Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

20



Trong khi tôi đang có nhiều thời gian rỗi rãi, nếu các bạn muốn, tôi sẽ kể các bạn nghe về trường đào tạo chó dẫn đường. Tất nhiên không chỉ về ngôi trường mà còn về những con người làm việc ở đó, về các bạn đồng nghiệp chó dẫn đường của tôi và về những người được chúng tôi phục vụ, giúp đỡ. Tôi nghĩ, các bạn sẽ thấy thú vị cho mà xem.
 
Trường chúng tôi tọa lạc ở làng Chernoe thuộc vùng ngoại ô Matxcơva. Nhiều người thường nhầm lẫn, tưởng rằng trường đào tạo chó dẫn đường nằm ở làng Kupavna bên cạnh. Sự nhầm lẫn này cũng dễ hiểu, vì nếu đi xe từ nội thành ra theo xa lộ Nosovikhinsky, ngay trước khi rẽ vào đường nhánh để đi tiếp tới trường của chúng tôi, người ta nhìn thấy tấm bảng lớn bên đường, đề rõ “Địa phận làng Kupavna”. Mọi người dễ bị nhầm địa danh là vì thế. Thực ra, con đường nhánh chỉ chạy trên đất của làng Kupavna có một quãng thôi, rồi ăn sang địa phận làng Chernoe. Tóm lại trường tôi nằm gần ranh giới giữa hai làng, nhưng trên phần đất của làng Chernoe.
 
Trường được thành lập từ năm 1960 xa lắc. Tên gọi chính thức của trường là “Trường quốc gia đào tạo chó hướng dẫn đường”. Xin các bạn lưu ý từ cuối của tên gọi: “hướng dẫn đường”. Ngay cả ngày nay, nhiều người vẫn gọi chúng tôi là “chó hướng dẫn đường” đấy. Nhưng riêng tôi, nói một cách trung thực, tôi thích cách gọi “chó dẫn đường” hơn. “Hướng dẫn đường” nghe cứ như đi cùng để chỉ dẫn cho người sáng mắt nhưng không biết đường, còn “dẫn đường” là dẫn dắt hẳn hoi. Rõ ràng, người mù thì phải “dẫn” chứ không thể nào “hướng dẫn” được.
 
Không chỉ có chó làm công việc dẫn đường cho người mù. Từ ngày xa xưa, người mù thường được trẻ em hay người ăn mày sáng mắt dẫn đường. Nếu là người thích đọc sách, các bạn có thể bắt gặp trong rất nhiều tác phẩm văn học những chú bé chuyên dẫn đường cho các ông bà lão bị mù. Trong tủ sách khổng lồ của gia đình bà nhà văn Anna Ygorevna có rất nhiều tác phẩm như thế. Đó là vở kịch “Antigone” của Sophocles, triết gia và là nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại, trường ca “Người hát rong” của đại thi hào người Ukraina Taras Shevchenko, “Bút ký Mudfog” của đại văn hào Anh Charles Dickens, “Shvambraniya và sổ hạnh kiểm” của nhà văn Nga-Xô viết Lev Kassilya và “Trong ngõ cụt” của Vikenty Veresaev, cũng là một nhà văn Nga-Xô viết, vân vân. Tóm lại, những tác phẩm có nói đến trẻ dẫn đường cho người mù rất nhiều, không thể kể hết.
 
Qua những buổi trò chuyện của những người trong nhà bà Anna, tôi được biết, trẻ dẫn đường cho người mù còn được thể hiện trong nhiều tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng. Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy những bức họa ấy, và thực lòng rất muốn được xem. Rất có thể một ngày nào đó các bạn sẽ may mắn được nhìn thấy những tác phẩm ấy khi tham quan các bảo tàng mỹ thuật. Nếu nhìn thấy, nhớ xem thật kỹ nhé, để ghi nhớ, làm hành trang kiến thức cho bản thân và còn để… thuật lại cho tôi nữa chứ. Cũng đừng quên ghi nhớ lời thuyết minh của nhân viên bảo tàng. Còn tôi, biết đến đâu tôi nói đến đó nhé. Tôi có nghe nói đến bức tranh “Cứu chữa người mù ở Jericho”, được danh họa người Hà Lan Lucas van Leyden sáng tác từ thế kỷ 16. Ở thế kỷ 17, họa sĩ người Tây Ban Nha Jóse de Ribera có bức “Người ăn xin mù”. Các họa sĩ Nga cũng không né tránh đề tài này. Chẳng hạn, họa sĩ Vassily Perov có bức “Tiệc trà ở làng Mychishi, gần Matxcơva”, họa sĩ Nikolai Sverchkov có bức “Khách lữ hành”. Cả hai tác phẩm này đều ra đời ở thế kỷ 18.
 
Nhìn chung, các họa sĩ mọi thời đại đều ưa thích vẽ chó. Không, tôi muốn nói không chỉ chó dẫn đường được lên tranh. Nếu đến lúc này bạn đọc chưa buông bỏ cuốn sách (và xin đừng bỏ – tiếp theo sẽ có những sự kiện mà bạn không cách nào đoán trước được đâu), có nghĩa bạn đích thị là người yêu quý chó. Vì thế, tôi xin phép các bạn được kể thêm đôi chút về những con chó hiện diện trong những tác phẩm của các họa sĩ vĩ đại. Tất nhiên, về đề tài này có thể nói rất nhiều, thậm chí có thể viết hẳn một cuốn sách, nhưng tôi cố gắng nói ngắn gọn – chỉ về một vài bức tranh thôi. Nếu có điều kiện, các bạn cố gắng xem bằng được những tác phẩm hội họa ấy nhé.
 
Trước hết là bức “Chân dung tự họa” của danh họa người Anh William Hogarth, được hoàn thành năm 1745. Có vẻ lạ, nếu đó là chân dung tự họa, cớ gì trong tranh lại có mặt cả Trump, con chó cưng của họa sĩ? Nhưng người xem tranh phải tự trả lời câu hỏi đó. Tôi tin chắc rằng những câu trả lời được đưa ra sẽ rất khác nhau và rất thú vị.
 
Năm 1565, họa sĩ người Hà Lan Pieter Bruegel sáng tác một bức tranh rất thú vị, bức “Những người thợ săn trên tuyết”. Trong tranh có hơn chục con chó. Bức tranh sống động đến kinh ngạc. Đến nỗi tôi muốn nhập bọn với những con chó trong tranh.
 
Hồi thế kỷ 17, họa sĩ người Hà Lan Samuel Dirksz van Hoogstraten sáng tác họa phẩm nổi tiếng “Cảnh hành lang”. Thực ra, ở đây có đến ba con vật – chó, mèo và vẹt. Nhưng tất nhiên tâm điểm chú ý của người xem hướng vào con chó dễ thương đang nhìn chăm chú ra bên ngoài ngạch cửa và dường như đang chuẩn bị sủa một vị khách không mời nào đó.
 
Hồi thế kỷ 19, một họa sĩ nổi tiếng từng được Nữ hoàng Anh Victoria ưa thích là quý ngài Edwin Landseer. Thời ấy, trong xã hội có mốt bàn về trí tuệ của loài vật, vì thế nhà danh họa này đã thể hiện trong tranh những con chó mang xúc cảm loài người. Nếu được chiêm ngưỡng bức “Cứu mạng” của ông, chắc chắn các bạn nhớ đến tôi và tập 1 của cuốn sách này. Hãy nhìn kỹ đi: trong bức tranh này, con chó trông giống hệt con người. Và có một điều đáng chú ý, đó là tên ông được đặt cho một giống chó thuộc phân loài chó Newfoundland. Các bạn đã nghe đến giống chó Landseer bao giờ chưa? Cần biết thêm rằng đó chính là những bà con xa của giống chó Labrador chúng tôi đấy.
 
Từ “dẫn đường” mang nghĩa rộng như thế đấy. Còn từ “hướng dẫn đường” nghe xa cách làm sao ấy, lại mang tính công nghệ nữa, các bạn có đồng ý không? Nếu có quyền, hẳn tôi không bao giờ cho phép sử dụng từ ấy trong nghề của chúng tôi. Bây giờ các bạn sẽ tự luận xem nhé. Tôi sẽ đưa ra một vài dẫn chứng để các bạn nghĩ xem có thể dùng từ “hướng dẫn đường” cho chúng tôi được hay không.
 
Từ “hướng dẫn đường” còn được dùng cho nhân viên đường sắt phụ trách toa, chịu trách nhiệm phục vụ hành khách và nhắc nhở họ khi gần đến ga cần xuống. Đó là một nghề tốt đẹp, tôi không phủ nhận, nhưng để gọi những người làm nghề ấy là đồng nghiệp của tôi thì thật khó mở miệng. Lần nọ, tôi còn gặp rắc rối với một nhân viên “hướng dẫn đường” trên tàu. Hẳn các bạn còn nhớ, ngay từ đầu tôi đã kể về chuyến đi đến Saint Peterburg. Thì đây, các bạn cứ hình dung đi. Mọi người mua vé theo đúng quy định, rồi chúng tôi lên tàu. Bỗng bà nhân viên “hướng dẫn đường” tuyên bố:
 
– Không được mang chó lên tàu!
 
Cô Lêna, huấn luyện viên của tôi trình ra các loại giấy tờ tùy thân của tôi và giải thích rằng tôi là chó dẫn đường, được phép đi tàu. May mà cô ấy không buột miệng gọi tôi là chó “hướng dẫn đường”, nếu không, chẳng biết mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao. Người ta có người thế này người thế khác – bà phụ trách toa có thể nghĩ rằng chúng tôi ám chỉ bà ấy.
 
– Thế các vị đã mua vé cho nó chưa? – Bà “hướng dẫn đường” hỏi.
 
– Chó dẫn đường không cần vé mà. – Huấn luyện viên của tôi nhẫn nại giải thích.
 
– Sao lại không cần? – Bà nọ ngạc nhiên. – Ai nói với các vị như thế?
 
– Bộ trưởng của chị. – Cô Lêna mỉm cười.
 
– Ông ấy nói trực tiếp với cô à? – Bà phụ trách toa bắt đầu cáu.
 
– Sao lại trực tiếp? – Cô Lena vẫn bình thản. – Điều này được ghi rõ trong Thông tư số 30 ngày 26/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Giao thông đường sắt. Chị đã đọc chưa? “Hành khách khiếm thị được mang theo miễn vé chó hướng dẫn đường…”.
 
– Thế cơ đấy, – bà nọ cằn nhằn. – Được rồi, bây giờ tôi sẽ hỏi trưởng tàu. Nhưng nên nhớ là kiểu gì các vị cũng không được đưa chó vào toa này.
 
– Sao lại có chuyện đó? – Cô Lêna ngạc nhiên.
 
– Có đấy! – Bà nọ trừng mắt. – Vì đây là toa tiện nghi cao cấp.
 
– Nhưng xin thứ lỗi. – Cô Lêna nói với vẻ bình tĩnh và kiềm chế, mặc dù tôi cảm nhận được rằng cô đã tức sôi. – Trong thông tư ấy có nói rõ: hành khách khiếm thị được mang theo miễn vé chó hướng dẫn đường “…trong mọi hạng toa”.
 
– Làm gì mà cô cứ dí vào mõm tôi các loại thông tư thế?
 
– Bà phụ trách toa tức giận. – Thông minh, am hiểu quá nhỉ. Tôi chẳng biết gì ráo. Đi gặp trưởng tàu mà giải quyết!
 
Tôi không biết ở chỗ trưởng tàu người ta xử lý chuyện này như thế nào, nhưng chỉ lát sau, một người đàn ông đi cùng với cô Lêna đến chỗ chúng tôi, ra lệnh cho bà phụ trách toa dữ dằn nọ phải để cho chúng tôi lên tàu, vào toa. Giá mà các bạn được nhìn thấy cái mặt, hay đúng hơn là cái mõm của bà ấy lúc đó (xin tha lỗi cho tôi vì cách nói có phần dung tục, nhưng chính các bạn đã được nghe bà ấy gọi cái mặt của mình như thế nào).
 
Trên tàu, khi mọi người đã ngủ, tôi vẫn nằm suy nghĩ mãi. Chẳng lẽ con người ta không cảm thấy xấu hổ khi xử sự như vậy? Thứ nhất, hóa ra bà phụ trách toa không hề biết đến nội dung các văn bản pháp quy của ngành mình. Thứ hai, chẳng lẽ bà ấy không hiểu rằng xử sự như vậy là gây nỗi đau tinh thần rất nặng nề cho người mù đứng bên cạnh? Tại sao có những người có thể đối xử tàn nhẫn với người khác như thế? Giả dụ mai đây tai họa xảy ra khiến ngươi trở thành người tàn tật rồi có ai đó lợi dụng tình trạng yếu đuối bất lực của ngươi, xô ngươi qua một bên để đi tiếp thì sao? Chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi đã thấy dễ sợ rồi. Điều đáng sợ hơn cả là những trường hợp như vậy không hiếm.
 
Cô Lêna huấn luyện cùng lúc mấy con chó dẫn đường. Lương của các huấn luyện viên dạy chó không cao. Đảm nhận công việc này chủ yếu là những người có nhiệt tình, tâm huyết với nghề, thực lòng yêu quý loài chó. Cô Lêna kể, để dạy chó tập làm quen với các phương tiện giao thông công cộng, cô thường phải đưa chúng đi trên tàu điện, xe buýt, minibuýt. Một số nhân viên bán vé, soát vé hiểu và thông cảm, nhưng cũng có nhiều người bắt cô phải mua vé cho chó, nói rằng vì lúc đó không phải chó đi với người mù. Cô Lêna cố gắng giải thích rằng nhà nước không cấp tiền tàu xe cho chó dẫn đường, mà mỗi lần lên xe đều phải mua vé cho chó thế này thì đồng lương vốn còm cõi của cô chẳng mấy chốc hết vèo. Giải thích cách gì cũng vô ích! Phải mua vé, có thế! Muốn điên được. Nhưng nếu không mua vé, họ đuổi xuống liền. Có những nhân viên bán vé thu tiền gấp đôi giá vé quy định dành cho chó. Quả là một kiểu kinh doanh gian dối, móc túi huấn luyện viên dạy chó để bổ sung lợi nhuận cho công ty vận tải hành khách.
 
Ôi, tôi đang kể về trường dạy chó, nhưng không nhớ mình chợt dừng lại ở đoạn nào. Ờ, phải rồi, “khai quốc công thần” của trường gồm ba cựu chiến binh: N.E. Orekhov, N.A. Latushkin và A.L. Kupriyanov. Họ là những chuyên gia cao cấp, những bậc thầy về đào tạo, huấn luyện quân khuyển. Tất nhiên, họ đã truyền lại những kinh nghiệm quý báu của mình cho lớp huấn luyện viên đàn em và những nhân viên còn thiếu kinh nghiệm ở ngôi trường mới thành lập. Nhưng cũng phải hiểu rằng ở thời gian đầu, không phải không tồn tại những vấn đề nan giải. Huấn luyện chó phục vụ chiến đấu hoặc các công tác quân sự là một chuyện, đào tạo chó dẫn đường lại là chuyện khác. Rất nhiều chó dẫn đường tốt nghiệp những khóa đầu tiên, sau khi đi nhận nhiệm vụ phục vụ người mù chẳng được bao lâu thì bị trả về trường do không đạt yêu cầu, phải đào tạo lại. Tỉ lệ chó bị trả về rất cao. Ngày nay, các chuyên gia đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực đào tạo chó dẫn đường, vì thế, số chó bị trả về trường hầu như không đáng kể. Nói cách khác, quá trình hoàn thiện chương trình đào tạo, nâng cao phương pháp và kỹ thuật huấn luyện chó dẫn đường là cả một chặng đường lâu dài, phức tạp. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, trường đã đào tạo được gần 5.000 chó dẫn đường. Cho đến nay, trường chúng tôi vẫn là cơ sở dạy chó dẫn đường duy nhất của nước Nga.
 
Ở trường có những điều kiện sinh hoạt khá tốt cho nhân viên, huấn luyện viên và những người khiếm thị từ xa đến ăn ở một thời gian để luyện tập làm quen với con chó dẫn đường mà mình sẽ được nhận. Trong khuôn viên của trường có một khách sạn ba tầng với 30 phòng. Có nhà ăn, căng-tin, thư viện cùng phòng đọc, những lớp học rộng rãi. Chó được sống trong những dãy chuồng rộng và ấm, có sân dạo. Thậm chí trong trường có cả nhà bếp chuyên nấu thức ăn cho chó, ngoài ra còn có phòng khám bệnh thú y. Mặc dù trường có đầy đủ lớp học, sân huấn luyện dành cho chó nhưng phần lớn thời gian của chương trình khóa học lại thuộc về các buổi thực tập diễn ra bên ngoài khuôn viên nhà trường, trên các phương tiện giao thông công cộng, bởi vì chó dẫn đường được đào tạo để phục vụ người mù trong những điều kiện sinh hoạt ở thành phố.
 
Trong trường luôn có khoảng 50 học viên chó. Một bộ phận học viên được nhận vào trường khi đã ở tuổi trưởng thành, nghĩa là tầm 1 – 2 năm tuổi, bộ phận khác được nuôi tại trường từ khi còn là những cún con được các gia đình tình nguyện trao tặng.
 
Để được chọn đào tạo thành chó dẫn đường, ứng viên phải biết kiềm chế cảm xúc, dễ tính, không hung dữ, không sợ những tiếng động lớn, thân thiện với người và những loài vật khác. Những phẩm chất ấy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: trước hết nhờ gene tốt của cặp chó cha mẹ, tiếp đến là môi trường nuôi dạy khi còn ở tuổi chó con và cuối cùng – cấp độ tay nghề của huấn luyện viên trực tiếp đào tạo.
 
Chắc hẳn các bạn chưa bao giờ được nghe hoặc đọc về một dạng “huấn luyện viên” hay đúng hơn, “nữ huấn luyện viên” của chúng tôi. Không hiểu sao, bất cứ ai, khi kể về trường chúng tôi đều không muốn nhắc đến những đối tượng ấy. Trong khi đó…
 
Nhiều người thường thắc mắc tại sao tôi chẳng ưa lũ mèo. Phải nói thế này mới đúng: không phải tôi không thích mèo, nhưng tôi luôn coi chúng là những kẻ khiêu khích. Tôi xin nói tại sao. Có rất nhiều mèo cái-chuyên gia gây hấn được chính thức đưa vào danh sách “nhân viên giảng dạy” của trường đào tạo chó dẫn đường. Tôi nói nghiêm túc đấy. Ở đây, không phải chúng chỉ có ăn rồi chơi, mà thật sự làm việc và thậm chí còn được hưởng phụ cấp. Các bạn có biết chúng làm những công việc gì trong trường không? Các bạn đã đoán ra chưa? Tất nhiên chúng sống ở đây không phải để bắt chuột. Chúng chỉ chuyên khiêu khích và trêu tức chúng tôi. Đặc biệt có những con mèo chọc giận chúng tôi hăng hái tới mức chỉ muốn vồ lấy mà cắn đứt đuôi chúng đi. Công việc của những con vật này là gây rối trong khi chúng tôi học. Gây rối và thọc gậy bánh xe.
 
Thời gian đầu, tôi thực sự muốn điên lên được. Tôi đang đi cùng huấn luyện viên, bỗng bất ngờ đằng trước xuất hiện một cô nàng “mỹ miêu”, khi thì nhe răng nhăn
 
mũi phun phì phì như rắn hổ mang, khi thì nghênh ngang đi qua đi lại trước mặt để chắn đường. Tệ hại hơn nữa, khi học viên chó chúng tôi đang ăn, những con tiểu hổ ấy cứ sục mõm vào đĩa thức ăn của chúng tôi một cách vô cùng ngang ngược. So với những con mèo khả ố ở trường, cô nàng Kisulia (tức Miu con) ở nhà bà nhà văn Anna đúng là thiên thần. Những con mèo quỷ cái ấy được phép làm mọi chuyện. Dĩ nhiên phải hiểu rằng chúng chỉ được phép lộng hành với học viên chó chúng tôi. Nói cách khác, chúng được khuyến khích gây hấn với chúng tôi càng nhiều càng tốt. Có lẽ các bạn sẽ nghĩ: phương pháp gì mà kỳ quặc! Tôi đồng ý. Không phải con chó nào cũng chịu nổi trò chọc điên này. Ngoại trừ chó dẫn đường.
 
Mặt khác, thói quen chịu đựng những trò quái của lũ mèo rất hữu ích cho tôi trong thực tế công việc sau này. Hồi học ở trường, nếu không được lũ mèo hiểm ác “tôi luyện” cho đức tính ấy, hẳn về sau tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc ở đời thường. Thảo nào mọi người thường nói: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu”.
 
Ở đây cũng cần trung thực mà nói rằng không phải mọi ứng viên đều có thể vượt qua thử thách một cách thành công. Sau khi qua khảo nghiệm bước đầu, chỉ có khoảng 30-40% số chó được chọn để đào tạo thành chó dẫn đường cho người mù. Việc lựa chọn và sau đó luyện tập chó dẫn đường do những huấn luyện viên giàu kinh nghiệm thực hiện. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên chó chúng tôi phải trả thi. Mọi chuyện đều giống như ở loài người: nếu thi không đạt yêu cầu thì phải ôn tập tiếp để thi lại. Thật đáng tiếc, không phải toàn bộ học viên chó trong trường đều giỏi và xuất sắc, mà cũng có một số học trò… yếu kém.
 
Chó dẫn đường được tuyển chọn riêng cho từng đối tượng. Tùy tình hình và tình trạng thực tế của mỗi người khiếm thị, các thầy cô huấn luyện viên sẽ chọn riêng cho người đó một con chó dẫn đường phù hợp. Sau khi nhận được tiêu chuẩn có chó dẫn đường, người khiếm thị đến trường ăn ở trong vòng hai hoặc ba tuần để tập luyện, thực hành với “phụ tá” tương lai của mình, học cách chăm sóc chó, tiếp thu những kiến thức thú y cơ bản và cũng đơn giản là để tập làm quen với con chó ấy về mọi mặt.
 
Sau khi đã học thành thạo ở trường những kỹ năng cần thiết, con chó cùng với người được dẫn đường có được những khả năng không hạn chế để hoàn thiện những kỹ năng đó. Chó dẫn đường có năng lực ghi nhớ vài chục tuyến đường khác nhau và chỉ cần nghe tên gọi nơi cần đến là có thể xác định chính xác cần đưa người được mình dẫn đường đến sở làm, ra cửa hàng thực phẩm, tới hiệu thuốc, đến bưu điện v.v.
 
Một khi đã về với một người mù nào đó, chúng tôi sẽ trở thành thành viên gia đình, một người bạn trung thành và một phụ tá không gì thay thế được.
 
Trên băng đai của chúng tôi có một vòng cung khá chắc chắn làm bằng nhựa cứng để người mù cầm nắm – đó chính là dấu hiệu đặc trưng giúp người mù dễ dàng nhận ra chúng tôi. Trên vòng cung còn có những dấu hiệu để mọi người nhận biết nghề nghiệp của chúng tôi: chữ thập đỏ in trên nền trắng hình ô-van và dòng chữ “Chó dẫn đường cho người khiếm thị”. Với công cụ như vậy trên mình, chúng tôi được phép vào các cửa hàng, công sở và lên bất cứ phương tiện giao thông công cộng nào.
 
Cuối cùng, xin bổ sung một điều: chúng tôi chỉ được giao cho người khiếm thị với mức độ thương tật bậc I (cao nhất) thực sự cần đến sự giúp đỡ của chó dẫn đường và tất nhiên phải có đủ điều kiện để nuôi nấng, chăm sóc. Và điều quan trọng nhất là người được hưởng chế độ này không phải hoàn trả chi phí đào tạo chó dẫn đường mà nhà nước đã bỏ ra, các trang thiết bị hỗ trợ như băng đai, dây dẫn cũng được cấp phát miễn phí.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.