. Hãy nhìn thành tích của cô ấy, chưa bao giờ vượt quá 90 điểm. Hỏi đến chi tiết thì cô ấy không biết, vừa nghe câu hỏi cô ấy đã thấy sợ, tại sao mình không nghĩ đến vấn đề này nhỉ? Trên thực tế, thực chất của vấn đề lại phát sinh từ quá trình phát triển trí lực của những năm đầu đời, đây là vấn đề về tư duy. Từ tư duy chi tiết đến toàn bộ cục diện, rồi lại phải quay về từng chi tiết; từ cảm giác đến khái niệm, rồi lại phải quay về cảm giác. Nhưng rất nhiều người chúng ta dừng ở giữa chừng. Chúng ta có thể tiến hành khảo sát, những đứa trẻ có kết quả học tập không tốt đa phần là những đứa trẻ có cha mẹ độc đoán, việc gì cũng phải nghe theo bố mẹ. Còn những trẻ có thành tích tốt hơn, đa phần sống trong một gia đình dân chủ, tư duy của chúng cũng hoàn chỉnh hơn.

Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ tuổi ấu thơ, cả trạng thái của con trẻ không được phát triển tốt. Con của em họ tôi hay bị bố mắng mỏ, mỗi lần trẻ đọc “Bách khoa toàn thư”, cháu cũng nắm bắt nhanh hơn Tân Tân. Nhưng đó chỉ là những kiến thức chung. Tri thức rải rác ở khắp mọi nơi, cháu không thể sắp xếp, liên tưởng và phân loại tri thức. Nguyên nhân của trạng thái trí lực này là vì tâm hồn cháu đã lạc đến một thế giới khác, cũng có thể nói là cháu đã du ngoạn đến một thế giới tưởng tượng, nên vừa gặp khó khăn đã mất lòng tin. Trạng thái của một người bình thường là tiếp tục tiến lên khi gặp khó khăn: “Có khó khăn rồi, đây là lúc thể hiện khả năng của mình”. Nhưng cũng nhiều người lùi bước khi gặp phải khó khăn, họ cúi đầu đau khổ: “Biết làm thế nào bây giờ?”.

Con trẻ cũng vậy, ví dụ như ngày quốc tế thiếu nhi 1 tháng 6, trường mầm non tổ chức trình diễn thời trang. Có những cháu nghe thấy biểu diễn thời trang là vui vẻ lên sân khấu, nhưng có những cháu bình thường luyện tập rất tốt, nhưng đến lúc lên sân khấu thì bị “ngợp” trước khán giả. Điều này là biểu hiện của một đặc điểm điển hình nhất: Gặp phải khó khăn là lùi bước, sự tự tin bị dao động. Tôi xin đưa ra một ví dụ, trường chúng tôi có bé Cửu Cửu, bé và mẹ đến nhà dì chơi. Dì của bé có một bé gái tên là Hàng Hàng. Hàng Hàng lớn hơn Cửu Cửu. Trước đây, mẹ của Hàng Hàng kiêu lắm, lúc nào cũng cảm thấy con của mình xuất sắc hơn. Họ sống chung với nhau ba tháng, trong ba tháng này, Hàng Hàng hay biểu diễn tiết mục cho người lớn xem như đọc thơ, múa hát… rất vui vẻ. Bé Cửu Cửu vào học trường chúng tôi một năm, hai đứa trẻ lại gặp nhau. Có một lần, hai bé chơi với nhau rồi nảy sinh mâu thuẫn, Hàng Hàng đánh Cửu Cửu một cái, Cửu Cửu mặc kệ, Hàng Hàng lại đánh cái nữa. Lúc này, Cửu Cửu quay lại đánh cho Hàng Hàng một cái mạnh hơn. Hàng Hàng ngồi khóc, Cửu Cửu không đi tìm mẹ mình mà đi tìm mẹ Hàng Hàng nói: “Lần thứ nhất Hàng Hàng đánh cháu, cháu không phản ứng. Lần thứ hai Hàng Hàng đánh cháu, cháu mới đánh trả”. Cửu Cửu sử dụng từ “đánh trả” vừa có lý, vừa có sức mạnh. Cửu Cửu đã có đủ dũng khí để tự bảo vệ mình.

Một người bạn của tôi có con không được xinh, người lớn thường hay nói: “Đứa trẻ này xấu quá!”. Bé Cửu Cửu đứng dậy nói: “Cô không được nói người khác như thế!”. Người lớn đó nói: “Cô đâu có nói con”. “Cô không được nói ai cả”. Người bạn tôi thấy thế rất kinh ngạc, bởi vì chưa có ai nói rõ ràng về việc này như thế. Tôi cảm thấy đây chính là khả năng phân biệt đúng sai, cũng là biểu hiện của khái niệm rõ ràng và tràn đầy dũng khí. Nếu tâm hồn của một đứa trẻ được phát triển bình thường, trẻ sẽ nhìn nhận được thực chất của vấn đề. Khi trẻ nhìn được thực chất của vấn đề, trẻ sẽ nói ra được cách nhìn nhận của mình, vì trẻ có đủ dũng khí. Nếu trẻ không nói, thì đó không phải vì vấn đề dũng khí mà đó là sách lược của trẻ. Đó là những đứa trẻ phát triển bình thường. Còn với những đứa trẻ thiếu dũng khí, có thể trẻ cũng có suy nghĩ như vậy, nhưng trẻ không nói ra. Nhưng phần đông trẻ em không có được suy nghĩ này. Suy nghĩ là trí lực, dám làm là dũng khí, cách làm là sách lược.

Có một lần, cả nhà tôi tranh luận về một việc. Nói qua nói lại mãi, con tôi đứng dậy nói: “Cả nhà không nói nữa, mẹ có lý, nghe mẹ đi!”. Vốn dĩ sự việc này cũng chẳng có gì, nhưng tôi cảm giác được, cả quá trình con nghe bao lời phức tạp như thế, nhưng vẫn giữ được chủ kiến của mình. Một đứa trẻ muốn ăn thịt dê xiên, bé bảo: “Bố ơi, đúng ra là chiều nay con đã ăn cơm rồi, nhưng con vẫn đói. Giờ con đang thấy đói, không về được đâu”. Bố bé nói: “Thế thì chúng ta về nhà ăn nhé”. Cậu bé ngồi sau khóc ấm ức. Bố hỏi: “Con khóc cái gì?”. Bé bảo: “Con muốn ăn thịt dê xiên”. Sau đó bố bé hỏi tôi: “Sao nó không nói thẳng ra?”. Tôi nói: “Vì cậu bé sợ anh!” Trên thực tế, trẻ hoàn toàn có thể nói thẳng với bạn, tại sao lại không chứ? Nhưng mỗi lần bé làm vậy, mỗi lần bé nói vậy, mỗi lần bé tuân theo sự phát triển của bản thân bé, thế nào cũng xảy ra vấn đề. Nhưng nếu mỗi lần bé đã lấy hết dũng khí ra mà vẫn phải nói vòng nói vo, lâu dần cũng xảy ra vấn đề. Nhưng cuộc sống thì lâu dài và tinh tế, tâm lý và thói quen của chúng ta cũng phát huy tác dụng lâu dài và tinh tế như thế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.