Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

23



Mới đây, tôi tình cờ nghe được một cuộc chuyện trò của các phụ huynh học sinh trường mẫu giáo “Cầu vồng”. Tôi kể lại chuyện này, hi vọng các bạn sẽ thấy thú vị, vì đề tài câu chuyện nói về chó. Nói chính xác hơn là về cả người lẫn chó. Hôm ấy tôi nằm dưới bụi cây gần chỗ mấy băng ghế trong vườn. Bố mẹ bọn trẻ tới trường để họp phụ huynh hay tham dự một buổi lễ nào đó. Một số người ngồi ghế băng, số khác đứng quanh đấy. Tóm lại, theo tôi hiểu, họ đợi cô hiệu trưởng Ludmila Alekseevna. Thế rồi tôi nghe họ nói về chó. Ôi, thật thú vị. Một phụ nữ có dáng người tròn trịa nói:
 
– Các bạn ơi, làm ơn cho tôi xin một lời khuyên. Vợ chồng tôi muốn nuôi chó. Chúng tôi có hai đứa con, một đứa 3 tuổi, đứa kia 4 tuổi. Chúng tôi nghĩ mọi chuyện chắc cũng đơn giản thôi: mua chó về, cho ăn cho uống, chăm sóc đôi chút, cho đi dạo… Nhưng khốn nỗi chúng tôi lại không xác định được giống với nòi gì cả…
 
– Cứ mua giống chó Đức là hơn cả. – Một bà phụ huynh nào đó lập tức đưa ra lời khuyên.
 
– Chị nói gì thế! – Một bà khác phẩy tay. – Chó giống Đức là thế nào, chị nói lạ. Chó Đức không hợp với trẻ nhỏ đâu. Giống chó ấy hay cành nanh, ganh tị lắm. Cô em tôi đã phải mang cho bà ngoại lũ trẻ một con chó như vậy đấy. Không được để trẻ nhỏ chơi riêng với chó Đức dù chỉ một phút. Tốt nhất nên nuôi chó Labrador. Đích thực là giống chó hiền lành, tốt nết. Chúng rất mến trẻ con, lại không đòi hỏi những điều kiện chăm sóc phức tạp, rắc rối.
 
Tôi nghe mà sướng mê, nằm lim dim mắt, cảm thấy nở từng khúc ruột.
 
– Vâng, tôi cũng nghe nhiều người nói thế. – Bà phụ huynh đang “xin lời khuyên” gật đầu. – Có điều chó Labrador quá to xác, dường như không phù hợp lắm với gia đình có con còn quá nhỏ.
 
Thế có đau không cơ chứ! Vậy mà tôi cứ tưởng thể nào bà ấy cũng chọn giống chó Labrador chúng tôi. Thôi được, nghe tiếp xem nào. Một người đàn ông xen vào:
 
– Các chị nói về chó Đức như vậy là quá đúng rồi. Giống chó ấy đôi khi cũng hung hăng lắm. Tốt nhất không nên mạo hiểm. Mọi người có biết tôi khuyên như thế nào không? Nên nuôi giống chó săn Tây Ban Nha. Vừa phải, không quá to lớn, cũng chẳng đến nỗi quá nhỏ con. Chúng cũng quý trẻ con. Tính nết vui nhộn. Cứ cân nhắc đi. Hoặc nuôi chó cảnh lông xù Pudel cũng được, chỉ có điều phải thường xuyên xén lông cho chúng.
 
– Ồ, các vị nói gì thế! – Thêm một bà phụ huynh nữa tham gia câu chuyện. – Chó mèo làm gì cho mệt? Ở tuổi đó, trẻ con cần được chăm sóc thường xuyên, phải được chơi, đi dạo, được đọc truyện cổ tích cho nghe, nói chung đủ thứ chuyện. Vậy mà các vị còn muốn bỏ thời gian ra để chăm một con “quỷ bốn chân” nữa sao? Quên đi! Để thời gian ấy mà đọc sách cho con nghe còn hơn.
 
– Thưa bà chị kính mến! – Ông phụ huynh ban nãy phản đối. – Tôi không đồng ý với bà chị đâu. Nuôi chó trong nhà rất có lợi cho trẻ nhỏ.
 
– Ôi, thôi đi, tôi van các vị! – Bà phụ huynh không ưa chó phẩy tay. – Lợi cái nỗi gì? Nói vậy mà được sao? Nuôi chó chỉ chuốc thêm phiền toái vào thân chứ chẳng được gì cả.
 
– Xin lỗi, chị tên gì ạ? – Người đàn ông hỏi bà “chống nuôi chó”.
 
– Tanhia. – Bà nọ lẩm bẩm.
 
– Thế này, chị Tanhia thân mến ạ. – Người đàn ông nọ đưa ngón tay trỏ lên cao. – Tôi cam đoan với chị rằng trẻ em trưởng thành nhanh hơn, tốt hơn, nếu trong nhà có thú nuôi. Thứ nhất, trẻ luyện được ý thức trách nhiệm, biết quan tâm, chăm sóc những người bạn nhỏ, bản thân trẻ cũng ổn định về mặt tâm lý. Thứ hai, xin hiểu rằng đối với nhiều người, chó không phải “quỷ bốn chân” như chị vừa cho phép mình gọi, mà là một thành viên đích thực của gia đình.
 
Quả là một người đàn ông thông minh! Ông ấy đã cho bà phụ huynh thô lỗ nọ một bài học đích đáng. Phải biết ăn nói có chừng có mực chứ.
 
– Với hai đứa trẻ trong nhà thì chớ nên nuôi chó! – Bà nọ vẫn cố bảo vệ quan điểm của mình. – Nội chăm sóc bọn trẻ đã đủ mệt.
 
– Chẳng có gì ghê gớm cả. – Người đàn ông không chịu lép. – Tôi xin nói ra đây kinh nghiệm bản thân: càng có nhiều việc, chúng ta càng dễ bắt kịp thời gian.
 
Hay nhỉ, liệu các phụ huynh khác có ủng hộ người đàn ông yêu quý chó này không? Quả là có ngay những người đồng quan điểm.
 
– Tôi đồng ý với ông Victor Victorovich. – Một bà đứng tuổi tuyên bố rồi quay sang bà “xin ý kiến”, nói thêm: – Hãy nuôi một con chó xù Pudel. Đối với chị, đó là phương án tối ưu. Ba đứa con trai của tôi đều lớn lên với một con chó xù làm bạn bên mình. Quan trọng nhất là giống chó Pudel không hay đổ lông, không gây dị ứng, và điều chính yếu là chúng rất vui nhộn, rất được trẻ con ưa thích. Chị cứ tin tôi đi.
 
– Chó Pudel cũng tốt đấy, nhưng chúng hơi kém khôn.
 
– Một người đàn ông khác bắt đầu tham gia câu chuyện.
 
– Anh nói gì vậy? – Người đàn bà đông con phẩy mạnh tay. – Tôi đã mấy lần nuôi chó Pudel, hiện cũng đang nuôi một con đấy.
 
– Rồi sao? – Người đàn ông chê chó Pudel kém khôn trề môi.
 
– Có làm sao đâu! Chúng cực khôn! Mới nói nửa câu chúng đã hiểu. Có khi chẳng cần nói gì cả, chúng phản ứng rất chính xác chỉ dựa vào ánh mắt của chủ.
 
– Thôi, tôi không biết, tôi không biết. – Người đàn ông nọ lẩm bẩm rồi lảng sang chỗ khác, vừa đi vừa nói: – Mấy người bà con của tôi đều chẳng ưa gì chó Pudel, không ai nuôi chúng cả.
 
Có thêm một người phụ nữ tham gia câu chuyện:
 
– Tôi cũng không tán thành ý kiến của chị Tanhia. Tôi vẫn thường đọc sách cho các con nghe và chơi với chúng. Nhưng nếu trong nhà có thú nuôi, trẻ sẽ học được cách đồng cảm và ý thức trách nhiệm đối với súc vật. Tôi từng nhiều lần chứng kiến cảnh trẻ con dùng gậy rượt mèo hoặc ném đá vào chó, vậy mà cha mẹ chúng chẳng can ngăn chúng lấy một lời. Lớn lên, chúng sẽ trở thành những con người như thế nào? Còn những đứa trẻ từ bé xíu đã lớn lên cùng với con thú nuôi bên mình thì chắc chắn sẽ không bao giờ có những hành động như vậy. Vì vậy tôi khuyên: rất nên nuôi chó. Hoặc chó săn Tây Ban Nha, hoặc chó Pudel.
 
– Tôi vẫn cho rằng nên nuôi chó Labrador. Đó là phương án tối ưu. Chuyện giống chó ấy lớn con không phải là trở ngại gì ghê gớm. Những giống chó nhỏ con thường có tính nết thất thường, các vị sẽ rất mệt mỏi với chúng. Hiện trong nhà tôi đang có một chú chó con thuộc giống Labrador. Rất dễ nuôi. Tuy phải cho ra ngoài đi dạo nhiều hơn các giống chó khác một chút, nhưng được cái rất dễ dạy. Chỉ cần thị phạm vài lần là chúng hiểu và ghi nhớ mãi mãi. Chó Labrador hiền và quấn trẻ nhỏ, không bao giờ cành nanh, ganh tị. Còn giống chó Tây Ban Nha hiện vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Không phải tất cả chó Tây Ban Nha đều quý trẻ nhỏ…
 
– Tất cả phụ thuộc vào chuyện chúng được dạy dỗ như thế nào thôi. – Một người đàn ông nói.
 
– Đã đành như vậy, nhưng giống chó cũng đóng vai trò nhất định.
 
Còn tôi, tôi sẽ nói gì đây? Tất nhiên rồi – giống chó rất quan trọng. Còn phải vắt óc suy nghĩ làm gì nữa cho mệt? Hãy chọn giống Labrador đi thôi! Trong chuyện này, việc áp dụng phương pháp “thử và sai” là thừa.
 
– Tôi xin khuyên chọn lấy một con chó từ trại tạm cư dành cho chó hoang. – Một người đàn ông nào đó bất ngờ chen vào câu chuyện. – Đừng cho rằng tôi nói giỡn. Tôi nói nghiêm túc đấy. Vừa cứu đời một con chó, vừa có bạn bốn chân cho con mình.
 
– Khuyên bảo gì lạ thế, thưa quý ông? – Một người phụ nữ vừa nói vừa khịt mũi.
 
– Tôi nói đúng sự việc. – Người đàn ông nọ bình thản nói tiếp. – Cũng cần biết rằng chó hoang ít bị mắc hội chứng khiếm khuyết gene hơn so với chó nòi. Chó hoang có tính nết ôn hòa, ổn định và đặc biệt là có sức khỏe, sức chịu đựng rất tốt. Vì thế, chẳng việc gì phải đắn đo nhiều trong việc chọn nuôi chó…
 
Tiếp theo, cuộc tranh luận không dừng lại ở mức “trao đổi ý kiến” thông thường.
 
– Cần phải nhìn nhận rằng đó là một lời khuyên chân xác! Vợ chồng tôi cũng đã quyết định tiếp sau đây sẽ xin một con chó hoang từ trại tạm cư đưa về nuôi. Vừa cứu được một sinh linh, vừa nhẹ lòng…
 
– Tôi thì lại không khuyên nuôi chó hoang. Không biết mai đây nó lớn lên đạt tới kích cỡ nào, cũng chẳng biết đầu óc nó thế nào. Mà trong số chó hoang chẳng hiếm gì chó bệnh, tính nết của chúng hoặc quá hung hăng, hoặc quá nhu nhược.
 
– Trong các trại tạm cư có không ít chó nhà đâu. Chúng có thể bị đi lạc hoặc bị chủ đuổi ra khỏi nhà vì lý do nào đó…
 
– Ôi, thôi đi các vị ơi. Chớ nên đưa một con chó đã trưởng thành mà mình không biết lai lịch, gốc gác về nhà để chơi với con mình. Mọi chuyện có thể tốt đẹp, nhưng cũng có thể tồi tệ. Tôi chẳng dám mạo hiểm làm điều đó với con mình đâu. Tốt hơn hết nên nuôi chó từ khi còn là cún con, cho nó lớn lên bên cạnh con mình. Từ khi còn bé xíu, chó con sẽ quen dần với tiếng khóc, tiếng gào thét, rú ré của trẻ con. Còn một con chó đã trưởng thành thì ai mà biết được nó sẽ phản ứng như thế nào trước một cử động đột ngột của đứa trẻ hoặc tiếng kêu ré bên tai. Có thể xảy ra nhiều tình huống khác nhau, vì thế chó cần được làm quen với mọi chuyện từ khi còn bé xíu.
 
Thật thú vị khi nghe mọi người nói chuyện về loài chó. Ước gì có ai đó đưa cô bạn Mariana của tôi về nuôi trong nhà. Được vậy thì quá tốt! Nhưng biết làm sao để giải thích với mọi người đây? Than ôi, mọi chuyện đều phụ thuộc vào sự hên xui, may rủi.
 
Đáng tiếc, cuộc “hội thảo” bị cắt ngang giữa chừng. Cô hiệu trưởng đến và mọi người lục tục kéo nhau vào hội trường. Hôm nay tôi được biết thêm bao nhiêu điều thú vị.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.