Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

6



Cụ Ivan Savelievich thường nhắc đến một câu thành ngữ mà cái đầu tôi không bao giờ luận được hết ý nghĩa sâu xa của nó. Cụ nói:
 
– Trison à, tiền và tù là hai thứ khó mà chối bỏ.
 
Tù thì ít nhiều tôi đã rõ. Cái chuồng nhốt chó có khác chi nhà tù? Nhưng tiền là sao? Tôi không cách nào hiểu nổi. Nhưng rồi xảy ra một chuyện. Cuối cùng thì tôi cũng được làm quen với khái niệm tiền.
 
Tai họa xảy ra – tôi bị bắt trộm. Nhưng từ từ, tôi xin kể tuần tự sự việc. Một hôm thứ Sáu trong tuần, bộ ba chúng tôi đi siêu thị – tôi, Sashka và bà ngoại. Tôi không hiểu tại sao Sashka lại muốn đi vào cái cửa hàng khổng lồ chết tiệt ấy. Nhưng từ sáng sớm cậu ấy đã van xin bà ngoại cho đi cùng:
 
– Bà ngoại yêu quý ơi, con van bà, cho con cùng Trisha đi siêu thị với bà nhé. Con chỉ đi quanh quẩn vài vòng để nhớ lại ngày trước con cùng các bạn đi mua sắm thôi. Con muốn sờ tay vào mấy món đồ chơi, mấy thứ đồ hộp linh tinh… Được chứ? Cho con đi đi mà, bà ngoại. Cho nha…
 
Chọn siêu thị làm chỗ dạo chơi! Thiệt tình! Cụ Ivan Savelievich thường cố gắng tránh xa các siêu thị. Tốt lành gì mấy cái siêu thị cơ chứ. Chỉ toàn quầy kệ, dày đặc hàng hóa. Mà người thôi là người, chen chúc như cá mòi trong hộp. Tuy nhiên, cũng có lần cụ phải vào siêu thị để mua thứ gì đó, tôi được vào theo và chỉ thích có một góc nhỏ trong đó, nơi bán thức ăn cho chó. Thức ăn các loại được đóng gói sẵn, bịch lớn có, bịch nhỏ có, dưới dạng đồ hộp cũng có mà cho vào túi nilon cũng có. Toàn những thứ ngon và bổ dưỡng. Bên cạnh đó có treo đủ loại đai cổ, xích chó, nhưng những thứ đó chỉ dành cho lũ biếng lười, dạng như cái gã bulldog béo ị hôm nào trong công viên muốn làm quen với tôi và Margo. Những thứ dây xích, đai cổ ấy, có cho chúng tôi cũng chẳng thèm. Chúng tôi đã có các loại “trang thiết bị” chuyên dụng, đặc chủng của mình, bền chắc, thuận tiện, bảo đảm hơn nhiều.
 
Tóm lại, theo tôi hiểu thì Sashka muốn ôn lại quãng đời trước đây của mình khi còn sáng mắt. Trẻ con mà đòi gì thì người lớn cứ liệu mau mau đáp ứng kẻo sợ chúng khóc. Mà ở đây lại là đứa trẻ tàn tật. Làm sao nỡ từ chối cơ chứ!?
 
Vừa đến lối vào siêu thị, bỗng trước mặt chúng tôi xuất hiện một gã bảo vệ mặt mày đỏ gay, to cao như hộ pháp, cứ như từ dưới đất mọc lên. Tôi liên tưởng ngay đến bà bán thuốc tây kiêm máy phát sóng dọa chó ở hiệu thuốc (các bạn còn nhớ bà ta chứ?). Tay bảo vệ này cũng thuộc vào hàng cứng cổ.
 
– Xin lỗi. – Gã nói. – Không được mang chó vào siêu thị.
 
– Đây là chó dẫn đường. – Bà Elizaveta Maximovna giải thích. – Chó này được phép vào siêu thị.
 
– Tôi không biết chó dẫn đường hay không dẫn đường. Đã là chó thì không được vào siêu thị!
 
– Làm gì có chuyện lạ lùng như thế được? – Bà ngoại nổi cáu thật sự. – Người ta không dạy luật pháp cho các người sao?
 
– Chúng tôi chẳng cần biết luật pháp mà bà nói là cái gì. – Tay bảo vệ lạnh lùng nói. – Chúng tôi chỉ có quy định từ cấp trên ban hành xuống. Chấm hết.
 
Tôi không tài nào hiểu nổi. Không có các loại quy định thì loài người không sống nổi hay sao?
 
– Con à. – Bà ngoại đấu dịu, dường như muốn làm mềm lòng cái tay điền kinh hạng nặng này. – Con hiểu cho. Thằng bé mù lòa, không thấy đường. Con chó này chính là đôi mắt của nó đấy. Con hiểu không?
 
Ôi, bà Elizaveta Maximovna ơi, bà hãy nhìn cho kỹ quả lựu đạn gỉ sét trước mặt mình đi. Thứ đó mà có thể hiểu được gì cơ chứ?
 
– Má già ơi. – Gã bảo vệ nói. – Bà muốn tôi bị đuổi việc chắc?
 
– Già không muốn thế đâu con ạ, nhưng mà…
 
– Thôi. – Gã bảo vệ đưa lòng bàn tay ra phía trước. – Không năn nỉ ỉ ôi gì nữa. Đằng kia có cây cọc kìa, buộc đôi con mắt của thằng bé vào đó. Tôi trông chừng cho.
 
Gã đầu đất kia, có hiểu mình nói gì không? Hừ, buộc đôi con mắt! Ăn với chẳng nói. Thật chẳng ra làm sao.
 
– Cậu thật không biết xấu hổ! – Bà Elizaveta Maximovna giận sôi.
 
– Bà là gì của thằng bé? – Gã bảo vệ bỏ ngoài tai lời nhiếc của bà già.
 
– Nó là cháu ngoại của tôi. – Bà trả lời đầy tự hào.
 
– Vậy thì bà tự dẫn thằng bé đi. Tại sao lại cứ rủa tôi là không biết xấu hổ?
 
Bà ngoại hiểu rằng có nói nữa với cái đầu đất sét này cũng vô ích, bèn đưa tôi cùng Sashka đến gần cây cọc chết tiệt nọ, buộc tôi vào đó.
 
– Xin lỗi nhé, Trisha, tha lỗi cho bà nhé, con yêu. Con thấy đã xảy ra sự thể gì rồi đấy…
 
Không, con không hờn giận gì đâu bà ạ, con hiểu mà. Cứ đi vào siêu thị đi, rồi mau mau mà trở ra với con, nếu không, đứng dưới trời nắng như thế này, chẳng mấy chốc con thành… con chó thui mất thôi.
 
Hừ, kẻ “trông chừng” mới hay ho làm sao! Bà Elizaveta và Sashka vừa chui tọt vào cái miệng của con quái vật khổng lồ là cái siêu thị chết tiệt kia, tay bảo vệ cũng biến mất tăm. Tôi ngồi đợi dưới ánh mặt trời gắt gao. Nóng như thiêu đốt. Bỗng có tiếng xe hơi phanh kít, một chiếc bốn chỗ màu xanh dương đỗ xịch trước mặt tôi. Hai gã thanh niên bặm trợn, to như bò mộng, mở cửa xe bước ra. Một gã nhìn quanh dò xét rồi hỏi gã kia:
 
– Ê, Bratan, mày biết con chó này giá bao nhiêu không?
 
Đồ vô lại, tôi nghĩ bụng, chó này không phải món hàng thương mại đâu nha.
 
– Chữ thập đỏ trên đai ngực nó nghĩa là gì thế?
 
– Nghĩa là chó dẫn đường cho người mù, chó có học thức đấy. Chuẩn bị mà đếm tiền đi con ạ. Nào, mau mở cốp xe ra.
 
Gã kia phóng lại đằng đuôi xe, mở cốp, còn gã này rút dao ra, cắt phựt sợi dây rồi ôm chặt lấy tôi. Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì nắp cốp xe hơi đã đóng sập lại trên đầu. Quân lưu manh đểu cáng! Chúng mày làm gì thế? Sashka của tao còn đang ở trong siêu thị cơ mà. Chúng mày là người hay là đồ chuột cống?
 
Chiếc xe rồ máy lao vút đi. Tôi không biết chúng đưa tôi đi đâu, chỉ có thể cảm nhận rằng chúng không chạy trên đường nhựa. Trời ạ, sao hồi ở trường, người ta không dạy tôi cách tấn công để phòng vệ trong những trường hợp cấp bách cơ chứ! Phải chi được dạy võ, tôi đã đớp vào cổ họng cái thằng trộm chó chết tiệt ấy chứ ở đó mà “mở cốp xe ra” với chẳng “chuẩn bị đếm tiền”! Nhưng chúng tôi không được phép cắn người. Các bạn có hiểu không? Sủa thì được, còn cắn thì tuyệt đối không. Tôi nằm trong cốp xe, tru lên vì uất ức. Hết tru lại sủa, nhưng chẳng tác dụng gì. Tiếng nhạc từ hai cái loa đặt ở băng ghế sau dội xuống điếc cả óc. Bum – bum – bum. Rặt thứ nhạc kẻ cướp.
 
Khoảng nửa giờ sau, xe dừng lại. Tôi dỏng tai lên. Nghe được mấy từ rời rạc: tuần tra giao thông, ông trung sĩ, bằng lái… A ha! Các cu cậu sa lưới công an rồi nhé. Đáng đời! Quả là lưới trời lồng lộng… Cơ hội giải thoát đã đến, tôi vận hết sức ra mà sủa. Rồi tôi nghe ông trung sĩ nói:
 
– Các anh chở gì thế? Trong cốp xe có một con chó phải không?
 
Tôi mừng rơn – sắp được giải thoát rồi. Có thế chứ!
 
– Báo cáo bác chỉ huy, con chó của chúng em nó bị bệnh làm sao đó, em phải đưa nó đến thú y ạ. – Thằng đểu nói dối không ngượng mồm. – Phải nhốt nó vào cốp xe kẻo nó sổng ra không cách nào bắt lại được thì khốn.
 
– Mở cốp ra cho tôi kiểm tra! – Ông cảnh sát giao thông yêu cầu.
 
Thằng trộm chó chỉ mở he hé nắp cốp, ông cảnh sát nhìn qua cái khe rất hẹp, còn tôi thì cố sức sủa, rồi kêu ăng ẳng, rồi vùng dậy, gắng sức dùng đầu đội nắp cốp lên cao. Đồng chí công an ơi, hãy nhìn cho kỹ đi: dây nối dẫn đường của tôi bị cắt, trên mình tôi có băng đai chuyên dụng in chữ thập đỏ, biểu tượng của nhân viên y tế. Nào, nhìn đi, nhìn cho kỹ vào! Chúng là lũ trộm chó chính cống đấy. Trời ơi, giá mà nói được tiếng người, lúc này tôi đã gào lên từ số 5 “Cứu giúp tôi với”. Nhưng nắp quan tài lại đóng sập trên đầu tôi…
 
– Tại sao các anh lại nhốt con chó vào trong cốp xe?
 
– Thì còn biết nhốt nó ở đâu nữa? – Thằng trộm mất dạy cười cười. – Để nó ngồi chung trong xe, nhỡ nó tè bậy, ị bậy thì cả xe thối um lên à?
 
Đồ súc sinh ngu ngốc. Tao đây có thể kiềm chế nhu cầu tự nhiên hàng nửa ngày trời nha con. Quả thực, hồi ở trường, chúng tôi đã được dạy kỹ năng đó.
 
– Ờ, ờ. – Ông cảnh sát trả lời. – Thôi được rồi. Chúc thượng lộ bình an.
 
Các bạn thấy không, cuộc đời chó má là như vậy đấy. Nếu trong cốp xe là một con người, lệnh báo động hẳn đã được phát ra cho toàn bộ Sở cảnh sát thủ đô! Còn ở đây thì chỉ là một con chó bệnh vớ vẩn nào đó mà thôi. Ôi, người ơi là người! Người thì không cho chó vào siêu thị, người thì bắt trộm chó, người thì bỏ lỡ cơ hội cứu chó và biết đâu còn có người… (nghĩ đến mà ghê hồn) có thể giết chết chó. Không, tôi nghĩ, một khi chữ “tiền” đã được nói ra, mọi chuyện không thể kết thúc chóng vánh bằng lưỡi hái của thần chết. Nghĩ như vậy, tôi có phần vững tâm hơn.
 
Khoảng 20 phút sau, xe dừng lại. Một cánh cửa nào đó mở ra nghe ken két. Nắp cốp xe bật lên và tôi nhìn thấy một cái nhà kho nào đó trong góc vườn. Những thằng đểu này đã đánh xe lui sát đến tận cửa kho nên khi tôi nhảy ra khỏi cốp xe là vừa vặn chui tọt vào ngay trong nhà kho. Ngay khi tôi vừa chạm đất, chiếc xe liền vọt tới và cửa kho đóng sầm lại tức khắc. Ngay sát bên dưới mái nhà có một vuông cửa sổ nhỏ. Ánh sáng rọi lờ mờ vào góc đối diện. Xung quanh toàn những thùng phuy, xô chậu, cuốc xẻng, thùng sơn, giẻ lau, vân vân. Tóm lại, còn tệ hơn cả cái chuồng nhốt chó tệ hại nhất. Sống ở đây, thà sống trong tù bên Nhật Bản còn sướng hơn.
 
Những tên trộm chó đứng bên ngoài ngay trước cửa, bàn luận.
 
– Bây giờ đưa nó đi đâu đây? – Một đứa hỏi.
 
– Tốt nhất là đăng tin ở mục rao vặt trên báo. – Đứa kia trả lời. – “Bán một con chó đực giống Labrador, đã qua trường lớp huấn luyện. Giá phải chăng”.
 
– Sao mày biết là nó đã qua trường lớp?
 
– Mày có dở hơi không thế? – Gã du côn cười vang. – Nó là chó dẫn đường. Mọi hiệu lệnh, mệnh lệnh nó hiểu hết, còn hơn cả mày đấy.
 
– Kiểu gì cũng phải cho nó sống ở nhà nghỉ ngoại ô này một thời gian đặng cho nó quen với hoàn cảnh mới.
 
– Thôi được rồi, trước khi thông báo rao vặt được đăng, tạm thời hẵng phải nuôi nó vậy.
 
Này, này, các quý cậu! Các cậu còn chưa biết tôi đâu. Cho đến khi xuống mồ tôi cũng không quên được những người từng được tôi dẫn đường. Đừng có mà hoang tưởng. Các cậu sẽ không đạt được ý muốn điên rồ của mình đâu. Dù các cậu có bán tôi đi đâu, bán cho ai, cuối cùng rồi tôi cũng sẽ bỏ trốn để về với những người thân yêu của mình thôi. Rồi người mua sẽ tìm đến gõ vào gáo dừa của các cậu. Lúc đó thì tha hồ mà “đếm tiền” nhé.
 
– Mà này, chúng ta chẳng có lấy một mảnh giấy chứng minh nguồn gốc, sổ lý lịch, sổ tiêm chủng… gì gì của nó cả. Làm thế nào bây giờ? – Một tên hỏi.
 
– Thì chính vì thế mới phải rao bán giá rẻ. – Tên kia trả lời. – Chúng ta sẽ nói rằng chủ của nó bị chết bất đắc kỳ tử, hoặc sẽ bịa ra một lý do chính đáng nào đó.
 
– Không ổn đâu, nguy hiểm lắm. Có lẽ phải đưa nó sang thành phố khác mà bán thì mới chắc ăn. Thậm chí phải đưa đi thật xa.
 
– Mày điên à? Một tiền gà, ba tiền thóc. Đưa nó đi xa để bán thì chẳng bõ tiền xăng. – Tên kia trả lời. – Không sao đâu, mày đừng lo…
 
Mấy tên cai ngục của tôi bỏ đi đâu mất.
 
Bây giờ thì phải tìm hiểu cái xà lim hôi hám này. Mẹ kiếp, lũ súc sinh ấy chẳng để ở đây cho tôi lấy một ngụm nước. Tống người ta vào ngục, đã không cho ăn thì chớ, lại không nghĩ đến chuyện cho người ta uống. Chẳng những thế, lại còn không chịu tháo băng đai. Quân dã man! Tôi là một con chó hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng tôi vẫn không thể nào không căm giận một số người. Xin các bạn hãy rộng lòng thứ lỗi cho tôi. Ngay cả các bạn cũng không thể gọi cái thứ người ấy là người theo đúng nghĩa. Thứ người ấy là gì? Thậm chí không được là chó nữa, mà chỉ là những con má…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.