Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

27



Ai mà ngờ được vụ hỏa hoạn ở trường mẫu giáo có thể dẫn tới những tình tiết khó đoán đến thế. Chỉ mấy ngày sau, hai người bạn của tôi tìm đến – đó là Sashka và Stepa. Thì ra họ nhìn thấy tôi trong bản tin thời sự trên tivi. Không lời nào kể xiết niềm vui của tôi ở lần gặp này! Sashka hôn tôi túi bụi, ôm ghì, thì thầm điều gì đó vào tai tôi. Còn Stepa mang đến làm quà cho tôi hẳn một cây giò lụa thật dài. Hai anh bạn quấn quýt chuyện trò với tôi như thể tôi là bà con ruột thịt gần gũi nhất của họ. Họ luôn miệng hỏi han, cười nói, kể đủ chuyện.
 
Ông cụ của tôi buồn hẳn. Cụ hiểu rằng chẳng còn bao lâu nữa, chúng tôi sẽ phải chia xa. Sashka nói cho cụ nghe những Quy định của “Trường quốc gia đào tạo chó hướng dẫn đường”. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cụ Valery Anatolievich không hề có lấy một lời tỏ ý phản đối. Cụ chỉ thở dài và hút thuốc hết điếu này tới điếu khác. Cụ cũng đồng ý với Sashka rằng vị trí của tôi là ở cạnh người mù. Qua câu chuyện của hai người, tôi hiểu rằng cụ không hề biết các quy định của trường dạy chó.
 
– Ôi, Sashka à, nếu biết có những quy định như vậy, ông đã gọi điện cho nhà trường từ lâu rồi. Nhưng trước giờ ông chưa từng gặp chuyện này lần nào. Thấy mọi người đều quên mất con chó, ông bèn quyết định đưa nó về nuôi. Và rồi ông với nó suýt bị đuổi khỏi nơi đây. Mọi chuyện không đơn giản. May mà ông tìm được giấy tờ của nó ở chỗ bà Irina, em gái của bà Polina Foteevna. Bà Irina cũng chẳng nói gì với ông chuyện nhà trường cả, chỉ mừng vì Trison có được chỗ ở mới. Chuyện là thế đấy con ạ. Tất nhiên, tất nhiên rồi, con chó này phải được làm việc theo đúng nghề của mình. Điều đó miễn bàn.
 
Cụ Valery Anatolievich cho tôi “nghỉ phép”, thế là tôi được sống hai ngày trong nhà Sashka. Nghỉ ngơi xả láng. Công việc đang chờ tôi phía trước, lúc đó chắc sẽ chẳng có thời gian đâu mà nghỉ ngơi, an dưỡng.
 
Sashka đeo “đồ nghề” vào cho tôi (cậu ấy có giữ lại một bộ băng đai và dây dẫn đường làm kỷ niệm) và bắt đầu thuyết giảng cho Stepa nghe về công việc của chó dẫn đường. Tôi không hề quên bất cứ thao tác nghề nghiệp nào. Có lẽ giống như người đi xe đạp vậy – một khi đã học thành thạo thì suốt đời không bao giờ quên cách chạy xe. Chúng tôi đi trên đường và người qua đường tò mò nhìn theo chúng tôi.
 
Thậm chí có một người phụ nữ không nén nổi tò mò, bèn lại gần và hỏi Sashka:
 
– Xin lỗi, có phải cậu đang huấn luyện chó dẫn đường không?
 
– Đúng vậy. – Sashka trả lời và tỏ ra thích thú. – Sao chị lại hỏi thế?
 
– À, tôi cảm thấy rất thú vị, muốn được biết chúng làm việc như thế nào. Chúng thật sự có thể giúp người mù chứ?
 
– Tất nhiên rồi, giúp chứ. – Sashka nói. – Giúp rất nhiều nữa là đằng khác. Chúng chính là đôi mắt của người mù chúng tô… – Sashka sựng lại mấy giây rồi nói tiếp: – Chúng là đôi mắt của người mù đấy.
 
– Chồng tôi bị mù, hoàn toàn không nhìn thấy gì, – người phụ nữ than thở. – Người ta đề nghị dùng chó dẫn đường, nhưng anh ấy một mực từ chối, bảo rằng đó chỉ là trò chơi vớ vẩn.
 
Đây không phải lần đầu tiên tôi được nghe về quan niệm này. Đáng tiếc, ở nước Nga chúng ta, rất nhiều người khiếm thị còn mù mờ về khái niệm chó dẫn đường, vì thế cứ từ chối sự giúp đỡ của chúng tôi. Họ nghĩ rằng một con chó như vậy sẽ chỉ là gánh nặng cho họ. Quả là sai lầm lớn. Tất cả chỉ do thiếu thông tin mà thôi.
 
– Không phải đâu. – Sashka nói. – Hoàn toàn không phải trò chơi. Xin bảo đảm.
 
– Cậu đã bao giờ tiếp xúc với người mù có chó dẫn đường chưa? – Người phụ nữ hỏi.
 
– Chính cậu ấy từng bị mù mà. – Stepa xen vào câu chuyện.
 
– Thật sao? – Người phụ nữ ngạc nhiên tột độ.
 
– Đúng vậy. – Stepa nói tiếp. – Cũng chính con chó này từng giúp đỡ cậu ấy đấy.
 
– Stepa! – Sashka rít khẽ trong họng.
 
– Ôi, sao các cậu… Sao… – Người phụ nữ sửng sốt.
 
– Xin lỗi chị, – Sashka nói. – Bây giờ bọn em có việc gấp phải đi rồi.
 
Sau khi đi được một quãng xa, Sashka trách Stepa:
 
– Stepa, sao cậu lại nói thế?
 
– Ôi, Sashka, tớ…
 
– Không được nói thế. Không bao giờ được làm thế nữa.
 
– Tớ xin lỗi. – Stepa ăn năn. – Tớ không suy nghĩ kỹ. Tha lỗi cho tớ nhé, người anh em.
 
– Thôi được rồi. – Sashka phẩy tay. – Coi như quên chuyện vừa nãy.
 
Chúng tôi đi trong công viên nhỏ, nơi tôi từng “tặng” Sashka chiếc cầu vồng. Tôi nhớ lại khoảng sân quen thuộc. Tất cả đều như xưa. Chỉ Sashka là khác trước. Bước đi mạnh dạn, vững chãi. Mọi vật đều nhìn thấy rõ. Bà và mẹ nghĩ rằng tôi là con voi hay sao ấy, dọn cho tôi cơ man thức ăn, sức tôi ăn một tuần chưa chắc hết.
 
– Ăn đi con, ăn đi! – Bà ngoại Elizaveta Maximovna giục. – Ăn đi cho khỏe. Tội nghiệp con quá đi thôi.
 
Cảm ơn bà ngoại rất nhiều, nhưng con đâu phải con lạc đà để có thể ăn nhiều vào rồi dự trữ thức ăn trong bướu.
 
Tôi không cảm nhận được thời gian – hai ngày trôi qua cái vèo như chớp mắt. Đã đến lúc phải trở lại trường mẫu giáo. Stepa đến và cả ba chúng tôi lên đường đi tới chỗ cụ Valery Anatolievich. Chắc ông cụ cũng buồn và nhớ tôi lắm. Trên đường đi, hai anh bạn trẻ hứa một tuần nữa sẽ đến thăm tôi ở trường dạy chó. Phải thôi. Làm sao biết được rồi đây tôi sẽ về sống với ai ở đâu. Một cô bạn chó dẫn đường của tôi đấy, đã được đưa đến tận Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông xa tắp. Rất có thể tôi cùng hai anh bạn trẻ sẽ không bao giờ gặp lại nhau. Ôi, suýt nữa thì quên kể các bạn nghe một tin chấn động. May mà nhớ được vào phút chót. Sashka của tôi bắt đầu sáng tác truyện ngắn. Ngay trước khi lên đường trở lại trường mẫu giáo, Sashka rụt rè hỏi Stepa:
 
– Stepa, có một chuyện, tớ cần lời khuyên của cậu.
 
– Cứ nói đi. – Stepa trả lời.
 
– Chuyện này tớ chưa nói với ai cả, ngượng lắm. Tóm lại, tớ viết truyện ngắn. Cậu muốn nghe không?
 
– Còn phải hỏi! Muốn quá đi chứ. – Stepa reo lên mừng rỡ. – Cho xem đi, có gì mà phải ngượng.
 
– Ờ, thế thì ngồi xuống, tớ đọc cho nghe. – Sashka yêu cầu. – Tớ muốn nghe ý kiến của cậu. Nếu cậu không thích cái truyện, cứ nói thẳng, tớ sẽ không giận đâu. Nếu cậu thấy nó bình thường, không dở, tớ sẽ gửi đến một tạp chí nào đó, hi vọng người ta sẽ đăng. Được chứ?
 
– Đồng ý! – Stepa nói. – Nào, tớ sẵn sàng nghe đây.
 
Tôi cũng rất hứng thú muốn được nghe truyện, thế là nằm ngay dưới chân hai anh bạn, dỏng tai chờ đợi.
 
– Truyện ngắn có tựa đề “Con chó – bạn của người say”.
 
Ối ối! Nghĩ ra cái tựa nghe lạ. Nhưng thôi, hẵng nghe cái đã, thử xem anh bạn nhỏ của tôi sáng tác ra cái truyện như thế nào, đặc biệt là truyện về chó thì càng thú.
 
– Nghe hay đấy. – Stepa lẩm bẩm, chắc cũng khá ngạc nhiên trước cái tựa lạ lùng.
 
– Đừng lấy làm lạ. – Sashka nhắc. – Chuyện có thật đấy.
 
– Bắt đầu đi. – Stepa xoa xoa hai bàn tay vào nhau rồi tạo ra một vẻ mặt vô cùng chăm chú.
 
Sashka đảo mắt nhìn chúng tôi một lượt rồi bắt đầu đọc.
 
Truyện ngắn: Con chó – bạn của người say
 
Ở ga xép “Búa liềm”, một người đàn ông trạc tứ tuần bước vào toa (tất nhiên, nếu có thể gọi đó là bước). Hàm râu ba ngày chưa cạo, má hóp, mũi đầm đìa máu. Tôi chợt nhớ đến tác phẩm “Matxcơva – Petushki” của nhà văn Venedict Erofeev (xin đừng nhầm lẫn với nhà văn Victor Erofeev).
 
Tại sao tôi nhớ đến tác phẩm ấy? Chẳng qua chỉ vì nhân vật chính của Erofeev cũng đi tàu trên tuyến đường này. Ở ga thị trấn Reutovo, một người phụ nữ vào toa cùng một con chó. Nói thực, đó không phải con chó, mà là chiếc máy ủi đất. Đầu nó lớn hơn chiếc màn hình máy tính 21 inch của tôi, chân to như chân voi, cái lưỡi lòng thòng, dài dễ đến nửa mét. Ôi, các bạn ơi, những con chó như thế chỉ có thể nuôi trong sở thú hoặc chăn ngoài bãi. Dù sao đi nữa, việc để một con chó như thế đi trên xe lửa ngoại ô mà không đeo rọ mõm quả là một ý tưởng dành cho những người yêu thích chất cực đoan Nga. Tuy nhiên…
 
Trước đó, người đàn ông say rượu giống như nhân vật của Erofeev cãi nhau ỏm tỏi với những người ngồi cùng băng nghế, chỉ còn thiếu nước thượng cẳng chân hạ cẳng tay, nhưng rồi ánh mắt đờ đẫn của ông ta bỗng dán chặt vào “mặt” con chó.
 
Tại sao tôi gọi cái mõm con chó là “mặt”? Vì rằng gã say nọ nói với quý bà dắt chó (tôi xin dẫn nguyên văn): “Thưa bà, con chó của bà thật dễ thương, hệt như bà. Mặt nó cũng đầy hứng khởi, giống mặt bà”.
 
Tôi không biết có nên coi đó là một lời “nịnh đầm” hay không, nhưng bà cụ ngồi đối diện dùng hai lòng bàn tay che mặt cười sằng sặc. “Nhân vật của Erofeev” nhìn bà cụ chằm chằm rồi bỗng nhổm dậy, cất giọng ngâm to: “Ngươi cười ai? Hay cười chính bản thân mình?”, rồi lại buông mình đánh phịch xuống ghế, khiến những người ngồi cạnh tỏ vẻ bất bình.
 
“Tại sao tôi phải cười chính bản thân mình chứ?” – Bà cụ khịt mũi, cất giọng khinh khỉnh, rõ ràng bà ấy không hiểu ý hài hước của câu thơ nổi tiếng trong kho tàng văn học cổ điển. – Tôi đâu có uống say đến mức réo lên như lợn con. Vì vậy, xin chớ nói nhảm”.
 
“Đó không phải là nói nhảm, má già ạ! – Người đàn ông xỉa ngón tay trỏ lên trời. – Đó là lời văn của Gogol. Nikolai Vasilievich Gogol!”.
 
“Ơn Chúa! – Bà già gật đầu. – Nhưng thưa quý ông, chó thì chỉ có mõm chứ không phải mặt”.
 
“Chuyện đó vẫn đang là, híc, – ông ta nấc cụt, – vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi”. Chỉ tay vào mặt người đàn ông ngồi cạnh, kẻ say nói tiếp: “Đây mới là cái mõm, mặc dù ông ta trông có vẻ giống người”.
 
“Đồ quái thai, mày nói gì thế? – Người ngồi cạnh gầm lên và túm lấy ngực áo gã say. – Tao cho mày biết tay bây giờ, đồ súc sinh!”.
 
“Thấy chưa, má già, – vùng vẫy trong tay người đàn ông giận dữ, kẻ say vui vẻ nói, – má đã thấy hắn sợ sự thật đến thế nào chưa. Vậy mà má cứ so sánh, nào chó, nào người…”.
 
“Ngậm mõm lại ngay, đồ con vật!” – Ông nọ gào to hơn nữa, và vung tay dọa đánh.
 
Ngay lúc đó, con chó cưng của quý bà nọ bất thình lình cất tiếng. Nó sủa to đến nỗi át cả tiếng bánh sắt nghiến đường ray, mặc dù lúc đó tàu đang lao vun vút qua một cánh rừng thưa.
 
“Gâ-â-â-âu!” – Con chó dõng dạc kết thúc. Và mọi người cũng hiểu rằng nên chấm dứt những hành vi không mấy đẹp của mình.
 
“Mày sao thế, hả chó?” – Người đàn ông nọ hỏi lấy lòng con chó và buông tay cho đối thủ ngồi xuống ghế.
 
“Nó cảnh cáo ông đấy. – Người hành khách say rượu giải thích. – Nghĩa là cứ việc tha hồ đấu khẩu, nhưng chớ nên hạ thủ”.
 
“Tao nói rồi, ngậm mồm lại!” – Người ngồi cạnh rít lên.
 
Con chó lại cất tiếng, lần này còn to hơn nữa.
 
“Thế nào, phục rồi chứ? – Người say cười toáng. – Ông bạn thấy chưa? Con chó này không ưa sự thô lỗ và thói hung hăng hiếu chiến”. – Nói đoạn, ông ta tụt xuống sàn toa, ngồi bệt bên cạnh con chó và đưa tay vuốt ve nó. Con chó đáp lại bằng cách liếm vào mõ…, ấy, vào mặt ông ta.
 
“Coi chừng, thưa quý ông. – Bà chủ của con chó cảnh báo. – Nó mà cắn, tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy”.
 
“Nó không cắn đâu. – Người đàn ông dở say dở tỉnh trả lời. – Các vị hãy nhìn vào mắt nó mà xem. Nó chỉ có thể cắn phường vô lại thôi. Còn tôi đây nhá, cực kỳ trung thực, đứng đắn, nghiêm chỉnh”.
 
“Hừm, cũng tự xưng là ‘đứng đắn, nghiêm chỉnh’ cơ đấy! – Bà cụ già nói mỉa. – Chỉ được cái say quá đỗi!”.
 
“Má à, má cũng già quá đỗi rồi đấy. Chẳng ai sống lâu được như má đâu!” – Người đàn ông đốp chát.
 
“Thì đã sao? – Bà cụ rít lên. – Sống lâu là có tội à?”.
 
“Tôi không nói đến tội lỗi gì ở đây cả, má già à. Chớ giận. Đùa vậy thôi. Đơn giản là ngày mai tôi sẽ tỉnh rượu”.
 
Bây giờ mới bắt đầu một màn cực hay. Chỉ có điều, xin bạn đọc đừng nghĩ rằng tôi thêm thắt đoạn này vào để ly kỳ hóa cốt truyện nhằm câu khách. Không đâu. Truyện ngắn này không phải là câu chuyện hư cấu chỉ để mua vui độc giả, mà là chuyện thật trăm phần trăm. “Nhân vật của Erofeev” cất giọng đọc to một bài thơ của thi hào Sergey Esenin: “Ánh bình minh dệt đỏ mặt hồ…”.
 
Con chó cất một tràng tiếng tru cổ vũ.
 
“Nào, bạn thân mến, hãy đệm thanh cho tớ. Bây giờ chúng mình sẽ trình diễn một màn song tấu, mọi người sẽ phải bổ chửng cho mà xem. Nào, bắt đầu!”.
 
Và con chó bắt đầu hát. Không, không phải sủa, mà hát thật sự. “U-u-u-aa-a-uu-a-a-uuu!”. Mọi người trong toa im bặt. Người say đọc thơ, con chó “đệm nhạc” theo cách của mình. Thậm chí người đàn ông hung hăng ban nãy cũng há hốc mồm, lặng người đi vì kinh ngạc. Có lẽ con chó thích lời nhận xét từ người hành khách say say tỉnh tỉnh về khuôn mặt của nó hay do nó thật sự là một con chó hiền lành tốt bụng, tôi không biết nữa. Nhưng rõ ràng là nó đã rất quấn ông khách ngà ngà nọ và bắt đầu liếm mặt ông ta. Ông ta để yên cho nó liếm. Mọi người trong toa vỗ tay khen ngợi cả người lẫn chó.
 
“Nghệ sĩ diễn ngâm” đứng phắt dậy, gập mình cảm tạ công chúng. Có ai đó kêu to: “Tuyệt vời! Đề nghị tiếp tục!”. “Nghệ sĩ” bất ngờ bật khóc. Đúng lúc đó, tàu dừng ở một ga xép, “người đàn bà có con chó nhỏ” (tác giả mượn tên một tác phẩm của nhà văn cổ điển Nga Anton Tchekhov – ND) vội bước ra ngoài. Người khách say xỉn cũng bước ra theo.
 
Câu chuyện tôi vừa kể diễn ra trên một chuyến xe lửa ngoại ô. Nói chung, trên xe lửa ngoại ô có nhiều chuyện rất hay. Lần sau tôi sẽ kể về một con mèo rất tuyệt.
 
– Ôi, Sashka! – Stepa thốt lên. – Hay cực!
 
– Cậu nói thực lòng đấy chứ? – Sashka mỉm cười.
 
– Thích thật hả?
 
– Tớ thề đấy! – Stepa đấm mạnh vào ngực mình.
 
– Câu chuyện rất lạ. Cậu tận mắt chứng kiến mọi chuyện?
 
– Thực ra, mọi chuyện diễn ra có hơi khác một chút. – Sashka hơi lúng túng. – Nhưng đây là tác phẩm văn học. Cậu hiểu chứ?
 
– Tớ hiểu. – Stepa gật gù. – Cậu giỏi thật đấy. Còn truyện nào nữa không?
 
– Còn chứ. – Sashka gật đầu. – Nhưng để lúc khác. Bây giờ phải lên đường thôi.
 
Tôi cũng rất thích truyện ngắn của Sashka. Nhưng đoạn kết có vẻ chưa đạt lắm. Chẳng lẽ không thể không hứa hẹn kể chuyện về lũ mèo sao? Mặc dù… Tôi cũng có thể kể khối chuyện về chúng. Tóm lại, tôi rất mừng cho người từng được tôi bảo bọc. Rất có thể đến lúc nào đó, cậu ấy sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng. Ước chi sống được đến ngày đó…
 
Một lát sau, chúng tôi lên đường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.