Sáng hôm sau, có tiếng chuông gọi cửa từ rất sớm.
– Gió lành hay gió độc đưa ai đến với ta thế này? – bà Polina Foteevna càu nhàu khó chịu nhưng vẫn tự vịn tường lần từng bước đi ra mở cửa.
Tôi đi theo ngay sau lưng bà. Trước cửa là một người phụ nữ còn khá trẻ và một bé gái chừng 5 – 6 tuổi.
– Thưa bà, – người phụ nữ ngập ngừng nói khẽ, – vì Chúa, xin bà tha lỗi cho con. Con là nạn nhân của một vụ hỏa hoạn. Nếu được, mong bà nhón tay làm phước.
– Ôi, con ơi, – bà Polina Foteevna thở dài. – Già này biết lấy gì giúp con đây. Bản thân già cũng như kẻ hành khất qua ngày.
– Bà giúp được chút nào, con xin mang ơn chút đó, – người phụ nữ rưng rưng nước mắt. – Giờ đây mẹ con con chẳng có lấy một đồng bạc giắt lưng, chẳng có đồ ăn thức uống. Trắng tay rồi bà ạ.
– Thôi được rồi, chờ già một chút, – bà lão nói rồi lại vịn tay vào tường, lần về phòng ngủ của mình.
Hai người khách nhìn tôi chăm chú. Cô bé định đưa tay vuốt đầu tôi, nhưng người mẹ ngăn lại:
– Đừng làm thế, Kachiusha! Không được động vào những con chó lạ. Nguy hiểm đấy.
– Mẹ à, mẹ xem kìa, con chó này rất hiền, – cô bé nói.
– Ai biết được trong đầu nó nghĩ gì. Tốt hơn hết đừng có đụng vào nó.
Cô bé tỏ ra biết vâng lời. Ít phút sau, bà Polina Foteevna trở lại, đưa cho người phụ nữ nọ hai tờ giấy bạc mệnh giá 100 rúp:
– Đây con, cầm lấy, hình như là 200 rúp đấy. Con thông cảm nhé, già không có nhiều hơn. Con kiểm lại xem có đúng 200 không, chứ già này mù lòa, chẳng thấy gì.
Người đàn bà nọ giật mình và đẩy tay bà già ra, thốt lên khe khẽ:
– Ôi, bà ơi, con xin lỗi. Hãy tha lỗi cho mẹ con con. Con không biết là bà… Con xin lỗi…
– Thôi con ạ, – bà Polina nói át, – cầm lấy đi. Đâu có gì mà lỗi với phải…
– Không, không, bà tha lỗi cho con, – người đàn bà ngượng ngùng, lúng túng, – mẹ con chúng con xin phép từ biệt. Vì Chúa, một lần nữa hãy tha lỗi cho con. Con không thể nhận tiền của một người tàn tật.
– Cầm lấy, – bà già nghiêm giọng. – Cầm lấy kẻo già này giận đấy. Người tàn tật không phải con người hay sao? Chẳng lẽ già này không có quyền giúp đỡ những người lâm hoàn cảnh ngặt nghèo? Cầm lấy, già nói rồi, cầm lấy!
Người đàn bà nọ vô cùng bối rối, cứ đứng như trời trồng, rõ ràng không biết làm thế nào cho phải trong tình huống khó xử như thế này.
– Sao cứ im như thóc vậy? – Bà Polina Foteevna tỏ ra phật ý.
Cuối cùng, người đàn bà nọ cũng đành cầm lấy hai tờ giấy bạc rồi ôm lấy vai bà cụ, khẽ khàng hôn lên má.
– Bà ơi, con mong bà đừng nghĩ con là dân lừa đảo,
– người đàn bà òa khóc. – Số con sao mà khốn khổ. Nhà cháy, chồng chết trong cơn hỏa hoạn. Chỉ còn lại hai mẹ con. Người ta nói là sẽ trợ cấp, nhưng phải gom đủ các loại giấy tờ gì đó, mà giấy tờ thì đã bị cháy hết rồi… Mong bà hiểu cho hoàn cảnh của con.
– Thôi con à, không phải biện hộ, thanh minh gì hết,
– bà lão của tôi phẩy tay. – Già hiểu mà…
Hai mẹ con bà khách chào từ biệt. Bà Polina Foteevna ngồi yên lặng hồi lâu, thỉnh thoảng đưa tay gạt những giọt nước mắt cứ mãi lăn dài trên má.
Buổi chiều, em gái của bà Polina Foteevna đến thăm bà. Phải nói họ cực kỳ giống nhau. Khi được biết về chuyện cho tiền hồi sáng, bà em cứ trách mãi:
– Chị thật lạ. Bản thân không đủ ăn không đủ mặc mà còn bày đặt đi làm từ thiện.
– Irina à, – bà Polina Foteevna cười buồn, – chẳng lẽ từ chối sao?
– Chị không biết là bây giờ có khối kẻ ăn bám, lợi dụng lòng tốt của mọi người à? Làm sao chị biết được con mẹ ấy nó xài đồng tiền của chị vào việc gì. Biết đâu nó dùng để mua rượu hay thậm chí có thể còn tệ hơn nữa…
– Irina à, cô ấy dùng đồng tiền của tôi vào việc gì tôi không cần biết, – bà Polina Foteevna nói.
– Làm sao có thể thế được? – Bà em gái ngạc nhiên.
– Điều quan trọng không phải ở chỗ cô ấy dùng tiền vào việc gì, mà ở chỗ tôi đã đưa tiền cho cô ấy. Chúa nhìn thấy hết. Cô ấy làm gì thì đã có lương tâm cô ấy xét xử, còn tôi, tôi hành động theo lương tâm của mình.
Ôi, bà bạn già của tôi là thế đó. Mà bà ấy nói đúng. Để mặc hai chị em ngồi với nhau bên bàn ăn dưới bếp, tôi lên phòng khách, nằm khoanh trên tấm thảm con con của mình, bắt đầu… hồi tưởng và suy ngẫm.
Tôi thường nhớ đến những người đầu tiên được tôi dẫn đường, đó là cụ Ivan Savelievich và Sashka. Tôi bắt đầu sự nghiệp chó dẫn đường của mình với cụ Ivan Savelievich. Tôi nhớ mãi ngày làm việc độc lập đầu tiên của mình. Bây giờ mới dám thú thực: lúc đó, tôi lo sợ vô cùng. Cứ nghĩ bụng, phải làm sao đây để không gây phiền toái cho người được mình dẫn đường. Lúc thực tập ở trường, dưới sự giám sát của huấn luyện viên, đó là một chuyện. Nhưng khi làm việc thật sự, độc lập, trong môi trường xa lạ, lại là chuyện khác. Không có ai nhắc nhỏ, mách nước, chỉ ra chỗ sai, chỗ đúng, làm tốt không ai khen, làm sai không ai nhắc. Dĩ nhiên cụ Ivan Savelievich cũng có khen tôi, nhưng chẳng mấy khi, được cái cụ bao giờ cũng khen rất xác đáng chứ không phải khen chỉ để làm tôi an lòng. Có một điều làm tôi rất yên tâm là cụ không bao giờ la mắng. Thi thoảng cụ có càu nhàu, nhưng không bao giờ chửi mắng nặng lời, kể cả những khi tôi vô tình để cụ giẫm vào vũng nước. Các bạn cũng cần biết rằng trong công việc của chó dẫn đường có rất nhiều tình huống mà ở trường đào tạo không ai có thể lường trước được để dạy chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải tự tìm cách ứng phó tốt nhất khi xảy ra tình huống nằm bên ngoài bất cứ giáo án nào.
Lần nọ, sau khi trời mưa vừa tạnh, tôi phải đưa cụ Ivan Savelievich đến hiệu thuốc tây. Mọi chuyện dường như quá đỗi bình thường: tuyến đường quen thuộc, dễ đi, các vũng nước trông rõ như trên lòng bàn tay, chỉ có điều để tránh chúng thì phải đi hơi ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo. Cụ Ivan Savelievich cười, bảo:
– Trison à, sao con cứ đi như con gấu trong rạp xiếc vậy. Con đã bao giờ đi xem xiếc chưa?
Ông cụ của tôi ơi, cụ nói chuyện trên trời gì vậy. Cụ tưởng ở trường tuốt ngoại ô, ngày nào người ta cũng đưa các học viên chó chúng con vào nội thành xem xiếc gấu chắc?
Phải nói ông cụ của tôi có một trực giác cực kỳ tinh nhạy. Tôi chỉ mới nghĩ trong đầu thôi nhưng dường như cụ đã đọc được hết ý nghĩ của tôi. Phải chăng cụ có một loại “thính giác nội tại” nào đó? Tôi vừa mới nghĩ thế, cụ đã vội nói:
– Thôi, đừng băn khoăn, ông chỉ đùa thôi mà. Ai rỗi hơi mà chở các con đi xem xiếc cơ chứ. Mà thú xiếc chắc
cũng chẳng vui vẻ gì khi thấy các con trên hàng ghế khán giả – chúng lo sợ các con tranh mất chỗ làm của chúng. Nhưng không sao, khi nào rảnh, có thể ông sẽ đưa con đi xem xiếc. Ở đó có các chú hề rất vui nhộn, có cả những nghệ sĩ nhào lộn cực kỳ khéo léo nữa.
“Ối ông ơi, con rảnh quá hay sao để đi xem voi, xem hổ làm trò? Trên tivi con xem chán ra rồi. Nào voi, nào hươu cao cổ, nào ngựa vằn, nào báo gấm, đủ cả. Còn xem chúng làm gì nữa? Con giờ chỉ lo làm sao để ông đừng giẫm vào vũng nước thôi. Ông toàn vừa đi vừa nói chuyện tầm phào với con không hà, làm con phân tâm…”
Các bạn biết đấy, công việc của tôi đâu phải đơn giản, dễ dàng. Mắt tôi phải quan sát đường đi, để ý tránh các loại gốc cây, cột đèn, vũng nước, tránh người qua đường, vân vân, lại phải căng tai nghe người được tôi dẫn đường nói gì, vì nhỡ biết đâu bỗng có một câu lệnh nào đó được phát ra bất chợt thì sao. Vậy mà ông cụ của tôi cứ say sưa nói hết chuyện này đến chuyện khác. Tôi thì cứ phải lo đưa cụ tránh hết vũng nước này đến vũng nước khác. Mà rồi khách qua đường có hiểu cho đâu – họ cứ đi bừa đi phứa, chẳng nhường đường gì cả, hoặc do họ không biết tôi đang dắt một người mù, hoặc họ làm như chẳng cần biết đến điều đó. Tóm lại, dù tôi có cố gắng cách mấy để đưa cụ đi dích dắc chữ chi để tránh các vũng nước, thậm chí có khi phải dừng hẳn lại để nhường đường cho người khác, nhưng ông cụ của tôi có hiểu cho đâu, cứ dấn bừa tới, thế là giẫm đánh “phạch” ngay vào vũng nước. Lắm khi có phải vũng nước nho nhỏ mà thôi đâu, có vũng đến con chó cồ như tôi còn bơi được ấy chứ. Thế là tôi với ông cụ bất đắc dĩ phải lội cho qua cái ao làng thứ thiệt ấy. Những lúc như thế, tôi cảm thấy thật nhục – nhục cho cái tay nghề kém cỏi của mình. Mặc dù lỗi không phải hoàn toàn của tôi. Đã có băng đai, dây dẫn đánh tín hiệu rồi, cụ còn xông tới làm gì nữa? Một khi tôi đã ra tín hiệu dừng lại thì cứ việc đứng như trời trồng đi, đằng này không chịu, cứ phải dấn tới cơ! Đã có chó dẫn đường thì phải nghe theo hiệu lệnh của nó chứ. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, coi chừng ông cụ ông ấy đá cho một phát thì bay trở về trường nha con. Mà quả thực, tôi với ông cụ hợp tác với nhau đã được bao lâu đâu. Người ta thường nói “Thiếu một tuần là đầy năm”, còn tôi xin nói ngược lại, tôi và cụ Ivan Savelievich lúc đó quen nhau mới… “thiếu một năm nữa là đầy một tuần”, và chuyện phải vòng tránh các vũng nước thì đúng là chỉ mới lần đầu.
Người khiếm thị không phải ai cũng như ai – có người hiền, người dữ. Tôi nhắm nghiền mắt lại và chờ đợi: bây giờ tôi có bị một gậy vào đầu hay không đây. Nhưng cụ Ivan Savelievich đứng ngay giữa vũng nước mà cười ha hả:
– Trison! Con đưa ta vào chốn thủy cung nào thế này? Ta bảo con đưa ta đến hiệu thuốc mà con lại dẫn ta xuống hồ bơi, ha ha. Con có bị lẫn lộn gì trong đầu không đấy?
Tôi nghĩ thầm: “Ối, cụ ơi, để xảy ra sự thể này là lỗi tại con. Hãy tha lỗi cho con, hỡi cụ già yêu quý của con. Chẳng qua tình cờ xảy cớ sự như thế thôi. Bây giờ chúng ta hãy sửa chữa lỗi lầm nào!”.
Tôi kéo xiên cụ già sang một bên, ở đó nước nông hơn. Sau đó tôi đưa cụ lên chỗ khô ráo. Trong khi vùng lắc thân mình cho ráo bớt nước, tôi nghe rất rõ tiếng ọp oẹp trong đôi giày sũng nước của cụ. Tôi rên lên ư ử vì đau khổ. Thật nhục! Thật nhục vì đã để cho ông lão phải lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười này.
– Ôi dào, chó ngốc của ta, – cụ Ivan Savelievich cười sảng khoái, – khóc mà làm gì! Lỡ chân lỡ tay là chuyện bình thường mà. Nào, nhanh chân đến hiệu thuốc rồi ta về nhà hong khô giày vớ.
Tôi bước dấn tới. May mà đã ở gần hiệu thuốc rồi. Khi về đến nhà, cụ Ivan Savelievich cởi giày vớ ra hong, rửa chân cho tôi rồi ngồi xuống cạnh tôi, an ủi:
– Không sao cả, chó yêu ạ, đừng buồn nữa. Chính ta là người có lỗi – ta đã tự xéo bừa vào vũng nước và kéo cả con cùng xuống nước.
Tôi liếm má ông cụ, cụ ôm tôi thật chặt. Chúng tôi ngồi như vậy đến hai tiếng đồng hồ. Chính sau sự cố này, chúng tôi thực sự trở thành bạn của nhau. Tôi bắt đầu mạnh dạn hơn, dẫn đường một cách tự tin hơn. Ông cụ cũng quen dần với những tín hiệu mà tôi đưa ra. Tóm lại chúng tôi bắt đầu hợp tác với nhau một cách ăn ý hơn.