Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

17



Bà lão của tôi nằm liệt một chỗ, không đi lại được nữa rồi. Lại thêm chuyện gã con của bà dọn về ở hẳn trong nhà. Cuộc sống trong nhà trở nên cực kỳ ngột ngạt. Hắn ra điều kiện với bà Irina:
 
– Bà có thể đến chăm sóc mụ già, nhưng không được ở hẳn tại đây, phải về nhà mình mà sống, hiểu chưa?
 
– Boris à, – bà Irina nói như van lơn, – thế còn đêm hôm thì sao? Mày phải hiểu rằng mẹ mày cần được chăm sóc suốt ngày đêm. Dì sẽ không làm gì phiền đến mày, dì ngủ trong phòng với mẹ cũng được mà.
 
– Tôi nói rồi! – Boris gầm lên. – Sau 10 giờ tối bà lo mà biến khỏi nơi đây. Rõ chưa?
 
– Boris à…
 
– Thôi, mãn chợ rồi! Ở đây tôi là chủ.
 
– Ở đây mẹ mày mới là chủ, – bà Irina ngập ngừng nói.
 
– Thì đã sao nào? – Boris rống lên. – Tôi cũng có hộ khẩu trong nhà này. Người lạ muốn sống trong nhà này cũng phải có sự đồng ý của tôi mới được. Có–hiểu–không?
 
– Lạy Chúa tôi! – bà Irina làm dấu thánh giá. – Mày phải biết kính sợ Chúa với chứ. Tao mà là người lạ của mày hở con?
 
– Thôi, đủ rồi! – Thằng khốn nhăn mặt. – Có im ngay đi không? Đừng có lôi thôi, tôi mà điên lên thì chớ trách!
 
Bà lão bật khóc rồi đi vào phòng với người chị đau yếu của mình. Boris trút giận lên đầu tôi:
 
– Còn mày nữa. Làm gì mà rên rỉ thế hở, đồ ăn bám?
 
– Hắn quát rồi bật cười hô hố.
 
Tôi không ngờ sự thể lại ra thế. Ở đây, ai là kẻ ăn bám? Mày có hiểu mày nói gì không, hở thằng khốn? Chưa biết ai ăn bám ai đâu nha. Tức quá, tôi không thể im lặng được, bèn cất tiếng khe khẽ:
 
– U-u!
 
– Mày còn rống như bò cái gì nữa đấy?
 
Gã Boris này quả là ngu tới mức hết thuốc chữa. Ai đời chó mà “rống như bò”! Rượu đã ăn mòn óc não của hắn rồi. Thôi, tốt hơn hết không thèm dây vào với hạng người đểu cáng vô lương ấy, sẽ chẳng có được điều gì tốt lành cả đâu.
 
– Này, đồ súc sinh, liệu hồn, đừng có mà ỉa đái lung tung trong nhà, – Boris tiếp tục hạ nhục tôi, – nếu không tao ném mày qua cửa sổ tầng năm này đấy.
 
Ôi chao, Boris ơi là Boris. Có thể chính mày sẽ ị bậy, tè bậy trong nhà chứ tao đây không bao giờ đâu nhé. Mà chính mày đã làm ô uế căn nhà này bằng những thứ lời lẽ khốn nạn nhất trên đời.
 
Từ đó, bà Irina chỉ đến vào buổi sáng và tối đến thì phải trở về nhà mình. Chỉ khoảng mươi ngày sau, bạn bè của Boris bắt đầu tụ tập trong nhà. Chúng uống rượu, đánh bài thâu đêm suốt sáng, kể những chuyện tiếu lâm tục tĩu, thỉnh thoảng còn cãi nhau, nện nhau chí tử. Dù biết rằng ở phòng trong, một người già bị bệnh đang nằm liệt giường, chúng vẫn hút thuốc lá ào ào, khói thuốc dày đặc như có thể xắt ra thành miếng được.
 
Một đêm, tôi nằm bên cạnh giường bà Polina Foteevna và cả hai chúng tôi cùng nghe thấy Boris khoe với đám bạn:
 
– Chẳng bao lâu nữa, mụ già đi toi, tao sẽ bán căn hộ này, lấy tiền mua một chiếc xe hơi thật xịn.
 
– Ôi dào, bà ấy còn sống lâu hơn mày đấy, – một đứa nào đó nói rồi cười hi hi.
 
– Mày trù cho tao chết sớm đấy à? – Boris nở nụ cười đểu giả. – Bác sĩ “bật mí” cho tao biết rồi: mụ già khó mà qua nổi hai tháng đâu. Có cố lắm cũng chỉ ba tháng là cùng.
 
Tôi cảm nhận được bàn tay của bà cụ run run đặt xuống lưng tôi. Tôi chồm hai chân trước lên giường, nép đầu thật sát vào lòng bà cụ già tội nghiệp.
 
– Trison yêu quý, – bà lão cất giọng thều thào. – Hãy để ta vuốt ve con một lát, con trai yêu quý của ta.
 
Tôi suýt khóc nấc lên vì cảm động. Chưa từng có ai gọi tôi là “con trai” cả. Tôi gục đầu, lặng yên. Tim tôi thổn thức và mắt tôi rưng rưng lệ. Những lời bàn tán từ phòng ngoài dội vào nghe rõ mồn một.
 
– Này, Boris, mày mua xe hơi đời mới để làm gì?
 
– Sao lại “để làm gì”? Tao sẽ đăng báo, tuyển một ông sếp thật giàu để làm tài xế riêng cho ông ấy. Một thằng bạn của tao đã làm như thế đấy. Bây giờ nó đang làm tài xế cho một ông chủ dầu khí. Tiền lương rất hậu, lại được chi thêm tiền xăng để đi lại những khi không phải chở sếp, rồi tiền sửa chữa, bảo trì xe đều được chi tuốt.
 
– Công việc tài xế riêng không phù hợp với mày đâu.
 
– Tại sao không phù hợp?
 
– Mày có biết tài xế riêng phải cày cỡ nào không? Suốt ngày đêm. 24/24. Không được phép có một giọt rượu, giọt bia vào mồm. Bất cứ lúc nào cũng có thể bị gọi đi.
 
– Tao chấp nhận tuốt, – Boris cười khà khà. – Tao đây đếch sợ cày. Quan trọng nhất là lương tiền phải rủng rỉnh. Cày thì cày chứ sợ gì.
 
– Mày cứ tưởng thế thôi. Chỉ được hai, ba tháng mày lại chán ngay ấy mà. Lúc đó, ông sếp có trả lương cao gấp đôi mày cũng chẳng ham đâu.
 
– Ôi dào, chúng mày chỉ giỏi hù dọa. Thằng nào cũng bị hù dọa chán ra rồi, bây giờ đi hù người khác.
 
– Không phải thế đâu. À, mà này, tội quái gì phải bán nhà. Phải tay tao, tao đếch bán. Có mái nhà trên đầu vẫn hơn. Nghe này, bà già sang tên căn hộ cho mày rồi hả?
 
– Hiện tại thì chưa. Nhưng rồi kiểu gì thì mụ già ấy phải ký sang tên cho tao thôi, chứ còn sang cho ai nữa?
 
Bà Polina Foteevna lại vuốt lưng tôi và nói khẽ:
 
– Thế đấy, Trison con ạ. Cả cuộc đời, toàn bộ tuổi thanh xuân ta đã dành cho anh em nó. Vậy mà con đã nghe thấy rồi đó, nó giờ đây chỉ mong cho ta chết sớm. Ngày bé, chúng còn gọi ta là mẹ. Vậy mà khi lớn lên, cái từ thiêng liêng ấy đã biến mất khỏi cửa miệng chúng. Tại sao lại như thế, hở Trison?
 
Biết trả lời sao đây, dù câu trả lời đã rõ. Một con người đã lớn lên, đã trưởng thành như vậy đó. Hãy nhìn những đứa trẻ thơ đi – chúng mới dễ thương, đáng yêu làm sao? Lúc nhỏ, chúng biết yêu thương, quý trọng cha mẹ, nhưng khi lớn lên thì chỉ có Chúa mới biết chúng trở thành con người như thế nào. Chuyện ấy thật lạ lùng. Lạ lùng và… kinh khủng.
 
– Phải chăng đó là do Chúa trừng phạt ta? – Bà Polina Foteevna bỗng tự vấn. – Ta đã sống không phải hoàn toàn trong sáng. Mọi chuyện đều có thể xảy ra trong cuộc sống xô bồ xô bộn này. Kể cả khi đã bị mù, ta thỉnh thoảng vẫn còn phạm phải những điều sai quấy. Nghĩ lại mà cảm thấy xấu hổ và ân hận vô cùng…
 
Bà cụ bật khóc thút thít rồi ôm lấy đầu tôi, hôn lên trán.
 
– Hãy tha lỗi cho già này, hỡi con trai yêu quý… “Sao lại xin lỗi con, hỡi mẹ già quý mến?”
 
– Già có lỗi với con nhiều lắm, Trison ạ. Già đã gây cho con bao đắng cay, phiền toái…
 
“Ôi, bà cụ già bất hạnh đáng thương của tôi! Hãy quên hết những chuyện ấy đi, mẹ yêu quý của con. Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp cả thôi. Con không hề cảm thấy đắng cay, đau khổ. Đời có lúc này lúc khác. Mẹ hãy yên lòng đi, đừng băn khoăn lo lắng làm gì”.
 
– Mỗi khi nhớ đến những lỗi lầm đã gây ra cho con, tim ta như thắt lại. Mà con thì luôn luôn trung thành tận tụy. Con đẻ chắc còn không được như vậy, nói gì con nuôi…
 
Những giọt nước mắt nóng bỏng của bà lão rơi xuống mũi tôi. “Mẹ Polina của con ơi, sao Người lại khóc? Mẹ đang bị đau tim, chớ nên xúc động quá mức, mẹ à”. Tôi liếm tay bà lão. Bà lão của tôi thở dài rồi… yên lặng.
 
Tôi không đoán được ngay chuyện gì đã xảy ra. Một lúc sau tôi mới hiểu ra rằng bà cụ Polina Foteevna đáng thương của tôi đã rời bỏ cõi đời này…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.