Sống với bà Polina Foteevna, có khi hóa điên chứ chẳng chơi. Lắm khi bà ấy say, nằm dài trên ghế băng ngoài công viên mà ngủ. Có một chuyện, tôi nghĩ mãi không biết có nên kể hay không. Lúc đầu tôi tính bỏ qua. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi quyết định kể. Các bạn nhớ chứ, có lần tôi bị bọn nhóc bắn nhừ tử bằng ná cao su. Lần ấy, tôi cứ ngỡ mình rơi vào một cuộc chiến khốc liệt. Nhưng hóa ra chuyện ấy chẳng là cái đinh gỉ gì gi so với vụ việc mà tôi sẽ kể sau đây. Mỗi lần nhớ lại, tôi sởn hết gai ốc.
Lần ấy, bà lão của tôi uống phải thứ rượu quỷ gì không biết mà ngủ say như chết trên ghế đá ngoài công viên. Có một lũ nhóc kéo tới. Nhóc con mà đứa nào đứa nấy phì phèo thuốc lá trên môi. Sau đó tôi mới hiểu ra chúng là trẻ lang thang không nhà, sống bụi. Nhà ga ở cách đây không xa, vậy, đây là địa bàn của chúng. Tóm lại, chúng bắt tôi, đưa đi. Tôi sủa lồng sủa lộn, tru ngược tru xuôi, nhưng nhất quyết không cắn – chúng là trẻ con mà. Nỡ lòng nào cắn thế hệ tương lai của đất nước?
Chúng đưa tôi đến một khu nhà hoang đổ nát. Hình như nơi đây vốn là một khu chung cư cũ, đang bị giải tỏa để xây mới một tòa cao ốc hay một thứ gì đó đại loại như thế.
Một thằng bé (có lẽ là đầu đảng) ra lệnh:
– Buộc nó vào chấn song cửa sổ kẻo nó chạy mất đấy. Thế là tôi lại bị cầm tù. Bọn nhóc ngắm nghía tôi như ngắm một bức tranh.
– Con chó đẹp quá! – Thằng bé nhỏ nhất thốt lên rồi hỏi thủ lĩnh của mình: – Có thể để nó nằm ngủ với tao được không? Hồi bố mẹ tao còn sống, tao toàn ngủ chung với con chó Bronhia nhà tao. Ấm lắm.
– Mày không sợ ban đêm đang ngủ nó cắn sứt tai mày à? – Một thằng bé khác lên tiếng. Cả bọn cười ồ.
“Ái chà, cũng biết đùa đấy chứ nhỉ, – tôi cáu thầm trong bụng. – Chính mày mới là đồ có thể cắn sứt tai người khác, nhóc ạ.”
– Ê, chúng mày ơi, nó còn đeo cái khung gì đó trên mình kìa, lạ chưa? – Thằng bé thứ ba tò mò hỏi.
– Khung cái mả mẹ mày, – thằng đầu đảng cười khẩy.
– Đó là… ờ, ờ, đó là… người ta gọi là cái gì nhỉ… ờ, băng đai, băng đài, băng đái gì đó. Tóm lại, bà lão hồi nãy bị mù. Còn nó là chó đặc chủng. Nó chuyên dẫn đường cho người mù.
– Ghê nhỉ! – Thằng nhóc bé nhất chu mồm huýt gió, vẻ thán phục. – Thế bây giờ làm sao bà lão ấy có thể đi về nhà? Một khi không có nó, – thằng bé hất hàm về phía tôi, – bà ấy làm sao mà…
– Thôi đủ rồi, đừng có mà rắc rối, oắt kia! – Thằng cầm đầu gạt ngang. – Bà ấy có cây gậy dẫn đường. “Cộc, cộc, cộc…”, cứ thế lò dò mà đi. Hiểu chưa?
– Chúng mình làm như vậy quả là chẳng hay lắm đâu. Hay ta trả nó về cho bà lão? – Một đứa nào đó đánh bạo đề nghị.
– Gớm, mày trung thực quá nhỉ!? – Thằng cầm đầu xẵng giọng. – Thế những lúc mày móc túi lấy ví tiền của người ta trên sân ga, mày có thấy “chẳng hay” không?
– Móc túi là một chuyện, còn ở đây…
– Á à, nghĩa là móc túi thì được phép chứ gì? – Thằng cầm đầu nói mỉa. – Làm sao mày biết được trong cái ví ấy là những đồng tiền cuối cùng của “con mồi”? Bày đặt thể hiện lòng trung thực! Con chó này là chiến lợi phẩm của chúng ta. Đứa nào có lòng trung thực thì cứ việc cuốn xéo khỏi băng nhóm này, tự đi kiếm ăn lấy.
– Sói Xám à, – một đứa nào đó trong băng lên tiếng,
– nghĩ lại đi, chúng ta không nên làm khổ một bà lão tàn tật. Làm như vậy thật chẳng nên tí nào. Móc túi, trộm tiền, nó là một nhẽ. Chỉ để kiếm sống. Ừ thì lấy mất của người ta tiền bạc, giấy tờ tùy thân, nhưng rồi người ta lại kiếm ra tiền, làm lại giấy tờ. Còn bà lão nọ thì kiếm đâu ra nữa một con chó, mà lại là chó dẫn đường? Mày hiểu chứ. Làm như vậy vô nhân đạo quá đấy…
– Bây giờ mày muốn gì? – Thằng “Sói Xám” cau mày.
– Muốn gì, nói đi!
– Trả con chó cho bà cụ.
– Muộn rồi em ạ! – Thằng cầm đầu cười nhạt.
– Sao lại muộn? – Thằng kia ngạc nhiên.
– Tao nói muộn là muộn. Bà già ấy chắc đã biến từ lâu rồi. Mày kiếm đâu cho ra bà ấy? Mà bây giờ dắt con chó này tới chỗ cũ, không khéo bọn cớm còng đầu cả lũ, mày có dám đưa đầu ra chịu cho cả hội không?
– Vậy bây giờ phải làm thế nào? – Một đứa nào đó hỏi.
– Còn phải làm thế nào nữa, – thằng cầm đầu trả lời,
– chúng ta đành phải nuôi nó thôi.
– Như vậy là phải cho nó ăn uống, – thằng bé nhỏ nhất ngập ngừng…
– Thì chúng ta lấy phần ăn của mày để nuôi nó, có gì là khó! – Thằng cầm đầu nói. Cả bọn cười ồ.
– Cũng được thôi, – thằng bé nhỏ nhất nói tỉnh bơ. – Tao sẽ tự kiếm lấy phần ăn cho mình.
– Quên đi nhóc! – Thằng cầm đầu vỗ vai chú út. – Mọi chuyện tính sau. Tụi mình là dân có nghề cả, chẳng lẽ không nuôi nổi một con chó sao?
Tôi nghe mà chán chường. Con người ta coi thường số phận của nhau vậy sao? Tôi thì đã đành đi, vì chỉ là con chó. Nhưng một người mù, không có chó dẫn đường thì sao? Không thể nào chấp nhận được. Này các chú nhóc, các chú làm gì thế? Làm vậy mà được sao? Bản thân các chú sống thiếu thốn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, tự sinh sống bằng nghề ăn cắp, móc túi, mạo hiểm đánh đổi tính mạng, sức khỏe của mình để có được những đồng tiền nhơ bẩn. Nhưng lẽ nào các chú lại nỡ làm khổ một bà lão mù lòa khi đánh cắp con chó dẫn đường của bà ấy? Không có chó dẫn đường, bà lão chết mất – hoặc bị xe tông, hoặc bị va đầu vào gốc cây, cột điện. Hãy suy nghĩ lại đi nào!
– Ê, Sói Xám, – một thằng bé trong bọn đề nghị, – hay để tao chạy lại đằng ấy dò xét mọi chuyện xem sao. Biết đâu bà cụ còn ngủ và chẳng có gã cớm nào ở đó cả. Nếu vậy, chúng ta sẽ đưa con chó trả lại cho bà ấy…
– Cũng được đấy. Này, cầm lấy một cái điện thoại di động, – thằng cầm đầu đưa máy cho thằng bé nọ. – Nếu ở đó mọi chuyện yên ổn, tao sẽ sai thằng Bộ Xương mang con chó đến.
Một lúc sau, máy di động của thằng cầm đầu reng chuông.
– Alô! Đấy mà, tao đã nói mà! – Nó nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất. – Tao nói cấm có sai bao giờ. Chúng có đông không? Bà lão đang đứng với chúng nó hả? Thôi được rồi. Biến khỏi đó ngay. – Sói Xám tắt máy.
– Sao, mọi chuyện ra sao rồi? – Cả bọn nhao nhao hỏi.
– Tàu chạy mẹ nó mất rồi! – Thằng cầm đầu lại nhổ
nước bọt. – Nghĩa là muộn rồi. Bọn cớm đã tới đó. Bà lão đang phân bua, kể lể gì đó với bọn chúng.
– Nghe này, Sói Xám, chúng nó có thể tìm thấy tụi mình đấy, – một thằng bé trong bọn lo sợ.
– Làm sao mà tìm thấy? – Tên cầm đầu ngạc nhiên.
– Dễ lắm. Chúng mà đưa chó nghiệp vụ tới thì chỉ trong nháy mắt nó đánh hơi ra và tìm tới đây liền. Gì chứ chó mà tìm chó thì thôi rồi nhá, chúng có thể ngửi thấy mùi của nhau cách hàng mấy cây số ấy chứ.
– Đúng đấy, – một đứa trong bọn đồng tình.
– Vậy bây giờ tụi mình phải làm gì?
– Hay thả con chó này ra đi. Mặc nó tự tìm lấy đường về nhà.
– Nhưng nếu nó ở khu phố khác thì làm sao nó có thể tìm được đường về.
– Thì đã sao. Kệ nó chứ.
– Thôi, thả nó ra tội nghiệp lắm, – Sói Xám lắc đầu. – Trong khi nó đang lớ ngớ tìm đường về nhà, nhỡ lũ chó hoang xé xác nó mất thì sao. Đúng là tụi mình bỗng dưng chuốc lấy khổ vào thân. Bắt trộm nó làm gì cơ chứ…
Đúng lúc đó có hai người đàn ông ào vào ngôi nhà hoang như cơn lốc.
– Chào các chú nhóc! – Một trong hai người cất giọng khào khào.
– Chào hai ông anh! – Bọn trẻ chạy tới bắt tay, chào hỏi hai người khách mới tới.
– Ai zà, Burlak, ngọn gió nào đưa anh tới thế? – Sói
Xám thốt lên. – Sao nghe nói bọn cớm tóm anh rồi?
– À, cũng có chuyện đó, – gã đàn ông gật đầu. – Phải ngồi trong đó mất hai tháng. Gọi là tạm giam để phục vụ điều tra ấy mà. May mà thằng Terpel nó chối bay chối
biến. Khi bị đưa ra đối chất, nó bảo: tôi không biết có phải thằng này hay không. Ấy là nó nói về tớ với tụi cớm như thế. Ngoài nó ra, chẳng có nhân chứng nào khác. Tóm lại, chúng nó phải đóng hồ sơ, kết thúc điều tra, trả tự do cho nghi can. Thế còn các chú mày thế nào? Vẫn sống vui, sống khỏe cả chứ?
– Đại khái thế, hay gần như thế, – Sói Xám thở dài.
– Chỉ có điều thằng Valerka Kracnov toi mạng rồi. Nó té xuống đường ray, bị tàu nghiến chết.
– Chắc là lại leo lên nóc toa chứ gì? – Gã đàn ông thứ hai hỏi.
– Đúng vậy, – Sói Xám gật đầu. – Rớt xuống đường ray bên cạnh, bị tàu ngược chiều cán chết.
– Ai chààà, – gã đàn ông có tên Burlak kéo dài giọng. – Từ nay đừng cho phép quân lính leo lên nóc toa nữa nhé. Biết bao nhiêu đứa chết thảm rồi. Vậy mà cứ liều mạng leo lên trên đó… Này, Sói Xám, – gã đàn ông đột ngột đổi đề tài, – cho anh mày mượn ít tiền được không? Cần gấp lắm. Anh sẽ hoàn trả cho chú mày trong vòng một tuần.
– Bao nhiêu? – Sói xám hỏi.
– Năm “chai”.
– Được thôi, – Sói Xám nói. – Nhưng không được chơi trò ảo thuật đâu đấy nhé. Một tuần là một tuần!
– Nói gì thế, Sói Xám? – Burlak nhún vai. – Chú mày biết anh quá rõ mà. Có thể ngày mai anh sẽ có tiền trả chú cũng nên. Anh nói một tuần, đó là hạn chót, nhưng anh sẽ cố gắng trả sớm hơn.
– Thôi được, giao hẹn rồi đấy nhé, – Sói Xám nói rồi quay sang ra lệnh cho một đứa trong bọn: – Ê, Bóng Đêm, đưa ra đây 5 nghìn rúp!
Đúng lúc đó, gã Burlak trông thấy tôi.
– Ái cha cha! Ở đâu ra các chú có con chó hay thế này? – Hắn trầm trồ.
– À, hôm nay tụi này mới cuỗm được của một bà lão nào đó. Nhưng bây giờ thì chẳng biết phải làm gì với nó.
– Sói Xám nói. – Nó là chó dẫn đường cho người mù. Bọn cớm đang truy tìm nó đấy.
– Vậy các chú tính thế nào? – Gã đàn ông hỏi.
– Chưa tính được gì cả. Đang định thả nó ra cho nó tự đi tìm lấy bà chủ của mình. Nhưng nghĩ lại thấy tội – lũ chó hoang xé xác nó mất.
– Không được! – Burlak lắc đầu. – Tại sao lại phải thả nó ra? Nếu là chó dẫn đường, có nghĩa nó mạnh khỏe lắm đấy. Nó được tiêm chủng đầy đủ, được đám bác sĩ thú y chăm sóc cẩn thận lắm. Một con mồi ngon lành thế này mà bỏ đi thì quá phí đấy.
– Vậy chứ anh tính sao? – Thằng Sói Xám trề môi.
– Xả thịt nó mà chén!
– Cái gììì? – Thằng bé trợn tròn mắt, ngạc nhiên tột độ. – Ăn thịt con chó này ấy hả?
– Chứ còn ăn thịt ai nữa? – Burlak cười toáng. – Ở đây làm gì có dê cừu gì đâu mà ăn thịt. Chú mày không biết chứ thịt chó ngon số một trên đời đấy.
– Nói nghe gớm chết, – Sói Xám cau mày, nhăn mặt.
– Đùa cợt kiểu gì khó nghe quá vậy?
– Nghe đây, người anh em, – Burlak lại cười toáng. – Chẳng qua chú mày chưa biết đó thôi, chứ người ta ăn thịt chó ào ào. Hôm nọ ở chỗ thằng Ashota, chú mày chẳng xơi món shaurma là gì?
– Thì sao? Đó là thịt dê mà.
– Dê cái con khỉ mốc! Thịt chó đấy. Ở đâu ra mà dê! Hóa ra chú mày còn ngây thơ quá, em ạ.
– Nếu quả thật có thế đi nữa thì chẳng qua do không biết mà ăn thôi, – Sói Xám nhăn mặt nói. – Còn đằng này, một con chó đang sống nguyên, ngồi trước mặt… Nỡ nào…
“Thôi rồi, giờ tận số của ta đã điểm chăng? Thế là hết công danh, sự nghiệp. Vậy mà cứ mơ ước đến một ngày nào đó, khi tuổi xế chiều, ta sẽ nghỉ hưu để rồi chuyên tâm dạy dỗ, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ dẫn đường cho những lứa chó con thuộc hàng cháu chắt. Ta thật là một con chó ngốc. Bây giờ thì chuẩn bị mà lên đoạn đầu đài: người ta sẽ xả thịt, lột da mi, chặt ra từng miếng. Rồi thì xào, ninh, nướng, luộc. Ở đó mà mong con đường công danh với chẳng thời hưu trí an nhàn, tĩnh tại. Chẳng lẽ thằng bé Sói Xám sẽ đồng ý để cho gã Burlak kia xơi thịt ta ư? Thôi thì chuẩn bị đón nhận cái chết đau thương, chuẩn bị tinh thần mà giãy chết. Nhưng giãy thế quái nào được, chúng sẽ trói gô bốn cẳng ta lại, lấy gì mà giãy đây? Chúng sẽ táng cho ta một hòn đá hộc vào đầu, trong khi ta đang chết giấc chưa kịp hoàn hồn thì chúng đã cứa cổ ta, nói theo ngôn ngữ bình dân tức là cắt tiết. Thế là đi đứt một
cuộc đời. Khốn khổ thân tôi. Đời tôi sao vắn số! Mà chẳng cứ gì tôi – tôi chỉ là một con chó mà thôi, dù có là chuyên gia dẫn đường đi nữa thì cũng chỉ là con chó. Trên tivi tôi được nghe chuyện một nhà hàng hải lừng danh còn bị ăn thịt nữa là. Thương thay cho thuyền trưởng Cook, bị hóa kiếp trong dạ dày của thổ dân một hòn đảo ở Thái Bình Dương. Người còn bị ăn thịt, nói chi là chó. Tất nhiên thật đáng tiếc, vì khi chết đi mà chẳng để lại được tiếng tăm gì cho đời. Sẽ chẳng ai biết được chuyện gì đã xảy ra, chẳng ai biết được tôi đã hi sinh anh dũng như thế nào. Thế đấy. Vậy mà mi cứ xưng xưng rằng mi sống có ích cho đời. Phải chi ngày ấy được ở lại sống cùng Sashka, dù chỉ để làm một con chó cảnh trong nhà…”.
Tôi buồn rầu, thối chí đến mức phải tru lên một hồi thảm thiết.
– Mày làm gì thế, đồ quái vật? – Sói Xám gắt lên với tôi. – Có ngậm cái mõm chó của mày lại không nào. Lộ địa điểm đóng quân của tụi tao bây giờ!
– Loài chó cảm nhận nhạy lắm đấy, – Burlak xoa xoa hai bàn tay vào nhau. – Nói chung, loài vật rất thính nhạy trước cái chết của bản thân. Các chú đã từng nghe lũ heo kêu gào thảm thiết như thế nào khi bị chở tới lò mổ chưa? Chúng gào đến mức có nhét bông gòn vào lỗ tai vẫn không chịu xiết. Còn bây giờ thế nào? Con chó này, ta làm món nướng xiên que chứ?
– Khoan đã. Kiểu gì cũng phải bàn trước với bọn nhóc, – Sói Xám nói. – Trong chuyện này tôi không thể tự quyết một mình được.
– Ôi dào, tại sao lại phải bàn với chúng nó? – Burlak ngạc nhiên hỏi. – Ở đây, chú mày là sếp, tự quyết lấy, việc đếch gì phải bàn? Cứ phải có quân sư quạt mo mới được à? Thế mà cũng gọi là thủ lãnh.
– Nói vậy sao được! – Sói Xám cắt ngang. – Kiểu gì cũng phải thực hành dân chủ, nhất là với những việc hệ trọng như thế này.
– Sói Xám, chú mày làm sao thế? – Burlak ghé sát mặt mình vào mặt Sói Xám, nhếch môi hỏi. – Chú mày mềm yếu đến thế cơ à? Anh đâu có bảo chú mày giết người ăn thịt đâu mà sợ dữ vậy? Nó chỉ là một con vật thôi mà. Đã là súc vật thì chỉ đáng làm món ăn cho người. Hiểu chứ? Chú mày xem đi, biết bao con bò, lợn, cừu, gà bị xay nhuyễn trong bao tử con người. Chó thì cũng chỉ đến thế thôi. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta nuôi chó chỉ để ăn thịt thôi đấy. Ô hô! Mới nghe bấy nhiêu đó mà chú mày đã sợ vãi hết cả linh hồn ra rồi. Ha ha!!!. Xem kìa, cái mặt chú mày đã xanh như đít nhái. Ha ha…
– Đủ rồi cha nội! – Sói Xám gắt gỏng cắt ngang. – Ở đó mà dạy dỗ tôi! Tự tôi khắc biết phải làm gì. Tôi nói rồi: phải bàn với anh em cái đã.
– Dốt quá đi nhóc ạ. Bày đặt lấy ý kiến quần chúng! Anh mày đây kinh nghiệm trận mạc đầy mình, chẳng nghe theo lời anh, còn phải đi nghe lời ai?
– Thôi! Cắt chuyện này! – Sói Xám nói dứt khoát. – Tôi không thích nghe nữa đâu.
Đúng lúc đó, một cô bé choai choai chạy ào vào. Cô bé chào mọi người qua quýt rồi vừa trông thấy tôi đã vội sà tới.
– Ôi chao! Ở đâu ra các cậu có con chó dễ thương thế này? Kỳ quan, kỳ quan! – Cô bé ôm lấy tôi và hôn lấy hôn để.
– Này, Toma, cẩn thận đấy, nó mà đớp cho một phát thì giờ hồn đấy, ráng chịu đó nha. – Sói Xám cảnh báo.
“Thằng bé này cũng biết quan tâm đến phái đẹp gớm nhỉ. Thiệt tình! Này, chú nhóc, có cẩn thận là phải cẩn thận với chú mày ấy. Các chú có thể xơi tuốt luốt bất cứ ai trên đời này, kể cả người lẫn chó. Chứ còn tôi đây thì sao? Bỗng dưng vô duyên vô cớ tôi cắn cô bé này à? Phải chi được phép, tôi cắn lũ ăn thịt người các chú bằng thích! Nhưng thôi, dừng lại! Hình như tôi say máu quá rồi đấy. Hình như tôi đã lỡ miệng gọi mấy chú nhóc vô lại này là quân ăn thịt người. Có quá đáng không? Thực ra chúng chỉ là quân ăn thịt chó. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nói cho đúng ra, ăn thịt người hay ăn thịt chó thì cũng thế cả mà thôi.”
Xin đừng nghĩ rằng tôi tự cho mình ngang hàng với người. Tôi muốn nói chuyện khác cơ. Xét cho cùng, chó dẫn đường là gì? Đó đơn giản chỉ là một con chó. Một con người cũng có thể thế chỗ cho tôi được mà. Tôi dẫn đường cho người mù, có nghĩa là tôi đã làm thay công việc này cho người khác. Vậy bây giờ tôi có thể gọi những kẻ muốn ăn thịt tôi là gì? Chỉ có thể gọi chúng là quân ăn thịt người!
Cụ Ivan Savelievich rất thích nghe những bài hát của ca sĩ Vysotsky. Cụ thường nói, Vladimir Vysotsky là tuổi xuân của cụ, thậm chí là cả cuộc đời của cụ. Thỉnh thoảng tôi nhớ lại bài hát tếu về thuyền trưởng Cook. Kể ra, hát tếu về cái chết của một con người thật chẳng nên chút nào. Tôi còn nhớ láng máng một đoạn lời của bài hát đó như sau: “Tại sao thổ dân ăn thịt ông thuyền trưởng? Chỉ vì nỗi buồn thật lớn lao. Ném đá vào đầu con rắn độc. Thế là thuyền trưởng Cook đi đời”.
– Các cậu kiếm đâu ra con chó này thế. Con chó đẹp thật đấy! – Cô bé Toma nói và nhìn thấy băng đai trên mình tôi, vội thốt lên: – Ô, đây là chó dẫn đường! Của ai thế? Ôi, con mèo nhỏ đáng thương. Các cậu ơi, có phải nó bị đi lạc không?
– Ừ, đại khái thế, – Sói Xám làu bàu.
– Đẹp tuyệt! – Toma ôm lấy tôi. – Tên mày là gì, hở chó cưng?
– Nói tóm lại, coi như tao đã xơi con chó này rồi,
– gã Burlak phẩy tay. – Thôi, tụi tao đi đây. Chào nhé, Sói Xám. Tao biết chẳng thể nào thuyết phục được chúng mày. Đứa nào cũng coi con chó như anh em ruột. Đúng là trẻ con. Thôi, mặc xác chúng mày.
– Thế anh muốn làm gì với con chó này? – Toma hỏi.
– Burlak muốn xả thịt nó để làm món nướng barbecue.
– Sói Xám cười khẩy.
Nghe thế, Toma giật mình, từ từ đứng dậy, đưa hai bàn tay ra phía trước, các ngón tay đầy móng nhọn cong lại, cứ như con mãnh thú chực vồ mồi.
– Cái gììì??? – Mắt cô bé long lên sòng sọc trông thật dữ tợn, đến nỗi Burlak phải thối lui một bước. – Thằng khốn nào dám động đến con chó này, coi chừng tao móc mắt!
– Thôi đủ rồi, đủ rồi, – Burlak cười cười. – Chỉ đùa thôi mà chúng mày chẳng hiểu gì cả.
Sói Xám khinh khỉnh liếc mắt nhìn gã khách rồi quay đi chỗ khác. Burlak cùng gã bạn vội chuồn êm.
“Hừ, đùa với chả cợt! Mà cô bé Toma mới thật quả cảm làm sao! Quả là ông trời có mắt. Cảm ơn vị cứu tinh bé nhỏ của tôi. Bây giờ thì đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Có cô bé như vậy bên cạnh tôi, không một thằng khốn nào có thể mong có được miếng thịt đùi chó từ tôi. Ôi, hình như đã qua cơn nguy khốn. Nhưng giờ đây phải làm sao để thoát cảnh lao tù này?”
Tôi nhớ có lần Sashka đọc cho tôi nghe mấy câu thơ lăng nhăng trên internet. Tôi nhớ mãi câu này:
Dưới tầng hầm, bọn trẻ chơi trò đóng giả quân phát xít
Chúng tra tấn ông già quét sân cho đến chết
Giờ đây trong đầu tôi bỗng nảy ra hai câu thơ ứng tác:
Dưới tầng hầm, bọn trẻ chơi trò đầu bếp
Chúng muốn xẻ thịt Trison làm món cốc-lết
Thật là cười ra nước mắt. Cô bé Toma ơi, nếu không có bạn, giờ đây hẳn tôi đã bị vào lò…
Cô bé ngồi bệt xuống sàn ngay bên cạnh tôi. Tôi nhìn vào mắt Toma và hiểu: cô bé này dẫu có chết cũng nhất quyết không để cho bất cứ ai xẻ tôi ra làm món nướng. Ôi, một cô bé lang thang cơ nhỡ, không nhà… Cảm ơn bạn rất nhiều, Toma ạ. Quả là “người vô gia cư, chó không nơi nương tựa…”.