Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

9



Bằng biện pháp biểu quyết công khai, mọi người nhất trí rằng tôi sẽ được đưa về nhà ông Zhora. Ông ấy là chồng của người đàn bà lớn tuổi. Cô bé nhìn thấy tôi đầu tiên là cháu nội của họ, tên là Liuba. Trước khi lên xe, tôi chạy vào góc khuất sau một thân cây lớn để giải quyết nhu cầu tự nhiên của mình. Thấy thế, ông Zhora có lời khen tôi, tất nhiên vẫn theo kiểu nói năng khá trịch thượng của ông ấy:
 
– Chó đực có khác, khôn ghê, biết “xả lũ” trước hành trình đường xa. – Ông ấy nói rồi mở cửa xe cho tôi và Liuba ngồi vào xe. Ôi, cái nhà ông Zhora này quả là khéo miệng và lịch lãm ra phết.
 
Tôi và cô bé ngồi ở băng ghế sau. Xe của ông Zhora rất xịn, mới cáu. Cô bé Liuba choàng tay ôm lấy tôi như ôm một người bạn cũ thân thiết, nhìn vào mắt tôi, hỏi nhỏ:
 
– Bạn chó yêu quý ơi, bạn tên gì vậy?
 
– U-u – Tôi trả lời, mặc dù âm thanh ấy có nghĩa là “không” trong ngôn ngữ giao ước giữa tôi và Sashka. Nhưng trong tình huống này, tôi buộc phải dùng âm thanh ấy để chuyển tải nội dung sau đây: “Xin lỗi bạn nhé, tôi không biết nói tiếng người nên không thể nói tên mình được”.
 
Nhưng Liuba lại hiểu theo cách khác. Cô bé nói với lên băng ghế trước:
 
– Bà ơi, bà nhội ơi, cháu hỏi con chó tên gì, và nó đã nhói…
 
– Liuba à. – Bà nội vội chỉnh – Bà đã nhắc cháu bao nhiêu lần rồi, “nói” chứ không phải là “nhói”.
 
– Vâng, nhói…, à, nói. – Cô bé ấp úng tự chỉnh, vẻ ngượng ngùng vì bị bà nội “sửa lưng”.
 
– Rồi, thế nó nói gì? – Bà nội mỉm cười.
 
– Nó nhói rằng… – Cô bé lại quên bẵng lời nhắc của bà nội, tiếp tục nói ngọng. – Tên nó là Umka, nghĩa là “khôn ngoan” ấy mà, giống hệt tên của con mèo nhà chú Pechia ở cầu thang số 5 chung cư nhà mình ấy. Chúng ta sẽ gọi nó là Umka nhé?
 
– Được rồi, được rồi, chúng ta sẽ gọi nó là Umka.
 
Khốn khổ thân tôi. Bây giờ đây tôi lại phải mang cái tên của một con mèo nào đó. Nhưng mà thôi, cũng chẳng sao cả. Họ đâu có lỗi gì. Ngồi trên xe, bỗng dưng tôi chợt nghĩ, tại sao cụ Ivan Savelievich và Sashka lại không nghĩ đến việc ghi tên tôi lên băng đai, kèm với số điện thoại di động của họ? Các bạn người thân mến, nếu các bạn có người thân, người quen, bạn bè… là người khiếm thị có nuôi chó dẫn đường, hãy bày cho họ những mẹo mà tôi vừa nói đến trên đây. Dù sao đi nữa, có phòng hờ vẫn tốt hơn. Các bạn thấy chuyện gì đã xảy ra với tôi rồi đấy. Có ai ngờ được rằng có lúc tôi sẽ bị bọn cướp nhốt vào cốp xe, giam trong nhà kho, rồi tôi phải tìm cách vượt ngục, băng mình qua không biết bao nhiêu cánh đồng, quãng rừng, phải ăn xin những miếng thịt nướng chưa kịp chín? Thế đấy, các bạn ạ. May mà tôi gặp được những người tốt bụng. Phải chi trên băng đai có ghi rõ những thông tin cần thiết, hẳn từ khi ở trong rừng họ đã gọi điện thoại và giờ đây, rất có thể tôi không ngồi trong cái “tủ lạnh” của ông Zhora mà đang ngồi trên xe lửa ngoại ô cùng với bà ngoại Elizaveta Maximovna hoặc mẹ Svetlana Sergeevna rồi.
 
Chưa hết! Xin hãy lưu ý, thưa các nhà sản xuất điện thoại di động đáng kính! Tôi có một ý tưởng đáng kinh ngạc đấy. Thậm chí tôi đã đặt tên cho ý tưởng này. Đó là “Zoophone”. Xin quý vị hãy chế ra một loại thiết bị nhỏ gọn, kiểu như chiếc điện thoại di động tí hon, có thể gắn trên đai cổ của chó. Mà chẳng cứ gì chó. Có thể gắn cả cho mèo. Thậm chí gắn cho hươu cao cổ hay khỉ cũng được. Cũng thế cả thôi. Tóm lại, có thể gắn cho tất tần tật những loài thú nuôi không biết nói tiếng người. Giả dụ con thú cưng của các vị đi lạc, mất tích. Các vị bấm số điện thoại di động. Thiết bị trên cổ chó, mèo, hươu, khỉ gì đó sẽ bật loa lên. Các vị hỏi: “Mọi người ơi, có ai thấy con chó (hoặc mèo, hươu, khỉ, lợn… vân vân) của tôi ở đâu không? Nếu thấy, xin vui lòng cho tôi biết địa điểm cụ thể”. Có thể ai đó sẽ trả lời rằng con thú cưng của các vị đang hiện diện ở khu vực… ga tàu điện ngầm “Hội thợ săn” chẳng hạn. Các vị sẽ thông báo tên con vật và yêu cầu giữ nó lại tại chỗ. Hãy tin đi, trên đời này không hiếm những người tốt bụng, họ sẽ giúp các vị. Ít nhất thì những người tốt bụng sẽ đưa con thú đi lạc về nhà mình rồi sẽ thông báo địa chỉ cụ thể. Nếu các vị hứa sẽ tạ ơn hậu hĩnh (các vị có thể không tiếc tiền hoặc quà để tạ ơn người đã cứu con thú cưng của quý vị sao?), tôi xin bảo đảm rằng con thú của các vị sẽ được cho ăn uống đầy đủ, thậm chí còn có thể được ngủ trong chăn êm, nệm ấm.
 
Các vị thấy ý tưởng này thế nào? Nếu các vị thấy nó khả thi và có ý định đưa vào sản xuất thì đừng quên gửi cho tôi lấy vài bịch thức ăn chất lượng cao dành cho chó nhé, gửi qua địa chỉ của Sashka là chắc chắn đến, như một dạng tiền bản quyền ấy mà, hì hì. Xin gợi ý: tôi rất khoái món bánh gối nhân thịt gà. Chắc các vị đã tự đoán ra: hồi nãy tôi khen thịt lợn hết lời chẳng qua vì đói quá mà nói xằng vậy thôi, chứ thịt lợn làm sao có thể sánh được với thịt gà!
 
Tôi nói đến địa chỉ của Sashka có quá sớm không nhỉ? Trước hết phải tìm ra cậu ấy cái đã. Trong khi chờ đợi ông bà nội của bé Liuba đăng thông báo trên trang rao vặt, rồi trong khi chờ hồi âm, trong khi… Tóm lại, không phải là ngày một ngày hai. Nhưng tôi tin chắc rằng bà ngoại Elizaveta Maximovna và mẹ Svetlana Sergeevna cũng không buông xuôi ngồi đợi. Chắc là họ cũng đang tìm mọi biện pháp để lần ra dấu vết của “anh chàng tù binh khốn khổ” là tôi, Trison. Chắc chắn thế nào họ cũng đã báo công an. Nhưng theo tôi nghĩ thì chắc công an chẳng có đủ nhiệt tình để đi tìm kiếm một con chó. Các bạn nghĩ thế nào? Nhiều người bị mất cắp xe hơi, vậy mà công an có chịu điều tra, tìm kiếm cho đâu? Không, không, tất nhiên là các vị ấy cũng làm ra vẻ là sẽ tích cực truy tìm, nhưng thực ra thì chẳng mấy khi nhọc công điều tra, tìm kiếm. Còn trong trường hợp đang xét thì chỉ là một con chó vớ vẩn nào đó bị bắt trộm. Nhưng mà thôi, tóm lại là không nên chạy trước sự kiện, hãy bình tĩnh chờ xem mọi chuyện sẽ diễn tiến như thế nào.
 
Căn hộ của ông Zhora chẳng xoàng tí nào. Rộng mênh mông. Tha hồ mà chạy nhảy tung tăng. Nhưng trước hết tôi vẫn phải giữ ý giữ tứ, không cho phép mình hành xử tự do thái quá, phải biết giữ khuôn phép, phải điềm đạm, tĩnh tại. Tôi thu mình vào một góc và quan sát. Thể theo yêu cầu của cô bé Liuba, bà nội chuẩn bị cho tôi một chỗ nằm thật thoải mái ở ngay gần lối ra vào, lại còn cẩn thận đặt một tô nước bên cạnh. Ôi, bà già quả là người từng trải, am hiểu sự đời. Ông Zhora đứng ngay trong khung cửa, nói:
 
– Nào, bây giờ thì bà thả nó ra, tôi đứng đây canh chừng.
 
A, bây giờ thì tôi đã nhớ ra, trong nhà này còn có một nhân vật nữa. Tôi vừa nằm xuống vị trí dành cho mình thì từ buồng trong bước ra một con mèo to vật, có cái mõm lớn tướng. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi: chắc là họ cho nó ăn toàn thức ăn tăng trọng! Chú mèo Murzik tiến lại gần và đưa mắt nghía tôi. Tôi nằm thật yên, để chứng tỏ cho chủ nhà biết rằng tôi không quan tâm đến loài mèo và tôi sẽ không làm bất cứ điều gì tệ hại với chúng. Ý nghĩ tiếp theo: sao con mèo này với ông Zhora giống nhau đến thế! Cả hai cùng to béo, mỡ màng, cùng có đôi mắt ti hí, ranh ma chết được, cùng có đôi tai nhỏ xíu. Chỉ có một điều khác biệt: ở ông ấy và ở con mèo, cái đầu nằm ở hai vị trí khác nhau. Murzik thận trọng tiến lại gần hơn…
 
Tôi bực nhất lũ mèo vì sự ngu dốt và trâng tráo của chúng. Tôi nằm yên bất động, làm ra vẻ không thèm đếm xỉa gì đến con mèo ăn tham ấy. Còn nó thì sao? Nó mon men đến gần tôi hơn chút nữa, xù đuôi ra. Rồi nó cong lưng lên và bắt đầu cất tiếng. Không phải kêu meo meo bình thường như những con mèo yếu đuối đâu nhé, mà là gào lên thực sự: “M…m…meo…eo…eo…!”. Thật thô bỉ. Thật đáng ghét. Tôi nghĩ bụng: “Này, Murzik, mày muốn gì ở tao? Tao chỉ là khách bất đắc dĩ, ở tạm vài bữa thôi. Hãy bình tâm, đi làm chuyện của mình đi. Tao không đụng gì đến mày, vậy mày cũng chớ động vào tao”. Murzik kêu vài tiếng rồi im, vì thấy rằng tôi chẳng thèm để ý gì đến nó. Nó đi vòng sang phía khác rồi lặp lại trò cũ. Tôi nghĩ bụng, mày lại muốn gì nữa đây? Nó nhấp đuôi khe khẽ xuống sàn nhà. Giá mà các bạn được nhìn thấy con mèo quái quỷ ấy nhỉ. Nó nhảy phắt đến bên ông chủ, đứng đằng sau chân ông ấy, thò đầu về phía tôi, miệng phát ra những âm thanh “Psh! Psh, Psh” nghe thấy ghét. Đuôi nó xù ra trông cứ như cái chổi quét đường. Thấy tôi cư xử nghiêm chỉnh, ông Zhora nói với con mèo ngốc của mình:
 
– Đừng sợ, Murzik! Đây là một con chó có học. Nó không làm gì mày đâu. Xem đây này. – Ông chủ lại gần, vuốt lưng tôi. – Thấy chưa? Nó rất hiền. Đừng sợ, ngốc ạ.
 
Bà nội cũng lại gần, vuốt ve tôi.
 
– Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi, Murzik ạ. – Bà ấy nói. – Chẳng chóng thì chày, rồi các con sẽ kết bạn với nhau.
 
Tôi mà lại đi kết bạn với cái ngữ ấy à?
 
Ông với bà cứ kết bạn với nó đi. Rồi theo mà chiều chuộng, nựng nọt nó. Nhưng nhớ dạy cho nó biết cách hành xử đứng đắn, tử tế một chút. Tôi rất lấy làm lạ là ai cũng muốn dạy dỗ loài chó chúng tôi. Nào “ngồi xuống!”, “đứng dậy!”, “nằm xuống!”, “khoanh chân lại!”. Còn đối với lũ mèo đớn hèn thì ai cũng tỏ lòng cưng chiều. Chẳng ai chịu dạy dỗ hay ít ra là tỏ thái độ nghiêm khắc với chúng cả. Mà nuôi chúng thì được ích lợi gì cơ chứ? Ở nông thôn thì đã đành đi, chúng còn bắt chuột, xua đuổi lũ sóc phá hoại hoa màu. Ở đó, ít nhiều gì chúng cũng còn có ích. Còn ở đây, trong các căn hộ thủ đô? Vậy mà người ta vẫn nuôi đủ thứ mèo, đặt cho chúng đủ thứ tên mỹ miều nghe phát ớn. Nói thật lòng, tôi chẳng thể nào hiểu nổi.
 
Tóm lại, cái thực thể vô tích sự ấy quậy một lát, thấy chẳng nước non gì, bèn bỏ vào trong phòng. Hừ, làm nhắng hết cả lên. Muốn xưng hùng xưng bá chứ gì? Làm như ta đây quan trọng, ghê gớm lắm! Hay mày nghĩ tao sẽ nằm tranh chỗ của mày trên ghế xa lông? Tao đây được dạy dỗ đàng hoàng, không phải phường chó hoang đâu, yên tâm đi. Tao không phải như mày đâu. Thay vì nói “xin chào!”, mày lại nhe nanh ra mà phun phì phì như rắn độc. Tóm lại, mày chỉ là thứ mèo xoàng!
 
Sau màn làm quen chẳng mấy thú vị, bà nội bảo tôi:
 
– Umka à, con hãy tạm uống nước, rồi bà đi siêu thị mua cho con thức ăn khô đóng trong bịch nhé.
 
Nghe thấy hai tiếng “siêu thị” đáng ghét, tôi suýt sủa ầm lên vì tức giận. Nhưng tôi đã tự kiềm chế được, vì không muốn làm cho bà già sợ hãi. Nếu biết tôi căm thù siêu thị như thế nào, hẳn bà đã không nhắc đến hai chữ ấy. Nhưng biết làm sao được, kiểu gì thì cũng cần phải có thức ăn. Mua ở siêu thị cũng được, mua ở chợ cũng được. Nhưng tôi xin cảnh báo các bạn rằng ở chợ, chúng ta có thể mua nhầm thức ăn đểu, nghĩa là hàng giả ấy mà. Có lần, ở chợ, người ta ấn vào tay ông lão Ivan Savelievich của tôi một bịch tướng loại thức ăn dành cho chó có thương hiệu nổi tiếng, rất uy tín. Mọi thứ thành phần, công dụng, cách thức sử dụng… vân vân, đều được ghi trên bao bì một cách rõ ràng, chuẩn mực. Nhưng khi món ấy được trút vào đĩa cho tôi, tôi suýt ngất xỉu vì mùi vị tởm lợm của nó. Quân khốn kiếp, tôi nghĩ bụng. Chúng dùng bao bì xịn, nhưng cho hàng dởm vào đó. Ăn hết bịch thức ăn đểu 10 kg ấy, tôi sút mất 5 ký. Mỗi bữa, dù ráng sức cỡ nào tôi cũng không thể nào nuốt hết khẩu phần, ăn vào chỉ chực muốn ói ra. Cụ Ivan Savelievich rất lo lắng, tưởng rằng tôi bị ốm. Cụ gọi bác sĩ thú y đến, nói rằng có lẽ Trison ăn phải thứ gì đó rất tồi tệ. Bác sĩ khám cho tôi, sờ nắn, đặt ống nghe tứ tung khắp nơi trên mình tôi, lắng nghe có vẻ chăm chú lắm. Sau đó ông ấy phán: mọi chuyện bình thường. Rồi ra về. Còn tôi thì phải ráng mà sống (thực ra là sống dở chết dở) cho đến khi cái bịch thức ăn thối hoắc ấy cạn đến tận đáy.
 
Buổi chiều, ông Zhora đưa tôi đi dạo. Chỉ có một điều tôi không sao hiểu nổi, ấy là ông ấy buộc đai cổ cho chó thường (nghĩa là không phải chó dẫn đường) lên mình tôi, gắn hẳn một sợi dây xích để dắt. Việc gì phải thế cơ chứ. Tôi có chạy mất đi đâu mà lo? Khu phố này đâu có phải là nơi quen thuộc đối với tôi. Giả dụ mà tôi có bỏ chạy, chắc chắn sẽ lại rơi vào tay một lũ trộm cướp nào đó. Kiểu gì thì tốt hơn hết vẫn là sống tạm trong nhà với ông bà cùng cô bé Liuba dễ thương. Nhưng tôi cũng không tỏ ý phản đối khi ông ấy buộc lên cổ tôi sợi đai cổ cứng ngắc và dây xích sắt. Phải tạm cam chịu số phận thôi. Giờ đây, nếu có phải bị dắt đi trong trạng thái bị kìm kẹp thì cũng phải chịu nào. Hóa ra, ông Zhora rất có uy tín trong khu vực này. Hàng xóm láng giềng, ai gặp ông ấy cũng đều chào hỏi rất cung kính. Có một ông cụ già, vừa nhìn thấy ông Zhora dắt tôi đi dạo, lập tức vồn vã chào hỏi bằng một thứ tiếng Nga lơ lớ, xin được phép không ghi nguyên xi cách phát âm ra đây:
 
– Ôi, ông Zhora kính mến, ông mới mua con chó Labrador này đấy à? Con chó kháu quá nhỉ. Thật tuyệt. Tôi rành xem tướng chó lắm đấy, ông Zhora ạ. Thật đấy. Thế còn con mèo Murzik của ông dạo này ra sao rồi?
 
– À con chó này chỉ là khách tạm thời trong nhà tôi thôi. – Ông Zhora nói. – Chúng tôi đi picnic với mấy người bạn, tình cờ bắt gặp nó trong rừng…
 
– Ông nói sao? – Ông cụ há hốc mồm ngạc nhiên. – Ông dám đưa một con chó hoang về nhà à? Ngộ nhỡ…
 
– Ồ không, nó không phải là chó hoang đâu, – ông Zhora vội ngắt lời. – Trên băng đai của nó có dấu hiệu chó dẫn đường dành cho người khiếm thị. Chắc là nó bị đi lạc thôi. Tôi với bà Nadezhda nhà tôi ngày mai sẽ đăng thông báo.
 
Ôi, bà nội nhà ta tên là Nadezhda, có nghĩa là “niềm hi vọng”. Một cái tên cực tốt!
 
– Dù sao cũng không nên đưa chó lạ về nhà, ông ạ.
 
Ông già này thật lạ! Tại sao cứ phải lẵng nhẵng thuyết phục ông Zhora đáng mến của tôi cơ chứ. Thiệt tình!
 
– Cũng vì thương con chó quá mà thôi, – ông Zhora bùi ngùi. – Nó rất khôn ngoan, biết điều. Nhưng mà thôi, mọi chuyện tính sau.
 
Ông Zhora phẩy tay dứt khoát với ông già nọ. Rồi chúng tôi đi tiếp…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.