Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

2



Rời nhà bà nhà văn, tôi rơi vào… ôi, tôi không thể nào tìm được từ dùng cho chính xác. Có trời biết được, sau đó tôi rơi vào đâu. Tất nhiên không phải sau khi rời khỏi nhà bà Anna Ygorevna là tôi đến ngay với người khác mà phải trở về trường rồi sau đó tùy tình hình trường sẽ phân tôi đi phục vụ ai đó. Ở trường chúng tôi là thế đấy – người ta nhận chúng tôi rồi trả, trả rồi nhận, cứ thế luân phiên…
 
Lần cuối cùng người ta nhận tôi cũng bình thường như bao lần trước. Ôi, đời thật lắm thăng trầm dâu bể. Tất nhiên là để không làm hỏng tâm trạng của các bạn, tôi có thể chỉ kể về cuộc sống của mình ở nhà bà Anna mà không kể thêm những chuyện khác. Ở nhà ấy còn có rất nhiều chuyện đáng để kể. Chủ nhà là những người học rộng hiểu nhiều, họ nói chuyện nghe thích lắm. Khách khứa của họ cũng toàn những người uyên bác, thông minh, tốt bụng. Nói chung, sống trong nhà ấy tôi cũng mở mang được tầm kiến thức. Nhưng tôi cũng không thể gạt ra khỏi ký ức của mình một nhân vật được tôi bảo bọc. Dở hay, xấu tốt mặc lòng, nhưng cần phải nói ra sự thật, toàn bộ sự thật. Mà cũng có thể, sự thật ấy sẽ giúp ích nhiều cho các bạn.
 
Chẳng giấu gì các bạn, hàng đêm tôi thường vẫn khóc. Khóc theo kiểu chó – khóc thầm, không rơi nước mắt. Tóm lại, đêm đêm tôi hay thầm than thân trách phận một hồi rồi… thiếp đi lúc nào không biết. Nhưng thường thì không ngủ được. Sống mà cứ như ngồi trên đống lửa. Tôi nói nghiêm túc đấy. Bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra chuyện này chuyện nọ. Chỉ đến lúc đó tôi mới bắt đầu nghiệm ra ý nghĩa đích thực của câu ngạn ngữ “cuộc đời chó má”. Nhưng mà thôi, tôi không than khóc nữa đâu. Khóc mà được cái gì. Như ông cụ Ivan Savelievich, người đầu tiên được tôi bảo bọc, thường nói: ta chẳng có cách nào thoát khỏi số phận, hay “chạy trời không khỏi nắng”. Không phải ai cũng có thể suốt ngày nằm ườn trên xa-lông hay đầm mình trong hồ bơi, đặc biệt là hồ bơi dành cho chó. Nghĩa là chuyện nó phải thế. Cuộc đời, dù là đời chó má, đã thử thách tôi. Nhưng tôi xin nói thực: tôi đã vững vàng vượt qua mọi thử thách và hoàn thành công việc của mình (kể cả những công việc không phải của mình) một cách xuất sắc.
 
Một lần, ông Konstantin Alexandrovich đọc bức thư điện tử (email) mà người ta gửi đến cho bà Anna Ygorevna. Trong thư có đoạn: “Cuộc đời của chúng ta là một chiếc cầu vồng. Cầu vồng có nhiều màu sắc. Màu này phản chiếu màu kia nhưng hai màu liền kề nhau cũng có sự dung hòa nhất định. Cuộc đời cũng thế, có muôn màu sáng tối. Mỗi màu là một phần của màu trắng, mà màu trắng là tổng hòa của cầu vồng đa sắc. Không nên bị cám dỗ vào việc mô tả những gì diễn ra quanh ta chỉ bằng một màu duy nhất. Những nhiệm vụ khó khăn phức tạp được trao cho con người để rồi con người có thể hân hoan cảm nhận niềm vui sướng. Nỗi đau khổ cũng tồn tại, nhưng là để tương phản với niềm hạnh phúc. Mọi chuyện trên đời đều có tính biến thiên và tự chỉnh”. Lời lẽ trong thư hẳn nhiên là nói về sự đời của loài người, nhưng tôi nghĩ rằng đối với loài chó chúng tôi, những nhiệm vụ khó khăn phức tạp được trao cũng không phải ngẫu nhiên. Còn cầu vồng thì khỏi phải nói rồi, bao giờ cũng tuyệt đẹp. Phải thế nào anh bạn Sashka của tôi mới thiết tha với cầu vồng đến thế chứ. Cầu vồng giúp chúng ta lý giải được rất nhiều nguồn cơn trong cuộc sống.
 
Tóm lại, lần nọ, bà Polina Foteevna Ivankhnik đến trường để đón tôi về sống với bà. Nhìn bề ngoài, đó là một bà lão phúc hậu, dễ mến. Bà rất lịch sự, chu đáo, tận tình. Ngồi nghe huấn luyện viên của tôi nói chuyện, thỉnh thoảng bà há to miệng vì ngạc nhiên, rồi bà cười, vuốt ve tôi, thậm chí còn hôn vào mũi tôi. Quả thực, ngay từ đầu, tôi đã cảm nhận được một điều gì đó không ổn. Đi cùng với bà để dắt tay bà là một ông già. Bà Polina Foteevna gọi tên ông là Mironych và giới thiệu với mọi người đó là anh của bà. Nhưng tôi đoán rằng sự thật không phải thế.
 
Ngay từ ngày đầu, tôi đã không thích cái ông Mironych ấy. Ông ấy thường lặn biệt tăm suốt nhiều ngày, và mỗi khi ông ấy xuất hiện trong nhà, thường là vào buổi tối, bà Polina Foteevna trở nên vui vẻ, hoạt bát hẳn lên. Sau mỗi lần như vậy, từ người bà toát ra một thứ mùi mà loài chó chúng tôi cảm thấy chẳng lấy gì làm dễ chịu. Bà ấy thỉnh thoảng hôn vào mũi tôi và sau mỗi lần như thế, mắt tôi cứ gọi là nổ đom đóm, đầu tôi xây xẩm suốt nửa tiếng đồng hồ. Nói cách khác, chắc các bạn cũng đã đoán ra, bà ấy thường hay uống, không phải nước trái cây hay nước ngọt, mà là thứ gì đó nặng đô hơn nhiều! Nhưng tôi nghĩ rằng biết làm thế nào được – sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật mà. Người này khoái rượu bia, người kia ưa thuốc lá, người khác thích… vân vân. Tóm lại, cả trong trường hợp này nữa, loài chó chúng tôi cũng chẳng có quyền gì mà bàn luận xem con người làm gì thì sai hay đúng. Quan trọng nhất là họ cần quan tâm đến chúng tôi và đừng làm cho chúng tôi phải phiền lòng là được.
 
Một sự thật rõ ràng là loài chó chúng tôi đã, đang và sẽ giúp ích rất nhiều cho con người. Các bạn còn nhớ không, ở cuốn sách trước, tôi đã kể về giao ước bất thành văn giữa chó và người từ buổi bình minh của văn minh nhân loại. Cho đến tận ngày nay, loài chó chúng tôi vẫn trân trọng giao ước ấy và tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
 
Ôi, giá chi con người cũng có thái độ như vậy đối với bản giao ước! Các bạn có hình dung nổi không, thỉnh thoảng, sau khi đi dạo về, bà Polina Foteevna quên bẵng việc tháo băng đai ra khỏi mình tôi. Thế là đành phải nằm ngủ với mớ dây nhợ lằng nhằng trên mình. Buồn quá, tôi chẳng còn thiết mở miệng đòi ăn, đòi tắm gì nữa…
 
Tôi với ông Mironych không phải chỉ gặp nhau một lần ở trường dạy chó là hết. Sau khi tôi về ở với bà Polina,
 
ông ấy cũng thường xuyên lui tới. Ông này ranh ma hết biết. Tôi đoán ra rằng (mà không, tôi tính ra), ông ấy chỉ đến nhà sau mỗi kỳ bà Polina lĩnh lương hưu.
 
Tất nhiên là những chuyện như thế làm tôi rất khó chịu và căng thẳng. Các bạn thử nghĩ mà xem: thứ nhất, tôi rất không thích cái thứ mùi sặc hơi cồn khiến tôi phát ngu si ấy; thứ hai là hai ông bà này rất hay quên về việc tôi cần ra ngoài mỗi ngày ít nhất hai hoặc ba lần để… “dốc bầu tâm sự”. Họ chẳng mấy khi quan tâm đến nhu cầu tự nhiên của tôi. Điều thứ ba: tôi từng chứng kiến lão Mironych trắng trợn lừa gạt bà Polina. Mỗi khi trong nhà hết tiền là lão ta biến mất, với rất nhiều cái cớ – nào là phải về làng thăm bà con, nào là ốm đột xuất không đến được, nào là bận việc nhà, vân vân và vân vân.
 
Nói cách khác, từ ngày đó, đời tôi trở thành cơn ác mộng. Lắm hôm tôi phải ở cùng bà Polina trong quán bia suốt cả ngày. Bạn nhậu của bà ấy vuốt ve tôi bằng những bàn tay rất bẩn. Thỉnh thoảng họ cũng gãi lưng, gãi gáy tôi, làm như thân thiện lắm, nhưng thực chất thì đó là những cú cào, cấu, đau thấu xương và gây tức chết đi được. Tệ hại nhất là họ có thể làm đổ bia lên đầu tôi, ném xương cá mắm mồi nhậu lên mình tôi (chẳng biết vô tình hay cố ý). Nhưng nỗi tủi nhục không chỉ có thế. Lần nọ, một gã đàn ông to như bò mộng giẫm phải chân tôi. Cái chân suýt nát bét. Đau đến nỗi tôi không nén nổi, phải tru ầm lên. Quả thực, ở đây tôi chỉ có thể tru mà thôi. Gần như quên mất hai từ “gâu” và “u-u” của mình (hay nói đúng hơn là của Sashka).
 
Ở quán nhậu người ta có thể vu oan giá họa cho nhau về bất cứ chuyện gì, vì bất cứ lý do gì. Xin đưa ra một dẫn chứng. Lần nọ, tôi đang ngồi dưới gầm bàn, bỗng nhìn thấy có một con cá khô rớt xuống. Một con cá dễ thương, xinh xắn, phần bụng mỏng dính, gần như trong suốt. Mà tôi lúc đó thì đang đói nhừ, đói muốn điên, xém chút nữa là vồ lấy con cá mà xơi ngấu nghiến, theo cách mà con người thường gọi là “ăn như chó”. Các bạn thấy đấy, loài người đã nghĩ ra biết bao nhiêu ngôn từ để hạ nhục loài chó. Thây kệ! Lúc này tôi đang đói thê đói thảm – hồi sáng bà Polina Foteevna do vội đi ra quán nhậu nên quên cho tôi ăn. Và giờ đây, con cá ngon lành nằm trước mặt như một món quà từ trên trời rơi xuống. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng không vồ lấy món mồi ngon mà ăn lấy ăn để. Thậm chí trong thâm tâm tôi cũng không nghĩ là mình sẽ làm điều đó. Tôi có nguyên tắc sống của mình và luôn tuân thủ mọi quy tắc hành nghề. Tôi cẩn thận dùng mõm nhặt miếng ngon ấy lên, chui ra khỏi gầm bàn và dúi nó vào tay bà Polina. Đúng lúc đó, gã đàn ông bạn nhậu của bà ấy hét toáng lên:
 
– Ê, của tao đấy! Mày làm gì vậy, đồ khốn nạn?
 
Thoạt đầu tôi không biết là ông ta mắng tôi. Gã bợm rượu gào tiếp:
 
– Đồ súc sinh! Polina! Con ch…ch… chó… chó chết của bà ă…ă…ăn cắp con cá của tôi!
 
Ơ hay, lạ nhỉ! Con cá bỗng dưng xuất hiện trước mặt tôi chứ tôi ăn cắp hồi nào? Tự ông đánh rơi nó xuống đất, tôi nhặt lên, đưa cho bà bạn già của mình, vậy mà ông lại vu cho tôi là ăn cắp. Thiệt tình!
 
– Này, đừng nói nhảm nhé! – Bà Polina Foteevna đứng ra bênh vực tôi. – Đây này, trả ông con cá thối của ông, đừng làm ầm lên nữa. Chắc xỉn quá rồi, tự làm rơi con cá, may mà con chó của tôi nó nhặt lên cho. Nói cho mà biết nhé, con chó của tôi cực khôn. Hễ nhặt được của rơi là trả lại. Ông đã không biết cảm ơn mà còn…
 
– Tôi chẳng làm rơi gì tất, – gã bợm tiếp tục làm ầm lên. – Con cá nằm yên trong túi quần của tôi. Con chó của bà lén đánh cắp nó đưa cho bà.
 
Không chịu xiết nỗi nhục bị vu oan, tôi vùng lên sủa dữ dội. Gã bợm hoảng quá, giật bắn mình về đằng sau, rú lên:
 
– Thấy chưa, bà Polina! Bà đã thấy con chó chết tiệt của bà nó hung dữ thế nào chưa? Nó còn dám tấn công người ta nữa đấy. Cần phải đưa nó đi bệnh viện th…th… thú y để bác sĩ chuyên về chó khám cho nó!
 
– Chính ông mới phải tới bệnh viện cho bác sĩ khám,
 
– bà Polina Foteevna trả đũa rồi cười vang. – Tôi đã nói với ông rồi, con chó này không phải là đồ ăn cắp. Ông hiểu rồi chứ? Này, đây, – bà đưa cho lão ta con cá tội nghiệp. – Ăn đi kẻo mà chết đói!
 
– Ối! Không! Không bao giờ! – Gã bợm hất tay bà ra. – Chưa đủ hay sao mà còn muốn tôi phải ăn thừa của chó. Đưa cho con chó chết tiệt của bà ăn đi.
 
– Điên hết cả rồi hay sao thế, – một tay bợm khác trong bàn lên tiếng. – Đưa đây cho tôi! – Ông ta vồ lấy con cá khô từ trong tay bà Polina, cắn bỏ cái đầu rồi bập răng vào mình cá, cắn, xé, nhai ngấu nghiến.
 
Tôi thèm đến rỏ dãi nhưng đành nuốt nước miếng và ngậm ngùi hiểu ra rằng nơi đây, trong quán bia này, hoàn cảnh của tôi chẳng bao giờ sáng sủa. Tôi chỉ thầm ước trời tối mau mau để được về nhà, nếu không thì chẳng biết tôi còn phải nhịn đói cho đến bao giờ.
 
– Kinh! – Gã bợm rượu “nạn nhân mất cắp” tròn mắt nhìn ông bạn nhậu cùng bàn đang ăn cá. – Ông có thể dám ăn những thức ăn thừa của chó sao? – Hắn đưa mắt nhìn con cá cụt đầu.
 
– Ăn chứ có gì mà không dám! – Người nọ gật đầu trả lời rồi nói tiếp: – Tôi đang ăn đấy thôi, không thấy à? Đã sao nào? Trison không phải là thứ chó ghẻ đi hoang, mà là người-dẫn-đường của Polina. Có thể nói là một con chó có học thức đấy, hiểu không?
 
Vâng, dĩ nhiên là tôi rất sướng bụng khi được nghe người ta nói như thế về mình. Nhưng buổi chiều hôm đó có lẽ tôi sẽ sướng bụng hơn nếu được cho phép xơi con cá khô ngon như kẹo ấy. Bất giác tôi nhớ lại những lần đi câu cá cùng với ông cụ Ivan Savelievich.
 
– Dù sao đi nữa, – gã bợm “bị mất cắp” càu nhàu, – chuyện này cũng quá đáng lắm. Chắc ông sẽ mời con chó ấy ngồi vào bàn và rót bia cho nó chứ?
 
– Ôi, ôi, ôi! – Bà Polina Foteevna khoát tay. – Thôi, đủ rồi, đừng làm bộ làm tịch nữa! Cứ làm như là mình hay lắm, cao quý lắm! Ông không nhớ là mới đây, ông cùng con chó Pashka của ông xơi hết cả bịch “Pedigri”(*) hay sao? Rồi có làm sao không…?
 
(*) Tên thương phẩm của một loại thức ăn đóng gói sẵn dành cho chó – ND
 
– Thế mà cũng so sánh! – Gã bợm nổi quạu. – Tôi với con Pashka có ăn chung một đĩa đâu mà nói thế.
 
– Thôi được rồi, – bà Polina phẩy tay, – ừ thì ông với nó không ăn chung một đĩa. Không thích thì thôi, làm gì dữ vậy? Chẳng ai ép buộc ông làm điều đó. Còn tôi ấy hả, tôi sẵn sàng ăn thừa của Trison, hơn là ăn thừa của một số người nào đó…
 
– Bà ám chỉ ai đấy? – Gã bợm nổi cáu thực sự. – Bà ám chỉ tôi chứ gì?
 
– Tại sao ông lại nghĩ là tôi ám chỉ ông cơ chứ? – Bà Polina Foteevna cười khẩy – Trên đời này thiếu gì hạng đàn ông rác rưởi! Yên tâm đi, ông bạn ạ…
 
Một lúc sau, mọi người trong bàn nhậu dường như quên bẵng vụ đôi co lời qua tiếng lại vừa rồi và tôi thấy hình như cái gã bợm “bị mất cắp” luôn tỏ ra gớm tởm thức ăn thừa kia cũng tham gia xé con cá khô “hai lần bị ăn thừa” nọ bỏ vào mồm làm mồi nhậu. Chuyện thường thôi, dường như ở đâu và lúc nào cũng thế. Lúc đầu thì phật lòng, giận dữ, la ó, nhảy nhổm lên, sau đó thì nốc vào và xơi tuốt bất cứ thứ gì, kể cả thức ăn thừa của chó. Thế mà cũng gọi là làm người!
 
Tôi mới ngốc làm sao, vì đã buồn lòng và hờn giận Sashka vì cái tên Trisha mà thỉnh thoảng cậu ấy dùng để gọi tôi (tên tôi là Trison mà!). Các bạn có biết bà Polina Foteevna thường gọi tôi bằng cái tên nào không? Chắc chắn là các bạn không thể nào đoán ra được. Tôi xấu hổ làm sao khi phải mở miệng nói ra cái tên ấy. Khi tỉnh táo, bà ấy vẫn luôn gọi đúng tên tôi. Nhưng hễ có vài ly vào là thể nào cũng lẫn lộn lung tung, hình như lưỡi bà ấy bị trẹo đi hay sao ấy. Mỗi khi uống vào, bà ấy thường ra những câu lệnh như sau:
 
– Truson(*), đén với mìn nừu.
 
(*) Tên của chú chó là Trison, nhưng do say, bà Polina gọi nhầm thành Truson, mà trong tiếng Nga, từ “Tpyc” [trus] có nghĩa là “đồ hèn nhát”; những từ khác trong câu cũng bị phát âm sai, do líu lưỡi khi say – ND
 
Lần đầu tiên nghe câu lệnh này, tôi hoàn toàn không hiểu bà ấy gọi ai và bà ấy muốn gì. Các bạn hãy tự suy luận đi, câu lệnh “đén với mìn nừu” có nghĩa là gì? Tôi có phải là lính công binh đâu mà đi dò mìn! Nói với chả năng! Tôi phải luận mãi mới hiểu ra là bà ấy bảo “Đến với mình nào”. Bà già này kỳ quặc thật. Lại còn cái tên kỳ cục nữa chứ: Truson. Hừ! Thật vớ vẩn. Bà ấy muốn móc máy rằng tôi hèn nhát (trus) chăng? Tôi mà là đồ hèn nhát à? Còn lâu nhé! Các bạn biết rõ rồi đấy, tôi là một chú chó dũng cảm. Ờ, hay bà ấy gọi tôi bằng cái tên Truson là xuất phát từ chữ “trusy”? Như thế càng bậy, vì chữ “trusy” có nghĩa là… quần lót. Tóm lại, nhục nhã ê chề tràn trề lòng tôi. Gì thì gì chứ cái trò bóp méo tên gọi là tôi chịu không nổi. Thật không ngờ đấy. Vì vậy, cái tên Trisha mà Sashka thường gọi tôi hoàn toàn bình thường, thậm chí nghe còn rất êm tai.
 
Mỗi cái tên là một bông hoa. Tôi còn nhớ câu thành ngữ mà ông cụ Ivan Savelievich thường dùng: “Gọi tôi là cái nồi cũng được, miễn là đừng đặt tôi lên bếp”. Tên tôi thì sao? Quan trọng nhất là tôi nhớ tên mình. Tên tôi có mặt trong sổ sách, tài liệu của trường dạy chó, tên tôi hiện hữu trên các loại giấy tờ tùy thân của tôi. Không ai có thể lẫn lộn, không ai có thể quên. Nhưng với người say thì làm gì bây giờ? Thôi, thây kệ cái tên Truson méo mó ấy. Trong đời tôi, tôi đã từng bị gọi bằng vô số cái tên khác nhau, thậm chí có cả cái tên Ăng-lê là Rex. Các bạn nhớ chứ? Chẳng sao cả.
 
Nhưng ở đây còn có một điều tệ hại khác nữa. Vấn đề không phải ở chỗ cái tên. Lối sống của tôi mới là chuyện rắc rối. Nói cho ngay, tôi đã trở thành kẻ vô gia cư thứ thiệt, hay đơn giản là thứ chó hoang. Nhưng xin các bạn chớ nghĩ rằng tôi có lỗi trong chuyện này. Tất nhiên là không phải tại tôi. Nếu có đi chăng nữa thì cũng là rất ít.
 
Ngay sau khi tôi về với bà Polina Foteevna, suốt trong tuần đầu tiên, mỗi ngày nhà trường đều cử chuyên gia huấn luyện đến nhà để xem xét, kiểm tra, phụ đạo, hướng dẫn. Bộ ba chúng tôi (chuyên gia, bà Polina và tôi) cùng nghiên cứu, thực hiện một số tuyến đường, chẳng hạn đường đi đến cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, bệnh viện, công viên gần nhất, v.v. Trong tuần ấy, bà Polina còn tương đối được: cho tôi ăn khá đầy đủ, thỉnh thoảng còn ôm ấp, vuốt ve. Việc tắm và chải lông cho tôi bà ấy cũng có thực hiện, tuy không thường xuyên lắm nhưng cũng còn tạm chấp nhận được. Nhưng sau đó, khi chuyên gia không đến nhà nữa, thì thôi rồi. Eo ôi! Mỗi khi nhớ lại cảnh tượng ấy, tôi cứ gọi là giật mình thon thót! Có lắm bận suốt mấy ngày liền tôi không được ngủ ở nhà. Bà Polina thường đi lang thang khắp nơi, hết ngồi quán bia lại tới nhà bạn nhậu, ngủ thì ngủ vạ ngủ vật ở bất cứ nơi đâu có thể ngả lưng được.
 
Bà ấy có thể ngồi suốt ngày từ sáng đến khuya ở quán bia, đêm thì lăn ra bãi cỏ đằng sau quán mà ngủ. Còn tôi thì phải thức suốt đêm để canh chừng cho bà ấy. Chứ tôi biết đi đâu bây giờ? Thỉnh thoảng, mệt và buồn ngủ quá, tôi gối đầu lên chân bà ấy, thiếp đi, nhưng cũng chỉ chợp mắt được một lát là giật mình thức dậy để canh chừng. Với lối sống bê tha bệ rạc như vậy, tôi xuống sức hẳn, bộ dạng thấy mà ghê. Một lần, tôi nhìn thấy mình trong gương ở quầy hàng bách hóa và suýt ngã khuỵu vì xấu hổ. Nếu không có cái băng đai có in chữ thập đỏ, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ rằng tôi là con chó hoang đích thực.
 
Mà nói cho đúng ra, ở nhà cũng chẳng khá gì hơn – tôi thường xuyên phải ngủ trong căn hộ nồng nặc mùi bia, hơi rượu. Khốn khổ nhất là việc bà Polina thường xuyên quên tháo băng đai ra khỏi mình tôi. Bạn đã bao giờ bị ngứa sau lưng, ở chỗ mà tay bạn không với tới được để gãi? Rất khó chịu, nhưng đành ráng chịu thôi.
 
Cuộc đời tôi nó như vậy đấy. Thế mà các bạn cứ rủa đời mình là “đời chó má”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.