Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

26



Mỗi ngày lại có một chuyện gây buồn phiền.
 
Đôi khi tôi chẳng thể nào hiểu nổi mọi người. Một phụ huynh nào đó đã gửi đơn thư tới đâu đó, khiếu nại rằng trong khuôn viên trường mẫu giáo có một con chó và điều đó đe dọa đến sức khỏe của đứa con người đó. Bản thân tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng tôi, một con chó dẫn đường chuyên nghiệp, lại có thể đe dọa đến sức khỏe của ai. Nếu quả thực có thế, vậy thì cùng với băng đai chuyên dụng, xin hãy gắn bên hông tôi một dòng cảnh báo kiểu như trên bao thuốc lá: “Cẩn thận! Chó dẫn đường gây nguy hại cho sức khỏe của bạn. Hãy tham vấn bác sĩ!”. Hoặc một thứ gì đó tương tự. Ôi, người ơi là người…
 
Một hôm, sáng ra, cô hiệu trưởng đã đến thông báo cho cụ Valery Anatolievich biết rằng cuối cùng đã đến lúc buộc phải đuổi tôi khỏi nơi đây. Tất nhiên cô Ludmila Alekseevna dùng từ khác. Nhưng các bạn thừa hiểu: về cùng một hành động, người ta có nhiều cách nói khác nhau. Các bạn hãy tự suy luận lấy.
 
– Bác Valery Anatolievich ạ, chuyện là thế này. Có một bà phụ huynh yêu cầu đưa con chó ra khỏi khuôn viên nhà trường. Mong bác thông cảm, đừng giận cháu, cháu không thể làm gì hơn.
 
Ông lão không hề tỏ ra buồn giận. Phản đối cách gì đây? Một khi đơn thư khiếu nại đã được gửi đến các cấp có thẩm quyền cao hơn, những người thừa hành buộc phải có động thái nhất định nào đó. Cụ Valery Anatolievich thở dài nặng nề rồi nói:
 
– Tôi hiểu hết, cô hiệu trưởng ạ. Có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị? Hi vọng không phải trong vòng 24 tiếng đồng hồ?
 
– Ồ, nói chung không ai ra bất kỳ thời hạn nào hết. Sếp từ trên phòng giáo dục gọi điện xuống, yêu cầu cháu phải thực hiện sẵn mọi biện pháp cần thiết. Cháu nghĩ khoảng mươi, mười lăm ngày nữa sẽ có đoàn thanh tra xuống làm việc với trường.
 
– Được rồi, – cụ Valery Anatolievich đồng ý. – Cô cho xin… nhiều nhất là một tuần, chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra cách giải quyết. Hiện tại tôi chưa thể nào trả lời ngay được… Cô hiểu đấy…
 
– Được mà, được mà, cháu không hối thúc đâu, bác Valery Anatolievich ạ. Cháu hiểu chứ. Nhưng dù sao cháu cũng mong bác thứ lỗi…
 
– Ôi, có gì đâu mà cô phải xin lỗi. Tôi xin hứa: một tuần sau, con chó sẽ không hiện diện ở đây nữa. Tôi hiểu mọi chuyện mà.
 
– Bác Valery Anatolievich, bác không giận cháu chứ?
 
– Ồ, có chuyện gì đâu mà phải giận?
 
Ông cụ bắt đầu gọi điện thoại cho những người quen biết. Họ trả lời cụ như thế nào, tôi không được rõ. Nhưng tâm trạng của cụ chẳng thấy khá lên. Hôm sau, vào giờ ngủ trưa của bọn trẻ, như thường lệ, tôi nằm nghỉ trong góc vườn. Bỗng tôi nghe có tiếng động gì đó khác thường và cảm thấy có chuyện gì không ổn. Từ phía cửa chính của tòa nhà, mùi khói bay đến chỗ tôi. Tôi vùng dậy, phóng về phía cửa. Từ bên trong, người lớn cùng trẻ nhỏ chạy túa ra. Vài phút sau, ngoài sân đầy người, khói bốc ra từ các cửa sổ. Bọn trẻ được đưa ra xa, sát tường rào. Có lẽ do đám cháy bên trong tạo nên áp lực không khí quá cao, cửa ra vào tòa nhà bị đóng sập lại và tự động chốt chặt. Cô hiệu trưởng cố hết sức nhưng không thể nào mở được cửa.
 
Bỗng một cô giáo kêu thất thanh:
 
– Chị Ludmila Alekseevna! Thiếu bé Kristina!
 
Cụ Valery Anatolievich mở cổng, lao ra ngoài phố chặn một chiếc xe tải, yêu cầu chạy vào khuôn viên trường.
 
Rồi cụ lập tức cài cây xà beng vào khung cửa sổ, buộc chặt bằng dây thừng, đầu thừng kia buộc vào chiếc xe tải và ra lệnh cho tài xế:
 
– Kéo!
 
Chiếc xe tải giật mạnh, kéo bung khung song sắt, đồng thời cũng khiến cho toàn bộ khung bao và thanh đà đổ sập xuống, nhưng điều đó lại càng làm cho tình hình thêm phức tạp. Đống dầm, xà, khung, cọc linh tinh nằm ngổn ngang khiến không ai có thể vượt qua để lọt được vào bên trong. Cụ Valery Anatolievich ẵm xốc tôi lên tay, đẩy vào khe hở giữa những cây xà và cọc lộn xộn đó, thét lên:
 
– Trison, tìm, tìm đi! Có người đang kẹt trong đó!
 
Không cần cụ ra lệnh tôi cũng hiểu là còn một em bé đang bị kẹt ở bên trong tòa nhà. Khi vào được bên trong, tôi lao ngay đến chỗ phòng thay đồ tập thể dục – ban đêm cụ Valery Anatolievich thường dẫn tôi đi tuần tra khu vực này. Làn khói dày đặc cản trở công việc tìm kiếm của tôi. Mùi khói khiến tôi rất khó đánh hơi để xác định con bé đang ở đâu. Tôi chạy đến bên dãy tủ treo quần áo và nghe có tiếng trẻ con rên rỉ, bèn sủa thật to. Ngay lập tức, một cánh cửa tủ hé mở và tôi nhìn thấy bé Kristina. Tôi chạy đến, dúi mũi vào mặt con bé, muốn làm cho nó hiểu rằng cần phải ôm ngay lấy tôi. Nhưng có lẽ do sợ hãi quá, con bé ôm chặt tôi nhưng nhất định không chịu đi ra khỏi tủ. Phải làm sao đây? Tôi vùng thoát ra khỏi vòng tay ôm của nó rồi cắn chặt vào áo nó, lôi về phía cửa sổ. Con bé ngã xuống sàn. Nhưng bây giờ không phải lúc để mủi lòng. Nhiệm vụ chính của tôi lúc này là kéo cho được nó đến chỗ cửa sổ, trong khi lửa chưa tràn tới khu vực này. Khi đã đến được bên cửa sổ, tôi sủa thật to rồi cắn cổ áo con bé, cố gắng nâng nó lên thật cao. Từ bên ngoài, cụ Valery Anatolievich nhoài người tới, tóm được tay con bé, luồn tay xuống dưới nách nó, nhấc lên, đưa ra ngoài. Tôi cũng nhảy ra theo. Chỉ vài giây sau, lưỡi lửa đã bắt đầu liếm ra ngoài qua ô cửa sổ.
 
Xe cứu hỏa và xe cứu thương đã đến, đậu ngoài sân. Những gì diễn ra tiếp theo, tôi không nhớ, vì vừa thoát ra được bên ngoài, tôi lập tức ngất đi. Khi tôi tỉnh lại, sân trường đã trở nên im ắng.
 
Các nhân viên cứu hỏa đã nhanh chóng dập tắt ngọn lửa nên hạn chế đáng kể thiệt hại. Ngôi trường tuy ám khói nhưng còn đứng vững. Bọn trẻ đã được đưa về nhà. Có những người nào đó đi lại trong sân. Vừa nhìn thấy tôi mở mắt ra, cụ Valery Anatolievich liền đẩy đĩa sữa đến trước mặt tôi và giục:
 
– Nào, nào, uống sữa đi con! Bây giờ con rất cần lấy lại sức đấy.
 
Thú thực, chẳng cần cụ hối thúc tôi cũng sẵn sàng “chơi” hết đĩa sữa. Thứ nhất là vì lâu quá rồi tôi chưa được uống sữa, thứ hai là tôi đang rất đói.
 
– Tốt lắm, con ạ! – Cụ Valery Anatolievich vuốt ve tôi rồi nói tiếp: – Tốt lắm, mọi chuyện đều tốt đẹp cả. Con thật giỏi. Nếu không có con, điều bất hạnh vô cùng lớn đã xảy ra. Giỏi lắm, Trison ạ. Ôi, con thật giỏi.
 
Tôi khoan khoái uống hết chỗ sữa và khẽ rên ư ử. Đầu tôi vẫn còn váng vất. Rõ ràng tôi đã hít phải quá nhiều khói độc.
 
Hôm sau, cánh phóng viên kéo đến, vây lấy chúng tôi với đủ thứ máy quay phim, micro, đèn chiếu sáng. Chỉ thoát được sau khi bị họ quần mệt lử. Nói tóm tắt, tôi bỗng dưng trở thành ngôi sao truyền hình. Rồi các phóng viên đi khỏi, chỉ những vấn đề là còn ở lại.
 
Nói rồi, tôi là một con chó ngây thơ. Tôi cứ ngỡ sau sự kiện này chắc chắn người ta sẽ không đuổi tôi ra khỏi vườn trẻ. Nhưng mọi chuyện phức tạp hơn nhiều. Hai hôm sau, từ phòng hiệu trưởng về, ông cụ của tôi rơm rớm nước mắt.
 
– Trison con ơi! – Ông cụ nói với tôi. – Con tưởng hành động anh dũng vừa rồi của con sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề ư? Khốn khổ, không phải thế con ạ. Hôm nay vừa có cuộc họp toàn thể phụ huynh và mẹ của bé Kristina, con bé được con cứu ấy, vẫn nhất quyết đòi đưa con ra khỏi khuôn viên nhà trường.
 
– U-u-u! – Tôi buồn rầu tỏ ý phản đối.
 
– Ôi, con cứ ở đó mà “u-u-u” đi. – Cụ Valery Anatolievich buồn bã nhại lại. – Bà ấy bảo, đó chẳng qua chỉ là phản xạ bản năng của loài chó mà thôi. Chẳng ai biết chuyện sẽ tới đâu. Cô hiệu trưởng Ludmila Alekseevna suýt bật khóc. Cô ấy năn nỉ ông đừng dấy lên thành to chuyện, chỉ vô ích mà thôi. Bà phụ huynh ấy cứ khăng khăng một mực đòi đuổi con.
 
Tôi xin nói một điều chân thực: nếu có xảy ra sự cố tương tự một lần nữa, tôi vẫn bỏ lòng tự ái qua một bên, sẽ vẫn cố gắng hết sức mình để cứu người, mặc ai có thể gọi đó là phản xạ tự nhiên hay chỉ là sự hăng tiết vịt, nổi máu yêng hùng. Tôi chẳng việc gì phải nhọc công đi phân biệt những khái niệm ấy. Tôi biết rằng ý thức cứu người, giúp người đã ăn sâu vào máu tôi. Đó chính là ý nghĩa của cuộc đời tôi. Tôi sẵn sàng đánh đổi sự sống của mình để cứu mạng người mà không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Đó chính là lẽ tự nhiên mà Tạo hóa đã dành cho loài chó. Các bạn muốn gọi điều đó là gì cũng được. Nói thực lòng, chuyện ấy đối với tôi chẳng có gì là quan trọng. Thậm chí, nếu kẻ thù của tôi gặp hoạn nạn, tôi cũng sẵn sàng cứu giúp. Thế đấy!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.