Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

4



Tôi nhớ như in một trường hợp trong siêu thị. Ôi, thật mệt cho các siêu thị! Trong siêu thị, tôi toàn gặp chuyện xui xẻo, rắc rối. Ban đầu, người ta không cho phép bà Polina cùng tôi đi vào siêu thị. Nhớ lại lần bị nhốt trong cốp xe hơi, tôi thầm mong bà Polina đừng chấp nhận đề nghị của các nhân viên bảo vệ là bỏ tôi lại một mình bên ngoài. Nhưng lo lắng là thừa – bà Polina đã thể hiện “tính chiến đấu” và khả năng xông xáo của mình. Bà ấy xộc vào mọi nơi, từ trụ sở chính quyền đến văn phòng ban giám đốc siêu thị để đòi cho bằng được cái quyền đưa chó dẫn đường vào siêu thị. Cuối cùng thì các nhân viên bảo vệ phải miễn cưỡng để cho chúng tôi vào cửa. Họ không thể làm gì khác, vì đã có lệnh từ trên xuống.
 
Lúc đầu tôi nghĩ rằng tranh đấu làm gì cho mệt, không cho vào thì thôi, mặc xác họ. Ở gần nhà của chúng tôi cũng có một cửa hàng thực phẩm, tuy không lớn lắm nhưng cũng bán đầy đủ những thứ giống y như trong siêu thị. Nhưng mà không, bà Polina muốn đi siêu thị cho bằng được cơ. Cho đến khi hiểu ra cớ sự, tôi mới thực sự bàng hoàng sửng sốt. Sống với bà già này, bạn có thể trở thành… bất cứ hạng người nào.
 
Chúng tôi vào siêu thị, đi len lỏi giữa các dãy kệ hàng, bà ấy dùng tay sờ mó, nắn bóp, tìm xem thứ hàng nào nằm ở đâu. Đi được chừng hai vòng, bỗng tôi nghe bà Polina Foteevna nói khẽ:
 
– Này, anh bạn, xơi đi! – Bà ấy dúi vào mũi tôi một bánh phô-mai.
 
Tôi thật sự lúng túng, mặc dù mùi phô-mai thơm nức khiến nước miếng tứa ra đầy miệng. Bà ấy nói tiếp:
 
– Mày làm sao thế hở chó? Mày no lặc no lè rồi hay sao? Không đói à? Sao lại quay mõm đi? Người ta đưa thì lấy, người ta đánh thì chạy? Ăn đi chó, tao cho mày ăn đấy.
 
Còn biết làm gì khác được? Tôi đành ăn mẩu phô- mai. Bà Polina chọn cho tôi những món ngon hơn nữa, chẳng hạn chiếc bánh dẻo thơm phức, ngọt lịm. Tóm lại, hôm ấy tôi xơi căng bụng những món ăn tuyệt hảo. Bà già ranh mãnh chỉ mua một chai sữa và một ổ bánh mì để che mắt thiên hạ, rồi chúng tôi lên đường về nhà.
 
– Thế nào? – Bà ấy hỏi tôi trên đường về. – Ngon chứ?
 
– Gâu! – Tôi trả lời. Chắc các bạn còn nhớ, âm thanh ấy có nghĩa là “Vâng”.
 
Ngay từ buổi làm quen đầu tiên, bà Polina Foteevna đã đoán ra tiếng “gâu” của tôi có nghĩa là gì.
 
– Ờ, giỏi đấy, – bà ấy mỉm cười. – Bị ăn mất một miếng phô-mai với mấy cái bánh, lũ tư sản mại bản ấy cũng chẳng nghèo đi đâu mà sợ. Chẳng có gì là ghê gớm cả. Đừng sợ, Trison, chúng ta sẽ không chết đói đâu.
 
Vừa đi tôi vừa suy nghĩ: bà ấy làm như thế để làm gì? Ở nhà, thức ăn dành cho tôi đã hết rồi hay sao? Hay từ nay bà sẽ cho tôi ăn trong siêu thị, bằng những thứ ăn cắp được? Ôi, tôi không thích điều đó tí nào. Như thế nghĩa là sao? Từ một con chó dẫn đường, tôi sẽ biến thành kẻ cắp? Nhưng tôi nào phải là kẻ cắp? Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ tự tiện lấy của ai một miếng ăn nào khi chưa được cho phép, dù có đói rũ sắp chết. Nhu cầu của một con chó thì có bao nhiêu? Nhưng tôi có nghĩa vụ phải phục tùng con người, tuân theo mệnh lệnh. Ôi, hình như tôi đang cố tìm cách thanh minh, bào chữa cho mình. Dù sao thì tôi cũng cảm thấy hối hận. Thật xấu hổ khi mình là đồng lõa của kẻ cắp.
 
Tóm lại, chúng tôi đã tiến hành vài cuộc “tấn công” như vậy vào siêu thị. Mọi chuyện đều êm xuôi. Có lần tôi còn nghĩ rằng làm chuyện này là tôi đã trả thù được cho lần đi cùng với Sashka bị chặn đứng trước lối vào siêu thị. Sau đó tôi bị bắt trộm rồi bị ngược đãi ghê gớm. Cũng còn may là mọi chuyện kết thúc tốt đẹp, nếu không, đời tôi sẽ tệ hại đến mức nào cơ ấy chứ. Lũ cướp ấy có thể bán tôi cho một gã vô lại nào đó, rồi gã sẽ xích tôi lại và cho đến nay có lẽ tôi còn ngồi bên chuồng chó mà giữ nhà cho gã. Ôi, thật kinh khủng!
 
– Dậy nào, nằm hoài! – Một buổi sáng sớm, bà Polina
 
Foteevna đánh thức tôi. – Dậy để đi kiếm ăn!
 
Hừ, “nằm hoài” là sao? Chứ tôi còn phải làm gì? Phi như ngựa trong căn hộ bé xíu này chắc? Bà già quấn quanh mình tôi một chiếc khăn lông to sù, tôi nghĩ mãi không hiểu bà ấy làm thế để làm gì. Bà ấy nghĩ ra chiêu thức gì đây? Ôi, thật không hay! Ôi, thật không tốt! Bà ấy quàng băng đai lên bên ngoài chiếc khăn lông rồi ra lệnh:
 
– Đi đến siêu thị! Nhanh chân lên!
 
Nhanh chân ư? Tôi có thể phóng như tên bắn, vận động viên điền kinh còn không đuổi kịp nữa ấy chứ. Nhưng như thế thì lấy ai để dẫn đường cho bà và bảo vệ bà, hở bà Polina Foteevna? Có một điều khiến tôi rất tự ái là mỗi lần ra lệnh, bà ấy lại dùng chân đá vào mông tôi. Hành xử như thế thì được gì? Tôi là thứ chó cứ phải bị đòn thì mới nghe lời hay sao? Không phải vì bà ấy làm tôi đau, mà cái chính là làm cho tôi bị tủi. Các bạn sẽ đối xử như thế nào với người mà cứ hễ bảo “Đi nào!” là lại đá một cú vào mông bạn? Thế nhưng tôi cũng đành phải chấp nhận chuyện đó vậy. Các bạn người thân mến ơi, xin đừng đánh thú nuôi nhé. Các bạn biết không, chúng tôi đau lòng lắm…
 
Thế nhưng những gì xảy ra tiếp theo thì không thể hình dung nổi, dù có vận dụng toàn bộ bộ óc chó của mình. Ngay trước lối vào siêu thị, bà ấy nói với nhân viên bảo vệ:
 
– Ôi, tôi quả là một mụ già ngu ngốc! Đã già, lại còn mù. Biết không, tôi đã làm cho con chó của mình bị thương. Rót nước sôi vào bình trà, vô tình làm rơi ấm nước lên lưng nó. Thật đáng thương cho con chó tội nghiệp của tôi. – Bà ấy vuốt đầu tôi rồi lẩm bẩm, – ráng chịu đau chút nhé, già này không cố ý, tha lỗi cho ta con nhé…
 
Xấu hổ quá, tôi suýt sủa ầm lên. Bà ấy nghĩ ra trò quái quỷ gì thế này? Và quan trọng nhất là bà ấy bịa ra chuyện ấy để làm gì? Để mọi người cảm thương, cám cảnh ư? Không phải đâu, các bạn ạ. Ở đây, “trí tưởng tượng” của bà Polina còn được đẩy đi xa hơn nhiều. Như thường lệ, hễ dạo xong đôi ba vòng, xơi đẫy phô-mai và bánh nướng, chúng tôi đi lại quầy thịt nguội. Nếu tôi không biết chắc bà Polina bị mù, có lẽ tôi không thể tin được bà ấy là người mù. Tay nhanh thoăn thoắt, bà ấy vớ lấy mấy bao giò lụa đã xắt lát, nhét lẹ làng vào dưới tấm khăn quấn quanh mình tôi. Tôi nghĩ người sáng mắt cũng không thể thao tác nhanh gọn đến như thế. Sau đó, như thường lệ, chúng tôi lấy một chai sữa và một ổ bánh mì rồi đi ra quầy tính tiền.
 
Tôi đứng chờ mà chân run cầm cập. Thanh toán xong, chúng tôi tiến về phía lối ra. Và thế rồi những chuyện rắc rối bắt đầu xảy ra.
 
– Xin chờ một chút, thưa bà! – Một nhân viên bảo vệ lên tiếng.
 
– Có chuyện gì vậy? – Bà Polina vẫn không dừng bước.
 
– Làm ơn đứng lại cái đã, – ông bảo vệ nắm lấy tay bà ta, giữ lại, – chúng tôi cần kiểm tra con chó của bà.
 
– Buông tay ra, đồ ngu! – Bà ta la toáng lên. – Tôi gọi công an bây giờ đấy!
 
– Yên tâm đi, thưa quý bà, – ông bảo vệ cười khẩy, tiến ra đằng trước, chặn đường và nói tiếp: – chúng tôi đã gọi công an rồi.
 
Tôi nghĩ bụng, thôi, thế là xong! Nhưng tôi bỗng nghe bà Polina ra lệnh:
 
– Trison, ra đòn vỗ mặt! Dẹp thằng khùng này đi cho tao!
 
Xin lỗi bà Polina Foteevna nhé, nhưng tôi không thực hiện mệnh lệnh này đâu. Tôi không thể! Bà tin đi, bà già quý mến của tôi ạ, tôi không thể! Thứ nhất là tôi không được dạy làm những chuyện như thế, thứ hai, tôi không phải là chó vệ sĩ. Nhưng bà già này vẫn không chịu yên:
 
– Có nghe tao nói gì không? Ra đòn vỗ mặt! Mày phải bảo vệ tao, đồ chó!
 
Phần tôi, để tỏ ra không đến nỗi quá nhu nhược, bèn sủa lên vài tiếng. Ông bảo vệ chỉ nhìn tôi cười khẩy rồi mắng xơi xới:
 
– Con chó này thật vô liêm sỉ! Ăn cắp đồ trong siêu thị mà còn bày đặt tru với chẳng tréo. Tao cho một đạp vào mõm bây giờ chứ dám sủa tao à?
 
Nào, các bạn thân mến, các bạn sẽ nói gì đây? Như vậy chẳng phải là “nhục như chó” hay sao? Ai ăn cắp hàng siêu thị? Tôi ư? Các bạn cũng có thể nói rằng tôi đích thực là đồ khốn, cố tình ngụy trang bằng cái khăn quanh mình rồi đi “săn mồi” một cách bất chính. Ôi, người ơi, người ơi. Các người đối xử với loài chó mới bất công làm sao! Tôi cảm thấy tủi nhục đến suýt phát khóc.
 
Chỉ trong nháy mắt, công an (nay được gọi là cảnh sát) đến liền tức khắc. Có tới hai vị cảnh sát. Chắc là một người để khống chế tôi, người kia khống chế bà già. Ông cảnh sát đứng tuổi, để ria mép, quỳ xuống, thọc tay vào bên dưới tấm khăn và lôi ra 3 bịch giò lụa xắt lát.
 
Chú ý! Bây giờ đây sẽ diễn ra một chuyện lố bịch nữa, nhưng hoàn toàn mang thuộc tính của con người. Chỉ có con người mới có thể nghĩ ra những chuyện như thế. Ông cảnh sát đứng dậy, cười toáng lên rồi nói với tôi:
 
– Ồ, hóa ra anh bạn bốn chân của chúng ta chẳng phải chó dẫn đường gì ráo, mà đích thực là tên trộm vặt! Nào, đi về đồn! Chúng tao sẽ lập biên bản, tống bà chủ của mày vào tù, còn mày thì… về nơi yên nghỉ vĩnh hằng nhá.
 
Các bạn tin không, tôi xém tự bay về cõi vĩnh hằng, chỉ vì xấu hổ. Không, không, tôi chẳng sợ hãi chút xíu nào cả. Thà chết đi còn hơn là sống mà mang cái tiếng nhơ như thế. Điều oan ức muốn chết: tôi mà lại là kẻ cắp ư? Chẳng lẽ tôi lại phải lên lớp cho bà già ấy về đạo đức và lối sống trung thực trên đời này?
 
– Ông nói cái gì đấy? – Bà Polina Foteevna chen vào.
 
– Tù với chả đày con khỉ gì? Bây giờ ông muốn gì ở chúng tôi?
 
– Hãy bình tĩnh, thưa nữ công dân đáng kính, – một viên cảnh sát khác, trẻ tuổi hơn, lên tiếng. – Bà bị tình nghi về tội ăn cắp. Mời bà đi theo chúng tôi.
 
– Ai bảo là tôi ăn cắp? – Bà Polina Foteevna la toáng lên. – Các người nói gì mà kỳ cục vậy?
 
– Yên nào, yên nào, bà cụ, – viên cảnh sát trẻ tuổi nói.
 
– Mọi chuyện trắng hay đen rồi sẽ được làm rõ. Đừng làm ồn lên như thế. Ai đã nhét mấy gói thịt nguội xuống bên dưới tấm khăn trên mình con chó?
 
– Làm sao tôi biết được ai đã làm chuyện đó? – Bà Polina Foteevna đối đáp. – Thịt nguội, giăm bông xúc xích gì cơ chứ? Tôi mới nghe lần đầu đấy. Mà biết đâu có người muốn trêu chọc hay chơi xỏ tôi thì sao?
 
– Bây giờ chúng tôi sẽ lấy dấu vân tay trên bao bì và rồi sẽ cho bà biết ai chọc phá hay chơi xỏ và ai nói thật.
 
Tôi đưa mắt nhìn và thấy bà Polina bắt đầu bối rối. Rõ ràng bà đã hiểu ra rằng mọi chuyện sẽ rắc rối đây. Chúng tôi lặng lẽ đi ra xe cảnh sát và được áp giải về đồn.
 
Đến nơi, người ta lập tức nhốt tôi vào một cái kho chật hẹp nào đó với đủ thứ xô, chậu, giẻ lau… Tối tăm và ẩm thấp. Giá mà họ nhốt tôi vào buồng giam tội phạm có lẽ sẽ tốt hơn, vì ít ra cũng còn được nhìn thấy người. Tôi nghe thấy bà Polina Foteevna than khóc:
 
– Chẳng qua chỉ vì lúc ở quầy tính tiền, tôi quên báo cho nhân viên thu ngân biết về mấy gói thịt nguội ấy mà thôi. Các ông hiểu chứ?
 
– Bà già này nói dối, – nhân viên bảo vệ được mời đến làm chứng lên tiếng. – Bà ấy đã chuẩn bị sẵn mọi phương tiện để thực hiện hành vi trộm cắp. Lúc vào cửa siêu thị, bà ấy có bỏ nhỏ vào tai tôi rằng sở dĩ phải quấn khăn cho con chó là vì ở nhà bà ấy lỡ tay đánh đổ nước sôi lên mình nó. Đó chính là hành vi trộm cắp có tính toán trước. Xin hãy kiểm tra con chó. Tôi bảo đảm nó khỏe như bò cày!
 
Chính ông mới là con bò tiền sử! – Tôi nghĩ bụng. Ừ thì bắt được quả tang bà lão tội nghiệp, dọa bà ấy đến chết khiếp rồi, chưa đủ sao? Nói chuyện phải quấy đi, cảnh cáo bà ấy vài câu, rồi thả chúng tôi ra, có được không?
 
Ông cảnh sát trực ban coi vậy mà thông minh, khôn ngoan hơn nhiều so với gã nhân viên bảo vệ. Hình như tôi đã nhìn thấy ông ấy ở đâu đấy…
 
– Thôi được rồi, thưa ông, – ông cảnh sát nói. – Ông cứ về siêu thị làm việc tiếp đi. Nếu cần, chúng tôi sẽ lại gọi ông đến.
 
Sau khi ông bảo vệ đi khỏi, ông cảnh sát trực ban, vâng, quả thực là người quen của chúng tôi, ngồi xuống bên cạnh bà Polina Foteevna và nói:
 
– Dì làm sao thế, dì Polina Foteevna? Thèm thịt nguội đến vậy sao? Việc quái gì mà phải đánh cắp? Dì biết nhà cháu mà, cứ đến nhà, lúc nào cháu cũng sẵn sàng giúp. Chớ có dại mà dây vào lũ khốn ấy. Chỉ vì mấy lát giò thôi, chúng nó có thể vặn cổ dì đấy, chúng chẳng thương xót gì ai đâu, kể cả người mù. Dì muốn bị như vậy sao?
 
– Tôi nào có ý định ăn cắp gì của họ đâu, – bà già xua tay, thổn thức, – chỉ là sự vô tình thôi mà. Tôi quên trình hàng ở quầy tính tiền… Bây giờ tôi sẽ bị xử lý như thế nào đây?
 
– Sẽ không có chuyện gì đâu, má ạ, – ông cảnh sát vỗ vỗ vai bà cụ. – Từ rày đừng bao giờ quên tính tiền những món hàng mà mình đã mua trong siêu thị. Thôi, nhận lại con chó Trison rồi đi về nhà đi. Đây, cầm lấy, – ông cảnh
 
sát dúi vào tay bà mấy tờ giấy bạc, – đến cửa hàng thực phẩm ở gần nhà mình, mua lấy cái món giò lụa khốn khổ ấy, nếu dì muốn.
 
Đúng rồi, ông cảnh sát ấy là hàng xóm của chúng tôi. Nếu tôi nhớ không lầm thì ông ấy sống ở cầu thang số 3 cùng trong lô chung cư của chúng tôi. Thảo nào tôi thấy ông ấy trông quen lắm.
 
– Cảm ơn, Semion à, – bà già lau nước mắt, bây giờ mới hết hoảng sợ. – Cầu Chúa ban phước lành cho cậu. Được rồi, tôi hứa sẽ không bao giờ làm bậy như thế nữa.
 
– Bà Polina đưa tay sờ mặt ông cảnh sát rồi nói tiếp: – Ôi, Semion, cậu giờ đã chững chạc thế này rồi ư?
 
– Biết làm sao được hở dì Foteevna, con người ai mà chẳng lớn lên, trưởng thành rồi già đi. Cháu mới tiễn thằng con trai vào quân ngũ đấy.
 
– Thật vậy sao? – Bà Polina siết chặt hai tay. – Mới ngày nào đây tôi cùng bà nội nó đi đón mẹ con nó về từ nhà bảo sinh. Ôi chao, thời gian, thời gian trôi nhanh mới khiếp…
 
– Dì Foteevna à, cháu đề nghị dì một điều, – ông cảnh sát bỗng đổi đề tài câu chuyện, – phải chi dì đừng lậm vào chuyện bia rượu.
 
– Biết làm sao được, hở Semion? – Bà Polina Foteeva thở dài. – Đôi khi cũng chán sống lắm, nhưng hễ cứ đẩy một hai ly vào là tự nhiên… xốc lại tinh thần.
 
– Đó chỉ là lý luận cùn thôi. – Ông cảnh sát ngắt lời. – Nếu dì đồng ý, cháu sẽ mua tặng dì một cái đầu máy đọc sách. Một thứ máy móc tuyệt vời. Mỗi khi lái xe hơi, cháu vẫn thường nghe máy ấy đọc sách. Bảo đảm dì sẽ thích, dì Foteevna ạ, cháu thề đấy. Dì muốn chứ?
 
– Sao lại không thích chứ? – Bà già ngượng ngập. – Cứ mua đi, nếu không phiền gì cho cậu. Hồi trước già cũng có một cái máy thu thanh, nhưng nó đã bị hư lâu rồi, còn tivi thì hình ảnh là chính, âm thanh chỉ là phụ, nên chẳng nghe được bao nhiêu.
 
– Dì chỉ khéo cả lo, – Semion vuốt bàn tay bà cụ, – có đáng bao nhiêu tiền đâu. Cháu không vì thế mà nghèo đi đâu, dì đừng sợ…
 
Chuông điện thoại réo. Trước khi chộp lấy ống nghe, ông cảnh sát ra lệnh cho cấp dưới:
 
– Thả con chó ra rồi đưa bà cụ với con chó về nhà!
 
– Hướng về phía bà Polina Foteevna, ông ấy nói: – Ngày mai, đầu giờ chiều, cháu sẽ tới nhà dì. Giờ đó, dì ở nhà, đừng đi đâu nhé.
 
Khoảng nửa giờ sau, bà Polina và tôi đã ngồi ở nhà mình, uống trà, ăn bánh ngọt. Để đề phòng bất trắc, tôi cứ phải ngồi tránh xa bà ấy ra. Như người ta thường nói, Chúa che chở những ai cẩn trọng – chuyện bình trà, nước sôi tôi đã được nghe ở cửa siêu thị. Biết đâu chẳng may chuyện bịa lại trở thành sự thật…?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.