Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

22



Hôm đó, từ sáng sớm, tâm trạng tôi đã tràn ngập nỗi chán chường. Dường như trong tâm trí, tôi linh cảm một điều chẳng lành nào đó. Suốt ngày tôi chỉ muốn tru. Có lẽ ở loài chó cũng có trực giác phát triển cao chăng. Buổi chiều, khi mọi người về hết, trong khuôn viên nhà trường chỉ còn lại tôi với cụ Valery Anatolievich, bỗng nhiên điện thoại di động của cụ đổ chuông. Cũng vẫn tiếng chuông như mọi khi, nhưng sao hôm nay nghe phát bực. Tôi không biết ông cụ kiếm đâu ra thứ nhạc chuông quái đến thế, nhưng cụ lại rất tự hào về tiếng chuông “đặc sắc” ấy.
 
– Này, Trikha con ơi. Ông cần đi gấp, phải vắng mặt khoảng hai tiếng đồng hồ. Có việc quan trọng. Con có thể “tự quản” khi không có ông được không?
 
– Gâu! – Tôi trả lời. Mà tôi còn biết trả lời khác hơn thế nào được chứ. Chuyện quan trọng, cần thiết, thì phải ưu tiên thôi. Cụ cứ đi đi, con canh phòng một mình cũng được.
 
Khoảng nửa giờ sau khi cụ chủ của tôi đi khỏi, có hai người đàn ông lẻn vào sân trường mẫu giáo. Loài người nhận định rất thâm thúy rằng chó khôn không sủa, chỉ cắn. Để khẳng định điều đó, tôi chưa vội lên tiếng mà nấp vào sau góc nhà bếp và bắt đầu theo dõi hành tung của hai vị khách không mời. Khi nào thật cần thiết, tôi mới xài đến răng. Có lẽ ở loài người cũng thế thôi. Những người trông hiền hiền lành lành nhưng một khi đã ra tay thì phải biết! Phải rồi, làm ồn lên để làm gì? Gào thét quả chẳng ích gì bao nhiêu. Không nên đấm ngực gào thét mà phải thực hiện những hành động cụ thể và xác đáng.
 
Hai người đàn ông nọ gõ cửa phòng bảo vệ. Họ nhìn quanh rồi trải tờ báo lên băng ghế, ngồi xuống. Thế rồi trên mặt băng ghế, ở khoảng trống giữa hai người, xuất hiện một cái chai đựng thứ chất lỏng quen thuộc, bên cạnh đó là mấy chiếc cốc nhựa và món đồ ăn gì đó mà người ta quen gọi là mồi nhắm.
 
– Nào, Boris, chúc thành công! – Một trong hai người nâng cốc, nói.
 
– Ờ, chúc thành công tốt đẹp! – Một giọng nói nghe quen quen cất lên, rồi hai người đàn ông cùng cạn cốc.
 
– Rượu khá đấy. – Người kia nói. Còn cái giọng quen quen tôi chưa nhớ ra là đã được nghe ở đâu.
 
Ối ối! Sao tôi lại có thể không nhớ ra ngay được nhỉ? Đó chính là Boris Ivakhnik chứ còn ai nữa. Gã con nuôi của bà Polina Foteevna quá cố. Ái chà, hắn dám mò đến đây! Hắn cần thứ gì ở nơi đây? Chúng đang nói về chuyện gì vậy?
 
– Sao mày có thể phạm sai lầm ấu trĩ như vậy được, hở Boris? Mày để người ta dắt mũi như trẻ con. Mày lạ thật đấy. Mày luôn khiến cho tao phải thất vọng về mày.
 
– Thì làm sao tao biết được con chó ghẻ ấy có giá cao điên khùng đến thế?
 
– Mày làm sao vậy? – Gã bạn của Boris rót lượt rượu thứ hai và hỏi. – Mày chưa bao giờ được nghe nói đến chủng loại chó dẫn đường à?
 
– Đã nghe bao giờ đâu. – Boris khẳng định.
 
– Có một điều tao không hiểu nổi, con chó ấy dẫn đường cho mẹ mày, vậy mà mày chưa bao giờ chuyện trò gì sao?
 
– Với ai? – Boris ngạc nhiên hỏi.
 
– Nghĩa là sao? – Gã nọ ngạc nhiên không kém.
 
– Mày bảo tao chưa bao giờ chuyện trò với ai? – Boris hỏi lại.
 
– Boris, mày làm sao vậy? – Gã bạn nhổm dậy rồi ngồi phịch ngay xuống. – Tất nhiên là với mẹ mày, chứ chẳng nhẽ với con chó!
 
– Về giá của con chó ư? – Boris hỏi.
 
– Ồ, không chỉ về giá cả, mà về… nói chung là về con chó. Chẳng hạn nó thuộc giống chó nào, có đắt tiền không, nó thực hiện công việc gì, vân vân.
 
– Ờ thì tao… tao chẳng bao giờ nghĩ đến… – Boris nhún vai.
 
– Thế mới gọi là dại! – Gã bạn ngắt lời. – Quá ư là dại. Bao giờ cũng phải nghĩ. Bản thân mày cũng thấy nó không phải chó thường mà là chó nòi hẳn hoi. Thậm chí nếu không phải là chó dẫn đường đi nữa thì một con chó như thế cũng rất đáng đồng tiền. Mày hiểu chứ?
 
– Bây giờ thì tao hiểu rồi. – Boris gật đầu.
 
– Đấy, thấy chưa! Vậy mà mày lại để cho lão già ma mãnh ấy nẫng tay trên cả núi tiền.
 
– Thôi được rồi. – Boris phẩy tay. – Bây giờ chúng ta đã tìm ra nó. Bắt về thôi, có gì khó. Nó còn trốn đi đâu được? Nào, bây giờ nhắc lại điều kiện…
 
– OK! Nhưng cấm gạt tao đấy nhé. – Gã nọ cất giọng cảnh cáo. – Thỏa thuận rồi đấy: bán xong chia đôi tiền.
 
– Xong béng! – Boris gật đầu và nốc cạn cốc rượu.
 
Thì ra là thế đấy – chúng đến đây để bắt tôi. Hừ, chưa săn được gấu đã lo chia nhau bộ da. Mày tỉnh cơn mê rồi hở Boris? Sao hồi đó mày gào lên là “Dẹp con chó này đi!” mà bây giờ lại đến đây kiếm mồi? Nào, cứ đợi đấy, ông cụ Valery Anatolievich về rồi mày sẽ biết thế nào là lễ độ.
 
Hai gã bợm chưa kịp uống hết thứ nước đắng của mình thì ông cụ của tôi về tới. Từ ngoài cổng cụ đã la ầm lên:
 
– Này hai anh kia! Các anh làm sao vậy? Không còn chỗ nào khác để nhậu hay sao? Hay các anh không nhìn thấy đây là trường mẫu giáo? Thật không có chút lương tâm nào cả!
 
– Này, ông già, đừng có mà gào lên với chúng tôi như thế. – Boris cất giọng. – Chúng tôi đến đây không phải để quậy phá.
 
– Biết. Nhìn biết liền. – Cụ Valery Anatolievich nói mỉa. – Các anh ghé vào đây để hít thở không khí trong lành chứ gì…
 
– Này, đừng có mà dạy khôn chúng tôi! – Gã bạn của Boris chen vào. – Chính ông mới nên lấy làm xấu hổ chứ không phải chúng tôi.
 
– Đúng đấy, đúng đấy! – Bopis gật đầu. – Bố già này đúng là vừa ăn cướp, vừa đánh trống la làng.
 
– Cái gììì? – Ông cụ đứng sững lại. – Các anh nói gì???
 
– Chúng tôi nói thế đấy! – Boris tiếp tục với vẻ tỉnh bơ. – Ai đã cướp mất con chó của chúng tôi?
 
– Con chó nào? – Cụ Valery Anatolievich sửng sốt.
 
– Thôi đủ rồi bố già, đừng vờ vịt nữa! – Gã bạn của Boris đứng hẳn dậy. – Làm như tụi này chẳng biết gì. Ông có biết người này là ai không? – Hắn chỉ vào Boris.
 
– Cái mặt hình như trông quen quen. – Ông cụ bình thản đáp.
 
– Tôi là Boris, Boris Ivakhnik. – Boris vỗ ngực nói. – Con trai của bà Polina Foteevna.
 
– Á à… – Cụ Valery Anatolievich khẽ vỗ trán. – Bây giờ thì nhớ ra rồi. Chào! – Ông lão đi lại gần, bắt tay từng vị khách.
 
– Tôi đến để đưa con chó về! – Boris tuyên bố. – Tôi đến bắt cái con… gì nhỉ… ờ con chó chỉ đường hay hướng đạo, đạn đạo gì đó.
 
Chính mày mới là đạn đạo, Boris ạ! Mày còn chẳng nhớ nổi tên tao. Đúng là đồ con buôn tệ hại.
 
– Tại sao cậu cho rằng cậu có quyền bắt con chó đang sống với tôi về với cậu? – Ông lão hỏi rồi ngồi xuống cạnh Boris.
 
– “Tại sao” là thế nào? – Boris cố tình làm ra vẻ cáu kỉnh hỏi lại. – Đó là con chó của mẹ tôi, mà tôi là người thừa kế trực tiếp của bà ấy. Vậy, theo luật pháp, tôi được thừa hưởng con chó ấy. Thế nào, ông già? Ông không biết luật à?
 
– Thế cậu ở đâu sau khi đưa tang mẹ cậu? Cậu ở đâu khi con chó suýt chết đói? Sao bây giờ bỗng dưng cậu lại quan tâm đến nó?
 
– Lúc đó tôi bận, không có thời gian để quan tâm đến chó, tôi…
 
– Hừ, một khi không có thời gian quan tâm đến chó thì cứ việc đi làm công chuyện của mình. Tôi không giao nó cho cậu đâu. Cậu muốn bắt nó về, trước hết phải bước qua xác tôi!
 
Tôi đã nói mà, ông cụ của tôi rất can trường. Cụ giỏi thật đấy. Chúng mày gặp phải tay chẳng vừa. Tao đây cũng không dễ dàng để cho chúng mày muốn bắt là bắt mà được đâu. Hiện tại tao đang làm nhiệm vụ canh phòng, bảo vệ, vì vậy tao có quyền cắn những kẻ vi phạm pháp luật. Tôi chạy ra khỏi chỗ ẩn nấp, sủa thật to và lừ lừ tiến về phía những kẻ xâm nhập bất hợp pháp. Tôi sủa rất hăng, tỏ ý là chúng mày sẽ biết tay chúng tao nhé, quân vô lại! Giá mà các bạn nhìn thấy cảnh hai tên cướp chó-bợm rượu ấy hoảng sợ đến nỗi phải nhảy phắt lên đứng trên băng ghế.
 
– Ê! – Gã “trợ lý” của Boris thét lên. – Đưa con chó đi chỗ khác ngay! Xích nó lại!
 
– Còn lâu! – Cụ Valery Anatolievich cười lớn. – Bây giờ tôi mà ra lệnh một tiếng, nó xé toạc quần các cậu tức khắc.
 
Tôi đi lại gần cụ chủ, đứng cạnh cụ và gầm gừ dữ tợn.
 
– Thôi ngay đi! – Boris van vỉ. – Đừng làm thế! Bàn tính, thỏa thuận với nhau một cách ôn hòa có được không?
 
– Về chuyện gì? – Cụ Valery Anatolievich gằn giọng. – Các cậu muốn bàn thảo về chuyện gì?
 
– Nào, bác đưa con chó ra xa đi, rồi chúng ta sẽ bàn bạc.
 
– Thì cứ nói đi. Các cậu không thấy con chó đang đứng yên à? Nó không ngu gì mà vô cớ nhào vào các cậu đâu. Làm gì mà các cậu hoảng hốt như gà gặp cáo thế?
 
– Thôi, dẹp chợ đi, ông nội ơi! – Gã bạn của Boris cáu kỉnh làu bàu.
 
– Dám ăn nói với tôi như vậy hử? – Cụ Valery Anatolievich nổi giận. – Ở đây là địa bàn do tôi kiểm soát, tôi có quyền lập trật tự. Nào, xéo khỏi đây ngay, tôi chưa gọi cảnh sát là may đấy.
 
Để ủng hộ ý kiến ông cụ, tôi ra sức sủa thật to.
 
– Đã bảo bác dẹp bớt con chó đi! – Boris rên rỉ. – Mọi chuyện bình thường thôi mà. Nào, chúng ta ngồi lại thương thuyết một cách thẳng thắn đi.
 
– Thì cứ ngồi xuống đi chứ các cậu làm gì mà cứ đứng trên ghế như những cái cọc nhồi người ta chưa kịp đóng xuống đất vậy? – Ông lão nói rồi quay sang tôi bảo:
 
– Trison, con hãy tạm tránh ra kia một lát để ông nói chuyện với mấy vị khách quý mến này.
 
Tôi tránh ra xa khoảng 5 mét rồi nằm xuống.
 
– Rồi. Có chuyện gì? Tôi nghe các cậu nói đây. – Cụ Valery Anatolievich nói.
 
Hai kẻ “xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp” run rẩy bước xuống đất rồi ngồi lên băng ghế cạnh ông già. Boris lên tiếng trước:
 
– Bác nghe này. Chúng ta nói chuyện một cách trung thực nhé.
 
– Thì tôi cũng chỉ nói chuyện một cách trung thực thôi, không thể khác được. – Cụ Valery Anatolievich trả lời. – Nào, cậu muốn gì, nói đi
 
– Bác có biết con chó ấy giá bao nhiêu không?
 
– Tôi cần biết điều đó làm gì? – Ông lão cười khẩy. – Tôi không phải là dân buôn bán chó, cũng không phải làm nghề nuôi chó. Đối với tôi, chó là chó, thế thôi. Tôi chẳng cần biết nó có giá bao nhiêu. Điều đó thì có ý nghĩa gì với tôi?
 
– Nhưng bác phải hiểu rằng… – Gã bạn của Boris lên tiếng.
 
– Khoan, – Boris gắt gã bạn. – Để tao nói. Tóm lại, bố già ạ, nghe đây, chắc ông cũng biết rằng đó không phải là con chó xoàng.
 
– Tôi biết chứ. Tất nhiên rồi! – Ông lão trả lời.
 
– Thì thế đấy. Nó là chó dẫn đường! Bác biết nó có giá bao nhiêu không??
 
– Thôi, gớm quá đi! – Cụ Valery Anatolievich bực tức nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất. – Tôi nói với cậu rồi: tôi không quan tâm đến chuyện đó!
 
– Vậy là ông không hiểu gì rồi, bố già ạ! – Boris vỗ vai ông cụ và ghé sát vào tai, bỏ nhỏ: – Một con chó như thế có giá đến nửa triệu rúp đấy. Hiểu chưa bố?
 
– Tôi hiểu! – Cụ Valery Anatolievich trả lời.
 
– Rồi sao nữa? Bây giờ nói đi: lương bố được bao nhiêu?
 
– Chuyện ấy liên quan gì đến đây?
 
– Khổ ghê cơ! – Boris lại nhảy nhổm lên. – Sao lại không “liên quan gì”? Bây giờ chúng ta bán con chó đi, rồi chia ba. Thôi được rồi, nếu bố muốn, chúng tôi chia cho bố hai trăm nghìn rúp, còn chúng tôi mỗi đứa trăm rưởi nghìn. Được chưa?
 
– Chưa được! – Cụ Valery Anatolievich cau mày nói.
 
– Chứ còn muốn gì nữa? – Hai gã bợm há mồm. – Như thế còn ít quá sao?
 
– Quá ít! – Ông chủ của tôi gật đầu.
 
– Thế ông muốn bao nhiêu? – Boris hỏi.
 
Cụ Valery Anatolievich đứng dậy, rời khỏi băng ghế, móc thuốc ra hút – lần đầu tiên cụ hút thuốc bên ngoài phòng bảo vệ. Cụ đến bên tôi, vuốt đầu tôi rồi ngồi bệt xuống đất ngay bên cạnh, thì thầm:
 
– Xin lỗi con, Trison, vì trái đất của chúng ta phải mang trên mình lũ sâu bọ hai chân ấy. Tha lỗi nhé, bạn yêu quý của ta!
 
Tôi liếm mặt ông lão và chợt nhớ đến cảnh cụ Ivan
 
Savelievich của tôi từng khóc trong thang máy khi bị
 
thằng trai gian manh lừa lấy mất chiếc máy điện thoại di động.
 
– Sao rồi ông lão? Nghĩ kỹ rồi chứ? – Gã khách không mời hỏi.
 
Cụ Valery Anatolievich lẳng lặng không đáp.
 
– Nghe này, bố già! – Lúc sau, Boris lại kêu lên với cụ Valery Anatolievich. – Nói đi chứ! Còn đắn đo suy nghĩ đến bao giờ nữa? Tham lam vừa thôi. Tham thì thâm đấy. Hai trăm nghìn, đồng ý đi! Chúng tôi đưa ra giá đó chẳng qua vì thấy ông cũng có công nuôi nấng, chăm sóc con chó một thời gian.
 
Ông cụ bảo tôi: “Ngồi yên!” rồi đi về phía phòng bảo vệ. Tôi sủa một tiếng dõng dạc kiểu như “Tuân lệnh!” rồi bắt đầu để mắt theo dõi hai vị khách không mời. Phút sau, cụ Valery Anatolievich bước ra với một cây xà beng trong tay và quát to đến nỗi tôi cũng giật mình:
 
– Quân khốn kiếp, xéo khỏi đây ngay! Biến ngay! Nếu không, tao cho chúng mày ngồi nhặt xương sườn bây giờ!
 
Hai gã buôn chó khiếp vía.
 
– Làm gì dữ vậy ông lão? Ông làm sao thế? – Cả hai tên vừa lẩm bẩm vừa len lét chuồn ra cổng. Ông cụ của tôi rượt theo.
 
– Tao nói rồi: chúng mày có biến ngay không! – Cụ
 
Valery Anatolievich lại giận dữ quát ầm lên.
 
Quá kinh hoảng trước thái độ căm giận đến tột cùng của ông cụ, hai gã đàn ông vội co giò chạy thục mạng.
 
Sau khi hai gã bịp bợm khuất hẳn ở phía sau hàng rào, cụ Valery Anatolievich cài chốt cổng rồi lặng lẽ đi vào phòng bảo vệ. Tôi ngồi lại ngoài sân – không được lơ là nhiệm vụ canh phòng.
 
Từ bên ngoài hàng rào vọng vào cái giọng đểu giả:
 
– Cứ đợi đấy, đợi đấy! Tụi này sẽ còn trở lại. Không muốn điều tốt lành thì hãy chuẩn bị tinh thần mà đón nhận điều tồi tệ!
 
Nhưng ông cụ Valery Anatolievich phẩy tay coi khinh những lời hăm dọa ấy.
 
Đến khi trời bắt đầu nhá nhem tối, cụ gọi tôi vào phòng bảo vệ:
 
– Nào anh bạn, ăn miếng gì đi, chắc đói lắm rồi.
 
Đúng vậy đấy cụ ạ, bây giờ mà được ăn tối thì còn gì bằng! Tôi đi vào phòng bảo vệ. Ở đây, tôi nhìn thấy trên bàn một chai rượu vang uống dở và chiếc gạt tàn đầy tàn thuốc lá. Nhưng tôi không trách móc gì ông cụ. Chắc sự cố vừa rồi khiến cụ buồn và giận ghê lắm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.