Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

25



Chiều tối hôm sau, có một người quen cũ của cụ Valery Anatolievich đến chơi. Cụ chia sẻ với người khách nỗi đau buồn của chúng tôi. Họ trò chuyện lâu thật lâu. Ông cụ của tôi có nói một điều không đúng sự thật – cụ bảo đã chôn xác Mariana trong rừng. Tôi không biết tại sao ông lão lại nói thế, nhưng tôi nghĩ có lẽ cần phải như vậy. Thôi thì coi như chuyện đó sẽ trở thành một điều bí mật chỉ tôi và cụ biết.
 
– Vâng, – người khách nói, – lũ giết trộm súc vật có nhiều lắm. Có một điều tôi không sao hiểu nổi: tại sao lại có một số người căm thù chó đến thế không biết.
 
– Ông Piotr ạ, phải hiểu rằng chuyện này có hơi khác.
 
– Cụ Valery Anatolievich trả lời. – Những kẻ vô lại ấy muốn trả thù tôi và Trison. Nhưng chúng không hề biết rằng con chó này không bao giờ nhặt thức ăn từ dưới đất lên ăn. Ông hiểu chứ?
 
– Vâng, chuyện ấy thì tôi hiểu. – Ông khách vỗ mạnh bàn tay xuống mặt bàn. – Tôi đang nói đến tình trạng chung. Ông có biết từng xảy ra bao nhiêu trường hợp như vậy không? Một số người muốn tiêu diệt chó hoang cũng bằng cách ấy. Họ ném mồi bả khắp nơi trong sân vườn quanh chung cư và chờ đợi kết quả. Có hôm, sáng ra, tôi phát hiện một lúc xác của bốn con chó. Lúc đầu là ba cái xác và một con đang hấp hối, nhưng rồi nó cũng chết trên đường đi cấp cứu.
 
– Ông thử nói đi, Piotr, con người mà căm thù súc vật đến thế thì có thể gọi là bình thường được không?
 
– Có nhiều nguyên nhân khác nhau, ông Valery ạ. Thông thường, đó là những người dị dạng nhân cách. Họ thường tìm những đối tượng yếu hơn để bắt nạt, hiếp đáp, để khẳng định mình hoặc để cảm nhận quyền lực của mình. Thông thường, đó là những người lớn lên trong các gia đình mà cha mẹ chẳng mấy khi ngó ngàng tới con cái, thậm chí còn đánh đập, hành hạ, làm nhục con. Trong xã hội chúng ta có biết bao nhiêu bậc cha mẹ “quyền uy” như thế. Họ chỉ biết “giáo dục” con cái bằng roi vọt. Vậy thì rồi con cái họ lớn lên sẽ thành người như thế nào?
 
– Tôi đồng ý là mọi chuyện không đơn giản. – Ông cụ của tôi gật đầu. – Nhưng cũng cần phải làm gì đó với chuyện này chứ. Đấy, ông Vovka, hàng xóm của tôi, mới đi Thụy Điển về. Ông ấy kể, bên ấy hoàn toàn không có chó hoang. Ông Vovka sống ở thủ đô Stockholm hai tuần mà không nhìn thấy bất cứ một con chó hoang nào.
 
– Còn nói gì nữa hở ông Valery. – Ông Piotr cười khẩy. – Bên đó không chỉ không có chó hoang mà còn không có lấy một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Chỉ ở nước ta mới có chuyện mỗi tỉnh có đến mấy trại trẻ mồ côi. Còn bên ấy…
 
– Lạ thật, chẳng lẽ bên ấy giống người khác sinh sống? – Ông cụ của tôi tỏ vẻ chán chường. – Có một điều tôi không sao hiểu nổi. Ở ta, hầu như ai cũng đeo thánh giá trước ngực, rất nhiều người đi lễ nhà thờ, thắp nến cầu nguyện, làm dấu thánh giá, vậy mà rồi nhìn quanh chỉ thấy toàn lòng thù hận, sự độc ác và những điều ám muội. Chuyện gì đang xảy ra với chúng ta vậy?
 
– Tôi cũng thường suy nghĩ về điều đó. Có Chúa biết được. Vấn đề rất phức tạp. Đeo thánh giá trước ngực chưa chắc có nghĩa là tin Chúa. Nhiều người đeo như một thứ trang sức, cái mốt bây giờ nó thế. Cách đây mấy hôm có một cô nàng bị tôi sạc cho một trận. Cô này còn trẻ, đẹp gái. Chuyện xảy ra trong cửa hàng thực phẩm. Trong khi đứng xếp hàng, một bà lão làm vướng nạng vào cô ta hay vô ý giẫm phải chân cô nàng sao đó, đại khái thế. Tóm lại, cô ả xô bà cụ một cú khiến bà ấy loạng choạng suýt ngã. Tôi vội bước đến can thiệp. Tôi nói: “Này cô gái, làm gì thế? Cô không đeo thánh giá hay sao?”. Cô ta móc cây thánh giá từ trong ngực áo ra, dí vào mũi tôi, như thể muốn nói “Đây này! Có đeo chứ sao không!”. Ông có thể hình dung được không? Cô ta thậm chí không hiểu ý tôi muốn nói gì. Theo ông, có thể gọi cô ta là người có đức tin hay không? Ôi, những trường hợp như thế đầy rẫy quanh ta.
 
– Có thể, tôi với ông đều có lỗi chăng? – Cụ Valery Anatolievich chợt nói.
 
– Nghĩa là sao? – Ông Piotr nhíu mày.
 
– Ồ, tất nhiên không phải cụ thể là tôi với ông, mà thế hệ chúng ta. Phải chăng chúng ta đã không chú ý tới một điều gì đó.
 
– Thôi đừng nói nữa, ông Valery ạ, – ông Piotr lắc đầu, – đừng nói nữa. Ông nhớ lại đi, sự giáo dục ngày trước như thế nào. Con người được giáo dục nghiêm túc từ tấm bé – đội nhi đồng Tháng Mười, đội thiếu niên tiền phong, đoàn thanh niên Cộng sản. Tuổi trẻ ngày ấy sống có chí hướng, có đạo lý, biết nhường chỗ ngồi trên tàu điện, biết giúp đỡ người già, người tàn tật. Lớp trẻ ngày nay làm sao bì được với ngày ấy! Không, tôi không thấy mình có lỗi gì trong chuyện này. Chúng ta từng làm đúng. Chỉ ngày nay, chính quyền buông lơi chẳng quan tâm gì đến giới trẻ. Cứ xem tivi, khắc biết. Đó quả là…
 
– Nghe này, ông Piotr. – Cụ Valery Anatolievich ngắt ngang. – Nhiều khi tôi ngồi suy ngẫm về chủ đề mà chúng ta đang bàn. Ông vừa khẳng định rằng chúng ta từng nuôi dạy một lớp trẻ khác hẳn ngày nay. Đúng thế không?
 
– Đúng thế. – Ông Piotr gật đầu. – Tất nhiên khác hẳn!
 
– Được rồi. – Cụ Valery Anatolievich nói tiếp. – Vậy hãy nói tôi nghe, hiện nay ai đang điều hành mọi chuyện trên đất nước này?
 
– Nghĩa là sao? – Ông khách ngạc nhiên. – Ý ông muốn nói gì?
 
– Tôi muốn nói đến lứa tuổi. – Cụ Valery Anatolievich giải thích. – Xét hết lượt các thống đốc, thị trưởng, bộ trưởng, quan chức các cấp. Hiện tại họ bao nhiêu tuổi?
 
– Ồ, mỗi người một khác…
 
– Thôi, tính trung bình đi!
 
– Thì trung bình khoảng bốn mươi đến năm mươi tuổi. Nhưng ông hỏi thế để làm gì?
 
– Hỏi để biết, có phải đó chính là lớp trẻ mà ngày trước, thế hệ tôi và ông từng chăm sóc, dạy dỗ hay không.
 
– Ôi, ông thâm thúy thật, Valery ạ! – Ông Piotr lắc đầu. – Vậy hóa ra thế hệ chúng ta từng phạm sai lầm?
 
– Thôi được rồi, ông Piotr ạ, chúng ta ngưng chủ đề ấy tại đây. Nếu không, sẽ lạc vào rừng rậm mất.
 
– Đúng đấy, – ông khách đồng tình, – buổi tối chớ nên nhét vào đầu mình những chuyện nặng nề để rồi mất ngủ.
 
– Chúng ta bắt đầu từ chuyện chó, vậy mà rồi lại kết thúc bằng chuyện người.
 
Hai ông già cùng cười vang rồi chia tay nhau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.