Hôm ấy chúng tôi về nhà quá trễ, khuya lắc khuya lơ. Như thường lệ, về tới nhà là bà Polina Foteevna bật tivi. Rồi bà ấy đổ thức ăn khô ra đĩa cho tôi, châm nước vào tô. Sau đó bà ấy nằm lăn ra ghế xa lông rồi… ngủ khò ngay tức khắc. Ăn xong, tôi cũng định đánh một giấc, nhưng bỗng nghe phát thanh viên đài truyền hình nói:
– Và bây giờ, chúng tôi xin nói về tình trạng chó hoang, chó chạy rông ở Matxcơva.
Các bạn biết rồi đấy, những tin tức liên quan đến chó là tôi nghe và xem say sưa, không biết mệt mỏi. Thì ra, ở Matxcơva hiện có đến khoảng 40.000 con chó hoang. Nghe mà thất kinh. Số lượng người như thế đủ cho một thị trấn đông đúc. Quả là một thành phố nhỏ trong lòng một thành phố lớn. Thành phố lớn có tên gọi Matxcơva. Còn thành phố nhỏ, tức cái thị trấn tôi vừa nói đến, có thể gọi là gì nhỉ? Ờ… hay gọi là Matxcơgâu. Có lẽ được đấy.
Các bạn thân mến! Nếu không muốn tìm hiểu về tình hình chó hoang, chó chạy rông ở Matxcơva, các bạn có thể bỏ qua chương này.
Từ lâu tôi đã nhận thấy rằng có thể bắt gặp chó hoang ở bất cứ xó xỉnh nào của thủ đô Matxcơva tráng lệ. Chúng có thể nằm nghỉ ngơi thư giãn trên bãi cỏ công viên, trong sân vườn chung cư, hoặc có thể chạy quanh các chợ, ngủ gà ngủ gật trong các ga tàu điện ngầm trên mặt đất hay dưới lòng đất, và đêm đến, chúng “tổ chức” những màn “đồng ca, hợp xướng” với những tiếng gầm gừ, tiếng sủa, tiếng tru ghê rợn.
Nếu các bạn vẫn đọc tiếp chương này, có nghĩa là các bạn còn muốn biết ở đâu ra lắm chó hoang đến vậy. Chương trình mà tôi vừa được xem có sự tham gia của tiến sĩ sinh học Andrey Poyarkov, chuyên gia về chó sói. Hiện ông đang cố gắng lý giải hiện tượng này. Đề tài nghiên cứu của ông: tác động của những môi trường khác nhau lên hành vi và tổ chức xã hội của loài chó. Có thể các bạn không tin nổi: tiến sĩ Poyarkov nghiên cứu chó hoang đã mấy chục năm nay. Ông khẳng định rằng sau mấy thập niên qua, ngoại hình và tập tính hành vi của chó hoang Matxcơva có sự tiến hóa rõ rệt, vì chúng luôn phải thích nghi với điều kiện sống thay đổi hàng ngày hàng giờ. Gần như tất cả chó hoang hiện nay đều được sinh ra trong các công viên, lâm viên nội thành. Có một điều cần lưu ý: nếu một con chó nhà bị chủ đuổi ra đường thì cầm chắc con chó ấy trước sau gì cũng sẽ nhanh chóng đi đời. Theo tính toán của tiến sĩ Poyarkov, chỉ có khoảng 2% số chó ấy cầm cự được đến cuối đời để rồi chết bằng cái chết tự nhiên.
Các bạn thân mến! Đừng hi vọng rằng những con chó bị đuổi khỏi nhà như thế có thể có được chủ mới hay tìm được một chỗ nương thân gọi là tạm ổn. Không bao giờ! Nếu bạn đuổi con chó của mình ra khỏi nhà thì hãy cứ coi như bạn đã ký bản án tử hình cho nó. Rồi về sau, bạn sẽ sống như thế nào với lương tâm luôn bị dằn vặt của mình?
Tiến sĩ sinh học Poyarkov làm việc tại Viện các vấn đề sinh thái và tiến hóa mang tên A. N. Severtsov. Ông bắt đầu để tâm quan sát, nghiên cứu tập tính hành vi của chó hoang từ thập niên 70 của thế kỷ 20. Ban đầu, ông chỉ lưu ý đến những con chó hoang sống gần khu vực nhà ông và những con chó ông nhìn thấy trên đường đi làm. Về sau, ông dần dần mở rộng phạm vi lãnh thổ nghiên cứu của mình lên đến một diện tích khoảng 10 kilômét vuông. Trong khu vực lãnh thổ đó có khoảng 100 con chó hoang sinh sống. Rồi ông dùng máy ghi âm ghi lại những âm thanh chúng phát ra, tìm hiểu cách thức tổ chức cộng đồng xã hội của chúng. Ông còn chụp ảnh, quay phim chúng bằng máy quay video để lập hồ sơ, rồi đánh dấu trên bản đồ vùng hoạt động của từng con một.
Phải thừa nhận rằng đó là một công trình nghiên cứu đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại vô cùng lớn.
Trên tivi, ông Poyarkov phát biểu: “Chó hoang ở Matxcơva chính là cầu nối giữa chó nhà và chó sói, nhưng hiện chúng chỉ đang ở vào giai đoạn đầu của quá trình trở về với đời sống hoang dã của tổ tiên. Và khả năng đảo ngược quá trình này là rất nhỏ. Đưa một con chó hoang trở lại sống trong nhà cũng là một việc làm gần như vô vọng: những con chó đi hoang đã lâu ngày gần như không bao giờ chấp nhận trở lại với cuộc sống tù túng trong nhà”.
Kết luận cuối cùng của ông Poyarkov: “Về phương diện di truyền, chó sói và chó nhà gần như giống hệt nhau”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với kết luận này. Nhưng cũng có những học giả cho rằng chó nhà có nguồn gốc từ chó rừng. Quả là sai lầm nghiêm trọng!
“Chó hoang được chia thành bốn loại, – ông Poyarkov nói tiếp, – xác định theo tập tính sinh hoạt, cách thức kiếm ăn, khả năng giao tiếp với người và mức độ thích nghi sinh thái.”
Những con chó hoang luôn cảm thấy thoải mái trong tiếp xúc với người được Poyarkov gọi là “chó canh gác”. Về nguyên tắc, lãnh thổ của chúng là nhà để xe, nhà kho, bệnh viện và các cơ sở khác mà khuôn viên có tường rào bao quanh. Ở chúng hình thành mối quan hệ nhất định với các nhân viên bảo vệ, tức những người cho chúng ăn uống và là người mà chúng coi là chủ.
“Giai đoạn thứ hai của quá trình hoang dã hóa là khi con chó giao tiếp với người về nguyên tắc, nhưng không phải là giao tiếp cá nhân, – ông Poyarkov nói. – Đó chỉ là hành vi ăn xin, và điều thú vị ở chỗ tất cả những con chó như thế đều là những nhà tâm lý học tuyệt vời”. Dẫn chứng đặc trưng của loại chó này: một con chó dường như đang lim dim ngủ, hoàn toàn không để ý gì đến đám đông đi ngang qua nó, nhưng rất nhanh chóng ngóc đầu dậy khi nhận thấy rằng có thể sẽ có miếng ăn. Con chó đi lại gần người mà nó chọn (một bà lão, ông lão hay một người phụ nữ phúc hậu nào đó), vươn cổ ra, hất cao mũi tỏ ra mừng rỡ, vẫy đuôi lia lịa và trong rất nhiều trường hợp, nó sẽ nhận được thức ăn từ người đó. Những con chó như thế không chỉ rất thính nhạy với mùi thức ăn mà còn cảm nhận rất chính xác người nào có thể cho chúng ăn, người nào không.
Nhóm thứ ba gồm những con chó có giao tiếp với người ở mức độ nào đó, nhưng sự tương tác xã hội của chúng hầu như chỉ hướng vào những con chó hoang khác. Phương thức kiếm ăn chính của chúng là nhặt nhạnh những thức ăn thừa rơi vãi trên đường phố và trong các thùng rác không đậy nắp ở ngoài trời. Thời trước, chó hoang kiếm ăn rất khó khăn, vì thức ăn thừa không có nhiều, các thùng rác lại bị quản lý chặt chẽ, thu dọn thường xuyên, do đó số lượng bầy đàn không lớn, rất nhiều chó hoang phải bỏ mạng vì đói, vì bị săn lùng, tiêu diệt. Nhưng đến thời “hậu xô viết”, chính quyền ngừng hẳn việc săn lùng, tiêu diệt chó hoang, còn trong các thùng rác thì đầy ngập thức ăn thừa, toàn những thứ ngon bổ. Từ đó, chó hoang bắt đầu có được cuộc đời no đủ.
Nhóm thứ tư theo phân loại của Andrey Poyarkov bao gồm những con chó hoang man dã. Tuy sống trong thành phố nhưng chúng hoàn toàn không tiếp xúc với con người. Chúng vẫn biết đến người, nhưng cho rằng con người là loài động vật nguy hiểm. Chúng kiểm soát một lãnh thổ khá rộng lớn và trở thành thú săn mồi gần như chính cống. Chúng săn chuột nhắt, chuột cống, chim, sóc, thậm chí cả mèo. Chúng sống trong thành phố, nhưng thường tập trung ở những khu vực gần các cụm công nghiệp hay các công viên rừng. Gần như mọi sinh hoạt của chúng đều diễn ra vào ban đêm. Chúng chỉ đi ra ngoài đường khi nào trên đường thật vắng người.
Những con chó như thế giống với chó sói nhất.
Còn có một phân nhóm nữa của chó hoang, mang những nét đặc thù khác biệt hẳn so với bốn nhóm chó hoang kể trên – đó là chó sống trong các ga tàu điện ngầm. Ông Andrey Neuronov, một trong những chuyên gia hàng đầu về chó cho biết: “Chó hoang xuất hiện trong các nhà ga nằm dưới mặt đất của hệ thống tàu điện ngầm chỉ vì một lý do đơn giản là người ta cho phép chúng xuống đó. Tình trạng này bắt đầu diễn ra từ cuối thập niên 1980. Với sự nới lỏng các quy định, chó được phép lên các phương tiện giao thông công cộng, lúc đầu là tàu điện, xe buýt, sau đó là tàu điện ngầm”.
Ông Neuronov cho biết, trong toàn hệ thống nhà ga tàu điện ngầm của Matxcơva có khoảng 500 con chó hoang sinh sống, số lượng có thể tăng lên vào mùa đông giá rét, nhưng chỉ có khoảng 20 con biết “đáp tàu” để chu du từ ga này qua ga khác. Năng lực này hình thành một cách từ từ, ban đầu chỉ mang ý nghĩa “mở rộng lãnh thổ” với hi vọng ở ga khác có thể kiếm ăn dễ dàng hơn, nhưng về sau, đối với chúng, chuyện đi tàu trở thành một “phong cách sống” – việc gì phải đi bộ khi mà ta có thể sử dụng miễn phí các phương tiện giao thông công cộng?
Nói chung, người dân Matxcơva có những cảm xúc rất rõ rệt, trái chiều về chó hoang trong hệ thống tàu điện ngầm. Nếu việc con chó hoang có tên “Chú bé” bị một gã vô lại giết chết công khai ở lối thông ga dưới mặt đất là một biểu hiện cực đoan đáng lên án thì việc dựng tượng đài tưởng niệm “Chú bé” lại nói lên điều ngược lại. Chính quyền thành phố buộc phải thông qua chủ trương chính sách bảo vệ chó hoang. Năm 2002, thị trưởng Matxcơva đã ký sắc lệnh cấm săn đuổi, tiêu diệt chó hoang và thông qua quyết định thành lập hệ thống trại tạm cư dành cho chúng. Tuy nhiên, mặc dù ngân sách thành phố đã chi ra không ít tiền cho việc xây dựng, điều hành hệ thống trường trại này, nguồn kinh phí ấy vẫn không đủ để đáp ứng việc “ổn định cuộc sống” cho tất cả chó hoang của thủ đô.