Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

12



Tóm lại, mọi chuyện không đến nỗi tồi tệ. Tối hôm đó tôi đã có mặt ở nhà bà Irina, em gái bà Polina. Ở đây, tôi có cảm giác như đang ở trong sở thú. Không phải vì xung quanh có nhiều loài muông thú, mà vì tôi như đang được đưa ra triển lãm. Gần như tất cả cư dân của khu chung cư 5 tầng này đều kéo đến chiêm ngưỡng tôi. Thì ra, ngoài chủ nhà, chưa một ai trong chung cư từng được nhìn thấy một con chó dẫn đường bao giờ. Ai cũng nhìn ngắm tôi với vẻ thích thú, cố xoa đầu, vuốt lưng tôi cho bằng được, rồi khen rằng nào tôi thông minh, nào tôi tài giỏi, nào tôi có giáo dục, vân vân, cứ như họ đã quen biết tôi hàng thế kỷ.
 
Chuyện tôi có giáo dục thì đã rõ – tôi ngồi cực kỳ bình thản, không sủa ai, không gầm gừ. Nhưng làm sao họ có thể xác định là tôi thông minh, tài giỏi? Chắc họ chỉ nói cho sướng miệng thôi. Tóm lại, đến quá nửa đêm vẫn chưa kết thúc cuộc trưng bày triển lãm.
 
“Ôi, các vị có cho tôi đi ngủ không đây? Các vị vuốt đầu tôi đến hói cả ra rồi đây này. Chẳng lẽ tôi lại tru lên như chó sói? Chắc phải tru lên, họ mới để cho tôi yên.
 
Nhưng không, không thể làm thế. Không được phép bôi xấu hình ảnh một con chó dẫn đường. Ở trường, chúng tôi đã được dạy: phải biết kiên nhẫn và biết lượng thứ đối với mọi hành động dù là thái quá của con người. Thôi được rồi, kiên nhẫn tí vậy. Cứ coi như tôi là con kangaroo hoang dã từ châu Úc đang được ‘trình làng’ cho một bộ phận dân chúng thủ đô Matxcơva đi.”
 
“Chương trình trình diễn” tiếp tục diễn ra vào ngày hôm sau và cả ngày hôm sau nữa. Dĩ nhiên những tiếng trầm trồ, xuýt xoa có giảm bớt so với hôm đầu tiên. Lượng “khách tham quan” cũng có phần thưa hơn. Xin chạy trước sự kiện một chút: tôi sẽ còn phải sống ở đây khoảng hai tuần. Hàng ngày, một cậu bé hàng xóm của nhà bà Irina đưa tôi đi dạo ngoài công viên cho đỡ cuồng chân và cũng để tôi giải quyết khâu vệ sinh. Cậu bé này tên là Stepa, rất ngoan, nhưng chỉ bị cái tật nói hơi nhiều. Nhiều lúc, cậu ấy ngồi cạnh tôi say sưa kể chuyện về bản thân, về bố mẹ, chia sẻ với tôi những chuyện vui, chuyện buồn của mình, cứ thế suốt buổi. Một hôm, cậu ấy đi học về, mặt buồn rười rượi. Chúng tôi ra ngoài đi dạo, cậu ấy trò chuyện với tôi mà giọng như muốn khóc:
 
– Bạn biết không, Trison, ở trường có một bà giáo già chuyên trù ém tớ. Thật chẳng công bằng tí nào. Hôm nay tớ tức quá, đến mức suýt chút nữa thì đã xử sự thô lỗ với bà ấy. Bạn biết không, tớ làm bài kiểm tra môn lý được 5 điểm, tức là cao nhất trong thang điểm của trường phổ thông. Tớ nói một cách trung thực nhé: tớ tự làm bài, không quay cóp gì của ai cả. Bạn có tin không? Tớ thề.
 
– Gâu! – Tôi đáp.
 
– Thế đấy, – Stepa kể tiếp, – vậy mà bà già quá quắt ấy nói trước lớp: “Stepa chắc chắn đã cóp bài của ai đó. Tôi không tin cậu ấy có thể làm bài tốt như thế này”. Đấy, bạn nói đi, Trison, trong trường hợp ấy, tớ phải hành xử như thế nào? Tất nhiên là tớ rất căm phẫn. Bà ấy còn nói thêm: “Suốt học kỳ chỉ toàn điểm 3, vậy mà bây giờ làm bài kiểm tra lại đạt điểm 5. Không thể tin được!”. Tớ trả lời: “Em chuẩn bị bài tốt nên làm bài tốt, thế thôi”. Bà ấy liền bảo: “Vậy thì cuối giờ tôi sẽ ra đề riêng cho em làm thử xem có làm tốt không nhé”. Tớ đồng ý.
 
– Grừ-grừ grừ… – tôi tỏ lòng đồng cảm với cậu bé.
 
– Và rồi… và rồi… – Stepa siết chặt nắm tay, nện thật mạnh xuống mặt ghế đá, – chẳng hiểu thế quái nào khi làm bài theo đề riêng của bà ấy, tớ lại bị sai một chỗ. Bạn hiểu không, chỉ sai có một chỗ thôi. Kết quả là tớ chỉ đạt được điểm 4. Và rồi bà giáo ghi vào sổ điểm là bài kiểm tra hôm ấy tớ chỉ được 4 điểm chứ không phải 5. Bạn nói đi, như thế có thể gọi là công bằng hay không?
 
– U-u! – Tôi trả lời. Các bạn biết rồi đấy, âm thanh này trong ngôn ngữ của tôi có nghĩa là “không”.
 
– Thì chính tớ cũng nghĩ vậy, – Stepa rõ ràng nắm bắt rất nhanh thứ “cẩu ngữ” của tôi. – Bố tớ bảo rằng tớ đồng ý làm lại bài là dại. Ý bố tớ muốn nói đến khái niệm “suy đoán vô tội” trong ngôn ngữ pháp luật, có nghĩa một người được coi là vô tội một khi chưa có những bằng chứng chống lại anh ta. Tất nhiên tớ cũng biết là mình dại rồi. Chẳng việc gì phải làm lại bài kiểm tra chết tiệt ấy. Bây giờ thì tớ sẽ căm thù bà giáo ấy suốt đời. Cũng có thể rồi tớ sẽ nguôi ngoai dần, nhưng hiện tại thì bực tức trong lòng lắm, Trison ạ.
 
Stepa quả là một chú bé dễ mến. Nếu đó là một cậu bé mù, hẳn tôi với cậu ấy sẽ hợp tác với nhau cực kỳ ăn ý.
 
Mỗi tối, sau khi Stepa ra về, tôi lại được nghe những câu chuyện khác. Có một người phụ nữ mỗi ngày đều đến chơi với bà Irina, em gái của bà Polina Foteevna. Người phụ nữ này đã lớn tuổi, nhưng trông vẫn còn nhanh nhẹn, vui tươi, hoạt bát lắm. Nhìn biết ngay là người tốt bụng. Qua những buổi chuyện trò của hai người, tôi được biết toàn bộ, hay gần như toàn bộ, câu chuyện về cuộc đời bà Polina Foteevna.
 
Thì ra bà Polina Foteevna từng nuôi hai người con, bây giờ họ đã trưởng thành cả rồi. Ngày trước tôi có nghe loáng thoáng rằng bà ấy có những người con đang sống ở đâu đó, nhưng không biết rõ chi tiết cụ thể. Thú thực, có lẽ tôi không nên biết đến họ thì hơn. Chuyện rất buồn.
 
Hồi còn trẻ, bà Polina Foteevna lấy chồng là một người đàn ông góa vợ có hai con nhỏ, một trai một gái, chỉ mới hai, ba tuổi gì đó. Cha mẹ bà khuyên không nên lấy đàn ông có con mọn, nhưng bà vẫn nhất quyết làm theo ý mình. Tình yêu mà. Căn bệnh vô sinh khiến bà Polina không thể sinh con. Bà nuôi nấng, chăm sóc hai đứa con của chồng không khác gì con đẻ của mình, trao cho chúng trọn vẹn tình yêu thương vô bờ bến và hơi ấm người mẹ. Tôi không được biết cụ thể chuyện đó diễn ra như thế nào, vì bà Irina không kể rõ chi tiết. Chỉ biết rằng, sau khi người chồng qua đời, hai người con (lúc bấy giờ đã lớn) bỗng thay lòng đổi dạ. Họ trở mặt, gọi bà Polina Foteevna là “mụ già”, “mụ dì ghẻ”. Về sau, khi bà Polina Foteevna bị mù (do bệnh tiểu đường), họ chỉ mong cho bà chóng chết.
 
Có một điều tôi không sao hiểu nổi: chẳng lẽ con người ta có thể cư xử như vậy được sao? Tôi xin nói ngay: ở loài chó, chuyện ấy là quy luật. Chó con trưởng thành dần, rồi đến một lúc nào đó chẳng cần biết đến bố mẹ nữa. Chúng có thể sủa chó mẹ, gầm gừ, ăn tranh phần ăn của chó mẹ, thậm chí có thể cắn. Nhưng đó là loài chó. Tôi không có ý định biện hộ cho chúng. Dù có là chó hay gì đi nữa thì cũng phải luôn nhớ rằng ai là cha mẹ của mình. Khi nghe những câu chuyện tương tự như thế ở loài người, ngay đến một con chó như tôi cũng phải lấy làm căm phẫn.
 
Tôi luôn nghĩ rằng ở loài người có lề luật và nguyên tắc đạo lý của mình. Đặc biệt là đối với mối quan hệ gia đình, thân tộc. Các bạn nhớ Sashka chứ, rồi bà ngoại và mẹ cậu ấy. Họ là những con người tuyệt vời. Hay bà Maria Petrovna thường đến giúp đỡ ông cụ Ivan Savelievich giặt giũ, quét tước, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, mặc dù bà ấy với cụ chỉ là người dưng nước lã. Một tấm lòng vàng! Còn ở đây, trong câu chuyện này, là những đứa con, dù không phải con đẻ đi nữa thì cũng được người mẹ ấy nuôi nấng, chăm bẵm từ tấm bé. Vậy mà rồi cư xử kiểu súc sinh vậy đó. Tại sao ở loài người, rất nhiều trường hợp con cái vô ơn với cha mẹ? Các bạn có biết tại sao không? Bà bạn của bà Irina cho rằng do ngày trước, bà Polina Foteevna quá nuông chiều những đứa con riêng của chồng. Bà ấy đã sống vì chúng chứ không phải vì mình. Vì thế chúng mới hư hỏng và lớn lên thành những kẻ ích kỷ. Tôi không biết có đúng là như vậy không, chứ ông cụ Ivan Savelievich dù nuông chiều tôi đến cỡ nào, tôi vẫn luôn yêu thương, kính trọng cụ như thường.
 
Điều duy nhất khiến tôi phật lòng là trong những buổi trò chuyện như thế, một lần bà Irina nói với người bạn của mình về những đứa cháu (tức là về những người con nuôi của bà Polina Foteevna):
 
– Thôi, đừng nói về cái thứ chó ấy nữa.
 
Tôi buồn vô kể. Các bạn thấy không, vì những đứa con vô ơn của loài người mà loài chó chúng tôi bị vạ lây. Loài chó, chính loài chó chứ không phải loài nào khác, luôn biết ơn loài người vì tình thương yêu và tình cảm nồng ấm của con người. Các bạn đã bao giờ nghe một trường hợp nào chó tỏ ra vô ơn với chủ hay phản chủ? Tôi xin nói là không bao giờ. Giả dụ có đi chăng nữa thì cũng vô cùng hiếm, xác suất có thể chỉ là một phần trăm triệu mà thôi. Mà trong trường hợp đó, chắc chắn lỗi thuộc về người chủ – hoặc đối xử quá sức độc ác, hoặc đã dạy tính hung hăng quá mức cho con chó của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.