Yêu Thương Và Tự Do
Chương 4 TRẺ EM CẦN PHẢI TỰ CẢM NHẬN
Xe lửa đi trên đường ray, đó là quy luật của người lớn. Khi trẻ em lấy đồ chơi xe lửa để chơi trò khác, bố sẽ nói: “Không đúng, xe lửa phải đi trên đường ray”. Bạn có hiểu được con trẻ đang nghĩ gì không? Đó có thể là những suy nghĩ không liên quan gì đến xe lửa, cũng có thể trẻ đang ôn tập hoặc phát triển những điều của ngày hôm qua.
Con trẻ bắt đầu như một tờ giấy trắng và tự mình phát triển, đó là “lý tính của trẻ em” (chữ dùng của Montessori). “Lý tính” đó chỉ trật tự, trình tự nội tại tự phát dưới sự chỉ dẫn của phôi thai tinh thần. Thời kỳ nhạy cảm chính là xoay chuyển quanh nó. Cả quá trình phát triển của trẻ được căn cứ trên sự vận hành của bản thân.
Rất nhiều cha mẹ nói: “Tôi phải dạy con mình…”, như thể cả quá trình phát triển trí lực của con trẻ đều dựa vào người lớn. Nếu không có vai trò của người lớn, con trẻ sẽ trở thành đần độn, đa số người lớn đều có suy nghĩ này. Montessori nói, người lớn chúng ta thích làm nhất một việc, đó là đóng vai trò thượng đế của con trẻ, đặc biệt là những khi con trẻ làm sai một việc gì, người lớn ngay lập tức muốn nhắc nhở trẻ, ngay lập tức muốn sửa sai cho trẻ, nói với trẻ nên làm thế nào. Trên thực tế, trẻ em tự phát triển dựa trên lý tính nội tại của mình, quá trình lý tính này là tự nhiên và đầy tính sáng tạo. Montessori nói: “Lý tính cung cấp năng lượng và động lực đầu tiên. Các loại ấn tượng được chỉnh lý sắp xếp để phục vụ cho lý tính. Con trẻ sẽ tiếp thu những ấn tượng đầu tiên để trợ giúp lý tính”. Quá trình lý tính này là một kiểu vận động tự phát. Mặc dù kiểu phát triển tinh thần này của trẻ cần đến sự giúp đỡ của người lớn chúng ta, ví dụ như một em bé sơ sinh, nếu không có sự giúp đỡ của người lớn, bé sẽ không thể sống nổi, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta sẽ trở thành “đấng cứu thế” của bé. Cho dù là chúng ta giúp bé, nhưng sự phát triển tinh thần của bé dựa vào bản thân bé, chúng ta chỉ giúp bé hình thành khái niệm, liên kết khái niệm, phân biệt khái niệm, phát triển tư duy.
Tôi xin đưa ra một ví dụ. Bởi vì khái niệm đầu tiên mà con tôi nhận thức được là “trời” nên những vì sao trên trời cũng là một trong những sự vật mà cháu nhận thức sớm nhất tiếp theo sau. “Trời”, “sao” thuộc trong cùng một phạm vi. Lúc đó tôi đã tiến hành nghiên cứu mấy năm phương pháp giáo dục Montessori, giờ nghĩ lại mới thấy rất nhiều suy nghĩ của tôi lúc đó vẫn theo quan niệm truyền thống. Thế nên, khi tôi cố nhồi nhét cho cháu những cái gọi là tri thức, cũng vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống. Có một ngày, trên ti vi xuất hiện cảnh biển thật đẹp, tôi nói với con trai: “Tân Tân, con nhìn xem, đây là con sao biển!”. Trạng thái của con trai tôi lúc đó thật giống với máy tính bị “đơ”, cháu nói: “Sao… a…”, trợn mắt há miệng chỉ lên trời, ngạc nhiên vô cùng. Cháu chưa tưởng tượng ra con vật dưới biển đó lại liên quan gì đến ngôi sao trên trời. Điều này là thế nào? Lý tính của bản thân cháu đã biết phân biệt và suy luận, nên cháu đặc biệt nhạy cảm với những từ đồng âm nhưng chỉ những sự vật khác nhau. Lúc đó tôi đã hiểu ra rằng, tâm trí cháu vẫn chưa đạt được đến năng lực phân biệt hai từ đồng âm khác nghĩa “sao”. Còn phương pháp nhồi nhét của tôi đã khiến cháu cảm thấy sợ hãi.
Montessori từng đưa ra một ví dụ. Một em bé 4 tuần tuổi và tình trạng của em là, khi em mới sinh, mẹ em bế em, sau đó bác trông trẻ bế em, nhưng từ đầu đến cuối chỉ có một người ở bên cạnh em. Đồng thời, chú em và bố em cũng chỉ xuất hiện riêng lẻ bên cạnh em. Kinh nghiệm ấy nói với em rằng, trong nhà chỉ có một người phụ nữ và một người đàn ông. Đột nhiên có một hôm, chú và bố của em cùng xuất hiện. Em bé nhìn, bên này là chú, bên kia là bố, hai người đàn ông nhìn tương tự nhau khiến em lẫn lộn và sợ hãi. Montessori đã dạy chúng ta làm thế nào giải quyết vấn đề này. Khi con trẻ gặp phải vấn đề này, hãy để chú đứng bên trái, bố đứng bên phải. Em bé sẽ liên tục nhìn hết bên này nhìn sang bên kia, cuối cùng em sẽ phát hiện ra một bí mật: Trên thực tế là hai người khác nhau. Con trẻ tiếp thu mọi thứ theo một trình tự đã được định hình, chúng không muốn phá vỡ trình tự nội tại của bản thân. Trình tự nội tại này cũng chính là “lý tính trẻ em” mà Montessori từng nói. Khi tình huống thực tế và trình tự nhận thức của trẻ không ăn khớp nhau, trẻ sẽ rất lo lắng.
“Thực thể hóa” cũng là một khái niệm của phương pháp giáo dục Montessori. Thế nào là “thực thể hóa”? Chúng ta đều biết, phôi thai tinh thần của bản thân trẻ chỉ dẫn trẻ phát triển. Phôi thai tinh thần phải biến thành một phần máu thịt không thể tách rời của trẻ, điều này cần đến một quá trình, quá trình này chính là “thực thể hóa”. Montessori đưa ra một ví dụ thời đó: “Kinh Thánh” đã trở thành một phần máu thịt, một phần cuộc sống của những con chiên ngoan đạo, đó chính là “thực thể hóa”. Một ví dụ khác là việc ghi chép khi nghe giảng, những nét chữ vô thức cũng là “thực thể hóa”. Có những lúc chúng ta mải tập trung suy nghĩ một vấn đề rồi bỗng phát hiện ra mình đã đi một quãng đường rất dài, đi nhanh hay đi chậm, quãng đường ấy mình đã gặp ai, chào hỏi họ ra sao, chúng ta đều không nhớ. Lúc đó, những lời chúng ta nói, cách chúng ta đi đường, cũng chính là những thứ đã được “thực thể hóa” tồn tại trong con người chúng ta.
Con trẻ phải làm thế nào mới có thể “thực thể hóa”? Chỉ có một cách, đó là không ngừng hoạt động, thông qua những hoạt động để “thực thể hóa” phôi thai tinh thần. Ví dụ trước mắt trẻ có một chiếc bình, sự xúc động trong bản thân trẻ mách bảo trẻ: “Đi lấy cái bình đó!”. Thế là trẻ chập chững bước tới lấy cái bình, sờ mó cái bình. Chính quá trình lặp đi lặp lại những hoạt động đó đã khiến phôi thai tinh thần của bản thân trẻ “thực thể hóa” hành động vừa rồi. “Thực thể hóa” là một quá trình như thế, một quá trình thực hiện những xúc động tinh thần của bản thân trẻ. Montessori nói, con trẻ tiến hành một quá trình tự tổ chức của riêng mình, biến những thứ đó thành trí nhớ.
Tôi xin đưa ra một ví dụ khác. Một đứa trẻ cầm một chiếc gối, trên gối có hình hoa, đứa trẻ ngửi bông hoa, thơm bông hoa đó. Bác trông trẻ cho rằng cháu bé đang để ý cái gối, nên lại mang thứ khác đến cho cháu thơm. Thế là bác mang đến một loạt những thứ khác đến. Bác trông trẻ không hiểu được tâm lý trẻ em, trẻ em muốn thơm cái gì là do sự xúc động lý tính của bản thân các em chi phối chứ không do ngoại cảnh tác động. Thế nên, khi người lớn mang đến bao nhiêu thứ bảo em “ngửi cái này”, “thơm cái kia”, suy nghĩ của các em đã bị xáo trộn.
Tôi nghĩ đâu chỉ mình bác trông trẻ vừa kể trên như vậy, mà ngay cả tôi cũng thế. Mỗi khi con trai tôi làm một việc gì đấy, thấy con cố gắng nhiều lần mà không được, tôi thường sẽ lấy cho con thứ gì đấy. “Thử cái này đi, con trai!”. May mà con trai tôi nói: “Mẹ đừng nói nữa! Mẹ yên lặng một chút được không?”. Mỗi buổi sáng, tôi muốn nói với con trai bao nhiêu là việc, thì chồng tôi lại nói: “Em yên lặng chút đi! Cứ để con tự suy nghĩ!”. Rồi con tôi nghe được câu nói ấy, hễ tôi lên tiếng vào buổi sáng, nó lại nói: “Yên lặng! Mẹ yên lặng!”. Lâu dần tôi cũng trở thành người yên lặng. Một buổi sớm, tôi mặc áo cho con, lúc bảo con đứng dậy, tôi phát hiện vẻ tập trung, chăm chú trên mặt con. Tôi nghĩ, cu cậu đang nhìn gì vậy? Tôi nhìn theo ánh mắt của con, nhìn thấy ánh nắng ban mai đang rọi qua cửa sổ kính vào chiếc áo ngủ màu hồng, sắc hồng ánh lên dưới ánh nắng mặt trời, đẹp rạng rỡ. Thấy con tập trung, tôi không dám lên tiếng, tôi nghĩ, mình không thể phá vỡ quá trình tự nhiên nội tại của con. Một lúc sau, con không nhìn nữa. Tôi hỏi: “Có phải con nhìn thấy ánh nắng mặt trời chiếu trên chiếc áo ngủ của mẹ rất đẹp không?”. Con trai tôi gật đầu. Nhưng ai mà biết được, trong lúc đó đã xảy ra chuyện gì? Cảm giác đầy chất thơ của con được sinh ra thế nào và lưu giữ ra sao? Nếu trong quá trình đó tôi cứ nói mãi những điều giáo lý, thì liệu quá trình đó có còn tồn tại được hay không? Hiển nhiên là người lớn chúng ta đã quá thích nói nhiều!
Montessori từng đưa ra một ví dụ. Một đứa trẻ chơi đồ chơi xe lửa, cháu không cho xe lửa đi trên đường ray. Xe lửa đi trên đường ray, đây là quy tắc của người lớn, nên khi cháu bé dùng đồ chơi này để chơi những trò khác, bố cháu sẽ nói: “Con trai, làm thế sai rồi, xe lửa phải đi trên đường ray, phải thế”. Con không muốn thế, nhưng bố bắt con phải làm theo ý mình, liên tục can thiệp vào trò chơi của con.
Điều này cực kỳ trùng hợp với bố của cháu Tế Tế ở nhà trẻ chúng tôi. Bố của Tế Tế rất yêu con, nhưng trạng thái của cháu không tốt. Có những lúc cậu bé cầm chiếc khăn mặt muốn vắt lên giá phơi, không vắt được thì cứ đứng ở đó, cháu có thể cứ cầm khăn mặt mà đứng đó nửa tiếng đồng hồ. Sau này con tôi đến nhà cháu chơi, con tôi cứ chơi cái gì, cháu lại giằng lấy nói: “Không được làm thế, phải thế này!”. Con tôi lại để đồ chơi đó xuống, chơi thứ khác. Vừa cầm lên chơi, Tế Tế lại giằng lấy: “Không phải! Phải chơi thế này này”. Đến bốn giờ chiều, tôi phát hiện ra con trai mình đã bị đè nén tới mức không thể chịu đựng, mượn một cái cớ khóc òa lên. Họ nói con tôi tranh đồ chơi với Tế Tế, tôi nói: “Không phải, Tế Tế đã áp đặt Tân Tân quá nhiều, Tân Tân chơi đồ chơi theo cách của mình, Tế Tế lại giằng lấy, ‘Phải chơi thế này này’”. Cách làm của Tế Tế thuần túy là cách làm của bố cháu. Tế Tế rất thông minh, sự thông minh của cháu được thể hiện ra ở đâu? Cháu nhanh nhẹn, rất rất nhanh nhẹn. Nhanh nhẹn đến mức nào? Như con bồ câu, như con nai nhỏ, rất nhiều người thích. Nhưng tôi cho rằng, năng lực tự tổ chức của cháu đã mất sạch, cháu không có tính sáng tạo. Vì trẻ em phải được tự mình tìm tòi, cố gắng, thành công, trong quá trình tự phát triển của mình, để các kinh nghiệm thấm dần vào máu thịt, để các khái niệm đó được “thực thể hóa”. Kinh nghiệm này bắt đầu từ những tìm tòi của chính bản thân các em, thông qua những quá trình tự mở mang khai phá mà hình thành.
Thời kỳ trẻ thơ là thời kỳ khai sáng kinh nghiệm cảm giác, thời kỳ cảm giác kinh nghiệm sáng tạo, thời kỳ nhạy cảm của tri thức cảm giác. Lúc này, nếu rút ra được những kết quả từ chính kinh nghiệm bản thân, nó sẽ trở thành một phần cuộc sống của bạn, là của bản thân bạn. Còn những thứ người khác dạy bạn, đó là kinh nghiệm cảm giác của người khác, kinh nghiệm cảm giác là không thể thay thế! Người ta không thể dạy nhau về ý tưởng sáng tạo!
Montessori nói: “Việc trẻ em cần phải lưu giữ những ấn tượng rõ ràng mà chúng có được là tuyệt đối cần thiết, bởi vì chỉ khi những ấn tượng đó rõ ràng và được phân biệt rõ, trẻ mới có thể hình thành trí lực của bản thân mình”.
Trường Đại học Havard có một thực nghiệm mang tính kinh điển. Thực nghiệm đó chỉ ra rằng, những nhận thức của trẻ với sự vật hiện tượng luôn là như thế này, khi bạn đưa cho trẻ một kiến thức hoàn toàn mới, trẻ không tiếp nhận; nếu bạn đưa cho trẻ một thứ trẻ đã từng nhận biết, chỉ có một chút nội dung mới, trẻ cũng không tiếp nhận. Nhưng, nếu trong đó có một phần lớn nội dung trẻ đã từng nhận biết, đã từng nắm vững, chỉ có một phần nhỏ nội dung trẻ chưa nắm vững hết, lúc này, trẻ tiếp nhận nhanh nhất. Bởi vì trẻ thích liên hệ một sự vật này với một sự vật khác.
Chúng ta đều đã xem bộ phim hoạt hình Disney kinh điển “Cây đàn thần kỳ”. Cây đàn piano đó có thể tự đánh đàn, nên cậu bé trong phim đã thỏa thuận với cây đàn. Thế là những lúc cây đàn tự đánh, mọi người lại tưởng là cậu bé đang chơi đàn nên liên tục mời cậu đến tham gia những buổi dạ hội, liên tục khen ngợi cậu. Cậu bé sinh ra kiêu ngạo. Thông qua câu chuyện này trẻ em hiểu rõ khái niệm của từ kiêu ngạo. Khi bạn có được chút thành tích, bạn sẽ kiêu ngạo. Khái niệm này là nghĩa xấu. Nhưng có những lúc, vì con trẻ làm rất tốt, mẹ cháu sẽ nói: “Mẹ cảm thấy kiêu hãnh vì con!”. Thế là, trẻ em lại hiểu được hàm nghĩa thứ hai của từ “kiêu”, nhưng trước hết trẻ sẽ nêu ra câu hỏi: “Mẹ ơi, cậu bé trong ‘Cây đàn thần kỳ’ kiêu ngạo, lúc nãy mẹ lại nói từ kiêu hãnh, tại sao lại có hẳn hai từ ‘kiêu’ thế?”. Cháu bé đã bắt đầu phân biệt được những từ đồng âm. Cũng một từ “kiêu”, nhưng ghép với hai từ khác nhau, miêu tả cảm giác trong những hoàn cảnh và sự việc khác nhau. Cảm giác này tương đối phức tạp, độ khó của nó phù hợp với năng lực tiếp nhận và hứng thú của trẻ(1).
Trí lực cũng thể hiện ở năng lực phân biệt sự vật hiện tượng. Khi phân biệt những sự việc hiện tượng này, con trẻ sẽ nắm được những sự việc chung, nắm bắt được bản chất của khái niệm, như thế, Montessori nói: “Trẻ mới có thể hình thành trí lực của mình”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.