Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

19



Hẳn các bạn còn nhớ, ngay từ đầu câu chuyện, tôi có nói rằng những chuyên gia dẫn đường sáng giá như tôi không bao giờ bị đưa đi làm những công việc tạp nhạp. Chó dẫn đường mà phải đi gác cổng thì còn ra thể thống gì nữa? Nhưng tôi đã quá ngây thơ hoặc quá tự tin. Tôi đã hết sức nhầm lẫn!
 
Chẳng ai thông báo cho nhà trường biết rằng người được tôi dẫn đường đã qua đời. Mọi người dường như quên hẳn tôi. Trong khi mọi người bận rộn chuyện tang ma, tôi suýt chết đói vì chẳng ai nhớ đến việc phải cho tôi ăn. Lão Mironych chỉ xuất hiện có một lần ngay hôm đầu tiên rồi sau đó biến mất tăm mất dạng. Sau khi bà chị mất, bà Irina cũng đau buồn quá mà đổ bệnh, nằm liệt giường, thậm chí không thể đi đưa tiễn chị mình ra nghĩa trang. Quả là “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”.
 
Tóm lại, trong lúc tang gia bối rối, chẳng ai còn nhớ đến tôi. Nhưng như tôi đã nói, trên đời không thiếu người tốt. Sau khi đưa tang bà Polina Foteevna, một ông cụ hàng xóm ở cổng cầu thang kế bên đưa tôi về nuôi.
 
Ông cụ có cái họ nghe rất buồn cười: Podoprigora, giải nghĩa ra là “Sát bên chân núi”. Cụ làm bảo vệ ở trường mẫu giáo gần nhà, và thế là tôi cũng mặc nhiên phải làm… nhân viên gác cổng. Thời gian đầu tôi đứng ngồi không yên, chỉ mong sao các nhân viên nhà trường mau chóng tìm ra tôi để đưa tôi về trường, đặng thoát khỏi nỗi tủi nhục này. Ngày qua tháng lại, chẳng có ai tới tìm. Dần dà rồi tôi cũng quen với người mới và hoàn cảnh mới của mình.
 
Cũng không thể nói là cuộc sống của tôi trở nên tồi tệ. Không đâu. Điều kiện sinh hoạt, ăn uống khá tốt. Luôn được ở trong chỗ ấm. Chỉ có một sự thay đổi trong thói quen ăn uống, ấy là tôi phải chuyển qua sử dụng thức ăn của người. Không có bữa nào bọn trẻ ăn hết thức ăn trong nồi. Thế là tôi với ông cụ được “thừa hưởng”. Phải nói thức ăn cho trẻ mẫu giáo rất ngon và bổ. Nhưng dù sao tôi vẫn nhơ nhớ thức ăn khô đóng gói sẵn dành cho chó. Buổi tối, khi mọi người về hết, cổng trường đã đóng, chỉ còn lại tôi với ông cụ bảo vệ, tôi tha hồ chạy nhảy trong khuôn viên rất rộng của trường. Hẳn các bạn còn nhớ là tôi rất chán khi phải đeo cái băng đai vướng víu. Vậy mà giờ đây tôi lại nhớ nó. Thậm chí nhiều đêm tôi còn mơ thấy mình đang dẫn đường cho người mù.
 
Hàng đêm, người được tôi dẫn… ấy, không đúng, ông cụ không phải là người được tôi dẫn đường, mà bây giờ là người chủ đích thực của tôi. Cụ luôn được gọi tên một cách kính trọng là Valery Anatolievich. Tóm lại, hàng đêm cụ Valery Anatolievich thường đọc sách cho tôi nghe. Hay tuyệt.
 
Tôi vẫn thường nhớ tới Sashka. Hồi còn bị mù, cậu ấy vẫn hay đọc sách cho tôi nghe. Đặt màn hình hiển thị nổi lên đùi, cậu ấy rà ngón tay lên đó, sột soạt, sột soạt, rồi đọc lên thành tiếng.
 
Sashka đã kể chi tiết cho tôi nghe về cái công cụ hỗ trợ tuyệt vời ấy. Xin giới thiệu vắn tắt với các bạn. Đó là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng đắt khiếp, không phải người khiếm thị nào cũng có thể sắm nổi. May thay, hiện nay, vấn đề trợ giá vật dụng hỗ trợ người khiếm thị ở Nga đã được đặt dưới sự điều hành của văn phòng tổng thống và do đích thân tổng thống trực tiếp chỉ đạo. Mong sao mỗi đứa trẻ khiếm thị đều được cấp phát hoặc mua với giá rẻ một cái màn hình chữ nổi.
 
Với một chiếc màn hình như thế, người khiếm thị nhiều lúc có thể quên đi tình trạng tật nguyền của mình. Gọi là màn hình, nhưng nó không giống như màn hình máy tính thông thường mà gần giống như… bàn phím. Đó là một thiết bị điện-cơ có thể hiển thị những chấm lồi theo bảng chữ cái Braille. Nếu ở trên giấy, chữ Braille được thể hiện bằng những chấm lồi thì ở đây là những chân gai nhỏ xíu (cũng được gọi là chấm) có thể nhô lên qua những lỗ nhỏ trên mặt phẳng nằm ngang. Thiết bị này kết nối với máy vi tính và thông qua một phần mềm tương tác đặc biệt có thể thể hiện bằng ký hiệu Braille tất cả những gì (văn bản, hình ảnh) có trên màn hình thông thường của máy tính. Nói cách khác, đó là một thứ máy dịch ngôn ngữ máy vi tính sang ngôn ngữ Braille. Nhưng tại sao nó được gọi là “màn hình”? Vì rằng nếu người sáng mắt có thể nhìn lên màn hình bình thường thì người khiếm thị phải “đọc” bằng đầu ngón tay trên “màn hình nằm ngang” của mình tất cả những gì hiển thị trên màn hình thường. Tóm lại, đó là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời dành cho người khiếm thị. Tôi xin đề nghị dựng tượng đài vinh danh người sáng chế ra thiết bị này. Vì người đó đã mang lại cho người khiếm thị khả năng làm việc hoàn toàn độc lập trên máy vi tính. Trong thời đại chúng ta, làm việc trên máy vi tính là một nhu cầu vô cùng thiết yếu của gần như tất cả mọi người.
 
Màn hình hiển thị chữ nổi thật tuyệt vời! Không biết ngày ấy ông Braille có nghĩ rằng hai trăm năm sau, sáng chế của mình có thể được ứng dụng cả vào những lĩnh vực kỹ thuật cao như thế này không nhỉ?
 
Đúng là những sáng chế hữu ích cho con người không bao giờ tự biến mất mà không để lại chút dấu vết nào trên đời. Cụ Ivan Savelievich của tôi có lần nào đó đã nói: một việc tốt thì một trăm, hai trăm năm sau, thậm chí hàng nghìn năm sau, vẫn là việc tốt và vẫn có ích cho đời. Tôi tin rằng con người không bao giờ quên những việc tốt của tôi (hay nói đúng hơn – của loài chó chúng tôi).
 
Nhưng bây giờ xin trở về với ngôi trường mẫu giáo. Cũng phải nói ngay rằng ở đây, mọi chuyện không phải đều đơn giản. Những ngày đầu, tôi phải sống trong căn phòng nhỏ xíu dành cho bảo vệ và không được phép ló mặt ra ngoài. Ban đêm đương nhiên được đi dạo trong khuôn viên của trường, còn ban ngày thì liệu mà nằm cho yên trong góc phòng. Cụ Valery Anatolievich khuyến cáo:
 
– Này, Trikha (tên tôi lại một lần nữa bị bóp méo), ban ngày chớ có mà dại dột chui ra khỏi phòng nhé, kẻo người ta đuổi cả hai ông cháu mình ra khỏi đây thì khốn. Ở đây rất nhiều trẻ nhỏ. Hiểu chứ?
 
Tôi chẳng muốn hiểu. Trẻ nhỏ với trẻ nhít! Thì đã sao? Tôi yêu trẻ nhỏ nhất trên đời này, dù nhiều khi tôi phải khốn khỗ vì chúng. Tôi còn không bao giờ làm cho người lớn tức giận hay sợ hãi, huống gì trẻ nhỏ. “Đuổi” à? Tôi có tội tình chi mà đuổi? Mà rồi đuổi tôi đi đâu? Có giỏi cứ đưa tôi về trường, thế là xong. Sao lại đuổi tôi? Tôi nào phải thứ chó hoang nguy hiểm?
 
Nhưng cuối cùng bà hiệu trưởng cũng phát hiện ra việc tôi “nương náu” trong ngôi trường này. Tôi xin nói ngay: mọi người đều gọi bà ấy một cách kính trọng theo tên và phụ danh là Ludmila Alekseevna. Một hôm, tôi nghe bà hiệu trưởng nói chuyện với ông già bảo vệ ở trước sân.
 
– Bác Valery Anatolievich, bác định làm hại cháu đấy à?
 
– Chúa ơi, cấm hề có chuyện đó! – Ông cụ tội nghiệp vội vã cúi đầu làm dấu thánh giá. – Cô hiệu trưởng muốn nói đến chuyện gì thế ạ?
 
Tôi khẽ khàng bò tới gần, nhìn ra ngoài qua khe cửa.
 
– Ôi, bác Valery Anatolievich, – bà hiệu trưởng đưa tay chống nạnh, – bác tưởng cháu không biết gì hay sao?
 
– Phải chăng cô hiệu trưởng muốn nói đến chuyện con chó?
 
– Chứ bác nghĩ là chuyện gì nữa? – Bà hiệu trưởng cười mỉm. – Tất nhiên là về chuyện con chó. Bác thừa hiểu, ở đây toàn trẻ nhỏ. Nếu chẳng may có đoàn thanh tra xuống, phát hiện ra nó thì cháu bị đuổi việc ngay tức khắc đấy, vì dám để cho một con chó hoang sống trong một cơ sở giáo dục.
 
Ôi ôi ôi! Tôi nghe thấy điều gì thế này? Tôi nghiến chặt răng lại vì tức giận. Lại một lần nữa tôi nhớ đến câu thành ngữ mà con người đặt ra: “Cuộc đời chó má”. Đời tôi quả chó má thật. Bây giờ người ta lại vu cho tôi là chó hoang. Một lần nữa, số phận lại hứa hẹn mang đến cho tôi những biến cố bất ngờ và đánh bạt ra khỏi đầu tôi thói kiêu căng, ngạo mạn. Khoe khoang cho lắm vào. Nào nòi quý, giống tốt, nào khôn ngoan, gan dạ, có bằng cấp, chứng chỉ, là chuyên gia sáng giá, được tín nhiệm giao trọng trách phục vụ người mù, rồi lại còn cái tên hoàng đế nữa chứ. Hừ, ở đó mà hoàng đế. Mi chỉ là con chó hoang, có thế thôi! Nếu không muốn như thế, vậy hãy chứng minh điều ngược lại. Có chứng minh được không? Xét trên phương diện nào đó, bà hiệu trưởng có lý. Tôi không có giấy tờ tùy thân, không có băng đai in dấu hiệu chữ thập đỏ, không nhà cửa, không có người được tôi dẫn đường, không có huấn luyện viên bên cạnh. Các bạn nói đi, với những điều kiện bất lợi như thế, tôi là thứ chó gì? Tôi linh cảm được ngay, rằng hãy lo mà chuẩn bị tinh thần đối phó với những tình huống xấu nhất. Nhưng ông cụ của tôi chẳng phải tay vừa. Tôi từ lâu đã nhận thấy rằng các bậc cao niên luôn tỏ ra cứng cựa trong bất cứ tình huống nào. Bây giờ chúng ta nghe tiếp nhé.
 
– Nhưng thưa cô hiệu trưởng, tôi không đồng ý với cô rằng đây là chó hoang. Đây là một con chó được đào tạo, huấn luyện để giúp đỡ, bảo vệ con người.
 
Có thế chứ! Ông cụ của tôi thật xuất sắc! Mà quả thực, ông cụ nói rất đúng. Nghĩa vụ của chó dẫn đường bao gồm cả giúp đỡ lẫn bảo vệ con người.
 
– Hẳn chuyện ấy bác mới vừa chợt nghĩ ra trong đầu thôi chứ gì? – Bà hiệu trưởng lại cười mỉm.
 
– Chúa chứng cho! – Ông cụ lại làm dấu thánh giá. – Tôi chẳng dám nói điêu đâu ạ.
 
– Thế ở đâu ra mà bác có nó? – Bà hiệu trưởng hỏi với vẻ tò mò xen lẫn thận trọng.
 
– À, trước đây nó trông nom, săn sóc, giúp đỡ một người khuyết tật. Người ấy vừa mới qua đời. Họ hàng quyến thuộc của người ấy đều có nuôi chó nuôi mèo trong nhà nên không muốn đưa nó về nhà mình. Thế là tôi nghĩ bụng: hay để nó giúp mình? Tôi xin bảo đảm nó sẽ không làm gì gây hại đến bọn trẻ. Chỉ buổi tối tôi mới cho nó ra ngoài thôi.
 
– Nhưng không được phép để cho một con chó tự do đi lại trong khuôn viên trường mẫu giáo! – Bà hiệu trưởng nhăn nhó.
 
– Tôi đâu phải thơ dại gì mà không hiểu điều đó, – ông lão cười cười. – Không bao giờ có chuyện đó đâu. Tôi chỉ cho nó đi dạo ở bên ngoài khu vực sân chơi của bọn trẻ thôi.
 
Phải thú nhận rằng ông lão nói không hoàn toàn đúng sự thật. Cũng có đôi lần tôi được cụ cho vào khu sân chơi. Những ngày đầu, có lẽ ông cụ sợ tôi chạy lung tung nên không cho phép tôi vào trong khu vực sân chơi của bọn trẻ. Nhưng tôi rất có ý có tứ, chỉ chạy đến những góc khuất của khuôn viên, như đằng sau nhà bếp chẳng hạn, để… “đi vệ sinh”. Nói cách khác, tôi chỉ đến những chỗ mà bọn trẻ không bao giờ bước chân tới. Dần dần về sau, ông cụ có “nới lỏng” khu vực hạn chế. Bây giờ, cụ cho phép tôi đi đến bất cứ nơi nào mà tôi có thể đến. Tuy nhiên, sau khi thả tôi ra, cụ vẫn cứ đứng bên cạnh hàng rào khu sân chơi trẻ em, luôn miệng nhắc nhở tôi: “Trikha, đừng có lừa ông đấy nhé! Không được chạy quá xa đâu đấy. Trikha! Trikha! Ông ở đây này! Chạy lại đây, Trikha! Trikha, Trikha, Trikha!!!”. Ông cụ cứ lặp đi lặp lại có bấy nhiêu đó như con vẹt, nghe rất buồn cười. Ông ơi, con còn biết chạy đi đâu khỏi ông nữa. Trong đời con, con đã chạy quá nhiều rồi. Người ta thường nói, chạy trốn tai ương chứ ai chạy trốn điều lành…
 
– Nhưng nó có lấy một loại giấy tờ tùy thân nào không? Sổ lý lịch, sổ tiêm chủng, giấy chứng nhận… – Bà hiệu trưởng tiếp tục hỏi vặn ông già.
 
– Tất nhiên là có, – ông cụ gật đầu. – Nhưng hiện tại, thân nhân của người khuyết tật quá cố đang giữ các loại giấy tờ của nó.
 
– Như thế không ổn. Cháu cần phải tận mắt nhìn thấy các giấy tờ ấy thì mới yên tâm được. Phải bảo đảm nó được tiêm chủng định kỳ. Ngoài ra còn cần phải có sổ lý lịch và những loại giấy tờ khác. Nếu không có đủ các loại giấy tờ cần thiết, buộc phải đưa nó ra khỏi khuôn viên nhà trường thôi bác ạ. Bác phải thông cảm cho cháu, chúng ta không thể không tôn trọng các quy định của nhà nước.
 
– Vâng, vâng, thưa cô hiệu trưởng, tôi sẽ mang đến trình đầy đủ các thứ giấy tờ cần thiết, cô cứ yên tâm đi, – ông cụ nói như đinh đóng cột.
 
– Bác đã hứa rồi đấy nhé. Đừng làm cháu bị mắc vạ đấy. – Bà hiệu trưởng mỉm cười nói thêm: – Mà bác cũng phải cho cháu xem mặt “trợ lý” của bác đi chứ.
 
Tôi vùng đứng dậy, lắc mình vài cái cho lông bớt rối, đưa lưỡi liếm mũi cho sáng bóng lên, nói chung làm mọi chuyện có thể làm để “chỉnh trang diện mạo”, trước khi trình diện “sếp”.
 
– Trison! – Ông cụ của tôi hào hứng gọi tên tôi và đẩy cửa căn phòng bảo vệ. – Con đâu rồi? Ra đây với ông nào! Ra đi, bây giờ không còn phải trốn chui trốn nhủi nữa rồi. Ra cho cô hiệu trưởng xem mặt chút nào.
 
Tôi chững chạc bước ra, lễ phép cúi đầu rồi nằm xuống bên ngạch cửa căn phòng bảo vệ.
 
– Chào anh bạn! – Cô Ludmila Alekseevna mỉm cười.
 
– Gâu, – tôi cất tiếng khe khẽ, ngại làm cô ấy sợ.
 
– Xem kìa! – Cô hiệu trưởng vỗ hai bàn tay vào nhau đánh “đét”. – Nó cũng biết trả lời đấy nhé.
 
Cô ấy đi lại gần, vuốt đầu tôi rồi nói:
 
– Nào, bắt tay nhau một cái có được không?
 
“Chắc nhà sư phạm muốn kiểm tra tay nghề và học lực của tôi chứ gì”, – tôi nghĩ bụng. Bắt tay thì bắt tay, nếu thích, chuyện ấy đối với tôi cũng giống như lời nói “Xin chào!” của con người chứ có gì đâu. Chỉ có điều xin đừng dựng tôi đứng lên trên hai chân sau rồi bắt tôi phải nhảy điệu tăng-gô. Tôi chìa bàn chân trước bên phải ra phía trước. Động tác này của tôi khiến cho cô Ludmila Alekseevna thích chí cười vang như trẻ thơ.
 
– Xem kìa! Nó hiểu hết! – Cô ấy thốt lên thích thú. – Đúng là một con chó khôn. Thông minh ghê luôn!
 
– Thì tôi đã nói mà, – cụ Valery Anatolievich, “thủ trưởng” trực tiếp của tôi, hãnh diện lên tiếng, – con chó này rất khôn. Được dạy dỗ qua trường lớp đàng hoàng mà lị!
 
– Vâng, bác Valery Anatolievich ạ, bản thân cháu cũng mê chó lắm. – Cô Ludmila Alekseevna nói như thanh minh, – Này, Trifon, đừng nghĩ tôi là kẻ nhẫn tâm nhé…
 
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cái tên Trison có thể bị biến âm theo nhiều cách đến thế. Bà hiệu trưởng không chỉ gọi lệch tên tôi thành Trifon, mà còn nhấn trọng âm lên âm tiết đầu, thành thử nghe cứ như Trí-fon.
 
– Tên nó không phải Trí-fon, mà là Trisha đấy ạ, – ông lão nhắc.
 
– Ờ ờ, Trisha, – Cô hiệu trưởng lặp lại. – Thôi được rồi, chó yêu ạ, cứ việc ở lại đây, nhưng phải có đủ giấy tờ đấy nhé! Được chứ?
 
– Gâu! – Tôi trả lời và thậm chí còn gật đầu.
 
– Giỏi quá đi thôi! – Cô hiệu trưởng khen nựng, vuốt đầu tôi và còn gãi gãi đằng sau tai tôi nữa.
 
Cô ấy đúng là một người biết yêu quý chó! Nhìn biết liền. Như thế là tốt rồi. Ít nhất tôi sẽ không phải chịu cảnh bị xua đuổi nhục nhã.
 
Thật đáng kinh ngạc: không hiểu bằng cách nào mà cụ Valery Anatolievich kiếm được tất cả các loại giấy tờ tùy thân của tôi. Chẳng hiểu cụ tìm kiếm, thu thập ở đâu mà đủ cả, vậy là chỉ một tuần sau, tôi không còn phải suốt ngày ru rú trong phòng “biệt giam” nữa.
 
Đứa trẻ đầu tiên nhìn thấy tôi là thằng bé Borka. Vừa trông thấy tôi, nó liền giang rộng hai tay, hớn hở chạy ào ngay đến ôm lấy tôi. Chỉ những đứa trẻ mà trong nhà có nuôi thú cưng, đặc biệt là chó, mới có thể dạn như thế.
 
– A, con chó, con chó! – Nó mừng rỡ reo to và hăm hở leo lên lưng tôi để cưỡi.
 
Lại tiết mục gì nữa đây? Phải chăng nhà chú bé này không phải nuôi chó mà là… nuôi ngựa. Nhưng tôi làm sao cõng nổi mấy chục ký lô trên lưng. Mọi nỗ lực làm lính kỵ binh đều không thành, nhưng thằng bé không lấy thế làm buồn. Nó đi vòng quanh rồi ôm lấy tôi, kẹp đầu tôi vào nách.
 
– Borka, cẩn thận kẻo làm nó đau đấy! – Cụ ValeryAnatolievich kêu to.
 
– Ông ơi, nó tên gì vậy? – Borka hỏi.
 
– Tên nó là Trisha. – Ông cụ trả lời.
 
– Tlisha, đúng không? – Thằng bé hỏi lại (trẻ nhỏ thường phát âm “R” thành “L”).
 
– Đúng rồi, đúng rồi, – ông cụ cười cười.
 
Chỉ ít phút sau, cả một bầy trẻ kéo tới, xúm quanh tôi, đứa nào cũng cố gắng sờ vào mình tôi một cái. Có một cô bé chỉ dám đứng xa xa theo dõi mọi chuyện.
 
– Sao thế con, Kristina, sao con không tới làm quen với Trisha? – Ông cụ hỏi nó.
 
– Cháu sợ lắm. – Con bé cau mày, so vai, rụt cổ. – Cháu sợ nó cắn cháu.
 
– Ồ, không đâu, nó không cắn đâu, – ông cụ phẩy tay. – Đừng sợ, nó là chó chuyên chơi với trẻ nhỏ đấy. Nó được dạy dỗ đàng hoàng và nó quý trẻ con lắm.
 
– Mẹ cháu nói tất cả các con chó đều hung dữ và hay cắn người.
 
Cụ Valery Anatolievich lúng túng, chưa biết phải trả lời như thế nào. Cụ húng hắng ho rồi đi lại gần con bé, nói:
 
– Mẹ cháu nói cũng đúng. Không nên đến gần những con chó lạ. Còn đây là con chó của chúng ta, chó phe ta. Con có biết nó tên gì không?
 
– Nó tên gì vậy ông?
 
– Nó tên là Trisha. Đấy, cháu thấy không, nó có tên đẹp hẳn hoi. Nào, đừng sợ, con gái yêu quý ạ.
 
Mọi lời lẽ của ông cụ đều không đủ sức thuyết phục cô bé nhút nhát này. Mãi mấy ngày sau nó mới dạn lên đôi chút, dám lại gần tôi và rụt rè vuốt lưng tôi.
 
Buổi tối hôm đó, ông cụ dặn tôi:
 
– Trison, con phải nhớ rằng từ nay tuy con được sống hợp pháp ở đây nhưng phải biết giữ ý tứ, thận trọng trong mọi hành vi. Không được tự tiện lại gần bọn trẻ, ban ngày không được vào khu vực sân chơi của trẻ. Tốt nhất là nằm ngay ngạch cửa này. Hiểu không? Con nên nhớ, dù sao con cũng là con thú.
 
Lại có thêm một nhà động vật học nữa! Tôi bất chợt nhớ đến bà Elizaveta Maximovna, bà ngoại của Sashka. Nhưng ở đây, tôi hoàn toàn đồng ý với ông chủ của mình.
 
– Gâu! – Tôi trả lời.
 
Mà ông cụ nói đúng trăm phần trăm. Nếu con chó tự nhiên đi lại gần một đứa trẻ, rất có thể hành động đó làm cho đứa trẻ sợ hãi. Làm sao có thể chứng minh được đó là hành động có thiện chí? Đứa trẻ có thể nghĩ rằng con chó muốn tấn công nó. Chẳng cứ gì trẻ con, đến người lớn lắm khi cũng cảm thấy khiếp đảm khi có một con chó bỗng dưng tiến lại gần mình. Thử hình dung đi: một con chó lạ lừ lừ tiến đến gần bạn. Làm sao bạn biết được nó nghĩ gì trong đầu? Dĩ nhiên loài chó chúng tôi có một số cử chỉ tỏ tình thân thiện, chẳng hạn vẫy đuôi, cụp tai, làm mặt ngu… khi đi đến gần ai đó. Nhưng các bạn biết đấy, nỗi sợ hãi nhiều khi mạnh đến mức người ta có thể không nhận thấy những dấu hiệu thiện chí ấy. Khi sợ, người ta không nhìn đuôi nhìn tai gì ráo, chỉ nhìn vào mỗi cái mõm con chó thôi. Còn khi đã quá hoảng sợ, con người thậm chí còn có cảm giác rằng con chó đang nhe răng chực cắn. Vì thế, thời gian đầu sống ở đây, tôi luôn luôn để tâm lưu ý đến việc phải giữ thái độ ôn hòa, nhã nhặn.
 
Chỉ sau một tháng, tất cả bọn trẻ trong trường đều biết đến tôi. Chúng mang từ nhà đến rất nhiều thứ kẹo bánh để đãi tôi. Nhiều bận, cậu bé Borka sau khi ăn bữa trưa ở nhà ăn của trường còn thủ túi mang ra cho tôi một miếng chả thịt băm to bằng bàn tay trẻ con. Lần đầu, tôi rất lúng túng, chẳng biết phải xử sự thế nào cho phải. Một tay thu thu giấu giấu trong túi quần, cậu bé đi lại gần tôi.
 
– Tlisa, đi lại đằng kia với tớ, – bằng cái giọng còn ngọng líu, nó thì thào như thể đang nói về một điều gì đó rất bí mật, – tớ cho xem cái này hay lắm.
 
Chú bé đưa tôi tới góc khuất đằng sau căn phòng bảo vệ, lôi miếng chả từ trong túi ra, đút vào mõm tôi. Món quà ngon tuyệt, tất nhiên rồi, tôi không biết nói gì hơn. Nhưng có một điều tôi không thích cho lắm, đó là Borka chùi bàn tay dính đầy mỡ lên hông tôi. Nhưng thôi, biết làm sao được. Tôi chẳng giận đâu. Có điều lát sau tôi phải liếm thật kỹ chỗ lông dính mỡ và cẩn thận cọ hông vào gốc cây để… “chỉnh trang y phục”.
 
Tôi rất khoái quan sát những hoạt động buổi sáng của bọn trẻ. Trên khoảnh sân chơi rộng mênh mông, từng lớp xếp thành vòng tròn, tay nắm tay nhau, chúng hát những bài ca vui nhộn. Nhưng có một bài hát gợi cho tôi những suy tư không mấy vui. Các bạn nghe nhé:
 
“Chiếp chiếp chiếp, bầy gà con ríu rít, – bọn trẻ hát, – Chiếp chiếp chiếp, chúng kêu như én hát…”.
 
Một bài hát nhi đồng bình thường. Sảng khoái, vui tươi. Nhưng không hiểu sao nó lại khiến tôi nhớ đến một gian hàng hội chợ ẩm thực có treo những con gà nhép rô-ti xâu thành chuỗi. Thật là kỳ quặc, đúng không? Trong bài hát và trên gian hàng đều là gà con cả. Nhưng ở gian hàng nọ, lũ gà con đã bị chiên giòn và chuẩn bị chui vào dạ dày thực khách, còn trong bài hát, chúng đáng yêu như những con chim én. Ôi, gà chiên trong nhà hàng thì đã là cái gì đâu! Tôi đây còn suýt bị quay giòn trên lò than nữa là. Đời là thế. Gà con ơi, hôm nay bạn còn đi lại tung tăng, vô tư mổ thóc, nhưng ngày mai bạn có thể bị người ta chiên giòn rồi cho vào mồm nhai rau ráu.
 
Nói thực lòng, cuộc sống của tôi ở trường mẫu giáo khá thú vị. Nhưng nhiều lúc lương tâm cũng dằn vặt tôi: ở đâu đó có một người mù đang mong mỏi có được một con chó dẫn đường. Ở đây tôi cũng làm việc thôi – giúp ông cụ Valery Anatolievich canh phòng vườn trẻ, song về cơ bản, chỉ vui chơi là chính.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.